(10.05.2024 – THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH) LÒNG ANH EM SẼ VUI

Phúc Âm: Ga 16, 20-23a

“Niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi đã sinh con rồi, thì bà mừng rỡ, không còn nhớ đến cơn đau, bởi vì đã có một người sinh ra đời. Các con cũng thế, bây giờ các con buồn phiền, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và niềm vui của các con không ai sẽ lấy mất được. Và trong ngày đó các con sẽ không còn hỏi Thầy điều gì nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn
mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.
Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn,
Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.
Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).
Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời.
Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).
Không có một Kitô giáo buồn.
Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,
bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia :
Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.
Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,
qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,
qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,
qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.
Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.
Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.
Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.
Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.
Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.
Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.
Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền.
Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.
Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.
Thế giới hôm nay là một thế giới buồn.
Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.
Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.
Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,
người ta lại không biết mình sống để làm gì.
Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,
không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,
nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,
nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).
Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,
nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.
Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,
người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ