SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 897, CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – B, 21/04/2024

 

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 10, 11 – 18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta.”

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Mục Tử Nhân Lành ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tâm Tình Sâu Rộng Của Mục Tử Nhân Lành Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Thước Đo Tình Yêu Là Sự Quan Tâm Cho Nhau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Tình Yêu Thiên Chúa Như Đại Dương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Mục Tử Nhân Lành Nắng Sài Gòn Trg 10
Tình Mục Tử Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Tiếng Gọi Trên Đồi Cao M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Ngợi Ca Mục Tử Nhân Lành Nắng Sài Gòn Trg 13
Tình Ca Mục Tử A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

———————————-

 

Mục Tử Nhân Lành

Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.
Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Người cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.
Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.
Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.
Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.
Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.
Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Giêsu hướng dẫn đoàn chiên bằng cách nào? Bằng quyền lực hay bằng tình yêu thương?
2- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Đức Kitô.
3- Bạn có cảm thấy trách nhiệm là mục tử của mình không? Bạn đã đối xử với đoàn chiên của mình thế nào?
4- Bạn nghĩ gì về đời sống tu trì? Bạn có cầu nguyện cho cha Xứ của bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————-

 

Tâm Tình Sâu Rộng Của Mục Tử Nhân Lành

‘Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó, nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ… Vậy đức Giêsu lại nói…’ Tôi có cảm tưởng khi tự đồng hóa mình với hình ảnh người mục tử tốt lành, Đức Giêsu đã không chỉ muốn khẳng định một khái niệm, một so sánh; đúng hơn Người đang muốn diễn đạt một tâm tình. Chính cái tâm tình ấy, chứ không phải là khái niệm hay ý tưởng (đã từng được diễn đạt trong Cựu Ước), là điều mà nhóm Pharisêu thủ lãnh thẳng thừng chối bỏ. Tâm tình mục tử độc đáo được Đức Giêsu áp dụng cho mình gồm hai yếu tố không thể tìm thấy nơi bất cứ một nhân vật nào khác, đó là:
– Yếu tố chiều sâu: “Anh gọi tên từng con… biết chiên của mình… và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”.
– Yếu tố chiều rộng: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về”.

Chiều sâu của tâm tình: Chiên nhận biết và nghe tiếng của mục tử… đó là điều xảy ra hết sức tự nhiên, như phản ứng tất yếu trước tâm tình của Người Mục Tử chân chính được biểu lộ bằng hành động. “Anh gọi tên từng con…” (câu 3) Người Do Thái thừa hiểu ‘gọi tên’ có nghĩa là gì (xem St 2:20; Lc 1:59-63). Khi khẳng định người mục tử ‘gọi tên từng con’, Đức Giêsu chắc hẳn muốn khẳng định sự trân trọng của Mục Tử đối với từng con chiên, bất luận chúng thế nào. ‘Gọi tên’ trong cách nói của người Do Thái hàm ý, giữa mục tử và chiên có một mối liên hệ nhân vị hết sức mật thiết, vừa mang nội dung thuộc về nhau, vừa nói lên trách nhiệm chăm sóc phát huy, lại vừa trân trọng giá trị riêng của mỗi con chiên trong hiện hữu cũng như trong sứ mệnh của chúng. Và còn hơn thế nữa, “Tôi biết chiên của tôi!” Cũng như ‘gọi tên’, người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa sâu sắc của từ ‘biết’ hơn hẳn chúng ta ngày nay (xem St 4:1; Lc 1:34). ‘Biết’ chính là kết hiệp bền chặt, là thấm nhập vào nhau, là truyền cho nhau sức sống trong yêu thương và quí chuộng. Nếu Mục Tử nhân lành quả là như thế, thì đúng là mối liên hệ giữa Người với chiên không còn gì là bình thường nữa, đúng hơn đã trở thành điên khùng rồi. “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi, nghe ông ấy làm gì!” (câu 20) Nhưng đối với bất kỳ con chiên Kitô hữu nào, thì đi sâu vào tâm tình đó mới quả thật là cả một khám phá, là ‘nghe và thấu hiểu được’ tiếng yêu thương – nhân ái khôn lường của Mục Tử Giêsu.

Chiều rộng của tâm tình: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về!” Có lẽ không mục tử nào lại có tâm tình khùng điên và phi lý đến thế: đã không thuộc ràn mình thì tại sao lại cất công đưa về, họa chăng là kẻ tham lam muốn chiếm đoạt? Phải, Vị Mục Tử Nhân Lành này quả thực là một mục tử vô cùng tham lam, chỉ vì cõi lòng của Người không chút hạn hẹp. Tình yêu dâng hiến đối với từng con chiên không ngăn cản Người tiếp nhận hết mọi con, không loại trừ bất cứ con nào, kể cả lúc chúng không thuộc về ràn của mình. Và không chỉ các chiên tốt lành khỏe mạnh, mà cả những con ốm đau ghẻ lở; không chỉ các chiên ngoan trong ràn, mà cả (đúng hơn, nhất là) những con tinh nghịch trốn chạy khỏi ràn; thậm chí cả các chiên thuộc các ràn tranh giành, đối kháng hoặc thù nghịch với Người. Con tim của Mục Tử này – và duy nhất chỉ có vị này trên trần gian – muốn ôm lấy tất cả, để… “hy sinh mạng sống” cho tất cả! Và rồi các chiên, một khi đã thuộc về ràn của Người, chắc hẳn sẽ không thể giữ cái thái độ hẹp hòi, khư khư bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình. Tâm tình trải rộng của vị Mục Tử phải trở thành tâm tình của từng con chiên trong ràn, để có thể “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần sám hối ăn năn”; đồng thời chấp nhận cả những thiệt thòi, nếu đôi khi có cảm thấy vị Mục Tử của mình nhẫn tâm ‘để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15: 4-7).

Trong tư cách linh mục tôi thiết nghĩ, nếu chỉ trong tư cách chiên mà tôi đã phải thấm nhập được vào cái tâm tình sâu rộng như trên, huống hồ chi là người, mà đôi khi vẫn thường được nhắc nhở trở nên ‘mục tử như lòng Chúa mong ước’. Nếu không liên tục chiêm ngắm vị Mục Tử Giêsu tự hiến trên thập giá, nếu không liên tục kết hiệp với Người, hỏi liệu tới khi nào tôi mới đáng mang danh là linh mục nhân lành của Chúa? Chính vì vậy mà sốt sáng cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, đối với bất cứ linh mục chân chính nào, cũng có tầm quan trọng sống còn. Cầu nguyện cho có được các linh mục thông minh tài đức không phải điều khó, cái khó là có được nhiều mục tử hội nhập được tâm tình rộng sâu của Mục Tử Nhân Lành Giêsu!

Ôi Mục Tử Nhân Lành, xin cho mọi linh mục của Chúa hiểu được tâm tình Chúa có đối với từng con chiên trong chính bản thân của chúng. Trong tư cách là chiên được Chúa chăn nuôi, chính con phải là người đầu tiên hiểu ra rằng Chúa đã đích danh ‘gọi tên’ con, và ‘biết’ con, bất chấp những yếu đuối của con. Xin Chúa gợi cho con nhớ rằng, mỗi khi được một ai đó gọi mình là linh mục, con cũng biết tiến sâu thêm một bước nữa vào tâm tình rộng sâu của vị Mục Tử Nhân Lành duy nhất. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

————————————————-

 

Thước Đo Tình Yêu Là Sự Quan Tâm Cho Nhau

Tài sản quan trọng nhất trong mỗi mối quan hệ chính là dành thời gian cho nhau. Dành thời gian cho nhau mới có thể quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Thế nên, nếu vợ chồng thường xuyên đặt những mối quan tâm khác lên trên người bạn đời của mình thì sớm muộn gì cuộc hôn nhân đó cũng nguội lạnh và hoá thành tro bụi. Nếu cha mẹ đặt mối bận tâm về công ăn việc làm, về sự nghiệp, về bè bạn mà bỏ bê con cái sẽ nảy sinh những đứa con thiếu giáo dục, sống tuỳ tiện theo ý mình.

Đáng tiếc nhiều người hôm nay đã không dành thời gian cho những người thân của mình. Không có thời gian cho nhau nghĩa là sự quan tâm với nhau đã không còn. Có thể quý vị đang tự biện minh cho mình rằng tôi không muốn thế, đó là do cuộc sống bận rộn, do tôi phải giữ các mối quan hệ xã hội, tôi phải hòa đồng với đồng nghiệp, tất cả những gì tôi làm là để cho cuộc sống của gia đình. Quý vị đã quên mất món quà giá trị nhất dành cho người ta yêu chính là sự quan tâm, chăm sóc, là khoảng thời gian bạn quây quần với họ.Chúng ta không hề sai khi lao động vất vả, cật lực để mang tới cuộc sống sung túc cho gia đình. Nhưngchúng ta nên nhớ, thước đo của hạnh phúc chưa bao giờ là tiền bạc, đó chính là tình yêu, sự quan tâm, là nụ cười của những người thân yêu.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục từ luôn sống vì lợi ích đàn chiên, luôn sống cho và vì đàn chiên. Người mục tử gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Nếu không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh vì tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên.
– Ngài yêu thương con người nên đã mang lấy thân phận con người để cùng đồng hành với con người. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống.
– Ngài đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ như một người đầy tớ phục vụ chủ nhân.
– Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho đàn chiên được sống.
– Ngài còn hiến mình thành lương thực nuôi dưỡng đàn chiên qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày.
– Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Hình ảnh người mục tử còn là hình ảnh của những người cha, người mẹ đang ngày đêm lo lắng bảo vệ con con cái. Các ngài đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc các con. Các ngài đã trải qua những mưa nắng khắc nghiệt của dòng đời để mang lại cơm no áo ấm cho đàn con. Các ngài đã chấp nhận chịu tiêu hao như hạt lúa chịu mục nát đời mình cho con cái lớn khôn.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử hết lòng vì đàn chiên. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ luôn hết mình hy sinh cho chúng ta. Cám ơn Chúa vẫn nuôi dưỡng chúng ta trên đồng cỏ xanh tươi là bàn tiệc Thánh thể, nhờ đó mà ta được no thoả ân tình của Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể. Xin đừng bao giờ để tâm hồn mình bị chết đói, chết khát ngay bên nguồn nước trong lành với đồng cỏ xanh tươi là Bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu với tình mục tử đã dọn sẵn cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————

 

Tình Yêu Thiên Chúa Như Đại Dương

Steve Jobs là một thiên tài về tin học và là nhà sáng chế nổi bật người Mỹ trong thời đại chúng ta. Ông đạt được nhiều thành công vang dội trong lãnh vực công nghệ thông tin. Ông là nhà sáng lập, là chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là cha đẻ của điện thoại Iphone và Ipad.

Tiếc thay, ông bị mắc chứng ung thư tuyến tụy và dù hết sức chạy chữa để dành lại sức khỏe và sự sống, ông đã phải qua đời ngày 5 tháng 10 năm 2011, khi được 56 tuổi.
Trong thời gian nằm bệnh viện để điều trị chứng bệnh quái ác, ông tâm sự rằng:
“Nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn.”

Đúng vậy, Jobs có thể thuê nhiều người lái xe thay mình để đưa ông đi khắp nơi, có thể thuê hàng chục ngàn nhân công để phục dịch cho mình; nhưng dù có cả núi tiền, Jobs cũng không thể thuê người mang bệnh ung thư giùm cho ông hay chết thay cho ông!
Sở dĩ không thuê được là vì không có ai trên đời chấp nhận chết thay cho người khác được sống, với bất cứ giá nào.

Thế mà Chúa Giêsu, là Thiên Chúa cao cả và đầy quyền năng, đã tự nguyện mang lấy tội lỗi chúng ta, mang án phạt của chúng ta để ta khỏi chịu khổ hình do tội mình gây nên và tự nguyện chết thay để chúng ta được sống đời đời… Đây là hồng ân vô cùng tuyệt vời và cao quý Ngài ban tặng cho chúng ta.

Qua bài Tin Mừng trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là người chăn chiên tốt lành và sứ mạng cao cả của Ngài là hy sinh chịu chết để bảo vệ chiên, để cứu chiên khỏi chết. Ngài nói:
“Tôi là Mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Chưa từng có mục tử nào trên đời yêu mến chiên và hy sinh cho đoàn chiên đến thế!
Và Chúa Giêsu lặp lại câu này lần thêm hai lần nữa: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…” và “Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình…”
Cụm từ “hy sinh mạng sống” được Chúa Giêsu nhắc lại ba lần trong một bài giảng ngắn, để nhấn mạnh vai trò và sứ mạng của Ngài là chịu chết cho muôn người được sống.

Tôi tớ thấp hèn tự nguyện chết thay cho ông chủ cao sang quyền quý, hay người dân đen cùng khốn tự nguyện chết thay cho đức vua cao trọng, hoặc con cái trong gia đình chết thay cho cha mẹ tốt lành… là điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.
Phải có một tình yêu vô cùng lớn lao thúc đẩy thì người ta mới có thể tự nguyện chết thay cho người khác.
Ai yêu thương đến độ chết thay cho người khác là đã đạt tới tột đỉnh của tình yêu.

Thế mà Chúa Giêsu, là Chúa Tể trời đất, là Đấng rất cao cả và đầy quyền năng, chấp nhận chết thay cho loài người thấp hèn, tội lỗi, để cho ta được sống muôn đời với Chúa, là điều vượt quá trí hiểu của con người.
Điều này chứng tỏ tình thương Ngài dành cho chúng ta lớn lao như đại dương không bờ, không đáy.

Lạy Chúa Giêsu. Nếu chúng con bị tuyên án tử hình mà có người nhận tội thay và chịu chết thay cho chúng con thì tuyệt vời biết bao, hạnh phúc biết dường nào! Chúng con sẽ yêu mến người đó hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự suốt cả đời mình.
Thế mà Chúa là Chúa tể trời đất, đã mà hạ mình xuống thế ở với chúng con, chăm sóc chúng con ân cần chu đáo như người chăn chiên tốt chăm lo cho đoàn chiên, đã ấp ủ chúng con như mẹ hiền ôm ẵm con thơ và thậm chí còn hiến thân chịu chết cho chúng con được sống muôn đời… thì chúng con lại thờ ơ hững hờ, vô cảm vô tâm trước tình yêu cao vời của Chúa.
Xin Chúa tha thứ cho chúng con về tội vô tâm này và giúp chúng con từ nay luôn yêu mến Chúa hết lòng chúng con. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

—————————————

 

Mục Tử Nhân Lành
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)

Mục Tử Nhân Lành sáng chữ Tâm

Yêu chiên bảo vệ dẫu thăng trầm

Cỏ xanh tươi tốt nuôi bồi dưỡng

Suối mát trong lành nghỉ bóng râm

Chăm sóc bảo ban đường chính nghĩa

Kiếm tìm dạy dỗ bước sai lầm

Liều mình thí mạng loài lang sói

Thịt – Máu thần lương đượm Phúc Âm.

Hạt Nắng

 

———————————–

 

Tình Mục Tử
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)

Nỗi ray rứt dày vò sâu thẳm,
vết thương lòng gậm nhấm đau thương.
Xót xa lâm cảnh đoạn trường,
đam mê trần thế lạc đường tâm linh.

Mang gánh nặng niềm tin u tối,
như chiên hoang lạc lối quay về.
Cảm thông nỗi khổ ê chề,
Chúa tìm con giữa sơn khê đại ngàn.

Tình Mục Tử nồng nàn ấp ủ,
giải thoát con sóng dữ cuồng phong.
Đương đầu lang sói tấn công,
đưa con về tắm suối trong ân tình.

Hồn nên sạch tâm linh mạnh sức,
dưỡng nuôi con lương thực thần linh.
Rượu nồng – giọt máu hy sinh,
Bánh thơm – chính thịt thân mình hiến dâng.

Tình Mục Tử “Xin Vâng” cạn chén,
trái tim nồng dâng hiến vì yêu.
Dâng mình hy lễ toàn thiêu,
tình nào khôn sánh huyền siêu hơn Ngài.

Đời chiên hạnh phúc, thái lai,
nhờ người Mục Tử miệt mài dấn thân.
Phúc thay hai tiếng “Nhân Lành” …

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

———————————–

 

Tiếng Gọi Trên Đồi Cao
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”,
“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… chúng sẽ nghe tiếng tôi”.
(Ga 10, 11 – 16)

Trong xót xa, tủi hờn, nơi đồng hoang phù du,
giông tố giăng mây mù, bạc tiền ngăn chặn lối.
Đời sa lầy tăm tối, mật đời, đắng bờ môi,
lê tấm thân rã rời, lạc lõng, kiếp chiên hoang.

Trong gió mưa đại ngàn, vang lời ru tình yêu,
hy lễ dâng ban chiều, ngọn đồi xưa vọng mãi.
Giêsu sầu tê tái, gục đầu, máu lệ rơi,
mở trái tim gọi mời, tìm kiếm, đời chiên hoang.

Con đã nghe, Chúa ơi! Tiếng gọi đồi cao,
Mục Tử Nhân Lành tự hiến, mối tình dâng trao.
Còn tình yêu nào cao quý và lớn lao hơn,
sẵn sàng liều mình, gìn giữ, chiên thoát lao đao.

Con đã nghe, Chúa ơi! Tiếng vọng tình yêu,
Mục Tử Nhân Lành gọi con, giã từ hoang liêu.
Về đồng xanh êm, thơm mát, bồi dưỡng tâm linh,
suối trong đắm mình, thanh thoát, xác hồn tươi xinh.

Theo Chúa Chiên về ràn, nghe gọi tên từng con,
trong sướng vui ngập tràn, nguyện cầu dâng cuộc sống.
Đồi cao lời trăn trối, theo Ngài, lướt trùng khơi,
giăng lưới trong giòng đời, tìm kiếm, đời chiên hoang.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

—————————————-

 

Ngợi Ca Mục Tử Nhân Lành
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)

Lang thang đồng hoang, tái tê tiếng chiên lạc đàn,
đam mê phu du, sa lầy, tâm hồn mù quáng.
Lạc loài bơ vơ, giữa giòng đời, chiên biết về đâu,
nỗi đau dày vò, nhức nhối, vết thương hằn sâu.

Hy sinh vì chiên, dấn thân kiếm chiên về ràn,
ra đi tìm chiên, sẵn sàng, đương đầu lang sói.
Liều mình vì chiên, hiến thân mình, tuôn máu lệ rơi,
chết treo trên đồi, hy lễ mới, mãi còn ngân vang.

Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành,
gọi tên từng con, đưa về đồng xanh, suối mát.
Cỏ non thơm ngát, bên giòng nước trong,
trái tim ấm nồng, cho chiên nguồn hạnh phúc.

Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành,
rượu ngon nồng say, nên nguồn hồng ân Máu Thánh.
Bánh thơm trinh trắng, lương thực Đức Tin,
thánh ân dồi dào, Lời Chúa, sức mạnh thần linh.

Hoan ca tình yêu, tín trung bước chân vào đời,
loan tin mọi nơi, Chúa Chiên Lành, cứu chuộc thế giới.
Hòa bình yêu thương, sống chan hòa, hạnh phúc yên vui,
bước theo chân Người, làm mục tử, xây đời thắm tươi.

Nắng Sài Gòn

 

———————————–

 

Tình Ca Mục Tử
CN IV PS – Chúa Chiên Lành – (Ga 10, 11 – 18)

Tình yêu Chúa cao vời khôn ví,
đã hiến thân thí mạng vì con.
Hy sinh cam chịu roi đòn,
chết treo thập giá sắt son bền lòng.

Là Mục Tử – máu hồng minh chứng,
bảo vệ chiên chịu đựng gian nguy.
Hiểm nghèo trên bước đường đi,
chống loài sói sữ kiên trì liều thân.

Đời chiên lạc muôn phần khốn khó,
sống lang thang, gian khổ, bơ vơ.
Trái tim Mục Tử mong chờ,
khắc khoải tìm kiếm bụi bờ trần gian.

Tình Mục Tử ngút ngàn nồng thắm,
thấu hiểu chiên sâu thẳm tâm tư.
Tình yêu ấp ủ nhân từ,
đưa về đoàn tụ an cư một nhà.

Chăm sóc chiên chan hòa suối mát,
đồng cỏ non xanh ngát nghỉ ngơi.
Thần lương bồi dưỡng tuyệt vời,
Mình Máu Thánh Chúa cùng Lời Ngài trao.

Chiên được sống dồi dào, mạnh khỏe,
hạnh phúc reo vui vẻ hân hoan.
Tình yêu chiên được kiện toàn,
sống đời chia sẻ theo đàng Ngài đi.

Lòng chiên hát khúc tình si,
bài ca Nhân Chứng bước đi oai hùng.
Bước theo Mục Tử kiên trung…

AP. Mặc Trầm Cung