I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu câu chuyện truyền tin chỉ xẩy ra giữa Thiên Chúa với những người Do-thái là Đức Maria và Thánh Giuse thì câu chuyện Giáng Sinh đã không còn là câu chuyện chỉ của Thiên Chúa với những người Do-thái nữa mà đã là câu chuyện của Thiên Chúa với những người dân ngoại. Ba nhà chiệm tinh hay là ba vua từ Phương Đông tìm đến Bêlem để bái yết vua dân Do-thái là đại diện của chư dân thời đầu Công Nguyên. .
Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay chẳng những chúng ta được mời gọi cử hành việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua những ngôi sao xuất hiện trên bầu trời mà còn được gợi ý là chúng ta phải trở thành những ngôi sao hay ánh sáng hướng dẫn những người xung quanh nhận ra Chúa, nhất là những người chưa biết chưa tin Chúa.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12: Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12: Bài Phúc âm hôm nay có những yếu tố đáng quan tâm là
3.1 Mấy đạo sĩ (hay nhà chiêm tinh hay vua) từ Phương Đông là những người tu đạo hay là những người nghiên cứu thiên văn hay là những ông hoàng,tức là những có trinh độ, địa vị và hiểu biết về thiên văn. Các ngài còn là những người biết đọc “các dấu chỉ của thời đại” nên khi thấy ngôi sao lạ xuất hiện trên bầu trời thì các ngài hiểu ngay được ý nghĩa của hiện tượng bất thuờng ấy mà lên đường đến Giêrusalem để tìm gặp vua dân Do-thái.
3.2 Ngôi sao lạ xuất hiện ở Phương Đông: “Có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”.
Và ngôi sao lạ lại xuất hiện ở Giêrusalem: “Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng”
3.3 Phản ứng của vua Hêrôđê và các đại giáo trưởng và luật sĩ Do-thái: “Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
“Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”.
3.4 Hài Nhi và Mẹ Người: “Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người”
3.5 Lễ vật dâng tiến Hài Nhi: “Và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược” Ba đạo sĩ quỳ gối xuống sụp lạy Người và dâng lễ vất là vàng, nhũ hương và mộc duợc thể hiện sự quy phục và tôn thờ Hài Nhi mà các ông vửa gặp.
Kết luận: Như vậy là mấy vị tu đạo đã tìm thấy Vị Lập Đạo, mấy nhà chiêm tinh đã tìm ra vị Tạo Dựng vũ trụ ngàn sao và mấy vua trần gian đã bái thờ Vua các vua, Chúa các chúa!
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:
4.1 Ý nghĩa của câu chuyện xưa: là Thiên Chúa làm người hay Hài Nhi Giêsu đã tỏ mình ra cho dân ngoại được mấy nhà đạo sĩ đóng vai đại diện. Hài Nhi Giêsu không chỉ tỏ mình ra là một hài nhi bé bỏng mà còn tỏ ra là Vị Vua cao cả, của dân Do-thái và của các dân tộc khác.
Là Kitô hữu của thế kỷ XXI, chúng ta cũng đã được Thiên Chùa làm người tỏ mình ra cho chúng ta và ban ơn đức tin cho chúng ta, chúng ta không thể không trân trọng biết ơn Thiên Chúa!
4.2 Sứ điệp dành cho chúng ta ngày nay: Có hai khá cạnh: Một là chúng ta phải tỉnh thức để đón nhận những soi sáng của Thiên Chúa để nhận ra và đón nhận Người qua các biến cố cá nhân hay cộng đồng; Hai là mỗi người, mỗi gia đình chúng ta phải trở thành ánh sao soi sáng và hướng dân các cá nhân và gia đình khác nhận ra Chúa trong cuộc đời của họ.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô. Người đã tỏ mình ta cho dân ngoại. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin
1.- «Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”» Chúng ta hãy dâng lời cấu xin cho càng ngày càng có nhiều người tìm kiếm Chúa Giêsu là vua của người Do thái và cũng là vua của muôn dân.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho các nhà cầm quyền và các nhà trí thức đễ họ dùng quyền lực và hiểu biết của mình cho những công việc ích nước lợi dân.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả giáo dân để mọi Kitô hữu biết nhận ra ngôi sao chỉ đường mà Thiên Chúa gửi đến cho họ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi giáo dân tôn thờ Thiên Chúa và dâng tiến những của lễ tốt đẹp sang trọng nhất cho Thiên Chúa để tỏ lòng tuấn phục và yêu mến!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con. Tại Bêlem Chúa Giêsu Hài Nhi đã tỏ mình ra cho ba đạo sĩ tượng trưng cho dân ngoại và Chúa Giêsu Hài Nhi đã nhận những lễ vật quý giá từ các đạo sĩ ấy. Xin cho chúng con được ơn nhận biết và suy phục Người. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 6 tháng 1 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐỌC THÊM
THẮP LÊN MỘT NGỌN NẾN
(Suy niệm lễ Hiển linh)
Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay được vang lên như một thôi thúc, kêu gọi chúng ta phải toả sáng: “Hãy đứng lên, bừng sáng lên! … Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư dân…” (Is 60,1-6).
Hôm xưa, Thiên Chúa đã nhờ ngôi sao lạ để soi đường dẫn lối cho các nhà chiêm tinh ngoại giáo đến thờ lạy Chúa hài nhi tại Bê-lem, thì hôm nay, Ngài cũng cậy nhờ chúng ta như những ánh sao Bê-lem mới để dẫn đưa muôn dân về với Chúa (Mát-thêu 2, 1-12). Chúa Giê-su dạy: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14.16).
Và thánh Phao-lô kêu gọi: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ… anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Philip 2,15).
Nếu chúng ta không thể là “ánh sáng cho trần gian” như lời Chúa Giê-su truyền dạy hoặc không thể là “ngôi sao trên vòm trời” như lời thánh Phao-lô mời gọi, thì ít nữa, chúng ta cũng phải là một “ngọn nến” nhỏ trong gia đình, trong khu xóm của chúng ta.
Cùng nhau thắp nến
Một ngọn nến nhỏ không toả sáng nhiều, nhưng nhiều ngọn nến được đốt lên sẽ làm sáng tỏ cả một không gian khá lớn. Một việc làm tốt chưa có ảnh hưởng bao nhiêu, nhưng nhiều việc tốt gộp lại sẽ mang lại ảnh hưởng lớn.
Trong đêm vọng phục sinh, sau nghi thức làm phép lửa và nến phục sinh, đang khi cả nhà thờ chìm trong bóng tối, ánh nến phục sinh trong tay linh mục chủ tế từ cuối nhà thờ từ từ tiến lên, tiến lên… Ánh lửa này được thắp cho vài cây nến nhỏ của các em lễ sinh và các ngọn lửa từ tay lễ sinh lại truyền qua cho những người kế cận… Thế rồi chỉ trong chốc lát, cả nhà thờ bừng sáng trước hàng trăm ngọn nến lung linh.
Nếu chúng ta để cho ánh lửa của yêu thương và việc tốt bừng cháy lên trong đời mình, và để cho lửa ấy tiếp tục lan sang những người kế cận… thì hy vọng một ngày không xa, cả phố phường làng mạc sẽ bừng sáng.
Mỗi ngày làm một việc tốt
Hằng ngày, các phương tiện truyền thông như báo chí, mạng xã hội, truyền hình… đề cập đến nhiều thứ “bóng tối” đang bao trùm xã hội. Đó là những tệ nạn lan tràn khắp nơi.
Trước tình hình đó, người thì quy trách cho các nhà giáo dục; người khác thì đổ lỗi cho thế lực nầy, cho tổ chức kia… Thế rồi người ta đua nhau nguyền rủa “bóng tối” mà không chịu thắp lên một ngọn đèn. Làm như thế thì “bóng tối” ngày càng lan rộng, càng dày đặc thêm.
Tại sao chúng ta không thắp lên một “ngọn nến nhỏ” cho gia đình hay thôn xóm mình mà lại ngồi khoanh tay nguyền rủa “bóng tối”? Mỗi người hãy cố gắng thắp lên nơi mình một ngọn nến ngay từ hôm nay.
Mỗi người hãy thắp nến của mình bằng cách làm một việc tốt, như mỉm cười chào hỏi người hàng xóm khó thương, ủi an người gặp khó khăn gian khổ, thăm người già yếu bệnh tật… Nay một việc tốt, mai một việc tốt, mỗi tháng có đến 30 việc tốt, mỗi năm có 365 việc tốt thì thật tuyệt vời!
Nếu chúng ta nhẫn nại thắp nến hằng ngày như thế, chắc chắn, bóng tối sẽ bị đẩy lùi, ánh sáng sẽ toả lan, gia đình và làng xóm sẽ an vui hạnh phúc.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp mỗi người chúng con quyết tâm làm một việc tốt mỗi ngày. Đó là bổn phận của người tín hữu vốn là ánh sáng trần gian. Đó là lễ vật cao đẹp mà Chúa ưa thích và chờ đợi nơi chúng con mỗi ngày. Đó cũng là ánh nến nhỏ mà chúng con cần phải thắp lên để đẩy lùi bóng tối đang bao phủ phố phường, thôn xóm chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà