SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 881, LỄ THÁNH GIA, 31/12/2023

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 22 – 40)

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Gia Đình Là Con Đường ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đến Ngày Lễ Thanh Tẩy Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Gia Đình Có Chúa Thì Nan Đề Sẽ Được Giải Quyết Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Gia Đình Kitô Hữu Cũng Là Thánh Gia Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Gương Thánh Gia Hạt Nắng Trg 10
Gương Thánh Gia Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Gương Thánh Gia M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Gương Thánh Gia Nắng Sài Gòn Trg 13
Lặng Lẽ Cung Trầm A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

—————————————–

 

Gia Đình là Con Đường

Tục ngữ Việt nam có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Đứa con nào cũng ít nhiều mang khí huyết của cha, mang thịt máu của mẹ.

Nếu trong sinh học, yếu tố di truyền là tất yếu thì trong đời sống luân lý, nề nếp gia phong cũng ảnh hưởng sâu xa đến con người. Trẻ thơ vốn dễ bắt chước. Đứa trẻ lớn lên trong gia đình sẽ nói ngôn ngữ của cha mẹ, học lề thói cư xử của anh chị, tiếp thu những quy ước, hít thở thấm tẩm bầu khí gia đình. Gia đình là vườn ươm. Vườn ươm cung cấp những tố chất đầu tiên cho cây giống. Những tố chất tốt sẽ giúp cây lớn mạnh, sinh hoa kết quả tốt đẹp. Gia đình là con đường. Con đường thẳng sẽ dẫn trẻ đạt ước mơ, lý tưởng.

Qua bài Tin Mừng, ta thấy Thánh Gia thật là một vườn ươm tốt đẹp đã ấp ủ hạt mầm Giêsu, một con đường thẳng tắp đưa Đức Giêsu tiến trên con đường vâng phục Thánh Ý Chúa Cha.

Thánh Giuse và Đức Maria đưa Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa. Thực ra luật Môsê không buộc phải đưa con lên Đền Thờ, chỉ buộc nộp một số tiền nếu đó là con đầu lòng (Xh 13,13; 34, 20). Việc dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ cho thấy Thánh Gia nhiệt thành chu toàn lề luật và tha thiết gắn bó với Đền Thờ.

Sự nhiệt thành đối với lề luật và tha thiết với Đền Thờ còn được tỏ lộ qua việc hằng năm các ngài hành hương lên Giêrusalem. Đức Giêsu bắt đầu được tham dự cuộc hành hương khi lên 12 tuổi.

Như những người Do-thái thuần thành, hằng tuần các ngài vào hội đường Nazareth để đọc và nghe Sách Thánh. Việc đến hội đường vào ngày Sa-bát đã trở thành thói quen của gia đình và sau này Đức Giêsu vẫn duy trì. Tất cả những nề nếp đó in sâu vào Đức Giêsu.

Đức Giêsu tha thiết với Đền Thờ nên không những giữ trọn luật hành hương mà Người còn ra công tẩy uế (x. Ga 2, 13-17). Đức Giêsu yêu mến Đền Thờ đến nhỏ lệ thương cho Đền Thờ sẽ bị tàn phá cùng với Thành Thánh Giê-ru-sa-lem (x. Lc 19, 41; 21, 5-6). Đức Giêsu yêu mến lề luật nên không huỷ bỏ dù là một chấm, một phẩy, mà chỉ kiện toàn cho luật nên hoàn hảo (x. Mt 5, 17). Đức Giêsu vẫn thường xuyên vào Hội Đường, nên khi trở về thăm làng quê Nazareth, “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4, 16).

Xem thế đủ biết nề nếp đạo đức gia đình đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Đức Giêsu như thế nào. Chắc chắn Đức Giêsu không chỉ thừa hưởng từ nơi Thánh Giuse và Đức Maria lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa, mà còn thừa hưởng nơi các ngài sự mau mắn vâng phục Thánh Ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, sự chuyên chăm làm việc, sự ân cần âu yếm với con cái… mà ta thấy bàng bạc trong những lời Người giảng dạy và nhất là trong đời sống của Người. Chính trong bầu khí gia đình nề nếp ấy, Đức Giêsu đã phát triển về mọi mặt, “càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt mầm trẻ thơ có lớn mạnh được là nhờ vườn ươm có đầy đủ nước, phân bón và đất tốt. Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành bổ dưỡng thì trẻ thơ mới phát triển được về mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng, có định hướng thì tương lai trẻ thơ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt.

Lạy Thánh Gia, xin nâng đỡ gia đình chúng con.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

—————————————-

 

Đến Ngày Lễ Thanh Tẩy

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới Thánh Gia Thất, không trong khung cảnh đời sống gia đình mà trong bối cảnh phụng tự hay đúng hơn trong bối cảnh luật pháp thời đó. Sách Lêvi qui định việc thanh tẩy và tiến dâng như sau: “Khi người đàn bà có thai và sinh con trai, thì sẽ ra ô uế trong vòng bảy ngày… rồi sẽ người đàn bà phải đợi ba mươi ngày cho máu được thanh tẩy… khi mãn thời gian thanh tẩy, dù sinh con trai hay con gái, nó phải đem đến cho tư tế… và tư tế sẽ tiến dâng chúng trước nhan Đức Chúa và cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ được thanh tẩy sau khi đã xuất huyết” (Lv 12:1-8; chi tiết hơn xin đọc Xh 13:2.13.15); và đó là quy định cụ thể của luật pháp xã hội và tôn giáo Do Thái. Ngày nay chúng ta gọi biến cố được quy định này cách vắn gọn và thanh tao hơn: ‘Tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa’. Như vậy, ngoài ý nghĩa ‘dâng hiến’ cao đẹp mang tính thần học vẫn thường được giảng dạy, qua bài Tin Mừng hôm nay Thánh gia muốn nói cho chúng ta điều gì trong chiều kích cụ thể của đời sống gia đình hàng ngày?

Thời buổi nào thì hôn nhân gia đình cũng là lãnh vực bị chi phối và ràng buộc bởi nhiều qui định hợp lý hay không hợp lý của từng dân tộc; Thánh Gia cũng không phải là luật trừ…, và “bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa… như đã chép trong Luật Chúa”. Chúng ta biết rằng: ‘các dân tộc nguyên thủy hay đối lập dòng máu cao quý và thanh sạch của người đàn ông – dòng máu thường đổ ra nơi chiến trường, với dòng máu ô uế của phụ nữ những ngày hành kinh: những chuyện sinh nở và kinh nguyệt của phụ nữ gây ra lo lắng cho nam giới, vì thế họ áp đặt các tiêu chuẩn và làm ra những luật lệ, và họ đòi phải làm các nghi thức thanh tẩy’ (xem lời bình giải Lv 12:1-8 của ‘Lời Chúa cho Mọi Người’). Biến cố mà chúng ta ghi nhớ hôm nay hé mở cho thấy một giải pháp cho vấn đề khá tàng ẩn, nhưng lại rất quan trọng trong đời sống Thánh Gia và trong đời sống mỗi gia đình chúng ta nhất là hôm nay, trong một xã hội chuyển động với những giao lưu, gia đình đa truyền thống, đa văn hóa ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh như thế, thì bài học Thánh Gia này càng có tầm quan trọng lớn!

Đức Tin và Tin Mừng, nhất là trong lãnh vực gia đình, không những không xóa bỏ các luật lệ của xã hội loài người, mà còn chấp nhận và phát triển trong những qui định của nó; thật vậy: các qui định luật lệ khắt khe thì xã hội nào cũng có, tuy rằng sẽ chuyển biến với thời gian. Tuy nhiên, đôi khi nhân danh truyền thống người ta bảo thủ giữ lại những điều đã lỗi thời không còn ý nghĩa nữa; và đó là một trong các nguyên nhân dẫn tới sung khắc gia đình khá thường xuyên và đôi khi rất gay gắt tới độ không hàn gắn được nữa. Ta có thể tìm ra được một giải pháp nào cho vấn đề này không? Các nhà tâm lý và xã hội đang nỗ lực rất nhiều làm công việc này, với nhiều kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên đối với chúng ta, các Kitô hữu: giải pháp căn cơ nhất dĩ nhiên phải xuất phát từ Tin Mừng. Vậy ta hãy xem Thánh gia đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Đơn giản Thánh Gia đã trung thành với qui định của lề luật, nhưng trong một tinh thần Tin Mừng sâu sắc. Cả Giuse lẫn Maria đều âm thầm chu toàn các điều đã được ấn định, nhưng trong lòng hằng nghiền gẫm Tin Mừng cứu độ; “Còn Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Chính trong suy gẫm này mà mãi lâu sau này, Maria vẫn còn ghi nhớ bài ca mà cụ ông Simêôn đã cất lên: “…Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”. Phải! Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải đi vào mọi lãnh vực đời sống của muôn dân muôn nước, vào môi trường gia đình cũng như mọi lãnh vực khác của đời sống con người. Việc thâm nhập của Tin Mừng cứu độ đó, được biểu lộ cách hữu hình qua hình hài ‘cháu bé’ mà Maria ôm ãm trên tay, và lúc này đây đang nằm gọn trong vòng tay tiếp nhận của cụ ông, chính là để các truyền thống, các văn hóa, các luật lệ được bộc lộ cái giá trị đích thực của chúng; “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên; cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống đối, và như vậy ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”. Quả thật, sau này Đức Giêsu đã vạch trần thâm tâm của nhiều người tự coi mình là Israel chân chính, đó là các thượng tế, luật sĩ và các Biệt Phái,trong việc giữ các truyền thống và lề luật của họ…, để rồi cho thấy, chúng chẳng có gì là Tin Mừng cả; cũng chính vì sự vạch trần này mà Người đã bị chống đối và giết chết.

Thế đấy, ước gì Tin Mừng của Đức Kitô có thể hiện diện cách hữu hiệu trong gia đình chúng ta cũng như đã từng hiện diện nơi Thánh Gia, để chúng ta cũng dần dần Tin Mừng hóa những qui định ràng buộc của xã hội nhân loại theo định hướng tình yêu, không những đối với Thiên Chúa, mà nhất là đối với nhau, đối với con cái, và đối với cận thân. Chỉ lúc đó, vâng, chỉ lúc đó các qui định gia thất không chỉ có giá trị truyền thống mà còn làm lộ rõ giá trị Tin Mừng đích thực.
Biến cố thanh tẩy theo luật định, được chọn để đọc trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, thật có ý nghĩa và thiết thân đối với các gia đình Kitô hữu chúng ta biết bao!

Lạy Thánh Gia Thất, xin giúp con sống sự thanh tẩy ngay trong đời sống cộng đoàn hiện nay đang là gia đình của con. Những khác biệt về truyền thống, văn hóa, nhất là về tính tình chắc chắn là chuyện như cơm bữa mà con phải giáp mặt hàng ngày. Xin chiếu ánh sáng Tin Mừng tình yêu nhân ái trên chúng, nhưng nhất là trên chính con, để con có thể làm lộ ra một Thiên Chúa nhân ái và giầu lòng xót thương từ trong chính thâm tâm của con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————-

 

Gia Đình Có Chúa Thì Nan Đề Sẽ Được Giải Quyết

Ngày kết hôn là ngày đôi nam nữ đi vào tình yêu. Tình yêu của họ nên một với nhau và làm nên một gia đình. Từ nay họ sẽ viết lên một trang sử tình yêu đầy thơ mộng và lãng mạn.
Có một nhà giảng thuyết đang nói về tình yêu và hôn nhân cho các gia đình trẻ. Ông nói rằng:
– Hôn nhân là bến đỗ hạnh phúc của “hai con tàu yêu thương đã cặp bến”.
Một người đàn ông liền cất tiếng hỏi:
– Thưa thuyết trình viên, có đúng như lời ông nói không?
– Đúng chứ.
– Thưa ông, vậy thì tôi đã gặp phải “con tàu chiến” rồi. Bởi vì chúng tôi gặp nhau là cãi nhau …

Kính thưa cộng đoàn, ngày kết hôn là ngày hai con tàu cập bến, nhưng quý vị nhìn người bạn đời của mình là con tàu chiến hay là con tàu yêu thương tuỳ thuộc vào tình yêu mà quý vị dành cho nhau. Nếu yêu nhau thật lòng thì tình yêu sẽ giúp cho quý vị bao dung với nhau vì “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”. Đối với Kitô giáo thì “Tình yêu là sự kiên nhẫn, tình yêu là sự ân cần. Nó không thô lỗ, nó không tự tìm kiếm, nó không dễ dàng tức giận, nó không có ghi chép sai. Nó luôn luôn bảo vệ, luôn luôn tin tưởng, luôn luôn hy vọng, luôn luôn kiên trì. Tình yêu không bao giờ hư mất”. (1 Cor 13, 4-8a).

Thực ra, nói về tình yêu thì dễ nhưng thực hành tình yêu trong mọi hoàn cảnh là điều không phải ai cũng làm được. Nhất là phải song hành với một con tàu chiến luôn gây phiền phức cho mình thì làm sao ta có thể yêu nhau mãi mãi được?

Đây là vấn đề nan giải của nhiều gia đình. Vợ chồng xung khắc với nhau. Làm sao chịu đựng được nhau mãi mãi? Trong Kinh Thánh có nói đến tình yêu của ông Giacóp dành cho vợ mình là Rakhen thật sâu đậm. Rakhen được Giacóp yêu mến, nhưng “Rakhen thấy mình chẳng sanh con …, thì đem lòng ghen ghét chị, nói cùng Giacóp rằng: “Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết.” (St 30,1). Giacóp: “…nổi giận cùng Rakhen mà rằng: Há ta được thay quyền Ðức Giavê, mà không cho ngươi sanh sản sao?” (St 30, 2). Bà thì trách móc, Ông thì nổi giận. Hai vợ chồng nầy rất yêu nhau, nhưng bây giờ gây gổ nhau. Nhìn cách đối xử của ông Giacóp ta thấy ông rất kiểm soát cảm xúc của mình. Không quát tháo, không nóng giận mà ông đã nói lên thẩm quyền của Giavê Thiên Chúa. Giacóp nhìn nhận Ðức Chúa làm chủ gia đình, để Chúa hướng dẫn gia đình.

Hôm nay mừng Lễ Thánh Gia Thất là dịp để chúng ta xác tín hơn về hạnh phúc gia đình chỉ nhờ tình yêu với nhau chưa đủ, mà còn thực thi lời Chúa. Khi chúng ta làm theo lời Chúa thì quyền năng Chúa sẽ hiển thị trong cuộc đời chúng ta. Từ kinh nghiệm này nên Mẹ Maria đã nói với các gia nhân trong tiệc cưới Cana rằng: “Người bảo giờ anh em cứ làm như vậy”. Các gia nhân đã làm theo và họ nhận được 6 chum từ nước đã hoá thành rượu.

Như thế, khi chúng ta tin tưởng và thi hành ý muốn của Chúa thì Chúa sẽ luôn nâng đỡ, trợ giúp chúng ta. Gia đình có Chúa hiện diện thì nan đề được giải quyết. Bởi vì, nan đề là của con người nhưng quyền năng Chúa sẽ hoá giải mọi nan đề. Từ sự thiếu thốn trở thành dư dật. Từ thất vọng thành lạc quan. Từ đau khổ thành niềm vui hạnh phúc.

Xin Chúa cho các gia đình luôn nhận được sự trợ giúp của Chúa để vượt qua những nan giải nơi gia đình mình. Xin cho mọi thành viên trong gia đình luôn biết lắng nghe và thực hành lời Chúa nhờ đó mọi lời cầu xin của họ luôn xứng đáng được Chúa nhận lời. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

—————————————–

 

Gia Đình Kitô Hữu Cũng Là Thánh Gia

Một giảng viên giáo lý đặt câu hỏi với các học sinh: “Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Vậy, Thầy hỏi các em: Trong Hội thánh Công giáo, có bao nhiêu thánh gia?”
Cả chục cánh tay giơ lên xin trả lời vì xem ra câu hỏi nầy dễ ợt. Khi giảng viên mời lần lượt từng em cho câu đáp, tất cả các em đều chung một ý kiến: Chỉ có một thánh gia mà thôi, đó là thánh gia của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse.
Giảng viên giáo lý cho rằng như vậy chưa chính xác. Các em tỏ ra ngạc nhiên pha lẫn nghi ngờ.
Giảng viên mời bạn Hùng đứng lên và hỏi:
– Gia đình em có bao nhiêu người?
– Thưa Thầy có bốn, gồm ba, má, chị Hoa và em, Hùng đáp.
– Cám ơn em. Cả bốn người đã lãnh bí tích Thánh tẩy chưa? Giảng viên hỏi tiếp.
– Thưa Thầy, tất cả đều đã lãnh bí tích Thánh tẩy từ nhỏ.
Giảng viên tiếp tục giải thích:
– Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta trở nên chi thể của Chúa Giêsu (GLHTCG số 1.267. Thư I Cr 6, 15; 12, 27), cho ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (GLHTCG 1.265. 2Pr 1,4). Bốn người trong gia đình bạn Hùng đều là chi thể Chúa Giêsu và đều được thông phần bản tính Thiên Chúa cả. Vậy cả bốn người đó có phải là thánh không?
Sau giây lát suy nghĩ vì câu hỏi có vẻ mới lạ, các em đáp:
– Thưa phải.
Giảng viên tiếp:
-Đúng vậy. Chính vì thế nên thánh Phaolô thường gọi các tín hữu là các thánh.
Trong gia đình bạn Hùng có 4 vị thánh cùng sống với nhau, thì đó là gia đình thánh, tức là thánh gia rồi chứ còn gì nữa!
Ngoài ra, Công đồng Vatican II cũng gọi gia đình là hội thánh thu nhỏ hay hội thánh tại gia (LG 11. GLHTCG 1.656). Như thế, Hội thánh chính thức công nhận gia đình các Kitô hữu là thánh gia.

Noi gương Thánh gia của Chúa Giêsu để xây dựng thánh gia của mình
Để có thể xây dựng một công trình kiến trúc có tính mỹ thuật và chất lượng thì trước hết cần phải có là một mô hình hay bản thiết kế hoàn chỉnh. Người thợ xây chỉ việc nhìn vào bản thiết kế hay mô hình đó để thi công đúng theo từng chi tiết thì công trình sẽ được hoàn thành tốt đẹp.
Trong việc xây dựng các hội thánh tại gia cũng vậy, các Kitô hữu cũng cần một mô hình, một bản thiết kế hoàn chỉnh. Chính Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và bỏ ra 33 năm kiến tạo nên mô hình tuyệt hảo là Thánh gia Nazareth, để làm mẫu mực cho tất cả các thánh gia khác suốt dòng lịch sử dựa theo đó mà xây dựng thánh gia của mình.
Vậy thì, muốn xây dựng gia đình theo khôn mẫu thánh gia Nazareth, mỗi người trong gia đình phải đối xử với nhau như ba đấng thánh trong thánh gia nầy, cụ thể là chồng phải yêu thương tôn trọng và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã thực hành đối với Đức Mẹ và Chúa Giêsu; người vợ phải yêu thương và chăm sóc chồng như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ Chúa Giêsu và thánh Giuse; cha mẹ phải yêu mến và chăm lo cho con cái như thánh Giuse và Mẹ Maria chăm lo phục vụ Chúa Giêsu hết tình; con cái trong gia đình phải hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ như Chúa Giêsu đã làm đối với Cha Mẹ Ngài.

Tuy nhiên, có người hỏi: Người chồng, người vợ, những đứa con trong nhà… chỉ là người phàm, thì có xứng đáng để được chăm lo, phục vụ… như là phục vụ cho Chúa không?
Thưa, hoàn toàn xứng đáng! Rất xứng đáng để mỗi người chúng ta chăm lo và phục vụ.
Tại sao? Vì mỗi người tín hữu là chi thể của Chúa Giêsu, là hiện thân của Chúa Giêsu, có Chúa hiện diện trong mỗi người và nên một với mỗi người, nên rất đáng được yêu thương, chăm sóc, phục vụ. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu dạy: “Những gì các con đã làm cho những người này là làm cho chính Ta.”

Lạy Chúa Giêsu. Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa vì đã nâng gia đình chúng con lên bậc thánh gia. Nguyện xin Chúa, Mẹ Maria và thánh cả Giuse hằng hiện diện trong gia đình chúng con, giúp chúng con biết quý trọng gia đình mình vì đó là hội thánh nhỏ của Chúa và cố công xây dựng gia thất chúng con nên giống Thánh gia của Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————-

 

Gương Thánh Gia

Ý Chúa vâng lời gương Thánh Gia

Niềm riêng từ bỏ đáp Tình Cha

Quên mình phục vụ không tranh chấp

Khiêm nhượng hy sinh tránh bất hòa

Sứ mạng chu toàn dù bão tố

Tình yêu thi thố dẫu phong ba

Hồng ân cứu rỗi cho nhân thế

Ánh sáng Tin Mừng khắp mọi nhà.

Hạt Nắng

—————————————

 

Gương Thánh Gia

Vâng Thánh Ý sống cuộc đời gia thất,
bước hành trình đầy vất vả, gian nan.
Bỏ ý riêng dẫu thử thách ngập tràn,
đương đầu sóng gió tim nồng nàn dâng hiến.

Kiếp nghèo hèn giữa dòng đời vạn biến,
nỗi thương đau những trải nghiệm trong đời.
Bị đuổi xua, bị lạc lõng, chơi vơi,
hang súc vật Con Chúa Trời nương náu.

Bị thù hằn bồng bế nhau bôn tẩu,
bởi thế quyền tâm địa xấu, ghét ghen.
Xa quê hương bao nỗi khổ đan xen,
khiêm nhường cam chịu cảnh thấp hèn, lạ chốn.

Lạc mất Con, đầy lo âu, khốn đốn,
Đi tìm Con chịu thương tổn trái ngang.
Tìm thấy Con lời ghi khắc tâm can,
không hiểu ý Con lo toan sứ vụ.

Đời lao động kiếp trần gian lữ thứ,
thôn xóm nghèo nơi trú ngụ dung thân.
Vất vả chung vai nghề thợ mộc chuyên cần,
cảnh huống đời thường vui đối nhân xử thế.

Đường thập giá trái tim sầu nhỏ lệ,
Mẹ hiệp thông lễ hiến tế cùng Con.
Tĩnh lặng hiến dâng Thánh Ý được vuông tròn,
tiếng “Xin Vâng” Mẹ sắt son trung tín.

Gương Thánh Gia, con khấu đầu tôn kính,
Xin giúp con biết chấn chỉnh đời mình.
Ánh sáng Tin Mừng luôn rọi chiếu tâm linh,
yêu thương hiệp nhất xây gia đình hạnh phúc.

Xin Thánh Gia luôn đồng hành bổ sức,
giúp con trung thành trước áp lực trần gian.

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————-

 

Gương Thánh Gia

Hạnh phúc gia đình,
khúc nhạc nồng say gieo xuống trần ai.
Bức họa tình yêu,
Thiên Chúa tác tạo theo hình ảnh Ngài.
Tình yêu nên một,
thành cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.
Sát vai chung lòng,
cùng niềm tin vượt thắng phong ba.

Vui sống an hòa,
hóa giải khổ đau, ánh sáng thần linh.
Trải nghiệm tình yêu,
gian khó lao nhọc, khiêm nhường quên mình.
Tin yêu, hy vọng,
lời nguyện cầu vâng theo Thánh ý.
Mẫu gương gia đình,
gương Thánh Gia chiếu tỏa nhân sinh.

Noi gương Thánh Gia,
sống khiêm nhường, vâng phục Thánh ý.
Noi gương Thánh Gia,
sống trung thành dẫu ngàn điêu linh.
Phục vụ hy sinh,
sống quên mình ngời sáng niềm tin.
Vun đắp gia đình,
thành con thuyền chuyển tải đức tin.

Sống giữa dòng đời,
đối diện khổ đau, thử thách niềm tin.
Vững niềm tin yêu,
gương sáng trách nhiệm, chu toàn chân tình.
Cơm ngon canh ngọt,
tình gia đình nôi ru êm ái.
Nắng mưa nhọc nhằn,
cùng nguyện cầu Thánh ý trung trinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————-

 

Gương Thánh Gia

Đường đời chông chênh, thế nhân bạc tình,
kiếp nghèo điêu linh.
thuyền đời lênh đênh, hang sâu nhiệm mầu,
Con Chúa Trời nương náu.

Gập ghềnh âu lo, bôn ba dặm trường,
trốn chạy tha phương.
Dãi dầu phong sương, nắng mưa bụi đường,
cùng nhau bồng bế, sống đời tha hương.

Gương Thánh Gia an vui đời khó nghèo.
Gương Thánh Gia kiên trung đời sóng gió.
Đường thử thách cam go cùng vượt thắng âu lo,
nguyện cầu tìm Thánh ý.
Gương Thánh Gia xin vâng, phận nữ tỳ.
Gương Thánh Gia xin vâng đời công chính.
Hòa quyện những hy sinh bằng lửa mến Thánh Linh,
phó thác, tin yêu thắp sáng tình gia đình.

Nhọc nhằn lao công, mưu sinh đời thường,
thắm nồng yêu thương.
Cùng tìm Con yêu lắng lo từng chiều,
gặp Con bừng sáng sứ mạng huyền siêu.

Nắng Sài Gòn

 

———————————————–

Lặng Lẽ Cung Trầm

Một thế giới đang mất dần ý nghĩa,
giá trị gia đình đời sống quá tang thương.
Cơm áo gạo tiền chồng chất lắm tai ương,
bao gánh nặng,
oằn vai lên kiếp người nghèo khổ.

Nền tảng gia đình đứng trước cơn giông tố,
rung chuyển phá tan nét nề nếp gia phong.
Xáo trộn lòng thủy chung tình nghĩa vợ chồng,
gây thảm trạng cảnh gia đình ly tán.

Trong cơn khủng hoảng con đi tìm ánh sáng,
tìm mẫu gương sống động biết hy sinh.
Biết sống cho nhau, biết nặng nghĩa, nặng tình,
trước bao thử thách cùng đồng lao cộng khổ.

Mẫu gương Thánh Gia một khung trời rộng mở,
trường học dạy con sống đúng nghĩa tình yêu.
Dẫu lam lũ, khó nghèo, nhiều khắc khoải đăm chiêu,
lao động và cầu nguyện để biết tìm Thánh Ý.

Biết quan tâm đến nhau thắm nghĩa tình tri kỷ,
chia sẻ buồn vui cùng vun đắp gia trang.
Tạo bầu khí gia đình thư thái, bình an,
thành môi trường đào tạo con cái nên người hữu ích.

Đào tạo Đức Tin trước bất công, hiềm khích,
khiêm tốn “Xin Vâng” trước bóng tối nghi nan.
Đào tạo Lương Tâm biết tự nguyện lo toan,
chu toàn bổn phận bằng trái tim trong sáng.

Mở rộng tâm hồn tình yêu luôn xán lạn,
đến với tha nhân tình nồng thắm bao dung.
Đào tạo Đức Ái liên kết đến tận cùng,
chương trình Thiên Chúa là hiến dâng liên lỉ.

Thánh Gia Thất một mẫu gương tuyệt mỹ,
xin giúp con trung thành trong sứ mạng hôn nhân.
Ơn gọi giữa đời,
vợ chồng con cái là nén bạc hồng ân.
Là Hội Thánh Nhỏ,
mà Chúa đã yêu thương ban tặng.
Sống hy sinh,
đời chứng nhân thầm lặng,
lặng lẽ cung trầm hòa nhịp khúc tình ca.

A.P Mặc Trầm Cung