(24.11.2023 – Các thánh tử đạo Việt Nam) Bỏ mình và mất mình

Phúc Âm: Mt 10, 17–22

“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Lc 9,23–26

“Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Ðức Giêsu phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Ga 17, 11b–19

“Thế gian đã ghét chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm:

Buông bỏ là động từ gần đây thấy được dùng nhiều.
Buông bỏ được hiểu như là cách để tìm hạnh phúc,
vì càng dính bén thì càng phiền não.
Coi mọi sự như không, bỏ qua những điều không vui,
là con đường dẫn đến nhẹ nhàng thanh thản.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đòi hỏi
những ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình.
Từ bỏ mình và buông bỏ có một khác biệt lớn.
Người ta buông bỏ để tránh mệt mỏi, âu lo.
Còn người môn đệ Thầy Giêsu từ bỏ mình,
lại muốn mang vào mình những hy sinh, đau khổ.
Người ấy không đôn đáo tìm hạnh phúc cho mình,
nhưng khắc khoải tìm vinh quang cho Thiên Chúa.

Trước khi đòi các môn đệ từ bỏ chính mình,
Thầy Giêsu đã từ bỏ mình trong suốt cuộc sống.
Từ bỏ chính mình là sống theo ý Đấng đã sai mình.
Đức Giêsu chỉ nói điều Ngài đã nghe được từ Cha.
Ngài không tự mình nói bất cứ điều gì.
Chúa Cha sai Ngài loan báo về Nước Thiên Chúa.
Nước ấy có chỗ cho những người bị loại trừ:
người thu thuế, bệnh nhân, dân ngoại, phụ nữ, trẻ em…
Thiên Chúa yêu thương những tội nhân và gái điếm
hơn các ông Pharisêu và kinh sư trong Do-thái giáo.
Thầy Giêsu đã trình bày một khuôn mặt Thiên Chúa
rất khác với hình ảnh Thiên Chúa của giới lãnh đạo.

Từ bỏ mình là chỉ làm điều Ngài thấy Cha làm.
Cách sống của Đức Giêsu cũng vượt ra ngoài khuôn khổ.
Ngài giao du với tội nhân, đến nhà người thu thuế,
chữa bệnh ngày sabát, không rửa tay trước khi ăn…
Ngài không kết án người phụ nữ ngoại tình,
chạm tay vào người phong, tha tội cho người bất toại.
Ngài bị kết án là phạm thượng
khi bày tỏ sự gần gũi độc nhất vô nhị giữa Thầy với Cha.
Đức Giêsu, ông thợ mộc bình dân ở Nadarét,
đã làm xáo trộn đời sống tôn giáo ở đất Israen.
Giới lãnh đạo Do-thái giáo coi Ngài như kẻ thù cần loại bỏ.
Đức Giêsu đã chỉ nói và làm điều Cha muốn,
dù biết rằng điều đó sẽ dẫn Ngài đến cái chết.
Ngài chấp nhận chết khi còn trẻ, dù Ngài rất ham sống.
Khi bị treo trên thập giá, Ngài đã từ bỏ tất cả:
danh dự, mạng sống, tự do, và cả niềm vui nội tâm.
Ngài đã từ bỏ chính mình trọn vẹn, hoàn toàn tay trắng.

Các thánh tử đạo đã từ bỏ chính mình như Thầy Giêsu.
Họ đã trung tín với Thầy bằng tình yêu lớn nhất.
Thầy chết cho họ, và họ dám chết cho Thầy.
Họ đã sống bài Tin mừng hôm nay sát từng chữ,
dám mất mạng sống mình vì Thầy (c.24),
và không xấu hổ vì Thầy mà chối (c.26).
Các thánh tử đạo vừa từ bỏ chính mình (c.23)
lại vừa không chấp nhận đánh mất chính mình (c.25).
Họ không hy sinh chính mình dù để đổi lấy cả thế giới.
Họ bỏ mạng sống đời này vì trân quý sự sống vĩnh cửu.

Đức Giêsu đã vác thập giá mình lên núi Sọ.
Nhiều vị tử đạo Việt Nam đã mang gông ra pháp trường.
Các kitô hữu hôm nay được mời mang gánh của Chúa,
từ bỏ chính mình để sống tín trung với Chúa,
không đánh mất chính mình chỉ vì vật chất mau qua.
Xin cho chúng ta đừng sợ chết, sợ mất mát, đe dọa,
nhưng giữ niềm hy vọng được hưởng vinh quang
nhờ dám tuyên xưng và sống đức tin mình lãnh nhận.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng con,
Chỉ mình Chúa biết và thấy mọi nỗi xao xuyến của con.
Chỉ mình Chúa biết rằng
mọi khắc khoải của con đều do con sợ mất Chúa,
sợ xúc phạm đến Chúa,
sợ không yêu Chúa nhiều
như con phải yêu và khao khát yêu.

Lạy Chúa là Đấng thấu biết mọi sự,
Đấng duy nhất có thể thấy tương lai,
nếu Chúa biết chính vì vinh danh Chúa hơn,
và vì phần rỗi của con
mà con phải ở lại trong tình trạng cùng khốn này,
thì xin Chúa cứ để yên như vậy.
Con không muốn né tránh đâu.
Xin cho con sức mạnh để chiến đấu
và chiếm được phần thưởng Chúa ban
dành cho những tâm hồn mạnh mẽ. Amen.

(Cha Thánh Padre Piô)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J