SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A (17/9/2023) THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA [Hc 27,33-28,9; Rm l 4,7-9; Mt 18,21-35]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong con mắt đức tin, cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, giáo hội, xã hội) không chỉ có tương quan chiều dọc là quan trọng mà tương quan chiều ngang cũng rất quan trọng. Tương quan chiều dọc là tương quan của mỗi người với Thiên Chúa. Còn tương quan chiều ngang là tương quan giữa người này với người kia. Một trong những đặc điểm của tưong quan chiều ngang là việc sửa lỗi cho nhau, giúp nhau nên hoàn hảo và việc hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện (Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Thường Niên A). Một đặc điểm khác của tương quan chiều ngang là sự tha thứ cho nhau giữa những người sống trong một cộng đoàn như gia đình, khu phố, hội đòan giáo xứ v.v… (Phúc âm Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A)
Việc tha thứ cho nhau là cần thiết vì những người sống trong một cộng đoàn không thể tránh khỏi cảnh làm tổn thương lẫn nhau. Việc tha thứ cho nhau hẳn là rất quan trọng và rất khó thực hiện nên Tông Đồ Phêrô mới hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chắc hẳn Tông Đồ Phêrô và các Tông Đồ khác đều biết rằng Luật Môsê đòi các tín hữu phải tha thứ cho anh em đến 7 lần. Điều Tông Đồ Phêrô muốn biết là Chúa Giêsu có chủ trương gì khác không? Và ông đã được toại nguyện khi Chúa Giêsu nói rõ quan điểm của Ngài: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Hc 27,30-28,9): “Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?
Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 14,7-9): “Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa” Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Đức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 18,21-35): “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy” Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.
“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả’. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.
“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: ‘Hãy trả nợ cho ta’. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: ‘Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh’. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.
“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?’ Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
– Là Đấng đã đã ban cho tác giả sách Huấn Ca sự khôn ngoan sáng suốt trong việc đúc kết các kinh nghiệm quí giá của cuộc sống.
* Là Chúa Giêsu, Đấng đã dậy các môn đệ sống quảng đại bao dung và thứ tha cho những người vô tình hay cố ý làm mình bị tổn thương.
* Là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sức mạnh cho mọi người để họ có thể vượt qua sự giới hạn của bản thân mà tha thứ cho người khác.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Hãy tha thứ (cho anh chị em) để được (Thiên Chúa) thứ tha.

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, nhất là ơn mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa và về mầu nhiệm tự hạ, tự hủy của Chúa Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta, như đối tượng được Thiên Chúa (Cha) yêu thương và Chúa Kitô cứu độ.

4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa là chúng ta thực hành việc tha thứ cho người thân (vợ chồng cha mẹ con cái) trong gia đình cũng như người sống chung quanh,

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

5.1 “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới hôm nay, nhất là cho các dân tộc đang sống trong cảnh hận thù, ghen ghét lẫn nhau giữa các thành phần dân chúng, để họ sớm đón nhận được mạc khải của Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo hội, cách riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám mục và Linh mục, để các ngài luôn sống chết cho Chúa và cho dân.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đoàn chúng ta, để mọi người biết tha thứ cho nhau như Chúa Giê-su Ki-tô đã dậy.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?» Chúng ta cầu nguyện cho những người sống và truyền bá lối sống thù hận giữa con người với nhau, để họ thay đổi suy nghĩ và hành động sai trái của mình.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 13 tháng 9 năm 2023
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.