“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 13-20).
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Hội Thánh Của Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tuyên Tín Giêsu Là Đấng KItô… Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty Trg 4
Chìa Khoá Vào Nước Trời Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đối Với Tôi, Cháu Giêsu Là Ai? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Đá Tảng Hạt Nắng Trg 9
Chìa Khóa Đánh Rơi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Ngài Gọi Con Sao? M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Đá tảng Cuộc Đời A.P Mặc Trầm Cung Trg 12
—————————————-
Hội Thánh Của Chúa
“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.
Đó là một Hội Thánh cho con người.
Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.
Đó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.
Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Chúa Giêsu xác định đây là “Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người. Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.
Hiểu biết như thế, ta phải có thái độ thích hợp.
Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.
Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, những để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32)
Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà.
Lạy Chúa, xin thánh hoá Hội Thánh Chúa. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————–
Tuyên Tín Giêsu Là Đấng Kitô…
“Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”, câu tuyên tín này của Phêrô hẳn phải có một tầm quang trọng lớn lắm, căn cứ vào phản ứng trang trọng của Đức Giêsu khi tuyên bố: “Này anh Simôn con ông Giona, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ngược lại, chính vì là tín hữu (hơn nữa tu sĩ linh mục) mà thường khi nhiều người trong chúng ta lại có cảm tưởng là: lời tuyên xưng trên cũng tầm thường thôi, chẳng có chi mới lạ; chắc hẳn vì chúng ta đã quá quen thuộc với công thức tuyên tín thuộc lòng này.
Gần đây, khi theo dõi chương trình Frontline series có tựa đề From Jesus to Christ: The First Christians, một chương trình hội thảo 02 ngày (two-day symposium) tại Đại Học Harvard (Hoa Kỳ) qui tụ nhiều học giả thuộc các lãnh vực khảo cổ, lịch sử, nhân văn, thánh kinh, thần học… trao đổi nghiên cứu để tìm hiểu cách hết sức khoa học đề tài: ‘làm sao đế quốc Rôma đã từng đóng đinh tên nô lệ Giêsu vào thập giá, chỉ trong vòng 300 năm sau, lại quay ra tiếp nhận Kitô giáo?’ nói cách khác, làm sao một Giêsu Nazareth lại có thể trở thành một Giêsu Kitô? tôi mới nhận ra câu tuyên xưng của Phêrô – một ngư phủ bình dị, quả là một bước nhảy vọt ghê gớm. Phêrô đáng được gọi là Kitô hữu tiên khởi, vì là môn đệ đầu tiên đã mạnh dạn tuyên xưng: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”
Tên gọi Giêsu (Ya-su / Gio-su-ah) trong tiếng Aramaic tự nó đã mang một ý nghĩa rất độc đáo: ‘Thiên Chúa cứu vớt’. Tuy nhiên tên này trở thành khá phổ biến giữa các người Do Thái vì nó hàm ý: căn cứ vào trình thuật của sách Xuất Hành, chỉ dân riêng mới được Đức Chúa cứu với, giải thoát khỏi mọi ách thống trị. Còn danh xưng ‘đấng Kitô’ (Christos tiếng Hy-lạp, Mashiah tiếng Do Thái), được hiểu là người được Thiên Chúa ‘sức dầu tấn phong’, thì trong suốt Cựu Ước được dành cho một nhân vật đặc biệt nào đó, như vua Saolê, như Đavít, như các quan án hay tiên tri… vì, kể từ lúc được sức dầu, họ mang trong mình cả hai chức năng: giải thoát và lãnh đạo. Càng về sau này, danh xưng này càng bị giới hạn dần vào một vị lãnh tụ tối cao, Vị Thiên Sai được Đức Chúa hứa gởi đến trong ngày sau hết, để vĩnh viễn giải thoát dân khỏi mọi ách thống trị. Tới thời Đức Giêsu, vì danh xưng này đã bị nhiễm nặng mầu sắc xã hội và chính trị nên Người đã chủ động tế nhị né tránh nó (Mt 16:20; Lc 22:67); điều này càng rõ ràng hơn trong Phúc Âm Marcô (Theo 610a). Chính trong bối cảnh này, mà câu tuyên xưng của Phêrô trong Tin Mừng Matthêu được coi là rất đặc biệt, đặc biệt tới độ nhiều tác giả cho là: nó được thêm vào chỉ sau này, khi các tín hữu nhìn lại cả quãng thời gian hơn ba thế kỷ lịch sử đã qua. Cho dầu thế nào đi nữa thì, đối với các tín hữu gốc Do Thái, đây chắc hẳn phải là lời tuyên xưng căn bản nhất: Giêsu chính là Đấng được Thiên Chúa sức dầu tấn phong (Kitô) hằng được mong đợi, Người là Đấng giải thoát tối hậu và trọn vẹn, không chỉ cho dân riêng mà là cho toàn thể nhân loại. Chúng ta biết rằng: cho tới ngày hôm nay Do Thái giáo và Hồi giáo, cho dầu chia sẻ với Kitô giáo rất nhiều điều trong niềm tin, nhưng vẫn một mực từ chối chấp nhận điều căn bản này.
Chắc hẳn Phêrô cũng như mọi môn đệ khác đều hiểu rõ: đối với các ngài nói riêng và đối với toàn dân Do Thái và nhân loại nói chung, Giêsu phải là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng giải thoát tối hậu và vĩnh viễn. Trong một khoảng khắc siêu đẳng của niềm tin, vì “không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, đấng ngự trên trời”, Phêrô đã đạt được điều mà, dưới khía cạnh nghiên cứu, các học giả cho thấy phải mất gần ba thế kỷ xã hội Rôma mới đạt được.
Và toàn bộ sứ mệnh của Hội Thánh được đặt trên lời tuyên tín này của Phêrô, căn cứ vào khẳng định của chính Đức Giêsu. Ai nhận Giêsu là Kitô – Đấng giải thoát cứu độ tối hậu và duy nhất, người đó sẽ có chìa khóa để mở toang cánh cửa giải thoát và cứu độ, còn ai không tin nhận cũng có nghĩa là không có chìa khóa mở, và do đó sẽ vĩnh viễn bị giam cầm: “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời…” Trước đây, trong câu chuyện trao đổi với Nicôđêmô về việc sinh lại, Đức Giêsu cũng đã từng khẳng định cùng một nội dung đó rồi: “Ai tin vào con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi” (xem Ga 3:18). Qua mọi thế hệ, Hội Thánh được xây dựng trên nền đá tảng Phêrô sẽ không ngừng tuyên xưng: Đức Giêsu là đấng Kitô duy nhất và tối hậu; đồng thời các phần tử của Hội Thánh, tức mọi Kitô hữu, nhờ tác động của Thần Khí và trong đức tin đối thần chân chính, cũng sẽ phải, trong sâu thẳm nhất của cõi lòng mình và với tất cả niềm xác tín, mở miệng tuyên xưng: “Đức Giêsu chính là Đấng cứu độ duy nhất của tôi, và là Đấng tối hậu giải thoát tôi khỏi mọi tội lỗi!”
Mỗi người chúng ta, nhất là các linh mục của Đức Kitô, cũng cần tự vấn: ‘riêng tôi, tôi đã làm điều đó cách thâm tín tới độ nào rồi?’ Tôi cần nhớ rằng: chìa khóa mở Nước Trời cho tôi, và cho mọi tín hữu mà tôi có bổn phận dẫn dắt, hệ tại duy nhất ở điều này. Nếu không sở đắc được chìa khóa vạn năng này thì rất có thể cánh cửa cứu rỗi sẽ vĩnh viễn bị khóa chặt ngay trước mặt tôi đấy!
Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết ý nghĩa của danh xưng Kitô hữu mà con được diễm phúc mang nơi mình; thường khi con vẫn hay hời hợt coi đây chỉ là một công thức đức tin, một danh xưng trống rỗng. Từ nay xin cho con, trong mọi hoàn cảnh sống, biết cùng Phêrô tuyên xưng ‘Thầy quả là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’; và con mong rằng: không chỉ khi sống mà cả trong giờ chết, con vẫn có thể tiếp tục tuyên xưng như thế, để có được chìa khóa vạn năng mở tung cho con cánh cửa Nước Trời cứu rỗi. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————–
Chìa Khoá Vào Nước Trời
Ở thời đại văn minh hôm nay thì chìa khoá rất cần thiết cho con người. Chìa khoá không chỉ mở cửa nhà, cửa xe, cửa tủ . .. mà chìa khoá còn mở cửa thành công trong giao tiếp, trong kinh doanh, trong tri thức . . . Chìa khoá quan trọng trong mọi lãnh vực đến nỗi quên gì thì quên đừng bao giờ quên chìa khoá, dù là khoá hiện đại nhưng có lúc “hại điện” nên vẫn phải có chìa khoá dự phòng.
Ở Việt Nam cũng có những chiếc cầu gọi là “cầu tình yêu”, nơi đó nhiều cặp uyên ương thề đến chết không lìa nhau bằng cách đưa nhau tới cây “Cầu Tình yêu” rồi cả hai cùng viết tên nhau vào ổ khóa và móc khóa vào thành cầu, sau đó khóa lại và vứt chìa xuống sông, tức không bao giờ mở ra được nữa.
Lời Chúa Chúa Nhật 21 thường niên nói về việc Chúa Giêsu trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô. Đây là một vinh dự thật lớn lao dành cho thánh Phêrô. Vinh dự vì người cầm chìa khoá nghĩa là người có quyền đóng và mở cửa Nước Trời.
Theo truyền thống cho rằng Chúa Giêsu đã trao cho thánh Phêrô hai chìa khóa. Một chìa vàng và một chìa bạc, tượng trưng cho ngày và đêm, biểu hiện cho người canh giữ toàn vẹn. Một chìa hướng lên và một chìa hướng xuống, ứng với trời và đất, cũng ứng với hai mặt thể xác và linh hồn. Thực thi lời Chúa dạy các môn đệ: “hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13), của ăn phần xác và quan trọng hơn nữa còn có của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Hai chìa khóa cũng mang dấu chỉ của những con người: “sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 17, 14 – 15), sứ vụ của Thánh Phêrô thật lớn lao, vừa là người nguyện cầu vừa là người bảo đảm tính chất nguyên tuyền Lời của Chúa được thực hiện trong trần thế để đạt tới Nước Trời.
Chìa khóa Nước Trời là chính Thánh Giá Chúa đòi buộc những ai tin vào Ngài phải vác thập giá đời mình mà theo Ngài. Thánh Gioan kim Khẩu chia sẻ về chiếc chìa khóa vạn năng như sau:
“Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết, là sự hướng dẫn cho kẻ mù, là cây gậy cho người què, là sự an ủi cho kẻ nghèo khổ, là sự kềm hãm của kẻ giàu sang, là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa, là sự chiến thắng ma quỷ, là kẻ chỉ đạo cho người thanh niên, là bánh lái cho những người vượt sóng, là cửa biển cho những kẻ đi xa, là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm”.
Cuộc đời ai cũng có thánh giá. Thánh Giá của bổn phận. Thánh Giá của nghịch cảnh đưa đến. Thánh gia khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi nhưng nếu biết thánh hoá dâng cho Chúa, thì thánh giá biến thành niềm vui, vì được thông phần đau khổ với Chúa để trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.
Khi nhận chìa khoá Nước trời ta thấy thánh Phêrô không còn sống cho mình mà là sống cho Thiên Chúa. Ngài đã dành cho Thiên Chúa ưu tiên số một khi ngài nói “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Ngài đã sống một cuộc đời chứng nhân để giới thiệu Nước Thiên Chúa đến tận cùng thế giới cho dẫu chịu nhiều đau khổ và mất mát. Ngài còn vác thập giá theo Chúa đến cùng là cái chết trên thập giá để nên giống Thầy Chí Thánh Giêsu.
Xin Chúa thêm ơn nâng đỡ để mỗi người chúng ta biết vác thập giá đời mình theo Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống như thánh Phê-rô và thánh Phaolô đến nỗi : “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————–
Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?
Khi đến gần Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Ngài là ai. Các ông thưa: “Kẻ thì nói Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại, kẻ thì bảo Ngài ngôn sứ Êlia tái lâm, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.
Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Chúa Giêsu rất hài lòng trước câu đáp chính xác của Phêrô. Ngài khen ngợi: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”
Và nếu hôm nay, Chúa Giêsu đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta: “Con bảo Thầy là ai?” chúng ta trả lời thế nào?
Một nhà báo đến khuôn viên nhà thờ vào ngày Chúa nhật để thăm dò ý kiến những người đến dự lễ. Khi gặp một thanh niên ngồi ở góc sân nhà thờ trong giờ dâng lễ, đang phì phèo điếu thuốc trên môi, anh hỏi:
– Đối với bạn, Chúa Giêsu là ai?
Chàng thanh niên trả lời qua làn khói thuốc:
– Đối với tôi, Chúa Giêsu là vị thẩm phán nghiêm khắc, sẵn sàng trừng phạt người có tội. Vì thế, tôi đành đến đây để khỏi bị phạt vì tội bỏ lễ.
Như vậy, anh nầy đến với Chúa vì sợ chứ không phải vì yêu mến Ngài.
Nhà báo lại đến với một thiếu nữ ăn vận thiếu đứng đắng, cũng đang ngồi bên ngoài nhà thờ lướt điện thoại trong giờ giảng lễ và nêu lên cùng câu hỏi đó:
– Theo cô, thì Chúa Giêsu là ai?
Mắt vẫn không rời khỏi màn hình điện thoại, cô lơ đểnh trả lời: Tôi xem Ngài như tấm phao cứu sinh. Khi cuộc đời bình an vô sự, tôi chẳng tưởng nhớ đến Ngài, như người đi biển không màng đến phao cứu sinh khi sóng yên biển lặng. Còn khi gặp hiểm nguy, bệnh tật… tôi sẽ chạy đến bám víu, nương tựa vào Ngài, như khi tàu gặp bão, người ta cần đến tấm phao!
Như thế, cô gái nầy xem Chúa như một phương tiện mang lại bình an, sức khỏe cho mình.
Khi nhà báo nêu câu hỏi nầy với một thương gia giàu có, ông ta đáp:
– Tôi xem Ngài như một Thần Tài. Nếu Ngài phù hộ tôi làm ăn khá giả, tôi sẽ đi nhà thờ ngày Chúa nhật; nếu làm ăn thất bại, tôi nghỉ chơi với Ngài luôn!
Ông nầy thuộc diện thờ Chúa để trục lợi chứ không vì yêu thương.
Chúa đau lòng biết bao khi đoàn con nhận định về Ngài như thế.
Còn bạn, nếu câu hỏi nầy được đặt ra với bạn, bạn trả lời sao?
Bạn thờ Chúa để mong tìm lợi lộc vật chất hay vì lòng yêu mến Chúa?
Nhận định đúng về Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là mầu nhiệm cao siêu, trí tuệ con người không thể nào hiểu thấu. Tuy nhiên, nhờ ánh sáng Lời Chúa cũng như giáo huấn Hội Thánh, ta có thể biết khái quát về Ngài như sau:
Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha xức dầu, sai xuống trần gian, mang Tin Mừng cứu độ nhân loại, hiến thân chịu chết để đền tội cho muôn người và Ngài đã sống lại, lên trời, mở cửa Trời cho những ai bước theo Ngài.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Đấng đáng chúc tụng, tôn thờ, yêu mến… vì Chúa đã hiến thân chịu khổ nạn đau thương, chịu chết thê thảm trên thập giá để đền tội cho chúng con, đưa chúng con vào thiên đàng vinh hiển.
Xin cho chúng con theo Chúa vì thật lòng yêu mến chứ không vì sợ trừng phạt, vì tìm lợi lộc trần gian hoặc để được an lành. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Đá Tảng
CN 21TN-A (Mt 16, 13 – 20)
Đá tảng Phêrô tâm đáp lời
Giăng buồm thả lưới vui ra khơi
Yếu hèn, thử thách vàng trong lửa
Mạnh mẽ, bình an ngọc sáng ngời
Yếu đuối, cậy trông nguồn thánh sủng
Khiêm nhường, tín thác bởi ơn trời
Dựng xây Hội Thánh trong giông tố
Hiện diện Nước Trời xuân thắm tươi.
Hạt Nắng
——————————————-
Chìa Khóa Đánh Rơi
CN 21TN-A – (Mt 16, 13 – 20)
Ngày Hồng Phúc, Cha trao chìa khóa,
làm phong nhiêu hoa quả hồng ân.
Bởi ham lạc thú thế trần,
con làm rơi mất bần thần tâm can.
Hồn sa bẫy trăm ngàn mưu chước,
của bóng đêm đón trước rào sau.
Ác thần hiểm độc thâm sâu,
bụi đời bao phủ biết đâu đường về.
Hồn chao đảo, bước lê mòn mỏi,
lệ sầu thương hối lỗi ăn năn.
Tìm về suối nước mát lành,
trong lòng Giáo Hội trong xanh đợi chờ.
Tìm thấy lại trời mơ đất mộng,
được trao ban sức sống thần linh.
Trao lại chìa khóa nhỏ xinh,
trung kiên gìn giữ ân tình Cha trao.
Dẫu lâm cảnh ba đào, đen trắng,
quyết dựa vào “Đá Tảng” tình yêu.
Hồng ân Thiên Chúa phong nhiêu,
giúp con vượt thắng nhiêu khê dòng đời.
Không làm rơi nữa, Chúa ơi!
Chìa khóa mở lối Nước Trời thiên thu
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————
Ngài Gọi Con Sao?
CN 21TN-A (Mt 16, 13 – 20)
Ngài gọi con sao? Chúa ơi! …đá tảng cuộc đời.
Ngài gọi con sao? Chúa ơi! …đi vào thế giới.
Ngài gọi con sao? Khi đường đời con quá ngu ngơ,
khi tình đời con quá ngây thơ,
giữa cuộc đời đầy dẫy mưu mô,
Ngài gọi con gieo niềm tin mới.
Ngài gọi con sao? Chúa ơi! …sóng gió dặm trường.
Ngài gọi con sao? Chúa ơi! …đường đời trăm hướng.
Ngài gọi con sao? Khi sương mù giăng lối con đi,
khi tâm hồn con quá ngu si,
khi bạc tiền, phú quí vinh hoa,
mời gọi con, nước mắt nhạt nhòa.
Đá tảng cuộc đời! Ngài gọi con.
Đá tảng cuộc đời! Ngài trao con.
Đá tảng cuộc đời! Ngài gọi con, đi vào giông tố.
Suốt cuộc hành trình! Ngài bên con.
Sức mạnh diệu kỳ! Ngài ban ơn.
Vững bền một lòng! Ngài cùng con gieo rắc ân tình.
Một niềm tin yêu! Chúa ơi! … vui bước vào đời.
Một niềm tuyên xưng! Đức Kitô … là đường cứu rỗi.
Người là Chiên Con! Quên thân mình hiến tế hy sinh,
Chúa Chiên Lành nhân ái, anh minh,
gánh tội tình, chuộc lấy nhân sinh,
cùng trời cao nối kết ân tình.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————
Đá Tảng Đời Con
CN XXI TN.A – (Mt 16, 13 – 20)
Sinh ra đời được làm con Chúa,
hạnh phúc thay lời hứa kết giao.
Tuyên xưng trước Đấng Tối Cao,
Giêsu Cứu Thế máu đào hiến dâng.
Lộ thênh thang đường trần con bước,
lòng yếu hèn mưu chước quỷ ma.
Lập lòe phú quí vinh hoa,
tiền tài, danh vọng sa đà thất trung.
Lòng thẹn lòng tao phùng Thánh Thể,
lời hứa xưa sao dễ đổi thay?
Ngậm ngùi sa giọt lệ cay,
Tình Yêu Cứu Chuộc đong đầy hồn con.
Tim bừng cháy sắt son lời hứa,
Đức Kitô – Cứu Chúa, tuyên xưng.
Con Thiên Chúa – Đấng Tín Trung,
hồng ân giải thoát Tin Mừng muôn dân.
Nguyện theo Chúa dấn thân loan báo,
đường Giêsu chính đạo tình yêu.
Dẫu đời còn lắm tiêu điều,
xin làm “đá tảng” phong nhiêu ân tình.
Tuyên xưng một Đấng anh minh,
cứu trần gian thoát tội tình lầm than.
Đá lăn vạn nẻo quan san …
AP. Mặc Trầm Cung