01/07/23 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 12 TN
Mt 8,5-17
NIỀM TIN CỦA CON NGƯỜI GẶP ĐƯỢC QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
Một viên đại đội trưởng đến gặp Đức Giê-su và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” (Mt 8,5-7)
Suy niệm: Viên đại đội trưởng này gặp không ít chướng ngại khi đến với Đức Giê-su: ông là người Rô-ma, là người ‘ngoại đạo’, hơn nữa ông lại là đại đội trưởng trong quân đội của đế quốc đang thống trị đất nước Do Thái. Dù vậy, bối cảnh chính trị hay định kiến xã hội cũng không thể ngăn cản ông đến với Đức Giê-su, mà trái lại, càng làm nổi rõ lòng tin mạnh mẽ của ông, một lòng tin khiến Chúa cũng ngạc nhiên: “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế!” Mặt khác, những rào cản đó càng không thể ngăn cản Chúa Giê-su thực thi quyền năng siêu việt của Ngài. Ngài sẵn sàng đích thân đến nhà ông, nhưng trước lòng tin hiếm thấy của ông, “Chúa chỉ nói một lời thì đầy tớ của ông liền khỏi bệnh”.
Mời Bạn: Chưa cần viên đại đội trưởng “bỏ mọi sự đi theo Chúa làm môn đệ”, chỉ cần ông bày tỏ lòng tin, thì ngay lập tức Đức Giê-su đã ban ơn chữa lành cho gia nhân của ông. Hạt giống Tin Mừng được gieo vào nhà của một người dân ngoại nhờ người gieo giống luôn trong tư thế sẵn sàng để gieo Lời Chúa ngay khi có cơ hội nhỏ nhất. Khi bạn mang tâm thế luôn sẵn sàng quan tâm và phục vụ, bạn sẽ giúp tha nhân mở ra nơi họ cánh cửa của lòng tin, để họ đến và gặp được Thiên Chúa, Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót. Lúc đó, hoạt động truyền giáo đã bắt đầu thu lượm được kết quả rồi.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn làm ít là một việc phục vụ đem lại thiện ích, niềm vui cho tha nhân như một dấu chỉ tình thương xót của Chúa cho họ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
02/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – A
Mt 10,37-42
CÔNG ÍT THƯỞNG NHIỀU
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10,40)
Suy niệm: Thiên Chúa luôn luôn ân thưởng vượt quá công trạng cũng như sự mong đợi của con người. Đón tiếp một tiên tri sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, đón tiếp người công chính sẽ hưởng phần công trạng của người công chính. Trước mặt Thiên Chúa, dù một bát nước lã dành cho một người bé mọn cũng không bị bỏ quên. Giá trị của phần thưởng không tuỳ thuộc ở độ lớn của việc làm của chúng ta, nhưng hệ tại ở chỗ chúng ta làm việc đó cho ai, vì ai: Làm việc cho Thiên Chúa thì sẽ lãnh công từ nơi Thiên Chúa. Mà thực ra, tự bản thân chúng ta nào có công trạng gì! Nhưng vì Thiên Chúa tính công cho chúng ta theo một “ba-rem” luỹ tiến quy về chính Chúa: “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy,” và “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”
Mời Bạn: Bạn không phải lo mình mất phần thưởng từ Thiên Chúa, nhưng hãy sợ mình không trung thành với Ngài; chỉ cần bạn làm những việc phục vụ dù nhỏ bé nhưng với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến Chúa thì bạn cũng xứng đáng lãnh nhận phần thưởng gấp bội phần so với những gì mình đã làm được.
Chia sẻ: Động lực nào thúc đẩy bạn hy sinh từ bỏ mình và dấn thân phục vụ? Bạn cảm nhận gì khi sống và phục vụ những người mình không ưa thích?
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng chấp nhận hy sinh bản thân mình để phục vụ cho phần rỗi của tha nhân và để làm vinh danh Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con sẵn sàng phục vụ tha nhân cách khiêm tốn như Chúa đã tự hạ phục vụ chúng con. Amen.
03/07/23 THỨ HAI TUẦN 13 TN
Th. Tô-ma, tông đồ
Ga 20,24-29
SỐNG TINH THẦN HIỆP THÔNG
Đức Giê-su bảo ông Tô-ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20,29)
Suy niệm: Đức Giê-su muốn xây dựng nhóm tông đồ trên nền tảng hiệp thông: liên kết với nhau trong sứ vụ, trong niềm tin. Ngài đã tha thiết cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ được nên một, nhưng ngay từ đầu trong cộng đoàn nhỏ bé đó đã sớm xuất hiện những vết rạn nứt rõ rệt. Tô- ma không đến họp chung với anh em là những người đã tận mắt thấy Chúa sống lại hiện ra với họ. Họ nói với Tô-ma: “Chúng tôi đã thấy Chúa.” Chứng từ không phải là của một mà của mười người, của mười đôi mắt, thế mà với Tô-ma, mọi lời lẽ thuyết phục của anh em đều vô giá trị. Ông chỉ tin vào mắt và tay của mình. Rất may là Tô-ma còn chịu khó tiếp tục đi sinh hoạt với anh em để rồi một cơ hội tới, ông gặp Chúa và lấy lại niềm tin.
Mời Bạn: Xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn bằng cách tránh thái độ võ đoán, “độc quyền chân lý”, không lắng nghe, không đối thoại; nhất là rút kinh nghiệm Tô-ma, đừng để mình vì không cập nhật, thiếu thông tin, mà ta trở nên chủ quan hẹp hòi, cố chấp vô lý.
Chia sẻ: Thử mổ xẻ phân tích một điều gây bất hòa -nếu có- trong nhóm: nguyên nhân, hậu quả, cách giải quyết.
Sống Lời Chúa: Lắng nghe, đối thoại cách chân thành và sẵn sàng đón nhận chân lý dù trái với ý riêng của mình. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Hội thánh, trong cộng đoàn.
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong tình mến Chúa Cha muôn đời.”
04/07/23 THỨ BA TUẦN 13 TN
Th. Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha
Mt 8,23-27
CẦU XIN TRONG NIỀM TIN
Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh… Các môn đệ nói: “Xin Ngài cứu chúng con, chúng con chết mất.” Chúa Giê-su nói: “Sao nhát gan thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền im lặng như tờ. (Mt 8,23.25-26)
Suy niệm: Với người Do thái, biển là biểu trưng cho thế lực của ma quỉ, tà ác. Các tông đồ đã hoảng sợ khi đối mặt với cơn phong ba trên biển. Lời kêu cứu của họ “xin cứu chúng con, chúng con chết mất” bộc lộ tâm trạng khiếp sợ, tuyệt vọng trước sự thắng thế của ác thần. Chúa coi thái độ sợ hãi đó như một dấu hiệu thiếu lòng tin. Chính vì thế, việc Chúa tỏ uy quyền của Ngài trên thiên nhiên bằng việc dẹp yên sóng gió, Chúa không chỉ cứu các tông đồ thoát khỏi một cuộc đắm tàu trong đường tơ kẽ tóc, mà Ngài còn vực dậy niềm tin yếu kém của họ đang mấp mé trên bờ vực thẳm.
Mời Bạn: Chạy đến với Chúa và kêu cầu Ngài là một hành vi chính đáng khi người ta nhận thức được giới hạn của thân phận con người. Lời cầu xin đúng đắn không thể là một hành vi trục lợi chỉ nhằm được tai qua nạn khỏi, mà phải là một lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt vào quyền năng của Thiên Chúa và sự tất thắng của Đấng làm chủ mọi loài. Bạn đã bao giờ cầu xin thực sự chưa? Nói cách khác, bạn có cầu xin với niềm tin yêu phó thác chứ không phải sợ hãi hay trục lợi? Với niềm tin như thế, việc cầu xin mới là đích thực và không làm hạ giá con người nhưng góp phần tôn vinh Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy tha thiết cầu xin Chúa ban cho một ai đó được ơn mà người đó đang cần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. (Hoặc đọc kinh Tin).
05/07/23 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. An-tôn Ma-ri-a Da-ca-ri-a, linh mục
Mt 8,28-34
ĐỂ CHÚA HIỆN DIỆN
“Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?” (Mt 8,29)
Suy niệm: Kinh Thánh, cách riêng bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta biết ma quỷ là có thật, không phải chuyện hoang đường. Hơn nữa, chúng lại rất hung tợn, làm mọi cách để đày đoạ và giam hãm con người nơi ‘nấm mộ’ của sự chết. Mặt khác, chúng lại có lòng thù hận ‘không đội trời chung’ với Thiên Chúa, chỉ muốn lẩn trốn khỏi Nhan Thánh Ngài, vì đối diện với Chúa là nỗi đau đớn tột cùng cho chúng. Thế nhưng, “đi mãi đâu cho thoát Thần Trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan” (Tv 138,7)? Vì thế ma quỷ kêu thét lên kinh hoàng: “Ông đến đây để làm khổ chúng tôi sao?” khi Chúa truy đuổi chúng đến tận cùng để cứu thoát con người bị chúng ám khỏi chốn mồ mả của sự chết.
Mời Bạn: Bất cứ nơi nào Chúa hiện diện, ma quỷ phải tháo lui. Mà Chúa thì ở khắp mọi nơi, và Ngài ở đâu thì ở đó là Nước Trời, và nơi đó tràn ngập bình an, niềm vui và hạnh phúc. Và Thiên Chúa luôn muốn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn đứng trước cửa tâm hồn chúng ta và gõ, để Ngài vào và dùng bữa với chúng ta (x. Kh 3,20). Vấn đề là bạn có mở cửa lòng mình để Chúa vào và ở lại để dẫn bạn tới nguồn mạch sự sống hay không.
Sống Lời Chúa: Bạn mở cửa tâm hồn mình cho Chúa bằng cách lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày và bạn đón Ngài vào dùng bữa với bạn bằng việc siêng năng rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chỉ có Chúa mới giúp chúng con tránh xa được nấm mồ của ma quỷ. Xin Chúa cho chúng con biết trông cậy vào Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời để chúng con có thể được “cứu khỏi mọi sự dữ”. Amen.
06/07/23 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Ma-ri-a Gô-rét-ti, trinh nữ, tử đạo
Mt 9,1-8
CHÚA THẤU SUỐT LÒNG TA
Mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9,3-4)
Suy niệm: Đức Giê-su đọc được ý xấu của bọn kinh sư. Tuy thế, Ngài vẫn luôn bày tỏ uy quyền Thiên Chúa một cách thật tế nhị: mời gọi họ dùng lý trí để phân định các dấu chỉ, ngõ hầu họ quay trở về với ý ngay lành và nhận biết tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Dấu chỉ đó là người bệnh được chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác: tội được tha, dậy đi được. Tình thương và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa thật tuyệt vời, Ngài muốn chữa lành, cứu độ mọi người, ngay cả những kẻ chống đối Ngài.
Mời Bạn: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 138,1-2). Mời bạn trở về trong tĩnh lặng để cảm nghiệm lòng Chúa nhân từ. Ngài biết rõ mọi suy tưởng và hành động tốt xấu của bạn. Biết bạn, để Ngài yêu bạn hơn và để tìm cách cứu chữa bạn bằng lòng nhân từ và kiên nhẫn. Thiên Chúa là thế đấy! Chính trong khi chiêm ngắm Thiên Chúa, mà chân phước Marie de Passion đã nói: “Tôi vẫn luôn nghĩ rằng Thiên Chúa thật nhã nhặn, tế nhị và tốt lành ngay cả với những người cư xử cứng cỏi đối với Người.” Thiên Chúa thấu tỏ mọi sự, thấu tỏ cả mọi toan tính không trong sáng của con người, nhưng Ngài không định kiến, không phê phán mà luôn chờ đợi. Bạn hãy chiêm ngắm để thấy Chúa yêu bạn và để bạn sống với người khác bằng tình yêu ấy.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian thinh lặng ở lại một mình với Chúa để lắng nghe tiếng Ngài.
Cầu nguyện: Xin Chúa mở tai để con biết lắng nghe, mở lòng để biết sống yêu thương thay cho hờn ghét.
07/07/23 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Mt 9,9-13
LỜI MỜI GỌI ĐƯỢC ĐÁP LẠI
Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!’ Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9)
Suy niệm: Câu chuyện ơn gọi của Mát-thêu diễn ra thật đột ngột và đơn giản: Chúa Giê-su có vẻ tình cờ đi ngang qua, Người gọi ông, và “ông đứng dậy đi theo Người”. Không giống như trường hợp Giê-rê-mi-a được Chúa gọi làm ngôn sứ từ trong lòng mẹ (Gr 1,5). Cũng không giống trường hợp Phao-lô được Chúa chọn gọi khi còn trong lòng mẹ (Gl 1,15) nhưng diễn ra đầy kịch tính trong vụ ngã ngựa tại cổng thành Đa-mát. Với Mát-thêu, những tình tiết ly kỳ ấy có thể có, có thể không, ơn gọi của ông vẫn hình thành mà không thể thiếu điểm cốt lõi này là Chúa gọi ông, ông đáp lại và đi theo Người.
Mời Bạn: Lời mời gọi được đáp lại là một ơn gọi được hoàn thành viên mãn. Một đàng Chúa gọi ai vào ơn gọi nào là tuỳ theo ý Chúa, nhưng đàng khác Người vẫn để mỗi người tự do đáp lại tiếng gọi của Người. Từ đó họ được sai đi thi hành sứ mạng và ơn gọi của họ bắt đầu đơm hoa kết trái như Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16). Dù bạn được kêu gọi sống đời tu trì hay giáo dân, bạn đừng để lời mời gọi của Chúa rơi vào hư vô, nhưng hãy đáp lại lời Người để cuộc sống của bạn sinh hoa trái tồn tại cho Nước Chúa.
Sống Lời Chúa: Ý thức ơn gọi là món quà cao quý Chúa ban tặng cho bạn, bạn quyết đáp lại cách dứt khoát và triệt để ngay khi nghe được lời mời gọi của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chọn gọi con để cho con được tham gia sứ vụ của Chúa. Xin cho chúng con biết đáp lại ơn gọi Chúa ban bằng cách sống thật trọn vẹn ơn gọi của mình.
08/07/23 THỨ BẢY TUẦN 13 TN
Mt 9,14-17
TÌM THẤY NIỀM VUI MỖI NGÀY
Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? (…) Chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ (…) Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới.” (Mt 9,15.17)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tâm sự: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Trong cuộc đời các tông đồ, có lẽ quãng đời đẹp nhất là ba năm sống bên cạnh Thầy Giê-su, ba năm ngày nào cũng đầy ắp những niềm vui. Vui vì được sống với một Đức Giê-su bằng xương bằng thịt; vui vì được sống bên chàng rể với tư thế là những người phù rể. Niềm vui đó chỉ bị mây mù u buồn che khuất trong ba ngày khổ nạn. Thế nhưng rồi Đức Ki-tô sống lại, niềm vui ấy càng được nhân lên, kéo dài mãi, vì từ nay hân hoan đi khắp tứ phương rao giảng Tin Mừng, các ông biết rằng Đức Giê-su phục sinh đang hiện diện một cách vô hình cạnh các ông. Bầu khí tiệc cưới luôn là bầu khí vui tươi, ai bước đi với Đức Giê-su luôn bước đi trong niềm vui, một niềm vui bất tận.
Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa luôn so sánh Nước Trời mà Ngài mời bạn tham dự như một tiệc cưới vui vẻ. Bạn hãy cảm nhận niềm vui được sống trong Nước Trời cùng với Đức Giê-su.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ luôn vui tươi lạc quan trong cuộc sống, khởi đầu bằng cách mỗi ngày tìm thấy một niềm vui khi làm cho người khác vui tươi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết tươi cười, cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con. Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản, nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con. Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc, vì được Chúa yêu thương và được sai đi để thông truyền tình thương ấy. Amen.
(Rabbouni)
09/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 14 TN – A
Mt 11,25-30
BIẾT MẦU NHIỆM
“Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Thông thường, để hiểu biết sự vật, người càng khôn ngoan thông thái càng hiểu biết cách sâu sắc hơn. Nhưng đó là để hiểu biết sự vật bình thường; còn đối với những vấn đề thuộc lãnh vực mầu nhiệm thì cần có cách hiểu biết riêng, bởi vì mầu nhiệm không phải là một đối tượng mà chúng ta có thể dùng phương pháp thông thường của trí tuệ là phân tích lý luận để hiểu biết được. Chúng ta chỉ có thể hiểu biết mầu nhiệm bằng cách đón nhận trong niềm tin. Biết mầu nhiệm không phải là làm cho mầu nhiệm hết ‘mầu nhiệm’ (không còn sâu thẳm nữa), mà đón nhận mầu nhiệm vì là ‘mầu nhiệm’. Phương pháp này người bình dân hay hàng thức giả đều có thể tiếp cận, thế nhưng đối với những người muốn ‘xử lý’ con người như những sự vật, muốn ‘mổ xẻ’ những “sự trên trời” (x. Ga 3,10-13) như những thứ phàm tục thì sự khôn ngoan thông thái lại trở thành rào cản khiến họ không thể hiểu được mầu nhiệm nữa.
Mời Bạn: Không thể định nghĩa được tình yêu nhưng ai trong chúng ta cũng đều biết yêu và có khả năng yêu. Đối với mầu nhiệm cũng vậy, chúng ta đón nhận như một người đang yêu và được yêu, bởi vì mầu nhiệm mà Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta là chính Ngài, Đấng là Tình Yêu. Đừng vì một chút thông thái rởm mà đánh mất khả năng nhận biết mầu nhiệm.
Chia sẻ: Một số người cho rằng càng học cao hiểu rộng người ta càng dễ xa Thiên Chúa. Bạn nghĩ sao?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa một lời nguyện tắt đơn sơ đầy tâm tình yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận biết và yêu mến Chúa.
10/07/23 THỨ HAI TUẦN 14 TN
Mt 9,18-26
CON CẦN BÀN TAY CHÚA
“Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” (Mt 9,18b)
Suy niệm: Đôi bàn tay của ông trưởng hội đường Giai-a đã chạm tới giới hạn không thể vượt qua, ông không thể cứu con mình thoát khỏi bàn tay thần chết. Nhưng dù ông đã bó tay, lòng tin của ông vẫn thôi thúc ông lên đường đi tìm đôi bàn tay khác có quyền năng thắng được quyền lực của thần chết; đó chính là đôi bàn tay của Chúa Giê-su: “Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Chỉ đơn giản như vậy thôi. Chúa Giê-su hiểu được nỗi đau của người cha, Ngài đưa tay đỡ em chỗi dậy, ban lại sự sống cho em. Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha, Đấng ban sự sống, cứu chữa những gì đã hư mất, cất đi những nỗi thống khổ của con người.
Mời Bạn: Bàn tay của Chúa là bàn tay tác thành sự sống từ hư vô, ban lại sự sống từ cõi chết. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng hằng sống và sáng tạo muôn loài, tất nhiên chúng ta cũng tôn trọng sự sống là công trình của bàn tay Chúa và sứ mạng của chúng ta là làm cho sự sống được phát triển. Mời bạn đặt bàn tay mình trong lòng bàn tay Chúa và chúng ta cùng nắm lấy tay nhau để bảo vệ và phát triển sự sống. Chung quanh bạn có những người đang cần tay bạn trao cho họ những cái thiết yếu để sống. Biết bao thai nhi đang van xin bàn tay người lớn đừng bị ô nhơ mà huỷ diệt sự sống của các em.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy nghĩ về những giây phút mà Chúa Giê-su cầm lấy tay bạn, và hãy tạ ơn Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin đôi bàn tay Chúa chỉ lối dẫn đưa, gìn giữ con trên mọi nẻo đường, và nâng con chỗi dậy khỏi vũng bùn đen tối cuộc đời.
11/07/23 THỨ BA TUẦN 14 TN
Th. Bê-nê-đi-tô, viện phụ
Mt 9,32-38
NỖI LÒNG MỤC TỬ
Đức Giê-su thấy đám đông, người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36)
Suy niệm: E rằng có nhiều thiếu sót nơi người mẹ trong câu nói “con khóc mẹ mới cho bú”. Người mẹ trong thời gian nuôi con thơ cần phải chăm sóc con không chỉ như một vú nuôi, nghĩa là với mức cần thiết, mà còn hơn mức cần thiết, vì là người mẹ. Nhìn con, bà liền nhạy bén nhận biết nhu cầu của con theo linh tính của người mẹ, không chờ đợi con kêu gào. Phải chăng lúc con kêu khóc cũng là lúc người mẹ thấy mình thiếu sót bổn phận? Đức Giê-su khi nhìn đám đông, Ngài bén nhạy nhận ra nhu cầu của đoàn dân: nhu cầu lương thực, nhu cầu chữa bệnh, nhu cầu tái hội nhập cộng đồng, v.v. Hơn thế nữa, Ngài thấy cả nhu cầu mà chính họ không thấy, đó là nhu cầu được chăn dắt, được hướng dẫn, một nhu cầu cần thiết hơn mọi nhu cầu khác.
Mời Bạn: Bạn là ai vậy? Có thể là người phụ trách một cộng đoàn, một nhóm, một số người hay chỉ là một thành viên nhỏ bé, vô danh. Dù vậy, có bao giờ bạn ý thức mình có trách nhiệm phải quan tâm để ý tới nhu cầu của từng người trong gia đình, trong cộng đoàn của bạn không? Nhất là nhu cầu được hướng dẫn theo chân lý? Hãy nhớ rằng Chúa đang dùng con mắt và trái tim của bạn để nhìn thấy từng người sống quanh bạn.
Chia sẻ: Tại sao ta không thấy nhu cầu của người trong nhà, trong nhóm, dù ta thường xuyên giáp mặt họ hằng ngày?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy tìm hiểu nhu cầu người bên cạnh và giúp họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con mắt con trở nên mù lòa vì trái tim con cằn cỗi, không thấy được nhu cầu của anh chị em con. Xin tạo cho con trái tim nhạy cảm để biết xót thương người bên cạnh.
12/07/23 THỨ TƯ TUẦN 14 TN
Mt 10,1-7
TẤT CẢ ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)
Suy niệm: Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di một hôm gọi một thầy cùng với mình đi giảng đạo. Hai người rảo qua các đường phố rồi trở về nhà. Thầy đó hỏi thánh nhân vì sao ngài nói đi giảng đạo mà không giảng dạy gì. Thánh Phan-xi-cô trả lời: ngay trong lúc đi đường ngài đã giảng đạo rồi. Chúa Giê-su dạy các môn đệ đến với “các chiên lạc nhà Ít-ra-en” thế mà chưa đến “nhiệm sở,” các ông đã phải rao giảng ngay khi đi dọc đường. Và Chúa còn truyền lệnh cho dù người nghe có đón nhận Lời hay không thì cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11). Các ông phải sẵn sàng bỏ lại mọi thứ hành trang cồng kềnh, giã từ những mối quan hệ vô bổ để có thể tập trung tất cả cho việc loan báo Tin Mừng.
Mời Bạn: Tất cả cho việc loan báo Tin Mừng nghĩa là từ việc bạn mua sắm, ăn mặc, hay làm công việc nghiệp vụ chuyên môn của bạn cho đến việc bắt tay chào hỏi một người quen, thậm chí việc bạn nhai một miếng cơm, uống một ngụm nước, v.v… tất cả đều có thể biến thành một hành động loan báo Tin Mừng nếu như những việc đó chuyển tải sứ điệp “Nước Thiên Chúa đã đến gần.” Nếu chỉ khi nào bạn lên tiếng rao giảng mới là loan báo Tin Mừng thì cả đời bạn, bạn có loan báo được bao nhiêu?
Chia sẻ: Kiểm điểm xem những sinh hoạt trong nhóm của bạn đã nói lên được sứ điệp nào của Tin Mừng chưa.
Sống Lời Chúa: Chú ý làm tốt một công việc thường ngày với ý chỉ cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết thao thức trước cảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít,” xin hãy sai con đi làm thợ gặt trong cánh đồng của Chúa.
13/07/23 THỨ NĂM TUẦN 14 TN
Th. Hen-ri-cô
Mt 10,6-15
TÌNH CHO KHÔNG BIẾU KHÔNG
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)
Suy niệm: Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy các ông cũng phải noi theo gương mình: cho đi vô điều kiện vì tình yêu tha nhân. Từ giờ phút này, các ông phải sắp xếp lại lối suy nghĩ, hành động của mình, phải từ bỏ cách nói, cách làm quen thuộc để có thể quên mình cho đại cuộc. Sắp xếp lại là cách diễn dịch công cuộc “Tân Phúc Âm Hóa” mà hiện nay Giáo Hội đang đề cập đến rất nhiều. Sắp xếp bao hàm sự phân loại: cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ dựa trên những giá trị của Tin Mừng. Các ông phải rao giảng, chữa lành bệnh tật, khử trừ ma quỷ cách vô cầu, hay cho không như chính mình đã được cho không. Đó chính là tình yêu, là khởi điểm cho một tình yêu sâu xa và tận căn nơi các sứ giả Tin Mừng.
Mời Bạn: Là linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân… bạn đã cho không thế nào? Cho không là không nhắm đến một ‘hòn chì ném lại’ nào, dù là tình cảm, tiền bạc, đồ vật hay một mối tương quan nào từ người được thụ hưởng. Ai cũng có một cái gì đó tốt đẹp để cho không, bạn cũng vậy thôi!
Sống Lời Chúa: Động lực thúc đẩy các môn đệ ra đi theo lệnh truyền của Chúa Giêsu không gì hơn là lòng thương xót của Ngài. “Ngài chạnh lòng thương” họ như chiên bơ vơ không người chăm sóc. Động cơ thúc đẩy chúng ta đem tình cho không biếu không người anh chị em cũng không ngoài quĩ đạo ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu đáng mến, Chúa ban cho chúng con ơn huệ tuyệt vời là được nhận biết và yêu mến Chúa. Xin giúp chúng con biết “cho đi mà không cần tính toán,” bởi vì chúng con luôn ý thức mình không có gì mà đã chẳng lãnh nhận từ Chúa. Amen.
14/07/23 THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Th. Ca-mi-lô Len-li, linh mục
Mt 10,16-23
ỨNG PHÓ NHỜ THẦN KHÍ
“Không phải anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (Mt 10,20)
Suy niệm: Khi xảy ra thiên tai, người dân được kêu gọi tận dụng những phương tiện tại chỗ để ứng phó hầu hạn chế thiệt hại, trong khi chờ đợi các nguồn cứu trợ từ xa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su báo trước thân phận của các môn đệ sẽ phải đương đầu với nhiều gian nan nguy hiểm: sống giữa thế gian họ như “chiên giữa bầy sói”, họ sẽ bị bắt, bị nộp, bị đánh đập, ghét bỏ, giết chết… Chúa Giê-su dạy trong cơn bách hại, không được lo lắng, sợ sệt nhưng luôn tin tưởng vào nguồn trợ lực siêu nhiên là Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, thật vậy, không phải chính anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” Trong cơn nguy khốn, tưởng chừng vắng bóng Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Thánh Thần hiện diện kề bên để giúp ta ứng phó.
Mời Bạn: Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đấng Bảo trợ là Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giê-su đã hứa. Ngài đến gìn giữ, hướng dẫn, thánh hoá và canh tân Hội Thánh. Ngài cũng hoạt động nơi mỗi người chúng ta như chân phước Elena Guerra nói: “Mỗi tín hữu có thể nói: Chúa Ki-tô hứa ban Thánh Thần của Người cho tôi, thật vậy cho tôi cách riêng. Vì vậy, bao lâu tôi mong ước Chúa Thánh Thần, tôi sẽ nhận được Người. Người sẽ đến với tôi. Người sẽ ban Người cho tôi. Người sẽ ở lại với tôi.”
Sống Lời Chúa: Dừng lại giây lát trước khi làm bất cứ việc gì để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, Xin biến đổi và thánh hoá con trong tình yêu và sức mạnh diệu kỳ của Chúa để con sống cho vinh quang Thiên Chúa. Amen.
15/07/23 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
Th. Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 10,24-33
ĐỪNG THOẢ HIỆP VÌ SỢ
Đức Giê-su nói với các tông đồ rằng: “Không một con (chim sẻ) nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em… Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10,29-31)
Suy niệm: Sợ là một phản ứng tâm lý bình thường nơi con người. Ai cũng có cái để sợ. Ngay cả Chúa Giê-su, trong vườn Cây Dầu, Ngài cũng đã sợ đến độ đổ mồ hôi máu. Thế nhưng dù sợ, Ngài không chùn bước, không thối lui, Ngài vẫn hiên ngang bước vào cuộc khổ nạn và chấp nhận cái chết để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Vì hơn ai hết, Ngài hiểu rõ về Cha: là Đấng thấu suốt mọi chân tơ kẽ tóc; và là Đấng an bài mọi sự, dù đó chỉ là mạng sống con chim sẻ. Ngài đến trần gian là chỉ để làm chứng về Cha. Và những kẻ theo Ngài, cũng mang cùng một sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Mời Bạn: Vì danh Chúa Ki-tô, người môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét; nhưng Ngài trấn an những kẻ theo Ngài là “đừng sợ”, vì Ngài đã thắng thế gian (Ga 16,33). Thắng, không có nghĩa là đè bẹp thế gian, mà là không chấp nhận làm theo những đòi hỏi của nó, cho dù bị đe dọa, bị khủng bố, hay bị giết chết; mà trái lại, còn biến đổi và thánh hoá nó. Chúa cho biết quy luật để vào Nước Trời là: “Ai cố giữ mạng sống mình thì sẽ mất” (Mc 10,39). Bạn xét xem bạn đang sợ điều gì, và có phải vì sợ mà bạn thoả hiệp với thế gian mà lỡ mất hạnh phúc Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên kiểm điểm cuộc sống để sớm nhận ra mình đang thoả hiệp với thế gian như thế nào và để chấn chỉnh lại đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, là một con người, Chúa cũng sợ hãi, nhưng Chúa không thỏa hiệp để giữ lấy mạng sống. Xin ban thêm niềm tin, để con dám liều thân để chọn sống theo ý Chúa. Amen.
16/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 15 TN – A
Mt 13,1-23
TRỞ NÊN ĐẤT TỐT
“Có những hạt rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả.” (Mt 13,8)
Suy niệm: Thiên Chúa là người gieo giống khác thường, gieo Lời của Ngài trên mọi mảnh đất tâm hồn con người, bất kể đó là tâm hồn sỏi đá, gai góc hay là đất tốt. Điều kỳ diệu là Ngài chúng ta được tự do chọn là mảnh đất khô cằn hay là thuở ruộng phì nhiêu tươi tốt, và càng kỳ diệu hơn, Ngài cho ta có cơ hội hoán cải để trở nên đất tốt để đón nhận Lời Ngài và sinh hoa kết quả.
Mời Bạn: Chúa thường ví hạnh phúc cứu độ như bữa tiệc cưới linh đình mà “cỗ bàn đã sẵn” (x. Mt 22,4), chỉ đợi các khách mời đến nhập tiệc. Nhưng Thiên Chúa lại tôn trọng con người tới mức để cho chúng ta tự do đón nhận hay khước từ Tình Yêu của Người. Người ta có thể bị cám dỗ chạy theo những đam mê dục vọng, tìm kiếm hạnh phúc nơi những thứ tạm thời hơn là tìm kiếm hạnh phúc đích thực nơi chính Thiên Chúa. Bạn nhớ rằng: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa” (Sách GLHTCG, số 31). Vì thế, con người càng là người đích thực khi càng trở nên hoàn thiện giống Thiên Chúa. Bạn được mời gọi làm cho mảnh đất tâm hồn mình trở nên màu mỡ và sinh nhiều hoa trái. Lý tưởng hoàn thiện đó là cả một hành trình hoán cải từng ngày, nhờ sức sống của ơn thánh từ Lời Chúa và các Bí tích. Vì “chỉ nơi Thiên Chúa con người mới gặp được chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (số 27).
Sống Lời Chúa: Chăm sóc cho thửa đất tâm hồn bạn trở nên màu mỡ bằng việc siêng năng suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra Chúa luôn yêu thương chúng con hết mực, để biết sống xứng đáng với Tình yêu ấy. Amen.
17/06/23 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Mt 10,34-11,1
CHÉN NƯỚC LÃ CHO KẺ BÉ MỌN
“Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi,… sẽ không mất phần thưởng.” (Mt 10,42)
Suy niệm: Những “kẻ bé mọn” theo Phúc âm Mát-thêu, trước tiên chỉ về các trẻ em, những kẻ không có vị thế, tiếng nói trong xã hội, nhưng lại là những người thuộc ‘diện ưu tiên’ mà Chúa không muốn ai bị hư mất, được Ngài mạc khải những mầu nhiệm, và được coi là hình mẫu cho những ai xứng đáng vào Nước Trời (x. Mt 11,25; x. 18,1-10). Hiểu rộng ra, đó còn là các bà goá, những người nghèo khổ, tội lỗi,… những kẻ thường bị lãng quên ruồng bỏ, những kẻ mà Chúa tự đồng hoá Ngài với họ (x. Mt 25,40). Vì thế, một nghĩa cử nhân ái dành cho họ, dù nhỏ bé như cho họ một chén nước lã thôi, cũng được Chúa kể là làm cho Ngài. Hơn nữa Chúa còn đặt hành vi “đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” vào trong tương quan hàng dọc với Thiên Chúa, tức là cũng tương đương với việc “đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” Như thế, phần thưởng cho chúng ta chẳng những sẽ không mất mà còn “thật lớn lao ở trên trời” (Mt 5,12).
Mời Bạn: “Một chén nước lã” được Chúa coi là “một chén ân tình”. Từ nay “cho kẻ đói ăn”, “cho kẻ khát uống” không còn là một việc tuỳ hứng, tuỳ thời vụ mà còn là đòi buộc của luật yêu thương. Với bí quyết của mẹ thánh Tê-rê-sa Calcutta: “Làm việc nhỏ với tình yêu lớn” thì đòi buộc ấy không có gì là quá khó, mà hoàn toàn khả thi trong tầm tay của mọi người.
Sống Lời Chúa: Bạn đặt cho mình luật buộc: mỗi ngày làm ít là một việc phục vụ cho một người bé mọn sống gần bên bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa khi chúng con biết cư xử với nhau chân thành hơn trong tình yêu thương, bác ái hơn với nhau trong lời nói cũng như việc làm.
18/07/23 THỨ BA TUẦN 15 TN
Mt 11,20-24
SÁM HỐI VÀ HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG
Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối. (Mt 11,20)
Suy niệm: Câu tục ngữ: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” từng một thời là khuôn vàng thước ngọc cho việc giáo dục, ngày nay hứng chịu không ít ‘gạch đá’ bởi vì nhiều người vin vào nó để biện minh cho thói bạo hành của mình. Nhưng phải chăng khi phủ nhận giá trị tích cực của câu tục ngữ này, người ta lại sa vào một cực đoan khác, đó là dung dưỡng cho tính bướng bỉnh, vô kỷ luật của chính con cái mình? Về điều này, Chúa Giê-su nêu cho chúng ta chuẩn mực của Ngài. Một mặt, Ngài không ngần ngại quở trách những kẻ cứng lòng đã “chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối.” Ngài còn cảnh báo họ càng nhận được nhiều ơn thì hình phạt dành cho họ lúc đó sẽ càng nặng nề hơn. Mặt khác, Ngài dạy chúng ta học với Ngài vì Ngài “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Ngài nghiêm khắc đối với tội lỗi, nhưng luôn có tâm tình yêu thương, thái độ hiền hậu, khoan dung, nhẫn nại để mở ngỏ cho chúng ta cơ hội sám hối và hoán cải để được cứu độ.
Mời Bạn: Mỗi biến cố trong cuộc sống đều là hồng ân Chúa ban và là lời mời gọi sám hối và hoán cải. Đó là chưa kể muôn vàn ân phúc Ngài ban cho chúng ta qua việc cầu nguyện, thánh lễ, và các bí tích. Nếu chúng ta vẫn cứng lòng chai lỳ trong tội lỗi thì một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta sẽ đáng nhận án phạt nặng nề hơn.
Sống Lời Chúa: Luôn xét mình và ăn năn tội mỗi tối và thường xuyên sám hối lãnh nhận bí tích giải tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su! Xin đừng để chúng con chai lì trong tội lỗi, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết sám hối, ăn năn để được ơn cứu độ. Amen.
19/07/23 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Mc 11,25-27
MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI CHO NGƯỜI BÉ MỌN
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Có thực sự là Thiên Chúa giấu mầu nhiệm Nước Trời cho bậc khôn ngoan thông thái và chỉ mạc khải cho người bé mọn hay không? Thiên Chúa cứu độ hết mọi người kia mà!!?? Phải chăng bậc khôn ngoan thông thái, những người thông minh, giỏi giang, có chỉ số IQ hơn người, họ không được phép biết mầu nhiệm Nước Trời, họ không cần được cứu độ hay sao? Khi đặt người “bậc khôn ngoan thông thái” đối lập với “những người bé mọn”, Chúa Giê-su muốn ám chỉ tới những người có địa vị, tiếng nói trong xã hội, trí tuệ đầy ắp kiến thức, thông thạo lề luật, nhưng lại không có tinh thần trẻ thơ, nghèo khó. Họ tự mãn, không cần ai và cũng chẳng cần Chúa. Vì thế, nếu họ có được Chúa mặc khải thì “họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu” (Mc 4,12; Is 6,10).
Mời Bạn: Để được mặc khải mầu nhiệm Nước Trời và nhờ đó lĩnh nhận ơn cứu độ, bạn hãy trở nên người bé mọn, nghĩa là người có tinh thần trẻ thơ, tinh thần nghèo khó. Họ chỉ có một niềm trông cậy duy nhất là Thiên Chúa. Họ sẵn sàng một tấm lòng không, nhờ đó có thể chất đầy Lời Chúa và đón nhận ơn cứu độ.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình phân định để loại bỏ ý riêng, tự mãn và để trở nên bé mọn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con một tâm hồn biết buông bỏ mọi sự để Lời của Chúa thấm đẫm và chứa đầy trong trái tim con, hầu con nhận ra ý Chúa muốn nói với con qua từng biến cố xảy đến với con hôm nay. Amen.
20/07/23 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Th. A-pô-li-na-rê, giám mục, tử đạo
Mt 11,28-30
HỌC VỚI GIÊ-SU
Chúa Giê-su nói : “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Chúa Giê-su giảng dạy thật hùng biện hấp dẫn, nhưng Ngài không dạy chúng ta phải bắt chước Ngài ở điểm này. Cũng thế, Chúa thực hiện rất nhiều phép lạ, nhưng không phải ai cũng được Ngài ban cho quyền năng đặc biệt này. Điều duy nhất Ngài yêu cầu chúng ta hãy học nơi Ngài đó là đức hiền lành và khiêm nhường. Thật kỳ diệu, con người gặp gỡ Thiên Chúa ở chính điểm Ngài hạ mình xuống thấp nhất. Từ điểm thấp nhất này của Thiên Chúa mà Ngài được tôn vinh và cũng từ điểm này con người cũng được nâng lên cao nhất vì trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Mầu nhiệm thập giá, phương thế Chúa dùng để cứu chuộc chúng ta, chính là nơi thể hiện rõ hơn cả đức hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Nếu muốn học hiền lành và khiêm nhường như Đức Ki-tô, thì hãy học nơi thập giá của Ngài.
Mời Bạn: Nếu như Chúa là Thiên Chúa mà còn chọn hiền lành và khiêm nhường là cách tốt nhất để cứu chuộc thì chúng ta sao lại không chọn hiền lành và khiêm nhường là cách tốt nhất để phục vụ? Mời bạn chiêm ngắm Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường qua các trình thuật của Tin Mừng, đặc biệt về cuộc Thương Khó của Ngài.
Sống Lời Chúa: Chọn một hành động của Chúa Giê-su thể hiện sự hiền lành khiêm nhường đánh động tâm hồn bạn nhất – chẳng hạn việc Chúa rửa chân cho các tông đồ – để ghi nhớ, suy gẫm và tập sống như Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường, xin dạy dỗ con, cho con học biết sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Amen.
21/07/23 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Th. Lô-ren-xô Brin-đi-xi, linh mục
Mt 12,1-8
Ý NGHĨA NGÀY CHÚA NHẬT
“Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Mt 12,8)
Suy niệm: Người Pha-ri-sêu giữ lề luật cách câu nệ, cứng nhắc đến mức đánh mất ý nghĩa thiêng liêng đích thực của việc giữ ngày sa-bát. Chúa Giê-su thể hiện Ngài là Thiên Chúa là “chủ ngày sa-bát” qua việc Ngài phục hồi ý nghĩa giá trị việc nghỉ lễ là thánh hoá thời gian để tôn vinh Thiên Chúa Đấng tạo thành và nhất là chính Ngài là Đấng cứu chuộc qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Ngày sa-bát được chuyển dời sang ngày thứ nhất trong tuần, ngày Ngài sống lại, Ngày Của Chúa, ngày Chúa Nhật.
Mời Bạn: Hiện nay tỷ lệ người Công giáo Việt Nam dự lễ Chúa nhật khá cao, một điều đáng mừng, rất khích lệ. Theo tinh thần của Đấng “làm chủ ngày sa-bát”, chúng ta ‘giữ ngày Chúa Nhật’ không chỉ như tuân thủ một điều luật buộc mà còn vì tin thờ, yêu mến Đấng cho chúng ta được sống lại với Ngài. Như người con thảo hiếu, chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa là Cha nhân lành, Đấng tạo thành và cứu chuộc ta nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Việc nghỉ ngày Chúa Nhật đã phổ biến thành điều khoản theo luật lao động, nhưng tiếc thay, ngày này đang dần mất đi ý nghĩa là ngày được thánh hoá để thờ phượng Chúa mà chỉ còn là ngày để giải trí vui chơi… Xu hướng này là một thách đố không hề nhỏ cho chúng ta. Ngay bây giờ, bạn xác tín ý nghĩa thánh hóa Chúa nhật, cũng như dạy cho con em biết làm chủ Chúa nhật theo tinh thần đức tin.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy quyết tâm luôn tham dự thánh lễ Chúa nhật, không chỉ vì đó là điều luật buộc, nhưng trước hết, vì lòng yêu mến, kính sợ Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con vượt thắng tính ươn lười, để sống nghiêm chỉnh điều răn Chúa dạy: “Thứ ba giữ ngày Chúa nhật.” Amen.
22/07/23 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na
Ga 20,1-2,11-18
CHỨNG NHÂN CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH CHO MỌI NGƯỜI
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa,” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. (Ga 11,18)
Suy niệm: Người người phụ nữ đầu tiên được Chúa tỏ mình ra sau khi sống lại là Ma-ri-a Mác-đa-la. Bà được vinh dự đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho các tông đồ, bà xứng danh là ‘Tông đồ của các Tông đồ’. Ta tin chắc rằng gặp ai bà cũng loan truyền rằng Chúa đã thực sự sống lại, đã hiện ra với bà, truyền lệnh cho bà loan báo tin vui trọng đại này. Bà là chứng nhân, nhà truyền giáo đầu tiên loan Tin Mừng phục sinh của Đấng Cứu Thế. Bà trở nên mẫu gương, mẫu mực cho việc loan báo Tin Mừng: ra đi – loan báo – kể lại “Tôi đã thấy Chúa.” Chứng từ mạnh mẽ, có sức thu hút hay không tùy thuộc phần lớn nơi giá trị của sứ điệp cũng như sự nhiệt tình, xác tín của người được sai đi. Là người được sai đi, bạn hãy chiêm ngắm thật kỹ mẫu gương tông đồ nơi Bà Ma-ri-a Mác-đa-la.
Mời Bạn: Là môn đệ của Đấng Phục sinh qua phép Thánh tẩy và Thêm sức, bạn được trao nhiệm vụ làm chứng cho Chúa nơi môi trường bạn sinh sống, làm việc. Bạn có nhiệt thành, can đảm, dấn thân để nói về Chúa, làm chứng cho Ngài cho những anh chị em chưa biết hoặc muốn biết về Ngài hay chưa?
Sống Lời Chúa: Làm chứng là nói và làm những điều hay lẽ phải hợp với đạo lý con người, thực thi các việc đạo đức Chúa dạy. Điều này đòi hỏi bạn không sợ dư luận, cũng chẳng e dè, ngại ngùng trước đám đông.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì tình mến, lòng nhiệt thành của Thánh nữ Ma-ri-a Mác-đa-la mãi là gương sáng, động lực truyền giáo cho mọi Ki-tô hữu chúng con. Amen.
23/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – A
Mt 13,24-43
KIÊN NHẪN-HY VỌNG-THƯƠNG XÓT
“Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,29)
Suy niệm: Đức Giê-su dùng phương pháp tương phản để cho thấy hai đường lối khác biệt. Ông chủ: gieo giống tốt, ban ngày, công khai, quan tâm chăm sóc; kẻ thù (Satan): gieo cỏ lùng, ban đêm, lén lút, bỏ mặc. Cỏ lùng khi lớn lên giống như lúa, nếu nhổ đi sẽ ảnh hưởng tới cây lúa, cũng như có thể nhổ nhầm cây lúa. Ruộng là thế gian, trong “ruộng thế gian” này, người Ki-tô hữu là giống tốt được gieo vào, được mong mỏi đơm bông kết hạt; thế nhưng, họ vẫn có “nguy cơ” trở thành “cỏ lùng” khi để tâm hồn nên xấu xa tội lỗi. Chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã gieo giống tốt vào ruộng thế gian, thậm chí “gieo” cả Con Một mình, là hạt lúa mì chịu mục nát, chết đi, sống lại, để sản sinh bao hạt lúa khác.
Mời bạn: Ta thường loại bỏ những người bất đồng quan điểm, không tương hợp với mình; hoặc do cho rằng họ “tội lỗi” hơn ta, nơi họ không có gì đáng tôn trọng. Bạn hãy ngắm nhìn Người gieo giống: kiên nhẫn, khoan dung, thương xót, chờ đợi, luôn hy vọng “cỏ lùng” sẽ có ngày hoán cải, trở thành lúa tốt. Không phải chờ đợi một hai năm, nhưng đến mùa gặt, ngày cuối đời. Bạn hãy suy ngắm, thực hành mẫu gương Người gieo giống ấy. Bạn biết không, ngày cánh chung Thiên Chúa sẽ xét xử bạn dựa trên việc bạn đã sống lòng thương xót với anh chị em mình chưa?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho một người đang sống xa lìa Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con hoán cải. Xin cho con kiên nhẫn, hy vọng, thương xót với anh chị em và với chính mình.
24/07/23 THỨ HAI TUẦN 16 TN
Th. Sa-be-li-ô Ma-lúp, linh mục
Mt 12,38-42
CÁM DỖ “DẤU LẠ”
“Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.” (Mt 12,38-39)
Suy niệm: Trong mọi thời đại, con người vốn tính hiếu kỳ, vẫn luôn sính những điều mới lạ. Ngày xưa các kinh sư và Pha-ri-sêu đòi Chúa Giê-su làm dấu lạ. Ngày nay, dưới nhãn hiệu “hiện đại”, “đổi mới”, nhân loại đòi Thiên Chúa và Hội Thánh làm dấu lạ. Câu trả lời của Chúa Giê-su vẫn là, và phải là câu trả lời của Hội Thánh: đối với “thế hệ gian ác và ngoại tình”, sẽ chỉ có một dấu lạ duy nhất, dấu lạ Giô-na. Đó là dấu lạ của hạt lúa phải thối đi, chết đi để có thể trổ sinh, tăng trưởng.
Mời Bạn: Não trạng thực dụng của nền văn minh tiêu thụ ngày nay len lỏi vào mọi lãnh vực của cuộc sống, không loại trừ cả lãnh vực thánh thiêng. Cám dỗ “dấu lạ” mê hoặc tâm hồn nhiều người, cả giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân. Hơn lúc nào hết, để đối lại với nền “văn minh sự chết” này, cần có một cái nhìn đức tin trước những cám dỗ “dấu lạ”. Thay vì những hoạt động “phi thường” những trình diễn “ngoạn mục” để thoả mãn tính hiếu kỳ, người ki-tô hữu biết sống “dấu lạ Gio-na” là hoàn thành những cái “bình thường”, thậm chí “tầm thường” nhỏ nhoi, nhưng bằng một cách “phi thường”.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm đau thương về hậu quả của việc “có mới nới cũ” không? Kinh nghiệm về việc âm thầm chu toàn nhiệm vụ từng ngày không?
Sống Lời Chúa: Chu toàn việc bổn phận hằng ngày của bạn trong tinh thần khiêm tốn, vui tươi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cám dỗ “dấu lạ” thật hấp dẫn đối với chúng con. Xin giúp chúng con lướt thắng nó bằng cuộc sống hy sinh quên mình để phục vụ.
25/07/23 THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Gia-cô-bê, tông đồ
Mt 20,20-28
SỐNG KHÁC ĐI!
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân … Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,25-26)
Suy niệm: “Trao tất cả quyền lực cho số đông, họ sẽ đàn áp số ít. Trao tất cả quyền lực cho số ít, họ sẽ đàn áp số đông” (Alexander Hamilton). Câu nói trên đây cách nào đó phản ảnh một sự thật chua chát: kẻ nắm quyền lực luôn muốn đàn áp người khác. Đức Giê-su muốn các môn đệ sống khác đi, không được bước theo lối mòn đó. Sống “khác đi” không phải là lập dị, ngạo nghễ… nhưng là ngược lại với tinh thần thế gian. Thế gian “dùng uy mà thống trị dân,” còn môn đệ lại “làm người phục vụ anh em.” Sống cung cách phục vụ giúp người nắm quyền thoát khỏi khuynh hướng đàn áp, thống trị, chiếm đoạt; cũng như ý thức rằng quyền bính được trao nhằm thực thi sứ vụ cho đi bản thân mình để mưu ích cho người khác.
Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô XVI đã gọi lối phục vụ khiêm hạ mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ là thứ “lạc hậu lành mạnh.” Dầu “lạc hậu” so với thế gian, nhưng kiểu sống ấy mang lại giá trị siêu nhiên cho người môn đệ. Đức Giê-su đã trở nên Đấng tiên phong hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, khác hẳn các nhà lãnh đạo độc tài chỉ biết đòi hỏi người khác, vun vén cho bản thân mình. Mời bạn tập sống cung cách phục vụ như Đức Giê-su đã sống, làm gương cho bạn.
Sống Lời Chúa: Đọc nhiều lần trong ngày câu Lời Chúa: “Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.”
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con có cái nhìn mới về quyền lực, để trở nên người phục vụ trong khiêm hạ như Con Một Cha đã nêu gương cho con. Amen.
26/07/23 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Gio-a-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a
Mt 13,1-9
GIEO HẠT GIỐNG TRONG HY VỌNG
“Người gieo giống ra đi gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường… có hạt rơi trên nơi sỏi đá… có hạt rơi vào bụi gai… có hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,1-9)
Suy niệm: Có thể nói không ai sống với niềm hy vọng cho bằng nhà nông. Ra đi gieo giống với bao bất trắc có thể xảy ra, từ lúc hạt giống được gieo vãi, nẩy mầm, mọc lên, tới khi trổ đòng đòng, thậm chí lúc kết hạt, vẫn có thể trắng tay. Thế nhưng, nhà nông vẫn luôn hy vọng vào một mùa bội thu. Chính niềm hy vọng đó khiến nhà nông ra đi gieo giống và tiếp tục gieo giống. Đức Giê-su nói với ta rằng đó chính là tâm trạng của Thiên Chúa khi gieo hạt giống Lời Ngài vào thửa ruộng tâm hồn của ta, dù bao bất trắc đe dọa số phận mong manh của hạt giống: sự hời hợt nông cạn, tính lơ đễnh chểnh mảng, lòng đam mê của cải vật chất, thú vui trần thế… Thế nhưng, Thiên Chúa tin tưởng rốt cuộc, mùa gặt sẽ dồi dào phong phú.
Mời Bạn: Xét xem số phận hạt giống Lời Chúa nơi thửa ruộng tâm hồn bạn: hạt giống cứ trơ ra không chút tác động, chỉ tác động sơ sơ, bị những đam mê trần thế làm chết ngạt, hay được trân trọng chăm sóc bằng việc quan tâm đọc, suy niệm và sống mỗi ngày. Tâm hồn tôi đang thuộc loại đất gì? Tôi sẽ làm gì để biến thửa ruộng tâm hồn thành đất tốt?
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa làm hạt giống cho vụ mùa hôm nay của bạn và nỗ lực thực hành Lời ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi thửa ruộng tâm hồn chúng con thành loại đất tốt, nhờ vậy, hạt giống Lời Chúa sẽ sinh hoa kết hạt, đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn.
27/07/23 THỨ NĂM TUẦN 16 TN
Mt 13,10-17
MỞ LÒNG ĐỂ ĐỜI THAY ĐỔI
“Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.” (Mt 13,16)
Suy niệm: Người ta nói rằng không ai điếc bằng kẻ không muốn nghe, mù cho bằng người chẳng muốn nhìn. Tại sao như vậy? Họ là người luôn cho rằng mình đúng, không bao giờ chịu đón nhận ý kiến của người khác. Họ đóng cửa lòng mình đến độ: “nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.” Như thế, không phải Chúa Giê-su cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để ta không thể hiểu được, nhưng vì người Do Thái cứng đầu cứng cổ, bịt tai không nghe lời mời gọi hoán cải của Ngài. Họ thích ở lỳ trong tình trạng mù lòa, điếc lác. Trái lại, cũng có những tâm hồn mở lòng đón nhận lời mời gọi của Chúa Giê-su, hoán cải cuộc đời, sống cuộc đời mới đầy hứng khởi, niềm vui, hạnh phúc, chẳng hạn như Lêvi, Gia-kêu, và bao người khác nữa.
Mời Bạn: “Chúng ta đừng bao giờ ân hận vì đã dám sống tốt lành ở tuổi thanh xuân, mở lòng ra với Chúa, và đã sống khác với thói đời. Những điều đó không làm tuổi xuân ta mất gì, thay vào đó chúng kiện cường và làm tươi trẻ tuổi xuân chúng ta” (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống). Hôm nay lời nhắn nhủ ấy được gởi đến cho bạn, mời bạn mở lòng đón Chúa, để Ngài thay đổi đời bạn.
Sống Lời Chúa: Hôm nay hãy làm một việc tốt lành cho một người mà mình không thích.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tự hào là người Công giáo, có đức tin, thông thạo giáo lý, nhưng bao lần con đã nhắm mắt làm ngơ trước những đòi hỏi của Tin Mừng, khép chặt lòng mình để khỏi bị Chúa quấy rầy, thực hiện vài nghĩa cử yêu thương. Xin hoán cải lòng con, mềm mại đáp lại lời mời gọi Chúa mỗi ngày. Amen.
28/07/23 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Mt 13,18-23
NGẮM HẠT GIỐNG NGÔI LỜI
“Đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết hạt và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ sáu chục, kẻ ba chục.” (Mt 13,23)
Suy niệm: “Trong mỗi hạt giống là tiềm năng của mùa gặt bội thu” (F. Gray). Sinh hoa kết trái là mơ ước, mong đợi của người gieo trồng. Thiên Chúa là người gieo trồng hào phóng, hào phóng đến độ liều lĩnh gieo cả Lời của mình, Ngôi Hai Thiên Chúa, vào trong thế giới. Liều lĩnh vì ngay khi có mặt trên đời, Ngôi Lời ấy đã bị truy lùng để triệt hạ. Bị chống đối, tẩy chay, cuối cùng là bị giết chết như kẻ tử tội. Thế nhưng, vẫn còn đó những tâm hồn thiện chí đón nhận, yêu mến, sống chết với Ngài. Từ các thửa đất tốt ấy, hạt giống đức tin lớn lên, phát triển khắp thế giới, chờ đợi ngày Nước Thiên Chúa thành toàn. Cuộc đời mỗi Ki-tô hữu cũng nằm trong quỹ đạo của hạt giống Giê-su: đau khổ, thất bại, vất vả, nhưng rốt cuộc là mùa gặt bội thu của niềm vui.
Mời Bạn: Bạn nhớ rằng ngày bạn gieo trồng chưa phải là ngày mình hái trái. Đời sống đức tin cũng vậy, bạn phải gieo trồng hạt giống các nhân đức trước, rồi có ngày bạn sẽ thu hoạch, thưởng thức các nhân đức ấy. Chăm chỉ, siêng năng đọc, cố gắng hiểu, rồi nỗ lực sống từng câu Lời Chúa mỗi ngày, sẽ đến ngày bạn cảm thấy vị ngọt ngào của từng câu Lời Chúa ấy trong đời bạn. Bạn đã xác tín như vậy chưa, và dám bắt đầu từ chính đời mình không?
Sống Lời Chúa: Tôi đón nhận trong nhiều trường hợp mình phải hy sinh quên mình để sống đức tin, gạt bỏ ý riêng, sở thích, để sống một câu Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con ngắm nhìn Chúa như hạt lúa mì được gieo vào trái đất, sinh vô số bông hạt mới là chúng con. Xin cho con cũng biến tâm hồn mình thành đất tốt cho hạt giống Chúa sinh hoa kết hạt nơi con. Amen.
29/07/23 THỨ BẢY TUẦN 16 TN
Th. Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô
Lc 10,38-42
ĐƯỢC ƠN PHỤC VỤ THÌ PHẢI PHỤC VỤ
Cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” (Lc 10,42)
Suy niệm: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,6-8). Lời của thánh Phao-lô gợi lên hình ảnh một cộng đoàn gồm những thành viên với những tác vụ khác nhau nhưng liên đới với nhau tùy theo khả năng Thiên Chúa ban. Thế nên, không có chuyện việc phục vụ này hèn kém, hay cao vượt hơn việc tông đồ kia: Mác-ta có ơn gọi phục vụ, còn Ma-ri-a được ơn lắng nghe. Mác-ta có vẻ không nhận ra điều ấy nên đã phàn nàn với Thầy Giê-su. Khi ngồi gần bên Chúa để lắng nghe, Ma-ri-a đã không chỉ chu toàn công việc bổn phận của mình, mà còn làm với trọn tâm tình, lòng mến, không hề so đo tính toán với ai.
Mời Bạn: Mỗi người đều được Chúa ban ân sủng riêng để phục vụ Chúa và cộng đoàn. Vì thế, trong việc phục vụ, ta được mời gọi hãy so sánh với chính mình của ngày hôm trước, cố gắng chu toàn công việc bổn phận cách vui tươi, đầy lòng mến, và đừng so đo với người khác.
Sống Lời Chúa: “Các Thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ đâu! Họ chỉ chu toàn bổn phận” (ĐHV 25). Mỗi ngày bạn cố gắng làm ít nhất một việc bổn phận với tất cả lòng mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết bổn phận là ý Chúa muốn chúng con chu toàn. Amen.
30/07/23 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – A
Mt 13,44-52
NƯỚC TRỜI LÀ CÓ THẬT
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,45-46)
Suy niệm: Trong đám tang những người ngoài Ki-tô giáo thường thấy có những bức liễn đề chữ “Vãng Sanh Cực Lạc”, ý nói cái chết là đi qua khỏi cuộc sống này về chốn hoàn toàn vui sướng hạnh phúc đời sau. Thế nhưng niềm tin ấy, đúng hơn, niềm ước mong đó, căn bản là mơ hồ, không xác định cõi cực lạc ấy như thế nào. Thế nên người ta vẫn sợ hãi cái chết và cố sức níu kéo để ở lại cõi trần này. Chúa Giê-su cho biết Nước Trời, chốn hạnh phúc mà con người hằng mơ ước đó, là điều có thật nhưng còn ẩn giấu, như viên ngọc quý, như “kho báu chôn giấu trong ruộng”. Nước Trời là có thật rất quý giá, nhưng phải nỗ lực tìm kiếm mới gặp được, hơn nữa, phải sẵn sàng hy sinh, đánh đổi mọi sự mình có mới có thể đạt tới được.
Mời Bạn: Nước Trời quý giá nhưng như viên ngọc quý ẩn khuất trong viên đá sù sì xấu xí, hay như kho tàng vô giá được chôn giấu trong đám ruộng tầm thường. Nước Trời đó thực ra không ở đâu xa, ngay trong gia đình với vợ chồng, con cái, nơi bạn làm việc học hành hằng ngày. Đó chính là kho báu bạn phải nỗ lực tìm kiếm và trân trọng giữ gìn.
Sống Lời Chúa: “Bán đi tất cả để mua viên ngọc Nước Trời” đó là bạn từ bỏ những ham muốn ích kỷ, lợi ích cá nhân, những ý riêng của bạn để hết lòng phục vụ anh chị em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để nói cho chúng con biết về Nước Trời, Nước Trời là có thật, có sự thưởng phạt đời sau. Xin giúp con nỗ lực sống thánh thiện để được thuộc về Nước Trời. Amen.
31/07/23 THỨ HAI TUẦN 17 TN
Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục
Mt 13,31-35
LÀ MEN CHO ĐỜI
“Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13,33)
Suy niệm: “Bạn có thể làm mọi sự nếu có lòng nhiệt tình. Lòng nhiệt tình ấy là men làm cho hy vọng của bạn soi sáng đến cả các vì sao” (H. Ford). Là người Ki-tô hữu, ta không thể bằng lòng với việc chỉ thực hành đức tin một lần vào Chúa Nhật, hay lối sống đạo tiêu cực giữ đạo cho riêng mình. Chúa Giê-su mời gọi ta hôm nay nhiệt thành trở thành men làm cho đám đông chung quanh được dậy men các giá trị Tin Mừng. Ta hình dung chỉ với nắm men nhỏ xíu, vậy mà có thể làm cho ba đấu bột tương đương 50kg bột dậy men, nghĩa là một hoạt động tuy âm thầm, lặng lẽ, nhưng tác động rất lớn lao. Cũng vậy, đời sống đức tin của bạn, với việc thờ phượng Chúa + những nghĩa cử yêu thương bác ái + tông đồ giáo dân = loan báo Tin Mừng sâu đậm, hiệu quả.
Mời Bạn: Quá trình dậy men đòi phải có thời gian, để nắm men có thể tác động không ngừng với thúng bột. Nước Thiên Chúa đang âm thầm lớn lên trên thế giới, dưới tác động liên lỉ của men Thánh Thần. Bạn cũng được mời gọi làm chứng cho men Thánh Thần ấy, khi chính bạn cũng là men, kiên nhẫn hoạt động trong Hội thánh, lạc quan giữa khó khăn, thất bại, kiên trì trong hy vọng, dù rất lâu vẫn chưa thấy tia sáng cuối đường hầm.
Sống Lời Chúa: Tôi chọn một hoạt động tông đồ (thăm viếng, giúp đỡ, an ủi, khuyên nhủ…) để làm men cho khối bột tha nhân chung quanh. Tôi cũng tập kiên trì khi chưa thấy kết quả nào từ hoạt động tông đồ giáo dân ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Chúa tín nhiệm chọn con làm men cho khối bột thế giới này. Xin cho con luôn xác tín mình phải hoạt động tích cực hơn trong đời sống đức tin. Amen.