Trưa CN 4/6, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha dẫn giải về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, Lễ Chúa Ba Ngôi, Tin Mừng được trích từ cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô (x. Ga 3,16-18). Nicôđêmô là thành viên của Thượng Hội Đồng, say mê mầu nhiệm Thiên Chúa: ông nhìn nhận Chúa Giêsu là một vị thầy thuộc về Thiên Chúa và ban đêm ông đã bí mật đến đàm đạo với Người. Chúa Giêsu lắng nghe ông, biết rằng ông là một người đang tìm kiếm và trước tiên Người ngạc nhiên, trả lời ông rằng để vào Nước Thiên Chúa thì người ta cần phải được sinh lại một lần nữa; sau đó Người mặc khải cho ông tâm điểm của mầu nhiệm khi nói rằng Thiên Chúa yêu con người đến nỗi đã sai Con của Người đến thế gian. Vì thế, Chúa Giêsu, Người Con, nói với chúng ta về Chúa Cha và về tình yêu bao la của Người.
Cha và Con. Đây là một hình ảnh quen thuộc mà, nếu chúng ta suy nghĩ, sẽ đánh đổ cách chúng ta hình dung về Thiên Chúa. Thật vậy, chính từ ngữ “Thiên Chúa” gợi cho chúng ta một thực tại đơn nhất, uy nghi và xa vời, trong khi việc nghe nói về Cha và Con đưa chúng ta trở về nhà. Đúng vậy, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa như thế, ngang qua hình ảnh của một gia đình quây quần bên bàn ăn, nơi cuộc sống được sẻ chia. Thật sự, bàn ăn, đồng thời là bàn thờ, là một biểu tượng mà một số tranh thánh diễn tả Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh nói với chúng ta về một Thiên Chúa hiệp thông. Cha, Con và Thánh Thần: là sự hiệp thông.
Nhưng đó không chỉ là một hình ảnh, nhưng là thực tế, là thực tại bởi vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí mà Chúa Cha đã đổ vào tâm hồn chúng ta qua Chúa Giêsu (x. Gl 4,6), làm cho chúng ta cảm nếm, làm cho chúng ta thưởng thức sự hiện diện của Thiên Chúa: một sự hiện diện gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Chúa Thánh Thần làm với chúng ta như Chúa Giêsu đã làm với Nicôđêmô: Người đưa chúng ta vào mầu nhiệm tái sinh, sự sinh ra của đức tin, đời sống Kitô hữu, Người mặc khải cho chúng ta trái tim của Chúa Cha và làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa.
Lời mời Người ngỏ với chúng ta, có thể nói, là lời mời ngồi đồng bàn với Thiên Chúa để chia sẻ tình yêu của Người. Đây là điều xảy ra trong mỗi Thánh Lễ, tại bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha và hiến mình cho chúng ta. Vâng, thưa anh chị em, Thiên Chúa của chúng ta là sự hiệp thông của tình yêu: Chúa Giêsu đã mặc khải Người cho chúng ta như thế, và anh chị em có biết chúng ta có thể nhớ được điều này thế nào không? Bằng cử chỉ đơn giản nhất mà chúng ta đã học khi còn nhỏ: dấu Thánh giá. Khi làm dấu Thánh giá trên mình, chúng ta nhớ lại Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta biết bao, đến độ hiến mạng sống vì chúng ta; và chúng ta lặp lại với chính mình rằng tình yêu của Người bao bọc toàn bộ chúng ta, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, như một vòng tay không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đồng thời chúng ta dấn thân làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, tạo nên sự hiệp thông nhân danh Người. Bây giờ, mỗi người chúng ta hãy làm dấu thánh giá trên mình…!
Vì thế hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có làm chứng cho Thiên Chúa – tình yêu không? Hay Thiên Chúa – tình yêu đã trở thành một khái niệm, một cái gì đó đã từng nghe nói đến mà không còn lay động hay mang lại sự sống nữa? Nếu Thiên Chúa là tình yêu, các cộng đoàn của chúng ta có làm chứng cho điều đó không? Các cộng đoàn có biết yêu thương nhau không? Gia đình chúng ta có yêu thương nhau không? Chúng ta có luôn mở rộng cửa, chúng ta có biết chào đón tất cả mọi người như anh chị em không? Chúng ta có cống hiến cho mọi người lương thực của sự tha thứ của Thiên Chúa và niềm vui Tin Mừng không? Chúng ta có hít thở bầu không khí như ở nhà hay nó trông giống như một văn phòng hoặc một nơi riêng tư mà chỉ những người được chọn mới bước vào? Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, và Người đã trao ban sự sống cho chúng ta.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống đời sống Giáo Hội như sống trong ngôi nhà mà chúng ta yêu mến một cách thân thuộc, để tôn vinh Thiên Chúa Cha và Con và Thánh Thần.
—
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn tàu hoả vừa xảy gia ở Ấn Độ, xin Cha trên trời đón nhận những người đã qua đời. Đồng thời, ngài cũng bày tỏ sự gần gũi với những người bị thương và gia đình của họ.
Nguồn : Vatican News