“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 14, 15-21)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sự Sống Mới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thầy Không Để Anh Em Mồ Côi Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Sự Tích “Hòn Vọng Phu” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Yêu Mến Chúa Nơi Tha Nhân Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Bảo Trợ Hạt Nắng Trg 8
Hương Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Đường Sự Sống M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Điệp Khúc Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11
———————————–
Sự Sống Mới
Nếu các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loài cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa. Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.
– Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.
– Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
– Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.
Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.
Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.
Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.
Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?
2. Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?
3. Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————–
Thầy Không Để Anh Em Mồ Côi
Thú thật nhiều khi lướt qua câu nói này của Đức Giêsu, tôi chỉ coi đó là một lời ví von văn vẻ: biết mình sắp phải ra đi vĩnh viễn nên Người nói vậy để an ủi các môn đệ buồn phiền. Thế nhưng toàn bộ mạch văn cho thấy Người không coi nhẹ vấn đề như thế, và ngôn từ ‘mồ côi’ được Người sử dụng là có chủ đích và mang một nội dung thật sự sâu sắc. Câu nói “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em!” xác định trước hết tương quan của chính Người với các môn đệ, rồi sau đó hé mở cho thấy vai trò đích thực của nhân vật ‘Đấng Bảo Trợ’ sẽ được phái đến.
Thường thì một người được gọi là mồ côi khi mất cha hay mất mẹ đẻ, mất mát những con người máu mủ mà họ gắn bó lệ thuộc mọi mặt trong cuộc sống tự nhiên. Từ ngữ ‘mồ côi’ thông thường diễn tả một mất mát cực kỳ to lớn không gì bù đắp được, cho dù sau đó có thể sẽ xuất hiện những cha mẹ nuôi hay người đỡ đầu có những tương quan mật thiết và chặt chẽ không hề thua kém.
Đức Giêsu đã nhiều lần đề cập tới mối tương quan thân mật và bền chặt giữa Người với các môn đệ tin vào Người. Người dùng các hình ảnh sống động và cụ thể như ‘Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên’, ‘cành nho phải dính liền với thân cây nho’… để quảng diễn mối tương quan này; và trên hết Người sử dụng không úp mở hình ảnh của người cha, người mẹ đối với đứa con thơ. Như thế niềm tin của Kitô hữu không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận, thậm chí sống và đem ra thực hành các học thuyết Đức Giêsu đã rao giảng. Niềm tin Kitô hữu phải ‘hiện sinh’ (existential faith) vì nó tác động tới sự hiện hữu sâu xa nhất của con người; nơi tín hữu, niềm tin đặt nơi Thiên Chúa phải chiếm cái vị trí mà cha mẹ đẻ chiếm trong cuộc sống đời thường. Vai trò của Ngài thiết yếu tới độ, nếu thiếu nó, con người sẽ lâm vào tình cảnh một đứa trẻ mồ côi đáng thương không gì khỏa lấp được. Thực vậy, loài người nói chung, và từng con người nói riêng, đã thực sự lâm vào tình cảnh côi cút do tội lỗi họ phạm. Họ bơ vơ vất vưởng ‘như bầy chiên không người chăn dắt’, Đức Giêsu đã từng khẳng định như vậy (Mt 9,36).
Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã rao truyền một sứ điệp thực sự độc đáo và căn bản: Thiên Chúa là Cha, một Người Cha đầy từ tâm và hay thương xót! Và không chỉ rao truyền bằng lời giảng dạy, qua chính cuộc sống và nhất là cái chết của mình Người đã cụ thể cho thấy Chúa Cha đó là ai và là gì. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Đứng trước tình cảnh côi cút vất vưởng bơ vơ của con người, Đức Giêsu đã trở thành một ‘Paraclet’. Chú giải Kinh Thánh cho biết từ Hy Lạp ‘Parakletos’ là một đặc ngữ của Gioan, và mang một nội dung rất đa dạng. Nó có thể được hiểu là người hỗ trợ, kẻ bảo vệ chở che, vị cố vấn trạng sư, đấng bầu chữa trung gian… Tóm lại, Đức Giêsu dùng từ này để diễn tả vai trò của chính Người đối với từng người chúng ta trong thân phận côi cút, “Thầy sẽ không để anh em mồ côi, Thầy đến cùng anh em”. Như thế Đức Kitô chính là Parakletos số một, và Người đã thực hiện chức năng này cách tuyệt hảo qua cái chết thập giá – một cách thể hiện cho phép mọi người chúng ta có thể đụng chạm tới, cảm nghiệm được cách sinh động thứ tình yêu bao bọc có khả năng vĩnh viễn xua tan mọi mạc cảm côi cút từ bao đời truyền lại. Và khi phải rời bỏ cõi thế để trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng Người sẽ ở lại bằng cách “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi…” Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ thứ nhất. Thần Khí được phái đến sau sẽ tiếp tục công việc và vai trò bảo trợ Người đã khởi đầu; “Đó là Thần Khí sự thật… vì anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.
Nếu thực sự là như thế thì, dầu có sống giữa một thế giới đầy hận thù chia rẽ, Kitô hữu hẳn phải cảm thấy mình được ưu đãi hơn hết thảy mọi người. Kể từ ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, họ biết mình được bảo trợ cách đặc biệt, không phải chỉ chống chọi với các thế lực thù nghịch bên ngoài, mà ngay bên trong trước tình trạng cô đơn lạnh lẽo của tội lỗi do mình gây nên. Họ sẽ không bao giờ còn cảm thấy côi cút và bị ruồng bỏ ngay cả giữa những yếu đuối và bất toàn, vì đã có Parakletos là Đức Kitô. Và Thần Khí bảo đảm cho họ rằng Parakletos Kitô đó vẫn luôn “ở giữa và ở trong anh em”. Nếu đúng như thế thì quả là các Kitô hữu đang sở đắc một Tin Mừng có khả năng tác động sâu xa tới hiện sinh (existence) của họ, điều này chắc chắn phải mang lại cho họ niềm vui bất tận.
Niềm tin của tôi, cũng như của bất kỳ Kitô hữu nào, sẽ không thể thiếu vắng cẳm nhận đầy an ủi này! Nhưng vấn đề là: tôi đã cảm nghiệm thấy chưa?
Lạy Đấng Bảo Trợ của con là Thần Khí của Đức Kitô Giêsu, con cảm tạ Ngài khôn xiết vì đã giải thoát con khỏi mặc cảm mồ côi, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Được biết con có một Người Cha nhân hậu là chính Chúa Cha, một Người Anh sẵn sàng chết để cứu con trong mọi hoàn cảnh, và một Thần Khí an ủi hằng tác động bên trong, con nguyện sống trong niềm hân hoan không bào giờ tàn lụi của Tin Mừng Chúa. Xin cho thật nhiều người cùng được với con chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao này. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————–
Sự Tích “Hòn Vọng Phu”
Người Việt xưa thường mượn những câu chuyện cổ tích hay những tích truyện để dạy cho con cháu những bài học làm người. Những tích xưa dần dà trở thành những câu chuyện cổ tích lưu lại cho đời những giá trị văn hóa và giá trị sống của con người.
Một trong những tích truyện nổi tiếng để lại cho đời bài học về sự thủy chung là tích truyện “Hòn Vọng Phu” của nàng Tô Thị đã đi vào văn học qua câu ca dao xưa:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.
Sự tích “Hòn vọng phu” kể rằng Tô Thị và chồng có một người con. Khi người chồng phải tòng quân đánh giặc phương Bắc. Tô Thị ở nhà một mình nuôi con, nhưng có một kỳ hào hống hách trong làng muốn cưới Tô Thị về làm vợ. Nàng không dám từ chối mà xin khất lần vì sợ mang họa vào thân.
Kỳ hạn chờ đợi đã gần hết mà chồng vẫn chưa về. Nàng ôm con bỏ chạy lên núi gần chùa Tam Thanh. Tô Thị ôm con đứng trên mỏm đá cao chót vót, đứng trơ trơ, nhìn đăm đăm về hướng chồng đi. Mặc cho trời đêm với mưa giông bão tố. Tô Thị vẫn kiên vững bồng con ngóng chồng chinh chiến trở về. Và rồi sau một đêm mưa giông qua đi, ngày hôm sau người dân phát hiện nàng Tô Thị và con đã hóa đá thành tượng. Người ta gọi phiến đá có hình giống người phụ nữ bồng con ấy là “hòn vọng phu” để giáo dục về lòng chung thủy , sắt son của người phụ nữ Việt Nam.
Ở đời, sự chung thủy không chỉ cần thiết cho vợ chồng mà trong mọi mối quan hệ muốn bền vững đều cần đến sự tín trung, lòng trung thành. Bởi vì, “một sự bất tín vạn sự bất tin”. Khi con người giữ chữ tín với nhau mới có sự tín thác, tin tưởng giao phó cho nhau.
Chúa Giêsu hôm qua và hôm nay vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy giữ chữ “tín” với Chúa. “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Lòng yêu mến Chúa không chỉ ở đầu môi chóp lưỡi mà còn phải thể hiện qua việc tuân giữ huấn lệnh Chúa truyền. Đó là mến Chúa yêu người. Đó là không được làm tôi hai chủ mà phải chọn Chúa và nói không với cám dỗ của ma quỷ.
Nhìn vào thế gian hôm nay với bao nhiêu cám dỗ mời mọc, lôi kéo. Cám dỗ nào cũng hấp dẫn đã làm cho chúng ta nhiều lần chao đảo và chiều theo những cám dỗ để hưởng thụ những vinh hoa phú quý trần gian. Có lẽ Chúa cũng biết những yếu đuối của phận người nên Ngài đã hứa ở cùng chúng ta, đồng thời, ngài còn ban Thần Khí đến cho chúng ta. Ngài sẽ an ủi khi chúng ta gặp u buồn. Ngài sẽ soi sáng khi lòng trí chúng ta gặp hoang mang, lo lắng. Ngài sẽ nâng đỡ khi bước đường chúng ta gặp gian nan. Ngài sẽ ban sức mạnh khi chúng ta cần sức mạnh để vượt qua cám dỗ tội lỗi và làm lại cuộc đời. Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta hoàn thành sứ mạng cuộc đời như một tôi tớ trung tín và khôn ngoan, vì Chúa đã hứa hằng: “Ơn Ta đủ cho người và quyền năng Ta hiển trị nơi sự yếu hèn của con”.
Như vậy, chỉ trong cầu nguyện với ơn Chúa chúng ta mới mong chiến thắng cám dỗ để trung tín với Ngài. Xin Chúa luôn ở cùng để nhờ ơn Chúa chúng ta mãi trung thành với giáo huấn của Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————-
Yêu Mến Chúa Nơi Tha Nhân
Chồng bà Tư qua đời đã vài chục năm, để lại cho bà ba đứa con thơ dại. Vì yêu thương con, bà không quản ngại nhọc nhằn, quần quật lao động suốt ngày nuôi đàn con khôn lớn.
Điều khiến bà buồn phiền là ba đứa con trong nhà thường xuyên xung khắc kình cãi nhau, khiến bầu khí gia đình trở nên ngột ngạt.
Mỗi độ xuân về tết đến, đứa nào cũng muốn chọn một món quà tặng mẹ với hy vọng làm vui lòng mẹ nhất. Nhân dịp nầy, bà Tư tâm sự với đoàn con:
“Nếu các con thương mẹ thì hãy cho mẹ món quà quý nhất mà mẹ luôn ao ước, đó là các con yêu thương nhau. Chỉ có thứ quà đó mới làm cho mẹ ấm lòng và hạnh phúc.”
Dù rất yêu mẹ và đã nhiều lần nghe mẹ tâm sự như thế, nhưng các con không làm theo ý mẹ, không trao cho mẹ món quà mẹ mong ước, tức là sự hòa thuận yêu thương, mà chỉ tặng những món quà theo sở thích của mình.
Cũng như những đứa con của bà Tư, chúng ta muốn bày tỏ tình thương đối với Chúa theo cách chúng ta muốn, chứ không theo cách Chúa muốn.
Chúa muốn chúng ta bày tỏ tình thương đối với Ngài cách nào?
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta thể hiện tình thương theo cách Ngài mong muốn như sau:
Ngài nói: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ các điều răn của Thầy.” và một lát sau, Ngài nhấn mạnh: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.”
Như vậy, Chúa Giêsu mong đợi những ai yêu mến Ngài thì hãy thể hiện tình yêu đó bằng cách dâng cho Ngài món quà Ngài yêu quý nhất, là tuân giữ điều răn Ngài dạy.
Và điều răn đó được Chúa Giêsu tóm gọn như sau:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Như thế,Chúa Giêsu mong muốn chúng ta yêu mến Ngài bằng cách yêu thương chăm sóc người lân cận. Khi sống vô cảm với người chung quanh, khi thờ ơ trước những nỗi đau của người khác, khi không ra tay giúp đỡ kẻ khốn khổ bần cùng… là chúng ta quay lưng lại với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những lời ca khen chúc tụng, bằng những câu kinh lời nguyện thì dễ, nhưng thể hiện lòng mến Chúa bằng cách giữ điều răn yêu mến mọi người chung quanh là điều rất khó.
Xin mở rộng con tim vô cảm và đổ đầy tình thương Chúa vào lòng chúng con, để chúng con hết lòng yêu mến, phục vụ Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————————
Bảo Trợ
CN 6 PS. A
Tình thương sống động sáng tin yêu
Cha đã thương ban mọi giới điều
Đón nhận tha nhân trong cuộc sống
Hòa cùng Thiên Chúa cõi huyền siêu
Thánh Linh bảo trợ đường gian khó
Thần Khí đơm hoa chốn tịch liêu
Sự sống siêu nhiên hằng tác động
Giúp ta thắng vượt cảnh tiêu điều.
Hạt Nắng
———————————–
Hương Tình Yêu
CN 6 PS.A (Ga 14, 15 – 21)
Giới răn Chúa nhiệm mầu sống động,
ban cho con sự sống phong nhiêu.
Ba Ngôi Thiên Chúa Tình Yêu,
ở cùng nhân loại ban nhiều ơn thiêng.
Giới luật Chúa ban truyền chân lý,
mở tâm hồn, lý trí vươn cao.
Thế gian lắm cảnh ba đào,
Thần Khí Sự Thật sẽ bào chữa con.
Giữ luật Chúa vuông tròn, trung tín,
yêu tha nhân như chính thân mình.
Tình yêu chẳng ngại hy sinh,
như Chúa đã hiến thân mình vì yêu.
Dưới ánh sáng huyền siêu mở lối,
giải thoát cảnh tăm tối, u mê.
Suối Thiêng tuôn đổ tràn trề,
phục sinh cuộc sống thỏa thê cõi lòng.
Lòng khao khát hiệp thông đức ái,
nâng tâm hồn thư thái, bình an.
Luật pháp Chúa, luật thiện toàn,
con nguyện tuân giữ nồng nàn tin yêu.
Can-vê rực rỡ nắng chiều,
ngắm nhìn thập giá tình yêu tuôn tràn.
Vào đời vui bước hân hoan …
Bâng Khuâng Chiều Tím
———————————
Đường Sự Sống
CN 6 PS. A (Ga 14, 15 – 21)
Tình Chúa đưa con vào đời,
nắng hồng vui trong mưa rơi.
Lời Ngài vang trong đêm tối,
tình Ngài nhẹ dâng lên khơi.
Luật pháp Chúa thương ban truyền,
như người yêu trao tình duyên.
Nhiệm mầu bừng lên sức sống,
cho đời con hết truân chuyên.
Lời Ngài là sự sống, là tia nắng hy vọng,
luật pháp Ngài sống động, dạt dào hương yêu thương.
Một đời theo chân Chúa, theo lối bước của Ngài,
lời Chúa đã phán dạy, tuân giữ trọn đời con.
Theo Ánh Sáng soi cuộc đời,
Tin Mừng loan đi muôn nơi.
Hiệp cùng Thần Linh Thiên Chúa,
cho thuyền buông neo ra khơi.
M.Madalena Hoa Ngâu
————————————
Điệp Khúc Tình Yêu
CN 6 PS. A – (Ga: 14, 15 – 21)
Thật nhiệm mầu tình yêu Thiên Chúa,
trái tim yêu chan chứa ân tình.
Xót thương nhân loại điêu linh,
giáng trần cứu chuộc nối tình trời cao.
Tình con thảo, máu đào dâng hiến,
ngọn lửa yêu, cuộc chiến đau thương.
Can-vê nắng tỏa sầu vương,
bóng Ai nghiêng ngả bên đường xót xa.
Bài học “Yêu”, ý Cha vâng phục,
Thầy ban truyền trước lúc chia tay.
Yêu nhau như bát nước đầy,
hy sinh tất cả như Thầy đã yêu.
Yêu! Tuân giữ những điều Thầy dạy,
sống trong Thầy để thấy Tình Cha.
Tình yêu lan tỏa bay xa,
sống trong hạnh phúc vượt qua khổ sầu
“Luật yêu thương”, nhiệm mầu trong sáng,
đỡ nâng người hoạn nạn truân chuyên
Cùng Thầy kết mối lương duyên,
Hiệp Thông Sự Sống Khải Huyền Ba Ngôi.
AP. Mặc Trầm Cung