“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45)
Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.
Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Người xúc động và hỏi: “Đã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”. Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Mở Cửa Mộ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Lòng Thương Xót Có Sức Làm Cho Sống Lại Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Làm Sao Để Trường Sinh Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chiến Thắng Sự Chết Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Giải Thoát Hạt Nắng Trg 8
Hồi Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Khúc Hát Hồi Sinh M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Cửa Mồ – Hãy Mở Ra! A.P. Mặc Trầm Cung Trg 11
Mở Cửa Mộ
Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.
Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.
Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lazarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lazarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lazarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.
Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Martha chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lazarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lazarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.
Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lazarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.
Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.
Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tôi còn bị giam cầm trong những ngôi mộ nào?
2) Tôi còn muốn xây những ngôi mộ nào để chôn vùi anh em?
3) Hôm nay tôi phải làm gì để mở cửa mộ cho tôi và cho anh em?
4) Việc Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại có ảnh hưởng gì trên tôi?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Lòng Thương Xót Có Sức Làm Cho Sống Lại
Mọi phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện đều là thể theo yêu cầu của người xin; điều kiện duy nhất Người đòi hỏi là lòng tin; riêng phép lạ làm cho Lazarô đã chết và chôn trong mộ đã bốn ngày được sống lại thì hình như từ phía Đức Giêsu đã có một ý đồ dàn dựng nào đó, một dàn dựng phức tạp và khó hiểu; “Bệnh này không tới nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh… Lazarô đã chết; Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin”. Như vậy cái chết của Lazarô là một câu chuyện cố tình, là một màn dàn dựng có chủ đích; nhưng chủ đích đó là gì mới được? Tôi vẫn thường được nghe giải thích: phép lạ cả thể này là nhằm chứng tỏ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa: chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền phép làm cho một người chết đã chôn cất bốn ngày rồi được sống lại! Thế nhưng những lời khẳng định tiếp theo của Đức Giêsu mới cho thấy các chi tiết dàn dựng của màn trình diễn công phu là nhằm long trọng khẳng định một điều sâu xa hơn nhiều: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”.
Trước hết cái ‘chết và sống’ được Đức Giêsu đề cập tới ở đây không thể chỉ là cái chết và sống thể lý, sinh học. Ngày nay y khoa đã có những bước tiến dài để có thể làm cho một người chết lâm sàng được hồi sinh trở lại, cho dầu điều này vẫn còn là một hiện tượng phi thường hiếm hoi. Tuy nhiên mọi người chúng ta đều biết rằng: các phép lạ của Đức Giêsu đều mang một nội dung Tin Mừng…, chẳng hạn đứng trước người bị bệnh bại liệt, Người nói với anh ta: “Tội con được tha rồi!” ‘Tin Mừng có sức chữa lành’ đó là điều Đức Giêsu muốn chứng tỏ qua những lần chữa bệnh. Thế nhưng khi đối diện với cái chết, được hiểu cả trong nội dung thể lý lẫn tinh thần, Đức Giêsu cần dàn dựng cả một câu chuyện để có thể khẳng định rõ: Tin Mừng mới có sức làm cho sống lại! “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”. Như vậy thì cái chết của Lazarô rõ ràng là hình ảnh của thứ tội nặng nề và quyết liệt nhất (the gravest and the most definitive sin), mà ta vẫn quen gọi là tội trọng, hay tội chết (mortal sin). Ở trường hợp này Đức Giêsu lên tiếng xác quyết: “Ai tin Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”; đồng nghĩa với khẳng định: ‘ai tin Thầy thì dù có phạm trọng tội, cũng sẽ được tha.’
Trong cái chết thể lý, kẻ chết chỉ cần tới chút quyền phép của Thiên Chúa là đã có thể được sống lại; còn trong cái chết của tội lỗi, quyền phép mà thôi thì chưa đủ, trong trường hợp này, điều mà họ thật sự cần là lòng thương xót vô biên của Ngài. Câu tuyên xưng của cô Matta, cho dầu có đúng nhưng vẫn không được Phúc âm Gioan đề cao cho lắm: “Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Như nhiều người Do Thái cô mới chỉ nhắc tới quyền phép Thiên Chúa ban cho Đấng Thiên Sai của Ngài. Bài Tin Mừng ghi nhận một chi tiết tuy âm thầm nhưng sâu xa hơn nhiều “Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến… Đức Giêsu liền khóc”. Có vẻ như việc cho Lazarô sống lại từ cõi chết không chứng tỏ quyền phép Thiên Chúa nhiều cho bằng sức mạnh của cõi lòng yêu thương rất ư nhân bản (và thần linh) của Đức Giêsu. Nó có mục đích cho thấy vinh quang đích thực của Thiên Chúa là rất tình người, là thật gần gũi: đó là vinh quang của lòng từ nhân và hay thương xót. Thiên Chúa của Đức Giêsu là đầy tình người và xót thương, chứ không uy nghi đáng sợ như trong Cựu ước trước đây. Thiên Chúa của sự sống lại thần linh quả là Thiên Chúa từ nhân và giầu lòng thương xót.
Điều vĩ đại trong câu truyện Lazarô đã chết được cho sống lại này là khẳng định lòng thương xót có khả năng giải thoát loài người khỏi sự chết, khỏi tội chết. Cho tới nay nhiều người vẫn nghĩ là lòng thương xót thường chỉ được áp dụng cho những trường hợp nhỏ mọn nhẹ nhàng; còn lãnh vực sống chết phải được dành cho công lý, nơi quyền uy thống trị. Chính vì thế mà cô Matta thấy không còn chút hy vọng nào, cho dầu có biết rằng Đức Giêsu rất mực thương mến gia đình mình: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày!” Liệu tín thác vào ‘lòng thương xót vô bờ bến’ của Thiên Chúa, như chúng ta thường nói, sẽ dẫn Kitô hữu tới đâu? ‘Thương xót’ chỉ luẩn quẩn trong việc tha vạ, tha hình phạt, hưởng ân xá…, hay còn thật sự hoàn lại trọn vẹn sự sống, cả trong trường hợp tội trọng hay tội chết, như phép lạ Lazarô muốn minh chứng, với một điều kiện duy nhất là vững chắc tin rằng ‘Đức Kitô là sự sống lại’? Đức Giêsu đã chằng chỉ đòi Matta phải có điều duy nhất đó hay sao: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Và chính niềm tin đó mà chúng ta, trong Mùa Chay Thánh này, được mời gọi vun trồng cho thật vững chắc: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Và ai trọn vẹn tin vào Đức Kitô Giêsu như thế thì dù đã chết, cả trong những tội nặng nề nhất, cũng sẽ được sống, và còn được sống dồi dào nữa là đàng khác!
Vậy thì đúng là hôm nay Chúa cũng đang gửi tới mỗi chúng ta câu hỏi, như Người đã từng đặt ra cho cô Matta xưa kia: “Con có tin thế không?”
Lạy Chúa, con cầu nguyện cho các anh chị em dự tòng, mà trong Mùa Chay Thánh này, đang cố gắng chuẩn bị đáp lại cầu hỏi trên cách trọn vẹn nhất nhân ngày họ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Đồng thời xin Chúa ban cho con ơn, để trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, đặc biệt vào giờ phút lâm chung, cho dầu có yếu đuối rơi vào những sa ngã và lỗi phạm nặng nề nhất, con vẫn có thể tuyên xưng tự đáy lòng mình: ‘Đức Kitô đã chết cho tôi vì yêu thương tôi!’, và tin chắc rằng nhờ đó con sẽ bảo đảm được sống lại cách sung mãn với Người. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————
Làm Sao Để Trường Sinh
Con người luôn ao ước và tìm mọi phương dược để được trường sinh. Ngay từ thời cổ đại như Tần Thủy Hoàng đã huy động hàng ngàn thầy thuốc, đạo sĩ để tìm kiếm phương thuốc trường sinh. Tần Thủy Hoàng coi cái chết là thất bại của kiếp người. Nhưng dầu ông có uống viên linh đan luyện từ những trinh nữ thì ông vẫn thất bại. Ông đã chết ở tuổi 49 mà người xưa nói rằng “49 chưa qua – 53 đã tới”.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy có một Đấng làm chủ sự sống. Đấng ấy có thể gọi người đã chết trỗi dậy. Và cũng chính Đấng ấy đã tự mình sống lại sau ba ngày chết chôn trong mồ. Đó chính là Đức Giêsu ,Con Thiên Chúa làm người. Tin Mừng kể rằng, Chúa xúc động trước cái chết của Lazarô: Người rơi lệ. Nhưng Người đã không để cho những cảm xúc nhân tính lu mờ đi bản chất thiên tính của mình, bởi vì: “Là người thật, Chía Kitô đã khóc Lazarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lazarô sống lại ra khỏi mồ”.
Chúa Giêsu phục sinh Lazarô cũng là phục sinh mỗi người chúng ta. Ngài ban lại sự sống mới cho ông cũng là cho mỗi chúng ta. Ngài phán với “Lazaro! Hãy ra đây!” cũng là một mệnh lệnh kêu gọi chúng ta hãy bước ra khỏi nơi tối tăm tội lỗi của sự chết để mạnh dạn bước vào ánh sáng của sự Sống. Vì ở đâu đó trong cuộc sống chúng ta cũng từng bị chôn vùi trong những nấm mồ của đam mê lạc thú, của danh vọng xa hoa cùng những thú vui bất chính trụy lạc.
Hãy trỗi dậy để hưởng tự do của con cái Thiên Chúa. Đừng để những nấm mồ của mê muội tội lỗi khép lại cuộc đời chúng ta. Hãy trỗi dạy trở về bên Chúa để được sống hạnh phúc bên Chúa ngay hôm nay và mãi mãi trên thiên quốc.
Lazarô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật sinh – lão – bệnh – tử, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng là Lazaro đã biết được cần phải mang theo những gì cho hành trang đời sau. Chắc chắn không phải là tiền bạc, danh vọng, hay kiến thức mà là những điều thiện, việc phúc đức chúng ta đã gieo xuống nhân gian.
Chính cuộc đời Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi chính Ngài luôn sống đẹp lòng Chúa Cha và hy sinh phục vụ nhân sinh. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————-
Chiến Thắng Sự Chết
Mọi dân tộc trên Địa Cầu từ thời tiền sử, thời đồ đá, đồ đồng… cho đến thời nay đều có một kẻ thù chung, đó là thần Chết.
Tất cả mọi người, thuộc mọi chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hóa, giai cấp, tôn giáo… ở khắp thế giới đều có chung một kẻ thù, kẻ thù đó cũng là thần Chết.
Tất cả mọi dân, mọi nước khắp địa cầu đều có một ước vọng chung, một nỗ lực chung là làm sao đánh bại được thần Chết.
Cho dù nhân loại văn minh, tiến bộ hôm nay có dồn hết công sức, tài lực, trí tuệ và những phát minh khám phá khoa học tiên tiến của mình để chung tay đánh bại thần Chết thì cũng chỉ hoài công. Không sớm thì muộn, thần Chết sẽ vung lưỡi hái kết liễu đời sống mọi người trên dương gian. Thế là ai ai cũng nơm nớp lo sợ thần Chết tước đoạt sự sống của mình.
Thế rồi, một bầu trời hy vọng bừng sáng lên khi trong số con cái loài người có một vị anh hùng kiệt xuất, là Chúa Giêsu xuất hiện. Ngài là người nhưng cũng là Thiên Chúa nên Ngài có quyền lực của Thiên Chúa và đã dùng thần lực của mình đánh bại thần Chết và cứu muôn người khỏi nanh vuốt Tử thần.
Chúa Giêsu đánh bại thần Chết khi làm cho con gái ông Giairô mới chết được sống lại .
Chúa Giêsu đánh bại thần Chết khi cho người con trai bà góa thành Nain đang được người thân mang đi chôn được trở về với cuộc sống ;
Chúa Giêsu đánh bại thần Chết khi làm cho Lazarô, dù đã chết bốn ngày rồi được sống lại, từ giã ngôi mộ đá, quay về đoàn tụ với bao người thân yêu .
Và đặc biệt là chính Ngài sau khi nộp mình chịu khổ nạn và chịu chết đau thương, đã sống lại và lên trời vinh hiển.
Như vậy, Ngài là vị Cứu tinh cao cả tuyệt vời của nhân loại, đã giúp loài người thoát khỏi gông cùm sự chết và ban cho họ sự sống đời đời.
Nối kết với nguồn ban sự sống
Muốn cho bóng đèn toả sáng thì nó phải được nối kết với nguồn điện;
Muốn cho cành nho được trổ sinh trái trăng ngon ngọt thì nó phải được tháp nhập vào thân nho;
Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải nối liền với thân thể…
Vậy thì nếu chúng ta muốn được sống đời đời thì phải nối kết với Chúa Giêsu như bóng đèn nối với nguồn điện, như cành nho nối liền thân nho, như bàn tay nối liền cơ thể… nhờ đó sự sống đời đời của Chúa Giêsu sẽ được thông truyền cho chúng ta.
Muốn nối kết bền chặt với Chúa Giêsu, chúng ta hãy vững Tin vào Ngài, như lời Ngài phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.”
Lạy Chúa Giêsu là nguồn ban sự sống. Không gì trên đời quý báu bằng sự sống. Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.
Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay với thân thể… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống đời đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————–
Giải Thoát
CN 5 MC.A – (Ga 11, 1 – 45)
Nấm mồ giam hãm những đam mê
Đè nặng đời con dạ não nề
Ích kỷ, gian tham đường trắc trở
Bất công, ghen ghét bước nhiêu khê
Bóng đêm che khuất ngăn đường tới
Ánh sáng quang minh mở lối về
Tình Chúa cao vời ơn giải thoát
Cứu con thoát khỏi cảnh ê chề.
Hạt Nắng
———————————-
Hồi Sinh
CN 5 MC.A – (Ga 11, 1 – 45)
Bóng mây đen u buồn phủ kín,
tâm hồn con chết lịm đã lâu.
Cuộc đời chôn dưới mộ sâu,
chìm trong tội lỗi thảm sầu khóc than.
Bởi bất công, gian tham, ích kỷ,
sống u mê ý chí ươn hèn.
Hận thù, độc ác, ghét ghen,
như tảng đá nặng đè chèn đời con.
Kiếp lầm than hao mòn trí lực,
trong thẳm sâu tỉnh thức niềm tin.
Cõi lòng thổn thức cầu xin,
bật tung tảng đá ngắm nhìn trời cao.
Nguyện tình Chúa bao dung lượng thứ,
bao lỗi lầm chế ngự tâm can.
Tình yêu Thiên Chúa rộng ban,
loại bỏ tảng đá mở đàng con đi.
Lệ tri ân trào mi sám hối,
cởi dây băng tội lỗi bao ngày.
Trút bỏ khăn liệm đắng cay,
bước vào ánh sáng tỏa đầy niềm tin.
Cuộc sống con đã hồi sinh…
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Khúc Hát Hồi Sinh
CN 5 MC.A – (Ga 11, 1 – 45)
Con bước ra khỏi mồ, ngắm bầu trời bình minh,
hết tháng ngày điêu linh, ôi! Niềm vui chan chứa.
Biết nói sao cho vừa, tình nồng ấm thiết tha,
yêu thương con đậm đà, tình Ngài quá bao la.
Con bước ra khỏi mồ, mồ chôn đầy tội lỗi,
dây băng nào ngăn lối, trói chặt con bao ngày.
Khăn liệm vùi đắng cay, ngăn đường con đi tới,
tảng đá nào cản lối, ngăn hồn con vươn lên.
Chúa! Ngài đã đến, đập tan tảng đá tội tình,
dây băng Ngài tháo gỡ, cho hồn con vươn tới.
Hân hoan trời đất mới, vui bước giữa dòng đời,
trong tình Chúa cao vời, con đã được hồi sinh.
Con bước trong ân tình, sống tháng ngày bình an,
dẫu đời còn gian nan, con dâng niềm tín thác.
Vui khúc ca hoan lạc, trọn đời sống tri ân,
loan báo giữa nhân trần, đến với nguồn Tình Yêu.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————–
Cửa Mồ – Hãy Mở Ra!
CN 5 MC.A – (Ga 11, 1 – 45)
Lạy Chúa! Bao năm qua,
cuộc đời con bị giam cầm trong mồ tối.
Nấm mồ của sự chết, mồ ích kỷ, bất công,
mồ gian tham, ghen ghét,
mồ thành kiến, bất đồng,
Ôi! Những nấm mồ kiên cố,
tự sức con không phá nổi.
Bởi vì chúng được xây bằng tội lỗi,
bằng hận thù, chết chóc,
bằng lận đận, long đong.
Những tảng đá oan khiên đè nặng đời con,
vùi chôn sự sống, niềm tin và cả niềm hy vọng.
Lạy Chúa! Con tin,
Ngài chính là ‘Sự Sống,
là cứu cánh, là tình yêu, là nỗi khát mong.
Ngài đã đến trần gian,để sẻ chia, cảm thông,
nỗi tận cùng của kiếp người khốn khổ.
Ngài đã đi sâu vào cõi âm u của sự chết,
để tìm nguồn ơn cứu độ,
để thế giới được tuôn trào,
phong phú sự sống Thần linh.
Chúa ơi! Xin hãy đến,
chiếu rọi ánh quang minh,
Lăn tảng đá đậy mồ,
truyền lệnh con bước ra đón nhận vùng trời mới.
Vùng trời của sự sống, vùng trời của tình yêu,
Hân hoan niềm tin phơi phới,
đập tan xích xiềng,
cởi bỏ những thất vọng, u mê,
tháo gỡ khăn liệm đắng cay,
những dây băng nhục nhã ê chề.
Nghe tiếng Chúa, con vùng trỗi dậy,
cửa mồ bật tung, ánh sáng chan hòa.
Con tim rộn rã,
tấu nhạc reo vui,
thắp lên ngọn lửa yêu thương,
sáng soi cuộc đời làm con Chúa.
AP. Mặc Trầm Cung