“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42)
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘Xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Đấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Đấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Đấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Đấng Cứu Thế”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Nhịp Cầu Thiêng Liêng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Nước Không Bao Giờ Khát Nữa Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Vòng Xoáy Nhân Gian Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 7
Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Suối Thánh Ân Hạt Nắng Trg 9
Nối Nhịp Bờ Vui Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Suối Hồi Sinh M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Chân Dung Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
Nhịp Cầu Thiêng Liêng
Từ khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, con đường về miền Tây như ngắn lại, đôi bờ sông Tiền gần gũi nhau hơn. Đời sống thần linh và đời sống phàm trần cũng như hai bờ sông cách xa vời vợi. Cần có những nhịp cầu nối liền dòng sông thiêng liêng giúp con người đi về gặp gỡ Thiên Chúa.
Hôm nay, khi mở đầu câu chuyện với người phụ nữ Samaria, Đức Giêsu đã bắc những nhịp cầu nối liền dòng sông ngăn cách. Thái độ gần gũi của Người là nhịp cầu xoá đi biên giới ngăn cách chủng tộc, tôn giáo. Lời Người chính là nhịp cầu dẫn vào đời sống thần linh.
Đức Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng nước. Người phụ nữ nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khinh miệt. Dưới mắt chị, đó chỉ là một gã Do Thái bẩn thỉu. Còn tệ hơn thế, anh chàng Do Thái này nghèo mạt rệp, đang đói khát, mệt mỏi rã rời, chỉ chờ chực xin ăn, xin uống. Chị hợm mình, vì chị có tất cả. Chị có giếng nước của tổ tiên. Đối với người Sêmít, có nước là có tất cả. Ở giữa vùng sa mạc mênh mông, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống. Vì nhờ có nước, cây cỏ mọc lên xanh tươi, gia súc có lương thực, con người mới sống được. Ai chiếm được nguồn nước, người ấy lập tức trở nên giàu có.
Người phụ nữ có giếng nước, có cả bình múc nước. Chị còn có gia đình. Chị còn có đền thờ vững chắc xây dựng trên núi Garidim, trách nào chị chẳng hợm mình.
Nhưng Đức Giêsu đã phá tan sự an thân giả tạo của chị. Người cho chị thấy giếng nước của chị chỉ là phù du, vì giếng nước ấy không cho nước hằng sống. Người cho chị thấy hạnh phúc gia đình mà chị đang có chỉ là hư ảo, vì hạnh phúc ấy xây dựng trên chỉ một mối duyên hờ. Người cho chị thấy niềm tin của chị vào đền thờ chỉ là ngụy tín, vì đền thờ chỉ là gạch đá vô hồn, không có Chúa ngự bên trong. Trong phút chốc, chị trở nên thật nghèo nàn. Trước kia chị tưởng mình có tất cả. Nay chị thấy mình trắng tay. Trước kia chị tưởng mình giàu có. Nay chị nhận thức rõ mình thật nghèo nàn. Bóc đi tất cả những lớp vỏ phù du bọt bèo, chị thấy mình trơ trụi, khốn cùng. Nhưng từ đáy vực khốn cùng ấy một niềm tin nhen nhúm, một mạch suối trào dâng. Chị chợt tỉnh ngộ. Những thứ mà trước kia chị tưởng là thành lũy che chở cuộc đời, hoá ra chỉ là những tảng đá ngăn chặn nguồn suối. Tháo gỡ đá đi rồi, mạch suối dào dạt trào tuôn.
Những thứ mà trước kia chị tưởng là nơi nương tựa êm ấm, hoá ra chỉ là tổ kén giam kín đời sâu. Trút bỏ được lớp vỏ xù xì cũ kỹ, sâu nay hoá bướm đẹp lộng lẫy, tự do bay tung tăng khắp chốn. Thì ra, của cải, dục vọng, tôn giáo vụ hình thức là những tấm màn che mắt, không cho chị nhận ra Đấng Cứu Thế.
Ta hãy trở lại phút đầu tiên, khi Đức Giêsu ngỏ lời xin nước. Lúc đó, bị các tấm màn che mắt, chị chỉ thấy một anh chàng Do Thái xấu xa, đói rách: “Ông là Do Thái mà lại xin nước tôi ư? “. Nhưng Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén, phá tan màn mây mù che mắt chị. Nhát gươm thứ nhất vung lên, một mảnh vảy mắt rơi xuống. Chị nhìn ra người đối diện “cao cả hơn tổ phụ Giacóp”. Nhát gươm thứ hai vung lên, một mảnh vảy nữa rơi xuống. Chị nhận ra Người là “một tiên tri”. Một nhát nữa vung lên, mảnh vảy cuối cùng rơi xuống. Chị nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Và chị tin vào Người.
Niềm tin trào dâng. Hạnh phúc trào dâng. Chị quên cả múc nước, quên cả bình, chạy về làng báo tin vui. Chị để quên chiếc bình, vì chiếc bình từ nay trở nên vô dụng. Cùng với chiếc bình, chị bỏ lại cả giếng nước, cả người chồng hờ, cả ngôi đền thờ trống rỗng.
– Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén chẻ đôi đời chị. Mảnh đời cũ để lại bên giếng, kho tàng của trần gian. Mảnh đời mới ngụp lặn trong dòng suối đức tin, kho tàng thiên quốc.
– Lời Chúa là ngọn đèn soi đường. Nên chị bước đi những bước lẹ làng, vững chắc hướng về sự sống mới.
– Lời Chúa là chiếc cầu đưa chị vào đời sống thần linh. Chị bỏ lại bên này cầu chiếc bình múc nước, vì bên kia cầu chị đã có mạch nước trường sinh. Chị bỏ lại bên này cầu mối duyên hờ, vì bên kia cầu chị đã gặp được tình yêu đích thực. Chị bỏ lại bên này cầu ngôi đền thờ trống rỗng, vì bên kia cầu chị gặp được Đấng chị phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Chị như cánh đại bàng bay bổng trên trời cao với những đường bay rất đẹp.
Về đại bàng, Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện rất sâu sắc. Một người nông dân vào rừng, lượm được một trứng đại bàng. Anh đem về cho ấp chung với trứng gà. Ít lâu sau đại bàng nở ra cùng lũ gà con. Nó cứ tưởng mình là gà. Suốt ngày theo gà mẹ bới đất mổ sâu. Nó cứ sống kiếp gà như thế cho đến lúc già. Một hôm nó thấy trên trời xanh một con chim lớn khủng khiếp, cánh giang rộng như che kín cả bầu trời. Con chim bay thật cao và có những đường lượn thật là đẹp đẽ. Đại bàng ta kinh khiếp hỏi bác gà trống: “con gì mà khủng khiếp quá nhỉ”. “Đó là đại bàng. Đại bàng thuộc về trời cao. Chúng ta thuộc về đất thấp. Chúng ta chỉ là gà”. Đại bàng cứ sống kiếp gà như thế cho đến chết.
Người phụ nữ là cánh đại bàng. Chị đã trút bỏ mọi gánh nặng kéo trì đôi cánh, nên chị bay vút lên cao. Còn ta vẫn chỉ là loài gà. Ta vẫn còn bên này cầu. Những gì người phụ nữ bỏ lại, ta ôm lấy mang về. Ta vẫn còn ôm ấp những giấc mơ trần tục. Của cải, dục vọng vẫn là những tảng đá ngăn chặn dòng nước đức tin. Những ngụy tín, những ảo tưởng, những thứ đạo đức hình thức, giả hiệu vẫn còn che chắn không cho ta nhận biết chính mình. Và vì thế ta không bao giờ gặp được Chúa.
Xin lời Chúa như lưỡi gươm tách bạch trắng đen, để ta dứt lìa tội lỗi, thoát khỏi thói an tâm giả tạo, thói đạo đức hình thức. Xin lời Chúa tháo đi những tảng đá trì trệ, để dòng suối tin yêu khai thông, để nước mắt sám hối tuôn trào rửa sạch hồn ta. Và để tình yêu bừng nở đem cho ta hạnh phúc chân thật.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Đức Giêsu đã thành công trong việc đưa người phụ nữ Samaria về nhận biết chân lý. Ta có thể học hỏi được gì ở nơi Người để thành công trong việc truyền giáo?
2. Đang thoả mãn với vật chất, người phụ nữ Samaria chợt thấy thiếu thốn về mặt tâm linh. Đây là một cuộc hoán cải quan trọng, là một ơn Chúa ban. Bạn đã bao giờ được ơn sám hối để thấy khao khát đời sống tâm linh chưa?
3. Đã bao giờ bạn cảm thấy Đức Giêsu là nguồn suối trong lành, là nguồn mạch hạnh phúc của bạn?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————
Nước Không Bao Giờ Khát Nữa
Chủ đề của cuộc trao đổi bên bờ giếng giữa Đức Giêsu và người nữ Samari hiển nhiên liên quan tới ‘Nước Hằng Sống’, thứ nước mà Người hứa sẽ ban cho mọi tín hữu thông qua Tin Mừng Người rao giảng. Thế nhưng bản chất của thứ nước đó là gì thì vẫn chưa rõ ràng lắm; nước đó là thứ gì mà, “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”? Cụ thể hơn nữa sẽ là câu hỏi: cơn khát mà nước đó vĩnh viễn giải được là cơn khát gì? Nắm được hay trả lời được vấn nạn trên tức là hiểu được sứ mạng đích thực của Đức Giêsu và lý do tại sao ta lại đặt trọn niềm tin đời ta vào Người. Và để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, có lẽ ta nên nhìn sâu hơn vào người phụ nữ Samari đang tiến tới bờ giếng Giacóp để kín nước, vì bà là đối tượng trực tiếp lúc đó của lời mời gọi: hãy kín lấy ‘nước hằng sống’. Cụ thể hơn nữa, ta tự hỏi, trong thâm tâm chị ta đang khát khao điều gì nhất, điều gì có thể khiến chị đi tới xác quyết: ông Giêsu này chính là Đấng Kitô mà tôi hằng mong đợi?
Câu hỏi là, đối với một phụ nữ ‘đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị’ thì điều gì chị ta thực sự khao khát nhất? Một đời sống luân lý hoàn hảo chăng – không dám đâu! vì trong hoàn cảnh cụ thể của chị, điều này đơn giản là bất khả thi; vả lại xem ra Đức Giêsu cũng không đòi hỏi hoặc quở trách gì chị về điều đó – Người không có lấy một lời đòi chị phải rời bỏ ông chồng hờ. Ngoài tình dục là điều rất tự nhiên của đời sống vợ chồng, người phụ nữ này rất có thể, sau bao nỗi đắng cay ngay trong đời chung sống, đang ủ ấp trong lòng niềm khao khát có được một tình yêu đầy cảm thông và được chấp nhận, điều mà chị chưa từng tìm được nơi một ai, kể cả năm ông chồng trước, cũng như nơi người đàn ông chị hiện đang chung sống với; chị khao khát được thương cảm bao dung, được thứ tha trọn vẹn! Cuộc đối thoại tiếp sau đó cho thấy: hình như dung mạo Thiên Chúa mà chị đang âm thầm tìm kiếm và mong đợi cũng liên quan tới cái khát vọng này. Dầu không phải là nhà thần học để tranh luận vấn đề, phải thờ phượng Thiên Chúa ở nơi nào cho thích hợp nhất; nhưng chị đã thật sự vui mừng khi nghe người lữ hành ngồi bên bờ giếng công bố: “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật”; một kiểu thờ phượng sẽ đáp ứng trọn vẹn niềm khát vọng ẩn chứa bên trong. Về diện mạo Đấng Mêsia phải đến cũng tương tự như thế: khác với quan niệm về một Đấng Kitô thống trị và quyền lực mà giới lãnh đạo vẫn thường quảng bá, chị chỉ mong vị đó “khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”, nhất là khi các điều đó đáp ứng được khát vọng thầm kín nhất của tâm hồn mình. Và một khi phát hiện ra con người mà lòng hằng mong đợi: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây!”, người phụ nữ Samari vội “để lại vò nước, chạy vào thành và nói với người ta; “Đến mà xem; có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”
Thế rồi dân thành Xykha nghe người phụ nữ loan báo, đã đến gặp và mời Đức Giêsu lưu lại với họ… ‘và Người ở lại với họ hai ngày’. Trong thời gian đó, chắc chắn mỗi người trong số họ cũng đã, bằng kinh nghiệm của bản thân, khám phá ra rằng: ông Do Thái Giêsu này đúng là người có thể ban cho ‘nước hằng sống’ để rồi mỗi người trong họ đều có thể tự quả quyết: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”. Đối với những con người chất phác, mang trong mình những mảnh đời riêng tư khác nhau (mà người phụ nữ với sáu đời chồng chỉ là một điển hình…), thì khát vọng sâu xa nhất sẽ không là gì khác hơn một sự cảm thông sâu sắc và một lòng thương xót vô bờ. Họ đã khám phá ra rằng: ông Giêsu tới từ Nazareth đây đúng là người đáp ứng được khát vọng mãnh liệt thầm kín nhất ấy cho riêng mình. Và họ sẵn sàng tin theo ông, cho dầu ông có là người xa lạ, là cừu địch của họ về mặt xã hội chính trị. Họ đã khảng định niềm tin đó một cách thật rõ ràng và chân chất nhất: “Người thật là Đấng Cứu Độ!” Đó là một lời tuyên xưng biểu lộ thái độ hoàn toàn mãn nguyện, tương tự như khi tìm được nguồn nước mát của bao dung và thứ tha giữa cơn khát khô họng trong sa mạc nóng cháy da của cuộc đời. Đúng thực, Người là ‘nước hằng sống’ không phải trên lý thuyết, mà là cho những mảnh đời rất tư riêng!
Nếu quả đúng là như thế thì nội dung ‘nước hằng sống’ sẽ không còn nằm trong suy tư thần học này nọ, mà đã trở thành một vấn đề hết sức thiết thực và cá nhân. Mùa Chay được Hội Thánh dành cho tôi, chính là thời gian để tôi xác định được cơn khát của riêng mình (vì thế mà cần sám hối), hầu cho phép tôi tiến sâu hơn vào một tuyên xưng đầy xác tín và chân thành: Giêsu Kitô quả là Đấng đã, đang và sẽ tiếp tục mãi ban cho tôi thứ ‘Nước Hằng Sống’ tôi rất cần, là Đấng duy nhất giải được cơn khát khô họng của cõi lòng tôi. Người quả là ‘Đấng cứu độ’ của tôi và cho tôi!
Lạy Chúa, con cũng có một mảng đời riêng tư với những khát vọng cháy bỏng. Vào lúc đời xế bóng này, khát vọng lớn nhất con có chính là được cảm thông, thứ tha và xót thương; vì cũng như mọi kiếp người, cuộc sống con không tránh khỏi những khiếm khuyết, thiếu sót và tội lỗi. Nhưng như người đàn bà Samari bên bờ giếng, làm sao chính con có thể xác tín cho riêng mình rằng: chỉ có ‘nước hằng sống’, tức là lòng từ ái hải hà vô tận của Chúa, mới hoàn toàn giải được cơn khát cháy khô họng của con, bây giờ và cho đến muôn đời. Xin cho con luôn được phúc sống sâu xa cảm nghiệm Tin Mừng này, bây giờ và nhất là trong giờ chết. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————-
Vòng Xoáy Nhân Gian
Ở đời cái khó nhất là chiến thắng chính mình. Vì lòng tham con người qúa sâu nên chẳng mấy ai dừng được những cái tham tiền, tham sắc, tham dục, tham quyền . . . Thế nên, mới có câu thơ viết rằng:
“Ngẫm xem thiên hạ thời nay
Mấy ai lòng dạ thắng được lòng tham
Vì tham lắm kẻ “ăn dơ”
Lắm người bạc ác làm ngơ…lộng quyền
Cũng vì coi trọng đồng tiền
Làm cho thiên hạ đảo điên trăm điều
Làm sao biết ít hay nhiều?
Bao nhiêu cho đủ… Mà chiều lòng tham…!
Đây cũng là vấn nạn thời đại mà nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã nói đến trong tác phẩm “Cõi nhân gian” . Ở trong “cõi nhân gian” ấy ai cũng phải đi vào vòng xoáy của tham – sân – si. Nguồn cội của mọi đau khổ trên đời đều từ ba việc này mà ra. Trong đó, tham đứng hàng đầu. Tham là sự đắm say, sự ham muốn, đam mê một điều gì đó quá độ như dục tình, tiền tài, danh vọng…
“Cõi nhân gian” là một xã hội mà trong đó người này móc nối đan xen nhân vật kia, chằng chịt các mối quan hệ, chồng chéo các mối tình tay ba, tay tư thậm chí tay năm được sinh ra do dòng đời xô đẩy, do những dục vọng bản năng hoặc những toan tính, đổi chác, bán mua. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm đều ít nhiều vướng vào vòng xoáy của tham, sân, si như tình, tiền, nghiện ngập, khát thèm, ham muốn chức quyền… Vì tình, tiền, họ đã mang mặt nạ trong vở kịch cuộc đời để lừa dối lẫn nhau rồi cay cú thù hận nhau.
Nhưng ở vòng xoáy ấy chẳng mấy ai hạnh phúc, cho tới khi họ biết dừng, biết hướng thiện thì tâm họ mới bình an. Xấu – tốt luôn luôn là một cặp phạm trù. Khi bản năng tham, sân, si trỗi dậy thì họ trở nên xấu, khi lí trí lên tiếng thì họ lại thành người tốt.
Và tác giả đã đưa ra kết luận rằng: “Đâu đâu đói nghèo, đâu đâu loạn lạc, đâu đâu lầm than, tất thảy đều khởi phát từ cái sự đói thèm nhục dục đó mà ra cả. Thời loạn thì chém giết và cướp bóc. Thời bình thì tham nhũng và vơ vét”.
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay, bà đã lao vào vòng xoáy của đam mê nhục dục. Bà tìm thỏa mãn xác thịt với 5 người đàn ông không phải chồng mình. Nhưng xem ra bà đã bị ma quỷ phỉnh lừa. Thú vui xác thịt không làm cho bà thỏa mãn. Cơn khát của đam mê không bao giờ cho bà hạnh phúc. Lòng bà vẫn còn một điều gì đó băn khoăn. Tâm hồn bà vẫn xao động ngổn ngang trăm bề. Bà ngụp lặn trong đam mê xác thịt nhưng tâm hồn bà bị dày vò bởi một cơn khát vượt lên trên tính xác thịt ấy. Cơn khát của hạnh phúc vô biên. Cơn khát của chân thiện mỹ.
Chúa Giêsu đã cho bà thấy thực trạng đời bà là một bất hạnh. Điều con người cần là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không có trong những đam mê trụy lạc. Hạnh phúc chỉ có khi ta làm chủ được những ham muốn xác thịt. Hạnh phúc thực sự là khi ta được tự do sống mà không phải làm nô lệ cho tính xác thịt lôi kéo đi nghịch lại với luân thường đạo lý.
Con người luôn có những khát khao lôi kéo. Khát khao về tình, về tiền, về quyền. Cơn khát về danh lợi thú chẳng bao giờ mang lại thỏa mãn cho con người. Chỉ trong Thiên Chúa mới làm ta thỏa mãn những khát khao. Chỉ nơi Thiên Chúa mới lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta biết khao khát tìm kiếm Nước Trường Sinh để chúng ta không còn khát mà luôn hạnh phúc an vui trong phận mình. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————-
Khát Vọng Của Con Người
Không gì trên đời lấp đầy khát vọng của con người
Con người có nhiều khao khát: khát tiền, khát quyền lực, khát danh vọng, khát hạnh phúc, khát lạc thú…
Nhưng không gì trên đời có thể lấp đầy những khát vọng đó.
Chưa có tiền thì khao khát có được ít tiền. Có tiền rồi thì muốn có nhiều hơn và cứ thế mãi không dừng.
Chưa có quyền thì khao khát cho có, có rồi thì khát được nhiều quyền hơn… không bao giờ no thoả.
Vì thế, ông Arthur Schopenhauer (1788-1860), một triết gia người Đức cho rằng: “Những lạc thú (như ma túy, thuốc lá, rượu bia… chẳng hạn) mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm nhỏ bé bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói lúc này, rồi lát sau lại đói.”
Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng (như ham muốn xác thịt chẳng hạn) không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng”, càng về sau lại càng tăng “đô” hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì ngọn lửa khao khát trong lòng mình.
Người phụ nữ xứ Samari trong Tin Mừng hôm nay (Ga 4, 5-42) cũng đã từng trải qua cơn khát tương tự. Chị đã mưu tìm hạnh phúc qua năm đời chồng rồi nhưng lại phải lần lượt chia tay với cả năm, để mưu tìm hạnh phúc với người thứ sáu. Rốt cuộc chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi lấy nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp…
Chính vì thế nên Chúa Giêsu khẳng định với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại.” Với những lời này, Chúa Giêsu muốn cho ta biết không gì trên đời có thể đáp ứng khát vọng của con người.
Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy khát vọng con người
Xưa kia, tâm hồn của Augustinô cũng bị giày vò bởi nhiều khao khát, nhưng không gì trên thế gian có thể lấp đầy con tim khao khát của ngài. Mãi đến tuổi 33, nhờ ơn soi sáng của Thiên Chúa và lời nguyện cầu liên lỉ của người mẹ thánh thiện là Mônica, Augustinô mới khám phá Thiên Chúa là Nguồn Suối đáp ứng khát vọng của ngài và làm cho tâm hồn ngài dạt dào niềm vui. Bấy giờ lòng đầy hoan lạc, Augustinô thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế hồn con mãi thổn thức khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”
Chỉ trong Thiên Chúa, khát vọng của Augustinô mới được lấp đầy. Quả đúng như Lời Chúa Giêsu nói: “Ai uống nước nầy sẽ còn khát lại, còn ai uống nước Tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4, 13-14)
Lạy Chúa Giêsu. Không có gì trên đời có thể lấp đầy khát vọng của con người. Vì thế, xin cho chúng con đừng mải mê, đua tranh tìm kiếm lạc thú và hạnh phúc chóng qua đời này, nhưng biết không ngừng tìm kiếm và khám phá Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực mang lại hoan lạc và sự sống vĩnh cửu cho chúng con.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————-
Suối Thánh Ân
CN 3 MC.A – (Ga 4, 5 – 42)
Đam mê lạc thú đã bao ngày
Thân phận bọt bèo nuốt đắng cay
Suối nước trường sinh tìm giải khát
Thần lương viên mãn thỏa no say
Tiền tài hư ảo đời gian khổ
Dục vọng u mê kiếp đọa đày
Lời Chúa soi đường ban sức sống
Khai thông thánh sủng phúc tràn đầy.
Hạt Nắng
————————————
Nối Nhịp Bờ Vui
CN 3 MC.A – (Ga, 4, 5 – 42)
Trong u tối ôm niềm khát vọng,
tìm bình an sức sống đời con.
Chơi vơi trí lực hao mòn,
danh vọng, lạc thú, héo hon cuộc đời.
Trong bế tắc rối bời tâm trí,
muốn triệt tiêu ý chí vươn lên.
Lặng nhìn giọt nắng bên thềm,
chợt nghe Lời Chúa êm đềm bên tai.
Ngài là Nước tái sinh sự sống,
là Suối Nguồn sống động tình yêu.
Cho người lạc bước cô liêu,
ngụp lặn gột rửa bao điều nhớp nhơ.
Con vội bỏ bên bờ trần tục,
những đam mê dục vọng thấp hèn.
Giã từ kiếp sống bon chen,
quay về nẻo chính theo đèn Chúa soi.
Tòa Cáo Giải gọi mời thống hối,
là chiếc cầu nối nhịp bờ vui.
Ăn năn giọt lệ bùi ngùi,
khai thông mạch nước niềm vui dâng trào.
Bình minh hoa nở đón chào ….
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————–
Suối Hồi Sinh
CN 3 MC.A – (Ga 4, 5 – 42)
Xót xa cuộc đời bao đắng cay,
Chúa ơi! Xin thương kiếp đọa đày.
Tái tê tình trần hồn tăm tối,
lặng lẽ bên đời nước mắt cay.
Như cánh hoa tàn trong bão giông,
như thuyền nan trôi sóng bềnh bồng.
Đêm tối đắm chìm con khao khát,
mong ánh dương hồng chiếu hừng đông.
Chúa là Mặt Trời, chiếu nắng hồng sưởi ấm hồn con,
Chúa là Suối Nguồn dịu êm cho con về tắm mát.
Chúa là Cung Đàn dạo lên cho con ca hát,
Lời Chúa là Rượu Ngọt dịu mát cơn khát đời con.
Bỏ lại bên đời bao dối gian,
quay về bên Cha dẫu thân tàn.
Ăn năn tội tình hồn thống hối,
nối lại nhịp cầu bến bình an.
Nguồn suối ân tình con vững tin,
rửa sạch hồn con xóa tội tình.
Như cánh chim trời bay cao vút,
loan báo Tin Mừng – Suối Hồi Sinh.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————–
Chân Dung Tình Yêu
CN III MC. A – (Ga 4, 5 – 42)
Bước cô đơn giữa giòng đời hiu quạnh,
lặng lẽ buồn khao khát một tình yêu.
Bao đắng cay, chua chát, tủi hổ nhiều,
con mệt mỏi u sầu trong nước mắt.
Khắc khoải kiếm tìm, tìm đâu giòng suối mát?
mạch nước nào thỏa cơn khát đời con?
Bất lực, xót xa, tê tái, mỏi mòn,
con gục ngã giữa tình đời oan nghiệt.
Ngài đến bên con lời tỏ tình thắm thiết,
khơi mạch nguồn Chân – Thiện – Mỹ,
chiếu sâu thẳm hồn con.
Mạc khải nguồn “ Nước Hằng Sống” thơm ngon,
Ngài chính “Suối Mát” mà con hằng mong đợi.
Lòng nhân ái Chúa làm hồn con phơi phới,
những yếu đuối, bất toàn, Ngài thấu hiểu khoan dung.
Mở rộng con tim, cuộc hội ngộ tương phùng,
Dung mạo Chúa, chân dung Tình Yêu Ơn Cứu Độ.
AP. Mặc Trầm Cung