“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 11, 2-11)
Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.
Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con’. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Dung Mạo Đức Kitô ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ngay Cả Vị Tiền Hô Cũng Còn Phải Học Biết
Đức Giêsu Là Ai Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Đời Người Là Giấc Mộng Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sứ Mạng Của Chúa Cứu Thế Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Hy Vọng Hạt Nắng Trg 10
Dung Mạo Chúa Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Dung Mạo Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Niềm Hy Vọng Của Con A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
Dung Mạo Đức Kitô
Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu. Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”.
Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ngài chao đảo. Nửa tin nửa ngờ.
Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau:
1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo. Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi. Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang.
2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù. Ông bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.
Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.
– Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.
– Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.
– Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.
– Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.
– Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.
Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ. Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế. Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thầy, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương. Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thầy: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ. Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thầy, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương. Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ. Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn. Hãy bắt đầu bằng tình thương. Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới.
Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Thánh Cha đã khiêm nhường xin lỗi Trung Quốc. Bạn nghĩ sao về cử chỉ này?
2. Cử chỉ của Đức Thánh Cha có làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội không?
3. Bạn muốn một Giáo Hội yêu thương phục vụ hay một Giáo Hội cai trị quyền uy?
4. Bạn nghĩ gì về những lầm lỗi trong Giáo Hội?
5. Bạn phải làm gì để làm chứng cho Chúa. Bằng những việc lớn lao hay bằng những việc nhỏ bé hằng ngày? ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————-
Ngay Cả Vị Tiền Hô Cũng Còn
Phải Học Biết Đức Giêsu Là Ai
“Thưa thầy, thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Câu hỏi này bộc lộ rõ tất cả nỗi khắc khoải của Gioan, vị tiền hô có sứ mạng loan báo Đấng Thiên Sai sẽ đến. Mà ông không ray rứt sao được, khi mà Thầy Giêsu xem ra không đáp ứng được các kỳ vọng của ông!
Bằng cả cuộc sống, Gioan biết mình có sứ mạng duy nhất là rao truyền cho mọi người biết về việc đấng Messia sắp đến, một triều đại mới sẽ xuất hiện. Như một người loan truyền, ông có lẽ tưởng mình biết rõ hơn ai hết về đấng sẽ phải đến và triều đại người sẽ như thế nào. Các tiên tri thời Cựu Ước đã chẳng phác họa nhiều nét khác nhau về đấng Thiên Sai và vương quốc mới là gì? Vì là một đan sĩ khắc khổ thuộc cộng đoàn Étxen ở Kumram, Gioan đã in sâu trong tâm trí hình ảnh của một Đấng Messia đầy nét khải huyền: ngài sẽ là một con người nghiêm nghị, quyền uy, trừng trị và thanh lọc. Nhờ một mạc khải của Thần Khí, Gioan được biết Giêsu Nazareth chính là vị phải đến đó (Ga 1, 31-34); thậm chí ông còn giới thiệu Ngài cho vài môn đệ của mình. Kể từ đó Gioan không ngừng nghe ngóng mọi tin tức về Thầy Giêsu. Thế nhưng, trớ trêu thay, những gì ông nghe được lại hoàn toàn trái ngược với quan niệm ông đã có về Ngài. Theo ông, nếu Giêsu là Đấng Thiên Sai mà dân Do Thái hằng mong đợi, thì ngài phải tỏ hiện “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống” (Mt 3, 7-12). Chính vì thế mà trong ngục tù, ông đã sai sứ giả tới hỏi thẳng Người: “Thầy có phải là đấng phải đến không?” Đức Giêsu đã trả lời ông bằng cách chỉ ra một số công việc Người đang thực hiện. Các điều này ăn khớp hoàn toàn với những nét tiên tri Isaia đã sử dụng để mô tả về Đấng Thiên Sai: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: ‘người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. (Is 35,5; 61,1).
Như vậy qua lời giải đáp đó, Thầy Giêsu khẳng định cho vị tiền hô của mình rằng: đấng Messia tiên quyết phải là con người từ nhân và cứu độ chứ không thể là con người luận phạt. Hơn thế nữa Người không quên nhắn gởi tới ông lời mời gọi: chính ông cũng phải chấp nhận thay đổi từ bên trong để có thể tiếp thu được điều này. Lời mời gọi chắc chắn sẽ gây cho ông nỗi đau nhức không nhỏ, nhưng là cần thiết để chính ông cũng phải chấp nhận Tin Mừng: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.
Người loan báo lại được nhắc nhở cần phải chỉnh sửa chính quan niệm mình đang có về đấng mà mình có bổn phận phải loan báo, đó quả là một đòi hỏi gây đau đớn! Thế nhưng, trường hợp Gioan không phải là một biệt lệ. Trong một mức độ nào đó, đòi hỏi này cũng đang được gởi tới tất cả mọi Kitô hữu chúng ta, nhất là những vị nào có nhiệm vụ (= chuyên nghiệp) rao giảng hay loan báo Đức Giêsu cho kẻ khác, các linh mục, tu sĩ, cách riêng các nhà truyền giáo chẳng hạn: phải chỉnh sửa không ngừng hình ảnh hay quan niệm mình vốn có về Đức Giêsu Kitô sao cho ngày càng phù hợp với Tin Mừng hơn nữa.
Tôi đã từng có một chút kinh nghiệm về điều này.
Trong tư cách một nhà truyền giáo, tất nhiên tôi mong muốn rao giảng Đức Kitô cho nhóm sinh viên Mongolia xin tôi dạy giáo lý. Trong khi ra sức giải thích sự khác biệt giữa đạo Shaman truyền thống của dân du mục Bắc Á, hoàn toàn dựa trên mối sợ hãi các thần linh bí hiểm, với một Tin Mừng cứu độ của Kitô giáo dựa trên tình yêu Thiên Chúa, tôi mới phát hiện ra rằng sự hiểu biết của tôi về Thiên Chúa và về Đức Kitô, bất chấp các thần học và giáo lý tôi đang sở đắc, cần phải được chỉnh sửa lại: nhất thiết phải chuyển dịch trọng tâm từ một Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh, qua nội dung một Thiên Chúa nhân hậu, giầu lòng từ bi và hay thương xót. Lời giảng dạy của tôi từ nay, thay vì nhấn trên tội-phúc, thưởng-phạt, sẽ cần nói nhiều hơn tới ơn tha thứ và cứu độ của Thiên Chúa; thay vì kéo sự chú tâm tới các mặt luân lý để phân biệt tốt xấu, làm lành lánh dữ… thì hãy đổ dồn cặp mắt về Thập Giá cứu độ; thay vì chi ly với sự công thẳng đòi phải thanh luyện khắt khe, hãy để cho lòng từ ái Chúa bao bọc và dấn mình sâu hơn nữa vào vòng tay hiền mẫu… Tôi khám phá ra rằng chính Phaolô cũng đã từng trải qua một cuộc biến đổi tận căn như thế (nhất là phát xuất từ các quan niệm Cựu Ước): rồi ra đối với ông chỉ có Đức Kitô thập giá mới là quan trọng; và sự công chính do ơn cứu độ Đức Kitô mang lại còn lớn hơn ngàn vạn lần sự công chính của tất cả các luật pháp trần gian gộp lại… Gần đây hơn nữa, tôi cũng đã nhận ra tư tưởng này nổi bật nơi thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Mẹ Têrêxa Calcutta và cũng như nơi Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Thế thì Mùa Vọng này đúng là thời gian cần thiết để tôi, một linh mục giảng dạy kẻ khác phải chuẩn bị đón Chúa, làm một cuộc hoán cải tận căn, một cuộc chỉnh sửa cần thiết để khám phá sâu rộng hơn nữa một Thiên Chúa giầu lòng xót thương và cứu độ.
Thánh Gioan Tiền Hô ơi, theo tiếng ngài mời gọi, con đang chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến đó! Qua bài Tin Mừng hôm nay, ngài cũng đang thôi thúc con tìm gặp đấng Messia Cứu Độ thay vì một đấng Thiên Sai luận phạt, điều mà chính ngài khi xưa đã từng được Thầy Giêsu mời gọi làm. Xin hãy giúp con và mọi Kitô hữu ngày càng nhận ra rõ hơn về Đấng Cứu Thế – hình ảnh trung thực của Thiên Chúa từ nhân, để rồi qua cuộc sống và lời rao giảng, chúng con cũng có thể giới thiệu và trình bày Người cách chính xác cho nhiều anh chị em khác nữa. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————
Đời Người Là Giấc Mộng
Một doanh nhân có thói quen rất lạ, cứ cách một thời gian, ông lại dẫn theo vợ con đến lò hỏa táng để xem. Có người không hiểu, hỏi ông nguyên do. Ông nói rằng, chỉ cần đến nơi hỏa táng, cái tâm nóng nảy sẽ rất mau chóng an tĩnh lại, thấy danh lợi tiền tài thật nhẹ nhàng.
Ở nơi hỏa táng này, không kể bạn là quan to, quý tộc, quyền cao chức trọng, uy danh hiển hách hay là một người dân bình thường nhưng cuối cùng đều sẽ phải đến đây, chung một tư thế nằm xuống bất động, sau đó bị đưa vào bên trong lò hỏa táng đang bốc cháy ngùn ngụt, khi trở ra lần nữa, thì chỉ là một chiếc hộp vuông nho nhỏ được bọc trong tấm khăn.
Khi đến chẳng mang theo thứ gì, khi đi chỉ như một làn khói. Ngẫm lại đời người thật đơn giản vậy! Vinh hoa phú quý rồi cũng thoáng qua theo ngày tháng, ân ái tình thù rồi cũng trở về với cát bụi.
Hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới đầy vật chất, dục vọng bởi những cám dỗ mê hoặc: quyền lực, địa vị, tiền bạc, mỹ sắc, ăn ngon mặc đẹp…, dễ làm cho con người trở nên ngông cuồng, ngạo mạn, đam mê và tư lợi. Đây cũng là lý do gây nên những xáo trộn , bất hòa, hiềm thù, ghen ghét và chiến tranh…
Lời Chúa tuần thứ ba mùa vọng như cũng đang nói với con người hôm nay. Hãy thay đổi lối sống để kiến tạo một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Sự thay đổi cách sống không phải vì sợ chết mà vì Chúa đã đến ở giữa chúng ta. Cuộc đời có Chúa thì có niềm vui của canh tân và cải thiện đời sống. Đối với đám đông dân chúng hãy biết sống chia sẻ với nhau. Đối với người thu thuế và người giầu Gioan mời gọi họ đừng cho vay nặng lãi. Hãy sống bằng một trái tim nhân ái biết xót thương kẻ bần cùng lầm than. Đối với binh lính, Gioan đề nghị hãy biết thương dân, đừng hà hiếp bóc lột kẻ yếu hèn.
Nghe lời Gioan ai nấy đều muốn thay đổi lối sống cho đẹp lòng Đấng Messia. Từng đoàn người đến sông Giordan. Trong đó có đủ mọi thành phần già trẻ, lớn bé. Quyền qúy cao sang và đói khổ bần hàn. Tất cả đều cúi mình sám hối. Tất cả đều muốn thay đổi lối sống. Sửa lại những quanh co gian trá của lòng người. Lấp đầy những hố sâu của ngăn cách bằng tình yêu chân thành. Và san bằng núi đồi kiêu căng bằng đời sống hoà hợp mến yêu. Một bầu khí thật vui tươi và an bình trải rộng khắp dòng sông Giordan. Một niềm hy vọng cho một thế giới không còn bất công, không còn hận thù chỉ còn có sự chia sẻ, cảm thông trong yêu thương chân thành. Một bầu khí hứa hẹn những ngày tháng thanh bình như lời tiên tri Isaia đã nói: “sói nằm chung với chiên con. Trẻ con thò tay vào hang rắn độc. Người ta sẽ lấy lưỡi gươm mà rèn nên lưỡi cầy và nhân loại sẽ cùng nhau hát vang tiếng hát hoà bình”.
Hình ảnh đó như đang nhắc nhở con người thời nay. Chúng ta đừng chạy theo danh lợi thú mà sống trái với luân thường đạo lý. Đừng thỏa hiệp với sự gian dối, xấu xa. Hãy sống công bình bác ái. Hãy làm chứng cho sự thật. Nhất là những người lãnh đạo phải dám lên tiếng cho sự thật. Người lớn sẽ có lỗi với giới trẻ khi không nói cho họ biết về cái sai của thế gian như: phá thai là tội ác, đồng tính là suy đồi, sống thử là góp gạo thổi cơm chung nhưng không có tình yêu, không có ràng buộc trách nhiệm với nhau. Đồng thời với những người có quyền hãy dùng ơn ban của Chúa mà bảo vệ kẻ thấp hèn, đừng bắt tay với kẻ giầu có, người quyền thế để làm ngơ trước bất công và dửng dưng với nỗi thống khổ của kẻ hèn yếu bị ức hiếp.
Trong thánh lễ hôm nay, ta cầu nguyện một cách đặc biệt cho các bạn trẻ đang lầm đường lạc lối, đang nghiện ngập được ơn hoán cải, cho những người cha đang say xưa rượu chè, cờ bạc biết sống có trách nhiệm với gia đình, cho những người phụ nữ thiếu đoan trang tiết hạnh làm gương mù cho con cái, và cho những người tham lam cho vay nặng lãi, những người có chức có quyền đang hà hiếp kẻ yếu hèn biết sống lòng xót thương. Xin cho họ được ơn hoán cải để họ luôn là người đẹp trước mặt anh em. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————–
Sứ Mạng Của Chúa Cứu Thế
Bấy giờ, ông Gioan tẩy giả “đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thầy có thật là Đấng cứu thế được Thiên Chúa sai đến không? Hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu tỏ cho biết Ngài đến trần gian làm cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, cho người què được đi, người phong hủi được sạch, kẻ chết sống lại…
Việc Chúa Giêsu mở mắt cho người mù được thấy là biểu tượng của việc Ngài đến mở mắt tâm hồn cho muôn dân, chủ yếu là khai trí mở lòng cho nhân loại nhận biết nhiều sự thật cao quý, đặc biệt là nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương.
Sự kiện sau đây cho thấy người con nhận biết cha yêu quý của mình là hồng phúc lớn.
Nguyễn Thị Martine mang thân phận một người con lai xấu số, lớn lên trong vất vả nhọc nhằn. Khi Martine còn trong bụng mẹ thì cha cô là một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp đã trở về Trung Phi, thế là cha con chưa từng biết nhau.
Đầu năm 1972, lên 18 tuổi, Martine vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ tăm tối, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Thế rồi vào một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của cô bất thần chạy đến, la to: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị lên máy bay, đi gặp ba mầy làm tổng thống!”
Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã xảy đến với cô: Cha của Martine là ông Bokassa, người lính da đen thuộc quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam năm xưa, nay đã trở thành tổng thống nước Cộng Hoà Trung Phi, một đất nước nổi tiếng có nhiều kim cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi.
Đối với Martine, được nhìn thấy người cha thân yêu, được vui sống với cha trong hoàng cung lộng lẫy tại quốc vương Trung Phi là một hạnh phúc tuyệt vời tưởng như chỉ có trong mơ.
Còn chúng ta, chúng ta có thể gặp được diễm phúc khác lớn hơn diễm phúc của Martine. Những ai được Chúa Giêsu “mở mắt” cho thấy mình có Cha là Thiên Chúa, là vua trời cao cả quyền năng, có Chúa Giêsu là Đấng cứu độ hiến thân chịu chết cho mình được sống, có Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và là Đấng ban sự sống… thì sẽ được hạnh phúc gấp triệu lần hơn.
Chính vì thế, Chúa Giêsu nói với các môn đệ, là những người được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa, rằng: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe.”
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn tỏ ra hân hoan vui sướng trong Chúa Thánh Thần và thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ” (Lc 10, 21-24).
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con diễm phúc tuyệt vời: Điều mà nhiều người khôn ngoan thông thái cũng như nhiều vị tiên tri và vua chúa xưa nay muốn xem thấy mà chẳng được thấy, muốn nghe mà đã chẳng được nghe thì Chúa lại ban tặng cho chúng con là những người đơn sơ bé mọn.
Xin cho chúng luôn hân hoan vui sướng vì hồng phúc cao quý nầy và giúp chúng con sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————–
Hy Vọng
CN 3 MV.A – (Mt 11, 2 – 11)
Màu hồng sắc thắm xướng vui ca
Hy vọng hân hoan khắp mọi nhà
Thử thách không sờn lòng hiếu tử
Hồng ân chẳng quản trái tim Cha
Kiên cường chiến đấu luôn bền chí
Sốt mến kinh cầu vẫn thiết tha
Chúa đến tâm hồn vui hớn hở
Nhạc lòng kính tiến mãi ngân nga
Hạt Nắng
—————————————-
Dung Mạo Chúa
CN 3 MV.A – (Mt 11, 2 – 11)
Tình yêu Chúa nhân từ sâu thẳm,
đến trần gian đầm ấm tình người.
Tim đèn còn khói không rời,
cây lau dập nát bồi hồi xót thương.
Người khiếm thị thấy đường cứu rỗi,
dân nghèo được mở lối tâm linh.
Người phong rũ sạch tội tình,
người chết sống lại hồi sinh cuộc đời.
Người điếc được nghe lời hằng sống,
người què vui nhảy bổng như nai.
Muôn nhà hạnh phúc thái lai,
Tin Mừng đón nhận tương lai rạng ngời.
Dung mạo Chúa sáng tươi nhân ái,
nét khiêm nhu, quảng đại, yêu thương.
Đơn sơ, giản dị, bình thường,
nghèo hèn, bé mọn dặm trường nhân sinh.
Ngài mở lối hành trình cứu độ,
không oai phong, chẳng tỏ quyền uy.
Hiền từ như một lương y,
chữa lành tội lỗi cứu nguy muôn người.
Dung mạo Chúa thật rạng ngời …
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Dung Mạo Tình Yêu
CN 3 MV.A – (Mt 11, 2 – 11)
Trong đêm đen nguồn ánh sáng lung linh,
con nương theo tìm ngắm ánh bình minh.
Trong cô đơn Ngài đã đến bên con,
gieo tin yêu ban nguồn sống hồi sinh.
Tai con nghe lời Chúa rót yêu thương,
tim reo vui, từng nhịp bước trên đường.
Bao năm qua chìm trong bóng u mê,
như chiên hoang lỡ bước quên đường về.
Dung mạo của Chúa trong hình hài bé thơ,
dung mạo tình yêu nhân thế đang mong chờ.
Âm thầm, đơn sơ, nghèo hèn trong gian khó
thân thiết, dịu hiền cho con nhiều ước mơ.
Vui ca vang tin mừng Chúa giáng sinh,
trong tim con Ngài sưởi ấm ân tình.
Dung mạo Ngài là tình yêu, bác ái,
đưa con về hưởng cuộc sống trường sinh.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————
Niềm Hy Vọng Của Con
CN 3 MV.A – (Mt 11, 2 – 11)
Lao tù trần gian con loay hoay vùng vẫy,
bóng tối cuộc đời nỗi khốn khổ lao đao.
Tai ương dồn dập tài sản bỗng tiêu hao,
những bế tắc đánh gục niềm tin.
Tăm tối nghi nan, hoen úa niềm tin,
con tự hỏi:
“Ngài có phải là … Đấng con mong đợi?”.
Xã hội bon chen lao đao, hồn diệu vợi,
bơi ngược dòng đời cô độc bước hoang liêu.
Tiên tri giả mị dân, dụ dỗ, bổng lộc bao điều,
con tự hỏi:
“Ngài có phải ….. hay con còn phải đợi?”.
Cám dỗ mọc mời đâu là đường đi tới,
thách đố, chơi vơi mờ mịt cả tương lai.
Thất vọng, sầu đau rên xiết bao đêm dài,
con lại tự hỏi:
“có phải và có phải …Đấng giải cứu trần gian?”
Xin cứu con thoát khỏi nỗi nghi nan,
thoát khỏi cảnh bạo tàn đầy hung ác.
Xin đừng làm ngơ nhìn đàn chiên tan tác
quyền lực ở nơi Ngài..!
hay con vẫn phải đợi ai?
Hồn băn khoăn niềm hy vọng ngày mai,
lặng thầm khao khát xây đời bao mộng đẹp.
Ngài ơi! hãy ra tay như lời xưa đã chép,
một Đấng Thiên Sai, một Đất Nước thái lai
con khắc khoải, mọi người đang trông ngóng.
Lời Chúa hôm nay, giúp con niềm vui sống,
Ngài chính là Đấng mà các Ngôn Sứ loan tin.
Ngài là Tình Yêu,
là Chiên Thiên Chúa gánh lấy tội tình,
được sai đến sống giữa gia đình nhân loại.
Ngài chữa lành bao tâm hồn băng hoại,
Mở mắt người mù được nhìn thấy ánh quang minh.
Tai người điếc được nghe lời chân lý thâm tình,
kẻ què nhảy như nai trên bước đường công chính.
Người chết vùng đứng lên trong tâm tình cung kính,
kẻ nghèo khó vui nghe Ơn Cứu Độ – Tin Mừng.
Mọi người hỉ hoan đồng cất tiếng tuyên xưng,
quyền năng Chúa Tình yêu Ngài tỏ hiện.
Giáo huấn Chúa truyền hướng con về điều thiện
vẻ đẹp diệu kỳ của Thiên Chúa Tình yêu.
Nhân loại hướng về nguồn cứu cánh cao siêu
Đấng duy nhất chiếm hữu trọn trái tim nhân loại.
Xin chữa lành con từ lâu đã bất toại
bất toại tâm hồn bởi vấp ngã kiêu căng
Xin xót thương, kính lạy Chúa Toàn Năng
xin nâng đỡ hành trình đức tin vươn tới.
Để từ nay trên bước đường tương lai đổi mới,
nên nhân chứng giữa lòng đời,
đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.
AP. Mặc Trầm Cung