SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN NĂM B (23/10/2022) CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

THIÊN CHÚA YÊU THÍCH NGƯỜI KHIÊM HẠ
“Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Người đời thường quan tâm đến thái độ của người xung quanh đối với mình để biết cách cư xử có lợi nhất cho mình. Còn những người có đạo thì quan tâm đến thái độ của Thiên Chúa đối với mình để biết mình phải sống như thế nào, phải làm những gì cho đẹp lòng Thiên Chúa. Trong đoạn Lời Chúa của Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm C (Lc 18,1-8) hôm nay, chúng ta được chính Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, mặc khải cho biết Thiên Chúa yêu quý và lắng nghe những người khiêm hạ: “Tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”
Chúng ta hãy tân dụng sự mách bảo quý báu này của Chúa Giêsu mà điều chỉnh cách sống của mình.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 18,9-14: Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 18,9-14:
3.1 “Tất cả những ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”: vì hai lý do: một là những người ấy tự gán cho mình giá trị lớn hơn thực tế, giống như những người biệt phái trong Phúc âm tự cho mình là những người đạo đức và khinh rẻ những người khác; hai là Thiên Chúa là Đấng chân thật không ưa thích những gì không chân thật nên không ưa thích những người tự cho mình là người đạo đức, cao sang, quan trọng trong khi họ cũng chỉ là tầm thường như trăm triệu người khác. Thiên Chúa còn là Đấng Công Minh nên Người sẽ đặt mọi sự và mọi người vào đúng chỗ của mọi sự và của mọi người. Đó là ý nghĩa của sự thưởng phạt của Thiên Chúa!
3.2 “Và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”: cũng vì hai lý do: một là những người ấy nhận chân giá trị của mình là tạo vật giới hạn và yếu đuồi, thậm chí tội lỗi đầy mình nên luôn cậy dựa vào lòh thương xót của Thiên Chúa như người thu thuế trong Phúc âm; hai là Thiên Chúa là Đấng chân thật, Người ưa thích những gì là chân thật nên ưa thích những người khiêm hạ. Thiên Chúa còn là Đấng Công Minh nên Người sẽ đặt mọi sự và mọi người vào đúng chỗ của mọi sự và của mọi người. Người sẽ nâng những người hạ mình lên như lời của Chúa Giêsu Kitô đã phán.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 18,9-14:
4.1 Chúng ta hãy nhận biết mình: Đó là việc đầu tiên mà chúng ta có thể và phải làm. Nhận biết mình giá trị ở đâu, nhờ ai và yêu đuối trong những lãnh vưc nào. Nói cách khác chúng ta sống với con người thật của mình, tự tin nhưng không tự cao.
4.2 Chúng ta hãy cư xử đúng với con người thật của mình: Đó là việc thứ hai mà chúng ta có thể và phải làm. Cư xử đúng vói con người thật của mình là chúng ta không mặc cảm tư ty hay tự tôn mà khiêm nhường và tin tưởng truớc người đời và nhất là trước Thiên Chúa.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã dậy chúng con biết Thiên Chúa yêu thích những người khiêm hạ nên Người sẽ cất nhắc những người ấy lên. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho những người tư hào là người công chính mà khinh bỉ kẻ khác để họ nghe được cây chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu mà sửa mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy chu toàn trách nhiệm hướng dẫn mọi người cầu nguyện.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu tránh bắt chước người biệt phái trong Phúc âm.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho tất cả những người thân quen của chúng ta biết sống khiêm hạ như người thu thuề trong Phúc âm.
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con và vì Người đã dậy chúng con biết Thiên Chúa ưa thich những người khiêm hạ.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sự sáng suốt thiêng liêng và lòng khiêm hạ của người nghèo. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 22 tháng 10 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội