SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C (25/9/2022) LUẬT BÙ TRỪ

“Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Câu chuyện Chúa Giêsu đưa ra cho những người biệt phái đương thời là lời giải đáp cho nhiều người thắc mắc về chuyện xem ra bất công trong xã hội: đó là có nhiều người lương thiện mà phải sống không xứng với kiếp người trong khi nhiều kẻ bất lương độc ác lại sống giầu sang phú quý. Công lý ở đâu? Có Thiên Chúa hay Thượng Đế cầm cây nẩy mực cho loài người không?
Bài Phúc âm Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C hôm nay thật đáng các Kitô hữu suy gẫm và rút ra bài học cho thái độ và cách sử dụng của cải, chức quyền, địa vị của mỗi người.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 16,19-31: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
” ‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.
“Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’ “.

III. SUY NIỆM VÀ THỤC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 16,19-31:
HAI CUỘC ĐỜI – HAI SỐ PHẬN
của TGM Vũ Văn Thiên
Cũng như Chúa nhật trước, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về chủ đề tiền bạc. Tiền bạc rất cần thiết cho con người. Tiền bạc cũng là lý do xung đột và gây nhiều thảm họa. Hai cuộc đời, hai số phận được Chúa Giêsu dùng trong câu chuyện dụ ngôn để gửi gắm một giáo huấn quan trọng. Người khuyên các thính giả, hãy mở lòng quảng đại và hãy nghĩ đến đời sau khi còn đang sống. Người cũng lên án những ai coi của cải thế gian là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời. Những người này sẽ phải ân hận. Hai nhân vật chính trong dụ ngôn hoàn toàn khác nhau khi họ sống trên đời cũng như khi họ đã chết.
Hai cuộc đời: ông nhà giàu và Lagiarô là hai thái cực của cuộc sống vật chất. Một người giàu sang, một người nghèo khó. Sự giàu sang cũng như sự giàu có đều được diễn tả ở mức cao nhất. Người giàu lắm bạn bè thăm hỏi; Lagiarô chỉ có con chó làm bạn. Người giàu quần là áo lượt; Lagiarô chỉ có lở loét toàn thân.
Hai số phận: có điểm giống nhau giữa hai nhân vật, đó là cả hai người đều chết. Dụ ngôn không nói rõ, nhưng chắc chắn Lagiarô chết trong âm thầm; còn ông nhà giàu chắc phải có đám tang rất linh đình, như chúng ta thường thấy trong xã hội mọi thời. Cả hai đều chết, nhưng hậu phận lại khác nhau. Người xưa kia giàu, nay trở thành khốn khó; Lagiarô xưa kia nghèo, nay hạnh phúc thảnh thơi. Cả sự khốn khó và hạnh phúc của hai nhân vật này cũng được diễn tả ở mức cao nhất. Trước đây Lagiarô mong ước đồ ăn thừa, mà chẳng có ai cho; bây giờ ông nhà giàu chỉ mong được chấm một giọt nước vào lưỡi cho giảm nhiệt do bị thiêu đốt, cũng không được.
Người phân xử ở đây không phải là Thiên Chúa, mà là ông Abraham. Ông là Tổ phụ của dân Do Thái. Lề luật mà ông Abraham nại đến, đó là ông Môisen. Ông được tôn kính trong truyền thống dân tộc và là nhân vật biểu tượng cho lề luật. Như thế, sống ở đời là tự chọn cho mình sự phán xét. Hạnh phúc hay khốn khó, nhiều khi tự mình chọn cho mình. Trả lời cho đề nghị xin cử Lagiarô về để cảnh báo người thân, Tổ phụ trả lời: Ai có số phận người ấy. Đã có giáo huấn của ông Môisen và các ngôn sứ.
Trong tin mừng thánh Luca, dụ ngôn này được xếp liền với một chuỗi giáo huấn của Chúa Giêsu về cách sử dụng của cải. Qua hình ảnh hai nhân vật trong dụ ngôn, Chúa muốn răn dạy mọi người, hãy khôn ngoan và thận trọng khi sử dụng của cải. Ông nhà giàu đáng trách không phải vì ông ta lắm của. Giàu có không phải là một tội, cũng như nghèo nàn không phải là điều xấu. Tội của ông nhà giàu là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của người nghèo nằm ngay trước cổng nhà mình. Khoảng cách từ bàn ăn đến cánh cổng chẳng bao xa, mà ông chẳng bao giờ vượt qua, vì ông thực sự không muốn. Theo giáo huấn của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng cảm thương và bênh vực những người nghèo khó và bé mọn. Nếu người đời hắt hủi họ, thì Thiên Chúa lại ôm họ vào lòng. Ông Abraham chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài luôn giàu lòng xót thương những người đau khổ, và bảo vệ những người bị ức hiếp.
Lời phê phán của Tổ phụ Abraham đối với ông nhà giàu cũng là lời ngôn sứ Amos (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên) lên án những người giàu mà bóc lột người nghèo (Bài đọc I). Nếu sống ở thời đại chúng ta, ngôn sứ Amos sẽ lên án những quan tham gian lận của công, những con sâu mọt làm nghèo đất nước. Một vị lãnh đạo của Việt Nam đã nói: “họ (bọn tham quan) ăn không từ thứ gì.” Lưới trời lồng lộng, những kẻ tham nhũng có thể qua mắt người đời, nhưng không thể qua được mắt Thiên Chúa. Ngôn sứ Amos đã tiên báo: giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa.” Không những phải chấm dứt tiệc tùng xa hoa, mà tên tuổi của họ còn bị người đờii lên án phỉ nhổ. Lời của ngôn sứ Amos làm chúng ta liên tưởng đến những vụ đại án hiện nay tại Việt Nam, khi một số quan chức có địa vị cao trong xã hội lần lượt ra tòa.

IV. THỤC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 16,19-31: của TGM Vũ Văn Thiên
Mối quan tâm hàng đầu của người tín hữu là gì? Thánh Phaolô trả lời: hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Đây chính là sự giàu sang thiêng liêng, không bị mối mọt với thời gian, nhưng bền vững và xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng. Thánh Tông đồ khuyên Timôthê: hãy chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu. Người vốn là Thiên Chúa cao sang, là Vua các Vua, Chúa các chúa, mà đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu sang.
Sống ở đời, ai cũng cần phải có tiền bạc. Tuy vậy, không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. “Nhiều tiền mà làm gì?” trong khi gia đình tan vỡ, vợ chồng xung đột. Trong cuộc sống của chúng ta, có cả ngàn câu chuyện buồn mà tiền bạc là nguyên nhân. Xin Chúa cho chúng ta có một cuộc sống vật chất ổn định vừa đủ, đồng thời biết sử dụng của cải để sinh lợi thiêng liêng cho mình và những người xung quanh.

IV. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 16,1-13:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con, Người đã dậy cho chúng con biết là giá trị thật và giá trị giả của đồng tiền. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN GIÁO DÂN:
1.- «Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho những người giầu của cải vật chất cũng giầu lòng bác ái chia sẻ với những người nghèo trong xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho những người nghèo khó để họ không ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa là Cha yêu thương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.-«Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng: “Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu nhớ kỹ rằng sớm muộn gì mình cũng sẽ phải chềt mà chuẩn bị cho phù hợp.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.-«Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tấ cả mọi người đang sống trên thế gian này đễ mọi người sống sao cho ngày mai không phải hối hận.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con. Người đã dậy chúng con phải cảnh giác với của cải mà chúng con đang có trong tay. Xin Cha giúp chúng con sống siêu thoát và thanh bần. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 24 tháng 9 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội