“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 16, 19-31).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
” ‘Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này’. Abraham nói lại: ‘Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được’.
“Người đó lại nói: ‘Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này’. Abraham đáp rằng: ‘Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài’. Người đó thưa: ‘Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải’. Nhưng Abraham bảo người ấy: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu’ “.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Liên Đới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Hố Ngăn Cách Giầu Nghèo Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Triệu Người Quen Có Mấy Người Thân Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Có Nhận Thì Phải Trao Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Vực Thẳm Hạt Nắng Trg 9
Sợi Dây Đức Ái Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tình Yêu Dịu Ngọt M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Nhịp Cầu Nhân Ái A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
————————————
Liên Đới
Toàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới. Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh. Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Cứu người chính là cứu mình. Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh. Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới. Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau. Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.
Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó. Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?”.
Vâng, giàu có đâu phải là một tội. Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực. Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.
Nguy cơ thứ nhất là: tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn. Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc. Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được. Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm. Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh. Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh. Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh. Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân. Và anh bỏ cuộc quay về. Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.
Nguy cơ thứ hai là: tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá. Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Lazarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Lazarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Lazarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Lazarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.
Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời. Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả. Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này. Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục. Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình. Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục. Ông nhà giàu không có tội gì. Ông chỉ có tội thiếu sót: thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ. Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Lazarô. Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Lazarô. Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách. Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Lazarô. Nay ông biết mình cần Lazarô cho mình một giọt nước thì đã trễ. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.
Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tôi có quan tâm đến những người sống chung quanh tôi, đặc biệt những người nghèo khổ không?
2) Đời sống tôi cần đến người khác cả về phương diện tự nhiên lẫn phương diện siêu nhiên. Tôi có ý thức điều đó không?
3) Một đời sống quá đầy đủ có thể là nguy cơ cho đời sống thiêng liêng. Tôi làm cách nào để tránh rơi vào nguy cơ này?
4) Tại sao ông nhà giàu phải vào hỏa ngục?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————
Hố Ngăn Cách Giầu Nghèo
Chương 16 câu 26 của bài Tin Mừng khẳng định: có một cái hố ngăn cách “Giữa chúng ta đây và các anh có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các anh cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được”. Câu truyện dụ ngôn về ông phú hộ sang giầu và tên Lazarô nghèo khổ muốn cho thấy cái hố này sâu tới mức nào. Cái hố ngăn cách giầu nghèo được đề cập tới trong câu truyện dụ ngôn này không thể được hiểu theo định hướng kinh tế xã hội, cách mạng chính trị ý thức hệ, thậm chí theo nội dung luân lý đạo đức. Ở đây, liên tục với nội dung trước đó của chương 16, Luca chỉ muốn diễn đạt ý nghĩa Tin Mừng là điều duy nhất Đức Giêsu muốn rao giảng.
Khác hẳn với luật lệ của Cựu Ước nặng tính luân lý và đạo đức, trong đó quan trọng nhất là việc trung thành giữ luật, thì theo Tin Mừng của Tân Ước, mạc khải tình yêu nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa mới là điều quan trọng nhất cần phải đón nhận. Theo Cựu Ước, thiên đàng – hỏa ngục là phần thưởng hay hình phạt dành cho kẻ tốt – người xấu, người trung thành giữ luật – kẻ bất trung phá luật, người đạo đức – kẻ khô khan, người thánh thiện – phường tội lỗi. Còn theo Tân Ước, được vào Nước Trời là được hưởng trọn tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa từ nhân (hình ảnh Lazarô trong lòng tổ phụ Abraham), sẽ dành cho những ai đã từng biết đón nhận khi còn sống; còn bị loại ra khỏi Vương Quốc tình yêu (bị cực hình, bị lửa thiêu đốt) là số phận của những ai khi sống đã từng chối từ đón nhận tình yêu tha thứ này. Khi Đức Giêsu tuyên bố: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của anh em… khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói” (Lc 6, 20.25) chắc hẳn Người đang công bố chính nội dung Tin Mừng này.
Như vậy cái vực thẳm lớn vĩnh viễn ngăn cách việc tiếp nhận hay khước từ Tin Mừng cứu độ chỉ có thể là sau khi chết; ‘người nghèo này chết…Ông nhà giầu cũng chết’. Thế nhưng, ngay từ cuộc sống trần thế, nó đã khởi sự hình thành; ‘người nghèo khó… nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no’. Cái hố ngăn cách của tiếp nhận hay chối từ Tin Mừng cứu độ được hình thành và phát triển dựa vào định hướng trái chiều giữa giầu và nghèo trong nội dung Tin Mừng. Đó là lý do Đức Giêsu nhiều lần lên tiếng cảnh giác sự giầu sang và tôn vinh nghèo khó, hoàn toàn trong viễn cảnh đón nhận Vương Quốc tình yêu cứu độ.
Trong dụ ngôn, ông nhà giầu, nếu chỉ ‘mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình’ thì đâu có làm gì nên tội để đáng bị cực hình thiêu đốt. Cũng vậy Lazarô, nếu chỉ ‘nghèo khó… mụn nhọt đầy mình…’ thì đâu có làm nên công trạng gì để đáng được ‘thiên thần đem vào lòng ông Abraham’. Chi tiết mô tả ông nhà giầu gợi ta nhớ đến cái được no nê thỏa mãn đâu cần được ai thương xót; và người nghèo khó ‘thèm được những thứ trên bàn ăn rớt xuống… chó đến liếm ghẻ chốc’ chính là thái độ mong đợi, cầu xin được xót thương. Đối với Tin Mừng, giá trị đích thực của giầu nghèo là ở chỗ đó: sống giầu dễ đưa tới tự mãn để không cần tới lòng xót thương (khốn cho), sống nghèo tạo điều kiện tự nhiên để mở ra đón nhận lòng thương xót (phúc thay). Nếu cứ tiếp tục ‘sống giầu’ như thế (trường hợp ông nhà giầu), và nếu cứ tiếp tục ‘sống nghèo’ như thế (trường hợp Lazarô) thì việc bị loại khỏi hay được đón nhận vĩnh viễn vào Nước Trời sau khi chết chỉ là chuyện đương nhiên thôi. Lúc đó thì cái hố ngăn cách giầu nghèo sẽ không còn gì có thể lấp đầy được (theo nghĩa Tin Mừng); “vực thẳm lớn đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.
Giầu-nghèo, trong học thuyết của Đức Giêsu, chỉ là những hoàn cảnh, điều kiện nghịch hay thuận để đón lấy Nước Trời cứu độ. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Đức Giêsu sống thân phận nghèo khó ‘con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có lấy hòn đá gối đầu’ là để rộng mở hoàn toàn cho Vương quốc của Cha; và Người kêu gọi bất cứ ai muốn theo Người cũng hãy “bán đi hết những gì mình có và bố thí cho kẻ khó…” để có điều kiện thuận lợi mở tâm hồn đón nhận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Kitô hữu, vì là người của Tin Mừng, luôn cảnh giác với cuộc sống giầu sang vì mối nguy cơ tiềm ẩn, nhưng vui mừng ôm ấp sự nghèo hèn đói khát chính vì thuận lợi Tin Mừng nó cống hiến. Nếu họ có giầu, thì chí ít họ cũng biết nhận ra ‘con đã nhận được phần phước của con’, tức là hồng ân của lòng từ bi Chúa, để biết khiêm tốn tạ ơn; còn nếu nghèo khổ thì ‘suốt một đời chịu toàn những bất hạnh… thì được an ủi nơi đây’, để vui mừng và hy vọng.
Đó chính là Tin Mừng đích thực đang được rao giảng cho những người nghèo khó!
Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy chúng con cầu nguyện cùng Cha. Những điều con cầu xin Cha có thể là vô vàn và rất khác nhau, vì con có quá nhiều nhu cầu cả về phần xác lẫn phần hồn. Nhưng con biết rất rõ điều chính yếu trong cầu nguyện chính là tư thế khó nghèo của con. Xin Cha nhận lời cầu nguyện của con, không phải để thỏa mãn những điều con xin, nhưng là chấp nhận thân phận đơn hèn con mong hướng về Cha. Và xin Cha gìn giữ con luôn mãi trong sự nghèo hèn của mình để không ngừng hướng lòng con về tình Cha nhân ái. Con cầu xin Cha nhờ Đức Kitô Giêsu. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————————
Triệu Người Quen Có Mấy Người Thân
Có ai đó nói rằng: “nếu mà bạn có thể biết hết những người chung quanh nói gì về bạn thì có lẽ bạn sẽ không còn người thân”. Bởi vì, trên đời này… Vạn người quen, có mấy người là bạn? Trăm loại bạn, có mấy loại là thân? Chục người thân, có mấy người là tốt? Vài người tốt, có mấy người được bền lâu? Một người là đủ nếu có chữ chân thành.
Nhưng rồi thế gian thường là bạc tình. Dù vợ chồng ân ái bên nhau vẫn đầy đọa nhau, mang lại hạnh phúc cho nhau thì ít mà gây khổ đau cho nhau thì nhiều. Như đời người con gái trong bài ca không tên số 4 đã viết:
Mai về sau nước mắt có cạn
Khi xa đời thương cho đàn con
Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa.
Cái đáng sợ nhất của tình người hôm nay là con tim đã chai đá đến nỗi vô cảm ngay cả đối với người thân. Khi tình người đã cạn thì họ dễ dàng vô cảm và vô tâm với nhau. Đây là thảm kịch không chỉ xảy ra cho gia đình mà dường như cho toàn xã hội hôm nay.
Có biết bao gia đình cạn tình nên cũng cạn nghĩa với nhau, vợ chồng bỏ nhau, con cái ly tán. Có biết bao người đã vô cảm trước nỗi thống khổ của các thành viên trong gia đình nên vẫn vô tâm chơi bời, nghiện ngập, lười biếng thiếu trách nhiệm với gia đình. Có biết bao phận người vẫn cô đơn thất vọng ngay trong mái nhà của mình. Họ bị bỏ rơi, bị khinh khi ngay giữa những người thân của mình.
Có một bà mẹ đã tâm sự với tôi: cha biết không, chỉ vì nghèo đói mà con cái chẳng đứa nào về thăm bao giờ! Có một người chồng bại liệt đã than: con nằm đây như là một cái gai trong mắt vợ con, chẳng ai muốn chăm sóc con.
Thời Chúa Giêsu, có lẽ cũng không thiếu những loại người vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Họ vô cảm đến độ hằng ngày yến tiệc linh đình và để mặc cho anh Lazarô nghèo khó: “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông” sống lây lất từng ngày.
Thế nhưng, cuối câu chuyện là một sự đảo ngược lạ thường. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazarô “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta ! Trước kia Lazarô “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazarô: “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông cho mát, vì ở đời sau ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”.
Thiên Chúa tạo dựng con người có một trái tim để yêu thương, để cảm nhận nỗi thống khổ của tha nhân mà chạnh lòng thương xót. Đừng vô cảm trước phận đời bất hạnh. Đừng bàng quan trước nỗi đau của anh em. Ngày phán xét Chúa sẽ không hỏi chúng ta giầu có hay nghèo đói. Chúa cũng không hỏi chúng ta chức tước địa vị gì, mà Chúa sẽ hỏi về tình yêu liên đới của chúng ta với tha nhân. Chúng ta có bác ái với tha nhân hay không? Chúng ta có quá vô cảm đến vô tâm với anh em không?
Nguyện xin Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người, xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó. Xin đừng để chúng con vô cảm mà bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————
Có Nhận Thì Phải Trao
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy hai cảnh đời đối nghịch nhau.
Ông nhà giàu, chủ nhân của ngôi biệt thự sang trọng “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.” Trong khi đó, ngay trước cổng nhà ông, có anh Lazarô cùng khốn, ghẻ lở đầy mình, thèm thuồng nhìn ông ăn uống no say, khao khát được hưởng chút bánh vụn từ bàn ăn rớt xuống mà chẳng ai cho, chỉ có mấy con chó đến liếm láp ghẻ chốc cho anh.
Thế rồi, cảnh đời nghiệt ngã nầy lại bị đảo ngược: Người nghèo chết và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham, vui hưởng hạnh phúc thiên đàng; Còn ông nhà giàu cũng chết và bị khổ hình trong hỏa ngục.
Người giàu nầy đã phạm tội gì mà phải vào hỏa ngục? Xem ra, ông chẳng làm gì nên tội: không trộm cắp, cướp giật của ai; cũng chẳng đánh đập hay chửi mắng Lazarô…
Sở dĩ ông bị luận phạt vì tội ích kỷ, không thương xót, giúp đỡ Lazarô đang lâm cảnh khốn cùng.
Quy luật của sự sống là có nhận có trao. Ngừng nhận và ngừng trao thì phải chết.
Trước hết, ta thử xem quy luật nầy được áp dụng trong phạm vi nhỏ là thân thể.
Để duy trì sự sống cho thân thể, tất cả các cơ quan trong thân thể đều phải vận hành theo quy luật nhận và trao.
Quả tim đã nhận được máu liền bơm máu cho khắp châu thân, nhờ đó toàn thân được sống và lớn mạnh. Nếu có ngày nào quả tim tỏ ra “ích kỷ”, không chuyển máu nuôi toàn thân mà chỉ giữ lại cho riêng mình, thì đó là ngày tận cùng của nó và cũng là ngày hấp hối của toàn thân.
Hai lá phổi cũng thế. Phổi liên tục tiếp nhận dưỡng khí và liên tục trao ban. Ngày nào phổi “tham lam”, cứ khư khư giữ lại số lượng dưỡng khí đã nhận được mà không chịu phát ban, đó là ngày tận số.
Trên bình diện rộng lớn hơn, mỗi cá nhân là một thành phần trong một thân thể lớn lao là nhân loại. Vì thế, nếu mỗi chúng ta không trao ban chia sớt những gì mình nhận được cho cộng đồng xã hội, thì số phận chúng ta sẽ như số phận của “quả tim ích kỷ”, của “lá phổi tham lam” trên đây.
Có nhận thì phải trao ban
Trong cuộc đời nầy, chúng ta đã nhận được rất nhiều thứ do người khác cống hiến cho mình từ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, xe đi… và rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác… Ngoài ra lại còn được đón nhận vô vàn ân huệ Thiên Chúa tuôn ban trong suốt cuộc đời… thì đến lượt mình, chúng ta cũng phải cống hiến, phải trao ban cho người khác. Có vay phải có trả, có nhận thì phải có trao. Người khác đã phục vụ mình thì mình cũng phải biết phục vụ người khác.
Tuy nhiên, không phải chờ đến khi trở thành tỷ phú hay trở nên giàu có như lão phú hộ trên đây, ta mới tính đến chuyện chia sớt của cải mình cho người khác; nhưng ngay hôm nay, chúng ta vẫn có bổn phận cống hiến cho người khác những ân huệ Chúa ban, như dùng thời gian, công sức, tài năng Chúa ban để phục vụ những người chung quanh, để góp công xây dựng xóm làng.
Lạy Chúa Thánh Thần. Xin khai mở lòng trí để chúng con hiểu được sự thật lớn lao là mỗi người là một tế bào trong thân thể lớn lao là nhân loại, là một chi thể trong Thân mình Chúa Giê-su; Vì thế, mọi người đều liên đới mật thiết với nhau như những cơ quan trong cùng một thân mình. Sự thật nầy sẽ giải thoát con người khỏi nếp sống ích kỷ, vô cảm vô tâm, và sẽ thôi thúc mỗi người biết sống cho người khác, biết quan tâm xây dựng phúc lợi cộng đồng. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————–
Vực Thẳm
CN 26TN.C – (Lc 16, 19 – 31)
Vực thẳm cách ngăn họa – phúc tình
Muôn trùng đoạn tuyệt cảnh điêu linh
Tin Mừng cứu độ, lòng từ khước
Khốn khổ trầm luân, dạ giải trình
Phú quí sang giầu, người tự mãn
Nghèo hèn khốn khổ, kẻ coi khinh
Phúc ai đón nhận lời chân lý
Hạnh ngộ Nước Trời hưởng phước vinh.
Hạt Nắng
————————————-
Sợi Dây Đức Ái
CN 26TN.C – (Lc 16, 19 – 31)
Tìm đâu hai chữ nghĩa nhân,
kẻ ăn không hết người lần không ra.
***
Sống dửng dưng người qua kẻ lại,
kiếp lầm than hoang dại bên đường.
Ngước nhìn tìm chút tình thương,
mặc người mong ngóng, thẳng đường con đi.
Ai bất hạnh bi thương, khốn đốn,
con làm ngơ lẩn trốn tránh xa.
Không áy náy, khỏi rầy rà,
thờ ơ, lạnh nhạt bước qua nghĩa tình.
Nay đối diện công minh Lời Chúa,
tội dửng dưng héo úa tình người.
Vực thẳm ngăn cách trùng khơi,
không còn cơ hội cho đời đổi thay.
Xin dâng Chúa đôi tay vất vả,
trọn con tim, trót cả cuộc đời.
Yêu thương chia sẻ đầy vơi,
sợi dây Đức Ái nối người với con.
Thương phận người héo hon cô lẻ,
lắng tai nghe kẻ trút sầu thương.
Ủi an ai gặp đoạn trường,
chân tình giúp kẻ lạc đường xa quê.
Chuông sầu rung gọi con về,
trước Nhan Thánh Chúa đê mê cõi lòng.
Nước Trời, Ngài tặng nhưng không…
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————
Tình Yêu Dịu Ngọt
CN 26TN.C – (Lc 16, 19 – 31)
Lang thang khắp nẻo đường góc phố,
dưới ánh đèn vàng con rao bán tình yêu.
Tình chóng qua, yêu giả dối,
thân xác tiêu điều,
đồng tiền nhơ nhớp,
ánh mắt nhìn khinh miệt
con lầm lũi, lết tấm thân tàn,
trở về quán trọ,
trong nỗi sầu khắc khoải.
Lạnh lẽo đêm sương, tâm hồn tê tái,
nước mắt chan cơm tuôn chảy giữa cuộc đời.
Kìa bao kiếp người đang lạc lõng chơi vơi,
nơi gầm cầu, góc chợ, khu nhà ổ chuột,
vẫn đang ngủ say,
giữa bầu trời đầy sao lấp lánh.
***
Người hành khất Lazarô,
đã đi vào đời con giữa đêm trường giá lạnh.
Ngước nhìn tinh tú trên bầu trời,
đang nhấp nháy cười vui,
như trao lời tình tứ,
như chia sẻ ngọt bùi.
Và trao nguồn sức mạnh,
dìu bước con đi đến với những người cùng khổ.
Dạy bảo con vượt qua bao cám dỗ,
bẻ tấm bánh cuộc đời chia sẻ với tha nhân.
Đón nhận thương đau,
không thất vọng,
không oán trách,
sống phó thác,
sống cầu nguyện chuyên cần.
Đón nhận Tin Mừng,
cầu xin Lòng Thương Xót.
Giữa bầu trời bao la,
một tình yêu dịu ngọt.
Ôm ấp, nồng nàn đang phủ kín đời con.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————
Nhịp Cầu Nhân Ái
CN 26TN.C – (Lc 16, 19–31)
Tình yêu Thiên Chúa thật bao la,
đã yêu nhân thế rất mặn mà.
Nối một nhịp cầu, trời với đất,
con người được gọi Chúa là Cha.
Ngài ban Con Một xuống trần gian,
sống kiếp nhân sinh rất nghèo nàn.
Chia sẻ kiếp người nghèo khốn khó,
giao kết tâm tình phút ủi an.
Bài học tuyệt vời, Chúa nêu gương,
dẩu phải gian nan vẫn can trường.
Dâng hiến thân mình làm hy tế,
giới răn truyền lại, sống yêu thương.
Chúa đã trao ban cả cuộc đời,
chạnh lòng thương xót kẻ đơn côi.
Người câm, kẻ điếc, người phong hủi,
thao thức thương tình chẳng bỏ rơi.
Tình yêu thể hiện đến đỉnh cao,
tự hiến, hy sinh, đổ máu đào.
Bí tích ân tình, Ngài nuôi dưỡng,
Thánh Thể khơi nguồn sống dâng cao.
Nay Chúa gọi mời sống yêu thương,
chia cơm, sẻ áo kẻ đoạn trường.
Người nghèo, bất hạnh đang đói khát,
ân cần nâng đỡ lưu luyến thương.
Đừng như phú hộ sống ung dung,
ngày tháng no say với tiệc tùng.
Chẳng đoái hoài chi người hành khất,
người nghèo đầu ngõ nổi nhọt ung.
Tội ông hờ hững với tha nhân,
làm ngơ nỗi khổ láng giềng gần.
Lạnh nhạt, thờ ơ tình đồng loại,
trầm luân, đày đọa ca thán ngân.
Bài học Chúa truyền con chung tay,
xây cầu nhân ái thiết tha đầy.
Với Lazarô đang hiện diện,
tình Chúa tình người luôn đắm say.
Ngọn đèn hy vọng thắp sáng lên,
ánh sáng tỏa lan khắp mọi miền.
Nhịp cầu nhân ái luôn bừng sáng,
hạnh phúc Thiên Đàng ca tiếp liên.
AP. Mặc Trầm Cung