Sáng thứ Tư 21/9/2022, trở lại với buổi tiếp kiến chung sau một tuần vắng mặt vì tông du Kazakhstan, trong bài giáo lý trước đông đảo tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha đã chia sẻ về cuộc viếng thăm kéo dài 3 ngày, từ ngày 13 đến 15/9/2022, tại quốc gia vùng Đông Á này.
Đức Thánh Cha cho biết mục đích chính của chuyến viếng thăm của ngài là tham dự Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống trên thế giới, với mục đích thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ nhân loại trên thế giới của chúng ta. Ngài nói rằng đại hội này, cùng với Tuyên ngôn chung kết, là một bước tiến nữa trên con đường đối thoại giữa các tôn giáo. Đây cũng là nỗ lực của nhiều vị tử đạo thuộc nhiều quốc tịch và hoàn cảnh khác nhau, những người đã làm chứng trung thành trong cuộc sống hàng ngày của họ cho ước muốn của Thiên Chúa về hòa bình và tình huynh đệ giữa các con cái của Người.
Đức Thánh Cha cho biết ngài cũng có cơ hội gặp gỡ các thành viên của Giáo hội địa phương. Đàn chiên nhỏ bé nhưng trung thành này, được củng cố bởi gương của các vị thánh của mình, đặc biệt là trong những năm bị bách hại, cởi mở đón nhận sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ngài đã cùng họ cử hành Thánh lễ Lễ Suy tôn Thánh Giá của Chúa Giêsu, khí cụ của đau khổ và cái chết nhưng đã trở thành dấu chỉ cuối cùng của hy vọng và ơn cứu độ.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tuần trước, từ thứ Ba đến thứ Năm, tôi đã đến Kazakhstan, một quốc gia rộng lớn ở Trung Á, nhân dịp Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống trên thế giới. Tôi lặp lại lòng biết ơn đối với Tổng thống nước Cộng hòa và các cơ quan chính quyền của Kazakhstan về sự chào đón thân tình họ đã dành cho tôi và vì những dấn thân quảng đại trong việc tổ chức. Tôi cũng chân thành cảm ơn các Giám mục và tất cả các cộng tác viên về công việc tuyệt vời mà họ đã thực hiện, và trên hết là niềm vui mà họ đã mang lại cho tôi là có thể gặp gỡ và nhìn thấy tất cả mọi người làm việc cùng nhau.
Kazakhstan – nơi gặp gỡ và đối thoại
Như tôi đã nói, lý do chính của chuyến đi là để tham dự Đại hội các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống trên thế giới. Sáng kiến này đã được thực hiện trong hai mươi năm bởi các nhà chức trách của đất nước, quốc gia giới thiệu mình với thế giới như một nơi gặp gỡ và đối thoại, trong trường hợp này là ở cấp độ tôn giáo, và do đó, là nhân vật chính trong việc thăng tiến hòa bình và tình huynh đệ nhân loại. Đây là phiên họp thứ bảy của đại hội này. Một quốc gia có 30 năm độc lập, đã tổ chức 7 kỳ đại hội này, ba năm một lần. Điều này có nghĩa là họ đặt các tôn giáo ở trọng tâm của sự dấn thân xây dựng một thế giới nơi người ta lắng nghe và tôn trọng sự đa dạng. Và đây không phải là chủ nghĩa tương đối, không: nó là lắng nghe và tôn trọng. Và điều này phải được thừa nhận với chính phủ Kazakhstan, sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ vô thần, giờ đây đã đề xuất một con đường dẫn tới nền văn minh kết hợp chính trị và tôn giáo, mà không gây nhầm lẫn hay tách biệt chúng, lên án cách rõ ràng chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa cực đoan. Đó là một quan điểm cân bằng và thống nhất.
Sự dấn thân hàng ngày để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người
Đại hội đã thảo luận và thông qua Tuyên ngôn chung kết, tiếp nối Tuyên ngôn được ký kết tại Abu Dhabi vào tháng 2 năm 2019 về tình huynh đệ nhân loại. Tôi muốn giải thích bước tiến này là kết quả của một cuộc hành trình bắt đầu từ rất lâu: cách tự nhiên tôi nghĩ đến Cuộc Gặp gỡ Liên tôn vì Hòa bình, cuộc gặp gỡ lịch sử, do Thánh Gioan Phaolô II triệu tập tại Assisi năm 1986, sự kiện mà nhiều người không có tầm nhìn xa đã chỉ trích; tôi nghĩ đến tầm nhìn xa của Thánh Gioan XXIII và Thánh Phaolô VI; và cả tầm nhìn của những tâm hồn vĩ đại của các tôn giáo khác – tôi giới hạn ở việc nhớ đến Mahatma Gandhi. Nhưng làm sao chúng ta có thể không nhớ đến rất nhiều vị tử đạo, những người nam nữ ở mọi thời đại, ngôn ngữ và quốc gia, những người đã trả giá bằng mạng sống của mình để trung thành với Thiên Chúa của hòa bình và tình huynh đệ? Chúng ta biết: những giây phút trang trọng rất quan trọng, nhưng sau đó chính là sự dấn thân hàng ngày, đó là chứng tá cụ thể để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.
Bên cạnh Đại hội, chuyến đi này đã cho tôi cơ hội gặp gỡ các nhà chức trách của Kazakhstan và Giáo hội sống ở vùng đất đó.
Những chọn lựa tích cực của Kazakhstan
Sau khi thăm Tổng thống Cộng hòa – người mà tôi cảm ơn một lần nữa vì lòng tốt của ông -, chúng tôi đến Phòng hòa nhạc mới, nơi tôi có thể nói chuyện với các Thống đốc, các đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi nhấn mạnh ơn gọi của Kazakhstan là trở thành một Quốc gia gặp gỡ: trên thực tế, có khoảng 150 nhóm sắc tộc – 150 nhóm sắc tộc! – và hơn 80 ngôn ngữ được sử dụng. Ơn gọi này, do đặc điểm địa lý và lịch sử của nó, – ơn gọi trở thành một đất nước của gặp gỡ, của các nền văn hóa, ngôn ngữ – đã được chào đón và đón nhận như một hành trình đáng được khuyến khích và hỗ trợ. Tôi cũng cầu chúc rằng họ có thể tiếp tục việc xây dựng một nền dân chủ ngày càng trưởng thành, có khả năng đáp ứng một cách hiệu quả các nhu cầu của toàn xã hội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, cần thời gian, nhưng cần phải thừa nhận rằng Kazakhstan đã có những lựa chọn rất tích cực, ví dụ như lựa chọn nói “không” với vũ khí hạt nhân và lựa chọn các chính sách năng lượng và môi trường tốt. Điều này thật dũng cảm. Vào thời điểm mà cuộc chiến bi thảm này khiến chúng ta nghĩ đến vũ khí hạt nhân, sự điên rồ đó, đất nước này nói “không” với vũ khí hạt nhân ngay từ đầu.
Giáo hội Kazakhstan – mối phúc của sự bé nhỏ
Về phần Giáo hội, tôi rất vui mừng khi gặp được một cộng đoàn gồm những con người vui hân hoan, vui tươi và đầy nhiệt huyết. Ở đất nước rộng lớn đó có rất ít người Công giáo. Nhưng hoàn cảnh này, nếu được sống với đức tin, có thể mang lại những hoa trái phúc âm: trên hết là mối phúc của sự bé nhỏ, là men, muối và ánh sáng bằng cách chỉ cậy trông vào Chúa chứ không dựa vào một số hình thức của con người. Hơn nữa, sự khan hiếm về số lượng mời gọi chúng ta phát triển các mối quan hệ với các Kitô hữu của các hệ phái Kitô khác, và cả tình huynh đệ với tất cả mọi người. Vì vậy, một đàn chiên bé nhỏ, vâng, nhưng cởi mở, không khép kín, không phòng thủ, cởi mở và tin tưởng vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng tự do thổi đến nơi đâu và theo cách thế Người muốn. Chúng ta cũng nhớ đến phần màu xám, các vị tử đạo: các vị tử đạo của Dân Chúa thánh thiện đó, vì họ đã đau khổ hàng thập kỷ dưới sự áp bức của chủ nghĩa vô thần, cho đến khi được giải phóng cách đây 30 năm, những người nam nữ đã phải đau khổ rất nhiều vì đức tin trong một thời gian bách hại lâu dài. Bị giết, bị tra tấn, bị bỏ tù, vì đức tin.
Thánh giá – dấu chỉ của hy vọng được thiết lập trên tình yêu của Thiên Chúa
Với đoàn chiên nhỏ bé nhưng vui tươi này, chúng tôi đã cử hành Thánh Thể, cũng tại Nur-Sultan, trong quảng trường Expo 2017, được bao quanh bởi kiến trúc cực kỳ hiện đại. Đó là lễ Suy tôn Thánh giá. Và điều này khiến chúng ta suy tư: trong một thế giới mà sự tiến bộ và thoái trào đan xen nhau, Thánh giá của Chúa Kitô vẫn là mỏ neo của ơn cứu độ: dấu hiệu của một niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng bởi vì nó được thiết lập trên tình yêu của Thiên Chúa, nhân từ và trung thành. Chúng ta cảm tạ Chúa vì cuộc hành trình này, và cầu nguyện để nó có thể mang lại nhiều hoa trái cho tương lai của Kazakhstan và cho cuộc sống của Giáo hội lữ hành ở vùng đất đó. Cảm ơn anh chị em.
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-kazakhstan-quoc-gia-cua-su-gap-go0.html