“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 1-32)
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”.
Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
{Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.
“Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.}
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Phải Ăn Mừng – Phải Vui Vẻ! Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Nếu Chúa Chấp Tội? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 7
Tìm Kiếm, Cảm hoá Và Chết Thay Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 9
THƠ TIN MỪNG
Đỉnh Yêu Thương Hạt Nắng Trg 11
Tán Tụng Tình Cha Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Tình Chúa Cao Vời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Tâm Tư Đời Chiên Lạc A.P. Mặc Trầm Cung Trg 14
————————————————
Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót
Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.
1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ
Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.
Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.
Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.
Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. Ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.
Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.
Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.
Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.
2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.
Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.
3. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.
Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.
Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừa nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.
Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.
Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. Chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.
Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giàu lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ, không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.
2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————–
Phải Ăn Mừng – Phải Vui Vẻ!
Những người Pharisêu và các kinh sư cảm thấy khó chịu vì thái độ sống phóng túng của Đức Giêsu. Họ ‘xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.
Cũng dễ hiểu thôi, đầu óc Cựu ước của họ đâu cho phép phản ứng cách khác. Đức Chúa Giavê là Đấng Thánh, ba lần chí thánh. Sự thánh thiện nào mà chẳng khai trừ tội lỗi, xa lánh bùn nhơ? Một người thánh mà gần gũi với phường gian ác là không thể chấp nhận, không thể biện minh được. Đàng này ông Giêsu Nazareth đã từng nhận mình là Đấng Thánh, là Con của Thiên Chúa tối cao, thế mà còn dám… Cho dầu Cựu ước cũng có lúc đã đề cập tới ‘Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót’ nhưng điều này chỉ được hiểu như một luật trừ, được áp dụng cho một số ít tội nhân đã thực tình cải tà qui chính mà thôi.
Đức Giêsu dùng tới ba dụ ngôn liên tiếp để quảng diễn điều được Người cho là điểm độc đáo nhất trong Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng chính các câu truyện này đã gây nên các chống đối vì chứa đựng một nội dung nghịch lý tới độ không một người Do Thái chân chính nào có thể chấp nhận được. Đặc biệt đối với nhóm Biệt Phái và luật sĩ thì giáo lý mới này lại càng chướng tai gai mắt mà bất cứ ai chủ trương trung thành với giao ước Môsê đều phải lên án nó. Theo học thuyết mà Đức Giêsu đang rao giảng thì Thiên Chúa đương nhiên là Đấng vô cùng thánh thiện, nhưng nơi Người có một điều gì khác còn cao quí hơn cả ‘sự thánh thiện’. Thiên Chúa tiên quyết là một Thiên Chúa của tình yêu thứ tha, đầy lòng từ bi và hay thương xót. Thiên Chúa đó chắc hẳn sẽ vui mừng vì sự thánh thiện của con người, nhưng Ngài còn vui hơn nhiều khi có một tội nhân ăn năn sám hối. “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn… Giữa triều thần Thiên Quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối…”
Khẳng định như thế vì Đức Giêsu cho rằng Thiên Chúa tìm thấy vinh quang và niềm vui lớn nhất mỗi khi lòng tha thứ của Ngài được biểu dương. Để có được niềm vui khôn tả đó, Thiên Chúa không thụ động ngồi chờ hay chỉ lên tiếng kêu gọi xuống. Ngài chủ động ‘đi tìm cho kỳ được… thắp đèn rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được…’ Và đó chính là lý do giải thích tại sao có lịch sử cứu độ, tại sao có việc nhập thể của Ngôi Lời, tại sao có cuộc tử hình thập giá, tại sao Thánh Thần được ban tặng, và tại sao Hội Thánh được thiết lập. Tất cả đều là vì Ngài muốn ‘moi móc tìm kiếm cho kỳ được!’
Hiểu được niềm vui thần thánh này (heavenly joy) là cả một mạc khải của Thần Khí hoan lạc… Nhưng đâu có dễ gì, ngay cả các bậc thánh hiền, thông thái và chính trực nhất cũng không thể hiểu nổi; hay nói cách khác, hạng người như thế có lẽ lại càng hiểu khó hơn. Họ là những người tin tưởng rằng mình đã làm đẹp lòng Ông Chủ khi ‘chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt (Mt 20, 12)’ hay ‘bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh’. Họ phân bì và tức tối khi thấy mình không được hơn, mà còn có thể bị xếp dưới cả phường tội lỗi bất nhân. “Vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức… Thế là những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót.” Họ không thể chấp nhận nổi câu khích lệ của Người Cha nhân từ: “phải ăn mừng, phải vui vẻ!” Công nghiệp và phần thưởng mà họ nghĩ rằng mình đáng được hưởng đã bịt kín mắt để họ không thể nhận ra rằng: lòng nhân từ của Cha mới là điều vĩ đại và niềm vui lớn lao nhất được ban tặng cho loài người.
Nếu quả Tin Mừng chính yếu hệ tại ở việc nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa thì hậu quả của nó sẽ vô cùng lớn lao. Ta vẫn thường cho rằng giá trị Tin Mừng hệ tại ở việc ăn ngay ở lành, sống đạo đức thánh thiện… Quan niệm này là điều ta dễ dàng chia sẻ với nhiều tôn giáo hoặc các nền triết lý cao đẹp khác. Đàng này nếu ta xác tín rằng: tham gia vào lòng nhân ái và thương xót tội nhân của Thiên Chúa mới chính là nội dung lớn nhất của Tin Mừng, ta sẽ hiểu rõ hơn những khẳng định trên của Đức Giêsu. Và còn hơn thế nữa, ta mới phát hiện ra giá trị vô song của Thập Giá Đức Kitô. Càng là Kitô hữu, ta càng phải tự mình nghiệm ra rằng tình yêu cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mới là điều cao cả nhất. Càng là Kitô hữu (hơn thế nữa càng là tu sĩ, linh mục), tôi càng phải có khả năng nếm cảm được niềm vui vô bờ mỗi khi lòng từ nhân này được tỏ hiện (qua các công tác giáo dục, mục vụ và tông đồ). Bao lâu còn duy trì cảm giác lạnh nhạt, kết án, tự cao tự đại trước các tội nhân, bấy lâu tôi còn bước đi trên con đường công chính của Cựu ước, hoặc của một tôn giáo nào đó. Tôi vẫn còn đi trên con đường lầm lạc bao lâu vẫn chưa thâm nhập được vào cõi lòng đầy xót thương và nhân ái của Chúa Kitô Thập giá và Thánh thể.
Xét theo tiêu chuẩn này, chất lượng đời sống Kitô hữu của tôi hiện như thế nào?
Lạy Cha, Cha đã nói với con rằng “tất cả những gì của cha đều là của con”. Vâng, xin cho con hiểu ra rằng ‘của cha’ chính là lòng thương xót Cha dành cho con chiên lạc, cho đồng bạc bị mất, cho đứa con hoang… thì đó cũng phải là ‘của con’ nữa. Xin cho con biết cùng Cha lùng xục tìm kiếm những của quí đó, khi con làm các việc tông đồ hay chu toàn tác vụ linh mục Cha trao. Cũng xin cho con được chia sẻ niềm vui của Cha, để ăn mừng và vui vẻ khi có người anh em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Xin cho tim con được đập cùng nhịp với con tim thương xót cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Cha. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————-
Nếu Chúa Chấp Tội?
Thánh Vịnh 130 có đoạn viết: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”. Đây là lời cảm nhận của thánh vương Đavít. Ông là một ông vua nhưng cũng từng là một tội nhân. Ông đã từng chiếm đoạt vợ của thuộc hạ. Tuy nhiên, ông cũng là người phục thiện. Ông nghe lời khuyên của tiên tri Nathan. Nathan đã thức tỉnh Đavít nhận ra lỗi lầm mà ăn năn trở về. Đavít đã sám hối ăn năn. Đavít đã cảm nhận tình thương Chúa dành cho ông quá to lớn nên ông đã thốt lên: “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được”. Chúa đã không chấp tội Đavít mà “lòng nhân từ của Chúa còn theo đuổi Đavít suốt cuộc đời”.
Lời thú nhận tội lỗi của vua Đavít đã trở thành lời kinh đầy hy vọng cho cuộc đời chúng ta. Bởi vì, “Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130,3). Con người đầy tội lỗi làm sao xứng đáng đứng trước Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng. Nhưng “Bởi Chúa tôi hằng có lòng lành, cùng vì lời Chúa tôi đã hứa”. Cậy trông vào lượng từ bi hải hà và tha thứ của Thiên Chúa, ta dám xin Chúa thứ tha các tội ta phạm như lời Ngài đã hứa.
Chúa Giêsu cũng nói đến lòng nhân từ của Chúa qua dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền đánh mất. Cả hai dụ ngôn đều nói lên một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán vụ lợi. Vì không ai dại gì bỏ lại 99 con chiên trong rừng vắng để đi tìm con chiên lạc. Và cũng không có ai dại gì bỏ hàng vạn đồng để chiêu đãi bà con lối xóm khi tìm lại 1 đồng bạc bị đánh mất. Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn.Thiên Chúa luôn hành động vì yêu thương. Chính tình yêu đã thúc bách Ngài phải lên đường ngay để tìm con chiên lạc. Chính trong sự nhẫn nại của tình yêu đã làm cho Ngài tràn ngập niềm vui sướng khi tìm được đồng tiền đã mất.
Con chiên và đồng tiền đánh mất tựa như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì chạy theo danh vọng. Vì chạy theo những đam mê trần gian đã làm cho nhiều người lầm đường, lạc lối và đánh mất phẩm giá cao qúy của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa dùng muôn nghìn cách để tìm lại chúng ta. Ngài sẽ làm tất cả để chuộc lại con người chúng ta. Đó cũng là cách mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt dọc dài của lịch sử ơn cứu độ. Loài người luôn bất trung, bội tín, bội thề. Thiên Chúa thì luôn tín trung. Tình yêu của Ngài dành cho con người mãi mãi vẫn là một. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài có giận, giận trong giây lát nhưng yêu thương, yêu thương ngàn đời.
Vâng, lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc đời chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa ví tựa như tấm lòng người mẹ, luôn yêu con bằng trái tim chứ không bằng trí óc. Và cũng chỉ có tình thương trời bể của người mẹ mới cho chúng ta hiểu nổi tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là đối với kẻ tội lỗi, người nghèo khó bé mọn. Vì “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Nhưng cho dù người mẹ có quên con đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”.
Dù có những người mẹ độc ác bỏ con mình, Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Người còn ban ơn chăm sóc chúng ta hằng ngày: “Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy”.
Chúng ta thường nghe hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình….” Còn lòng Chúa thương chúng ta thì không gì sánh được. Tình mẹ đã khó mà đền đáp cho đủ, còn tình Chúa thì sao? Liệu rằng chúng ta sẽ làm gì để đền đáp ơn Ngài cho cân xứng?
Ước gì mỗi người chúng ta cũng nhận ra lòng Chúa xót thương để ăn năn sám hối trở về với Chúa, và cũng biết sống tình yêu đó cho anh em. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————–
Tìm Kiếm, Cảm Hóa Và Chết Thay
Những phần tử xấu, đặc biệt là những người thu thuế và tội lỗi tại Do Thái ngày xưa, là thành phần thường bị xã hội khinh dể, chê trách, lên án, ghét bỏ, loại trừ…
Trong khi đó, Chúa Giêsu tỏ ra gần gũi, thân thiện và niềm nở đón tiếp họ nên họ thường tìm đến với Ngài, khiến những người tự cho mình là đạo đức như các Pharisêu và kinh sư tỏ ra khó chịu nên xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”
Đối với Chúa Giêsu, mỗi người đều có giá trị rất cao nên cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi, không hủy diệt họ, nhưng tìm mọi cách đưa họ trở về đàng lành.
Dụ ngôn người đi tìm chiên lạc trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 4-7) chứng tỏ điều đó:
Người chăn chiên tốt hết lòng yêu thương, quý mến từng con trong đàn, bất kể đó là chiên tốt hay chiên xấu, mập hay gầy, khoẻ mạnh hay đau bệnh. Và khi phát hiện ra một con chiên lạc đàn, anh ta bôn ba, tất tả kiếm tìm cho bằng được con chiên lạc với bất cứ giá nào… Một khi đã tìm thấy, anh vác chiên lên vai, mừng vui hớn hở trở về, kêu mời bà con làng xóm đến chia mừng với anh.
Qua dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa xem mỗi người chúng ta là báu vật vô giá, nên nếu có bất kỳ ai “lạc mất”, thì Ngài phải tìm về cho bằng được.
Tìm kiếm, cảm hoá và chết thay
Phương cách xử trí của Thiên Chúa đối với tội nhân gồm ba việc chính là tìm kiếm, cảm hoá và chết thay.
Tìm kiếm: Thay vì trừng trị hoặc trừ khử các tội nhân như các tòa án khắp nơi thường làm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã rời bỏ ngai trời vinh hiển, vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm để đi tìm kiếm từng người trong nhóm họ.
Cảm hoá: Thay vì tống giam các tội nhân vào ngục, bắt họ mang gông cùm xiềng xích để đền tội, Chúa Giêsu tôn trọng và quý mến tội nhân, tìm nhiều cách hoán cải họ; có khi Ngài còn đến ở lại trong nhà người tội lỗi, cùng ăn uống đồng bạn với họ, trở nên bạn bè của họ, nhằm lấy tình bạn mà cảm hóa họ trở về (Lc 15,2).
Chết thay: Thay vì kết liễu mạng sống của các tội nhân ác nghiệt, bắt họ phải đền nợ máu họ đã gây ra như các tòa án nhân loại thường làm, Chúa Giêsu đã đổ máu châu báu của mình ra để chết thay cho họ, để rửa sạch họ khỏi muôn vàn tội lỗi và cho họ được sống đời đời.
Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Tin mừng Matthêu: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12, 20).
Lạy Chúa Giêsu. Hôm xưa, Chúa đã rong ruổi tìm kiếm từng con chiên lạc để vác chiên về. Hôm nay, tiếp tục sự nghiệp đó, Chúa dùng Bí tích Thánh Tẩy để tháp nhập chúng con vào Thân Mình Chúa, cho chúng con trở thành chi thể sống động trong Thân thể Chúa, để cùng đồng hành với Chúa trên hành trình tìm kiếm và đưa về đàn nhiều con chiên lạc trong thôn xóm chúng con.
Xin cho chúng con trở nên đôi chân của Chúa, rảo bước không mệt mỏi trên vạn nẻo đường đời, để tìm kiếm và đưa về những anh em lạc xa đường Chúa.
Xin cho chúng con trở nên đôi vai của Chúa để làm chỗ dựa tinh thần cho những con người lâm cảnh khốn cùng đang cần một chỗ tựa nương. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————————
Đỉnh Yêu Thương
CN 24TN.C (Lc 15, 1 – 32)
Tình yêu Thiên Chúa rất vô biên
Rộng mở tim yêu nét diệu hiền
Mục tử dẫn đường, đường thẳng tắp
Chiên con lạc lối, lối quàng xiên
Ưu tư thương nhớ hồn lung lạc
Khắc khoải khổ sầu dạ bất yên
Cảm tạ Tình Cha ơn lượng thứ
Con về vui hưởng phúc ân thiêng
Hạt Nắng
————————————————
Tán Tụng Tình Cha
CN 24TN.C – (Lc 15, 1 – 32)
Cha ủ sầu từ ngày con lạc bước,
phụ tình Cha chạy theo bóng phù du.
Thú đam mê giam hãm kiếp ngục tù,
vùng vẫy, vươn lên,
mong tìm đường giải thoát.
Xót thương con, trái tim Cha tan nát,
quyết tìm con vượt vạn nẻo sơn khê.
Dẫu nắng mưa, dẫu gian khổ não nề,
bất chấp tất cả,
vượt mọi thành kiến,
tình yêu Cha bừng cháy.
Đi tìm con, Cha quyết tìm cho thấy,
dẫu đời con đã lạc mất từ lâu.
Nhưng tình Cha vẫn mãi mãi nhiệm mầu,
len lõi mọi ngóc ngách,
tìm con giữa vũng lầy tăm tối.
Gặp được con, Cha chẳng màng lầm lỗi,
ấp ủ con tình nồng ấm thương yêu.
Dẫu thân con nay xơ xác tiêu điều,
Cha gột rửa bằng muôn vàn ân sủng.
Tình Cha bao la, con dâng lời tán tụng,
Máu Thánh ân tình tưới mát đời con.
Chữa lành vết thương, bồi dưỡng xác hồn,
tình tha thứ,
tận hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ.
Ánh hừng đông xua tan đêm giông tố,
tình Cha thương xót vô bờ,
cứu chuộc lấy phẩm giá đời con.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————-
Tình Chúa Cao Vời
CN 24TN.C – (Lc 15, 1 – 32)
Vui thú trần gian con đam mê,
đánh mất tình yêu lạc lối về.
Lạc xa tình Chúa đời hui quạnh,
đánh mất cuộc đời hồn tái tê.
Chúa kiếm tìm con, con đang say,
lạc thú trần gian kiếp đọa đày.
Say kiếm lợi danh, say tiền bạc,
đánh mất cuộc đời, ôi, chua cay!
Chúa đã tìm con giữa bầu trời giông bão,
tìm đứa con hoang đã đi khỏi Nhà Cha.
Vượt núi, băng sông ,
luồn trong ngõ ngách dòng đời,
đưa con về tắm mát suối tình bao la.
Chúa đã tìm con, cho con nguồn sức sống,
tìm thấy an vui, vui ngắm ánh nắng hồng.
Đồng cỏ xanh rờn,
vui đùa vang khúc tình ca,
xuân thắm mặn mà vẫy chào lạnh giá mùa đông.
Chúa dắt dìu con trong hân hoan,
dìu bước con đi ơn ngập tràn.
Áo mới tặng ban nguồn nến sáng,
làm lại cuộc đời vui chứa chan.
***
Tình Chúa cao vời,
một đời con reo ca.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————-
Tâm Tư Đời Chiên Lạc
CN XXIV TN.C – (Lc 15, 1 – 32)
Giữa giòng đời lâm cơn khánh kiệt,
bước lang thang chẳng biết lối về.
Tâm hồn khắc khoải u mê,
sống đời chiên lạc tái tê cõi lòng.
Mải đắm say sống trong mê dại,
ham thú vui đốt cháy tương lai.
Cơ hàn tay lại trắng tay,
nhân tình thế thái đâu hay lòng người.
Con ngụp lặn đường đời khốn đốn,
hồn chơi vơi giữa chốn phồn hoa.
Mong tình người chút xót xa,
miếng cơm cơ nhỡ cho qua tháng ngày.
Ôi! Tình người đắng cay chua chát,
chỉ nhìn con cặp mắt rẻ khinh.
Bồi hồi chua xót tâm linh,
đắng cay, ân hận, nhớ Tình Cha yêu.
Nhớ thưở xưa những chiều tươi đẹp,
chén cơm ngon, áo đẹp ấm thân.
Tình Cha ấp ủ ân cần,
yêu thương chăm sóc muôn phần sướng vui.
Nay vắng Cha nếm mùi nghịch cảnh,
con sống trong ảo ảnh phù du.
Xuân tàn, hạ héo, buồn thu,
đông sầu buốt giá âm u tình buồn.
Nhớ về Cha chính nguồn thương xót,
con phải mau quay gót về thôi.
Tâm tình thống hối bờ môi,
xin ơn tha thứ bồi hồi trong tim.
Thân xác xơ ngập chìm tội lỗi,
trước nhan Cha, thú tội, sấp mình.
Tình Cha từ tốn công minh,
lòng Cha rộng mở ân tình thứ tha.
Lòng Thương Xót ơn Cha cao cả,
phủ đời con lan tỏa yêu thương.
Hoa lòng tươi nở ngát hương,
chiên nghe tiếng Chủ, bước đường vui ca.
Bùi ngùi chiêm ngắm Tình Cha…
AP. Mặc Trầm Cung