“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 14, 1. 7-14)
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Khiêm Tốn ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Khôn Ngoan Hay Lịch Duyệt Trước Mặt Thiên Chúa Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Danh Vọng Ai Mà Không Ham? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Học Sống Khiêm Nhường Với Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Tự Hạ Hạt Nắng Trg 9
Bừng Tỉnh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Bụi Hồng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Bài Học Khiêm Nhu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
—————————————–
Khiêm Tốn
1) Nhân một bữa tiệc
Chúa Giêsu được một thủ lãnh nhóm Pharisêu mời dùng bữa. Thời Chúa Giêsu, người Do thái chia thành nhiều nhóm. Có nhóm của Hêrôđê. Có nhóm cách mạng chống đế quốc La-mã. Có nhóm Essenien khắc kỷ. Có nhóm Saduce tư tế. Nhóm Pharisêu gồm các tiến sĩ và luật sĩ chuyên giải thích lề luật. Nhóm này tự cho là mình thông hiểu lề luật, sống đạo đức, là mẫu mực và là thày dạy của dân, nên họ tách biệt khỏi quần chúng. Như thế thủ lãnh của nhóm Pharisêu phải là người có thế lực rất lớn.
Được mời dự bữa tiệc hôm nay, Chúa Giêsu quan sát thấy ai cũng muốn ngồi cỗ nhất. Một phần vì theo thói thường, ai cũng muốn tỏ mình nổi nang, được mọi người kính trọng. Phần khác vì chủ nhà là thủ lãnh nhóm Pharisêu, là một người rất có thế lực, nên ai cũng muốn ngồi gần ông hoặc để gây uy tín, hoặc có dịp nhờ vả ông giúp cho một việc gì.
Vì ai cũng muốn ngồi gần ông chủ ở chỗ nhất nên cỗ nhất thiếu chỗ. Có những bậc vị vọng đành phải xuống cỗ dưới. Có lẽ Chúa Giêsu, vốn không muốn tranh giành, lại coi thường những chức danh phù phiếm, nên đã tự động ngồi vào cỗ chót. Trong tình huống ấy, chủ nhà buộc lòng phải mời những khách không mấy quan trọng xuống khỏi cỗ nhất. Chủ nhà mời Chúa Giêsu lên cỗ nhất, một phần vì uy tín của Người, nhưng cũng để nghe Người nói mà dò xét, bắt bẻ.
2) Chúa Giêsu đã dạy một chân lý trong đời sống xã hội.
Nhân hoàn cảnh đó, Chúa Giêsu đã lên tiếng dạy ta bài học khiêm tốn.
Kiêu ngạo là thói thường ở đời. Ai cũng muốn mình hơn người khác. Nổi nang hơn, giỏi giang hơn, giàu có hơn, thế lực hơn. Vì muốn nổi hơn người, nhiều người không ngần ngại tìm cách chà đạp người khác.
Kiêu ngạo chống lại kiêu ngạo. Nên không ai ưa người kiêu ngạo. Và nhất là những người kiêu ngạo càng không ưa nhau. Trái lại, người khiêm tốn được mọi người yêu mến. Sách Trang tử thuật chuyện: Dương Chu sang nước Tống vào một trọ nhà kia. Chủ nhà có hai nàng hầu, một đẹp, một xấu. Để ý quan sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quý trọng nàng hầu xấu mà khinh rẻ nàng hầu đẹp. Lấy làm lạ, Dương Chu hỏi thằng bé trong nhà. Chú bé nói: Người thiếp đẹp tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chẳng ai nhìn thấy cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết mình xấu mà quên xấu. Không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi học trò đến dặn: Các con nhớ ghi lấy. Giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người ta yêu quý tôn trọng. Vì thế Chúa Giêsu đã khuyên ta nên biết khiêm nhường. Đi ăn tiệc cứ chọn chỗ cuối cùng mà ngồi. Nếu được chủ nhà mời lên thì thật vinh dự. Tự cho phép mình ngồi chỗ trên hết, lỡ bị chủ nhà mời xuống thì thật xấu hổ.
3) Nhưng nhắm đến thực tại Nước Trời
Lời Chúa Giêsu dạy, không chỉ nhắm sửa đổi một lề thói xã hội, nhưng trên hết, Người nhắm tới những sự thực về Nước Trời.
Trong bàn tiệc Nước Trời, những ai càng khiêm tốn lại càng được nâng lên cao. Vì khiêm tốn là đi vào con đường của Thiên Chúa, là trở nên giống Thiên Chúa.
Hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu. Người luôn luôn chọn chỗ cuối cùng. Là Thiên Chúa, nhưng Người không đòi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người đã tự huỷ mình, mặc lấy thân phận nô lệ hèn yếu như ta, trừ tội lỗi.
Hãy nhìn vào hình ảnh bữa Tiệc Ly. Trong bàn tiệc ai là người cao trọng nhất? Thưa là Chúa Giêsu. Thế mà Người đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại. Thực là một sự khiêm tốn thẳm sâu. Trong khi con người kiêu ngạo muôn vươn lên làm Chúa, thì Thiên Chúa lại khiêm tốn hạ mình xuống làm người. Trong khi con người hèn hạ muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác, thì Chúa Trời cao cả lại hạ mình xuống để nâng con người lên. Hạ mình, đó là con đường của Thiên Chúa. Khiêm nhường, đó là khuôn mặt của Thiên Chúa. Vì thế những ai khiêm tốn là trở nên giống Thiên Chúa, xứng đáng ngồi đồng bàn với Thiên Chúa trên Nước Trời. Nói xứng đáng không phải là do công phúc của ta, nhưng là do tình thương của Chúa.
Ai tự nâng mình lên thì không có giá trị gì. Ai được người khác nâng lên, giá trị có đó, nhưng rất mong manh. Ai được Thiên Chúa nâng lên, giá trị đó mới thực cao quý, bền vững. Mà Chúa chỉ nâng cao những người khiêm tốn.
Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là hèn nhát. Trái lại chỉ những ai dũng mạnh, can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em.
Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ. Trái lại khiêm tốn phục vụ là một cử chỉ đầy tình yêu, một thái độ hoàn toàn tự do, cao quý. Khiêm tốn hạ mình phục vụ là thoát khỏi cái tôi chật hẹp ích kỷ để đi vào con đường tự do thênh thang của Thiên Chúa, của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khiêm tốn phục vụ như Chúa đã làm gương. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Có những khiêm nhường giả tạo. Theo ý bạn, khiêm nhường thực sự phải như thế nào?
2) Bạn dễ quan tâm phục vụ người có địa vị chức quyền, hay bạn thường quan tâm đến những người khốn khổ, bị bỏ rơi?
3) Bạn đã bắt đầu tập đi vào con đường khiêm nhường chưa?
4) Chúa Giêsu nêu gương khiêm nhường thế nào?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————
Khôn Ngoan Hay Lịch Duyệt
Trước Mặt Thiên Chúa
Mới đọc đoạn Tin Mừng Luca này, tôi có cảm tưởng Đức Giêsu quả là một nhà mô phạm đang say sưa giảng dạy một bài học về cách xử thế, điều mà các loại sách ‘học làm người’, bắt đầu từ cuốn ‘Giáo Khoa Thư’ tôi đã học từ tấm bé, vẫn thường dạy. Thế nhưng, điều tôi phải xác tín là: đây đích thực là một bài Tin Mừng mà nội dung Đức Giêsu đang đề cập tới chính là xác định mối tương quan mỗi người chúng ta phải có đối với Thiên Chúa là Cha. Phải chăng bài học này mới chính là điều mà Đức Kitô Giêsu đã phải cất công xuống thế làm người để có thể dạy đỗ loài người chúng ta?
Hình ảnh bàn tiệc vẫn được Đức Giêsu dùng để chỉ Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. Và bàn tiệc này được bày ra cho mọi người tham dự, kẻ được mời (là dân Do Thái), cũng như bàn dân thiên hạ, “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc”. Nếu bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước đã cho chúng ta thấy chỉ những người đi qua được cửa hẹp của lòng khiêm cung mới được vào dự tiệc, thì bài Tin Mừng tuần này cũng đề cập tới điều tương tự: trong bàn tiệc đó, chỗ nhất sẽ dành cho ai nhận mình là kẻ khiêm hạ nhất.
Ngoài nghi vấn ai sẽ được cứu rỗi, ta cũng thường nghe thấy nhiều người ưu tư về chỗ của họ trên thiên đàng. Để giải đáp vấn nạn sau này, câu trả lời tự nhiên nhất sẽ vẫn là: phải làm nhiều việc lành phúc đức để có công trước mặt Chúa, ai càng giầu công nghiệp thì trên thiên đàng càng cao. Điều này từ lâu đã trở thành một động lực thúc đẩy nhiều người công giáo trung thành giữ đạo, đọc kinh tối sớm, ăn chay hãm mình, tập tành nhân đức và làm nhiều việc thiện. Họ mong thu tích cho được nhiều công nghiệp hầu chiếm được chỗ cao chỗ trọng trên thiên đàng sau này.
Tôi không biết tư tưởng đó đúng đến đâu trong suy nghĩ của Đức Giêsu, nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã tuyên bố chắc nịch: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên!” Như vậy Người khẳng định: cho dầu lập công đức có cần thiết tới mấy đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn phải là sở đắc được một lòng khiêm hạ chân thành. Ai không có lòng khiêm tốn thì không thể vào dự bàn tiệc Nước Trời; mà nếu có vào được cũng sẽ bị giáng xuống chỗ thấp nhất mà thôi. Tại sao thế nhỉ?
Đơn giản là vì Nước Trời tự bản chất chính là lòng thương xót cứu độ được Thiên Chúa từ nhân ban nhưng không cho con người. Tự mình, loài người không một ai xứng đáng vào vương quốc đó, kể cả những người được coi là lành thánh nhất. Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng không phải là cái gì có thể mua tậu được bằng tiền bạc cũng như bằng các việc lành việc thiện… hay bất cứ nhân đức nào do con người nỗ lực luyện tập mà có. Điều duy nhất đỏi hỏi để được vào là khiêm cung đón nhận. Vì thế ai càng hạ mình khiêm tốn đón nhận bao nhiêu thì càng lãnh hội được trọn vẹn bấy nhiêu.
Hình ảnh thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã sử dụng thật chính xác lắm thay: Thiên đàng là hồng ân tình yêu của Thiên Chúa được đổ đầy vào cái ly cái cốc là tâm hồn mỗi người. Ai có ly càng sâu bao nhiêu (khiêm hạ bao nhiêu) thì càng đón nhận được nhiều bấy nhiêu. Điều này giải thích ngay cả trường hợp của Đức Maria. Dù nhận được muôn điều cao cả trọng đại, Mẹ vẫn luôn chỉ coi mình là tôi tớ thấp hèn nhất của Thiên Chúa. Nói đúng ra Maria được nên cao trọng vô song cũng chỉ ‘vì’ Maria đã có lòng khiêm hạ thẳm sâu hơn hết thảy mọi người. Mẹ Maria trở nên cao trọng trước hết trong ánh sáng Tin Mừng.
Đúng vậy, chỉ có lòng khiêm hạ mới làm ta hiểu và thâm nhập được lòng thương xót ban cho nhưng không của Thiên Chúa, để rồi từ đó nẩy sinh ra phục vụ bác ái thuần khiết nhất. Nhiều người vẫn nghĩ qui luật ngàn đời ‘Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’ cũng sẽ được áp dụng cho phần thưởng trên thiên quốc, thế nhưng theo Đức Giêsu qui luật này sẽ không áp dụng cho Tin Mừng cứu độ. Chỉ những ai đã từng khiêm tốn đi thật sâu vào trong lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa từ nhân mới có khả năng “đãi tiệc… mà mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù… Họ không có gì đáp lễ”. Và nếu ai làm được như thế, tức là thực hành bác ái phục vụ phản ảnh lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, thì mới xứng đáng được nghe lời khen thưởng của ông chủ từ nhân: Anh mới thật có phúc: vì anh sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Như vậy thì khiêm hạ không những là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng tu đức, trên đó ta xây dựng mọi nhân đức khác; trong Tin Mừng, khiêm hạ, được diễn tả bằng lòng thống hối chân thành, sẽ là điều kiện và thái độ thiết yếu nhất cho tất cả những ai đón nhận ơn cứu độ. Phải chăng đây mới đích thực là một TIN MỪNG lớn lao cho toàn nhân loại, đặc biệt cho những con người tội lỗi và yếu đuối như chúng ta: ơn cứu độ chỉ được ban cho những tâm hồn khiêm cung mà thôi?
Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Nhưng để có thể được như thế, Chúa cần cho con thấy lòng thương xót vô biên đã ban tặng con ơn cứu độ cách nhưng không, bất chấp sự yếu đuối và bất xứng của con. Xin Chúa cho con hằng biết chiêm ngắm thập giá, để nhờ đó con có được lòng khiêm hạ chân thành, sự nhỏ bé thấp hèn cho phép con cất tiếng ca ngợi tình yêu thương xót của Chúa đến muôn đời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————
Danh Vọng Ai Mà Không Ham?
Có lần tôi hỏi một cha Hạt Trưởng rằng: làm Hạt Trưởng có gì vui? Cụ bảo: việc chính yếu là chuyển thư Tòa giám mục tới cho các cha và hàng tháng mời các cha đến tĩnh tâm, ăn trưa xong rồi cám ơn các cha ra về. Ngoài ra không còn gì khác!
Tôi nói rằng: như vậy làm hạt trưởng là để phục vụ rồi. Phục vụ theo ý của Đức Giám mục. Phục vụ các linh mục và các sinh hoạt của giáo hạt. Nhưng được phục vụ cũng là một vinh dự phải không?
Dẫu biết rằng chức vụ là để phục vụ nhưng con người vẫn thích kiểu phục vụ có kèm theo danh thơm tiếng tốt, có kèm theo địa vị nên có mấy ai dám mạnh dạn từ chối tiếng thơm giữa đời. Và cũng nhờ quyền chức của mình, họ còn được người đời ca ngợi với rất nhiều mỹ từ để tán dương, và cũng chắng mấy ai ca ngợi việc làm của kẻ thấp hèn không danh phận.
Bản thân chúng tôi ngày xưa đi dạy học, ai cũng mong mình được dạy ở trường lớn, trường danh tiếng chứ mấy ai muốn dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa và nghèo nàn. Hóa ra, chúng tôi cũng từng phục vụ, nhưng vẫn chọn lựa để được tôn vinh, được ca ngợi, được đánh bóng bản thân. Phục vụ của chúng tôi cũng còn chọn lựa cho cái tôi của mình.
Ở đời ai mà không ham cái danh, cái tước. Chính vì chạy theo danh vọng nên vẫn có những bè phái, những lời dèm pha, những chuyện thị phi kết án lẫn nhau. Lòng tự tôn, tính tự kiêu khiến họ luôn xem trọng mình, đề cao mình đến mức độ chà đạp, tranh dành nhau vì công danh. Có người thèm danh vọng còn luồn cúi để được chức tước như người đời vẫn nói: muốn được đề bạt chức cao phải thực hiện quy tắc 5 Đ nghĩa là “đèn điếu đóm đầy đủ”.
Chúa Giêsu không bao giờ muốn có những môn đệ như thế! Chúa Giêsu từng thao thức cho các môn đệ mình đừng mắc phải tính ham danh ham tước như thế. Ngài mong muốn các môn sinh luôn khiêm tốn để dễ dàng cúi mình phục vụ bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. . . Chúa mong muốn các môn sinh sống nghèo và gần gũi hòa đồng với người nghèo. Hãy sống đối xử tốt với người nghèo mà không mong đền đáp.
Chúa Giêsu luôn sống nghèo và vì người nghèo. Liệu rằng người môn đệ Chúa có dám sống cho người nghèo hay không? Sự phục vụ của chúng ta có thực sự là phục vụ mà không mong đền đáp hay chỉ là phục vụ có lợi nhuận? Có người nói rằng: ngày Vu Lan các nhà Chùa thu lợi nhuận rất nhiều từ cúng dường, nhưng nói người thì cũng xét lại ta. Vì các điểm hành hương của Công Giáo cũng mở ra rất nhiều những dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, buôn bán tranh ảnh để kiếm tiền cho trung tâm. .. Có mấy nơi hành hương đã dành cho người nghèo một nơi ăn, nơi nghỉ miễn phí theo đúng nghĩa là nhà nghỉ cho khách hành hương?
Giáo hội là của Chúa, là của người nghèo. Ước gì Giáo hội luôn có những người quản lý dám quên mình để phục vụ, để đón tiếp những người bé mọn, nghèo khó. Xin cho chúng ta luôn khiêm tốn để sống không danh – không tước nhưng luôn hạnh phúc khi được phục vụ những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó đang sống bên cạnh chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————
Học Sống Khiêm Nhường Với Chúa Giêsu
Người đời thích tôn mình lên, muốn nổi trội hơn người khác bằng đủ mọi hình thức. Vì thế, người ta coi rẻ đức khiêm nhường, cho rằng khiêm nhường là thấp kém, là yếu đuối, nhu nhược… Tuy nhiên, đây là một nhân đức cao quý được Chúa Giêsu trân trọng và đề cao.
Chúa Giêsu trân trọng đức khiêm nhường
Mặc dù Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền năng, đồng hàng với Chúa Cha; Ngài cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ kỳ diệu nầy. “Nhờ Ngài mà muôn loài muôn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3).
Tuy nhiên, Ngài đã trút bỏ vinh quang, danh dự và quyền năng, hạ mình xuống thế làm người, “mặc lấy phận nô lệ” thấp hèn để cứu độ muôn dân (Pl 2,7).
Ngài chấp nhận sinh ra trong chuồng bò, đặt mình nằm trong máng ăn của súc vật! Hạ mình đến mức rốt hèn!
Khi lớn lên, Chúa Giêsu không liệt mình vào thành phần giàu có hay thượng lưu trong xã hội. Ngài không muốn thuộc về giai cấp tư tế của Đền thờ cho người ta bái phục, cũng chẳng là kinh sư, luật sĩ cho người ta trọng vọng nể vì, cũng không thuộc hàng biệt phái có nhiều uy tín trong dân… Ngài muốn thuộc về tầng lớp dân đen, làm nghề thợ mộc, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Trong bữa ăn cuối với các môn đệ trước khi nộp mình chịu chết, Ngài làm như người nô lệ phục vụ chủ nhân: múc nước vào chậu và quỳ xuống rửa chân cho từng người. Xưa nay, chưa hề có ông thầy, ông chủ nào trên đời hạ mình thấp hèn đến thế.
Đặc biệt trong cuộc khổ nạn, Ngài để cho người ta bắt bớ giữa đêm đen như một tên trộm cướp và dù Ngài là Chúa tể trời đất, là thẩm phán tối cao có quyền phán xét cả loài người và thiên thần, nhưng đã để cho quân hèn hạ phán xử Ngài cách oan ức, thậm chí khạc nhổ vào mặt Ngài.
Rồi cuối cùng, Ngài lãnh lấy cái chết thê thảm, nhục nhã, đau thương… chết không manh áo che thân, chết treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp… Không có người lương thiện nào trên đời chết thảm như Chúa Giêsu!
Từ tột đỉnh vinh quang, Ngôi Hai Thiên Chúa hạ mình xuống trần làm người thấp hèn tột bậc.
Ngài hạ mình, vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền tội cho muôn người. Không ai trên đời hạ mình sâu thẳm như Chúa Giêsu. Không ai trên đời khiêm nhượng như Chúa Giêsu.
Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài vượt lên mọi loài trên trời dưới đất (Pl 2, 9-11).
Chúa Giêsu dạy ta sống khiêm nhường
Vì Chúa Giêsu rất trân trọng đức khiêm nhường và sống khiêm nhường từ lúc sinh ra cho đến chết, nên Ngài mời gọi chúng ta sống khiêm nhường như Ngài: “Hãy học cùng Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhường”.
Vì khiêm nhường là một phẩm chất cao đẹp nên Chúa Giêsu thuyết phục chúng ta sống khiêm nhường bằng một dụ ngôn rất thực tế như sau: “Khi anh em được mời dự tiệc, đừng chọn chỗ nhất, kẻo khi có người khách khác quan trọng hơn đến sau, chủ nhà sẽ đến nói với anh em: Mời anh xuống ngồi chỗ dưới nầy cho… Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi được mời dự tiệc, anh em hãy chọn chỗ cuối…. Vì hễ ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Lc 14, 8-11).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Chúa tể trời đất mà lại trân quý và theo đuổi đời sống khiêm nhường, hạ mình đến chỗ rốt hèn; trong khi đó, chúng con chỉ là những kẻ mang thân phận thấp hèn, chẳng đáng là gì trước mặt Chúa, thì thích được tôn lên cao.
Xin cho chúng con chấp nhận hạ mình, sống khiêm nhường như Chúa, để từng ngày, chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————-
Tự Hạ
CN 22TNC – (Lc 14, 1.7 – 14)
Trèo cao té nặng tính kiêu căng
Thế giới quanh ta thích nhập nhằng
Cao trọng giầu sang ngồi chễm chệ
Thấp hèn nghèo khó chạy lăng xăng
Nhún nhường tự hạ tâm thanh thản
Ngạo mạn phong tôn trí nặng quằn
Phục vụ khiêm cung lời Chúa dạy
Cao sang hưởng phúc cõi vĩnh hằng.
Hạt Nắng
—————————————–
Bừng Tỉnh
CN 22TNC – (Lc 14, 1.7 – 14)
Thích tiếng tăm con tranh giành địa vị,
thích giầu sang con ích kỷ hẹp hòi.
Óc tự tôn thích phô diễn cái “tôi”,
tìm chỗ nhất trong công đoàn, nơi hội họp.
Thủ đoạn ngấm ngầm giả vờ hòa hợp,
mưu bày mưu, tính kế để vươn lên.
Thích tán dương thán phục, thích xướng tên,
hay đố kỵ, ghen tương gây chia rẽ.
Thích phục vụ để mọi người kính nể,
thích tìm thân với những kẻ quyền hành.
Ganh tỵ, tẩy trừ nhất quyết phải đua tranh,
bằng mọi giá dẫu mưu mô bất chính.
Tham vọng thế trần con quá nhiều toan tính,
giật mình tái tê đường Chúa con rời xa.
Lạc bước chơi vơi giữa bóng tối gian tà,
hồn bừng tỉnh,
nhớ bài học khiêm nhu Ngài đã dạy.
Ân tình Chúa nâng hồn con sống dậy,
tự hạ thẳm sâu theo lối bước của Ngài.
Tín thác, trung thành dâng hiến trọn tương lai,
phục vụ, hy sinh, yêu thương người nghèo khổ.
Đi giữa dòng đời dẫu còn nhiều giông tố,
chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Ngài,
con quyết chí noi theo.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Bụi Hồng
CN 22TNC – (Lc 14, 1.7 – 14)
Con đi giữa cuộc đời, Chúa ơi!
chộp giật, bon chen bởi muốn bằng người.
Thuyền đời lênh đênh sóng gió dập vùi,
mải mê kiếm tìm sao vẫn chơi vơi.
Con sống giữa cuộc đời, Chúa ơi!
địa vị cao sang bắt chước học đòi.
Nhục nhằn xót xa nước mắt ngậm ngùi,
rách nát thân tàn mặc đời buông trôi.
Lòng kiêu hãnh đã giết chết con một chiều,
đời tăm tối, tan tác xác thân tiêu điều.
Chúa ơi! Con quì đây,
Chúa ơi! Xin xót thương.
Lòng khiêm tốn, Chúa đã dạy con một chiều,
đường thập giá dâng hiến xác thân vì yêu.
Chúa ơi! Con quì đây,
Chúa ơi! Xin xót thương.
Con đi giữa cuộc đời hôm nay,
tự hạ khiêm nhu nối gót theo Thầy.
Ngọt ngào xin vâng dâng trái tim nồng,
thánh hóa đường tình bụi hồng bay bay.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————–
Bài Học Khiêm Nhu
CN 22 TN.C – (Lc 14, 1.7 – 14)
Lạy Chúa Giêsu Tình Yêu Chí Ái,
đã dạy con bài học sống ở đời.
Tự biết mình sống khiêm hạ mọi nơi,
biết tôn ti không tranh dành địa vị.
Lời Chúa dạy rất chân thành tinh túy,
con khắc sâu làm lẽ sống cho mình.
Sống khiêm nhường biết chịu đựng hy sinh,
không tranh chấp chỗ ngồi nơi đám tiệc.
Sống phô trương là người không nhận biết,
sự khôn ngoan mà Thiên Chúa tặng ban.
Chỉ những ai sống khiêm tốn hiền lành,
được yêu mến trước nhan Ngài Chí Thánh.
Người khiêm tốn tinh thần luôn dũng mạnh,
biết hạ mình để phục vụ anh em.
Không so đo địa vị sang hay hèn,
tỏ cử chỉ đầy tâm tình yêu mến.
Sống khiêm nhu tâm hồn luôn thăng tiến,
đường thênh thang rộng mở cửa Nước Trời.
Lội ngược dòng dù thân phận tả tơi,
chống bất công, chống hẹp hòi ích kỷ.
Người khiêm nhu con tim luôn hoan hỉ,
biết sẻ chia với những kẻ khốn cùng.
Biết hòa mình vào những nỗi đau chung,
không màng đến lời tri ân đáp lễ.
Sống khiêm nhường đau thương làm của lễ,
biết trấn an trước lời lẽ thù hằn.
Không buồn phiền bị xúc phạm thanh danh,
luôn thanh thản sống tâm tình tín thác.
Người khiêm nhu không gươm đao giáo mác,
luôn bước theo con đường Chúa đã đi.
Phải trở nên giống Chúa sống nhu mì,
Đã quỳ gối rửa chân cho môn đệ.
Sống hy sinh tâm tình dâng hy lễ,
nhìn đồi cao Chúa gục chết thê lương.
Bài học yêu thương, bài học khiêm nhường,
khuôn mặt Chúa ân tình đang diễn tả.
Lạy Chúa Giêsu lòng khoan dung cao cả,
mời gọi con vào dự tiệc Nước Trời.
Bằng con đường khiêm hạ thật thảnh thơi,
hồng ân cao quý vĩnh hằng nguồn vinh phúc.
AP. Mặc Trầm Cung