SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 810, CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – C, 21/08/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 22-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’.
Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Vào Khung Cửa Hẹp ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Của Hẹp Là Cửa Nào? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Thành Công Không Đến Cho Người Nhàn Rỗi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chọn Đường Nào? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Ngõ Hẹp Hạt Nắng Trg 9
Lạc Đường Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Ngõ Hẹp Cuộc Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Đường Hẹp – Đường Sự Sống A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

 

——————————————-

 

Vào Khung Cửa Hẹp

Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần. Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học. Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp. Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng. Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.
Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay. Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.

Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.

Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối” (Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15).

Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.
– Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thầy, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.
– Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình”mà theo Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Cửa Nước Trời rất hẹp. Bạn có thấy mình còn cồng kềnh không?
2. Bạn thấy mình cần phải từ bỏ những gì để có thể gọn nhẹ tiến qua cửa hẹp?
3. Tuần này bạn sẽ phấn đấu làm gì để từ bỏ mình?
4. Chúa Giêsu đã làm thế nào để đi vào khung cửa hẹp?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————–

 

Cửa Hẹp Là Cửa Nào?

Phúc âm cho thấy; kẻ đặt vấn nạn cho Đức Giêsu có thể là một người Do Thái bất kỳ, vì Cựu Ước đã dạy cho toàn dân xác tín rằng: vương quốc vẻ vang của Đấng Thiên Sai (Messiah) sẽ chỉ dành cho những ai trung thành nắm giữ lề luật. Trước nội dung những lời rao giảng của Đức Giêsu về một Tin Mừng cứu độ phổ quát, mọi người Do Thái chân chính đều cảm thấy khó chịu; học thuyết mới này có nguy cơ tiêu diệt mọi nỗ lực giữ cặn kẽ luật pháp Môsê, mở đường cho lối sống buông thả về mặt chính trị cũng như tôn giáo. Chính câu hỏi được đặt ra tự nó đã hàm ý khảng định con đường luật pháp truyền thống mới thực sự là đúng đắn, là đáng khích lệ.

Câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ chủ yếu nhắm thẳng vào tư duy này của người Do thái, vì Người cho thấy: họ đã không nắm bắt được tư tưởng nòng cốt của Cựu Ước, cũng như niềm tin đích thực của Abraham, Isasac, Giacop và tất cả các ngôn sứ: toàn bộ nội dung Cựu Ước phải hướng tới việc đón nhận Tình Yêu cứu độ của đấng Mêsia. Đơn giản là người Do Thái đã hiểu sai, khi đồng hóa sự cứu rỗi với trung thành giữ lề luật; “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isasac, và Giacop cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”; nếu quả là như thế, nếu không phải những kẻ giữ lề luật được vào thiên đàng, thì ‘ai’ mới là những người được vào thiêng đàng? Câu hỏi này, cũng như các câu hỏi tương tự: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? “Thưa Thầy, vậy thì ai mới được cứu rỗi?”; cho tới nay câu hỏi này vẫn còn là vấn nạn rất phổ thông của nhiều Kitô hữu chúng ta; và nó sẽ còn tiếp tục tiềm tàng trong thâm tâm của hầu hết mọi người.

Về vấn nạn này, câu trả lời của Đức Giêsu cũng rất thẳng thắn: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!” Hình ảnh tuy đã rõ ràng, nhưng nội dung thì chưa mấy sáng tỏ. Ta phải hiểu‘cửa hẹp’ theo nghĩa nào đây, cửa hẹp là cửa nào?

Ta vẫn thường nghe giải thích: cửa hẹp là ăn ngay ở lành, là sống lương thiện, là tuân giữ cặn kẽ các qui định luân lý đạo đức… Một nếp sống như thế chắc chắn đòi phải phấn đấu, phải chế ngự các tính mê nết xấu v.v…, và vì vậy chỉ những ai cặn kẽ giữ các điều đó mới xứng đáng được vào qua ‘cửa hẹp’ này, tức là được vào thiên đàng. Nói như thế nghe rất có vẻ hợp lý theo lý luận thông thường. Tuy nhiên ta vẫn cần khảng định rằng: Đức Giêsu đang đầ cập tới Tin Mừng cứu rỗi. Tương tự, nếu ta giải thích cửa hẹp là: trung thành giữ đạo, là năng đi nhà thờ, là đọc kinh tối sớm…, thì làm sao giải thích được điều Đức Giêsu không ngừng khẳng định: ‘cửa hẹp’ này không hề khép lại để ngăn cản nhiều người muốn được vào: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Ngược lại, cửa hẹp này lại đóng lại trước nhiều người đã từng lên tiếng: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Họ chưa chắc sẽ được lọt vào! Theo Đức Giêsu thì chính hạng người sau này lại rất dễ bị gạt ra ngoài: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta!”

Dựa trên toàn bộ nội dung Tin Mừng thì khiêm cung thống hối để đón nhận lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa mới đích thực là cánh của hẹp và thấp mà mọi người cần phấn đấu vào cho bằng được. Gioan Tiền Hô đã kêu gọi dân chúng thống hối như điều kiện thiết yếu để chuẩn bị đón đấng Mêsia…, nhưng nhiều người Do-Thái đã không chấp nhận lời rao giảng của Gioan, cho dầu không ít người trong số họ thực tình mong đợi Đấng Thiên Sai đến; “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Đức Giêsu khi rao giảng nội dung này cách quyết liệt, thì chính nhóm Biệt Phái, luật sĩ, Sa-đốc và Hê-rốt đã tìm cách chống lại. Họ là những hạng người vốn tự coi mình có địa vị cao trọng trong xã hội hơn nhiều kẻ khác, kể cả về diện vật chất như giầu sang chức quyền, lẫn về diện tinh thần – tôn giáo như công chính đạo đức. Ngược lại, những người vốn dĩ bị coi là tội lỗi, thấp hèn (hạng thu thuế, gái điếm, tật nguyền…) mới là những kẻ thực thi lời mời gọi sám hối của Gioan, và rộng mở đón nhận Tin Mừng thương xót của Đức Giêsu. Toàn bộ các tường thuật Tin Mừng đều đã không ngừng xác minh thực tế này; do đó, thật dễ hiểu khi Đức Giêsu đưa ra kết luận: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót”.

Như vậy ‘cửa hẹp’ đối với Tin Mừng phải là: lòng khiêm nhường thống hối; điều này Kitô hữu chúng ta luôn xác tín: không ai sẽ được cứu rỗi nếu không vào Nước Trời qua cánh cửa hẹp này, đơn giản là vì không một ai là cao trọng, là trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Kitô hữu chúng ta đã chính thức bước qua cửa hẹp này ngày chịu phép Thánh Tẩy, ngày mà mỗi người chúng ta chân thành thống hối và xưng thú các tội lỗi mình trước toàn thể cộng đoàn Giáo Hội; rồi chúng ta còn tiếp tục bước qua ngưỡng cửa đó trong suốt đời sống mình mỗi khi đi xưng tội, để khiêm tốn nhìn nhận những yếu hèn của mình và rộng mở cõi lòng đón nhận ơn cứu rỗi; bước qua ‘cửa hẹp’ này là điều kiện thiết yếu mà tất cả mọi người chúng ta – không trừ một ai, cho dầu có được nâng lên tới địa vị cao trọng tới mấy – đều phải thực hiện.

Lạy Chúa, xin cho con luôn mãi duy trì được nơi mình lòng khiêm cung thống hối; đó chính là điều kiện tiên quyết để con đón nhận hồng ân thương xót cứu độ của Chúa. Cho dầu con có đạt được bất cứ điều tốt lành, thánh thiện nào trong cuộc sống, xin hãy cho con vẫn cứ khiêm nhường cúi mình chui qua cửa hẹp Tin Mừng. Xin Mẹ Maria, người nữ tì khiêm hạ của Giavê, gìn giữ xác hồn con luôn thấp hèn, để như Mẹ, con biết luôn rộng mở tâm hồn đón lấy lòng từ nhân của Thiên Chúa cứu độ. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————————–

 

Thành Công Không Đến Cho Người Nhàn Rỗi

Tổng thống Trump khi còn đương chức, người ta vẫn thấy ông viết status trên Twitter vào lúc 12pm. Dường như Ông muốn nói cho cả thế giới biết sự nỗ lực của ông luôn làm việc, kể cả ban đêm.

Ở đời không có sự thành công nào đến từ sự nhàn rỗi. Thành công luôn đến cùng với sự hy sinh. Vì thế mà người xưa mới nói: “còn trẻ không cố gắng, đến khi già rồi mới bi thương”. Tuổi trẻ không nỗ lực, khi nhìn lại mới thấy nhiều điều đáng tiếc nhất không phải không có cơ hội, mà là không chịu cố gắng, không nắm bắt ngay khi có cơ hội để về già lại hối hận.

Cuộc đời con người là đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc muốn đạt được cũng đòi hỏi ta phải hy sinh, phải uốn nắn mình trong nỗ lực phấn đấu vươn lên mới mong đạt được hạnh phúc mình mong đợi. Hạnh phúc không tự rơi xuống cuộc đời ta. Hạnh phúc chỉ đến sau những khao khát, tìm kiếm bằng nỗ lực phấn đấu mới đạt được.

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa hẹp mới đưa ta tới hạnh phúc đời đời. Cửa hẹp đòi phải hy sinh. Cửa hẹp đòi phải phấn đấu, phải nỗ lực không ngừng. Cửa hẹp đòi ta không được chiều chuộng thân xác, không tìm thỏa mãn thú vui xác thịt. Còn đường thênh thang cho ta thỏa mãn cơn khát nhất thời nhưng lại là thuốc độc khiến ta mất mạng đời đời, có khi niềm vui chóng vánh còn để lại những hệ lụy đắng cay trong cuộc đời.

Có một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một ngôi nhà theo ước mơ. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một ngôi nhà, hai vợ chồng đã tan vỡ (…)

Quả thực, con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta đừng tìm cách thỏa mãn cơn khát nhất thời mà phải hướng tới mục đích lâu dài. Đừng vì niềm vui nhỏ, mau qua mà đánh mất niềm vui to lớn viên mãn trong Nước Trời.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết đi vào con đường hẹp để từ bỏ những niềm vui bất chính mau qua, những danh vọng hão huyền. Ước gì chúng ta luôn can đảm chiến đấu can trường để chống lại những cám dỗ của danh lợi thú trần gian. Xin Chúa luôn nâng đỡ và thêm ơn cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 

——————————————–

.

Chọn Đường Nào?

Nếu có hai con đường dẫn đến thủ đô, một đường cao tốc rộng thoáng và một đường chật hẹp khó đi, tất nhiên ai nấy đều muốn chạy trên đường cao tốc.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực tinh thần, muốn đạt tới quê trời, thì phải đi con đường chật hẹp, phải qua cửa hẹp mà vào. Vì thế, Chúa Giêsu dạy:
“Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”

Chọn đường chật mà đi, chọn cửa hẹp mà vào như Chúa mời gọi thì thật là phiền toái, đòi hỏi nhiều hy sinh và theo lẽ tự nhiên, đó là điều không ai thích.

Tại sao không chọn đường rộng mà đi, không chọn cửa rộng mà vào cho thoải mái?
Chúa Giêsu cho ta câu trả lời:
“Vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7,13-14).
Qua lời nầy, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta hai điều quan trọng:

Thứ nhất, “Cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong.”
Cuộc đời lão phú hộ được Chúa Giêsu nêu lên trong Tin Mừng Luca tiêu biểu cho hạng người chọn đi đường thênh thang rộng rãi. Hằng ngày ông chỉ biết hưởng thụ, ăn chơi, tiêu xài xa hoa phung phí… chẳng chút quan tâm đến anh Lazarô khốn khổ đói khát đang ngồi ăn xin trước cổng nhà mình. Thế là sau khi từ giã đời nầy, ông phải trầm luân trong hỏa ngục (Lc 16,19-31).

Tương tự như thế, người đi đường rộng là người ham mê lạc thú đời nầy, mải mê ăn uống nhậu nhẹt vui chơi, bỏ quên những người nghèo khổ, là người mua sắm những đồ dùng sang trọng xa xỉ mắc tiền mà chẳng biết chia cơm xẻ áo cho người thiếu thốn…

Chúa Giêsu báo cho biết sống như thế là đi đường rộng, là đường đưa đến diệt vong.

Thứ hai, “Cửa hẹp và đường chật đưa đến sự sống.”
Trong cuộc sống đời thường,
Muốn đạt được bất cứ thành tích nào thì cũng phải kinh qua nhiều gian truân, khổ ải, phải kiên trì rèn luyện thường xuyên.
Muốn đoạt huy chương vàng hay bạc trong các cuộc thi đấu thể thao, các lực sĩ phải kiên trì luyện tập ngày đêm;
Muốn đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu, học sinh và nghiên cứu sinh phải miệt mài học hỏi không ngừng…

Nói chung, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải “cố công mài sắt mới có ngày nên kim.”

Còn những kẻ ngồi chờ thời, không ra công luyện tập, hy sinh, phấn đấu… thì chẳng đạt được thành tích nào và những ai “nằm há miệng chờ sung” thì chẳng được gì.
Trong lĩnh vực thiêng liêng, đi cửa hẹp là hy sinh, quên mình để phục vụ: Thay vì yến tiệc linh đình thì giảm bớt chi tiêu, chia sẻ cơm áo cho người nghèo đói; thay vì mua sắm những đồ tiêu dùng sang trọng xa xỉ mắc tiền thì biết tiết kiệm để giúp cho những người thiếu thốn. Đi đường hẹp là xoá bỏ cái tôi vị kỷ để sống vị tha sẵn sàng hy sinh phục vụ những người chung quanh mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” và Ngài khẳng định rằng những ai theo con đường chật hẹp nầy sẽ được cứu độ và hưởng phúc trường sinh.

Lạy Chúa Giêsu. Mặc dù Ngài là Chúa tể quyền năng, nhưng khi hạ thân xuống thế làm người, Chúa đã chọn con đường hẹp, con đường hy sinh quên mình, con đường thập giá để cứu độ muôn dân.

Xin ban ơn giúp sức để chúng con biết nối gót chân Ngài, chọn theo con đường hẹp như Chúa để được hưởng phúc đời đời với Chúa trên thiên quốc. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————-

 

Ngõ Hẹp
CN 21TN.C – (Lc 13, 22 – 30)

Cửa hẹp Nước Trời mời gọi ta

Khiêm nhu bé nhỏ Chúa đi qua

Con đường phục vụ con đường chánh

Lối sống vinh thân lối sống tà

Ca tụng thế trần đời chóng vánh

Tôn vinh phàm tục kiếp phôi pha

Hành trang mang nặng nên từ bỏ

Hãm dẹp cái “Tôi” sống thật thà.

Hạt Nắng

———————————————–

 

Lạc Đường
CN 21 TN.C – (Lc 13 22 – 30)

Trong cơn say thế trần con lạc xa đường Chúa,
mải miết kiếm tìm một chút hư danh.
Một chút tiếng tăm, một chút quyền hành,
thêm chút tiền bạc,
để mở rộng đường thênh thang con bước.

Muốn nên thánh,
nhưng con lại rào sau đón trước,
Ngại dấn thân, ngại sự khó về mình.
Tính toán thế trần con ngại phải hy sinh,
tài hèn sức mọn,
nhưng lại thích ăn trên ngồi trước.

Theo Chúa ư? Con làm sao theo được,
phải bỏ mình theo lối hẹp mà đi.
Bỏ phú quí vinh hoa,
bỏ thế lực quyền uy,
bỏ cả lời tán tụng mà con hằng khao khát.

Theo Chúa ư? Sao quá nhiều mất mát,
mất tiếng khen,
mất cả sự kính nể thanh danh.
Và mất luôn sự thánh thiện tốt lành,
mà con đã đổ biết bao công lao tạo dựng.

Lời Chúa phán hôm nay, tâm hồn con điêu đứng,
“Hãy cút đi…Hỡi những kẻ bất lương”.
Hành vi bất chính của các ngươi…
làm Ta quá chán chường …
Ta không biết các người từ đầu tới”.

Cửa Nước Trời khép lại,
tâm hồn con chới với,
là đạo gốc, đạo dòng, con cũng bị loại ra sao?
Kẻ tội lỗi tứ phương lại được tiếp nhận vào,
đồng bàn cùng các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp.

Những hấp dẫn trần gian tiêu tan như mối mọt,
đánh lừa con trong việc nên thánh mỗi ngày.
Tê tái tủi sầu thức tỉnh con quì đây,
sám hối ăn năn van xin Lòng Thương Xót.

Sau cánh cửa hẹp,
là khu vườn hoa thơm trái ngọt.
Nguồn hạnh phúc vĩnh hằng,
dành cho người vác thập giá trung kiên.

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

 

Ngõ Hẹp Cuộc Đời
CN 21TN.C – (Lc 13, 22 – 30)

Đêm từng đêm giông tố giăng đầy trời,
đường con đi gập ghềnh chơi vơi.
Tiếng thở dài từng giọt nước mắt rơi,
đường nào, đường nào cho con đi Chúa ơi!

Trong bùn nhơ mong thoát kiếp đọa đày,
đời cho con cuồng vọng mê say.
Nỗi nhục nhằn dập vùi bao đắng cay,
đường nào, đường nào cho con vươn cánh bay?

Đường thênh thang, nhận chìm đời con tăm tối,
địa vị cao sang, bạc tiền, ảo ảnh hư vô.
Lọc lừa mưu mô vinh quang trần thế mơ hồ,
ngước mắt mong chờ,
tìm đường dẫn vào trời mơ.

Đêm dần qua thống hối con trở về,
hồn ăn năn giã từ u mê.
Khúc kinh cầu lặng thầm ơn thứ tha,
ngõ hẹp cuộc đời Ngài dìu con bước qua.

Chiêm ngắm ân tình
Lòng Thương Xót của Chúa bao la.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————–

 

Đường Hẹp – Đường Sự Sống
CN 21 TN. C – (Lc 13, 22 – 30)

Lạy Chúa
Con đường nào làm Ngài thao thức,
để đưa con vào chốn trường sinh.
Con đường nào sâu xé tâm linh,
đưa nhân loại thoát vòng đau khổ.

Con đường nào lệ rơi máu đổ,
mà tim Ngài yêu mến thiết tha.
Con đường nào Ngài đã đi qua,
để dẫn con về nơi vinh phúc.

Con đường nào tim Ngài thôi thúc,
ôm mối sầu lặng lẽ cô liêu.
Là hành trình đòi hỏi tình yêu,
là thách đố đức tin lòng son sắt.

Đường gồ ghề chông gai thử thách,
đường dấn thân một trái tim yêu.
Đường hy sinh vất vả trăm điều,
đường đòi hỏi trái tim nồng cháy.

Đường truân chuyên chẳng hề thư thái,
đường gọi mời từ bỏ bản thân.
Bỏ cao sang yêu quý cơ bần,
đường tín thác như tâm hồn thơ bé.

Đường cậy trông giầu sang coi nhẹ,
đường nguyện cầu tỉnh thức khôn ngoan.
Đường vinh quang chiến thắng khải hoàn,
là đường hẹp chính Đường Thập Giá.

Nay Lời Chúa mời con đáp trả,
bước theo Ngài như một chiến binh.
Trước âm mưu cám dỗ đời mình,
của ma quỷ thế gian và xác thịt.

Trong gian nan tương lai mờ mịt,
giữa đêm đen bóng tối cuộc đời.
Vững một niềm tin tưởng không vơi,
tình yêu Chúa vẫn hằng nâng đỡ.

Đường tín trung như người tôi tớ,
luôn hăng say phục vụ chân tình.
Dù hoàng hôn hay lúc bình minh,
vẫn bền chí chu toàn phận sự.

Đường khôn ngoan như người trinh nữ,
luôn cầm đèn cháy sáng trong tay.
Dầu tin yêu tha thiết đong đầy,
lòng háo hức cung nghinh chàng rể.

Đường Chúa đi con Đường Cứu Thế,
Ngài dạy con tiếp bước hy sinh.
Đường yêu thương nhẫn nhục quên mình,
con đường hẹp chính là đường sự sống.

AP. Mặc Trầm Cung