“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 12, 13 – 21)
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Nâng Cao Chất Lượng Cuộc Sống ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Làm Giầu Trước Thiên Chúa Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Cơn Bão Việt Á Tan Hoang Tình Người Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đừng Lãng Quên Cuộc Sống Mai Sau Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Phù Vân Hạt Nắng Trg 10
Tỉnh Thức Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Gia Tài Của Con M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Gia Tài Vĩnh Cửu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
————————————————–
Nâng Cao Chất Lượng Cuộc Sống
Từ khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới ít chú ý đến chính trị. Mọi nỗ lực đều tập trung vào phát triển kinh tế. Xưa kia, nước mạnh dùng sức mạnh quân sự để áp chế những nước yếu. Ngày nay những nước giàu dùng sức mạnh kinh tế để chèn ép những nước nghèo. Kinh tế trở thành một sức mạnh. Tiền bạc trở thành một vũ khí lợi hại. Chính vì thế ai cũng mong làm ăn phát đạt để trở nên giàu có. Thế mà Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay dường như đi ngược chiều với xã hội. Phải chăng Chúa chống lại sự phát triển, sự sung túc thịnh vượng của xã hội?
Nếu đọc kỹ Lời Chúa và quan sát đời sống của Chúa Giêsu, ta sẽ thấy.
1) Chúa Giêsu xuống trần gian không nhằm giải quyết vấn đề kinh tế.
Khi người thanh niên đến xin Người phân xử vụ chia gia tài, Người đã trả lời: “Ai đặt ta làm quan án cho các ngươi?” Người đến không phải để giải quyết các vấn đề kinh tế. Việc phân chia tài sản là việc giữa con người với nhau.
Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hoá ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng Người đã lánh đi nơi khác. Người muốn cho con người thoát ra khỏi lãnh vực vật chất trong cuộc sống.
2) Chúa Giêsu muốn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy không quan tâm đến vấn đề kinh tế, nhưng Chúa Giêsu không chống lại việc làm giàu, tích lũy của cải. Người chỉ muốn cho việc tích lũy của cải có một ý nghĩa.
Khi nói với đám đông: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”, Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu: đời sống đâu chỉ gói gọn trong vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Đời sống còn là cái gì cao hơn thế, đẹp hơn thế.
Triết học phân chia con người ra hai phạm trù: “avoir” (có) và “être” (là). Tôi có gì thuộc phạm vi khối lượng. Tôi là gì thuộc phạm vi chất lượng. Những gì tôi có như của cải, quần áo, chỉ là những gì ở ngoài, không làm thành giá trị con người. Những gì tôi là mới tạo thành bản thân tôi, gắn bó thân thiết với tôi, tạo thành giá trị đời tôi.
Khối lượng không quí hơn chất lượng. Đừng lầm tưởng rằng ý nghĩa cuộc đời sẽ tăng theo khối lượng của cải. Chúa Giêsu muốn đời nghèo khổ, không của cải, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của Người không có giá trị. Giuđa chết khi túi đầy tiền bạc, nhưng không phải vì thế mà ông có giá trị hơn người khác.
Truyện kể: xưa có nhà hiền triết sống rất đơn sơ. Ông không cần quần áo, nhà cửa. Nhà của ông là một chiếc thùng phuy. Một hôm, vị hoàng đế đến thăm hỏi xem ông có cần gì không. Ông trả lời: “Tôi chỉ cần nhà vua đứng tránh ra, kẻo che mất ánh mặt trời của tôi”. Trong hai người ấy, ai cao quý hơn, ai đáng kính trọng hơn?
Chất lượng cuộc sống làm con người sống nên người hơn, cao quý hơn, sung mãn nhân cách hơn. Của cải chỉ có ý nghĩa khi giúp con người đạt được chất lượng cuộc sống. Của cải chỉ là phương tiện. Đừng biến phương tiện thành mục đích.
3) Chúa Giêsu mở tầm nhìn vô biên
Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Tầm nhìn của ông quá hạn hẹp. Chỉ biết có vật chất. Chỉ nhìn thấy đời này. Lời Chúa phán: “Hỡi đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sửa đó sẽ về tay ai” đã mở tầm nhìn ra vô biên. Người ta đâu sống mãi mà hưởng thụ. Khi chết thì của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói.
Nhưng chưa hết, chết rồi người ta còn phải ra trước toà Chúa mà chịu phán xét. Chúa không đánh con người theo khối lượng những gì họ có, nhưng đánh giá theo chất lượng của đời sống. Theo cách đánh giá của Chúa, những gì ta thu tích cho bản thân sẽ hết, sẽ qua đi. Nhưng những gì ta cho đi sẽ tồn tại.
Lời Chúa hôm nay dạy ta đừng hạ thấp đời sống con người trong một tầm nhìn hạn hẹp vào việc thu tích của cải cho riêng mình. Nhưng hay nâng cao cuộc sống, mở rộng tầm nhìn để biết tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Tiền bạc cần thiết cho cuộc sống, nhưng tiền bạc cũng nguy hiểm. Theo bạn đâu là những nguy hiểm do tiền bạc?
2. Tham nhũng, hối lộ đang trở thành phổ biến, người tín hữu phải có thái độ nào đối với tiền bạc?
3. Bạn nghĩ gì về Lời Chúa: “Hãy dùng tiền của phi nghĩa mà mua lấy bạn hữu trên trời”?
4. Tiền bạc có phải là tất cả? Hay đời sống con người còn cần nhiều thứ khác cao quý hơn?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————
Làm Giầu Trước Thiên Chúa
Đọc câu chuyện dụ ngôn về ‘nhà phú hộ lo thu tích’, tôi trộm nghĩ: Đức Giêsu đúng là một hiền triết thứ thiệt. Từ cổ chí kim các nhà hiền triết đều dạy các điều tương tự như thế. Không ai còn lạ gì với tư tưởng uyên thâm: mọi của cải vật chất chỉ là phù phiếm, có những của cải khác còn đáng giá hơn nhiều; “Phù vân, mọi sự chỉ là phù vân!” (Gv 1:2 và 1:16-18)… Tư tưởng này biện minh cho thái độ khinh chê giàu sang phú quí được nhiều người đề cao, hầu có được tâm hồn thanh thoát chuyên chăm vào các việc khác cao thượng hơn, như thu thập kiến thức, sống lịch lãm quân tử, khổ luyện đắc đạo chân tu… hầu lưu danh lâu dài cho hậu thế. Tuy nhiên như tất cả chúng ta đều biết, Đức Giêsu đâu có tới trần gian để chỉ dạy một triết lý sống; người không cần làm điều đó, vì nó chẳng có gì là mới mẻ cả, biết bao người khác cũng đã từng dạy môn sinh của mình như thế! Vì thế tôi rất mừng vì: trong một dịp khác Người đã từ chối trở thành người cầm cân nảy mực cho công lý: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12:14), cho dầu vào thời đại của Người, có lẽ xã hội đang rất cần những con người như thế (thử nghĩ tới những bóc lột, áp chế của đế quốc Rôma thống trị… , hay chế độ nô lệ bất nhân và hà khắc rất phổ biến). Không, Đức Giêsu không muốn được ai coi mình là thầy dạy luân lý; vì sứ mệnh của Người hoàn toàn khác!
Cái ‘triết lý’ xem ra Người muốn diễn đạt qua bài dụ ngôn dứt khoát phải theo định hướng Tin Mừng: Người muốn dẫn đưa con người tiến vào một tương quan đích thực với Thiên Chúa là Cha của Người. Theo Người: bất cứ cái gì cản trở mối tương quan đó đều phải dứt khoát loại bỏ. Dầu không sử dụng thành ngữ ‘làm nghèo trước mặt Thiên Chúa’, nhưng rõ ràng Đức Giêsu muốn ám chỉ điều đó khi Người nói: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Trong nội dung này thì ‘của cải’ ở đây phải bao gồm luôn cả kiến thức, thanh danh, đạo đức… được các triết lý sống khác thường đề cao. Ngoài việc nhắc nhở phải tránh lòng tham, bài học Đức Giêsu dạy còn liên quan tới một điều khác nữa tích cực hơn: làm cách nào để trở nên ‘giầu / nghèo trước mặt Thiên Chúa. Rất tiếc là bài Tin Mừng Chúa Nhật XVIII dừng lại ở câu 21; lẽ ra nó còn phải được tiếp tục tới đoạn sau, là mục tiêu chính của bài huấn dụ: sống hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa là Cha. Qua hình ảnh người phú hộ lo thu tích, nội dung ‘làm nghèo trước mặt Thiên Chúa’ đã lộ rõ; “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?… vì không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.
Thế nhưng thế nào là ‘làm giầu’ trước mặt Thiên Chúa thì đoạn văn trên vẫn chưa làm sáng tỏ đủ? Ai có thể được coi là ‘giầu có’ trước mặt Thiên Chúa, phải chăng là các bậc tài cao học rộng, những người đạo đức thánh thiện, hay các vị chân tu đạo sĩ…? Đối với một thương nhân ‘giầu’ thì ‘làm giầu’ sẽ có nghĩa là làm ra lắm tiền nhiều của; đối với một nghệ nhân thì giầu là phát triển tài năng thiên phú; đối với nhà thông thái thì lại là trau dồi học thức uyên thâm v.v…; còn thì ‘làm giầu trước mặt Chúa’ thì cũng tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm ta có về Thiên Chúa. Cựu Ước đề cao hình ảnh một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, khôn ngoan, công minh; và thế là ta có các mẫu người ‘giầu trước mặt Thiên Chúa’ như Môsê hùng mạnh, như Êlia thánh thiện, như Salômôn khôn ngoan, như Đavít công minh…; vậy thì, Đức Giêsu khi kêu gọi ta ‘lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa’, Người đang có trong đầu hình ảnh nào về Thiên Chúa? Thiên Chúa mà Đức Giêsu phác họa chắc chắn không thiếu các nét trên vì Ngài bao gồm tất cả; tuy nhiên nét nổi bật và độc đáo nhất mà Cựu Ước chưa hề có, hoặc mới chỉ được các ngôn sứ phác thảo mờ mờ chưa rõ ràng đó là: Thiên Chúa nhân ái và đầy lòng xót thương, một Thiên Chúa cứu độ. Đây mới là nét chân dung trung thực nhất về Thiên Chúa mà Đức Kitô Giêsu, và chỉ duy nhất mình Người mà thôi, có thể vẽ lên. Đó đồng thời cũng là bản chất của ‘vương quốc’ giầu sang mà Người công bố và mời gọi chúng ta hết lòng chăm lo tìm kiếm cho bằng được (Lc 12:30).
Hiểu như thế: ‘làm giầu trước mặt Thiên Chúa’ theo cách nói của Đức Giêsu, còn cao xa hơn cả sống thánh thiện, khôn ngoan, công chính, làm phép lạ…, nó phải là nội dung trung thực nhất của đời sống Kitô hữu; đó chính là đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện Thiên Chúa ban…, và rồi thực thi lòng nhân ái đó cách quảng đại đối với tha nhân. Đương nhiên đời sống tín hữu Kitô không được phép thua kém luật pháp Do Thái trong các khía cạnh luân lý đạo đức, tuy nhiên nó không dừng lại ở đó! Trong số các giá trị Tin Mừng thì đón nhận và sống lòng xót thương phải là cao trọng hơn tất cả! Kitô hữu phải đặt điều này lên tầm cao tuyệt đối, và rồi toàn tâm toàn lực thực thi nó; đó là mục tiêu cao cả nhất mà chỉ những ai dám dứt bỏ mọi thứ thu tích (= làm nghèo) mới có thể thực hiện nổi.
Thế nhưng ngay trong công tác ‘làm giầu trước mặt Thiên Chúa’ này, Đức Giêsu không quên khuyến cáo: không có gì phải lo lắng, phải gò ép, phải luyện tập…, chỉ cần một điều kiện duy nhất là tín thác trọn vẹn vào lòng nhân ái của Thiên Chúa: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12:32).
Ôi, thật an ủi xiết bao!
Lạy Thiên Chúa từ nhân, cảm tạ Chúa đã đưa con vào vương quốc yêu thương của Người. Ngay từ khi trở thành Kitô hữu, con đồng thời đã trở nên giầu có vô song, vì được sở hữu cách trọn vẹn lòng Chúa xót thương; xin đừng bao giờ để con bị rơi trở lại vào tình trạng nghèo nàn cố hữu, khi chỉ chuyên lo thu tích các của cải vật chất cũng như tinh thần mong làm cho đời mình thêm phong phú. Xin cho con biết ngày càng làm cho mình nên giầu sang hơn cho ‘vương quốc Nước Trời’, nhờ thủ đắc ngày càng trọn vẹn hơn lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa cứu độ. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————————–
Cơn Bão Việt Á Tan Hoang Tình Người
Tháng 07/2021 là thời điểm mà Sài Gòn và các tỉnh phía Nam tập trung xét nghiệm COVID một cách rầm rộ, đại trà. Xét nghiệp tập trung, xét nghiệm từng nhà, mỗi người bị bắt buộc phải xét nghiệm ba lần trong tuần với cái giá cao hơn thế giới rất nhiều. Vì chống dịch là chống giặc nên người dân chỉ răm rắp tuân theo và cầu mong cho dịch Covid mau qua còn test hay chích sao cũng được.
Nhưng từ khi Phan Quốc Việt bị bắt, các tướng tá ở Học viện Quân y bị bắt, các giám đốc CDC nhiều tỉnh bị bắt… thì người dân mới thấy một đường dây kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại.
Vụ án kit test Việt Á dần đi đến hồi kết, những nhân vật “đầu – cuối” đã dần lộ diện. Những cá nhân can thiệp, hỗ trợ và giúp sức cho Việt Á nâng giá kit test đã sa lưới pháp luật, trong đó có các ông bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, và cựu bộ trưởng khoa học Chu Ngọc Anh.
Tất cả vì lòng tham nên lương y như từ mẫu đã thành ác quỷ bất chấp cái chết của đồng loại để kiếm tiền và thật nhiều tiền. Người ta nói, nếu tâm trong sáng, gạt bỏ yếu tố “hoa hồng”, nghĩ đến người bệnh với đạo người thầy “lương y như từ mẫu” thì khó gì mà không mua, ngại gì mà không tìm cách gỡ vướng để mua đủ thuốc, đủ sinh phẩm. Nhưng họ đã không vượt qua được sự cám dỗ của ma lực đồng tiềnTất cả vì lòng tham nên lương y như từ mẫu đã thành ác quỷ bất chấp cái chết của đồng loại để kiếm tiền và thật nhiều tiền. Người ta nói, nếu tâm trong sáng, gạt bỏ yếu tố “hoa hồng”, nghĩ đến người bệnh với đạo người thầy “lương y như từ mẫu” thì khó gì mà không mua, ngại gì mà không tìm cách gỡ vướng để mua đủ thuốc, đủ sinh phẩm. Nhưng họ đã không vượt qua được sự cám dỗ của ma lực đồng tiền.
Nếu con người ai cũng nghĩ cuộc đời là phù vân như vua Salomon đã từng nói: “Phù vân rất mực phù vân, khó nhọc vất vả thế rồi phải trao lại cho kẻ không vất vả hưởng”, thì họ sẽ sống thanh thoát với của cải và công bằng với tha nhân.
Đáng tiếc con người xưa và nay chỉ cần tiền. Vì tiền mà mất chính mình và mất cả người thân. Hệ lụy của đồng tiền đã dẫn đến biết bao câu chuyện bi thương giữa những người thân trong chính gia đình. Cha mẹ bỏ rơi con cái chỉ vì tiền. Con cái sát hại cha mẹ cũng vì tiền. Vợ chồng bất trung với nhau cũng vì tiền…
Lời Chúa hôm nay như đang nói với những ai tham tiền: “Đồ ngốc, Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Đúng là ngốc thật. Vì có ai sống mãi được đâu? Sao ta không cùng nhau hưởng những giây phút yên bình bên nhau.
Hãy vui sống với tháng ngày ta có
Giữ cho nhau những giây phút tươi vui
Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc
Vì đời ta đã sống trọn kiếp người.
Trong sự khôn ngoan của con cái Chúa còn mời gọi chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có dư giả thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Ông phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay đã coi của cải là mục đích. Có được của cải rồi, ông không còn biết làm gì hơn là hưởng thụ. Nhưng cuộc đời vẫn cứ trêu ngươi người ta. Sự mong manh của kiếp người sẽ kết thúc mọi vui buồn nơi ta và lúc đó của cải dù nhiều cũng tan theo mây khói, chẳng còn giá trị gì với ta.
Xin cho chúng ta luôn biết khôn ngoan chọn lựa cái vĩnh cửu hơn là những phù vân mau qua, biết chọn tình người hơn là của cải và biết chọn Chúa hơn là danh lợi thú trần gian. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————————
Đừng Lãng Quên Cuộc Sống Mai Sau
Có một vị lãnh chúa rất giàu có, ruộng vườn bát ngát bao la. Gần nơi ông ở có một người nông dân tuy nghèo nhưng rất giàu lòng tham.
Ngày nọ, vị lãnh chúa nói với người nông dân: “Tôi sẽ cho anh tất cả những phần đất nào mà anh có thể chạy bao quanh, tính từ khi mặt trời mọc đến khi lặn. Nếu anh trở về đến điểm xuất phát trước khi mặt trời chìm khuất sau đồi, anh sẽ làm chủ tất cả những vùng đất anh đã chạy bao quanh. Nếu không, anh chẳng được gì.”
Người nông dân nghe lời vị lãnh chúa hứa mà tưởng như mơ! Đúng là một cơ hội ngàn năm một thuở. Thế là sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi, anh cắm đầu phóng chạy như bị cọp đuổi sau lưng. Anh chạy bọc hết những khu rừng nhiều gỗ quý, những cánh đồng tốt tươi, những vườn cây trĩu trái, những suối nước tràn bờ…
Cuối ngày, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, anh thở hồng hộc như con bò bị thọc tiết… Mặt trời bắt đầu lặn, chỉ còn là một vầng bán nguyệt đỏ ối sắp chìm xuống đỉnh đồi. Anh phải cố chạy nhanh cho tới nơi xuất phát, nếu không kịp thì tất cả chỉ còn là hư không. Và rồi khi chỉ còn mươi bước nữa là tới đích, anh ngã gục xuống… vỡ tim!
Thế là cuối cùng, anh chỉ còn vài thước đất để chôn vùi thân xác!
(Dựa theo ý tưởng của Văn Hào Lev Tolstoi trong truyện ngắn: “Cướp đất”)
Câu chuyện vừa rồi là một minh hoạ rất thực về nhân loại hôm nay. Không phải chỉ có một mà hàng triệu, hàng triệu người chạy như điên cuồng trong cuộc đua tranh không khoan nhượng để dành cho mình thật nhiều của cải, vàng bạc, ruộng đất… như người nông dân tham lam trên đây để rồi cuối cùng cũng mang chung số phận với anh ta: chỉ còn một nấm mồ!
Người phú hộ trong Tin Mừng hôm nay cũng học theo sách đó.
Khi ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, ông “mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Chỉ biết chăm lo cho thân xác nầy, cho cuộc sống đời nầy mà chẳng biết lo việc linh hồn, chẳng lo cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau thì đúng là ngốc thật.
Chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy theo lợi lộc phú quý đời nầy, ngày đêm quần quật lo cho thân xác nầy rồi mai đây, khi cái chết đến, còn lại gì cho ta?
Đầu tư tất cả vốn liếng, đầu tư hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực, tiền bạc…của mình cho thân xác này để rồi cuối cùng chỉ thu hoạch được một bộ xương hay một nắm tro cốt…thì thật là điên rồ!
Trong khi đó, linh hồn không được quan tâm chăm sóc nên phải hư mất và phải sa hỏa ngục đời đời thì thật là bi đát!
Lạy Chúa Giêsu. “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì!”
Xin dạy chúng con biết tích luỹ kho báu trên trời cho mình ngay từ hôm nay bằng cách dành thời giờ để thờ phượng Chúa cũng như để yêu thương phục vụ anh chị em chung quanh. Nhờ đó, mai đây chúng con sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc muôn đời.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————————-
Phù Vân
CN 18TN.C – (Lc 12, 13 – 21)
Phù vân nối tiếp lại phù vân
Khắc khoải năm canh khéo tạo vần
Danh vọng chức quyền lòng tính toán
Bạc tiền của cải dạ đong cân
Kẻ cười chiếm hữu đời sung túc
Người khóc trắng tay sống kiếp bần
Ai dại ai khôn nguồn tích trữ
Gia tài vĩnh cửu chốn nương thân.
Hạt Nắng
———————————————
Tỉnh Thức
CN 18TN.C – (Lc 12, 13 – 21)
Đời dong duổi con kiếm tìm lẽ sống,
cứ ngỡ bạc tiền là hạnh phúc niềm vui.
Cứ ngỡ quyền cao chức trọng,
đem lại những ngọt bùi,
như con thiêu thân lao mình vào lửa cháy.
Quyết đua tranh mù quáng đâu còn thấy,
tha hóa, bất công, trục lợi quyết đổi đời.
Mặc đói nghèo khốn khổ khắp mọi nơi,
bạc vàng tích trữ cứ ngỡ là nguồn cứu cánh.
Cuộc sống phù du tâm hồn con hiu quạnh,
bạc bẽo tình thân tìm tham vọng cho mình.
Trơ trụi, khô cằn, đất thiếu sức hồi sinh,
giật mình hoảng hốt,
nếu hôm nay Chúa gọi con tính sổ.
Nhìn về xa xăm, Chúa sáng soi nâng đỡ
mở mắt con thoát lối sống hẹp hòi.
Ngước nhìn trời hồn rộng mở sáng tươi,
nhận ra lẽ sống,
đâu mới chính là gia tài vĩnh cửu.
Lòng Thương Xót của Chúa là suối nguồn êm dịu,
con quyết “làm giầu”
dựa theo lòng nhân ái Chúa bao dung.
Bâng Khuâng Chiều Tím
———————————————
Gia Tài Của Con
CN 18TN.C – (Lc 12, 13 – 21)
Đường con đi Chúa ơi,
có mưa giông, bão tố đón chờ.
Đường con đi Chúa ơi,
không có nắng vàng dệt khúc tình thơ.
Đời con bao xót xa,
nhận đồng tiền bằng giọt nước mắt cay.
Lời giả dối đắm say,
góp nhặt bạc tiền từ cuộc tình mây bay.
Con xót xa giữa cơn giông cuộc đời,
con tái tê giữa trắng đen lòng người.
Con tìm đâu nguồn lẽ sống,
nguồn gia tài nương náu tấm thân con.
Nâng đỡ con vượt qua trời giông bão,
Con sướng vui tình Chúa rất ngọt ngào.
Trái Tim Cha nguồn lẽ sống,
là gia tài nguồn hạnh phúc thanh cao.
Tình yêu Chúa phong nhiêu,
dẫn đưa con thoát ách tiêu điều.
Lòng Thương Xót bao la,
là nguồn gia tài ấm áp tình Cha.
Đường chông gai thế gian,
cuộc hành trình, dầu còn lắm gian nan
Lòng phó thác tin yêu,
góp nhặt ân tình làm hy tế huyền siêu.
M.Madalena Hoa Ngâu
———————————————
Gia Tài Vĩnh Cửu
CN 18 TN.C – (Lc 12, 13 – 21)
Lời đầu tiên Satan cám dỗ,
bất phục tùng đánh đổ tương giao.
Tình Cha thắm thiết hôm nào,
đam mê của cải thế vào Tình Cha.
Lòng toan tính sa đà sự dữ,
quyết làm giàu mọi thứ trần gian.
Tham tiền, tham bạc, tham vàng,
thu gom tích lũy tiềm tàng mai sau.
Lo thu vén làm giàu vô cảm,
chốn nương thân bảo đảm đời ta.
Dù cho nắng gắt mưa sa,
mải mê tìm kiếm thần tà tôn vinh.
Nay Lời Chúa quang minh tâm thức,
soi trí con chuẩn mực khôn ngoan.
Tiền tài, danh vọng mưu toan,
chỉ là giả dối, chỉ toàn hư không.
Niềm hy vọng ước mong nơi Chúa,
vào Tình yêu Thiên Chúa quan phòng.
Vững vàng son sắt cậy trông,
bảo toàn mạng sống an lòng tương lai.
Tình yêu Cha gia tài vĩnh cửu,
trọn đời con ấp ủ kiếm tìm.
Tình Cha chan chứa trong tim,
hồn con hoan lạc thắm tình tri ân.
Tin vào của cải phù vân,
phù vân nối tiếp phù vân xoay vần.
Ôi!Người dại dột, ngu đần…
AP. Mặc Trầm Cung