“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 11, 1-13).
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ'”.
Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần. “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.
“Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Lạy Cha Chúng Con.. ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Cầu Nguyện Của Tôi Còn Thiếu Điều Gì ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Được Gọi Chúa là Cha Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Ban Phúc Lộc Dồi Dào Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Tình Cha Hạt Nắng Trg 9
Chiêm Ngắm Tình Cha Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tình Cha M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Lời Kinh Huyền Nhiệm A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12
——————————————
Lạy Cha Chúng Con…
Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện, có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn toả ra. Vì thế, các Tông đồ xin Người dạy cách cầu nguyện. Và Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha mạc khải cho ta hai điều quan trọng.
1. Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Có lẽ vì đã đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha một cách máy móc nên ít khi ta cảm nhận được hết ý nghĩa thâm sâu nằm trong từ ngữ “Cha”.
Một người bạn có đứa con đầu lòng tâm sự: “Lần đầu tiên khi nghe đứa con gọi “Ba ơi”, tôi bủn rủn cả tay chân. Một luồng điện cực mạnh chạy khắp thân thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Quả thực, mối liên hệ Cha-Con là một mối liên hệ rất thâm sâu, huyền bí và thân thiết.
Gọi ai là Cha tức là nhận người ấy là ân nhân lớn nhất đời mình. Vì nhờ Cha, ta nhận được món quà tặng quí giá nhất đó là sự sống. Có những người cha không chỉ sinh con về mặt thể xác mà còn cho con một đời sống tinh thần. Đó là những người Cha có nhân cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách làm người.
Cha không chỉ là nguồn cội phát sinh nhưng còn là vòng tay nâng đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc đẩy, là lý tưởng mời gọi. Nói tóm lại, từ ngữ “Cha” gợi lên cả một trời yêu thương vừa thân thiết vừa huyền nhiệm không bút nào tả xiết được.
Khi mạc khải cho biết Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã đưa ra một hình ảnh về Thiên Chúa hoàn toàn khác với hình ảnh các vị thần của các tôn giáo khác. Không những Người cho ta thấy Thiên Chúa Cha yêu thương ta vô cùng, mà còn muốn ta đi vào tình nghĩa thâm sâu, tha thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy ta tiếng “Abba” là tiếng gọi “Ba ơi” rất thân thương của một đứa trẻ vừa nũng nịu, vừa tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Cha.
2. Mọi người là anh em
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu nguyện: Lạy Cha chúng con… Xin Cha cho chúng con… Chứ không dạy ta đọc: Lạy Cha của con… Xin Cha cho con… Nghĩa là tất cả mọi người có cùng một Cha. Mọi người đều thuộc về một gia đình Thiên Chúa. Là anh em nên phải có tình yêu thương đoàn kết, liên đới với nhau. Liên đới trong đời sống, liên đới trong cả lời cầu nguyện.
Một lần dâng lễ chung với những người bạn Mỹ, tôi đã hỏi họ trong giờ chia sẻ: Hằng ngày các bạn vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Vậy khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” các bạn cầu xin điều gì? Vì ở Mỹ tôi thấy lương thực dư thừa, không ai phải chết đói. Họ trả lời: Chúng tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha. Và với câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày” chúng tôi vẫn cầu xin tha thiết. Vì tuy chúng tôi đã đủ ăn đủ mặc, chúng tôi vẫn nhớ đến những anh em bên Phi châu, bên Àu châu đang phải đói khát khổ sở.
Câu trả lời thật chính xác. Vâng, chúng ta là anh em nên phải liên đới, có trách nhiệm về nhau. Trong bài đọc 1 hôm nay, tổ phục Abraham đã nêu gương liên đới khi tha thiết cầu nguyện cho thành Sođoma khỏi bị phạt.
Nếu trong gia đình đứa em út yếu đuối bệnh tật luôn được thương yêu cưng chiều, thì trong kinh nguyện, ta cũng phải ưu tiên cầu nguyện cho những anh em bé nhỏ trước hết.
Nếu lời cầu nguyện của ta là lời của đứa con nhỏ nói với Cha, và là tâm tình liên đới yêu thương với mọi anh em trên khắp thế giới, lời cầu nguyện ấy sẽ rất đẹp và Thiên Chúa sẽ hài lòng.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin thương xót chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có thực sự cảm thấy Chúa là Cha và sống với Người như người con hiếu thảo không?
2- Thiên Chúa là Cha tốt lành. Người chỉ ban cho ta những điều tốt. Có khi nào Bạn gặp thất bại khổ đau mà bạn thấy lòng tốt của Thiên Chúa không?
3- Bạn cầu nguyện cho người kém may mắn, nhưng bạn có sẵn sàng chia sẻ với họ không?
ĐTGM. Giuse. Ngô Quang Kiệt
—————————————————
Cầu Nguyện Của Tôi Còn Thiếu Điều Gì?
Quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ nhận ra một nét gì đó rất mới mẻ, rất đặc trưng. Nét này các ông không thấy có trong thói tục của người Do Thái nói chung, đặc biệt của nhóm Biệt Phái, cũng không thấy trong lối cầu nguyện mà Gioan tẩy giả và nhóm ông ta thường làm. Người Do Thái cầu nguyện dựa trên việc cất cao giọng đọc các thánh vịnh, các lời tiên tri hay sách luật…; chính vì thế mà một vài đại diện trong nhóm môn đệ khẩn khoản xin Đức Giêsu dạy cho biết cầu nguyện, cầu nguyên theo cách thức riêng của Người. Lời thỉnh cầu đó quả là chính đáng, và Đức Giêsu sẵn sàng đáp ứng vì nó liên quan tới điều quan trọng nhất mà người đang muốn khảng định: Cầu nguyện chính là đi vào tương quan phó thác với Cha nhân ái.
Điều mà các môn đệ mong đợi chắc hẳn không phải là: được Thầy dạy cho một công thức cầu nguyện, thứ mà ngày nay chúng ta quen gọi là ‘kinh đọc’. Thời đó người Do Thái vẫn có thói quen sử dụng các thánh vịnh như công thức cầu nguyện; tuy nhiên khi quan sát Đức Giêsu cầu nguyện, các môn đệ đã nhận ra một kiểu cách không giống ai; một nét khác xa với lề thói các Pharisêu vẫn thường làm nơi công cộng, hoặc các tu sĩ Et-sê-ni làm tại Qum-ram. Hơn thế nữa, điều làm các ông ngạc nhiên nhất khi phát hiện, đó là: tâm tình thâm sâu và con thảo Người có đối với Đức Chúa, Đấng mà Người coi như Cha của mình. Xét cho cùng thì Thánh Vịnh cũng không phải là những ‘kinh đọc’ theo nội dung bổn đạo chúng ta vẫn hiểu ngày nay. Tự nó Thánh Vịnh là những tâm tình rất chân thành mà mỗi người Do Thái dùng để diễn tả tương quan của mình với Đức Chúa, tùy theo hoàn cảnh đổi thay. Trong tương quan đó, các Biệt Phái dành ưu tiên nhấn mạnh trên lòng trung thành nắm giữ lề luật hầu thực hiện giao ước mà tổ phụ họ đã ký kết với Đức Chúa Giavê; về phần mình nhóm Gioan lại quan tâm nhiều hơn tới thái độ thống hối thanh tẩy; vậy thì những khi sử dụng thánh vịnh và các tiên tri để cầu nguyện, Thầy Giêsu nhấn mạnh trên nét chuyên nào nhất?
Đức Giêsu lên tiếng dạy lối cầu nguyện mà sau này các Kitô hữu biết đến qua tên gọi ‘kinh Lạy Cha’, rất phổ biến vì nhiều sách đặt cho đoạn Tin Mừng này tiêu đề đó. Thật ra thì điều Người dạy không phải là một ‘kinh’! Ngay trong câu mở đầu, Đức Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện anh em hãy thưa (thay vì nói hoặc đọc) thế này: ‘Lạy Cha, nguyện (thay vì xin làm) cho danh Cha vinh hiển…’ điều này làm cho ta nhận ra ngay: nổi cộm một tâm tình tín thác. Tiếp theo đó, ngay cả những điều ‘xin’ cũng toát ra niềm tin tưởng phó thác sâu đậm nhất. Phải! cái tâm tình này mới chính là chất tố cốt lõi của lối cầu nguyện mà Đức Kitô đang muốn truyền đạt cho các môn đệ.
Đương nhiện, mọi lời cầu nguyện đều ít nhiều phải mang tâm tình này: trong mọi tôn giáo khi tín đồ khấn vái, họ cơ bản tin tưởng sẽ được thần thánh phù trì. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ: dựa trên cơ sở nào mà họ đặt niềm tin tưởng phó thác? Người Do thái có cơ sở của Cựu Ước: một giao ước sòng phẳng giữa Đức Chúa với dân riêng của Ngài; Gioan thì nhấn mạnh trên nền tảng thống hối và lãnh phép rửa để được tha tội (Lc 3:3-18); các lương dân nói chung thì dựa trên qui luật ‘có đi có lại’ của giao tế xã hội, thờ cúng dâng hương để được thần thánh phù trì…; thế còn Kitô hữu, tin tưởng phó thác khi cầu nguyện dựa trên cơ sở nào?
Đức Giêsu dùng hai hình ảnh để quảng diễn cơ sở của tín thác trong cầu nguyên Kitô hữu: người bạn và người cha; hai hình ảnh này có tác dụng trước hết làm triệt tiêu toàn bộ các cơ sở được đề cập tới ở trên. Nếu cầu nguyện là ‘nguyện xin’ với bạn và cha, thì sẽ không còn sự sòng phẳng của giao kèo ký kết, không còn sự cách biệt trên dưới, và cũng không còn lễ vật quà cáp lót đường…, chỉ còn một điều duy nhất tồn tại đó là tin tưởng hầu như mù quáng, cố chấp tới độ không ngại gây phiền hà. Câu chuyện gõ cửa nhà bạn vay bánh giữa đêm khuya, hay xin ‘bố’ của ăn, phải chăng là để nêu rõ thái độ rất ‘độc’ của cầu nguyện Kitô hữu?
Và điều này không chỉ đơn thuần là một khẳng định trên lý thuyết! Có lẽ vào thời điểm Đức Giêsu trả lời câu hỏi của môn đệ, nó còn có vẻ lý thuyết xa vời, gượng gạo nữa là đàng khác: Thiên Chúa mà so sánh được với cha và bạn sao? Thế nhưng sau biến cố Thập Giá và Phục Sinh, thì điều này đã trở thành một thực tế rõ ràng và hiển nhiên. Thực vậy, niềm tin Thập Giá và Phục Sinh trở thành cơ bản trong tương quan (Giao Ước Mới) giữa người môn đệ với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Họ đã nắm bắt được bằng chứng không thể chối cãi về một Thiên Chúa từ nhân tới độ không tiếc bất cứ điều gì đối với những ai kêu cầu Người, ngay cả hy sinh tới Người Con yêu quí nhất Người cũng chẳng từ. Do vậy bất cứ ai tự cho mình là môn đệ Đức Giêsu, mà không biết chất tố này khi cầu nguyện, thì chưa thể được kể là Kitô hữu chân chính.
Như vậy, tin tưởng tuyệt đối trong cầu nguyện có thể được coi như thước đo niềm tin Kitô hữu. Thánh Phaolô xác quyết: chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải lẽ, nếu Thần Khí không rên xiết trong ta (Rm 8:18-27). Phải chăng Đức Giêsu cũng đã có cùng một ý tưởng đó khi hứa hẹn: ‘Cha trên trời ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người’? Thế thì, một chút chiêm ngắm Thập Giá, một chút đi sâu hơn vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, là điều rất cần thiết để mọi Kitô hữu có thể tiến hành cầu nguyện. Tuy nhiên thật không may, ‘cái chút’ này trên thực tế xem ra vẫn còn thiếu trầm trọng trong cầu nguyện của nhiều người chúng ta. Chính vì lẽ đó mà lời khẩn cầu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con biết cầu nguyện!” vẫn cứ tiếp tục phải là điệp khúc khởi đầu cho mọi tâm tình cầu nguyện của chúng ta.
Lạy Thầy Giêsu, xin dạy con cầu nguyện! Xin hãy dạy con cầu nguyện với một Thiên Chúa không tiếc xót con bất cứ điều gì, kể cả phó nộp Người Con yêu quí nhất. Xin cho con biết dành chút thời giờ cho việc chiêm ngắm tinh yêu nhân ái và lòng thương xót bao la của Chúa Cha trước khi tiến hành cầu nguyện. Xin Thần Khí Chúa luôn nhắc nhở con rằng: dấu Thánh Giá mà con làm trước giờ cầu nguyện chính là để giúp đưa con vào tâm tình cơ bản và thiết yếu này: trọn vẹn đặt tin tưởng phó thác con thảo nơi lòng Chúa cứu độ xót thương. Chỉ như thế lời cầu nguyện của con mới đạt được tâm tình như Chúa muốn. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————————-
Được Gọi Chúa Là Cha
Cuộc sống là vô thường. Không có gì là tồn tại mãi. Có những điều mất đi ta mới thấy hụt hẫng như tình yêu thương của cha, của mẹ dành cho con cái. Khi ở trong vòng tay của mẹ cha ta luôn cảm thấy ấm áp hạnh phúc. Mất đi rồi ta mới thấy nhớ nhung, nuối tiếc không nguôi.
Tôi nhớ có đoạn status viết rằng:
“Bố à! con ước gì bố vẫn ở đây với con. Có nhiều thứ làm con mệt, làm con muốn khóc. Con của bố nhiều khi không mạnh mẽ được như lời bố dặn. Ở một mình con hay khóc lắm vì nhớ bố, vì tủi thân… Con nhớ Bố, Bố ơi”.
Và có bạn còn viết rằng:
“Trái đất cứ xoay vòng, thời gian thì cứ trôi, nhưng một điều sẽ mãi mãi không thay đổi, đó là tình thương của cha trong trái tim con. Dù ngần ấy năm trôi qua, con vẫn nhớ về cha mỗi ngày như vậy.”
Quả thực người cha luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho ta mỗi khi ta thấy mình yếu đuối, va vấp trong cuộc đời; là khung trời cho ta tung cánh bay thật cao…thật xa…với những ước mơ đong đầy…
Thật hạnh phúc cho những ai có một người cha tốt lành. Một người cha luôn ở bên con, lo lắng mọi điều cho con. Một người cha bao dung luôn tha thứ và kiên nhẫn với lỗi lầm của con.
Hôm nay Chúa Giêsu cũng mạc khải cho nhân loại về một Thiên Chúa với danh xưng là Cha. Một người Cha quyền năng và cũng thật tốt lành. Một người cha yêu thương con đến nỗi đã trao tặng cho con người toàn bộ gia sản mà Ngài đã tạo dựng nên. Một người cha chậm bất bình và rất mực từ bi. Ngài có giận trong giây lát nhưng yêu thương thì suốt đời, cho dù con cái có vong ân bội nghĩa, cha vẫn ngày ngày ngóng con trở về và luôn rộng lòng tha thứ khi con quay gót trở về.
Thật hạnh phúc cho chúng ta được làm con Thiên Chúa. Hãy đặt niềm tín thác nơi Chúa. Thiên Chúa như người Cha sẽ luôn lo lắng mọi sự cho con cái. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta vì chính Ngài đã nói: “hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho”.
– Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang đói khổ do mất mùa, do dịch bệnh gây nên.
– Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang thất nghiệp, nhưng còn gánh trên vai nợ nần chồng chất.
– Chúng ta hãy nhớ tới biết bao người đang đau yếu bệnh tật, đang thiếu mọi phương tiên cứu sống.
Xin Cha ban lương thực và gìn giữ họ khỏi mọi sự dữ. Xin Cha đoái nhìn đến những thiếu thốn của họ và rộng tay ban phát.
Nguyện xin cho danh Chúa được cả sáng khi con người biết tín thác vào Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————-
Chúa Ban Phúc Lộc Dồi Dào
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người bạn vay bánh giữa đêm khuya cũng như chuyện người cha sẵn sàng cho con cái mình những gì tốt nhất để khẳng định với chúng ta rằng nếu chúng ta liên lỉ nài xin thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Ngài dạy: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho…”
Thiên Chúa là Cha nhân lành, luôn yêu thương chăm sóc nuôi dưỡng đoàn con trên dương thế. Không có ơn Chúa ban, con người không thể tồn tại. Ngài ban cho ta vô vàn ân huệ mà lắm khi chúng ta không ngờ tới.
– Có nhiều ân huệ Chúa ban trước khi ta cầu xin, đó là Ngài cho ta được sinh ra làm người, được ân cần chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ ngay từ ấu thơ…Ngoài ra, từng hơi ta thở, từng hớp nước ta uống, từng tia nắng soi đường và sưởi ấm cho ta…đều là ân huệ Chúa rộng ban cho ta được sống trên đời.
– Còn rất nhiều ân huệ khác Chúa ban qua tay những người chung quanh: Chúa cho ta cơm ăn, áo mặc, đồ dùng…qua trung gian cha mẹ; Chúa giáo dục ta nên người nhờ thầy cô; Chúa cứu chữa ta khỏi bệnh nhờ các y bác sĩ…
Tuy nhiên, có những lúc chúng ta cầu xin mà dường như Chúa chẳng nhận lời, rồi đâm ra thất vọng, oán trách Chúa. Nên hiểu rằng: Trong những trường hợp đó, vì muốn đào tạo ta nên người trưởng thành, Chúa “không cho cá mà lại cho cần câu.”
Người cha khôn ngoan không tự mình đi câu cá, đem về nấu nướng, dọn sẵn lên bàn cho con ăn, bởi vì nếu ngày nào ông cũng làm như thế thì đứa con sẽ cậy dựa vào cha mẹ mà không tự lo cho mình, sẽ trở thành lười biếng và suốt đời chỉ muốn người khác ban phát mọi thứ cho mình.
Nhưng thay vì trao cá cho con ăn từng bữa, ông sẽ trao cho nó một chiếc cần câu. Nhờ sử dụng phương tiện nầy, người con có thể kiếm được rất nhiều cá mà không phải ngửa tay xin.
Tương tự như thế, Thiên Chúa là Cha khôn ngoan. Ngài không ban hết mọi thứ ta xin, vì nếu làm như thế, Ngài sẽ làm hỏng đời ta. Khi đó, không ai còn muốn học tập, lao động, sản xuất nữa…vì đã có Chúa lo cả rồi.
Trái lại, thay vì cho cá, Ngài trao cho ta những “chiếc cần câu”, nghĩa là ban cho ta đôi tay để lao động, ban cho ta trí tuệ để tìm tòi, phát minh và sáng chế, ban đủ thứ phương tiện để ta hoạt động hằng ngày…
Nhờ vận dụng những thứ “cần câu” nầy, trí tuệ chúng ta được mở mang, thân xác được khoẻ mạnh, con người được phát triển vẹn toàn.
Chúa không cho cá nhưng lại cho chiếc cần câu
Ý tưởng này đã được một tác giả diễn tả cách chí lý như sau:
“Tôi xin sức mạnh…
Và Ngài đã cho tôi gặp khó khăn để trui rèn tôi nên mạnh mẽ.
Tôi xin khôn ngoan…
Và Ngài cho tôi những vấn đề – tựa như những bài toán khó – để giải quyết, nhờ đó tôi trở thành người khôn ngoan.
Tôi xin tiền của…
Và Ngài cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc, nhờ đó tôi trở nên giàu có. (…)
Thế là, tuy không trực tiếp lãnh nhận những gì tôi xin…
Nhưng tôi có được tất cả những thứ tôi cần” (Khuyết danh).
Lạy Chúa Giêsu. Nhờ tình thương và muôn vàn ân sủng Chúa, chúng con mới được sống đến ngày hôm nay. Xin cho chúng con biết đền đáp tình thương Chúa bằng cách sử dụng ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————
Tình Cha
CN 17TN.C – (Lc 11, 1 – 13)
Tình Cha lan tỏa quá bao la
Rộng lượng bao dung rất hải hà
Danh Thánh hiển vinh trời tấu nhạc
Ý Thiêng sáng tỏ đất hoan ca
Ấm no cơm bánh nhờ ân phúc
Xóa bỏ nợ nần hưởng thứ tha
Cám dỗ bủa vây ơn giái thoát
Ác thần trốn chạy thắm Tình Cha.
Hạt Nắng
—————————————–
Chiêm Ngắm Tình Cha
CN 17TN.C – (Lc 11, 1 – 13)
Sóng bấp bênh dòng đời luôn bất định,
chuyện buồn vui đời tất tả, chơi vơi.
Kiếp lênh đênh bao cám dỗ gọi mời,
thân nổi trôi như thuyền không định hướng.
Hồn khắc khoải biết tìm đâu hướng thượng,
nỗi khổ đau sao cứ mãi ngậm ngùi.
Ngước lên trời mong tìm chút niềm vui,
Cha cúi xuống đang nhìn con vẫy gọi.
Hãy đến với Cha, lòng Cha hằng mong đợi,
được vỗ về được chăm sóc đời con.
Bao nhọc nhằn, vất vả chuyện áo cơm,
hãy tín thác vào Cha trong mối tình con thảo.
Hãy dâng cho Cha những bước chân chao đảo,
giữa cuộc đời đầy toan tính mưu mô.
Cả quá khứ thương đau, cả tương lai mơ hồ,
Cha sẽ giải thoát khỏi tà thần đen tối.
Tình Cha bao la đã soi đường mở lối,
con tìm được bình an trong Thánh Ý cao vời.
Lòng Nhân Từ Cha dào dạt tựa biển khơi,
nguyện Thánh Danh Cha ngàn đời luôn tỏa sáng.
Chiêm ngắm Tình Cha tâm hồn con xán lạn
Lòng Thương Xót của Cha vô bờ,
ngời sáng mãi thiên thu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————————-
Tình Cha
CN 17TN.C – (Lc 11, 1 – 13)
Con gọi Cha giữa dòng đời nghiêng ngả,
giữa âm u, giữa bóng tối cuộc đời.
Giữa tủi sầu từng giọt lệ tuôn rơi,
trời giá lạnh hay hồn con lạnh giá.
Con gọi Cha giữa đêm dài hiu quạnh,
giữa cô đơn con lạc lõng tình người.
Giữa lạc loài cất tiếng gọi “Cha Ơi!”,
Ôi! Huyền nhiệm con bồi hồi tỉnh cơn say.
Tình Cha đó cho hồn con xao xuyến,
giữa nắng vàng tô điểm buổi hoàng hôn.
Giữa mưa đêm làm mát dịu tâm hồn,
giữa muôn vàn tinh tú,
Cha dõi theo con từng bước.
Tình Cha đó cho con nhiều mộng ước,
ước Danh Cha sáng tỏa khắp trời mây.
Ước Ý Cha được thể hiện tràn đầy,
triều đại Cha muôn đời hiển trị uy linh.
Ôi! Tình Cha cho con tình tri kỷ,
giải phóng con thoát mưu chước gian tà,
Tình Cha là món quà tặng Hồng Ân
Cha trao tặng để con người tặng lại cho nhau.
M.Madalena Hoa Ngâu
———————————————
Lời Kinh Huyền Nhiệm
CN 17 TN. C – (Lc, 11, 1 – 13)
Thật tuyệt vời lời kinh phong phú,
chứa bao điều ấp ủ yêu thương.
Lời thân thưa rất khiêm nhường,
thắm tình phụ tử vô lường hồng ân.
Gọi Abba tâm thần xao xuyến,
triều đại Cha vinh hiển muôn đời.
Danh Cha toả sáng muôn nơi,
tình Cha sống động rạng ngời trong con.
Xin Cha thương ban ơn thánh hoá,
ơn kiện toàn sáng tỏa nhân sinh.
Hồn con tha thiết ân tình,
ý Cha nên trọn Thần Linh tuôn tràn.
Kiếp nhân sinh vô vàn nỗi khổ,
giọt mồ hôi tuôn đổ mỗi ngày.
Cha ban lương thực hôm nay,
hạt mưa, hạt nắng đong đầy yêu thương.
Con trót dại lầm đường lạc lối,
Cha bao dung tội lỗi đa mang.
Để con cũng phải trao ban,
anh em lầm lỗi sẵn sàng thứ tha.
Bao cạm bẫy món quà thử thách,
hồn trinh trong cấp bách tránh xa.
Vững vàng nương tựa tình Cha,
giúp con chiến thắng vượt qua ác thần.
Vững tin yêu tinh thần hoan lạc,
đường gian nan tín thác cậy trông.
Kiên trì cầu nguyện hiệp thông,
sống trong ân sủng quan phòng của Cha.
Sung sướng gọi ABBA Chí Ái,
ban rộng tay quảng đại phúc lành.
Tình yêu từ cõi cao xanh,
Hồng ân tuôn đổ lòng thành tri ân.
Lời kinh tuyệt diệu muôn phần,
món quà Cha tặng muôn dân nương nhờ.
Gọi Cha, con ngỡ nằm mơ…
AP. Mặc Trầm Cung