SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 805, CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – C, 17/07/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Lc 10, 38-42)

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Phục Vụ Trong Trật Tự ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Chọn Phần Tốt Nhất Là Chiêm Ngắm Thập Giá Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Theo Gương Chúa Viếng Thăm Nhau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Kho Tnafg Vô Giá Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Khôn Ngoan Hạt Nắng Trg 9
Lắng Đọng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Suối Bình An M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Tĩnh Lặng A.P. Mặc Trầm Cung Trg 12

————————————————–

Phục Vụ Trong Trật Tự

Thoạt nghe bài Tin Mừng hôm nay, có người đã trách móc: Sao Chúa quá mâu thuẫn. Mới tuần trước, Chúa kể truyện người xứ Samaria nhân hậu để dạy phải phục vụ. Vậy mà hôm nay, Chúa lại trách móc, tuy có nhẹ nhàng, nhưng vẫn đau đau, bà Martha đã lăng xăng phục vụ đón tiếp Chúa. Tại sao thế?

Nếu đọc kỹ bài tường thuật hôm nay cũng như toàn bộ Tin Mừng, ta sẽ thấy phục vụ tuy được Chúa đề cao, nhưng vẫn phải nằm trong một trật tự toàn bộ của đời sống đạo.

Trật tự thứ nhất: Phục vụ phải biết quên mình.
Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến khoe khoang tự mãn. Ta hãy nhớ lại chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái đứng giữa đền thờ, lớn tiếng kể công: “Lạy Chúa, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Thái độ khoe mình của ông không được Thiên Chúa chấp nhận vì ông phục vụ mà không biết quên mình.

Phục vụ mà không quên mình sẽ đi đến ganh ghét, dòm ngó, lườm nguýt, loại trừ người khác. Về điểm này, Đức cha Bùi Tuần có đưa ra một hình ảnh rất ý nhị. Trên bàn thờ có ngọn nến và bông hoa. Cả hai cùng phục vụ bàn thờ. Nhưng nếu ngọn nến đốt cháy bông hoa thì thật đau lòng. Phục vụ mà không quên mình sẽ đưa đến loại trừ lẫn nhau. Điều Chúa muốn là phục vụ quên mình. Phục vụ quên mình là phục vụ kín đáo: “Tay trái không biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Phục vụ quên mình chỉ cố ý làm vui lòng Chúa chứ không so sánh hơn thua với anh em. Vì thế phục vụ quên mình sẽ rất khiêm tốn. “Sau khi đã làm tất cả thì hãy nói: Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Trật tự thứ hai: Phục vụ phải biết lắng nghe.
Trước hết phải biết lắng nghe lòng mình xem có đức bác ái không. Nếu không có đức bác ái thì mọi việc phục vụ dù có lớn lao cũng trở thành vô ích như lời thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, nếu tôi không có đức bác ái, cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

Thứ đến phải biết lắng nghe đối tượng phục vụ. Một phục vụ tốt phải đúng lúc, đúng nơi, đúng cách, đúng nhu cầu. Nhưng trên hết phục vụ phải biết lắng nghe Lời Chúa. Việc phục vụ của ta chỉ tốt và có ý nghĩa khi ta làm đúng ý Chúa muốn. Muốn biết ý Chúa, phải lắng nghe tiếng Chúa trong Tin mừng, qua cầu nguyện và tiếp xúc tâm sự với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Lời Chúa là đèn soi bước chân ta, là ánh sáng hướng dẫn ta trong mọi hoạt động. Lắng nghe Lời Chúa làm cho hoạt động được vững vàng. Đó là xây nhà trên đá (cf. Lc 6, 47).

Trật tự cuối cùng: Phục vụ phải biết nghỉ ngơi.
Cuộc sống văn minh hiện đại ngày càng cuốn con người vào cơn lốc hoạt động đến ngộp thở. Người ta không còn thời giờ cho gia đình, cho bạn bè, và nhất là cho đời sống tâm linh. Tại các nước phương Tây, con người đang biến thành những cỗ máy làm việc, làm việc không ngừng. Đó là một đời sống mất quân bình, rất nguy hiểm.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Đừng quá băn khoăn lo lắng”. Hôm nay Chúa nhắc lại với bà Martha một lần nữa: “Đừng băn khoăn lo lắng quá”. Chúa không chê trách công việc bà làm, nhưng Chúa chê trách thái độ lăng xăng, lo lắng thái quá. Chúa mời gọi bà hãy biết nghỉ ngơi, biết giữ bình an nội tâm trong một đời sống quân bình bằng cách biết cầu nguyện. Cầu nguyện là nghỉ ngơi bên Chúa. Cầu nguyện tạo cho ta một khoảng không gian và thời gian, nhờ đó đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giây phút cầu nguyện bên Chúa mà sinh lực ta được phục hồi. Và ta có thể phục vụ tốt hơn.

Lời Chúa kêu gọi bà Martha, Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Cầu nguyện là lắng nghe Chúa nói với mình, là gặp gỡ Chúa trong tình con thảo. Hiện nay bạn cầu nguyện thế nào? Có sốt sắng không? Có nhiều thời gian cầu nguyện không?
2. Bạn đọc kinh nhiều, nhưng bạn có cầm trí không, hay chỉ đọc như máy?
3. Khi phục vụ, bạn có thực sự quên mình, hay phục vụ để được tiếng là người đạo đức, để hơn người?
4. Muốn việc phục vụ thực sự tốt đẹp, ta cần có thái độ nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————-

 

Chọn Phần Tốt Nhất
Là Chiêm Ngắm Thập Giá

Cô Martha đón Thầy Giêsu như khách quí vào nhà mình, và cô tất bật phục vụ khách, một công việc cần thiết và bắt buộc đối với bất kì ai đón tiếp khách quí; thế nhưng không hiểu sao, Đức Giêsu lại dám khẳng định là: việc cô đang nhiệt tâm chu toàn là điều không mấy cần thiết! Còn tác phong thụ động – mất thì giờ của cô em Maria ngồi yên và lắng nghe, thì lại được Ngưởi đề cao và khen ngợi là: ‘đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi’.

Chúng ta vẫn thường nghĩ: Kitô hữu (hơn nữa tu sĩ và linh mục) là những người đón tiếp Đức Kitô vào đời mình; có thể chúng ta đã được dạy dỗ và huấn luyện rằng, phải sống làm sao cho Chúa – Vị Thượng Khách được hài lòng. Để được như thế ta phải cặn kẽ nắm giữ mọi điều răn và luật lệ, phải làm lành lánh dữ, phải lập nhiều công đức, phải làm nhiều việc thiện…; tóm lại, đời sống đạo của ta phải là một cuộc sống khá tất bật để lo sao hết lòng phụng sự Chúa (như vẫn quen nói thế!). Giáo lý, và có lẽ cả nền thần học nữa, đã không ngừng dạy điều đó, cũng như tất cả mọi người đều cho rằng: suy nghĩ trên là hoàn toàn chính xác.

Thế nhưng, chính câu trả lời của Đức Giêsu, khi đáp lại lời yêu cầu rất chính đáng của cô Martha, buộc ta phải đặt lại vấn đề: lối suy nghĩ phổ thông kia có hoàn toàn ‘đúng’ hay không? “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, và đó không phải là: tất bật phục vụ của Martha, mà là: “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” của Maria. Điều này làm ta phải đặt câu hỏi: cụ thể điều gì mới là cần thiết nhất trong đời Kitô hữu? Có điều gì còn quan trọng và cao quí hơn cả giữ các điều răn, chu toàn lề luật, làm lành lánh dữ và thực thi công bằng bác ái không? Thinh lặng ngồi bên Chúa để lắng nghe Lời Yêu Thương của lòng nhân ái, yên lặng đứng bên Thập Giá (cùng với Mẹ Maria) để chiêm ngắm Lời Cứu Độ của Giêsu, chẳng lẽ lại là điều quan trọng nhất hay sao; chẳng lẽ các Kitô hữu nhất thiết phải làm điều này hơn là điều kia, và ưu tiên đưa vào chương trình sống của mình hay sao? Nếu thật là như thế, thì lời Đức Giê-u nhắc nhở cô Martha cũng sẽ phải áp dụng cho mọi Kitô hữu chúng ta trong việc giữ đạo (đăc biệt cho các linh mục và tu sĩ bề bộn trong công việc mục vụ tông đồ): “Martha! Martha ơi! Con băn khoan lo lắng nhiều chuyện quá!”

Về phần mình, tôi không dám nghĩ như thế; tôi vẫn cố xua đuổi tư tưởng này ra khỏi đầu vì lẽ: nó như quá ngược ngạo với những gì thói thường người ta vẫn làm trong đời sống đạo. Ngay trong tư cách linh mục, từ lâu lắm rồi, tôi vẫn tâm niệm là: phải dạy cho các tín hữu sống sao cho xứng với ơn gọi của họ. Các bài giảng của tôi vẫn chủ yếu mang tính luân lý, chỉ dạy cho giáo dân biết sống sao cho phải đạo: phải làm lành lánh dữ, phải ra công làm nhiều việc thiện để làm cho Chúa được vui thỏa. Trong số các công tác mục vụ tôi thi hành trong đời linh mục thì, nỗ lực làm cho tín hữu biết chiêm ngắm Thập Giá có vẻ như đã bị tôi coi nhẹ, hoặc cho là chỉ thứ yếu! Sau khi được tôi dạy dỗ, không biết có bao nhiêu giáo dân nhận ra rằng: điều cần thiết nhất cho niềm tin của họ là lắng nghe Lời Cứu Độ, là chiêm ngắm Thập Giá, và trọn vẹn tín thác vào lòng Chúa xót thương. Ngay cả việc cử hành Thánh Lễ cũng thường bị tôi trình bày như, một chu toàn bổn phận phụng tự, mà Chúa – vị khách quí đang ngự đến đáng được tôn thờ và cung nghinh; thay vì là chiêm ngắm và đón nhận Thập Giá tình yêu; chẳng trách gì ngay cả các giáo dân của tôi được coi là đạo đức nhất cũng chỉ rất mực quan tâm tới việc phụng thờ Chúa và giúp đỡ đồng loại, thế còn chiêm ngắm lòng thương xót Chúa thì còn quá ít, quá xa lạ, hoặc không mấy được coi trọng đề cao.

Và tất cả các điều trên là hậu quả tất yếu của một quan niệm đã ăn rễ quá sâu nơi các Kitô hữu chúng ta, đó là: mối bận tâm lo lắng hàng đầu luôn phải là làm sao cho ‘danh Chúa được rạng rỡ vinh quang’. Với Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn gửi tới mỗi chúng ta lời nhắn nhủ: còn có một điều cần thiết và phải được dành ưu tiên hơn nữa, trong lãnh vực giờ giấc cũng như lưu ý quan tâm, đó là lắng nghe và chiêm ngắm Lời Giêsu Thập Giá – Lời của lòng thương xót cứu độ.

Phải chăng khi đề cao vị trí trung tâm của Thánh Lễ, Giáo Hội không muốn điều gì hơn là: tạo cho các tín hữu dịp ‘thụ động’ ‘ngồi bên chân và lắng nghe’ Lời Tình Yêu Cứu Độ như cô Maria ngày xưa?

Lạy Chúa từ nhân, xin hãy dạy cho con biết thụ động như Maria là cứ ngồi bên chân Chúa, và cũng biết như chị, đón nhận và chăm chú nghe Lời Tình Yêu. Xin giúp con bớt tất bật với các việc phục vụ – mục vụ, để dành quan tâm nhiều hơn cho chiêm ngắm Thập Giá. Xin cho mỗi Thánh Lễ con cử hành trở thành một cuộc chiêm ngưỡng và đón nhận vô điều kiện tình yêu Chúa trao ban. Được như thế, con mới có thể hướng dẫn và giúp cho nhiều tín hữu chọn và làm được điều tốt nhất mà Chúa hằng mong đợi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————————

 

Theo Gương Chúa Viếng Thăm Nhau

Người Việt hay có thói quen “khách đến nhà không gà thì vịt”. Đôi khi khách chưa tới đã tất bật ngược xuôi đi chợ, làm đồ ăn, thật là bận rộn. Tôi cũng từng đến nhà này nhà kia chơi và cũng thấy gia chủ bận rộn ở bếp làm đồ ăn, lâu lâu bố thí cho khách vài câu hỏi xã giao!

Thực ra, khách đến nhà không hẳn khách muốn dùng cơm. Có khi chỉ tiện ghé qua để thăm hỏi, để uống tách trà, để nghe , để tâm sự, để hiểu nhau hơn và yêu mến nhau hơn. Tình cảm con người chỉ nẩy sinh và bền vững nhờ những tiếp xúc thân tình, những chia sẻ và cảm thông. Tình cảm nảy sinh từ bàn ăn người ta gọi là chiến hữu , có qua có lại và có khi thành gánh nặng cho nhau.

Chúa Giêsu khi ghé thăm gia đình chị em Martha ở Betania cũng vậy. Ngài muốn gia chủ dành nhiều thời gian nói chuyện với khách hơn là bận rộn mâm cao cỗ đầy. Thế nhưng, Martha lại quá chú trọng đến việc thiết đãi tiệc tùng. Cô muốn làm một bữa ăn thật thịnh soạn cho Chúa. Cô còn muốn cả em cô hãy ngưng tâm sự với Chúa để cùng giúp cô chuẩn bị bữa ăn. Cô đã mạnh dạn đề nghị với Chúa: xin Thầy hãy nói với Maria giúp con một tay. Lời đề nghị xem ra không được chấp nhận.

Vì khách đến không phải vì bữa ăn. Sự hiện diện của Chúa nơi ngôi nhà này là để nói lên sự quan tâm, tình liên đới và hiểu biết lẫn nhau. Thế nên, Chúa đã nói với Martha: “Martha, con lo lắng nhiều chuyện, điều quan yếu không phải là việc phục vụ Chúa, mà hệ tại ở việc lắng nghe lời Chúa dạy bảo”.

Cuộc sống hôm nay cũng thật tất bật. Người ta ít có thời giờ để tâm sự với nhau. Người ta càng ít có thời giờ để viếng thăm nhau. Không có tâm sự sẽ không có sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Không có những cuộc viếng thăm tình người sẽ phôi phai theo thời gian.

Đôi khi những người trong gia đình cũng chẳng có thời giờ dành cho nhau. Nhiều người luôn cảm thấy bỉ bỏ rơi ngay chính trong gia đình của mình. Rồi khi xa mặt cách lòng thì người ta lại lười đến viếng thăm nhau.

Thiếu sự viếng thăm tình người như xa dần. Thiếu sự đối thoại sẽ đánh mất sự cảm thông. Vì tình người bền vững là nhờ sự gần gũi, sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau. Tình người cũng giống như con đường, cứ qua lại nhiều sẽ thành đường và ít qua lại thì con đường lại sớm thành cỏ dại hoang vu.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dành thời giờ cho nhau qua việc viếng thăm, qua việc giúp đỡ, qua chia sẻ với nhau trong mọi vui buồn cuộc sống. Nhất là xin Chúa cũng viếng thăm gia đình chúng ta để nhờ Chúa thì gia đình chúng ta sẽ luôn được bình an. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————

 

Kho Tàng Vô Giá

Hôm ấy, khi được Chúa Giêsu đến thăm nhà, Martha vui mừng tiếp đón và tất bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo của mình.

Vậy mà Chúa Giêsu lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Martha: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 41-42).

Maria đã chọn phần tốt nhất, vì lắng nghe Lời Chúa là việc hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời…

Lời Chúa biến đổi lòng người
Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ cần đón nhận một câu Lời Chúa thôi cũng đủ để thay đổi cuộc đời. Xin nêu lên vài trường hợp tiêu biểu:

– Thứ nhất: Thánh Phanxicô Xaviê sinh tại Tây Ban Nha năm 1506. Năm 19 tuổi, anh đến Paris, vào đại học với ước mơ trở thành giáo sư.
Tại đây, anh gặp thánh Inhaxiô và được ngài lấy Lời Chúa nhắc nhở rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16,16).

Những lời nầy đã xoay chuyển hoàn toàn cuộc đời Phanxicô, soi cho anh thấy công danh sự nghiệp đời nầy chỉ là phù du, hư ảo. Thế là Phanxicô dứt khoát từ bỏ danh vọng thế gian, hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, mang Tin mừng Chúa đến với các dân tộc Á Châu tại Ấn-độ, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản.

– Thứ hai: Một câu Lời Chúa quen thuộc khác là: “Những gì các con đã làm cho những anh em bé mọn của Ta đây là đã làm cho chính Ta” cũng tác động mạnh mẽ tâm hồn mẹ thánh Têrêxa Calcutta, thôi thúc mẹ cũng như hàng ngàn chị em trong Hội dòng Thừa sai Bác ái do mẹ thành lập, tận hiến cả cuộc đời, dấn thân phục vụ hết sức tận tình những người bất hạnh khắp nơi trên thế giới.

Lời Chúa xóa bỏ hận thù, xây đắp tình yêu thương
Cụ thể là:
– Nhờ Lời Chúa soi sáng, người ta sẽ không xem người khác là xa lạ, là kẻ thù… nhưng là anh chị em ruột thịt có chung một người Cha là Thiên Chúa; nhờ đó, thay vì sống thờ ơ, vô cảm, ghét bỏ người khác… mọi người sẽ yêu thương đùm bọc nhau.

– Nhờ Lời Chúa dạy, người ta nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những người chung quanh, đang thực sự sống trong mỗi người; nhờ đó, người ta sẽ tôn trọng nhau như tôn trọng Chúa, ân cần phục vụ người khác tận tình như phục vụ chính Chúa Giêsu.

– Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, người ta nhận biết sự thật tuyệt vời là có cuộc sống đời sau; biết trần gian chỉ là quán trọ, thiên đàng mới là quê hương; biết cùng đích của đời người không phải là nấm mồ hoang lạnh, nhưng là cõi phúc hoan lạc đời đời trên thiên quốc.

– Ngoài ra, Lời Chúa còn cải thiện cuộc sống con người, giúp họ diệt trừ thói hư tật xấu để sống quảng đại, tốt lành, nhân ái hơn.

Tóm lại, Lời Chúa đẩy lùi sự gian ác, xóa bỏ hận thù, dập tắt lửa chiến tranh.

Lời Chúa mang lại hòa bình, vun đắp tình yêu thương, mang lại hạnh phúc cho muôn người.

Chính vì vậy, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là việc cần thiết và quan trọng nhất trên đời.

Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa như ngọn hải đăng soi đường cho nhân loại giữa biển đời tăm tối; Lời Chúa là kim chỉ nam chỉ lối cho người lạc bước giữa rừng sâu.

Xin cho chúng con luôn quý trọng Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi hoạt động hằng ngày của mình; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ trở nên thánh thiện, an vui và hạnh phúc. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

———————————————–

 

Khôn Ngoan
CN 16TN.C – (Lc 10, 38 – 42)

Phục vụ quên mình chẳng ghét ghen

Chu toàn bổn phận sống nghèo hèn

Khoe khoang, tự mãn tha nhân trách

Lặng lẽ, khiêm nhường Thiên Chúa khen

Hoạt động tông đồ nêu đức ái

Lặng thầm cầu nguyện tỏa hương sen

Hành trình sứ mạng cần ngơi nghỉ

Lời Chúa sáng soi tựa ánh đèn.

Hạt Nắng

——————————————–

 

Lắng Đọng
CN 16TN.C – (Lc 10, 38 – 42)

Đời trăm mối lo toan tất bật,
chuyện áo cơm chật vật sớm hôm.
Băn khoăn, lo lắng, ôm đồm,
chạy theo cơn lốc tâm hồn bất an.

Lo thái quá xa đàng công chính,
chuyện đua tranh bất định tâm linh.
Khoe khoang tự mãn về mình,
tranh giành địa vị bạc tình hơn thua.

Lời Cứu Độ con chưa lắng đọng,
chưa dừng chân thinh lặng tâm tư.
Lắng nghe Lời Chúa nhân từ,
soi đường chỉ lối thực hư cuộc đời.

Trái tim Chúa gọi mời chiêm ngắm,
tình yêu Ngài nồng thắm bao la.
Lòng Thương Xót Chúa hải hà,
ngọt ngào ân sủng mặn mà phúc ân.

Nghe lời Chúa chiếm phần cao trọng,
sống quân bình sinh động tâm linh.
Kho tàng bền vững bên mình,
thành tâm phục vụ ân tình nở hoa.

Dù cho bão táp phong ba,
nồng nàn trung tín thiết tha yêu đời.
Tim con trong Trái Tim Người…

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————–

 

Suối Bình An
CN 16TN.C – (Lc 10, 38 – 42)

Bước lao xao đi giữa cuộc đời,
nỗi băn khoăn bao tiếng mọc mời.
Chuyện bạc tiền, chuyện cơm áo,
đua tranh chức quyền hồn chơi vơi.

Kiếp lao đao sóng gió tròng trành,
bước u mê cay đắng nhục nhằn.
Chuyện tình đời giành hư ảo,
ghen tương thù hằn chuyện đua tranh.

Con về đây Chúa ơi!
Tìm ánh sáng nơi thánh điện Ngài.
Con quỳ đây Chúa ơi!
Lời của Ngài cho con sức sống.
Cho con niềm cậy trông!
Lời Hằng Sống tưới mát tâm hồn.
Cho con niềm bình an!
Lời Chúa là sản nghiệp đời con.

Tim reo vui hạnh phúc bên Ngài,
hát reo vang tình Chúa cao vời,
Gột bụi đời dòng suối mát,
ân thiêng tuôn tràn nguồn bình an.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————

 

Tĩnh Lặng
CN 16TN. C – (Lc 10, 38 – 42)

Bao năm qua con mải mê tìm kiếm,
chút hư danh ảo vọng của cuộc đời.
Tìm tiền tài, danh vọng mệt tả tơi,
chạy đôn đáo mãi kiếm tìm vô vọng.

Con mệt lả dòng đời luôn cuộn sóng,
kéo lôi con vào kiếp sống bon chen.
Con lao theo những giá trị thấp hèn,
thân tàn tạ đời chẳng còn ý vị.

Đường ghập ghềnh làm hồn con nhụt chí,
dạ bồn chồn xao xuyến chuyện tương lai.
Con lo âu ảo tưởng những đêm dài,
trước bạo lực trần gian con sợ hãi.

Chúa yêu ơi! Tâm hồn con hối cải,
muốn quay về bên chân Chúa từ nhân.
Được lắng nghe lời nhắn nhủ ân cần,
Lời Tình Thánh cho con nguồn sức mạnh.

Nay con về quỳ trước nhan cung thánh,
để được nghe chân giá trị cuộc đời.
Xin giã từ một kiếp sống chơi vơi,
phút tĩnh lặng gẫm suy Tình Yêu Chúa.

Ân tình Ngài bao la như đồng lúa,
ru hồn con nỗi khao khát mong chờ.
Lời dịu dàng, lời âu yếm tình thơ,
ân sủng Chúa thỏa lòng con kín múc.

Lời của Chúa cho con niềm cảm xúc,
xin chọn Ngài làm gia nghiệp đời con.
Nguyện tín trung dù thân xác hao mòn,
sống Lời Chúa trên bước đường nhân chứng.

Lời Thánh Thiêng chính là nguồn cảm hứng,
nâng đỡ con sống bác ái yêu thương.
Biết sẻ chia bao kiếp sống đoạn trường,
để tình Chúa, tình người luôn sánh bước.

Lời Hằng Sống cho lòng con mong ước,
luôn khát khao được kết hiệp với Ngài.
Trọn đường tình bền vững mãi không phai,
bởi cành nho không tự mình sinh trái.

Lời Thánh Thiêng làm hồn con thư thái,
như thân nho nguồn mạch sống trào dâng.
Hiệp thông tình, truyền nhựa sống hồng ân,
tăng mạnh sức trên bước đường phục vụ.

Lời Hằng Sống sáng hơn ngàn tinh tú,
mở trí con thoát khỏi những đam mê.
Nâng bước con mạnh mẽ lối chiều về,
quỳ bên Chúa kiếm tìm phần tuyệt hảo.

AP. Mặc Trầm Cung