I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu cốt yếu của Đạo Chúa là mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người thì điều quan trọng nhất của người có đạo là đón rước Thiên Chúa vào trong tâm hồn và cuộc sống của mình. Nhưng cũng như trong tương quan giữa người với người, trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, sự gặp gỡ, đón rước cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau. Câu truyện của sách Sáng Thế (St 18,1-10) cho thấy ông Ábraham đã đón rước Thiên Chúa một cách trân trọng và nồng hậu như thế nào. Và trong câu truyện của Phúc Âm Luca (10,38-42) chúng ta thấy hai chị em Martha và Maria đều ân cần đón rước Chúa Giêsu. Nhưng rõ ràng là Chúa Giêsu ưng ý hài lòng vể cách đón rước của Maria hơn cách đón rước của Martha.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy học cùng tổ phụ Ábraham và thánh nữ Maria mà đón rước Thiên Chúa cách đẹp lòng Người nhất!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 18,1-10a): “Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu. Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai” Trong những ngày ấy, Chúa hiện ra cùng Abraham dưới chòm cây ở Mambrê, đang lúc ông ngồi ở cửa lều giữa trưa nóng bức. Ông ngước mắt lên thấy ba người nam xuất hiện, đứng gần ông: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. Con xin đem ít bánh mời các Đấng dùng để lấy sức lại rồi sẽ đi: chính vì thế mà các Đấng đã ghé vào nhà con”. Các Đấng ấy nói: “Như ông đã ngỏ, xin cứ làm”.
Abraham liền vào lều, và bảo Sara rằng: “Hãy mau mau trộn ba đấu bột làm bánh nướng”. Còn ông, ông chạy đến đoàn bò bắt một con bê non hảo hạng, trao cho đầy tớ đem đi nấu. Ông lấy bơ sữa và thịt bê đã chín, dọn ra trước mặt các Đấng. Chính ông đứng hầu các Đấng dưới bóng cây.
Ăn xong, các Đấng hỏi Abraham rằng: “Sara bạn ông đâu?” Ông trả lời: “Kìa, bạn con ở trong lều”. Một Đấng nói tiếp: “Độ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 1,24-28): “Mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh” Anh em thân mến, hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 10,38-42): “Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất” Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh
3.1.1 Bài đọc 1 (St 18,1-10a) là câu chuyện kể lại tổ phụ Ábraham có lòng hiếu khách như thế nào: trước hết là thái độ và cử chỉ trân trọng (sụp xuống đất lạy), kế đến là khẩn khoản mời, và sau cùng là dọn bàn ăn, thức uống chiêu đãi các vị khách lạ. Các vị khách lạ chính là Thiên Chúa (ba ngôi) nhưng lúc ấy ông Ábraham không nhận ra đó là Thiên Chúa. Ông chỉ tiếp đón các ngài như những người khách lạ đang đi đường vất vả, cần chỗ dừng chân, nghỉ ngơi lấy sức.
Trong đoạn Sách St 18,1-10a chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng rất dễ thương và tế nhị: Trước hết Thiên Chúa đã xuất hiện như những người lữ khách, cần đến lòng hiếu khách của tổ phụ Ábraham; Kế đến Thiên Chúa quan tâm đến ước nguyện thầm kín của hai vợ chồng già Ábraham và Xara mà thi ân giáng phúc cho họ: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai.”
3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,24-28) là những lời vàng ngọc của Thánh Phaolô giãi bày với các tín hữu Côlôxê về: (a) sự gắn bó của ngài với Chúa Kitô và với các tín hữu Côlôxê nói riêng và Hội Thánh nói chung; (b) về sứ mạng rao giảng Tin Mừng là mầu nhiệm được giấu kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa: Đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại.
Trong đoạn thư gửi tín hữu Cl 1,24-28 chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu Kitô là “Đấng đang ở giữa cộng đoàn Hội Thánh”, là “Mầu nhiệm được giấu kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.”
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42) là tường thuật của thánh Luca về cách đón rước Chúa Giêsu của hai chị em Martha và Maria. Cả hai người phụ nữ này đều rất yêu mến và quí trọng Chúa Giêsu. Cả hai đều muốn dành cho Chúa Giêsu những giờ phút thoải mái, dễ chịu nhất tại nhà họ. Cô chị thì chuẩn bị cơm nước, nhưng cô quá lăng xăng và lo lắng khiến tâm hồn mất bình an trước sự có mặt của vị khách quý. Cô em thì dành cả thời gian và tâm trí cho vị thượng khách khi cô ngồi nghe Chúa Giêsu nói và nuốt từng lời của Ngài.
Trong Bài Phúc Âm Lc 10,38-42 chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng nào (là Thiên Chúa) qua cách đón rước của hai người phụ nữ làng Bêtania. Có thể nói cách Martha đón rước Chúa Giêsu mới chỉ là cách đón rước Chúa với tư cách là một người bạn thân. Còn cách đón rước Chúa Giêsu của Maria mới là cách đón rước Chúa với tư cách Chúa Giêsu chính là Lời, là Sứ giả của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa! Một cách đón rước chỉ mang chiều kích nhân linh (Martha) và một cách đón rước mang chiều kích thiên linh (Maria).
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được gói gọn trong lời này: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đến với loài người và mong được mọi người đón rước cách trọng thị và lắng nghe những lời Người nói, vì đó là những Lời Hằng Sống.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Chúa Giêsu nói với Martha [“Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi].
Chúa Giêsu có nói câu đó với tôi hôm nay không?
Tôi có băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá không?
Tôi băn khoăn lo lắng về những gì?
Tại sao tôi băn khoăn lo lằng nhiều như thế?
Tôi có lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một thành phần hay đối tượng đặc biệt nào đó]
5.1 «Ngày ấy Đức Chúa hiện ra với ông Ábraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người đang sống trên trái đât này, biết mở lòng đón rước Thiên Chúa đến viếng thăm họ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết rao giảng Lời của Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết quan tâm đến việc vun trồng đời sống thánh thiện.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người phải sống trong lo âu khốn khổ vì nghèo, già yếu và bệnh tật; và cho những người quá ham mê tiền bạc, chức quyền, danh vọng mà lãng quên đời sống tinh thần và tâm linh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Saigon ngày 13 tháng 7 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.