(10.7.2022 Chúa Nhật 15 TN Năm C) Hãy đi và làm như vậy

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Một hôm, có người thông luật kia đứng lên hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi và người thân cận như chính mình.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Ðức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ðức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Ðức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Suy niệm:

Một người thông luật đứng lên hỏi để thử Thầy Giêsu:
“Tôi phải làm gì để được sống đời đời.”
Thật ra ông đã biết câu trả lời rồi, và đã trả lời đúng.
Phải yêu Thiên Chúa với trọn cả con người mình,
và yêu người thân cận như chính mình (Đnl 6,5; Lv 19,18).
Thầy Giêsu bảo ông: “Cứ làm như vậy thì ông sẽ sống.”
Người thông luật muốn cho thấy mình có lý
nên hỏi lại Thầy Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?”
Ông muốn xin Thầy soi sáng về ý niệm “người thân cận.”
vì ông cần xác định người thân cận là ai, trước khi yêu.

Thầy Giêsu đã kể một dụ ngôn để trả lời câu hỏi của ông.
Khung cảnh là con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô.
Đây là một con đường quanh co, vắng vẻ và nguy hiểm.
Cướp bóc, trấn lột vẫn thường xảy ra ở đây,
nên không lạ gì khi có một người bị cướp nằm bên đường.
Anh ta từ Giêrusalem xuống nên có thể anh là người Do-thái.
Nhưng nhìn bề ngoài thì chẳng biết anh là ai,
vì quần áo của anh bị lột sạch, nằm mê man, không nói được.
Có một tư tế cũng từ Đền Thờ đi xuống con đường ấy.
Khi thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi.
Một thầy Lêvi đến chỗ đó, thấy, cũng tránh qua bên kia.
Cả hai mới làm xong việc phụng tự ở Đền thờ.
Chúng ta không rõ tại sao hai vị này lại tránh như vậy.
Vì họ không muốn mất thì giờ, vì sợ bọn cướp còn đâu đây,
hay vì họ sợ mình có thể bị ô nhơ nếu chạm vào xác chết ?
Dù sao thì cả hai đều thấy nạn nhân, nhưng không dừng lại.
Người thứ ba là một người Samari.
Ông không phải là người Do-thái mới đi lễ ở Giêrusalem về,
vì dân Samari có đền thờ riêng ở trên núi Garidim.
Như vị tư tế và thầy Lêvi, ông này cũng thấy nạn nhân,
nhưng ông không tránh qua bên kia như họ.
Chính lòng xót thương kéo ông lại gần và lo cấp cứu.
Trước hết là sát trùng bằng rượu, rồi xức dầu cho dịu đau,
cuối cùng là băng bó các vết thương.
Ông không thể để nạn nhân nằm ở đây, nên đã đưa lên lừa,
đem về quán trọ mà săn sóc cả ngày hôm ấy,
rồi trao tiền để chủ quán lo cho đến khi bình phục.

Dụ ngôn trên của Đức Giêsu vang vọng cho đến tận thế,
vì thế giới của chúng ta lúc nào cũng có những nạn nhân.
Thế giới cần những người Samaria có lòng thương xót.
Không giúp ai đó vì họ gần mình, nhưng vì họ cần mình.
Không giúp ai đó vì họ gần mình, nhưng vì mình lại gần họ.
Như thế nên đổi câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”
thành câu hỏi: “Tôi là người thân cận của ai?”
Tôi không đi tìm người thân cận với tôi để giúp đỡ,
nhưng tôi giúp ai, thì người đó thành người thân cận với tôi.
Dụ ngôn trên cho ta một lối hiểu mới về tình yêu với tha nhân.
Khi nhìn người Samari săn sóc kẻ bị trấn lột nằm trên đường,
chúng ta hiểu tình thương có thể vượt qua mọi ngăn cách
của chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, chính trị, oán thù…
Khi thương một người, dù là kẻ thù không đội trời chung,
ta chỉ thấy người đó là một nhân vị, đáng quý, đáng trọng.
đáng cho ta ta hy sinh thời gian và công sức.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Fratelli Tutti,
đã dành cả chương Hai để nói về dụ ngôn quan trọng này.
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị thương,
như người bị cướp, nằm đó nửa sống nửa chết.
Có bao nhiêu mối đe dọa sự sống loài người
như biến đổi khí hậu, chiến tranh, dịch bệnh, nghèo đói…
Nhiều thứ bạo lực đến từ lòng độc ác của con người.
Con người vẫn vui vẻ giết nhau bằng thứ vũ khí mới nhất,
vẫn lãnh đạm, dửng dưng trước khổ đau của anh em.
“Ông hãy làm như vậy”, hãy làm như người Samari.
Thế giới hôm nay vẫn cần những người Samari biết bao!

Lời nguyện:

Lạy Chúa,
các dòng sông không uống nước của chính mình,
cây cũng không ăn trái của nó,
mặt trời không chiếu sáng cho bản thân,
và hoa không tỏa hương cho mình thưởng thức.

Sống vì người khác là quy luật tự nhiên.
Chúa dựng nên chúng con là để sống cho nhau,
nhờ đó chúng con lớn lên thành con cái Chúa.
Xin cho chúng con sống và để cho người khác sống,
tìm hạnh phúc cho mình,
nhưng cũng biết làm cho người khác hạnh phúc.
Xin cho chúng con đừng chữa lành nỗi đau của mình
bằng cách gây tổn thương cho người khác.

Lạy Chúa,
chúng con tự hào về những tiến bộ khoa học kỹ thuật,
nhưng thế giới chúng con đang sống lại thụt lùi về tình yêu.
Con người sống như con sói với người khác.
Xin cho chúng con đừng đối xử tàn ác với nhau,
trong gia đình, ngoài xã hội và trên thế giới.
Cho chúng con luôn thấy khuôn mặt Chúa nơi anh em.

(Gợi hứng từ Đức Thánh Cha Phanxicô)

Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ