“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 10, 25-37).
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp:
“Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Nhớ Mang Theo Trái Tim ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Chiêm Ngắm Làm Sao – Yêu Làm Vậy Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúng Ta Đang Kết Thân Với Ai? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Để Được Sống Đời Đời Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Hoa Samari Hạt Nắng Trg 10
Hành Trình Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Người Tình Samari M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Nét Đẹp Samaria A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
———————————————-
Nhớ Mang Theo Trái Tim
Trường sinh bất tử, muốn được hạnh phúc vĩnh viễn, muốn được sống đời đời, đó là mơ ước muôn đời của mọi người. Hôm nay, một thày thông luật nói lên mơ ước đó khi ông hỏi Chúa “làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời”.
Để trả lời ông, Chúa Giêsu kể câu chuyện, một câu chuyện bình thường xảy ra hằng ngày: Một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị cướp trấn lột, đánh nhừ tử, dở sống dở chết nằm rên rỉ bên vệ đường. Thày tư tế đi ngang thấy thế tránh qua bên kia đường mà đi. Thày Lêvi cũng thế. Nhưng một người xứ Samaria, một người ngoại đạo, đã chạnh lòng thương, dừng lại băng bó cho nạn nhân. Chưa hết, ông còn chở nạn nhân đến quán trọ. Hơn thế nữa, ông gửi tiền để nhờ chủ quán chăm sóc nạn nhân cho đến khi bình phục.
Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Đường Giêrikhô tượng trưng cho con đường về Nước Trời. Đó là con đường gập ghềnh khó đi. Đó là con đường nguy hiểm vì có trộm cướp rình rập. Đó là con đường thử thách. Để vượt qua thử thách, vũ khí duy nhất hữu ích là trái tim. Trái tim chiến thắng có những phẩm chất như sau:
Đó phải là một trái tim nhạy bén.
Người xứ Samaria nhân hậu có một trái tim nhạy bén. Dù đang bận việc riêng, dù vó ngựa phi nhanh, ông vẫn nhìn thấy người bị nạn nằm bên vệ đường. Dù tiếng gió vù vù xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ rất yếu ớt của người bị nạn. Trong khi đó, thầy Tư Tế và Thầy Lêvi chỉ đi bộ lại không thấy, không nghe. Hay nói đúng hơn, các thầy có nghe, có thấy nhưng trái tim các thầy đóng kín, nên các thầy chẳng động lòng. Trái tim các thầy bị đóng kín vì những cánh cửa lề luật: Sợ đụng chạm vào máu, vào người bị thương, sẽ trở thành ô uế không được tới đền thờ dâng lễ vật. Người xứ Samaria không nghe bằng đôi tai, không nhìn bằng đôi mắt, nhưng nghe và nhìn bằng trái tim. Trái tim nhạy bén có đôi tai thính lạ lùng. Có thể nghe rõ tiếng rên rỉ thì thầm tận đáy lòng. Trái tim nhạy bén có đôi mắt sáng lạ lùng. Có thể nhìn thấy cả những nỗi đau âm thầm trong tâm khảm.
Đó phải là một trái tim quan tâm.
Trái tim quan tâm đưa ta đến gần gũi anh em. Trái tim quan tâm biết làm tất cả để phục vụ anh em. Các thầy Tư Tế và Lêvi không có trái tim quan tâm nên khi thấy người bị nạn đã tránh sang bên kia đường mà đi. Người xứ Samaria có một trái tim quan tâm nên ông lập tức đến gần nạn nhân. Vì có trái tim quan tâm nên ông có thể làm tất cả để giúp nạn nhân. Vì quan tâm nên ông đã mang sẵn bên mình nào là dầu, nào là băng vải. Chẳng học nghề thuốc mà ông săn sóc vết thương một cách thành thạo. Chẳng luyện tập mà ông đã lấy dầu xoa bóp rất nhanh, băng bó rất khéo. Chẳng có kỹ thuật mà ông biết cách đưa được bệnh nhân lên lưng ngựa. Ông đã làm tất cả theo sự hướng dẫn của trái tim. Với trái tim, ông đã làm tất cả với sự chuẩn xác và nhất là với nhiệt tình để cứu nạn nhân.
Đó phải là một trái tim chung thuỷ.
Trái tim chung thuỷ không làm việc nửa vời, nhưng làm đến nơi đến chốn. Trái tim chung thuỷ không mỏi mệt buông xuôi, nhưng theo dõi giúp đỡ cho đến tận cùng. Người xứ Samaria bận rộn công việc, nhưng vẫn lo lắng cho nạn nhân đầy đủ, gửi gắm chủ quán tiếp tục thuốc thang. Và khi xong việc ông sẽ trở lại thăm hỏi để tiếp tục săn sóc cho đến khi khỏi hẳn. Ông làm tất cả với một trái tim chung thuỷ vẹn toàn.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu dạy ta hiểu rằng: đường đến sự sống đời đời là con đường mọi người vẫn đang đi. Nhưng chỉ người đi với trái tim mới mong đến đích. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi đã rẽ sang hướng khác vì các thầy không mang theo trái tim. Người xứ Samaria đã đi đến nơi vì ông đi đường với trái tim nhân hậu, trái tim rất nhạy bén, rất quan tâm và rất chung thuỷ. Với trái tim ấy, ông đã yêu người thân cận như chính mình ông. Với trái tim ấy, ông đã mở đường đi đến sự sống đời đời.
Chúa Giêsu dạy tôi bắt chước người xứ Samaria nhân hậu. Hãy lên đường với trái tim. Hãy lắng nghe với trái tim. Hãy hành động với trái tim. Hãy đi trên đường của trái tim. Hãy để trái tim tham dự vào mọi lời nói, mọi cử chỉ, mọi suy nghĩ. Hãy mang theo trái tim theo trên khắp mọi nẻo đường. Con đường đi với trái tim chính là con đường dẫn đến sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Theo ý bạn đâu là những dấu hiệu cho thấy một tình yêu đích thực và đáng tin?
2- Mỗi khi gặp một người cần giúp đỡ, bạn có hăng hái ra tay giúp ngay hay còn chần chờ, viện lý do để thoái thác?
3- Sau khi nghe dụ ngôn “Người xứ Samaria nhân hậu”, bạn có quyết tâm gì?
4- Mang theo trái tim nghĩa là gì?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————-
Chiêm Ngắm Làm Sao – Yêu Làm Vậy
Ông thầy thông luật là một người Do Thái chính hiệu vẫn thường xuyên suy niệm về luật pháp của Cựu Ước, chắc hẳn ông thừa hiểu rằng: yêu người là một luật điều mà mọi người Do Thái đều phải tuân giữ, dựa trên giao ước đã ký kết với Giavê. Giới luật này tạo nên sự công chính và thánh thiện có sức mang lại sự sống đời đời. Yêu người được ông hiểu là yêu người thân cận, còn kẻ thù thì đương nhiên phải ghét bỏ (Đnl 19, 18-21). Và điều này thật hợp lý và thường tình. Người cận thân chính là người có đi có lại với mình, thậm chí như Đức Chúa Giavê trong lịch sử giải phóng cũng đã có đi có lại rất sòng phẳng với dân riêng của Ngài. Chính dựa trên quan niệm về Đức Chúa được luật pháp trình bày như thế nên thầy thông luật đã biện minh cho khái niệm ‘yêu đồng loại và ghét kẻ thù’ của mình.
Đức Giêsu cũng đặt ‘yêu người’ thành ‘luật’ nền tảng của giao ước mới. Yêu người cũng vẫn là yêu người cận thân, yêu đồng loại; tuy nhiên nội dung của hạn từ này hình như đã được mở rộng tới chân trời vô tận, tới độ nó hầu như mang lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới; và cái mới này là vô tiền khoáng hậu. Đức Giêsu giải thích nó, khởi đầu bằng câu chuyện dụ ngôn về ‘người Samari tốt lành’, rồi ứng dụng vào chính cái chết tự hiến thập giá của Người như một minh chứng. Người muốn xác quyết rằng: khác với Đức Chúa của Cựu Ước, Thiên Chúa của Tân Ước chính là người đầu tiên thực hành cái ‘luật yêu người’ rất mới mẻ này. Quả vậy, các Kitô hữu chúng ta, qua hình ảnh người Samari nhân hậu, luôn chiêm ngắm thấy một Thiên Chúa yêu thương cứu vớt, luôn chủ động đi bước trước. Người hiện thân cách cụ thể trong một Giêsu Kitô tự hiến và trao ban cách tự nguyện trên thập giá. Nhờ thế mà sự hiểu biết và thực thi ‘yêu người cận thân’ của các Kitô hữu cũng được biến cải hoàn toàn, tùy theo họ chiêm ngắm ‘Người Samari Tốt Lành’ này ra sao.
Thiên Chúa, mà Kitô hữu ký kết giao ước với, không còn là một Đức Chúa chỉ yêu kẻ lành thánh và ghét bỏ kẻ tội lỗi, ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ gian ác, như quan niệm thông thường của nhiều tôn giáo và ngay cả của Cựu ước. Khi bắt gặp một người sa ngã, Người đâu có như các thày Tư tế và Lêvi ‘tránh qua bên kia mà đi’. Thậm chí Đức Giêsu đã từng so sánh mình với thầy thuốc đến vì người bệnh, chứ đâu phải vì người mạnh khỏe, với người mục tử bỏ cả đàn lại để đi tìm con chiên lạc. Người không những không xa tránh người bị phong hủi ghê tởm, mà còn chạm tới và chữa lành anh ta; không xua đuổi mà còn để cho người đàn bà tội lỗi ôm hôn chân mình… Kitô hữu phải biết mình đã ký kết giao ước mới với một Thiên Chúa như thế. Mà làm sao họ không biết cho được, khi mà ngay từ khởi đầu ơn gọi Kitô hữu, chính họ đã lãnh nhận phép rửa thứ tha, và liên tục trong suốt đời sống không ngừng nhận đi lãnh lại bí tích tha thứ với lòng thống hối ăn năn? Đối với họ, hình ảnh người Samari tốt lành vẫn còn là quá mờ nhạt, so với ánh sáng nhân ái chói chang mà Đức Kitô Giêsu đã thực hiện trên thập giá cho cá nhân họ và cho toàn nhân loại.
Ấy thế mà hình như vẫn còn điều gì chưa ổn!
Nếu chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, thật sự thường xuyên chiêm ngắm (chưa nói tới kết hợp mật thiết với) một Giêsu – Thiên Chúa như thế, nếu ta liên tục làm dấu Thánh Giá và cử hành hiến tế thập giá… thì tại sao ta vẫn chưa thể yêu người cận thân? Thậm chí ngay trong suy tưởng chứ chưa nói tới hành động, ta vẫn không thấy có gì chuyển biến cả? Ta đã chẳng vẫn cứ đòi cho bằng được người ta phải yêu mình trước, để rồi mình yêu lại sau… ‘Yêu người’ của chúng ta – Kitô hữu đâu có gì khác với yêu tha nhân của mọi người sống chung quanh, còn tính toán hơn thua, còn ‘hòn đất ném đi hòn chì ném lại’…; và chẳng mấy lộ rõ nét ‘tự hiến’ (cho dầu nhiều người, nhất là các linh mục tu sĩ, vẫn tự mãn đề cao và áp dụng hạn từ đó cho mình). Có một thiếu sót trầm trọng nào đó trong việc chiên ngắm ‘Người Samari Thập Giá’ của các Kitô hữu chúng ta. “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy”, lời Đức Giêsu nói với ông thầy thông luật, lẽ ra phải là cả một chương trình chiêm ngắm và hành động của mỗi Kitô hữu chúng ta qua các thời đại.
Ồi, nếu tôi đã biết chiêm ngắm nhiều hơn nữa một Thiên Chúa “đã thực thi lòng thương xót đối với…” chính tôi; một Thiên Chúa đã coi tôi là một cận thân, ngay cả khi tôi thù hằn và đối nghịch với Người, đã “chạnh lòng thương… lại gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho tôi, băng bó lại… rồi vực lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…”! Thiết nghĩ toàn bộ chương trình sống Kitô hữu của tôi chỉ hệ tại ở việc ‘chiêm ngắm lòng thương xót Chúa đã dành cho mình… và ra đi… cũng làm như vậy’.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm một Giêsu thập giá, mà ‘người Samari tốt lành’ của bài dụ ngôn chỉ là một phác thảo mờ nhạt; và rồi hãy ra đi và hành động như Người đã làm.
Lạy Chúa Giêsu, để xây dựng và củng cố niềm tin và đời sống Kitô hữu của con, con sẽ không xin Chúa giúp con điều gì khác ngoài việc biết say sưa chiêm ngắm tình yêu thương xót Chúa biểu hiện nơi thập giá, cách riêng mỗi lần cử hành cách sinh động mầu nhiệm tự hiến Chúa dành cho chính con. Làm sao để càng chiêm ngưỡng và cử hành Đức Kitô – ‘Người Samari Thập Giá nhân hậu’, con càng biết sống và thực thi tình yêu tha nhân cách chân thành và quảng đại hơn. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
———————————————
Chúng Ta Đang Kết Thân Với Ai?
Người Việt Nam hình như rất thích khoe gia thế của mình. Gần đây tôi có dịp ra Hà Nội nên hay được nghe giới thiệu về gia thế của họ là cháu ông này, em ông kia. . . Thậm chí có anh lái taxi cũng khoe mình là cận vệ của các bác ở trung ương. Anh ấy còn đưa 1 tấm hình đang chụp chung với lãnh đạo và hỏi: anh biết ông này là ai không? Tôi bảo: hình như không. Anh ta nói: lạ nhỉ, tuổi như anh mà không biết lãnh đạo à? Tôi cười cười và bảo mình chỉ bận tâm kiếm tiền và những ai giúp đỡ mình thôi.
Phải chăng đây là nguyên do phát sinh câu: “có biết bố mày là ai không?”
Trang báo tuổi trẻ cười có viết câu chuyện rằng: Bữa nọ, hết tiền, Chí Phèo lục tục đi kiếm cây ATM để rút ăn xài. Trúng ngày phát lương, nên người đi rút tiền xếp hàng dài mấy thước. Mặc kệ, thiên hạ này là cái thá gì, xếp hàng là thứ không có trong từ điển Chí Phèo. Phèo ta ngang nhiên chen vào trụ ATM để được rút tiền đầu tiên. Thấy bộ dạng côn đồ của Phèo, ai nấy đều dạt ra cho yên chuyện. Trừ một chị, chắc xưa nay chưa giao tiếp với giang hồ bao giờ, mới thỏ thẻ lên tiếng: “Anh gì ơi! Làm ơn xếp hàng trật tự dùm em với!”. Nghe câu ấy, Phèo ta giật bắn người như bị điện cao thế giật, liền quắc mắt quay sang người phụ nữ: “Câm mồm! Mày có biết bố mày là ai không?”. Người phụ nữ đáng thương thật thà trả lời như lần đầu đi phỏng vấn tuyển dụng: “Chỉ có con hoang mới không biết bố mình là ai thôi anh ạ”. Thế là Chí Phèo nổi điên lên, xông vào đánh chị kia lên bờ xuống ruộng…
Công an đến tóm cổ hắn về đồn và hỏi hắn: vậy bố mày là ai ? Chí Phèo mới buồn bã nói: thực tình cháu không biết bố cháu là ai, nên cứ đi tìm mãi, mà cái chị kia dám nói tới nỗi đau của cháu là thằng con hoang nên cháu không kềm được liền đánh cho chị ấy một trận.
Chuyện vui thôi nhưng cũng phản ánh hiện thực xã hội. Con người thích kết giao với kẻ giầu có. Thích núp bóng kẻ quyền thế. Thích kết nghĩa anh em với người có tiền, có địa vị trong xã hội. Khi có quyền, có tiền thì ở trong hang, trong rừng vẫn có người lui tới. Khi không có tiền thì dầu ở giữa phố thị cũng chẳng ai thèm thân.
Lời Chúa hôm nay đang hỏi chính chúng ta vậy ai là người thân của bạn? hay có thể nói rõ hơn là: bạn đang thân cận, kết giao với ai? Ai là kẻ bạn đang tìm đến để kết thân? Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi dửng dưng với kẻ bị nạn phản ánh cách sống của họ luôn xa lánh kẻ hèn yếu. Không dám kết thân với người bất hạnh. Bởi vì kết thân với kẻ yếu, kẻ bất hạnh thì chẳng được lợi có khi còn phải tốn kém của cải. Đây cũng là điều mà nhiều giáo dân than phiền vì cha xứ chỉ kết thân với người giầu, giao du với người quyền thế nhưng lại thờ ơ trước những đau khổ, bất hạnh của tín hữu trong xứ đạo.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết rằng “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi”, là bài hát như nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải biết mở tâm hồn để gió cuốn đi những nghĩa cử yêu thương, những việc làm phúc đức, hãy gieo yêu thương đến với mọi người thì niềm vui mới đến với chúng ta.
Người Samaria đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại. Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương. Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích. Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau. Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————-
Để Được Sống Đời Đời
Được sống đời đời là khát vọng sâu thẳm, mãnh liệt và tha thiết nhất của con người. Đã là người thì ai cũng khát khao được sống, không chỉ là sống lây lất trên cõi đời nầy, nhưng là được sống trong hạnh phúc mãi mãi đời sau. Nếu chiếm hữu được cả thế gian làm cơ nghiệp mà không được hưởng sự sống đời đời thì cũng chẳng đến đâu!
Do đó, từ thâm tâm mỗi người phát sinh một câu hỏi quan trọng: Tôi phải làm gì để được sống đời đời?
Câu hỏi nầy cũng đã được thầy thông luật đặt ra với Chúa Giêsu hôm xưa: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Ngài gợi ý cho ông tự tìm kiếm câu trả lời. Ông đáp: Muốn được sống đời đời thì: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi và hãy thương mến anh em như chính mình.”
Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống.”
Qua đối thoại nầy, Chúa Giêsu trao cho chúng ta chìa khóa để vào thiên đàng, đó là kính mến Chúa hết lòng và yêu thương người khác như bản thân mình.
Điều đáng lưu ý là trong hai bổn phận nầy, việc nào trọng hơn?
Nhiều người cho rằng: Chúa là trên hết, là Đấng tạo dựng trời đất muôn vật muôn loài và sinh ra chúng ta… nên phải hết lòng kính mến thờ phượng Ngài; còn những người chung quanh chỉ là người phàm hèn mọn, nên không cần phải yêu thương phục vụ, miễn là đừng làm điều ác cho người khác là được rồi.
Vì thế, họ cho rằng chỉ cần giữ tròn luật mến Chúa, chủ yếu là siêng năng tham dự Thánh lễ, đọc kinh lần hạt… Còn việc yêu thương phục vụ người khác là thứ yếu, làm được thì tốt, không thực hành cũng chẳng sao. Thế là người ta lơ là, không quan tâm giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh.
Sống đạo như thế là thiếu sót, không đúng với giáo huấn của Thiên Chúa và Hội Thánh.
Không cứu giúp người bất hạnh là trọng tội
Thờ ơ, vô cảm, không ra tay cứu giúp người bất hạnh là trọng tội. Tại sao?
Bởi vì Hội Thánh dạy rằng: “Chúa Giêsu đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những kẻ bị tù đày… ” Nói khác đi, Chúa là một với những người khốn khổ cũng như với mọi người chung quanh.
Và Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng: “Mỗi lần các ngươi làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40).
Như vậy, hai điều răn mến Chúa và yêu người trở thành một. Thiên Chúa hiện diện nơi mỗi người, trở nên một với mỗi người… Do đó, phục vụ con người là phụng sự Thiên Chúa; lơ là, vô cảm với người bất hạnh là bỏ rơi chính Chúa.
Chúa Giêsu cũng nghiêm khắc cảnh báo rằng: Những ai lơ là, không quan tâm phục vụ người bất hạnh thì phải mang hậu quả tai hại về sau. Đến ngày phán xét, Ngài sẽ nói với những người đó rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời… vì xưa Ta đói, các ngươi chẳng cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; … Ta đau yếu, các ngươi chẳng viếng thăm” (Mt 25, 41).
Lạy Chúa Giêsu. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con quy luật mến Chúa yêu người như là chìa khóa mở cửa thiên đàng, giúp chúng con được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc.
Xin giúp chúng con biết vận dụng chìa khóa nầy để tiến vào cõi phúc bằng cách tôn trọng, yêu mến và phục vụ Chúa đang hiện diện nơi những người chung quanh. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————
Hoa Samari
CN 15TN.C – (Lc 10, 25 – 37)
Hoa thơm tươi nở giữa bùn đen
Lan tỏa nhẹ nhàng tựa đóa sen
Nhân thế phong trần, nhân thế tốt
Tình trời cao cả, tình trời khen
Hiệp thông, bác ái nên mầu nhiệm
Chia rẽ, bất công thấy thấp hèn
Hoan lộ Nước Trời vui tiến bước
Men nồng, muối mặn chốn đua chen.
Hạt Nắng
———————————————–
Hành Trình Tình Yêu
CN 15TN.C – (Lc 10, 25 – 37)
Đường Phúc Thật, Chúa gọi con tiến bước,
đường gập ghềnh, đường hiểm trở, gian nan.
Đường chông chênh, đường thử thách trái tim vàng,
lòng quảng đại yêu thương người cùng khổ.
Biết lắng nghe tiếng lòng người thổ lộ,
tiếng thở than giữa dòng chảy cuộc đời.
Tiếng thì thầm, nức nở giữa biển khơi,
tiếng rên xiết tận đáy lòng người bất hạnh.
Bằng con tim, bằng tình yêu lành mạnh,
bằng đôi tay chăm sóc những vết thương.
Dầu Tình Yêu xoa bóp nỗi đoạn trường,
dầu Nhân Ái quan tâm người hoạn nạn.
Trái tim yêu không nửa vời, nứt rạn,
yêu đến tận cùng, không bỏ cuộc buông xuôi.
Yêu nhiệt tâm, tha thiết thắm tình người,
trái tim phục vụ chân thành luôn bừng cháy.
Đường về quê Trời, hiến dâng, lòng trông cậy,
tựa vào trái tim Chúa nhân từ, con can đảm bước đi.
Bâng Khuâng Chiều Tím
—————————————-
Người Tình Samari
CN 15TN.C – (Lc 10, 25 – 37)
Đường đời giăng mây đen,
đắng chát tâm can, lang thang dưới ánh đèn.
Dòng đời chông chênh, xót xa tình nhân thế,
bao nỗi ê chề, nhục nhằn kiếp đua chen.
Trên đường về đêm nay,
bối rối con tim, hoang mang kiếp đọa đày.
Từng giọt men cay, rót tim lòng nhức nhối,
lạc lối đường về, ngậm ngùi nhìn mây bay.
Chúa! Người Tình muôn thưở,
đã đến bên con dìu con trở về.
Chúa! Người Tình Samari,
băng bó vết thương tim lòng nhức nhối.
Chúa! Ngài là Tình Yêu,
dẫn lối con qua tăm tối ê chề.
Chúa! Ngài là Ánh Sáng,
thung lũng cuộc đời, Ngài dìu dắt con qua.
Trên hành trình hôm nay,
con quyết hăng say đi theo bước chân Ngài.
Trọn niềm tin yêu tiến vào lòng thế giới,
vui bước hành trình dù đường lắm chông gai.
Nồng nàn tình yêu thương,
đến với tha nhân chia vui lẫn sẻ buồn.
Phục vụ hy sinh đắp xây tình bác ái
như Chúa quên mình trên đồi nắng chiều vương.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————————
Nét Đẹp Samari
CN XV TN.C – (Lc 10, 25 – 37)
Thật đẹp thay bông hoa lòng hé nở,
giữa đời thường, giữa cuộc sống bon chen.
Giữa khó khăn, giữa hoàn cảnh thấp hèn,
lòng hào hiệp vẫn bừng lên toả sáng.
Cao quý thay, tình người luôn xán lạn,
hoa yêu thương không đợi phải đúng mùa.
Hoa ân tình bất chấp cả nắng mưa,
vẫn toả ngát hương thơm dù sương gió.
Chúa dạy con dù sống trong gian khó,
luôn nêu cao bài học của tình thương.
Biết quan tâm kẻ gặp nạn bên đường,
tình phục vụ, hy sinh, lòng quảng đại.
Người Samari, một tấm lòng nhân ái,
nêu cao gương hào khí đức yêu thương.
Chẳng ngại ngần, chẳng lo sợ vấn vương,
chọn đức ái vượt trên bao lề luật.
Tình yêu Chúa là chính nguồn sự thật,
xin giúp con can đảm sống trung kiên.
Giữa đường đời còn đau khổ triền miên,
sống chia sẻ xoá tan lòng thù hận.
Giới răn Chúa làm hồn con phấn chấn,
Biết thực thi Lời Chúa sống hy sinh.
Giữa anh em thân cận biết quên mình,
sống tình Chúa, tình người vui sứ mạng.
Lửa trong tim Chúa trao luôn bừng sáng,
mời gọi con mạnh mẽ bước vào đời.
Cùng với Ngài đi rảo khắp mọi nơi,
vui hiệp nhất, cảm thông tình liên đới.
Bước theo Chúa tâm hồn con phơi phới,
biết ưu tư trước nỗi khổ tha nhân.
Biết cho đi, biết chia sẻ thông phần,
không phân biệt màu da hay chủng tộc.
Bước vào đời con không còn đơn độc,
gặp gỡ người là gặp Chúa trong tim.
Vinh phúc thay nguồn hạnh phúc con tìm,
là yêu Chúa và yêu người nên một.
Nhờ ơn Chúa hoa lòng con tươi tốt,
biết hiến dâng hương thơm ngát cho đời.
Sống hoà mình hoa thắm nở trên môi,
mang nét đẹp Samari thời đại.
Hoa bất tử là hoa lòng nhân ái…
AP. Mặc Trầm Cung