SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 800, CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – C, CHÚA BA NGÔI, 12/06/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 16, 12-15)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Mầu Nhiệm Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thiên Chúa Như Đức Giêsu Muốn Diễn Tả Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Sống Hiệp Nhất Như Ba Ngôi Thiên Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sống Yêu Thương Hiệp Nhất Như Ba Ngôi Thiên Chúa Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Hiệp Nhất Hạt Nắng Trg 10
Huyền Nhiệm Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Mầu Nhiệm Yêu Thương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tôn Vinh Ba Ngôi Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 13
Mầu Nhiệm Đức Tin Và Tình Yêu A.P. Mặc Trầm Cung Trg 14

——————————————-

 

Mầu Nhiệm Tình Yêu

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó. Nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Đó là tình yêu hiệp thông. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết với nhau trong tình yêu. Tình yêu đó khiến cho Ba Ngôi trở nên một. Đây là điều Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: “Ta và Cha Ta là một”; “Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Nên một trong tư tưởng. Nên một trong hành động. Nên Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”. Sự hiệp thông trọn vẹn đến nỗi một Ngôi chính là biểu hiện của cả Ba Ngôi như Chúa Giêsu cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Thật là một sự kết hiệp trọn vẹn.

Đó là tình yêu dâng hiến. Chúa Cha có gì thì ban cho Chúa Con tất cả. Như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Chúa Cha ban cho Chúa Con cả chính bản thân mình nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Đến nỗi ai thấy Chúa Con là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Ngược lại, nhận được gì thì Chúa Con dâng lại cho Chúa Cha. Dâng cả bản thân. Dâng cả ý muốn. Dâng cả mạng sống. Khi hấp hối trong vườn Giệtsimani, Chúa Giêsu sợ hãi cái chết theo thánh ý Chúa Cha. Người đã tha thiết cầu nguyện: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Quả thật tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là một tình yêu dâng hiến hoàn toàn. Dâng hiến đến không còn giữ gì cho bản thân mình.

Đó là tình yêu tác sinh. Sự dâng hiến không làm cho tình yêu nghèo nàn đi. Trái lại càng làm cho tình yêu thêm sung mãn. Càng cho đi lại càng thêm phong phú. Càng nhận lãnh lại càng thêm năng lực cho đi. Tình yêu đó lan toả đến cả muôn loài muôn vật trong vũ trụ. Tình yêu tràn trề sung mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cữu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con ngày càng trở nên giống hình ảnh của Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Về lý thuyết, Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu. Nhưng thực ra Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rất cụ thể trong đời sống ta. Bạn hiểu điều này thế nào?
2. Ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Ta phải sống thế nào để là hình ảnh trung thực của Người?
3. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch hạnh phúc. Muốn được hạnh phúc ta phải kết hiệp với nguồn mạch hạnh phúc này. Nhưng để kết hiệp với Chúa Ba Ngôi, ta phải làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————————-

 

Thiên Chúa Như Đức Giêsu Muốn Diễn Tả

Thánh Gioan ghi nhận: Đức Giêsu trong diễn từ ly biệt đã khảng định: Người muốn nói với các môn đệ nhiều điều, và toàn là những nội dung tối quan trọng, có điều các ông hoàn toàn chưa sẵn sàng đón nghe: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em chưa có sức chịu nổi.” Tôi vẫn hay thắc mắc: điều gì mà có tầm quan trọng vượt bậc đến thế, để mà Đức Kitô gọi nó là: ‘sự thật toàn vẹn’?

Giáo hội chọn bản văn Gioan chương 16 cho lễ Chúa Ba Ngôi năm C quả là có ý nghĩa, chính vì đoạn Tin Mừng này hé mở cho thấy nội dung đích thực của cái thực tế vẫn thường được mệnh danh là mầu nhiệm ‘Chúa Ba Ngôi’. Điều này, tôi thiết nghĩ: các môn đệ cũng như các tín hữu tiên khởi chắc chắn đã nắm bắt rất rõ, trước cả khi nó được diễn đạt bằng công thức ‘Một Chúa Ba Ngôi – Sancta Trinitas ’.

Sự thật toàn vẹn Người đề cập tới trước hết bắt đầu bằng chính con người Đức Kitô Giêsu: “Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”. Đức Giêsu đã lặp lại câu nói trên tới hai lần, điều này cho thấy: chỉ khi nào ta khởi đi từ Giêsu, ta mới có thể hiểu biết cách chính xác, Thiên Chúa thật sự là ai.

Trước mắt các môn đệ là: một ông Giêsu xuất thân từ làng quê Nazareth; ông là một bậc thầy đang rao giảng một học thuyết rất kì lạ; còn hơn thế nữa, ông đã có một đời sống và một cái chết không ai hiểu nổi. Ông khảng định rằng: đó là cuộc sống và cái chết trọn vẹn hiến dâng và trao ban, không chỉ cho người tốt mà cả cho kẻ xấu. Nhưng nếu chỉ là cá nhân ông như thế thì dầu có anh hùng và đáng khâm phục thật, nhưng cũng chỉ cá lẻ một mình ông mà thôi. Đàng này ông lại không ngừng tuyên bố rằng: con người và cuộc sống (nhất là cái chết Thập Giá) của ông là biểu lộ trung thực nhất về Thiên Chúa, Đấng mà ông không những gọi là Cha của mình, mà còn tự đồng hóa mình với Ngài. Và Đấng đó, khác với suy nghĩ thông thường của người Do Thái, kể cả các thầy tiến sĩ thông luật thời đó, cũng là Thiên Chúa – Cha đầy nhân ái của hết thảy mọi người, cách riêng những người tội lỗi nhất; sau này qua việc ông được cho chỗi dậy từ cõi chết, những lời khẳng định trên của ông trở nên có sức thuyết phục không ai cưỡng lại được.

Nhận biết được điều này mới là nhận biết Giêsu cách đích thực, đồng thời cũng là nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình” (Ga 13:31-32). Tuy nhiên qua phát biểu của một số môn đệ thâm tín nhất như Tôma (Ga 14:5-7) Philipphê (Ga 14:8-11) Giuđa không phải Itcariốt (Ga 14:22-24)…, ta biết: điều này xem ra không dễ dàng được chấp nhận. Tin rằng ‘Thiên Chúa là Cha đầy nhân ái, yêu thương và tự hiến mình cho con người tội lỗi’ còn khó hơn cả tin ‘ba là một hay một là ba’. Điều sau này mới chỉ là một nghịch lý về mặt suy luận toán học, còn điều kia mới thực là nghịch lý làm đảo lộn mọi tương quan trời đất cố hữu. Cần phải chính Chúa Cha trong Đức Kitô gởi một nhân vật bí nhiệm là Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ đến mới đưa nổi các tín hữu tới sự hiểu biết và tin thác vào tình yêu vĩ đại này.

Như vậy công việc chính yếu của Chúa Thánh Thần là: làm cho Kitô hữu chúng ta nhận biết Đức Giêsu Thập Giá là Lời tình yêu vô song của Chúa Cha. Thánh Thần chính là đức tin đối thần của tín hữu chúng ta, là Đấng Sáng Soi cho phép ta tiếp cận, hiểu biết và chấp nhận điều mà lẽ thường ta ‘không có sức chịu nổi’; là Đấng dẫn ta ‘tới sự thật toàn vẹn’, vì chính sự thật này mới làm cho ta được sống và sống dồi dào. Vì thế Thánh Thần chính là Hồng Ân tình yêu vĩ đại nhất mà Chúa Cha nhân ái trong Đức Giêsu Kitô có thể ban, để ta tiến vào tình yêu sinh động và phong phú nhất của Người.

Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là khởi nguồn và cùng đích của niềm tin Kitô hữu. Mầu nhiệm đó không hệ tại ở việc, nó quá bí nhiệm tới nỗi không ai kham nổi, nhưng chính yếu hệ tại: nó quá phong phú, quá sinh động tới độ làm thay đổi toàn diện cuộc sống con người chúng ta. Mầu nhiệm đó chính là cốt lõi của Tin Mừng. Quả thực kể từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành môn đệ Đức Giêsu, mọi Kitô hữu sẽ không ngừng “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19) như một tuyên tín về tình yêu nhân ái vô biên của Thiên Chúa. Và bất cứ ai ngưng tuyên xưng khối tình yêu vĩ đại này như căn nguyên và sức sống của đời mình thì sẽ lập tức không còn là Kitô hữu đích thực nữa. Chúa Ba Ngôi quả thật là mầu nhiệm của các mầu nhiệm, nhưng không phải để hiểu biết mà là để sống!

Lạy Chúa, lẽ ra con đã phải cảm tạ khôn nguôi về niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, lẽ ra mỗi lần thốt lên ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ lòng con đã phải tràn ngập vui sướng. Nhưng tiếc thay thực tế đã không được như thế, chỉ vì con cứ ngắm nhìn Thiên Chúa như một Đấng quyền uy cao sang, nên nhiều khi con cảm thấy khó chịu về mầu nhiệm khó hiểu và khô khan này; nhiều khi con chỉ lạnh lùng thốt lên ‘nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần’ cách máy móc vội vàng, như một công thức vô bổ. Xin Thánh Thần tích cực tác động trong con, để dạy con điều con không thể kham nỗi, là nhận biết tình yêu nhân ái bao la của Thiên Chúa Cha, biểu lộ qua Thập Giá của Đức Kitô Giêsu. Xin cho con biết không ngừng ca ngợi Ba Ngôi từ ái. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

——————————————————-

 

Sống Hiệp Nhất Như Ba Ngôi Thiên Chúa

Mỗi người đều có một chốn bình yên cho riêng mình. Đó có thể là tình bạn tri kỷ luôn hiểu ta và thông cảm với ta. Đó có thể là tình yêu mà ta tìm được nơi đó sự chân thành chia sẻ khi ta gặp khó khăn. Và hầu như ai cũng công nhận rằng nơi bình yên nhất chính là gia đình, vì nơi đó cho ta tình yêu một cách vô vị lợi mà không tính toán chi li. Đó là nơi ta sẽ tìm về sau những phong ba bão táp trên đường đời.

Nhưng cái tình cảm gia đình ấy hôm nay cũng đang đứng trên bờ phá sản. Nhiều gia đình tan vỡ. Con cái đương nhiên mất đi mái ấm gia đình. Không còn gia đình cũng đồng nghĩa không còn được nuôi dưỡng trong tình yêu.

Ai đó đã nói: “Cưới nhau thì dễ chứ sống với nhau rất khó!”. Có nhiều cặp sau một thời gian dài yêu nhau say đắm đã quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại tồn tại rất ngắn, ngắn hơn cả khoảng thời gian yêu nhau. Có lẽ, họ đã hiểu sai về hôn nhân. Hôn nhân là dấu chỉ của một tình yêu, là khởi đầu cho một chuyện tình chứ không phải là kết thúc của tình yêu. Hôn nhân chỉ là mốc khởi đầu cho tình yêu lên ngôi nơi hai người chung xây mái ấm gia đình trăm năm hạnh phúc. Nhưng thực sự nhiều gia đình đã tan rã vì nơi ấy thiếu vắng tình yêu như câu thơ viết rằng:
Tình chồng vợ bao ngày ấp ủ
Nay vội vàng ai rũ sạch trơn
Ai gieo nên sợi tủi hờn
Để nay em phải cô đơn một mình.

Gia đình là kết quả của tình yêu. Tình yêu không còn thì lời thề sắt son cũng tàn phai.
Ngày xưa ấy hoa tình chớm nở
Câu hẹn thề chồng vợ săt son
Cho dù nước chảy đá mòn
Gia đình hạnh phúc bên con chẳng rời.

Hôm nay chúng ta nhìn lên Chúa Ba Ngôi như một gia đình. Tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã hiệp nhất nên Một trong Chúa Ba Ngôi. Không có tình yêu thì không thể hiệp nhất. Sự hiệp nhất ấy tạo nên một tình yêu ban tặng cho thế gian qua công trình tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa con người nên con cái của Thiên Chúa. Sự hiệp nhất đến độ trong mỗi chương trình của Thiên Chúa luôn có sự kết hợp của cả Ba Ngôi.

Cụ thể trong chương trình sáng tạo là của Chúa Cha, thế nhưng Ngài đã sáng tạo bằng “Lời” và được thổi sinh khí nhờ Chúa Thánh Thần. Trong chương trình Cứu Chuộc, Chúa Giêsu đã thực hiện do ý định, đường lối của Chúa Cha và nhờ tác động bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần để Ngôi Hai nhập thế cứu đời. Và hôm nay nhờ Chúa Thánh Thần mọi chương trình của Chúa Cha, Chúa Con đều là hồng ân ân sủng được ban tặng cho con người qua tác động của Chúa Ngôi Ba.

Vì vậy, để gia đình luôn bền vững yêu thương nhau thì mỗi người hãy biết sống tròn trách nhiệm của mình trong gia đình. Nhất là luôn biết sống yêu thương, chia sẻ, bổ sung cho nhau, chấp nhận lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau. Con người ta dù tài giỏi mạnh mẽ tới đâu thì cũng có lúc cần một bến đỗ bình yên để lấy lại sức lực sau những phong ba của cuộc đời. Dù khỏe mạnh, thành công, giàu có, xinh đẹp, hẳn sẽ có lúc nào đó sa cơ thất thế… Những lúc đó người ta dựa vào niềm tin và tình yêu thương gia đình để có động lực vượt qua và đi tới.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống hiệp nhất với nhau như tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và xin cho chúng ta biết gìn giữ ngọn lửa yêu thương của Thiên Chúa để toả sáng gam màu tình yêu của mình trong mái ấm gia đình và tỏa lan cho mọi người chung quanh. Amen

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

———————————————–

 

Sống Yêu Thương Hiệp Nhất Như Ba Ngôi Thiên Chúa

Mầu Nhiệm Ba Ngôi tuy cao siêu nhưng không viển vông xa rời thực tế. Trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, gắn bó mật thiết với đời sống người tín hữu. Mầu Nhiệm nầy mời gọi các Kitô hữu luôn sống yêu thương hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ngoài ra, khi tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa là một, chúng ta không nên hiểu từ “một” theo nghĩa số học, như là một người, một vật… nhưng theo nghĩa Kinh Thánh, như trong hôn nhân, vợ với chồng là “một”, tuy vẫn là hai.

Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông nên một
Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm “Gia đình Ba Ngôi” . “Gia đình” nầy có Ba Ngôi, hay nói dễ hiểu hơn là ba Vị: Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, ba Vị không đơn độc nhưng luôn hiệp thông với nhau.

Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta biết sự hiệp thông khắng khít giữa Ngài và Chúa Cha như sau: “Thầy với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, “Ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha” và “Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy” (Ga 16,15).

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Ngài” (Ga 3,35). Và “Chúa Con yêu Chúa Cha nên làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy” (Ga 14, 31).

Còn Thánh Thần là Đấng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, là một và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con.

Như thế, trong “Gia đình” nầy, tình yêu thương đậm đà thắm thiết giữa Ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, thế nên Hội Thánh dạy rằng dù Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.

Vợ với chồng tuy hai mà một
Thế rồi, “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy gồm hai người, tức là hai vị khác nhau, nhưng cũng chỉ là một.

Để trình bày tính cách ‘hai mà một’ nầy, kinh thánh mô tả cách thi vị như sau: Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà dựng nên Evà rồi dẫn bà đến với ông. Bấy giờ A-đam nói: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” Vì thế, Ađam gắn bó với vợ mình và “cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Qua Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng trong hôn nhân, hai vợ chồng “không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt” nên không bao giờ được chia lìa (Mt 19,6).

Gia đình Hội thánh tuy có nhiều người nhưng chỉ là một
Chúa Giêsu còn thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Ngài, cho họ trở nên chi thể trong thân mình Ngài.

Thánh Phaolô dạy: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giêsu không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: Một nhiệm thể Chúa Kitô.

Ngoài ra, Chúa Giêsu muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải bền chặt như sự hiệp thông giữa Ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ, Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 21).

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con quyết tâm chọn “Gia đình Ba Ngôi” làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình chúng con, xây dựng giáo xứ chúng con thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia đình” Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội đồng Giám mục Việt Nam : “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.” Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————————

 

Hiệp Nhất
Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 16, 12 – 15)

Nhiệm mầu hiệp nhất Chúa Ba Ngôi

Nồng thắm yêu thương chẳng tách rời

Tác tạo muôn loài, Cha kiến thiết

Phục sinh nhân loại, Con vâng lời

Thánh Linh soi sáng, băng giông tố

Thần Khí ủi an, vượt sóng đời

Thiên Chúa Tình Yêu nguồn suối mát

Trào tuôn sự sống đến muôn người.

Hạt Nắng

—————————————————

 

Huyền Nhiệm Tình Yêu
(Lễ Chúa Ba Ngôi)

Từ muôn đời Chúa tạo dựng nên con,
gọi tên con khi hoài thai trong lòng mẹ.
Đưa con vào đời khúc tình ca ru nhẹ,
thánh hóa con nên ngôn sứ của Người (Gr 1, 5)

Giữa đất trời, tình bay bổng chơi vơi,
ham mê trần thế, con đánh rơi sứ mạng.
Quá yêu con, Cha không hề quên lãng,
lời hứa xưa, tất tả kiếm tìm con,
dẫu giông tố bão bùng, dẫu chuyển động núi non,
sai Thánh Tử xuống trần,
hiến thân, chuyển thông ơn cứu chuộc.

Tìm gặp con, ban tràn đầy ơn phước,
đưa con về, ngụp lặn trong nguồn suối trường sinh.
Sức mạnh tăng cường nhờ lương thực thần linh,
ban Đấng Bảo Trợ đồng hành, ủi an, nâng đỡ.

Tình Yêu Thiên Chúa bao la rộng mở,
không xa vời nhưng rất gần gũi thân thương.
Huyền Nhiệm Tình Yêu là khúc nhạc du dương
Ba Ngôi Thiên Chúa trong mối tình hiệp nhất.

Sống trong tình yêu, con nhận ra sự thật,
sự thật đời mình được sinh ra bởi Tình Yêu.
Trọn đời con phải họa lại nét phong nhiêu,
chân dung Ba Ngôi Thiên Chúa,
hạnh phúc, yêu thương tràn đầy sung mãn.

Huyền Nhiệm Tình Yêu vượt thời gian năm tháng,
toàn năng, cao vời, ngời sáng mãi thiên thu.

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————————–

 

Mầu Nhiệm Yêu Thương
Lễ Chúa Ba Ngôi – (Ga 16, 12 – 15)

Tình yêu nhiệm mầu là tình yêu thương hiệp nhất,
tình Chúa Ba Ngôi đã yêu thương con vô bờ.
Cha vẫn đợi chờ dù tội con cao chất ngất,
Máu Thánh Ngôi Hai rửa con sạch mọi vết nhơ.

Gọi con trở về trong vòng tay Cha yêu dấu,
ơn Thánh Linh ban chiếu soi dìu bước con về.
Niềm vui tràn trề, nồng nàn nào ai suy thấu,
Tình Chúa bao dung cứu con thoát vòng u mê.

Con suy tôn, Con tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa,
tái sinh đời con trổ sinh hoa trái đầu mùa.
Bác ái chan hòa, quên mình, vâng theo Thánh Ý,
phản ánh Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa đậm sâu.

Theo Chúa trọn đời, từ nay con xin dâng hiến,
chén đắng Cha ban trở nên ân phúc ngọt ngào.
Hiệp thông, phục vụ theo đường mầu nhiệm thập giá,
Giáo hội nhiệm mầu, khiêm nhường, sứ vụ vươn cao.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————-

 

Tôn Vinh Ba Ngôi Tình Yêu
(Lễ Chúa Ba Ngôi)

Nhân danh Tình Yêu – Chúa Ba Ngôi,
con bước vào đời,
giữa bao hiểm nguy, sống cho Tình Yêu,
đến với mọi người.
Giới thiệu về Cha,
quá yêu trần gian, nhân loại tội lỗi.
hiến dâng Con Một, giáng trần, giá máu hy sinh.

Mê say phù vinh, thích sa hoa,
con đã bội tình,
đua tranh lộc – danh, lãng quên Tình Yêu,
lạc bước hành trình.
Mãnh lực cuồng phong,
nhân danh trần gian, sa lầy tăm tối.
suối trong xá tội, đắm chìm, tình Chúa Ba Ngôi.

Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Cha thắm tình nồng,
tác tạo muôn loài, tinh tuyền, thông truyền sự sống.
Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Hai uống cạn chén đắng,
ý Cha nên trọn, đường thập giá, máu hồng đơm bông.

Xin tôn vinh, tôn vinh Ngôi Ba ánh lửa hồng,
thanh luyện tâm hồn khô cằn, khơi nguồn sức sống.
Xin tôn vinh, tôn vinh Ba Ngôi kết hiệp linh thánh,
thánh ân tuôn trào, Lòng Thương Xót, suối mạch trinh trong.

Nhân danh Tình Yêu – Chúa Ba Ngôi,
nhân chứng giữa đời,
sóng xô, bão giông, vững tâm cậy trông,
tín thác cuộc đời.
Sức mạnh Thần Linh,
vững một niềm tin, gieo mầm chân lý,
trái tim hướng thiện, tôn thờ Một Chúa Ba Ngôi.

Nắng Sài Gòn

—————————————————-

Mầu Nhiệm Đức Tin Và Tình Yêu
(Lễ Chúa Ba Ngôi – (Ga 16, 12 – 15)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả,
con kính yêu, phục bái tôn thờ.
Đã cho con cả trời mơ,
để con được sống nương nhờ thánh ân.

Ngài tác động mở dần tâm trí,
con hiểu được chân lý cao siêu.
Giúp con suy niệm mọi điều ,
nhận ra Thánh ý tình yêu cao vời.

Chúa Ba Ngôi sáng ngời, chân thật,
vén bức màn hiệp nhất yêu thương.
Ngôi Cha làm chủ muôn phương,
Ngôi Con dâng hiến, tỏ tường Ngôi Ba.

Xin hát khúc hoan ca tán tụng,
tình Cha ban ân phúc tuyệt vời.
Vì yêu sáng tạo đất trời,
con người hạnh phúc muôn đời tôn vinh.

Khi phản loạn bạc tình nhu nhược,
sai Chúa Con cứu chuộc nhân trần.
Con người nối lại tình thân,
xóa bao lầm lỗi dự phần ơn thiêng.

Nguồn thánh hóa thiêng liêng cao trọng,
ơn Thánh Linh sống động khứng ban.
Nguồn ơn thánh sủng tuôn tràn,
sáng soi chân lý dẫn đàng khôn ngoan.

Nâng bước con giữa ngàn nguy khốn,
dạy dỗ con khiêm tốn, tin yêu.
Lời kinh tán tụng sớm chiều,
Ba Ngôi Hiệp Nhất tín điều vững tin.

Nhân Danh Cha, Đấng Công Minh,
Ngôi Con Chí Ái, Thánh Linh uy hùng.
Ngợi khen Thiên Chúa ngàn trùng…

AP. Mặc Trầm Cung