SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 799, CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG – C, 05/06/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 20, 19-23)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Chúa Thánh Thần – Đấng Đổi Mới &
Chúa Thánh Thần – Đấng Ban Sự Sống ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy & Anh Em Biết Người Vì Người Luôn Ở Trong Anh Em Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Thánh Thần Nhắc Nhớ Anh Em Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 9
Chúa Thánh Thần Là Mạch Nước Ban Sự Sống Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10

THƠ TIN MỪNG

Đấng Bảo Trợ Hạt Nắng Trg 12
Khúc Hát Hồi Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 13
Khát Vọng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 14
Thần Khí Chúa Nắng Sài Gòn Trg 15
Xin Thánh Linh Biến Đổi A.P. Mặc Trầm Cung Trg 16

——————————————————

 

Chúa Thánh Thần – Đấng Đổi Mới
(Cv 2,1-11)

Qua bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy Đức Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới.
Ngài đã đổi mới trí khôn các Tông đồ. Các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều. Nhưng các ngài không hiểu. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.

Ngài đã đổi mới ý chí các Tông đồ. Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài đã ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe doạ, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.

Ngài đã đổi mới trái tim các Tông đồ. Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao. Mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những trái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành trái tim yêu thương.

Đời sống ta có quá nhiều yếu đuối. Trí khôn ta u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa. Ý chí ta bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa. Trái tim ta nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục. Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta. Để ta thấu hiểu Lời Chúa, thấu hiểu thánh ý Chúa muốn trong đời. Để ta mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa trong đời sống và để trái tim ta được thanh luyện luôn quảng đại cho đi, dâng hiến.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần đã đổi mới các thánh Tông đồ như thế nào?
2. Trong tôi còn những gì xưa cũ cần đổi mới?
3. Ai cũng có nhu cầu đổi mới nhà cửa, đời sống vật chất. Bạn có thấy nhu cầu đổi mới tâm hồn không?

Chúa Thánh Thần – Đấng Ban Sự Sống
(Ga 20,19-21)

Hơi thở tượng trưng cho sự sống. Còn thở là còn sống. Hết thở là hết sống. Hôm nay, Đức Giêsu thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Thổi hơi để chỉ rằng Đức Chúa Thánh Thần là hơi thở. Thở hơi để truyền sự sống. Ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống.

Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban Sự Sống. Điều này được diễn tả trong sách Sáng Thế. Thuở tạo thiên lập địa, cả vũ trụ chưa nên hình nên dạng, chưa có sự sống. Trời đất là một khối hỗn mang. Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (St 1,1). Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước để vũ trụ được định hình. Thánh Thần Chúa ban cho trời đất một diện mạo. Và trên hết Thánh Thần Chúa ban sự sống cho muôn loài.

Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại. Ngôn sứ Êdêkien đã được thấy trong một thị kiến như sau: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng Thần Khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. Người bảo tôi: “Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”. Tôi thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó”. Bấy giờ Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Ngươi hãy nói với Thần Khí: Từ bốn phương trời, hỡi Thần Khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh. Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên” (Ed 37,1-10). Thánh Phaolô quả quyết: Đức Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết.

Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4).

Từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ngài cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ngài. Các ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.

Ngày chịu phép rửa tội, ta đã nhận được sự sống của Chúa. Tuy nhiên có nhiều chỗ trong linh hồn ta không có sự sống vì tội đã ngăn cản ơn thánh và làm chết đi nhiều phần trong linh hồn. Những dục vọng, đam mê, tham vọng, tinh thần thế tục giống như vi trùng len lỏi vào linh hồn làm cho sự sống của Chúa bị tổn thương. Linh hồn suy nhược không còn tha thiết làm việc lành. Hôm nay ta hãy xin Đức Chúa Thánh Thần xuống Phục Sinh những thành phần chết chóc trong tâm hồn ta. Và nhất là xin Người ban sự sống mới cho tâm hồn ta. Giúp ta biết tẩy bỏ lối sống, lối suy nghĩ, lối cư xử xưa cũ theo tinh thần thế tục, để sống một đời sống mới, sống nhiệt thành, sống bác ái, sống quên mình, sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân hơn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại và ban sự sống mới. Bạn có thấy linh hồn bạn cần những sự sống này không?
2. Sau khi nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã thay đổi đời sống. Bạn cũng đã nhận ơn Chúa Thánh Thần, đời sống bạn có thay đổi gì không?
3. Đức Chúa Thánh Thần luôn sai đi. Hôm nay bạn cảm thấy Chúa Thánh Thần sai bạn đi làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————–

 

Lễ Vọng:

Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy
(Ga 7, 37-39)

Vào ngày bế mạc tuần Lễ Lều, ngày mừng long trọng nhất, một đám rước đi đến hồ nước Silôác để lấy nước theo nghi lễ, đó chính là dịp để Đức Giêsu loan báo về ‘ân huệ’ Thiên Chúa ban là ‘nước hằng sống’: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7:33… của Christian Community Bible). Tuy nhiên, để nắm bắt được nội dung và ý nghĩa của lời tuyên bố này, ta cần nghiên cứu sâu rộng thêm. Người Do Thái biết lời đó ám chỉ điều mà ngôn sứ Isaia đã muốn nói tới trong Is 58:11, nhưng cách nói và bối cảnh nói thì họ ngầm hiểu Người đang muốn đề cập tới một điều gì đó có tầm quan trọng lớn lắm.

Ngay từ khởi thủy, khi trời đất mới được tạo thành, sách ‘Khởi Nguyên’ đã ghi nhận: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất” (Kn 1:7). Thần khí lúc đó, theo cách hiểu của Cựu Ước, chính là sức sống Thiên Chúa tuôn đổ trên vạn vật. Sau này khi ‘thần khí’ được hiểu như sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa được thông ban, thì câu trên được hiểu là thời đại nào Thiên Chúa cũng cho xuất hiện những ngôn sứ, những bậc anh hùng hoặc kỳ tài; nói cách khác, thần khí Chúa luôn tác động nơi những tâm hồn ngay chính và được chọn lọc. Khi sức dầu phong Saul làm vua, ngôn sứ Samuen đã nói với ông: “Bấy giờ thần khí Đức Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xuất thần ngôn sứ cùng với họ, và ông sẽ biến thành một người khác” (1Sm 10:6). Chính trong cách hiểu đó mà Môsê đã từng mơ ước sẽ tới ngày “Đức Chúa ban thần khí của Người trên toàn toàn dân của Người, đề họ đều là ngôn sứ, vì Đức Chúa đã ban thần khí của Người trên họ” (Ds 11:29). Thần khí theo nội dung này vẫn luôn hoạt động cho tới ngày hôm nay trên toàn thế giới, nơi mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa và truyền thống khác nhau… trong tất cả mọi lãnh vực như kinh tế, nghệ thuật, chính trị, khoa học v.v…

Thế còn Thần Khí của Đức Kitô mà Kitô hữu vẫn quen gọi là Chúa Thánh Thần thì sao?, Người được ban cho ai và ai mới có khả năng đón nhận? và đón nhận Người với các điều kiện nào? Nếu trả lời được các vấn nạn trên, chính là ta xác lập được cho mình nền móng vững chắc của đời sống Kitô hữu vậy! Trước hết ta hãy nghe tác giả Gioan khẳng định: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Qua câu nói trên Gioan rõ ràng đang đưa ra lời giải đáp dứt khoát cho các vấn nạn trên.

Thần Khí này được ban cho những ai, và ai mới là người có khả năng đón nhận? – Thưa cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa. Kitô hữu chúng ta biết rằng, Thần Khí được ban sau khi Ngôi Lời – Con Thiên Chúa xuất hiện; và cũng như Ngôi Lời đến với tất cả mọi người thì mọi người cũng sẽ được thông ban Thần Khí Chúa. Nói như thế có nghĩa là: bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể đón nhận Thần Khí vì họ đã đón nhận Lời. Thế nhưng Lời Chúa không thể hiểu như những lời dạy dỗ được viết ra trong các Sách Thánh, mà Lời đây chính là chính Đức Kitô, Ngôi Lời mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Ai tiếp nhận Lời đó mới có tư thế đón nhận Thần Khí của Lời, vì Thần Khí chính là mạc khải và tín thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là Cha. Theo nội dung này thì Thần Khí chỉ có thể được ban cho các Kitô hữu – mọi Kitô hữu – vì họ là những người duy nhất đã đón nhận Lời tình yêu cứu độ.

Trong điều kiện nào ta mới có thể đón nhận Thần Khí? – Thưa Gioan khảng định: “thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần khí”. Điều đó có nghĩa là: cho tới lúc đó ngay cả các môn đệ và nhóm mười hai đi theo Chúa vẫn chưa ai nhận được Thần Khí, chính xác hơn, chưa ai có khả năng đón nhận vì chẳng ai hội đủ điều kiện. Và lý do là: “… vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Thế còn: khi nào thì Người mới được tôn vinh? – Về vấn nạn này thì đoạn văn Ga 11:20-33 đã cống hiến cho ta lời giải đáp của chính Đức Giêsu; Người gọi giờ phút tiến lên nhận lấy cái chết Thập Giá là “giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 13:31-32), và không riêng Người, đó cũng là giờ mà cả Chúa Cha từ nhân cũng được tôn vinh nữa. Có lẽ chính vì thế mà chỉ sau khi đã sống lại, trong lần hiện ra đầu tiên cho các môn đệ, Người mới “thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận Thánh Thần” (Ga 20:22). Phần trao ban là như thế, còn phần các môn đệ đón nhận thì sao? Trong dịp lễ Ngũ Tuần sau khi Người về trời, các ông mới ‘được giác ngộ’ về sự tôn vinh Thập Giá nhờ hiệp ý cùng nhau cầu nguyện cùng với Mẹ Đức Kitô; và chỉ lúc đó Thánh Thần mới thật sự được ban cho (Cv 1:12-14; 2:1-4).

Đối với Kitô hữu chúng ta thì, lẽ ra ngày Rửa Tội phải là ngày ta ‘được giác ngộ’, để khởi sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá và Chúa Cha nhân lành trong cuộc sống mình! Chính vì thế mà Hội Thánh, ngay từ thuở ban đầu, đã luôn coi Phép Rửa là thời điểm trao ban và lãnh nhận Thánh Thần (điển hình, xin tham khảo đặc biệt Công Vụ chương 10 về việc Phêrô ban Phép Rửa cho gia đình Cônêliô). Tuy nhiên không phải cứ lãnh Phép Rửa cách máy móc là được trao ban Thần Khí đâu, mà chỉ khi nào ta thật sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá trong cuộc sống mình, lúc đó ta mới thật sự lãnh nhận. Thần Khí lúc đó mới thật là sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa nhân hậu được ban cho từng người chúng ta.

Như Môsê, hôm nay tôi cũng có quyền mơ tới một ngày, khi ‘Đức Kitô ban Thần Khí của Người trên toàn thể Kitô hữu từng người một, để họ trở thành chứng nhân tình yêu nhân ái, vì Đức Kitô Thập Giá đã ban Thần Khí của Người trên họ’.

Lạy Thánh Thần của Đức Kitô tự hiến trên Thập Giá, xin cho con biết không ngừng tôn vinh Thập Giá Đức Kitô trong cuộc sống mình, để con hội đủ điều kiện lãnh nhận Thần Khí cách trọn vẹn hơn, đồng thời cũng có khả năng cộng tác với Người để trở nên chứng nhân tình yêu nhân ái của Chúa cho mọi người. Amen

Anh Em Biết Người,
Vì Người Luôn Ở Trong Anh Em
(Ga 20:19-23; Ga 14:15-16, 23b-26)

Trước khi về với Chúa Cha, và trong quyền năng của Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ Thần Khí của Người, ‘Người thổi hơi vào các ông và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”; vậy thì Thánh Thần là ai mới được?

Phúc âm ghi lại hai từ vựng Đức Giêsu dùng để chỉ nhân vật này: ‘Thần Khí’ (Divine Spirit) có nguồn gốc Cựu Ước, và ‘Đấng Bảo Trợ’ (Paraclet) một danh xưng hoàn toàn mới.

Trong Cựu Ước thần khí Chúa có nghĩa là ‘sức mạnh của Đức Chúa’, tức đơn thuần là một thuộc tính của Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Tân Ước của Đức Giêsu, Thần Khí là một nhân vật biệt lập: Thánh Thần (Holy Spirit) xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Và còn hơn thế nữa, khi chuyển từ Cựu Ước qua Tân ước, chính nội dung của thuộc tính ‘sức mạnh’ cũng đã bị thay đổi hầu như hoàn toàn: từ sức mạnh của quyền uy biến thành sức mạnh của lòng thương xót, từ sức mạnh của phán quyết xét xử trở thành sức mạnh của cứu độ thứ tha. Chính vì lẽ đó mà một danh xưng mới cần được chế tác để biểu thị nhân vật này đó là: ‘Đấng Bảo Trợ’.

Đương nhiên là hiểu được nội dung của từ vựng mới này (nguyên ngữ Hy Lạp là parakletos) không phải chuyện đơn giản; đây đã từng là điều gây tranh cãi giữa các nhà chú giải và dịch thuật Thánh Kinh. Tác giả Gioan đã sử dụng từ vựng này cả trong cuốn Phúc âm thứ tư lẫn trong lá thư thứ nhất của ngài (Ga 14:16.26, 15:26,16:7, 18:36; và 1 Ga 2:1). Danh xưng này được áp dụng cho chính Đức Giêsu trước hết, và cho nhân vật sẽ được Người phái đến sau này: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một ‘Parakletos’ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Parakletos có thể hiểu là người bênh vực, là trạng sư, là cố vấn, là người an ủi đỡ nâng, là người đứng về phe kẻ tin trước tòa án tối cáo để khỏi bị kết án… Trong 1Ga 2:1 chính Đức Giêsu được gọi bằng danh xứng Parakletos: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha; đó là đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính”. Do đó, Thánh Thần chỉ là ‘Đấng Bảo Trợ khác’ (Allon Parakleton) được phái đến sau khi Đức Giêsu trở về nhà Cha.

Thánh Thần chính là: ‘khí lực cứu độ và thứ tha của Đức Kitô Giêsu’. Hiểu biết Thánh Thần trong nội dung đó quả là điều tối quan trọng. Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu, suốt cuộc sống và nhất là qua cái chết thập giá của Người, chỉ là biệu hiện và thực thi lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa là Cha; do đó chỉ trong Thần Khí, Kitô hữu mới thật sự thấu hiểu được một Thiên Chúa từ nhân, như Đức Giêsu muốn mạc khải cho biết: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga 14:26). Sau ngày Đức Giêsu về trời, điều kiện tối cần để trở thành môn đệ chính là nhận lãnh Đấng Bảo Trợ này, “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”; về điều này Đức Giêsu khẳng định cách thẳng thắn: “Thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14:17). Như vậy, Thánh Thần không phải là một nhân vật xa lạ gì đối với các tín hữu: Người hòa nhập vào niềm tin của mỗi Kitô hữu đặt nơi Đức Giêsu – Parakletos. Thánh Phaolô đã hiểu và diễn tả Thánh Thần như thế trong tất cả các thư của ngài (Rm 8:15 và Gl 4:6).

Đức Giêsu trước khi ra đi để về với Cha, đã hứa ban Đấng Bảo Trợ của Người cho các môn đệ; sau khi sống lại từ cõi chết Người đã thổi hơi Thánh Thần trên môn đệ; trong ngày lễ Ngũ Tuần, Parakletos – Thánh Thần đã bốc cháy dữ dội trên các tông đồ và mọi kẻ tin (với tâm điểm hiện diện là Đức Maria); và thế là niềm tin vào Giêsu – Parakletos bắt đầu bùng lên trên khắp mặt đất. Kể từ ngày đó, Hội thánh trở thành một tập thể những người được Thánh Thần tác động, để có thể tuyên xưng và loan truyền cho mọi người, mọi thế hệ biết: “Giêsu Kitô là Cứu Chúa”, là Thiên Chúa – Đấng từ nhân.

Rồi cũng trong tác động của cùng một Thánh Thần này, mà Đức Maria – đệ nhất tín hữu đã được các thế hệ Kitô hữu sau này cầu khẩn dưới danh xưng ‘trạng sư’ (advocata nostra); tước hiệu này quả xác đáng lắm thay! Nhưng không chỉ Đức Maria, mà toàn thể Hội Thánh và mỗi Kitô hữu chúng ta, đặc biệt các linh mục của Đức Kitô trong Thần Khí, cũng phải trở thành người bảo trợ – trạng sư (parakletos – advocatus) cho những người nghèo khổ và tội lỗi nhất, để minh chứng cách cụ thể rằng Thánh Thần Chúa vẫn còn tiếp tục hiện diện cách sinh động giữa lòng nhân thế. Don Bosco đã từng là như thế đối với các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi; do đó ngài đòi các tu sĩ Salêdiêng của mình chính xác điều này: ‘trở thành dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho các thanh thiếu niên’. Cũng vậy, rất nhiều vị thánh khác như cha sở họ Ars – thánh Jean Marie Vianney, hay Mẹ Têrêxa Calcutta đã đối xử với các tội nhân đớn hèn và những kẻ cùng khổ, thông qua việc trao ban bí tích giải tội và các việc bác ái phục vụ. Chính qua việc thể hiện mình là ‘parakletos’ mà chúng ta có thể đo lường được đức tin của mình và sức sống Thánh Thần trong ta!

Lạy Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, xin hãy ở lại trong con bằng sức mạnh yêu thương mà chính Người đã nhận được từ Đức Kitô Giêsu; xin Người nối kết con với Đức Giêsu Thập Giá, để con có thể đón nhận cách trọn vẹn sự bảo trợ thần linh của Người. Trong và nhờ sự dẫn dắt của Mẹ Maria, xin hãy biến đổi con, và mọi phẩm trật trong Hội Thánh Chúa, được trở thành các tác nhân mang lại niềm hy vọng và cậy trông cho hết thảy mọi người, đặc biệt những ai tội lỗi, yếu đuối và nghèo hèn nhất… trong tác động mãnh liệt của Người là Thánh Thần bảo trợ và là Đấng ủi an. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————–

 

Thánh Thần Nhắc Nhớ Anh Em

Người ta nói di chứng của hậu Covid là hay quên. Nhớ trước quên sau. Hứa đó rồi quên. Có người còn nói chơi: “nợ người ta thì quên mà ai nợ mình thì nhớ”. Nhưng thực ra, quên là cái gì đó rất đỗi bình thường của con người như ai đó đã viết:
“Sống làm người biết quên biết nhớ,
Sống một đời để nhớ để quên.”
Và rồi dần dà theo dòng thời gian sẽ làm cho người ta cứ quên quên nhớ nhớ nhiều hơn. Điều cần nhớ lại quên và cái cần quên lại vẫn nôn nao da diết nhớ:
“Biết như vậy mà vẫn quên những điều nên nhớ,
Vẫn nôn nao da diết nỗi nhớ cần quên.
Muốn nhớ thêm hãy quên những điều không nên nhớ,
Muốn không buồn phải biết chọn lựa giữa nhớ và quên.”
Do đó, muốn nhớ phải tập, phải rèn, phải được nhắc nhớ, hướng dẫn thì mới không quên những điều nên nhớ.
“Đời là thế quên quên nhớ nhớ,
Đến vô cùng nhớ nhớ quên quên.
Đến khi nào hết quên hết nhớ,
Để lại đời nỗi nhớ và quên.”
Trước khi về Trời Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta một người Kỹ Sư tâm hồn thật tuyệt vời. Đó chính là Chúa Thánh Thần: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Vì “xa mặt cách lòng” nên nhờ Chúa Thánh Thần sẽ nhắc nhớ cho chúng ta điều Đức Giêsu đã dạy, lấy chính điều đã nhận được từ Đức Giêsu mà thông ban cho ta. Chúa Thánh Thần không dạy điều mới mà là nhắc nhớ cho ta điều Đức Giêsu đã nói, giúp ta hiểu và thực hiện lời của Đức Giêsu đã giảng dạy.
Mỗi người chúng ta giống như các môn đệ của Đức Giêsu năm xưa. Lời Giáo huấn của Chúa Giêsu đến với chúng ta qua giảng dạy từ những người thay mặt Chúa dạy chúng ta. Và dần dầnqua dòng thời gian, chúng ta có nguy cơ quên lãng giáo huấn ấy vì vô vàn lý do, thì một dịp nào đó, Chúa Thánh Thần giúp ta nhớ lại điều Chúa Giêsu đã dạy và nhờ Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta sống theo ánh sáng Tin Mừng mà thánh Gioan bảo rằng là phải “sống theo sự thật” (1Ga 1,6). Sự thật theo lương tâm mách bảo. Sự thật theo giới răn và huấn lệnh của Chúa Giêsu dạy bảo. Nghĩa là làm mọi việc do đời sống đức tin và luân lý đòi hỏi. Chính Chúa Thần từng bước nhắc nhớ chúng ta về Kinh Thánh để chúng ta áp dụng trong từng hoàn cảnh của cuộc sống.
Các tông đồ năm xưa đa số chỉ là những thuyền chài ít học, thế mà nhờ Chúa Thánh Thần nên các ngài có thể nhớ lại lời Thầy Giêsu để sống và giảng dạy như thánh Phaolo “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”, và như thánh Phêrô đã vượt lên trên sự sợ hãi để công bố Tin Mừng vì “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”.
Cũng nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn mà lời giảng của các ngài có thể biến đổi người nghe và giúp họ nhận ra chân lý của tin mừng. Bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô là một minh chứng. Nhờ Chúa Thánh Thần mà 3 ngàn người người nghe dầu thuộc nhiều vùng, nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn nghe như chính ngôn ngữ của mình.
Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần là dịp để chúng ta nói lên vai trò của Chúa Thánh Thần là đến trần gian để nhắc nhớ, dậy dỗ và uốn nắn con người. Thế nên, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến soi sáng để chúng ta biết sống theo sự thật . Xin Ngài hãy uốn nắn con người hôm nay cho khỏi những sai lầm và dẫn dắt chúng ta đi theo ánh sáng Tin Mừng. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

————————————————————

Chúa Thánh Thần Là Mạch Nước Ban Sự Sống

Nước là yếu tố thiết yếu cho sự sống
Nước là yếu tố cần thiết nhất cho sự sống con người và các loài động, thực vật. Ở đâu không có nước, sự sống sẽ lụi tàn. Ở đâu có nước, sự sống sẽ vươn lên.
Trong cơ thể con người, nước chiếm chừng 70% khối lượng toàn thân. Con người có thể nhịn ăn cả tháng không chết, nhưng nếu nhịn khát quá 5 ngày thì mất mạng.
Khi các nhà khoa học phát hiện có nước trên Sao Hoả, người ta hy vọng mai đây con người có thể định cư trên đó.
Tuy vậy, ngoài thứ nước tự nhiên, con người cần hấp thụ một nguồn nước nhiệm mầu khác tối cần thiết để lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Đó là Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là mạch nước hằng sống xuất phát từ Chúa Giêsu
Hôm ấy, vào dịp lễ Lều của người Do Thái, sau khi vị tư tế cùng dân chúng kiệu một bình bằng vàng đựng đầy nước lấy từ hồ Silôác về Đền Thờ Giêrusalem, nhằm tôn vinh Thiên Chúa vì đã cho nước từ tảng đá chảy ra cứu dân Israel trong hoang địa khỏi chết khát; và đang khi dân chúng tưng bừng phất cao các cành lá, vang lên những lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban nước cứu sống cha ông họ, thì “bấy giờ Đức Giêsu đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh thánh đã nói: Từ lòng Ngài, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).

Qua những lời nầy, Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần là Mạch nước hằng sống cho những ai tin Ngài.
Và khi nói chuyện với người phụ nữ xứ Samari bên giếng Giacóp, Chúa Giêsu cũng tỏ cho bà biết rằng ai uống nước tự nhiên sẽ còn khát mãi, còn ai uống nước Ngài ban, sẽ không còn khát nữa, nhưng được sống đời đời (Ga 4, 14).

Nguồn nước thiêng liêng Chúa Giêsu hứa ban cho người Do Thái trong ngày lễ Lều hay cho người phụ nữ Samari chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.
Công Đồng Vatican II cũng xác nhận rằng: “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”

Hoa trái thiêng liêng của Chúa Thánh Thần
Nước thấm nhập vào các loài hoa giúp chúng trổ sinh những bông hoa muôn màu muôn sắc;
Nước thấm nhập vào các loài cây ăn trái giúp chúng mang lại cho đời muôn vàn trái cây ngon ngọt với những hương vị khác nhau;
Nước thấm nhập vào đất đai khiến đất cằn khô trở nên vườn cây tươi tốt…
Tương tự như thế, Chúa Thánh Thần thấm nhập đến đâu cũng làm trổ sinh hoa trái thiêng liêng cách diệu kỳ đến đó.
Chúng ta hãy lắng nghe thánh Syrilô, giám mục Giêrusalem, nhận định về những “hoa trái” do ơn Thánh Thần mang lại:
“Như cây khô đâm chồi nẩy lộc sau khi hút nước, thì linh hồn tội lỗi biết sám hối và đón nhận Thánh Thần cũng sinh hoa kết trái công chính như vậy. (…..)
Thật vậy, Thánh Thần dùng miệng người nầy để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí người kia, ban cho kẻ nầy quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh kinh, thêm sức cho kẻ nầy sống tiết độ, dạy cho người kia biết thương người…”

Hoa quả Chúa Thánh Thần mang lại cho những ai đón nhận phong phú và tốt đẹp biết bao. Vậy chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su để đón nhận Chúa Thánh Thần là Dòng nước thiêng liêng mang lại sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu. Đất màu không có nước sẽ biến thành sa mạc hoang vu; đồng lúa, vườn cây không có nước sẽ bị khô cháy… Tương tự như thế, nếu tâm hồn chúng con thiếu vắng Chúa Thánh Thần sẽ trở nên cằn cỗi, khô khan.
Xin thương ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để nhờ ơn Ngài soi sáng, chúng con được hiểu biết, yêu mến Chúa và trổ sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————————

 

Đấng Bảo Trợ
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
(Ga 20, 19 – 23)

Lưu luyến chia tay nỗi nhớ đầy

Thương trò ở lại nghĩa tình say

Ban ơn Thần Khí không lầm lạc

Bảo trợ hành trình thẳng lối ngay

Cố vấn ủi an hồn phấn chấn

Trạng sư nâng đỡ dạ vui thay

Gió lay tình tự Bồ Câu hát

Lửa ấm nồng nàn tim ngất ngây.

Hạt Nắng

———————————————-

 

Khúc Hát Hồi Sinh
(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống )

Mơ danh vọng tranh giành cao thấp,
ham tiền tài bất chấp mưu mô.
Lưu linh kiếp sống mơ hồ,
con tim băng giá cơ đồ bấp bênh.

Ánh lửa thiêng Thánh Thần soi sáng,
chiếu hồn con ngày tháng u mê.
Biến đổi thân xác nặng nề,
thoát vòng trần tục nhiêu khê cuộc đời.

Sự sống mới đâm chồi nảy lộc,
nguồn bình an thoáng chốc hồi sinh.
Hoa tươi đón ánh bình minh,
hồn con đón Đấng Thần Linh hộ phù.

Đời nhân chứng chu du khắp chốn,
dẫu gian nan, thiếu thốn, hiểm nguy.
Dứt tình tham – hận – sân – si,
Công bình – bác ái thực thi Tin Mừng.

Trời đất mới tưng bừng rộn rã,
tiếng tình yêu giục giã lên đường.
Loan truyền đi khắp muôn phương,
niềm vui Cứu Độ Chúa thương nhân trần.

Đàn reo Khúc Hát Chứng Nhân …

Bâng Khuâng Chiều Tím

————————————————–

 

Khát Vọng
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20, 19 – 23)

Như hoa dại gục đầu mong đợi,
mưa đầu mùa diệu vợi nơi nao
Nguyện xin trời đổ mưa rào,
cho hoa ngửa mặt đón chào bình minh.

Em như kẻ bạc tình ảo vọng,
phụ tình Chàng xây mộng trời mơ.
Thân em tơi tả bơ phờ,
Chàng yêu vẫn đợi vẫn chờ tình em.

Chàng là GIÓ êm đềm rung động,
ru đời em tỉnh mộng cơn say.
Ru em thoát kiếp đọa đày,
nhìn ra SỰ THẬT tháng ngày trôi qua.

Trời lạnh giá xót xa thân phận,
NGỌN LỬA Chàng sưởi ấm lòng em.
Lửa hồng soi sáng đêm đen
xua tan tăm tối dậy men ân tình.

Chàng là NƯỚC hồi sinh nhân cách,
tẩy bụi trần, rửa sạch đam mê.
Rửa hết nỗi nhục ê chề,
thoát cơn bĩ cực lối về hân hoan.

Chàng là ĐẤNG ỦI AN – DŨNG LỰC,
là TRẠNG SƯ bênh vực vỗ về.
Theo em khắp nẻo sơn khê,
dìu em từng bước đi về NHÀ CHA.

Đất trời nở rộ muôn hoa…

M. Madalena Hoa Ngâu

————————————————

 

Thần Khí Chúa
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20, 19 – 23)

Thần khí Chúa,
từ thưở hồng hoang lặng lẽ đăng trình.
Bay trên mây ngàn, lướt trên mặt nước thênh thang.
Trang điểm trần gian ban cho diện mạo tươi sáng,
nguồn sức sống cho muôn loài,
luồng sinh khí cho nhân sinh.

Thần khí Chúa,
Ngọn lửa hồi sinh thánh hóa tâm hồn.
Đua tranh tình trường, sáng soi cuộc sống yêu thương.
Ích kỷ dẹp tan, dấn thân quảng đại chung hướng,
nguồn sưởi ấm cho muôn lòng,
nguồn ánh sáng mọi trí khôn.

Thần Khí Chúa…ánh lửa tình yêu,
Thần Khí Chúa…sức mạnh huyền siêu.
Cha đã tặng ban cho nhân trần,
Cha đã tặng ban cho con,
mà sao con vẫn lãng quên?
Thần Khí Chúa…biến đổi hồn con,
Thần Khí Chúa… dũng lực đời con.
Cho ước vọng con luôn đong đầy,
cho sứ mạng con mê say,
đường gian nan vẫn sắt son.

Thần Khí Chúa,
bảo trợ đời con trên bước hành trình,
tin yêu trung thành giữa bao bão tố vây quanh.
Muối mặn trần gian, men yêu, tự hủy, tha thứ,
thờ kính Chúa trong sự thật,
nguồn cứu rỗi của nhân sinh.

Nắng Sài Gòn

—————————————————

 

Xin Thánh Linh Biến Đổi
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20, 19 – 23)

Lạy Thánh Linh, xin ban thần khí,
đến chiếu soi tâm trí u mê.
Nặng nề chân bước lê thê,
hoang mang, sợ hãi, tái tê cõi lòng.

Xin tuôn đổ hồng ân thiên phúc,
biến đổi con dũng lực, can trường.
Hiên ngang đứng dậy tuyên dương,
Tình yêu Thiên Chúa xót thương nhân trần.

Biến đổi con chuyên cần phục vụ,
không đam mê lạc thú, cầu an.
Cậy trông Tình Chúa vững vàng,
ơn Ngài biến đổi hân hoan nhiệm mầu.

Xin phá tan hố sâu ngăn cách,
hố nghi ngờ, tọc mạch, ghen tuông.
Bao dung rộng mở khiêm nhường,
ơn Ngài thánh hóa mở đường tương lai.

Lạy Thánh Linh! Xin Ngài gột rửa,
miệng luỡi con bằng “Lửa Tình Yêu”.
Rao truyền Tình Chúa cao siêu,
chứng nhân lòng mến, tình yêu đong đầy.

Ngọn lửa mến hăng say nhiệt huyết,
trái tim con tha thiết chung tay.
Hân hoan khúc hát xum vầy,
Tin Mừng Cứu Độ dựng xây Nước Trời.

Dù gông cùm, lệ rơi cay đắng,
quyết tín trung vào Đấng Quyền Năng.
Con thuyền Giáo hội trầm thăng,
vượt qua giông tố vĩnh hằng tin yêu.

Ngọt ngào ân sủng phong nhiêu,
lửa thiêng thiêu đốt tình yêu tuôn trào.
Hồn con sốt mến dâng trao…

AP. Mặc Trầm Cung