SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH NĂM C (29/5/2022) LỄ CHÚA THĂNG THIÊN, ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ ĐƯỢC THIÊN CHÚA TÔN VINH [Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
SEA GAMES 31 đã kết thúc một cách hết sức tốt đẹp với những thành tích vẻ vang của hàng ngàn lực sĩ, vận động viên và cầu thủ Viêt Nam và Đông Nam Á. Những con người ấy đáng được mọi người ngưỡng mộ và tôn vinh vì nhũng hy sinh gian khổ trong tập luyện và thi đấu và những thành tích, kỷ lục mà họ đã lập được. Câu chuyện của SEA GAMES 31 có thể giúp chúng ta tiếp cận với ý nghĩa của Lễ ChúaThăng Thiên vì Chúa Giêsu Kitô đáng được mọi người trên thế gian này ngưỡng mộ và tôn vinh vì Người đã có một cuộc sống và cái chết vĩ đại hơn hết mọi cuộc sống và thành tích của loài người. Lễ Chúa Thăng Thiên (hay Chúa Về Trời) là “mắt xích” cuối cùng của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể và Cứu Chuộc. Thiên Chúa (Cha) chẳng những đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết mà còn đem Người về Trời, như để trọng thưởng công trạng lớn lao của Người.
Vì thế mừng Lễ Chúa Thăng Thiên chúng ta phải xác tín hơn nữa về Bản Tính Thần Linh của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; về Ơn Cứu Độ Người đã thực hiện cho chúng ta, về Giáo Lý Người rao giảng, để chúng ta sống gắn bó mật thiết hơn với Người và làm chứng cho Người trong các môi trường gia đình và xã hội!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 1, 1-11): “Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời” Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Đức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng; Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Đâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Đang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Ep 1,17-23): “Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời” Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người; xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc Tin Mừng (Lc 24,46-53): “Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”.
Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (Cv 1, 1-11) là lời mở đầu của Sách Tông Đồ Công Vụ. Thánh Lu-ca tóm tằt những sự kiện quan trọng liên quan tới Chúa Giê-su Ki-tô trong quãng đời trần thế của Người. Sự kiện cuối cùng là việc Chúa Giê-su được đưa lên trời ngay trước mắt các môn đệ.
Trong đoạn sách Cv 1,1-11 này, chúng ta nhận ra khung cảnh “thần hiện” quen thuộc của Thánh Kinh khi Chúa Giê-su được cất lên trời: cũng có đám mây, tượng trung cho sự hiện diện và bao trùm của Thiên Chúa. Cũng có sứ thần xuất hiện và tiếng nói của các ngài là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Giống hệt như sự kiện xẩy ra khi Chúa Giê-su bước ra khỏi dòng sông Gióc-đan. Nhưng nội dung lời Thiên Chúa có khác biệt đáng kể: “Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 1,17-23) là những lời giãi bày của Thánh Phao-lô về những ơn mà ngài cầu xin cùng Thiên Chúa là Chúa và là Cha của Chúa Giê-su, cho các tín hữu Ê-phê-xô. Lý do khiến Thánh Phao-lô vững tin là lời cầu nguyện của ngài sẽ được Thiên Chúa chấp nhận là những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giê-su là cho Người trỗi dậy từ cõi chết, đặt Người ngồi bên hữu, tôn vinh Người trên các thần thánh, đặt tất cả dưới chân Người.
Trong đoạn Thư Ep 1,17-23 trên, chúng ta thấy nổi bật quyền năng vô song và lòng ưu ái tột cùng của Thiên Chúa đối với Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 24,46-53) là những lời dậy dỗ thân tình của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh: về chính Người (Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại); về sứ mạng rao giảng và làm chứng của các môn đệ (phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy) và những lời hứa ngọt ngào (quyền năng của Thiên Chúa là Thánh Thần). Sau đó là sự kiện Chúa Giê-su được cất lên trời với một hình ảnh rất dễ thương: Người đang giơ tay chúc lành cho các môn đệ.
Trong Bài Phúc Âm Lc 24,46-53 chúng ta thấy rõ tấm lòng ưu ái của Chúa Giê-su đối với các môn đệ. Chúng ta cũng thấy được Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa khi Người được đem lên trời và các môn đệ bái lạy Người!
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay được tìm thấy trong những lời này của Thư Ê-phê-sô:
“Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn!”

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy từ cõi chết, đã siêu tôn tức tưởng thưởng Người vì những thành tích và thương tích vĩ đại của Người;
với Chúa Con là Chúa Giêsu Ki-tô, Đấng được (Chúa Cha) rước về trời và sẽ đến phán xét trần gian sau khi đã lập những thành tích và thương tích vô cùng lớn lao;
với Chúa Thánh Thần là quà tặng và sức mạnh mà Thiên Chúa ban cho những ai yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô.

4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa
Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi không chỉ phải tin rằng Thiên Chúa đã tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô (như Thánh Phao-lô viết trong thư Ê-phê-xô) mà còn phải hiểu tại sao Chúa Giê-su Ki-tô lại được Thiên Chúa tôn vinh như vậy và nhất là tôi phải biết sống như thế nào đề tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân, các nước chưa nhận biết Chúa, để họ sớm nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng xét xử muôn người!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.2 «Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô làm đầu toàn thể Hội Thánh» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo toàn cầu và Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu biết sống gắn bó mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô là Thủ Lãnh của mình!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.3 «Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy tích cực làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh với những thành tích vĩ đại và những thương tích tầy trời của Người!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

5.4 «Thiên Chúa đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị và đã đặt tất cả dưới chân Người» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa và cho những người không nhìn nhận vai trò của Chúa Giê-su Ki-tô trong cuộc đời của họ, để họ mau suy phục Chúa Ki-tô là Chúa và là Vua của vũ trụ và loài người!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!

Sàigòn ngày 25 tháng 5 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.