SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 794, CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – C, 01/05/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 21, 1 – 19)

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Điđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Mầu Nhiệm Giáo Hội ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sự Phục Sinh Của Phêrô Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Xin Cho Con Nhận Ra Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Phục Vụ Như Người Mẹ Gia Đình Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Con Thuyền Tình Yêu Hạt Nắng Trg 10
Tình Thơ Phục Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tình Hết Bơ Vơ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Ngỡ Ngàng A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13

——————————————————-

 

Mầu Nhiệm Giáo Hội

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu quan tâm đến việc thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Người trên trần gian. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hình ảnh về Giáo Hội mà Người mong muốn khi thiết lập.
Hình ảnh về một Giáo Hội có nền tảng là yêu thương. Chúa Giêsu không thiết lập một cơ chế, nhưng thiết lập một gia đình. Người đứng đầu Giáo Hội không phải là người chỉ huy ra lệnh, nhưng là người chăm sóc. Sức mạnh của Giáo Hội vì thế không phải ở kỷ luật, uy quyền, nhưng ở tình yêu thương. Mọi người yêu thương nhau vì lẽ là anh chị em trong một gia đình. Để duy trì tình yêu thương, người đứng đầu phải là người yêu thương nhiều nhất. Chính vì thế, trước khi tuyển chọn thánh Phêrô làm Giáo hoàng. Chúa Giêsu đã 3 lần hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy không?”. Có yêu mến Chúa thì mới biết yêu mến anh chị em mình. Tình yêu mến là nền tảng của Giáo Hội. Bao lâu tình yêu mến còn, Giáo Hội còn vững vàng. Khi nào tình yêu mến suy giảm, Giáo Hội sẽ suy yếu.
Hình ảnh về một Giáo Hội có sức sống truyền giáo. Giáo Hội như con thuyền của ngư phủ. Ngư phủ sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Sức sống của Giáo Hội là truyền giáo, là đánh bắt các linh hồn như Chúa Giêsu, khi kêu gọi các Tông đồ đầu tiên đã nói: “Hãy theo Thầy, Thầy sẽ đào tạo anh em thành những tay chài lưới linh hồn người ta”. Muốn đánh bắt được tôm cá, ngư phủ không được neo thuyền, ngồi trên bờ mà nghỉ ngơi nhàn nhã, nhưng phải dong buồm ra khơi, ra chỗ nước sâu mới có nhiều cá. Cũng vậy, muốn cứu được nhiều linh hồn, Giáo Hội không được ngồi yên ngơi nghỉ, mà phải lên đường, phải ra đi đến những nơi xa xôi, phải nỗ lực tìm kiếm. Ra khơi là phải mệt nhọc, phải làm việc và nhất là phải đương đầu với sóng to gió lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vậy, lên đường truyền giáo là phải vất vả, khổ cực và chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro. Phải ra đi vì đó là ước nguyện của Chúa. Phải lên đường vì đó chính là sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội.

Hình ảnh về một Giáo Hội hoạt động có hiệu quả nhờ tuân theo Lời Chúa. Giáo Hội quy tụ những con người. Giáo Hội hoạt động với những cố gắng của con người. Nhưng chỉ với sức con người. Giáo Hội không làm được việc gì. Phêrô và các bạn mệt nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào là hình ảnh của những hoạt động không có Chúa hướng dẫn. Khi nghe Lời Chúa dạy, các ngài đã đánh được một mẻ cá lớn lạ lùng. Hôm nay Chúa không còn ở với các Tông đồ. Không còn ngồi chung thuyền với các ngài. Không còn dẹp yên sóng gió cho các ngài. Chúa đã về trời. Chúa đứng ở một bến bờ khác. Nhưng Chúa vẫn theo dõi những hoạt động của các ngài. Chúa sẽ đưa ra những chỉ dẫn để hoạt động của các ngài có kết quả tốt đẹp. Tuy không hữu hình, nhưng Chúa vẫn hiện diện bên Giáo Hội như lời Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Giáo Hội thật là một mầu nhiệm vì xét theo bề ngoài chỉ gồm những con người hữu hình, nhưng thật sự bên trong có sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình. Sự vững mạnh của Giáo Hội không nhờ luật lệ, quân đội, hay vũ khí, nhưng nhờ tình yêu thương. Càng yêu thương, càng tha thứ thì Giáo Hội càng mạnh mẽ. Hiệu quả của Giáo Hội không ở tại việc ổn định, yên vị, nhưng ở tại mạo hiểm ra đi. Chính khi ra đi, Giáo Hội thâu lượm được nhiều kết quả. Càng gặp khó khăn, Giáo Hội càng vững mạnh vì Chúa hằng ở với Giáo Hội luôn mãi.
Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có nghĩ rằng Giáo Hội mạnh nhờ có nhiều tiền bạc, có nhiều người tài giỏi không? Bạn suy nghĩ thế nào về bài Tin Mừng hôm nay?
2. Trong đời sống đạo, bạn có bao giờ quan tâm làm cho người khác biết và yêu mến Chúa không?
3. Giáo Hội đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng vẫn bền vững qua 2000 năm. Bạn nghĩ gì về điều này?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————————-

 

Sự Phục Sinh Của Phêrô

Chương 21 của Phúc Âm Gioan được các nhà Thánh Kinh học cho là đã được các đồ đệ của tông đồ Gioan thêm vào sau này; vì tự nó kết luận toàn cuốn Tin Mừng thứ tư đã trọn vẹn ở ngay cuối chương 20 rồi. Dầu vậy tôi vẫn thấy rằng việc thêm chương 21 này, không những hợp lý, mà còn cần thiết nữa là đàng khác. Cần phải đề cập tới một Phêrô – thủ lãnh đã phục sinh như thế nào, sau khi đã gục ngã trong tội chối bỏ Thầy. Cần phải biết một Phêrô – tuyên tín ‘đã trở lại’ như thế nào, sau khi ‘bị Sa-tan sàng như người ta sàng gạo’ (Lc 22, 31-32). Nếu đây là suy tư của các môn đệ tông đồ Gioan… thì tôi lại càng thấy Hội Thánh thời sơ khai đã có một tầm hiểu biết sâu sắc và cụ thể như thế nào về biến cố phục sinh.

Lần hiện hình của Đấng Phục Sinh trên bờ hồ Tibêria diễn ra trong một khung cảnh rất ư là tầm thương. Hình như tác giả vẫn lưu tâm độc giả mình tới vai trò lãnh đạo của Phêrô, kể cả trong các công việc vặt vãnh. Các môn đệ khác vẫn tôn trọng vai trò làm đầu của ông, thậm chí trong cả việc đi đánh cá. Thế rồi Đức Kitô Phục sinh hiện nguyên hình, cũng trong một hình dạng rất đời thường tới độ ‘các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu”. Như một gợi ý để nhận ra mình, Đức Giêsu đã dùng tới sự kiện đánh cá, một công việc không những thiết thân với bốn môn đệ đầu tiên, mà còn liên quan tới niềm tin của các ông, cách riêng Phêrô, vì nó gợi nhớ mẻ cá lạ ngày nào đã làm cho các ông nhận ra con người tội lỗi thấp hèn của mình (Lc 5,4-11). Lần này môn đệ Gioan đã phát hiện ra điều đó, nhưng trong một nội dung mới mẻ và sâu sắc hơn nhiều.

Nhờ một mẻ cá lạ cũng trên mặt hồ này, Phêrô năm nào đã khởi đầu ơn gọi môn đệ của mình bằng lời tuyên xưng đầy khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Nhưng rồi dần dà ông hầu như đã quên bẵng đi điều này. Những lần tuyên xưng sau đó lại sặc mùi tự mãn, mang nặng tính chủ quan quyết đoán chắc nịch. Ông cam đoan mình sẽ trung thành bảo vệ Thầy đến cùng. Tông đồ Phêrô hùng hổ ngăn cản thày ra đi chịu chết; ông sắm gươm để chiến đấu vì thầy; ông nặng lời tuyên thệ: “dầu có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng”. Đúng là Satan đang sàng sẩy ông. Cạm bẫy ‘mất lòng tin’ lớn nhất mà ông đang rơi vào chính là để mình bị cuốn trôi xa khỏi lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Và hậu quả là ông đã chìm ngập, đã chết trong sự phản bội chối bỏ Thầy.

Đức Kitô Phục Sinh hiện hình trên bờ hồ, cũng với một mẻ cá lạ, chính là lời mời gọi Phêrô hãy phục sinh; tức là hãy quay trở về từ thái độ tự phụ ‘sẽ trung kiên’ dẫn đến ngã quị trong cái chết chối bỏ Thầy, để khiêm cung chỗi dậy đón nhận tình yêu tha thứ đầy nhân ái của Thầy Chí Thánh. Và may mắn thay, Phêrô đã chỗi dậy và thực sự phục sinh! Gioan cho thấy cuối cùng thì Phêrô đã nhận ra điều này cách sâu xa hơn hết thảy mọi môn đệ khác. Cái tánh bộc trực của một Simon, con ông Gioan (nghĩa là một Phêrô trần tục) vẫn còn đó: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nhưng tới lần thứ ba thì ông chỉ dám đáp lại câu hỏi: “Anh có yêu mến thầy hơn các anh em này không?” bằng lời khiêm tốn: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ông đã nhận ra con người yếu đuối tột cùng của mình. Nhưng chính lúc đó, phải chỉ lúc đó mà thôi, vai trò lãnh đạo tối cao của Phêrô mới chính thức được phê chuẩn: “Hãy chăm sóc các cừu mẹ của Thầy”; nói cách khác: “hãy làm cho (lòng tin của) anh em của anh nên vững mạnh”.
Thế mới rõ, phục sinh phải là cuộc trở lại tận căn của mọi môn đệ Đức Kitô, bắt đầu từ các thủ lãnh trong Hội Thánh, kể cả các đấng giữ vai trò kế vị Phêrô ‘chăm sóc các cừu mẹ’. Tất cả mọi Kitô hữu chúng ta đều cần phải được Phục sinh ngay từ bây giờ, bởi vì Phục sinh chính là nhận biết tội chết của mình, để được quyền năng Chúa cho ‘vượt qua’ tới sự sống trọn hảo trong lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Hết thảy Kitô hữu chúng ta đều phải là đoàn dân Phục sinh trong nội dung này.

Lạy Thiên Chúa giầu lòng xót thương, cảm tạ Chúa đã cho con học biết bài học Phục sinh của Phêrô, bài học làm con thấm thía, trong tư cách linh mục, tuyên xưng đức tin thực sự hệ tại ở điều gì, và thế nào là cũng cố niềm tin của anh em con. Nếu việc sa ngã của Phêrô đã trở thành một đại phúc cho ông, thì xin Chúa cũng đưa những khuyết điểm, sa ngã và lỗi phạm của con vào trong sự Phục Sinh của Chúa; để chính con, và nhiều người khác nữa, thâm tín hơn về lòng thương xót cứu độ Chúa hằng trao ban. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————

 

Xin Cho Con Nhận Ra Chúa

Là con người, dù mạnh mẽ đến đâu rồi cũng có lúc yếu đuối, thất vọng, muốn buông xuôi mọi sự. Dù đam mê tự do đến đâu, cũng có lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng chơi vơi giữa dòng đời… Và sau những dọc dài cuộc sống vì miếng cơm manh áo sẽ có ngày một mình đối diện với đủ thứ khó khăn của thế giới này, ta cũng cần lắm một bờ vai rộng, một bàn tay ấm, một sự cảm thông và khích lệ để cho ta niềm tin, nghị lực vươn lên, như ai đó đã viết rằng:
“Mình chỉ cần một ai đó gọi tên giữa cuộc đời
Trong giấc mơ dù chỉ là thoáng qua cũng có hình ảnh mình trong đó
Dù biết sẽ trải qua những tháng ngày khó khăn chưa rõ
Người vẫn tin sẽ có mình ở đó
đứng đợi người.
Mình chỉ cần một ai đó lắng nghe mình kể hết những câu chuyện cười
Rồi vục đầu vào vai ngủ một giấc ngon lành đến sáng
Nghe mình lải nhải đâu đâu từ bình minh đến hoàng hôn chạng vạng
Người vẫn thấy ở bên mình là đáng
chẳng hối hận điều gì
Mình chỉ cần một người làm cho những vết xước trong tim mình quên đi…

Đức Thánh Cha Phanxicô với trái tim của người cha cũng rất muốn đến với đất nước Ucraina đang chìm trong bể khổ của chiến tranh để an ủi, chia sẻ và cầu nguyện cho họ sớm bình an. Trước đó, vào ngày 26/03/2022, Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Tòa Thánh đến Ucraina thay mặt Đức Thánh Cha: “Để gần những người đang đau khổ và mang lại cho họ sự gần gũi của Đức Giáo hoàng, để nói với họ rằng ngài yêu thương họ, và cầu nguyện với họ vì lời cầu nguyện cũng có thể ngăn chặn chiến tranh.”

Chúa Giêsu sau khi phục sinh dường như vẫn luôn hiện diện đồng hành thật gần gũi với các môn đệ và với những người thân quen để nâng đỡ, cảm thông và khích lệ họ sống và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Có khi Ngài đến với họ như một người làm vườn để thăm hỏi an ủi: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20, 13) Bà tìm ai? Có khi ngài hiện diện như người đồng hành với hai môn đệ đi làng Emmau. “Các ông vừa đi vừa nói những chuyện gì vậy ?” (Lc 24, 17). Và rồi qua sự gàn gũi ấy, Chúa Giêsu từng bước dùng Kinh Thánh để soi dẫn cho họ hiểu về những gì đang xảy ra trong mầu nhiệm ơn cứu độ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?

Tin Mừng Chúa Nhật thứ III Mùa Phục Sinh hôm nay, Chúa Giêsu đã đến bên các tông đồ như một người đồng nghiệp, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Khi nhận ra bạn hữu mình: “suốt đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21, 3b), thì Ngài đưa ra kế sách cho họ: “Anh em hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21, 6a).

Đức Giêsu Phục Sinh vẫn hiện diện và có đó. Ngài hiện diện một cách rất gần gũi trong cuộc đời của ta, khi ta lao động vất vả và nhất là chịu đựng những thất bại. Chúa hiện diện để thông cảm với những khó nhọc của chúng ta và đôi khi, Ngài tìm cách để giúp ta tháo gỡ những khúc mắc mà chính ta không tài nào thoát ra được.

Xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra Chúa luôn yêu thương để không bao giờ thất vọng về bản thân mình, nhưng luôn đứng dậy làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã. Xin cho chúng ta cũng biết học nơi Chúa để luôn nâng đỡ nhau, và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————–

 

Phục Vụ Như Người Mẹ Gia Đình

Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua các sách Tin mừng, Chúa Giêsu mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Ngài dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Abba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy tình từ mẫu của Ngài qua miệng ngôn sứ Isaia:
“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13).
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng bao giờ quên ngươi” (Is 49,15).

Trích đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ mẫu được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giêsu.

Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, Chúa Giêsu như người mẹ hiền, dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời hừng sáng.

Ngài đến sớm như vậy vì không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giêsu mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.

Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Ngài dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.

Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức những miếng bánh, những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, Chúa Giêsu còn mang theo cả than để nướng bánh và cá.

Rồi Ngài ngồi trên bãi biển như người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn còn nóng hổi.

Sau đó, Chúa Giêsu gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Ngài tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi, trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình từ mẫu.

Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giêsu đem Lời hằng sống của Thiên Chúa ban tặng chúng ta. Nhờ Lương thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giêsu phục sinh trao chính thân mình Ngài làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Ngài, và qua đó, Ngài thông ban sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.

Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Ngài cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Lạy Thiên Chúa từ nhân. Chúa yêu thương chúng con bằng tình cha bao la lẫn tình mẹ dịu dàng. Xin cho chúng con biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————-

 

Con Thuyền Tình Yêu
CN III PS.C – (Ga 21, 1 – 19)

Con thuyền Giáo Hội lướt ra khơi

Chúa chọn Phêrô đã đáp lời

Nền tảng yêu thương xây khắp chốn

Dong buồm truyền giáo đến muôn nơi

Tình yêu thánh hóa lòng dâng hiến

Phục vụ hy sinh tiếng gọi mời

Thần Khí đồng hành ban sức mạnh

Trung kiên lướt sóng tải ơn trời.

Hạt Nắng

—————————————–

 

Tình Thơ Phục Sinh
Chúa Nhật III PS

Thuyền chao nghiêng ba đào sóng vỗ,
hồn chơi vơi giông tố thiện tai.
Quá khứ sầu tủi, đắng cay,
hiện tại tơi tả tương lai mịt mờ.

Tình bâng khuâng vần thơ rách nát,
như cánh hoa tan tác chiều đông.
Lo âu, sợ sệt, phập phồng,
mong trời chiếu rọi nắng hồng hồi sinh.

Chúa lặng lẽ thân tình hiện diện,
tình ủi an tan biến sầu đau.
Cánh hoa hồi sức tươi màu,
vần thơ vụng dại nên câu nghĩa tình.

Đường Thương Khó hành trình cứu rỗi,
Chúa Vượt Qua gánh tội trần gian.
Trọn tình cạn chén Cha ban,
Phục Sinh chiếu tỏa vinh quang rạng ngời.

Để ứng nghiệm trọn lời Kinh Thánh,
hiến thân mình, “tấm bánh” hy sinh.
Tin Mừng loan báo nhân sinh,
Sức mạnh Thần Khí hành trình bình an.

Lời thơ con lại tuôn tràn,
dâng lời tán tụng, nồng nàn tri ân.
Tình thơ dâng Chúa kết vần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

———————————————-

 

Tình Hết Bơ Vơ
Chúa Nhật 3PS.C (Ga 21, 1 – 19)

Đã bao ngày con sống xa tình Chúa,
đã bỏ Ngài chạy theo thú đam mê.
Con say sưa trần gian quên đường về,
mau bội thề những lời xưa tuyên hứa.

Đêm mịt mù, vinh quang còn đâu nữa!
giữa biển đời sóng xô, gió cuồng quay.
Con bơ vơ, hoang mang thân đọa đày,
bao hoài vọng tan tành theo khói mây.

Kìa Ai đó! Đã đến bên con sớt chia nhục nhằn.
Kìa Ai đó! Đã đến bên con ban nguồn sống mới.
Ngọn lửa mến thắp sáng trong con đốt thiêu bụi đời.
Tình dâng hiến vững bước tin yêu loan truyền tin vui.

Bước theo Ngài, con vui ân tình mới,
bao lỗi lầm tan biến tựa màn sương.
Lòng khoan dung tình yêu Chúa khôn lường,
bước lên đường ngập tràn bao mến thương.

M. Madalena Hoa Ngâu

———————————————–

 

Ngỡ Ngàng
Chúa Nhật III PS.C – (Ga 21, 1 – 19)

Lạy Thầy con biết về đâu?
bao nhiêu kỳ vọng tiêu sầu khói mây.
Người về quê, kẻ còn đây,
tâm tư nặng trĩu trời mây mịt mù.
Hồn con tang tóc trầm u,
thuyền con xuất bến đêm ru tình sầu.
Lao đao sóng gió biển sâu,
suốt đêm vất vả tìm đâu được gì.
Lòng còn khắc khoải sầu bi,
Chúa thương phán bảo thực thi ý Ngài.
Mạn thuyền bên phải đừng sai,
cá ngon nặng trĩu đầy hai khoang thuyền.
Lòng con quá đỗi ngạc nhiên.!!!
***
Bái lạy Chúa! Tình yêu khôn sánh,
cúi xin Ngài hãy tránh xa con.
Tội con thắm đỏ như son,
chối Ngài đêm ấy…con còn đáng chi.

Lòng nhân ái sá gì chuyện cũ,
tình mến thương ấp ủ lửa hồng.
Cùng Thầy nướng cá hiệp thông,
bẻ bánh ân sủng tình nồng thương trao.

Thầy từ tốn chuyển giao sứ mạng,
sống yêu thương gưong sáng thắm tình.
Vì yêu chấp nhận hy sinh,
dẫu ngàn nguy khốn quên mình vì chiên.

Nền “đá tảng” trung kiên vững chí,
dẫu hiểm nguy dũng khí kiên cường.
Rảo chân đi khắp muôn phương,
rao truyền chân lý tình thương nhiệm mầu.

Lòng yêu mến thẳm sâu bền vững,
đức khiêm nhu chịu đựng gian nan.
Lên non xuống biển đại ngàn,
tình con dâng Chúa nồng nàn thiết tha.

Xin Vâng đón nhận Ý Cha,
ra khơi thả lưới khúc ca lên đường.
Vui mừng bắt cá muôn phương…

A.P Mặc Trầm Cung