“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1 – 9)
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Rao Truyền Ơn Phục Sinh ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Các Nhân Chứng Phục Sinh Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Suy Niệm Tam Nhật Thánh Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Giêsu Có Thật Sự Sống Lại Không? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Mộ Trống Hạt Nắng Trg 12
Mộ Trống Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 13
Con Quyết Theo Ngài M. Madalena Hoa Ngâu Trg 14
Tình Ca Mộ Trống Nắng Sài Gòn Trg 15
Đón Chào Phục Sinh A.P. Mặc Trầm Cung Trg 16
————————————————-
Rao Truyền Ơn Phục Sinh
Sau, ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng. Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi. Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn táng trong mộ với người Thầy yêu quý.
Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ. Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi. Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.
Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.
Hôm nay Chúa muốn cho tất cả mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.
– Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.
– Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
– Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
Đem Tin Mừng Phục Sinh đó là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.
Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước. Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.
Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có nhận thấy những lực lượng sự chết đang ở trong lòng người bạn không? Bạn có muốn loại trừ chúng không?
2. Bạn có thấy ơn Phục Sinh là cần thiết không?
3. Bạn có sẵn sàng đem ơn Phục Sinh cho mọi người không?
4. Tuần này, bạn sẽ sống mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thế nào?
ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————————
Các Nhân Chứng Phục Sinh
Có ba nhân chứng về Tin Mừng Phục Sinh được nhắc tới trong bài trình thật phục sinh của cuốn Phúc Âm thứ tư, đó là Maria Mađalena, Phêrô và Gioan. Họ được coi như các nhân chứng diện F1 duy nhất của cái biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: một tử tội đã chết treo trên cây thập tự, đã được mai tang trong mồ, thì nay đã sống lại. Thế nhưng chứng cứ lịch sử khách quan, hay tất cả những gì họ có thể chưng ra làm bằng chứng cho cái biến cố trọng đại ấy thì lại quá giản dị: ‘lúc trời còn tối, bà Maria Mađalena đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ’, Gioan ‘tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó’, Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi, ‘ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi’… Chi tiết thật đấy, nhưng chỉ có thế; hầu như những chứng cứ họ đưa ra chẳng thuyết phục nổi ai! dầu vậy thì Gioan, một người trong số họ, vẫn đưa ra lời xác quyết hùng hồn; “Ông đã thấy và đã tin”. Chỉ với các tang chứng mơ hồ trên đã đủ để ông minh định, không phải chỉ một sự kiện mà còn cả một niềm tin có khả năng thay đổi cuộc sống của chính ông và của toàn nhân loại. Sau này ông còn dành trọn cuộc đời còn lại để loan truyền biến cố này, và sẵn sàng chết để minh chứng nó.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đi vào tâm tình của các nhân chứng này, mong hiểu ra rằng: Niềm tin Phục Sinh luôn gắn liền với các cảm nghiệm riêng tư sâu lắng nhất.
Phêrô: Khi chạy ra ngôi mộ, ông đang trải nghiệm một điều có thể coi là đáng xấu hổ nhất trong đời: phản bội Thầy mình. Qua kinh nghiệm sống, ông đã từng trải sự mỏng dòn của con người với bao tội lỗi và khiếm khuyết; vì thế mà ông rất chân thành khẩn khoản: “Lạy Thầy, xin xa con ra, vì con là người tội lỗi!” (Lc 5:8) Thế nhưng ông chưa bao giờ hình dung nổi sự yếu hèn của mình lại có thể rơi xuống tới mức hạ đẳng đến thế. Được chọn làm môn đệ tiêu biểu, ông đã từng quả quyết cách chắc nịch: “Cho dầu mọi người có bỏ Thầy, con quyết không bao giờ!” (Mt 26:33) giờ thì… ông đâu có ngờ mình lại như thế! Chính với cái trải nghiệm đáng xấu hổ này mà ông tiến vào ngôi mộ trống, quan sát đống vải liệm… để rồi tin. Niềm tin cho phép ông thoáng nhận biết, với các tang chứng vật chứng này, có một điều gì còn mạnh hơn cả cái chết, mạnh hơn cả sự đốn hèn của con người, mạnh hơn cả ‘chối bỏ Thầy’ mà ông đã phạm. Ngôi mộ trống đối với ông là cả một khám phá mới, một sức mạnh mới, một hy vọng mới: lòng nhân ái của Thiên Chúa (tỏ hiện nơi Đức Kitô) vượt trên tất cả, vượt xa hơn tất cả.
Gioan: là môn đệ được Đức Giêsu thương mến, ông đã cảm nhận được tình yêu đó trong bữa tiệc ly khi tựa đầu vào ngực Người, đã chứng kiến tình yêu đó khi nhìn thấy giọt máu hòa với nước cuối cùng vọt ra từ con tim bị đâm thủng của Người. Tuy nhiên, yêu bao nhiêu thì lại đau buồn thất vọng bấy nhiêu, nhất là khi ông phải chứng kiến: tình yêu nồng ấm đó đi tới hồi kết thúc, bị chôn vùi trong nấm mồ hoang lạnh. Khi tiến vào ngôi mộ mở toang, với các băng vải còn ở đó, Gioan lần đầu tiên nghiệm ra: tình yêu đó, không chỉ mãnh liệt, trọn vẹn, mà còn vĩnh cửu trường tồn. Tình yêu đó không những mạnh hơn cái chết hiểu theo nghĩa thông thường (đám chết vì yêu), mà còn chứa đựng một nội dung cho tới nay chưa từng được minh chứng: tình yêu đó vĩnh viễn toàn thắng sự chết, cả về thể lý cũng như trong diện tinh thần thiêng liêng, tới độ không gì ngăn cản nổi nó; bất cứ ai tin và chấp nhận tình yêu này sẽ không bao giờ phải thất vọng. Quả thật, ông được thuyết phục: Thầy Giêsu đích thực là sự sống lại, như chính Người đã từng tuyên bố, Người là sự sống vĩnh cửu trong tình yêu.
Maria Mađalena: nhân chứng số một của biến cố Phục Sinh trọng đại. Được đặc ân này có lẽ vì bà đã gộp được cả hai trải nghiệm của Phêrô lẫn của Gioan lại thành một. Trải nghiệm tội lỗi, đối với bà, là trải nghiệm của thân phận cả một kiếp người bị đầy đọa tới đáy vực thẳm, còn trải nghiệm yêu thương, là trải nghiệm gắn liền với việc gặp được lòng nhân lành thứ tha, đã nâng bà lên tới trởi. Cái cảm nghiệm được giải phóng đó do Thầy Giêsu mang lại đang thăng hoa thì đột nhiên rơi vào bế tắc cùng với cái chết Thập Giá của Người, đã bị chặn đứng sau hòn đá che lấp phần mộ. Chính vì thế mà bà khắc khoải muốn tìm lại Thầy cho bằng được: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”, đồng thời cũng nhận ra ngay cái chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng đối với bà: ‘hòn đá đã lăn khỏi mồ’. Thầy Giêsu đã sống lại và ra mồ…, hòn đá đã được lăn ra, có nghĩa là giải phóng sẽ là vĩnh viễn, và thăng hoa sẽ là bất tận.
Là Kitô hữu, tôi không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh, mà còn phải làm chứng nhân việc Chúa đã sống lại, hay đúng hơn làm chứng về một tình yêu tha thứ trở nên bền vững. Vậy thì hãy để tâm lắng nghe cảm nghiệm sâu lắng nhất trong tôi vào lúc này: phải chăng đó có thể là cảm nghiệm của Phêrô, hay của Gioan, hay của Maria Mađalena, hay của cả ba gộp lại?
Lạy Chúa Phục Sinh, con vui mừng vì Chúa đã sống lại! Đời con đã không thiếu những trải nghiệm đớn hèn của Phêrô hay Mađalena; con cũng không phải là không có chút ít trải nghiệm của Gioan, nhất là trong ơn gọi Kitô hữu, tu sĩ Salêdiêng và linh mục của mình. Xin cho con hưởng trọn niềm vui Phục Sinh vĩ đại xuất phát từ chính những kinh nghiệm bản thân, để con có thể chân thành ca ngợi việc Chúa Sống Lại và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh vẻ vang cho mọi người cách thâm tín và phấn khởi nhất. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
—————————————————
Thứ Năm Tuần Thánh
Ai Có Bổn Phận Phải Lau Chân?
Ngày nay, nhiều lễ hội rửa chân mang danh nghĩa gọi là báo hiếu, nhưng lại bắt các bé chưa hiểu gì chuyện đời phải cúi xuống rửa chân cho cha mẹ. Dạy về báo hiếu là tốt, nhưng với tuổi thơ thì các em cần được chăm sóc của cha mẹ hơn là phải chăm sóc cha mẹ. Các em cần đuợc nhìn thấy sự ân cần phục vụ nơi cha mẹ, từ đó mới hình thành nơi các em lòng tri ân báo hiếu về công ơn sinh thành dưỡng nuôi của hai đấng sinh thành. Vì vậy, với tuổi thơ nên chăng chỉ đòi các em thảo hiếu qua việc vâng lời là đủ? Người trưởng thành thì mới cần báo hiếu cha mẹ qua việc phụ giúp kinh tế, chăm sóc cha mẹ khi đau yếu và già nua.
Do đó, cha mẹ còn khỏe mạnh, trẻ trung lại bắt trẻ con phục vụ thì vô tình lại phản giáo dục! Với cảnh các em tuổi còn rất bé đã phải phục vụ người lớn, sẽ dẫn đến lớn lên, ra đời cứ thằng lớn bắt thằng bé rửa chân. Kẻ mạnh luôn được phục vụ và kẻ yếu luôn phải cúi mình phục vụ.
Thực ra, rửa chân tự bản chất là việc chăm sóc phục vụ của người lớn dành cho trẻ nhỏ, của lương y dành cho bệnh nhân, của con cái chăm sóc cha mẹ khi già yếu bệnh tật. Từ xưa dân gian đã có cách nói: “rửa chân trước khi ngủ, tốt hơn uống thuốc bổ”. Người xưa cho rằng, rửa chân có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nâng niu chà rửa bảo vệ bàn chân giúp cơ thể phòng tránh nhiều loại bệnh. Chân có sạch-người mới khỏe-tâm mới sáng.
Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân như hình ảnh người cha ,người mẹ rửa chân cho con cái mỗi ngày. Việc rửa chân ấy muốn nói lên trách nhiệm của người lớn phải gìn giữ bảo vệ bề dưới khỏi mọi vết nhơ của bụi trần, phải dám lau đi những cái xấu đang bám vào thân thể và có khi làm hoen ố tâm hồn những người mình coi sóc. Việc làm cao cả đầy trách nhiệm ấy khiến Phêrô không hiểu nên mới nói: “không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”, nhưng Chúa Giêsu đã nói với Phêrô : “việc của Thầy làm giờ này các con không hiểu nhưng sau này sẽ hiểu”. Bởi theo lẽ thường thì người có quyền, có tiền luôn đòi người khác phục vụ, và có khi chính lối sống tội lỗi của họ lại gây gương mù, gương xấu và làm hoen ô tâm hồn người dưới.
Vì thế, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Ngài cũng muốn nói với các người có chức quyền còn phải có bổn phận trông nom, bảo vệ, thậm chí cúi mình khiêm hạ để rửa chân cho người thuộc hạ nhằm bảo vệ họ khỏi mọi vết nhơ của sự dữ, phải cúi xuống lau đi những bợn nhơ đang làm hoen ố hình ảnh Chúa nơi những người mình có bổn phận trông nom.
Bài học của ngày Thứ Năm Tuần Thánh là bài học của tinh thần trách nhiệm và lòng hy sinh quên mình. Trách nhiệm của bề trên phải bảo vệ bề dưới khỏi sự dữ. Trách nhiệm của từng người là phải góp công, góp sức mình để kiến tạo thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Chúa Giêsu khi rửa chân cho các môn đệ cũng nhắc đến người làm lớn phải có bổn phận phục vụ. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (Mt 20,28)
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa đang hỏi tôi đã thực sự quan tâm chăm sóc những người dưới bằng việc phục vụ và nhất là luôn bảo vệ họ khỏi nhiễm thói xấu ở đời, bằng việc lau đi những cái bợn nhơ của thói hư tật xấu, và bằng tình thương quan tâm giúp nhau luôn thanh cao, trong sáng để giữ mãi hình ảnh đẹp nơi con người là họa ảnh của Thiên Chúa. Amen
Thứ Sáu Tuần Thánh
Ý Nghĩa Thập Giá
Tình cờ tôi đọc được câu thơ: “Thập giá Đức Kitô đong đưa làm dáng trên đôi tai хinh”. Câu thơ này có lẽ của một người ngoại đạo. Họ chỉ nhìn thấy cái đẹp của thập giá khi đeo trên cổ hay đong đưa trên đôi tai của ai đó? Họ đâu hiểu rằng: thâp giá trước đây ᴠốn dĩ là một loại nhục hình dùng để bêu riếu ᴠà хử tử tù nhân cách nhục nhã. Chính quуền La Mã đã ѕử dụng khổ hình thập tự giá để răn đe dân các nước thuộc địa, ᴠà chắc hẳn thời ấу chẳng mấу ai dám nghĩ đến ᴠiệc dùng thập giá làm đồ trang ѕức, nếu không nói rằng mọi người đều ѕợ hãi ᴠà tránh đề cập đến chúng.
Vậу thì điều gì đã khiến một biểu tượng khổ hình trở nên một biểu tượng đẹp để người ta đeo trên người hay cung kính bái qùy? Thưa rằng: từ khi Đức Giêѕu thành Nazareth đã chịu chết treo trên thập giá cách đâу hơn 2000 năm! Từ đó thập giá đã trở thành Thánh Giá vinh quang, dấu chỉ của tình yêu tự hiến và bất tử. Từ đó Thánh giá đã hiện diện uy nghi ᴠà “ngất cao ở trên thế gian nàу”.
Đức Giêsu thành Nazareth đã chết không phải vì tội của mình, mà vì một bất công, một sự đố kị ganh ghét mà người ta kết án Ngài một cách bất công với luận điệu: ”một người chết cho toàn dân được nhờ”. Ở đây ta thấy Đức Giêsu có thể trốn tránh thập giá nhưng Ngài đã tự nguyện đón lấy thập giá. Phúc âm nói Ngài mạnh dạn tiến lên Giêrusalem vì đây là “Giờ” mà Chúa Cha muốn Ngài thực hiện để mang lại ánh sáng mới cho trần gian. Đức Giêsu hoàn toàn bình thản bước lên thập giá vì Ngài biết rằng “sau ba ngày Ngài sẽ sống lại”, và đây là “Giờ” của ơn cứu chuộc qua việc vâng theo ý Chúa Cha uống chén đắng cứu độ thay cho sự bất tuân phục của tổ tông Adam.
Từ đây mỗi khi nhìn vào Thánh giá, chúng ta thấy một tình yêu tự hiến của Thiên Chúa lớn lao đến nỗi “không có tình yêu nào lớn hơn người dám chết cho người mình yêu”. Và qua biến cố tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã biến đổi đau khổ sự chết thành niềm hy vọng sự sống. Cuộc đời có đau khổ và lo sợ về cái chết. Từ nay nhờ tin vào Chúa chúng ta được nâng đỡ trong đau khổ khi dâng hiến đau khổ cho Chúa để Chúa thêm sức mạnh. Đồng thời nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ sống lại với Người.
Chính vì thế, Thánh giá đã trở thành một trong những biểu tượng tôn giáo được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Thánh giá hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới. Không chỉ trong các nhà thờ và thánh đường, mà còn trong nhà riêng, trong phim ảnh, trong sách báo hay những video âm nhạc. Thánh giá cũng được đeo trên mình thay cho đồ trang sức mà ai đó từng nói rằng: “Thập giá Đức Kitô đong đưa làm dáng trên đôi tai хinh”.
Nghi thức phụng ᴠụ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta thấu hiểu ᴠiệc tôn ѕùng Thánh Giá là chính đáng, bởi chính Đức Kitô, ᴠì уêu thương ᴠà để cứu độ chúng ta, đã tự hiến thân mình đền tội thaу cho nhân loại ᴠà đã chết trên thập giá. Giáo hội Công giáo đã hân hoan ngợi ca trong ngàу nàу: Đâу là câу Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian – Chúng ta hãу đến thờ lạу!
Tình уêu tự hiến chiều Tử Nạn được tiếp nối bằng tình уêu chiến thắng đêm Vọng Phục Sinh, mà Giáo hội đã long trọng cử hành trong nghi thức kiệu nến Phục Sinh. Trên câу nến Phục Sinh cũng được ghi khắc hình ảnh Thánh Giá.
Trong tâm tình đó xin mời cộng đoàn cùng bước vào phần suy tôn Thánh Giá với tâm tình cung kính thờ lạy Thánh giá vì: Đây là Cây Thánh Giá nơi treo Đấng Cứu Chuộc trần gian –chúng Ta hãy đến thờ lạy! Amen
Lễ Phục Sinh
Quán Trọ Trần Gian
Khi nói về những nơi chúng ta đến rồi đi người ta dùng rất nhiều tên gọi khác nhau như: ở trọ, ở đậu, ở tạm . . . Và dường như trong cuộc đời dương thế này thì chẳng có nơi nào là định cư vĩnh viễn. Tất cả đều là tạm bợ như bài thơ “Ở Trọ” của Trịnh Công Sơn đã diễn tả:
“Con chim ở đậu cành tre, Con cá ở trọ trong khe nước nguồn”
Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước như những bức tranh tuyệt đẹp, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Vạn vật đều đi vào vòng tử sinh như kiếp người đến rồi đi nơi quán trọ trần gian:
“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”
Và ngay cả cái đẹp của mây và nắng cũng rất mong manh, vì nó cũng mau tan biến.
“Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người”
“Mây kia” và “nắng ấy” cũng chỉ trong chớp mắt rồi cũng tan biến. Điều quan yếu là vạn vật tuy vô thường nhưng vẫn tác động vào nhau. Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dẫu biết rằng dòng đời hợp rồi tan nhưng ai cũng mong được ở gần người mình thương, để ở trọ nhau trong đôi mắt, trong trái tim, trên đôi chân…
“Xin cho về trọ gần nhau. Mai kia dù có ra sao cũng đành”.
Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại. Còn “Mai kia dù có ra sao cũng đành” dường là một bế tắc của kiếp người. Vì con người dường như mù tịt với “mai kia” khi rời quán trọ trần gian rồi sẽ đi đâu hay về đâu?
Chết rồi sẽ đi đâu trong cõi hồng trần này? Chẳng một triết gia nào tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng có một Đấng đã tự mình chết rồi sống lại. Sự phục sinh của Ngài đã trả lời cho mọi vấn nạn về kiếp sống con người. Như Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích, chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền”.
Như vậy sự phục sinh của Đức Kitô là câu trả lời đầy đủ cho vấn nạn sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Thánh Gioan còn cho biết thêm: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới. Tôi cũng thấy thành thánh là Giêrusalem mới từ thiên đàng của Thiên Chúa mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Ngài sẽ lau khô nước mắt của nhân sinh; sẽ không còn chết chóc, buồn thảm, khóc lóc hay đau đớn nữa vì những việc cũ đã qua rồi”.
Đó là hình ảnh của thiên đàng, nơi Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc trường sinh. Như thế cuộc sống trên trần thế nầy là cuộc sống tạm, cuộc sống trên thiên đàng mới là cuộc sống vĩnh viễn. Cuộc sống ấy không còn đau khổ vì chính Thiên Chúa sẽ lau khổ dòng nước mắt. Chính Thiên Chúa sẽ ban bình an, hoan lạc cho con cái của Người.
Cuộc sống này sẽ qua đi. Nhưng cuộc sống này lại là hạt giống, là căn nguyên để hình thành sự sống mai hậu. Điều này có nghĩa là sự sống của chúng ta có vĩnh cửu ở đời sau hay không còn tùy thuộc chúng ta đã sống một cuộc đời hôm nay như thế nào? Chúng ta có là hạt lúa chịu mục nát thì mới sinh ra cây lúa ở đời sau. Chúng ta có sự sống trong Chúa hôm nay thì mai sau chúng ta mới sống lại trong vinh quang với Chúa muôn đời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết chọn Chúa trong cuộc đời này là cùng đích để mai sau sẽ cũng được sống lại với Người trong vương quốc trường sinh. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————-
Lễ Vọng Phục Sinh
Chúa Giêsu Có Thật Sự Sống Lại Không?
Có dư luận cho rằng Chúa Giêsu không sống lại, chẳng qua là các môn đệ đánh cắp xác Ngài ra khỏi mồ rồi đem đi nơi khác, sau đó, họ toa rập với nhau, phao tin Chúa đã sống lại, xác Ngài không còn nằm trong mồ nữa.
Thực hư thế nào? Có bằng chứng nào chứng tỏ Chúa Giêsu đã sống lại không?
Có nhiều bằng chứng khác nhau, ở đây chúng ta chỉ nêu lên bằng chứng thuyết phục nhất.
Đó là các Tông đồ sẵn sàng chịu chết để làm chứng Chúa Giêsu sống lại.
Nếu Chúa Giêsu chết mà không sống lại như lời Ngài báo trước, thì các Tông đồ sẽ có những phản ứng như sau:
Thứ nhất: Các ông sẽ ngộ ra rằng Thầy Giêsu mà họ đem lòng tin tưởng, yêu mến và ngưỡng mộ bấy lâu không phải là Con Thiên Chúa như lời Ngài nói mà chỉ là người phàm tự xưng mình là con Thiên Chúa. Như thế, Ngài đã lừa dối họ và các ông sẽ thất vọng về Ngài, sẽ oán ghét và phế bỏ Ngài vì Ngài đã lừa dối các ông, đã làm cho cuộc đời các ông dang dở: bỏ công theo Ngài ba năm, giờ chẳng được tích sự gì!
Thứ hai: Các ông sẽ không bịa đặt chuyện Chúa Giêsu sống lại rồi đi rao truyền khắp nơi lừa bịp người khác; vì khi làm như thế, các ông chẳng những chẳng được lợi lộc gì mà còn mất tất cả, kể cả mạng sống mình.
Thứ ba: Các ông sẽ không điên rồ đến nỗi tiếp tục từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, lại phải chịu đòn vọt, xiềng xích, tù đày và chịu chết để đi loan truyền một điều láo khoét là Chúa Giêsu sống lại.
Trong thực tế, các phản ứng kể trên không hề xảy ra.
Trái lại, các Tông đồ tiếp tục hy sinh tất cả, từ bỏ gia đình, cha mẹ, vợ con, chấp nhận đòn vọt, tù đày và chấp nhận chết để làm chứng cho mọi người biết Chúa Giêsu đã thực sự sống lại từ cõi chết.
Có ai trên đời điên rồ đến nỗi chịu đánh mất tất cả những gì trân quý nhất trong cuộc sống như các Tông đồ đã làm và đặc biệt là chấp nhận đòn vọt, tù đày và nhận lấy cái chết để lừa dối người khác tin vào điều bịa đặt của mình không? Chắc chắn là không!
Trong khi đó, tất cả cácTông đồ, ngoại trừ Gioan bị lưu đày ra đảo Patmos, đã từ bỏ tất cả mọi thứ nêu trên và vui lòng lãnh lấy án chết… để minh chứng rằng Chúa Giêsu thực sự sống lại.
Khi người làm chứng sẵn sàng chịu mất tất cả và chịu chết để minh chứng mình nói thật, thì lời chứng của người đó là chân thật. Vậy, sự kiện Đức Giêsu sống lại là hoàn toàn chắc chắn!
Sự việc Chúa Giêsu sống lại chứng tỏ cho chúng ta thấy Ngài không phải là người phàm (vì người phàm thì không thể sống lại) nhưng đích thực là Con Thiên Chúa như lời Ngài đã nói.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con vô cùng diễm phúc vì Chúa chịu khổ nạn và chịu chết để đền tội thay cho chúng con; nhờ đó, chúng con thoát khỏi gông cùm sự chết, thoát ngục tử thần; và Chúa đã sống lại để dẫn đưa chúng con vào đời sống mới bất diệt trên thiên quốc.
Chúng con hân hoan cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con hồng phúc vô giá nầy và xin cho chúng con sống xứng đáng với ân huệ Chúa trao ban. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————————–
Mộ Trống
Chúa Nhật Phục Sinh – (Ga 20, 1 – 9)
Tang tóc bao trùm che ánh dương
Niềm tin mong đợi tưởng cùng đường
Bóng đêm che khuất niềm hy vọng
Ánh sáng khai mào nỗi luyến thương
Sự sống hồi sinh tràn thánh sủng
Tử thần gục ngã dẹp tai ương
Ngắm nhìn mộ trống hồn hoan lạc
Rộn rã Tin Mừng khắp bốn phương.
Hạt Nắng
———————————————
Mộ Trống
Chúa Nhật Phục Sinh (Ga 20, 1 – 9)
Nhìn mộ trống hồn con rộn rã,
khăn liệm đây, Người đã Phục Sinh!
Nắng hồng chào đón bình minh,
một nguồn sống mới lung linh gọi mời.
Chúa sống lại đất trời rộng mở,
khắp không gian hoa nở chim ca.
Sự thật chiến thắng gian ngoa,
tử thần chạy trốn bóng tà thoái lui.
Từ mộ trống niềm vui lan tỏa,
Chúa Phục Sinh xóa sạch tội đời.
Tin Mừng loan báo muôn nơi,
hồng ân Cứu Độ loài người hằng mong.
Qua đêm tối hừng đông chiếu sáng,
xin giã từ ngày tháng điêu linh.
Bao năm sống kiếp bội tình,
khiêm nhường sám hối hành trình vững tin.
Ơn thánh sủng hồi sinh cuộc sống,
giải thoát con ảo mộng trần gian.
Niềm tin hy vọng dâng tràn,
dấu chỉ mộ trống bình an trở về.
Theo Ngài khắp nẻo sơn khê …
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Con Quyết Theo Ngài
(Mừng vui Phục Sinh)
Con đã bước ra khỏi mồ,
con đã bước ra khỏi mồ – Chúa ơi!
Mồ chôn tội lỗi – tối tăm,
mồ lắm u mê – tái tê,
mồ quên đường về.
Con đã bước ra khỏi mồ,
con đã bước theo đường Ngài – Vững tin!
Đường yêu cuộc sống – dấn thân,
đường biết hy sinh – hiến dâng,
đường say tình người.
Nhờ ánh sáng Phục Sinh chiếu soi đời con.
Nhờ ánh sáng Tình Yêu giải thoát đời con.
Đưa con về trong tình yêu Chúa.
Cuộc sống mới hồi sinh sáng soi bình minh.
Cuộc sống mới tự do chứa chan niềm tin.
Đưa con về trong tình yêu Ngài.
Con quyết bước theo đường Ngài,
con quyết sống theo lời Ngài, Chúa ơi!
Niềm tin bừng sáng – chứng nhân
lời Chúa ươm gieo – tín trung
tình yêu trùng phùng.
M. Madalena Hoa Ngâu
—————————————————
Tình Ca Mộ Trống
Chúa Nhật Phục Sinh (Ga 20, 1 – 9)
Nôn nao con kiếm tìm – Mộ Trống – Chúa nơi đâu?
Xôn xao con đứng nhìn – Mộ Trống – Chúa đâu rồi?
Lòng con nôn nao – Tình con xôn xao!
Mộ Trống – Chúa ơi!
Khăn liệm còn đây – Dây băng còn đây!
Chúa ở nơi nao? – Chúa ở nơi đâu?
Hân hoan trong tĩnh lặng – Mộ Trống – Dấu tin yêu.
Bâng khuâng con nhớ lại – Đền thánh – Sau ba ngày.
Lòng con bâng khuâng – Tình con hân hoan!
Mộ Trống – Chúa ơi!
Tín hiệu tình yêu – uy linh huyền siêu,
cho con niềm tin – Chúa đã Phục Sinh.
Mộ Trống – Ánh sáng bừng lên,
xua tan màn đêm – phá tan ngục tù.
Tình yêu – Chúa đã hiến dâng,
cứu chuộc trần gian – ban nguồn sống mới.
Mồ Trống – Sức sống hồi sinh,
trả cho trần gian – nét đẹp tinh tuyền.
Vườn xưa – Bức họa Tình Yêu,
từ thưở ban đầu – trong trắng, đơn sơ.
Tin yêu con đón nhận – Mộ Trống – sống hy sinh.
Yêu thương chịu chôn vùi – Hạt Giống – quên thân mình.
Lòng con tin yêu – tình con yêu thương!
Thần Khí – Cha ban!
Sống lại từ đây – ca vang nồng say,
tôn vinh Tình Yêu – tâm hồn đổi thay.
Nắng Sài Gòn
——————————————–
Đón Chào Phục Sinh
Lễ Phục Sinh – (Ga 20, 1 – 9)
Tận đáy sâu nấm mồ tội lỗi,
tâm hồn con đen tối u mê.
Cô đơn thất vọng não nề,
đời con lạc hướng bội thề thất trung.
Mê danh vọng phục tùng quyền lực,
ham bạc tiền thôi thúc tham lam.
Yêu thương, nhân nghĩa lụi tàn,
niềm tin héo úa nát tan nghĩa tình.
Con chao đảo tâm linh ủ rũ,
một màu tang bao phủ cuộc đời.
Linh hồn khắc khoải chơi vơi,
mong tìm lối thoát mong đời hồi sinh.
Nhờ ánh sáng uy linh rực rỡ,
Chúa Phục Sinh nâng đỡ đời con.
Cứu con thoát khỏi lối mòn,
phục hồi sự sống chẳng còn bợn nhơ.
Quyết theo Chúa sống nhờ Thần Khí,
nguyện chu toàn Thánh ý Ngài trao.
Đường nhỏ hẹp, đường thanh cao,
tay cầm nến sáng đón chào Phục Sinh
Tình yêu đòi hỏi quên mình…
A.P Mặc Trầm Cung