5 Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Ngày Tháng 04/2022

01/04/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 7,1-2.10.25-30

CĂN TÍNH KI-TÔ
“Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7,29)
Suy niệm: Suốt ba năm rao giảng, căn tính Đức Giê-su vẫn là một dấu chấm hỏi không thể giải đáp đối với người Do Thái. Họ tưởng mình biết Ngài “xuất thân từ đâu”. Nhưng Chúa Giê-su chất vấn ngược lại họ: “Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?” Quả thật, với cái nhìn thuần tính thế tục, họ tự phụ cho rằng họ biết Ngài cách tường tận nhưng thực ra họ chỉ nhìn thấy Ngài với gốc gác nhân loại. Lời giảng dạy uy quyền của Ngài cùng với những dấu lạ Ngài làm không giúp họ nhận ra căn tính Ki-tô nơi Ngài mà chỉ làm cho họ thêm thù ghét, qui kết cho Ngài tội phạm thượng và “tìm cách bắt Người” để giết đi.
Mời Bạn: Đức Giê-su mạc khải căn tính đích thực của Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy thì mang trong mình “căn tính Ki-tô” và vì thế việc đi theo Thầy Giê-su trên con đường thập giá là điều đương nhiên không thể thiếu. Mời bạn hãy kiên vững xác tín như thánh Phao-lô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 6,14).
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm một trong Mười Bốn Chặng Đường Thánh Giá và xin ơn bắt chước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì vâng phục Chúa Cha, Chúa đã hiến thân chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con sống đúng căn tính là Ki-tô hữu, luôn vâng phục ý Chúa, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.

02/04/22 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu
Ga 7,40-53

ĐÓN NHẬN VÀ TÔN TRỌNG
Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” (Ga 7,52)
Suy niệm: Nổi giận vì dân Ukraina muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào mình, tổng thống Nga Putin đã xua quân xâm lăng quốc gia này. Thái độ hiếu chiến của một kẻ đầy tham vọng mà lại nắm giữ quyền lực trong tay, xét cho cùng, không khác là bao với cung cách của giới lãnh đạo Do-thái khi họ ở trong tư thế thù địch với Đức Giê-su. Họ không thể chấp nhận Ngài chẳng những vì coi khinh thân thế của Ngài, mà còn vì do Ngài, họ càng ngày càng mất dần ảnh hưởng đối với dân chúng. Họ bị đóng khung trong thành kiến đến nỗi không thể đón nhận tiếng nói theo lương tri của những vệ binh: “xưa nay chưa từng có ai nói năng như Ngài”; và họ cũng chẳng nghe lập luận của một người trong nhóm họ là Ni-cô-đê-mô trưng dẫn chính Lề Luật để phản bác hành động sai trái của họ. Họ tự cho rằng chỉ có họ mới nắm giữ chân lý và họ miệt thị tất cả những ai không về phe họ.
Mời Bạn: Kiêu căng tự phụ đưa tới thành kiến, và hậu quả là người ta không thể đón nhận chân lý và cũng đánh mất sự tôn trọng đối với tha nhân. Bạn dành giờ thinh lặng cầu nguyện để phân định mọi sự với cái nhìn của Chúa. Học nơi Chúa tâm tình “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29) để không thành kiến nói lời mỉa mai chỉ trích hay khinh miệt bất cứ ai.
Sống Lời Chúa: Nhận biết những ưu điểm của người khác để đón nhận và tôn trọng những khác biệt nơi họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con xoá bỏ cái nhìn thành kiến về bất cứ ai, và học nơi Chúa lòng bao dung, đón nhận và nâng đỡ người khác. Amen.

03/04/22 CHUA NHẠT TUÀN 5 MC – C
Ga 8,1-11

CHÚA MỞ RA CON ĐƯỜNG SỐNG
“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11)
Suy niệm: Đức Giê-su không nói người phụ nữ ngoại tình này là không có tội. Nhưng Ngài không lên án chị mà nói: “Chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.” Chúa cho chị một cơ hội, Ngài mở ra cho chị con đường sống. Đó chính là sứ vụ của Ngài khi đến trần gian: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Con đường sống Chúa mở ra là con đường của lòng thương xót và tha thứ. Chúa không dung túng cho tội lỗi. Nhưng Ngài thương xót và tha thứ cho kẻ có tội và chịu chết để ban ơn cứu độ. Do đó, Ngài đòi hỏi tội nhân đổi đời là “đừng phạm tội nữa.” Con đường sống bắt đầu bằng việc hoán cải, dứt khoát với quá khứ tội lỗi để tiến vào trong tương lai của sự sống.
Mời Bạn: Chúa giàu lòng thương xót luôn tha thứ cho tội nhân và tha thứ không mệt mỏi. Giáo Hội, đặc biệt trong Mùa Chay, kêu mời con cái mình sám hối trở về bằng cách bước ra khỏi cõi chết do tội lỗi qua việc làm hòa với Chúa, và đồng thời đi vào con đường sống bằng cách không phạm tội nữa.
Chia sẻ: Bạn cảm nhận thế nào khi đặt mình vào vị trí của người phụ nữ ngoại tình này để nghe lời xá giải của cha giải tội nói với bạn khi bạn xưng tội: “Cha tha tội cho con…”?
Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay, bạn lãnh nhận bí tích Hoà Giải sốt sắng với lòng hoán cải thật sâu xa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn chúng con hoán cải hơn là kết án chúng con. Xin cho chúng con nhận rõ hơn tội lỗi của mình để mạnh dạn đứng lên bước ra khỏi vũng lầy tội lỗi.

04/04/22 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 8,12-20

LUỒNG SINH KHÍ MỚI
Đức Giê-su nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12)
Suy niệm: Vụ án xử người phụ nữ ngoại tình là câu chuyện dẫn nhập để thánh Gio-an giúp chúng ta hiểu được lời Chúa nói hôm nay. Cái nhìn của Chúa đem lại luồng sinh khí mới: Ngài là nguồn ánh sáng đem lại sự sống. Những người tố cáo cũng được cái nhìn của Chúa soi sáng và thấy được sự thật tâm hồn mình: một con người cũng mang đầy tội lỗi như ai. Nhưng ánh sáng đó chưa kịp đem lại luồng sinh khí mới cho họ, thì họ đã vội rút lui. Còn bị cáo, người phụ nữ ngoại tình, cũng được cái nhìn đầy ánh sáng của Chúa chiếu rọi. Nhưng khác một điều, chị vẫn đứng đấy, một mình với Chúa, chấp nhận để ánh sáng Chúa soi rọi vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Thật kỳ diệu, ánh sáng đó biến thành liều thuốc cải tử hoàn sinh. Chẳng những chị khỏi bị ném đá cho đến chết, chị còn được biến đổi thành một con người mới, con người được tha thứ tội lỗi: “Tôi cũng không kết án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Mời Bạn: Bạn đừng trốn tránh cái nhìn của Chúa nhé. Trái lại hãy đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài nhìn bạn và ban cho bạn sức sống mới.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút, đặt mình trước cái nhìn của Chúa để kiểm điểm đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận yếu đuối tội lỗi của người phụ nữ đáng thương cũng là thân phận của con. Biết bao lần con đã phạm tội. Xin giúp con biết ăn năn trở về nhận lãnh ơn tha tội và luôn nhắc nhở lòng mình “từ nay đừng phạm tội nữa”.

05/04/22 THỨ BA TUẦN 5 MC
Ga 8,21-30

ĐƯỢC GIƯƠNG CAO
Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu.” (Ga 8,28)
Suy niệm: Thập giá đối với người Do Thái là sự ô nhục, đối với dân ngoại là sự điên rồ (x. 1Cr 1,22). Thế mà Chúa Giê-su lại chọn thập giá đó làm phương thế cứu độ nhân loại. Chúa hoàn toàn ý thức điều đó khi nhiều lần Ngài khẳng định: “Con Người sẽ được giương cao” (x. Ga 3,14; 12,32). Ngài còn báo trước cho các môn đệ: “Người phải lên Giê-ru-sa-lem… bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (x. Mt 16,21). Trong cơn thống khổ tại vườn Cây Dầu, Ngài đã “xin đừng theo ý con” mà “vâng theo ý Cha” đón nhận thập giá (x. Mt 26,39). Đúng như vậy, Ngài không “bị” mà “được giương cao”. Nghĩa là Ngài bước lên cây thập giá trong tâm thế hoàn toàn chủ động với ý thức và tự nguyện, mà hơn nữa, nhờ đó Ngài “được tôn vinh” (x. Ga 12,23; Pl 2,9), và nhân loại được cứu độ nhờ cái chết và cuộc phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Tình yêu đòi hỏi cả hai phía chủ thể phải có sáng kiến và sự chủ động. Không có tình yêu khi bị ép buộc. Không có người “bị yêu” nhưng chỉ có người “được yêu” và tình yêu đó sẽ tồn tại. Chúa đã đi bước trước đến với chúng ta và yêu thương chúng ta như vậy, chúng ta đã đáp lại tình yêu của Chúa thế nào? Tự nguyện với cả tấm lòng hay chỉ là thụ động ở mức tối thiểu mà thôi?
Sống Lời Chúa: Mời bạn chiêm ngắm thánh giá Chúa và xin được cảm nghiệm tình yêu của Ngài hiến thân vì chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương, Chúa đã tự nguyện chấp nhận cái chết đau thương trên thánh giá để chuộc tội cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết đáp đền tình yêu Chúa cách cân xứng bằng đời sống tin – cậy – mến của chúng con. Amen.

06/04/22 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42

ĐỪNG CỨNG LÒNG
Đức Giê-su nói với người Do Thái: “Các ông lại tìm giết tôi, người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.” (Lc 4,2)
Suy niệm: Người ta thường nói: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”; ngược lại, cũng có câu “cha dạy học, con đốt sách”! Trong khi thi hành sứ vụ rao giảng, Đức Giê-su đã phải đối mặt với những người Do Thái cứng lòng trước sứ điệp Tin Mừng. Họ ỷ mình là con dòng cháu giống của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng lại “đốt sách” của tổ phụ mình: Vì thành kiến, óc bảo thủ, vì ham hố lợi lộc, vun quén ảnh hưởng phe nhóm, họ chối từ sứ điệp của Chúa Giê-su, và mặt khác, họ “làm điều mà Áp-ra-ham đã không làm” đó là tìm giết Đức Giê-su.
Mời Bạn: Như nhắc lại lời Chúa Giê-su, phó tế Tê-pha-nô đã gọi giới lãnh đạo Do Thái thời đó là những người “cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, luôn chống lại Thánh Thần” giống như cha ông họ (x. Cv 7,51). Đó cũng là lời nhắc nhở bạn và tôi: “Ngày hôm nay, nếu các bạn nghe tiếng Chúa, thì đừng cứng lòng nữa” (x. Tv 94,8). Trái lại, hãy từ bỏ cái nhìn thành kiến, óc bè phái; đừng chỉ là Ki-tô hữu trên giấy tờ, con số rồi dựa vào đó để tự hào, nhưng hãy là người con biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (x. Lc 8,21).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, bạn suy niệm một câu Lời Chúa và có một quyết tâm thực hành cụ thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban ơn cho chúng con được vững tin, để cuộc đời chúng con luôn can trường mạnh mẽ trước những thử thách và sóng gió cuộc đời. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con.

07/04/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59

GIỮ LỜI MUÔN ĐỜI KHÔNG CHẾT
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Suy niệm: Giữa lúc cuộc tranh luận giữa người Do Thái với Đức Giê-su ngày càng trở nên gay gắt, Ngài tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột rằng “Ai tuân giữ lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Người Do Thái chẳng những không tin mà còn qui chụp: “Bây giờ chúng ta biết chắc là ông bị quỷ ám.” Họ cho rằng Áp-ra-ham đã chết, nhưng Đức Giê-su nói họ “lầm to” vì Thiên Chúa của Áp-ra-ham, tổ phụ họ, là “Thiên Chúa của kẻ sống” chứ không phải của kẻ chết (x. Mc 12,27; Mt 22,32). Như thế, Áp-ra-ham, người luôn tin và vâng lời Thiên Chúa vẫn sống; và lời Đức Giê-su đoan chắc “ai giữ lời muôn đời không chết” càng được chứng thực hơn nữa trong cuộc tử nạn và phục sinh vinh quang của Ngài.
Mời Bạn: Phải “tuân giữ lời Thiên Chúa” như thế nào để “không bao giờ phải chết”? Nếu chỉ đọc vanh vách những câu lời Chúa, nói rõ số chương số đoạn mà không đem ra thực hành trong đời sống mình thì chưa phải là “tuân giữ Lời”. Phải để Lời Chúa thấm vào trong tim, ăn sâu trong trí não và đi tới bàn tay thực hành.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dành thời gian suy niệm đoạn Tin Mừng trong phụng vụ thánh lễ ngày hôm đó, và luôn đưa ra một điều quyết tâm cụ thể để thực hành trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con hay hời hợt nghe Lời Chúa trong thánh lễ, nghe xong rồi quên. Xin cho từ hôm nay, Lời Chúa ở lại trong con và dạy con sống Lời Chúa, noi gương Con Chí Ái Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, để con xứng đáng là con cái Chúa, Đấng luôn yêu thương và mong điều tốt cho con. Amen.

08/04/22 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Ga 10,31-42

CHAY LÒNG THÙ HẬN
“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi.” (Ga 10, 31)
Suy niệm: Sự thường khi thương nhau thì chín bỏ làm mười, không thương nhau nữa nói lời chát chua. Do lòng đố kỵ, hận thù, người Do Thái đã tìm mọi cách để gài bẫy, hãm hại Đức Giê-su, mà cao điểm là ném đá Người trong bài Tin mừng hôm nay. Họ cho rằng Đức Giê-su phạm thượng khi tự xưng mình là Con Thiên Chúa, một điều luật Do Thái cấm ngặt. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho thấy các việc làm tốt đẹp của Ngài như chữa lành mọi kẻ yếu đau, tàn tật và cho cả người chết sống lại… chứng tỏ căn tính của Ngài là Đấng Cứu Thế. Muốn hay không, cũng phải công nhận những việc tốt và Đức Giê-su hẳn phải từ Thiên Chúa mà đến. Thế nhưng, do sự ngoan cố, thù nghịch, người Do Thái từ chối Đức Giê-su, khép lòng trước ơn cứu độ do Ngài đem đến.
Mời Bạn: Đố kỵ, thù ghét có thể như những “trái bom nổ chậm,” tạo nên những vết thương trong tâm hồn bạn và cả với người bên cạnh. Mùa Chay sẽ là mùa của hòa bình nếu bạn biết tháo “ngòi nổ” trong trái bom ấy ra khỏi lòng mình, để tha thứ và đón nhận người khác như họ “là,” chứ không phải như bạn muốn. Đó chắc chắn là tâm tình tuyệt vời trong suốt Mùa Chay thánh này. Bạn ước ao sống cách thế ấy chứ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay hãy xin ơn đón nhận người khác như chính họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con đón nhận Lời Chúa, để không bao giờ khép lòng với Ngài; đồng thời biết “chay tịnh” lòng hận thù, tranh chấp, quảng đại đón nhận tha nhân, hầu Mùa Chay thánh này trở nên hữu ích cho bản thân con. Amen.

09/04/22 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Ga 11,45-57

CHẾT THAY CHO TOÀN DÂN
Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, là thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. (Ga 11,49-50)
Suy niệm: Cai-pha, với tư cách “là thượng tế năm ấy”, đã vô tình nói tiên tri về Đức Giê-su: Ngài không chỉ chết thay cho dân, mà chính cái chết ấy lại trở nên phương thế để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” Cai-pha và những người Pha-ri-sêu chỉ bận tâm đến việc nhổ bỏ cái gai là Đức Giê-su: “Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy” và họ quyết định giết Ngài. Nhưng với Thiên Chúa, Ngài có thể vẽ nên đường thẳng từ những nét cong: từ mưu toan độc địa của giới lãnh đạo Do-thái, Chúa đã làm cho cái chết của Đức Giê-su trở nên phương thế cứu độ khi cho Con Một Ngài phục sinh vinh quang.
Mời Bạn: Đức Ki-tô vẫn tiếp tục cuộc khổ nạn của Ngài nơi những con người bị loại trừ, bị áp bức bất công, bị lạm dụng, bị giết chết trong thế giới hôm nay. Hy tế đó của ngài vẫn tiếp tục thể hiện nơi mầu nhiệm Thánh lễ mà Giáo hội cử hành. Bạn cũng tham dự vào hy tế “chết thay cho toàn dân” đó khi tham dự Thánh lễ và khi bạn dám hy sinh thân mình, thậm chí cả mạng sống, để phục vụ anh chị em mình.
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa những hy sinh phục vụ hằng ngày kết hợp với hy tế của Chúa Ki-tô khi bạn tham dự Thánh lễ, để xin ơn hoán cải cho mình và cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã chấp nhận cách hành xử bất công để làm nên phương thế cứu độ. Xin cho con đừng mất hy vọng dù gặp những gian nan thử thách.

10/04/22 CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Lc 22,14-23,56

HIỂN LINH TRÊN THẬP GIÁ
Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính!” Và khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy, đều đấm ngực trở về nhà. (Lc 23,47)
Suy niệm: Cuộc khải hoàn trọng thể của Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem (thể hiện qua nghi thức kiệu lá) chỉ là khởi điểm của tột đỉnh vinh quang của Ngài là cuộc khải hoàn trên thập giá (qua việc tường thuật lại cuộc thương khó). Chính trên thập giá, Chúa Giê-su tỏ mình đích thực là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế. Lời rao giảng của Chúa Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” đã trổ sinh hoa trái ngay dưới chân thập giá: – dân chúng sám hối đấm ngực trở về; – và viên đại đội trưởng thì tin tưởng tuyên xưng: “Người này quả thật là công chính”.
Mời Bạn: Có khi nào thập giá của Đức Ki-tô biến đổi tâm hồn bạn sâu xa như thế chưa? Bạn hãy nhìn lên thập giá, chiêm ngắm thập giá cho đến khi tâm hồn bạn thực sự rung động trước tình yêu tự hiến của Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: – 1/ Suy gẫm 14 Chặng Đàng Thánh Giá; – 2/ Chọn một hành động thích hợp với bạn để biểu lộ lòng yêu mến, tôn kính Thánh Giá (hôn kính Thánh Giá, làm dấu thánh giá cách sốt sắng…)
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi, xin cho con cùng chết với Ngài để cùng sống với Ngài vinh quang” – hoặc đọc kinh “A Rất Thánh Giá”.

11/04/22 THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11

TÌNH YÊU ‘PHUNG PHÍ’
Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực nức mùi thơm. (Ga 12,3)
Suy niệm: Thông thường, người ta chỉ cần dùng vài giọt tinh dầu là đủ tạo ra mùi thơm. Tuy nhiên, trong bữa tiệc tại Bê-ta-ni-a diễn ra sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, cô Ma-ri-a đã lấy một cân dầu thơm hảo hạng – dung lượng tương đương một lít – để xức chân Đức Giê-su. Đây là số lượng quá lớn so với mức cần thiết. Hơn nữa, dầu thơm của Ma-ri-a là dầu nguyên chất, quý giá, đáng ba trăm quan tiền – tức là bằng với số lương của một năm lao động. Sự ‘phung phí’ của Maria diễn tả tình yêu tình yêu lớn lao vô bờ của cô dành cho Thầy Giê-su. Có thể nói rằng Ma-ri-a muốn dâng cho Chúa tất cả những gì cô có. Tình yêu đích thực thì sẵn sàng ‘phung phí’!
Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI có lần nói rằng những ai chỉ chăm chăm làm vừa đủ bổn phận thì không phải là Ki-tô hữu đích thực. Thiên Chúa không bao giờ tính toán các ân huệ Ngài ban. Ngài sẵn sàng ‘phung phí’ ngay cả Con Một yêu dấu của mình để đem ơn cứu độ cho trần gian. Vì thế, chúng ta hãy quảng đại ‘phung phí’ cho Chúa tất cả những gì mình có như thời gian, khả năng, vật chất…
Sống Lời Chúa: Trong Tuần Thánh này, tôi gia tăng các việc bác ái và làm với tất cả lòng yêu mến.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng. Biết cho đi mà không cần tính toán. Biết chiến đấu mà không sợ thương tích. Biết làm việc mà không tìm an nghỉ. Biết hy sinh mà không chờ một phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết là con đã làm theo thánh ý Chúa mà thôi. Amen.”

12/04/22 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

NỖI ĐAU BỊ PHẢN BỘI
Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Ga 13,21)
Suy niệm: Có lẽ chỉ những ai đã từng bị phản bội mới thấu cảm được trải nghiệm đó đau đớn như thế nào. Nỗi đau đó càng xót xa như muối xát vào tim khi kẻ phản bội lại là người mình yêu thương rất mực và hơn nữa khi những cố gắng dối lừa của người ấy chẳng che đậy được âm mưu phản bội này. Như thế cũng chưa diễn tả hết nỗi đau của Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly: chính lúc Ngài thực hiện hành vi yêu thương tột cùng là hiến trao chính Thịt và Máu trong hình bánh rượu, thì Giu-đa lại rắp tâm phản bội Thầy mình. Và ngay cả khi Chúa tiết lộ Ngài đã biết rõ ý đồ đen tối đó, Giu-đa vẫn không hề tỉnh ngộ mà càng cứng cỏi thực hiện tới cùng âm mưu nộp bán Thầy cho các thượng tế.
Mời Bạn: Bạn có đồng cảm nỗi đau của Chúa Giê-su khi trước sự phản bội phũ phàng đó không? Và nhất là bạn có đau đớn khi nhận ra rằng kẻ phản bội đó có khi chính là bạn không? Chúa luôn dùng nhiều phương thế để lay động, thức tỉnh bạn quay trở về với tình yêu Chúa. Nhưng bạn có mãi cố chấp trong tội, nhắm mắt, bịt tai trước lời Chúa kêu gọi bạn hoán cải không?
Sống Lời Chúa: Những ngày Tuần Thánh này là cơ hội để bạn quay về làm hoà với Chúa trong bí tích Hoà giải. Bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi lần con sa ngã trong tội lỗi là một lần trái tim Chúa bị đâm thâu. Xin đánh động tâm hồn con để con không chai lì cũng không thất vọng, nhưng mạnh dạn chỗi dậy trở về làm hoà với Chúa, để tình yêu Chúa chiến thắng trái tim con. Amen.

13/04/22 THỨ TƯ TUẦN THÁNH
Mt 26,14-25

NGƯỜI BÁN RẺ THIÊN CHÚA
Bấy giờ, một trong nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thương tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su. (Mt 26,14-16)
Suy niệm: Chẳng biết ma xui quỉ khiến thế nào mà Giu-đa lại nảy ra ý định đen tối – phản Thầy – mà chỉ để đánh đổi lấy 30 đồng bạc, là giá bán một tên nô lệ. Chẳng bõ bèn gì với số tiền chỉ bằng 1/10 bình bạch ngọc đầy dầu thơm kia! Và càng rẻ mạt nếu Giu-đa muốn lấy số tiền đó để bù lỗ ba năm trời theo Chúa chẳng nên cơm cháo gì! Thế mới hiểu mọi thứ tham lam (danh vọng, quyền lực, tiền bạc, lạc thú…) rốt cuộc xô người ta tới chỗ tuyệt vọng và vì thế, họ sẵn sàng bán rẻ tất cả, bán rẻ tình yêu, bán rẻ lương tâm, bán rẻ cả Thiên Chúa!
Mời Bạn: Thật là thảm kịch! Đành rằng ai cũng có thể sai lầm, thậm chí còn nặng nề hơn, như Phê-rô, Phao-lô, hay các môn đệ khác… Nhưng Giu-đa đã kết thúc thảm kịch bằng thảm kịch: ông không tin rằng Con Thiên Chúa có thể đền bù, có thể chuyển những sai lầm chết người đó thành hồng ân cứu độ cho muôn người.
Chia sẻ: So sánh trường hợp của Giu-đa với việc Phê-rô chối Thầy để hiểu thế nào là lòng ăn năn tội đích thực.
Sống Lời Chúa: Đừng như Giu-đa không dám đối diện với thập giá, trái lại mỗi khi thấy mình sa ngã lỗi lầm, hãy nhìn lên Đức Ki-tô trên thánh giá để hiểu rằng mình đã được thứ tha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su đáng mến, Chúa đã yêu đến nỗi chịu khổ hình thập giá thì còn tội lỗi nào mà Chúa không thể thứ tha. Xin cho con mỗi khi lỗi lầm, biết nhìn lên thánh giá Chúa, để con được lòng ăn năn tội nên.

14/04/22 THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh lễ Tiệc Ly
Ga 13,1-15

RỬA CHÂN ĐỂ HIỆP NHẤT
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Trong bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất và trước đó, Ngài rửa chân cho họ. Khi biến đổi Bánh và Rượu nên Mình và Máu, Ngài dặn dò các ông: “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy,” khi rửa chân cho các ông Ngài cũng căn dặn như thế: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.” Đây chắc chắn là những việc thiết yếu nhất mà Ngài muốn trối lại cho các môn đệ. Nhờ tiếp rước Mình và Máu Thánh Ngài mà các môn đệ được nên một với nhau trong Thân Mình mà Ngài là đầu. Nhưng chỉ có thể làm được như thế khi trước tiên các ông biết “rửa chân cho nhau.”
Mời Bạn: Sự hiệp nhất là giá trị sống còn mà cộng đoàn luôn luôn phải trân quý. Nhưng không thể đạt được điều đó nếu mỗi người không biết khiêm tốn để nhận ra giá trị của người anh em mình, cả nơi những người yếu kém nhất. Thế nhưng, thật khó để làm điều đó, bởi vì người ta thích dìm người khác xuống để tôn mình lên và để thoả mãn cái tôi kiêu ngạo của mình. Hành vi ‘thị phạm’ ấn tượng của Chúa ‘cúi xuống rửa chân’ cho chính môn đệ của Ngài là lời nhắc nhở rằng khiêm tốn phục vụ là đòi hỏi khẩn thiết để có được hiệp nhất và dù khó, đó là điều có thể thực hiện được.
Sống Lời Chúa: Thay vì nói xấu người khác, bạn tập khám phá những ưu điểm của nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con bước theo Chúa trên con đường thập giá, biết hy sinh gạt bỏ những chướng ngại, nối kết lại những khoảng cách với anh chị em, trong khiêm tốn, yêu thương và nhiệt tình phục vụ. Amen.

15/04/22 THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa
Ga 18,1-19,42

NƯỚC TRỜI
“Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18,36)
Suy niệm: Ngang nhiên lập căn cứ quân sự cách phi pháp trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của nước khác như Trung Quốc đang làm trên Biển Đông, hoặc tiến hành “chiến dịch quân sự” bằng việc không kích cùng với xe tăng, bộ binh xâm lăng nước láng giềng như Nga đang làm tại Ukraina, đó cách những người ôm mộng bá chủ, muốn xây dựng đế quốc cho mình trên trần gian này. Hôm nay Giáo hội kỷ niệm việc Chúa Giê-su chịu khổ nạn. Đứng trước toà án Phi-la-tô, đại diện cho đế quốc Rô-ma hùng mạnh đang thống trị thế giới, Chúa Giê-su là hiện thân của một Thiên Chúa “yếu đuối”, việc Ngài chịu tử nạn như một dấu chấm hết cho công cuộc rao giảng Nước Trời đầy thất bại của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa dõng dạc tuyên bố trước mặt Phi-la-tô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Giữa những đau khổ tang thương mà nhân loại phải chịu vì những tham vọng độc ác đó, Chúa Giê-su muốn dùng đau khổ và cái chết trên thập giá của Ngài để nói với nhân loại rằng: Thế gian này không phải là vĩnh cửu; trái lại, hãy hướng về Nước Trời vĩnh cửu, một nước được xây dựng bằng tình yêu thương, hy sinh, tha thứ, bằng việc cùng Ngài “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Mời Bạn nhìn lại cuộc sống của bạn có chứng tỏ người khác thấy rằng: “Nước Chúa không thuộc về thế gian này” không? Hay là bạn vẫn đang quá bám víu vào đời này mà quên mất nước Trời?
Sống Lời Chúa: Xác tín rằng chỉ có thể xây dựng Nước Trời theo phong cách “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

16/04/22 THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CHÚA GIÊ-SU AN NGHỈ
Gần nơi Đức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do Thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giê-su ở đó. (Ga 20,41-42)
Suy niệm: Ngày thứ bảy sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Và cũng vào một ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá – một cuộc sáng tạo mới – Chúa Giê-su cũng an nghỉ. Đó là sự an nghỉ trong vâng phục và phó thác: Đấng có thể làm được mọi sự lại cam chịu nhắm mắt xuôi tay, để vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha; Ngài “vô vi”, không làm gì cả, để mọi chấm mọi phẩy trong chương trình cứu chuộc được hoàn tất. Chịu an táng trong mồ tối, Ngài trải qua trọn vẹn thân phận nhập thể chìm sâu tới đáy cùng của kiếp người: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).
Mời Bạn: Phải chăng lắm khi chúng ta khuấy động như những con rối? Lúc đó chúng ta hãy học với Ngài mẫu gương hoàn hảo của lòng vâng phục: án binh bất động những toan tính theo cái tôi ích kỷ để cho Thiên Chúa toàn quyền hành động trên cuộc sống của mình.
Sống Lời Chúa: Tập sống “vô vi” như Chúa: – không nói, không hành động khi đang nóng giận, nhất là không nói những lời thô tục, không hành động vũ phu, cộc cằn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Xin dạy con biết dừng lại những toan tính theo ý riêng, để thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống của con.

17/04/22 CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C
Mừng Chúa sống lại
Ga 20,1-9

TỪ “THẤY” ĐẾN “TIN”
Ông Si-mon Phê-rô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,6-8)
Suy niệm: Những điều Gio-an thấy tại mộ Chúa vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần hôm ấy được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc và chính xác chẳng khác nào một biên bản hiện trường: – Gio-an đến mộ nhưng nhường cho Phê-rô vào trước; – hiện trường ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn (khăn liệm và các giải băng vải được gấp xếp gọn ghẽ trong mộ…); – sự hiện diện của 2 nhân chứng (Phê-rô và Gio-an) tại ngôi mộ trống. Những điều Gio-an “thấy” chỉ là một ngôi mộ trống với những chứng tích còn lại. Và từ những điều trông thấy đó, Gioan đã khẳng định ngắn gọn và chắc nịch: “Ông đã thấy và đã tin”.
Mời Bạn: Gio-an đã “thấy” cũng những điều mà Phê-rô, Tô-ma hay các tông đồ khác cũng thấy, đó là ngôi mộ trống và tấm khăn liệm. Nhưng nhờ đó, Gio-an “thấy” được cả những “điều không thấy”: xác Chúa không còn trong mộ nữa. Từ “điều không thấy”, Gio-an đã tin: tin Đức Ki-tô đã sống lại. “Phúc cho ai đã không thấy mà tin”, phải chăng Đức Ki-tô phục sinh nói điều đó trước hết cho Gio-an?
Chia sẻ: Từ sự kiện “mồ trống”, bạn lập luận để xác tín rằng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh mà Gio-an và các tông đồ rao giảng cho chúng ta quả là xác thực.
Sống Lời Chúa: Bạn làm một cử chỉ (phủ phục trước Thánh Thể Chúa…) hoặc một lời nguyện vắn tắt để tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa đã chết và đã sống lại để cứu chuộc con.

18/04/22 THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PS
Mt 28,8-15

CHỨNG TỪ PHỤC SINH
Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
Suy niệm: Những phụ nữ yêu mến Chúa đã ra mộ thăm Chúa Giê-su từ sáng sớm. Qua giây phút bàng hoàng vì sự thật quá lớn mà họ đã chứng kiến, họ vỡ oà niềm vui chạy về báo tin cho các môn đệ chuyển đạt lại lời dặn dò Thầy hẹn gặp họ tại Ga-li-lê để nối tiếp sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ từ chính nơi Thầy đã khởi sự. Niềm vui đó, sứ điệp đó chứng thực lời Ngài đã báo trước: Đức Ki-tô sẽ bị giết chết, nhưng sau ba ngày Người sẽ sống lại (x. Mt 20,19). Cho dù những lời khai man trá của đám lính gác cửa mồ, cũng như những sự đe doạ bắt bớ của những người lãnh đạo Do Thái là các thượng tế và kinh sư, chứng từ đó có sức mạnh sống động và thuyết phục vì đó là lời chứng từ của chân lý và tình yêu.
Mời Bạn: Chứng từ phát xuất từ chân lý tình yêu dù có khó khăn hay thiệt thòi thậm chí nguy hiểm cả tính mạng thì vẫn luôn đứng vững. Đức Ki-tô đã sống lại thật như lời Thánh Kinh, đó là một sự kiện và là một mầu nhiệm là nền tảng vững chắc cho đức tin hôm qua, hôm nay và mãi mãi, như thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô không sống lại thì niềm tin của chúng ta thật hão huyền” (1Cr 15,17).
Sống Lời Chúa: Xác tín niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, bạn dạn dĩ sống lời Chúa truyền dạy, không mặc cảm, cũng không sợ hãi.
Cầu nguyện: Chúa nay thực đã Phục Sinh. Ha-lê-lui-a! Ha-lê-lui-a! Với lòng tin yêu Đấng Phục Sinh, xin cho con biết can đảm bằng việc từ bỏ tội lỗi và nết xấu để sống con người mới với Chúa Phục Sinh. Amen.

19/04/22 THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 20,11-18

THẤY VÀ NHẬN RA CHÚA
Bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. (Ga 20,14)
Suy niệm: Chúa Giê-su sống lại hiện ra với các tông đồ, các môn đệ và nhiều người khác nữa. Họ sờ vào Người, ăn uống với Người; Người đi bên họ, nói chuyện với họ. Nhưng thân xác phục sinh của Chúa không bị giới hạn trong không gian và thời gian của thế giới này nữa. Các môn đệ không nhận ra Ngài vì họ cứ ôm mãi hình ảnh của Thầy mình nơi thân xác một con người đã chết. Ma-ri-a Mác-đa-la tưởng Người là bác làm vườn, các môn đệ lại nghĩ mình thấy ma. Chỉ khi nghe tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa gọi tên mình: “Ma-ri-a!” thì bà mới nhận ra đây không phải là ai khác mà là chính Thầy, và bà đã đáp lại: “Ráp-bu-ni! Lạy Thầy!”
Mời Bạn: Chúa Giê-su sống lại khai mào sự sống mới cho trần gian. Cuộc sống, vận mệnh mỗi người sẽ đổi mới trong Đấng phục sinh. Nhưng làm sao gặp được Chúa phục sinh và tiếp nhận sức sống mới đó? Ngài vẫn đến gặp chúng ta nhưng cũng như Ma-ri-a, chúng ta cũng có thể thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài. Những ai đi tìm Chúa và mong muốn gặp Ngài phải nhẫn nại vượt qua những khoảnh khắc gặp Chúa nhưng chưa nhận ra Chúa. Phải cầu xin ơn Chúa ban ơn đức tin hầu có thể khám phá ra sự hiện diện của Chúa.
Sống Lời Chúa: Ma-ri-a nhận ra Chúa khi nghe tiếng Ngài. Khi đọc Lời Chúa, tôi xác tín rằng: Chúa đang nói với tôi và tôi đang gặp gỡ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa sống lại và hằng ở với chúng con cho đến tận thế. Xin cho chúng con một đức tin sống động nhạy bén để thấy và nhận ra Chúa trong những cơ hội Chúa đến gặp chúng con trên đường đời. Amen.

20/04/22 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35

THÊM “LỬA”
Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32)
Suy niệm: Nhà văn Kazantzakis nói rằng: “Điều tôi quan tâm không phải là con người, mặt đất, bầu trời, mà là ngọn lửa thiêu đốt con người, mặt đất, bầu trời”. Nếu vậy, ông nghĩ thế nào về hai môn đệ trên đường đi Em-mau hôm nay? Hai môn đệ “hết lửa”! Một đội bóng “hết lửa” chỉ có từ thua đến thua to! Hai môn đệ “hết lửa” với Thầy, với công cuộc của Thầy, chỉ còn nước chót là đào tẩu về nhà! Thế nhưng, khi được gặp Đức Ki-tô phục sinh thì mọi sự đổi khác. Họ được tiếp thêm “lửa” nhờ Lời và Thánh Thể của Ngài: “Dọc đường, khi Người nói chuyện… lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Đầy “lửa” đến độ họ đứng dậy, vượt quãng đường 12km ngay trong đêm, để gặp các bạn làm chứng rằng mình đã gặp Thầy.
Mời Bạn: Bạn còn “lửa” không, “lửa” yêu Chúa, “lửa” say mê công cuộc cứu độ của Ngài, “lửa” yêu thương đồng loại, nhất là những người thân của bạn? Hay bạn “hết lửa” vì ích kỷ mải lo cho mình?
Sống Lời Chúa: Để thêm “lửa” trong đời sống đạo, tôi sẽ trung thành với việc đọc Lời Chúa và nỗ lực sống Lời ấy mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa. Xin làm tim chúng con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Em-mau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống. Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt tình để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.

21/04/22 THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,35-48

CÁCH CHÚA GẶP TA
“Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. (Lc 24,41-42)
Suy niệm: Nhiều lần Đức Ki-tô Phục sinh chọn khung cảnh bữa ăn để gặp gỡ các môn đệ, chẳng hạn với hai môn đệ Em-mau hoặc với các môn đệ khác tại phòng tiệc ly. Cũng vậy, ngày nay cộng đoàn ưu tiên gặp Chúa trong bữa tiệc Thánh Thể, nơi chúng ta được Chúa dạy dỗ, giáo huấn, rồi chia sẻ Mình Máu Ngài cho ta. Mình Máu Ngài ta đón nhận là Thân mình của Đấng Phục sinh; việc đón nhận Thịt Máu Ngài cũng là hành vi của bữa Tiệc ly; sự hiện diện dưới hình bánh rượu của Ngài hôm nay là kết quả của lời tiên tri: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, cũng như lời hứa ở với ta mọi ngày cho đến tận thế. Theo trải nghiệm của chúng ta, gặp gỡ qua một bữa ăn chính là cuộc gặp gỡ thân tình nhất. Điều này cũng đúng cho bữa tiệc Thánh Thể giữa Thiên Chúa với những kẻ tin yêu Ngài.
Mời Bạn: Đi tham dự Thánh lễ là dự phần trong nghi lễ bẻ bánh, gặp Chúa Ki-tô Phục sinh hằng sống, Đấng ở với ta mọi ngày cho đế tận thế. Bạn gặp Chúa, kết hợp thân thiết cách cá vị với Ngài, để rồi sau thánh lễ, bạn được sai đi, sống tinh thần Thánh lễ kéo dài, tiếp tục gặp Đấng Phục sinh trong đời thường của mình.
Sống Lời Chúa: Là tín hữu, ta hãy coi Thánh lễ là cơ hội quí báu để gần gũi Chúa mỗi ngày một hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa sẵn lòng ngự vào lòng con mỗi khi con đi rước lễ. Xin cho con siêng năng tham dự Thánh lễ hằng ngày, hằng tuần để được gần gũi, thân thiết với Chúa luôn. Amen.

22/04/22 THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PS
Ga 21,1-14

KHÔNG NHƯ MỘT KỶ NIỆM
Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a… Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với Phê-rô: “Chúa đó!” (Ga 21,1.7)
Suy niệm: Ta thường trân trọng những kỷ niệm: một món quà lưu niệm, tấm hình ngày xưa còn bé, nhất là người xưa cảnh cũ… Trân trọng kỷ niệm là điều tốt, thế nhưng, coi Đức Giê-su như một kỷ niệm thì không được! Đó là trường hợp các môn đệ bên bờ Biển Hồ hôm nay. Các ông quên lời Thầy: trở thành kẻ lưới người, dường như các ông chỉ quen và thích lưới cá hơn! Thầy Giê-su đã quy tụ các ông thành một nhóm bạn, và rồi hôm nay dường như Ngài không còn hiện diện với các ông nữa mà chỉ là một kỷ niệm đẹp của chuyện ngày xưa! Chính lúc ấy, Đức Giê-su phục sinh hiện đến, nhắc các ông nhớ rằng Ngài vẫn hiện diện bên cạnh, chu đáo săn sóc và giúp các ông thành công trong công cuộc cứu người, mà mẻ lưới đầy cá là một dấu chỉ biểu tượng.
Mời Bạn: Đừng xem Đức Ki-tô phục sinh như một nhân vật của quá khứ, như một kỷ niệm đẹp của thời xưa. Ngài là Đấng đang sống, đồng hành với bạn trên mọi nẻo đường đời và biến cuộc sống của bạn trở nên một với cuộc sống của Ngài.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy, tôi nhớ rằng Đức Ki-tô phục sinh đang ở với tôi, ân cần chăm sóc và giúp tôi sống phẩm giá cao trọng của người con Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thứ lỗi cho chúng con khi chúng con chỉ coi Chúa như một kỷ niệm ngày xưa, mà không như một Thiên Chúa đang sống, đang hoạt động trong cuộc đời mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra và cố gắng sống với Chúa thật tốt đẹp. Amen.

23/04/22 THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PS
Mc 16,8-15

CHIA SẺ TIN MỪNG PHỤC SINH
Ngài khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người chỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,14-15)
Suy niệm: Những người được diễm phúc thấy Đức Giê-su phục sinh thuộc ba nhóm khác nhau: Ma-ri-a Mác-đa-la và các phụ nữ theo Chúa, hai môn đệ thuộc nhóm 72 môn đệ và nhóm 12 tông đồ. Nhưng họ cũng có một điểm chung: tất cả đã theo Chúa, đã ở với Ngài, đã nghe lời Ngài giảng, thấy các việc kỳ diệu Ngài làm, đặt nhiều hy vọng nơi Ngài cũng như đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Chúa Ki-tô phục sinh hiện đến để cho họ thấy Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Ngài không phải là một Đức Ki-tô khác, nhưng là một Đức Ki-tô đã đổi khác.
Mời Bạn: Hãy nhớ lời căn dặn của Đức Ki-tô phục sinh: rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bạn hãy làm như những người được gặp Đức Ki-tô phục sinh: loan đi, kể lại cho người khác niềm vui này, như chị Ma-ri-a Mác-đa-la, như hai môn đệ Em-mau … Niềm vui phục sinh không thể là niềm vui riêng của bạn.
Sống Lời Chúa: Bạn sẵn sàng chia sẻ một đồ dùng, một món tiền với người đang gặp cảnh khó khăn, chia sẻ một niềm vui với một người đang ưu sầu. Tiếp đến bạn sẽ có thể chia sẻ niềm vui được có Chúa Phục sinh trong đời bạn với những ai thành tâm thiện chí.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, xin cho con hiểu rằng chúng con không được ích kỷ giữ Tin Mừng Phục sinh riêng cho mình, nhưng phải loan báo, chia sẻ niềm vui ấy cho người chung quanh.

24/04/22 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – C
Kính Lòng Chúa Thương Xót
Ga 20,19-31

LIÊN ĐỚI TRONG TÌNH THƯƠNG
“… để anh em tin mà được sống nhờ Danh Người.” (Ga 20,31)
Suy niệm: Chúng ta tin rằng cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su minh chứng rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi con người. Ngài không chỉ xóa sạch tội lỗi, đưa con người từ sự chết vào cõi sống, mà còn ban cho con người có khả năng yêu thương như Ngài. Con người ngày nay thường sống cho bản thân hơn cho tha nhân, do đó dễ có cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa. Người ta thường rủa người tội lỗi là ‘kẻ trời đánh,’ quên rằng chúng ta cũng có liên đới trong tội lỗi của anh chị em, ‘tứ hải giai huynh đệ’ mà. Noi gương lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, chúng ta cần mang nhãn quan của Người, nghĩa là luôn sống liên đới với anh chị em mình trong tình thương, không xem ai là người bị loại trừ, bởi vì “Cha anh em trên trời vẫn cho mặt trời mọc lên trên kẻ lành và người dữ” (Mt 5,45).
Mời Bạn: Bạn được mời gọi nhận ra và đặt niềm tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, biết lấp đầy trái tim của mình bằng Tình yêu của Người, để khi đến với tha nhân, bạn cũng mang theo mình lòng thương xót ấy. Như thế, bạn đã liên kết được với Chúa và với anh chị em mình. Chúc bạn thành công.
Sống Lời Chúa: Khi nghe tin một tai nạn hoặc một tội ác, hãy tập thói quen nguyện thầm trong lòng cho những ai đang là nạn nhân và cả thủ phạm, được hưởng lòng thương xót của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con sẽ là kẻ vô ơn nếu chỉ biết xin ơn lành từ Chúa mà không biết trao ban bao giờ. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sống tình huynh đệ bằng lòng mến, để đời sống chúng con thành dấu chỉ của Lòng Chúa Thương Xót. Amen.

25/04/22 THỨ HAI TUẦN 2 PS
Th. Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng
Mc 16,15-20

CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG
Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,20a)
Suy niệm: Các cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô phục sinh đã tạo nên sự hoán cải toàn diện, kỳ diệu nơi các tông đồ. Từ những con người nhát đảm, hoảng loạn trốn chạy khi Thầy chịu khổ nạn, họ trở thành những người mạnh dạn loan báo Tin Mừng, cho dù bị bắt bớ, đánh đập, và kể cả mất mạng sống. Điều gì đã biến đổi các ông như thế? Hẳn là không phải do các ông đã được Đấng Phục sinh ban quyền năng đặc biệt như trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân hay có uống thuốc độc mà cũng chẳng sao! Những quyền năng ấy và sự biến đổi nơi các ông có được là nhờ chính Đấng Phục sinh vẫn luôn đồng hành, cùng hoạt động với các ông trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng của họ. Có Chúa cùng hoạt động, các ông không sợ hãi trước những hiểm nguy bắt bớ, không nao núng trước những khó khăn thách đố của vùng đất lạ, nhưng vững tâm thi hành sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho các ông.
Mời Bạn: Khi làm việc tông đồ, lắm khi bạn có cảm tưởng mình đang độc hành, ít được quan tâm, đỡ nâng từ người này người nọ. Rồi vì thế nhiệt huyết, sự mạnh bạo ngày càng vơi cạn. Bạn hãy yên tâm, Chúa không bao giờ để bạn một mình, nhưng luôn đồng hành, cùng hoạt động với chúng ta trong mọi sự để các việc của ta trổ sinh hoa trái.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng khi thức dậy, bạn hãy dâng ngày mới và mọi việc sẽ làm cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì luôn hiệp hành, cùng hoạt động với chúng con trên mọi nẻo đường. Xin giúp chúng con cảm nghiệm được sự hiện diện đỡ nâng của Chúa, để mạnh dạn sống đức tin, loan báo Tin Mừng.

26/04/22 THỨ BA TUẦN 2 PS
Ga 3,7b-15

ĐỂ MÌNH ĐƯỢC CỨU
“…Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3,15)
Suy niệm: Bên trong một ngôi nhà thờ ở Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ: một tay Chúa Giê-su bị đóng đinh, còn cánh tay phải hạ thấp xuống dưới và đưa ra như muốn mời gọi một ai đó. Người ta kể, có một người đến xưng tội với vị linh mục ở đây, nhưng anh ta cứ tái phạm và đến xưng nhiều lần. Vị linh mục nghiêm khắc và ra vẻ cáu gắt, nói rằng nếu còn tái phạm sẽ không giải tội cho anh nữa. Lần đó anh lại đến nhưng vị linh mục nhất quyết không giải tội cho anh. Ngay lúc đó, cánh tay Chúa bỗng hạ xuống và ôm lấy anh. Và một giọng nói thì thầm với vị linh mục: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải con”. Đức Giê-su “muốn” cứu độ chúng ta, vì thế Ngài đã hiến thân chịu chết; phần chúng ta, để được Người cứu, chúng ta cần phải “muốn”, hay nói cách khác, phải “tin vào Người để được sống muôn đời.”
Mời Bạn: ĐTC Phanxicô trong tông huấn “Đức Kitô Đang Sống” đã viết: “Khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi. Hãy chiêm ngắm máu Người chảy ra với tình yêu lớn lao như thế, và hãy cho phép mình được tẩy sạch bởi máu ấy. Bằng cách này, các con có thể được tái sinh không ngừng và luôn luôn mới mẻ” (số 123). Bạn đã sẵn sàng và khao khát để mình được Chúa Giê-su làm mới và cứu chữa chưa?
Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về một lần gặp gỡ Chúa và được ơn thay đổi.
Sống Lời Chúa: Đọc kinh Cám Ơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết khiêm tốn nhận ra mình yếu đuối và cần được Chúa cứu chữa. Amen.

27/04/22 THỨ TƯ TUẦN 2 PS
Ga 3,16-21

HỆ LỤY CỦA TIN VÀ KHÔNG TIN
“Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi.” (Ga 3,18)
Suy niệm: Càng lớn tuổi khi ngẫm nghĩ lại thời đã qua, ta cảm thấy hối hận vì bao lần bỏ ngoài tai lời cha mẹ dạy bảo, tiếng người thân quen nhắc nhở. Chính sự ân hận, không còn thời gian để bù đắp, sẽ làm ta cảm thấy có lỗi như bị một ai đó lên án. “Những kẻ không tin thì bị lên án rồi” cũng được hiểu tương tự như vậy. Chúa không lên án, lương tri ta lên án chính mình. Để khỏi bị lên án, ngay giờ phút này hãy tin vào Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã sống, chết và sống lại vì sự sống còn của ta. Niềm tin căn bản này là nền tảng cho việc ta được cứu rỗi hay sẽ bị lên án. Chúa không chết, sống lại để “lòe” thiên hạ, Chúa làm thế là cho tôi, cho bạn, cho chúng ta được sống muôn đời, đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
Mời Bạn: Nhìn thấy nhiều người chống báng Chúa, khước từ lời giáo huấn của Ngài, lắm lúc ta cũng bị ảnh hưởng, đâm ra nản lòng, mất niềm trông cậy. Đây là thử thách ta cần phải vượt qua, vì sự vô ơn và vô đạo là anh em sinh đôi. Cả hai cấu kết làm chao đảo lòng tin của người tín hữu. Bạn làm gì để không mù tối, chẳng nhìn thấy bao ơn lành Chúa vẫn ưu ái dành cho mình, gia đình mình?
Sống Lời Chúa: Xác tín rằng nhờ năng đọc và suy gẫm lời Chúa, ta sẽ hiểu biết sâu đậm hơn hoa trái tốt đẹp của niềm tin vào Chúa Ki-tô trong đời thường của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ tin vào Chúa, con nhận ra bao điều kỳ diệu trong đời sống mình. Xin tài bồi cho niềm tin còn non yếu và thất thường của con. Amen.

28/04/22 THỨ NĂM TUẦN 2 PS
Ga 3,31-36

NÊN MỌI SỰ CHO MỌI NGƯỜI
“Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất.” (Ga 3,31)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ với Thầy Giê-su đêm hôm ấy trở thành một ký ức rất đẹp với ông Ni-cô-đê-mô. Lúc đó ông không hiểu thấu hết lời Thầy Giê-su nói, bởi ông thuộc về đất, còn Thầy là Đấng từ trên cao mà đến. Thế nhưng, sau khi ông tiếp xúc với Thầy, Đấng là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, ông ngộ ra những chuyện trên trời. Bởi vì, Thầy đã hạ mình xuống để nâng mọi người sa ngã lên, hiệp hành trên một con đường, cùng hòa mình với con người, cho họ được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Ngài đến để cứu ta, đưa ta tháp nhập vào dòng chảy ơn cứu độ. Ký ức ấy vẫn mãi đồng hành với Ni-cô-đê-mô, giúp ông đi trọn con đường Khổ nạn – Phục sinh của Thầy.
Mời bạn: Một vài lần gặp gỡ riêng tư với Chúa Giê-su ghi đậm ấn tượng nơi bạn, bạn không thể nào quên cái “giờ hôm ấy, ngày hôm ấy, khoảng khắc ấy.” Nó trở thành ký ức đẹp rất riêng, không bao giờ có thể xóa nhòa. Đó là ân ban vô điều kiện bạn nhận lãnh. Bạn có ký ức đẹp nào với Đức Giê-su như ngày lễ Thánh tẩy, Hôn phối, Chịu chức, Khấn dòng,… Kinh nghiệm về ký ức đó được bạn sống, sẻ chia thế nào trong đời mình?
Sống Lời Chúa: Nhớ lại một vài ký ức đẹp với Chúa Giê-su, với người bạn thương mến để tạ ơn, cũng như để sống tinh thần hiệp hành mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đến làm bạn với chúng con, bày tỏ cho chúng con nhận biết Tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại và với mỗi người chúng con. Xin cho con hiệp hành trong đức tin và lòng mến để Nước Chúa được nhiều người biết đến. Amen.

29/04/22 THỨ SÁU TUẦN 2 PS
Th. Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ HT
Ga 6,1-15

CỘNG SỰ VIÊN CỦA CHÚA
Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” …Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. (Ga 6,10-12)
Suy niệm: Vài giờ sau khi cơn sóng thần xảy ra, nhiều người dự đoán sẽ thiếu vật phẩm, thuốc men cứu trợ các nạn nhân kịp thời. Không ngờ, vật phẩm thì sẵn sàng nhưng lại thiếu những thiện nguyện viên đến tận nơi, trao tận tay cho những người thiếu đói. Chúa Giê-su rất cần những tình nguyện viên cộng tác với Ngài phân phát lương thực thần linh. Càng chứng kiến cơn đói của đám đông bao nhiêu, Ngài càng cần nhiều người cùng Ngài phục vụ bấy nhiêu. Không hề thấy một cuộc phỏng vấn kiểm tra tay nghề nào được Chúa Giê-su thực hiện để tuyển chọn cộng sự viên. Công việc đơn giản đến mức ai cũng có thể làm được, cứ làm theo lời Ngài với hết sáng kiến của mình, miễn sao lương thực từ bàn tay Ngài đến được với đám đông.
Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn là cộng tác viên của Chúa Giê-su phân phối lương thực Lời Chúa và Thánh Thể đến cho tha nhân. Mỗi ngày bạn có chia sẻ Lời Chúa được cho ai không? Người bệnh trong gia đình hay trong họ đạo được bạn chuẩn bị đón linh mục trao ban Thánh Thể thế nào?
Chia sẻ: Nhóm của bạn có chương trình gì cho việc săn sóc bệnh nhân?
Sống Lời Chúa: Thăm viếng chăm sóc bệnh nhân, hoặc giúp một người lơ là chuẩn bị tâm hồn rước lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa có thể làm phép lạ cho bánh đến tận tay người đói khát, nhưng Chúa lại dành phần việc phân phát ấy cho con. Cảm tạ ơn Chúa đã cho con làm cộng sự viên của Nước Trời.

30/04/22 THỨ BẢY TUẦN 2 PS
Th. Piô V, giáo hoàng
Ga 6,16-21

CÙNG CHÚA KHI TA HIỆP HÀNH
“Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,19)
Suy niệm: “Điều duy nhất chúng ta phải sợ là chính nỗi sợ” (F. Roosevelt). Con thuyền bé xíu xoay vòng, nhấp nhô giữa ba đào, biển động, gió mạnh. Đang lúc hồn xiêu phách lạc như vậy, Thầy của các ông lại đi trên mặt biển mà lù lù đến, càng khiến các ông khiếp sợ hơn. Thế nhưng, chỉ cần một lời trấn an của Thầy: Thầy đây mà, đừng sợ, các ông lại tìm thấy an bình, thuyền cập bến bờ bình an. Cũng vậy, lắm lúc khi phải đối diện với những tai ương hoạn nạn, khó khăn thử thách của cuộc đời, ta hoảng hốt, sợ hãi, vì nghĩ rằng không có Chúa, Ngài như vắng mặt, không hiện diện bên cạnh mình. Đừng quên những lúc ấy, Ngài đã đến bên cạnh ta, nâng đỡ hộ phù cho ta, nhưng ta không nhận ra Ngài, tưởng là ảo ảnh, hay bóng hình của người nào đó.
Mời Bạn: “Hãy làm điều bạn sợ, và cái chết của nỗi sợ là điều chắc chắn” (R. Emerson). Bạn sợ mệt sợ nhọc, sợ phải dấn thân, sợ phải hy sinh quên mình vì sống đức tin, khi tích cực tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hãy thực hành những gì trong danh mục bạn sợ, và bạn sẽ thấy kết quả thật bất ngờ. Nỗi sợ dần dần sẽ biến mất, thay vào đó là niềm vui, năng lực sung mãn của người tông đồ giáo dân giữa đời.
Sống Lời Chúa: Ngồi ngẫm nghĩ xem đâu là nỗi sợ lớn nhất khiến bạn luôn tìm sự an toàn bản thân trên con đường hiệp hành của Hội thánh, rồi can đảm làm điều mình sợ để lướt thắng nỗi sợ, cũng như để làm việc tông đồ mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nỗi sợ lấy đi tất cả khả năng trí óc và năng lượng thể lý của con. Xin giúp con luôn tin tưởng, cậy trông vào sự hiện diện quyền thế của Chúa bên con. Amen.