“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca(Lc 15:1-3,11-32).
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Người Cha Nhân Hậu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tôi Là Ai : Ông Anh Hay Cậu Em Trong Dụ Ngôn ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Tin Lòng Cha Bao Dung Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 7
Phục Hồi Phẩm Chất Cao Đẹp Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 9
THƠ TIN MỪNG
Tình Cha Hạt Nắng Trg 11
Suối Tình Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Dạo Khúc Tình Cha M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Huyền Nhiệm Tình Cha Nắng Sài Gòn Trg 14
Tình Cha A.P. Mặc Trầm Cung Trg 15
——————————————
Người Cha Nhân Hậu
Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.
Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.
– Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.
NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT.
Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!
Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.
Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.
Người cha hoàn toàn quên mình vì con. Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.
Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.
“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.
“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.
Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.
MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ
Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn.
Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.
Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.
Cha đi tìm con
Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.
Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!
Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.
Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.
Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?
2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?
3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?
4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
—————————————————
Tôi Là Ai: Ông Anh Hay Cậu Em Trong Dụ Ngôn?
Chương 15 của Phúc âm Luca, một chương hoàn toàn nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, có kể ba dụ ngôn. Dụ ngôn thứ ba tường thuật về một nhân vật mà mà truyền thống gọi là ‘đứa con hoang đàng’ và coi anh như nhân vật chính của câu truyện. Ngày nay nhiều tác giả cho rằng ‘người cha nhân hậu’ mới là nhân vật chính. Một nhân vật thứ ba được đề cập tới, và chắc chắn chỉ giữ vai phụ là ‘người anh tuân phục’. Khi kể câu chuyện dụ ngôn lừng danh này, ý của Đức Giêsu về các nhân vật rất rõ ràng: Người cha là Thiên Chúa nhân hậu và thứ tha, người con hoang đàng phải là những kẻ tội lỗi tiếp nhận Tin Mừng, còn người con cả để chỉ những người Do Thái, đặc biệt các Pharisêu, đang xầm xì phản đối.
Xét theo diện luân lý thông thường thì người anh tuân phục mới là diện mạo đáng được đề cao hơn cả. Là con trưởng trong nhà, ‘không khi nào dám làm trái lệnh cha, hầu hạ cha trong mọi sự’, không có gì đáng trách… anh đáng được thừa hưởng phần lớn gia tài của cha. Trước mặt mọi người xung quanh, anh thật đáng nể phục và kính trọng, đáng nêu gương cho mọi người. Ai có thể đòi hỏi nơi anh điều gì hơn nữa?
Còn cậu em thì ngược lại, cậu thật đáng cho mọi người khinh khi. Bất tuân lệnh cha và làm phật lòng người, chơi bời trác táng, sống mất nhân phẩm… cậu thật không đáng hưởng bất cứ phần gia tài nào của cha. Như thế cậu em này chẳng có gì đáng được đề cao để nêu gương cho hậu thế soi chung. Nói trắng ra anh chàng này chẳng có giá trị gì hết!
Thế nhưng khi kể câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu cho thấy có một yếu tố mới làm đảo lộn tất cả; yếu tố đó là điểm độc đáo đặc trưng nhất của Tin Mừng, đó là cảm nhận và sống trong lòng nhân ái của Cha. Cho dầu có hội đủ tất cả mọi điều được coi là tốt lành nhất, ông anh vẫn còn thiếu một điều gì đó để biến cuộc sống đúng khuôn phép trong gia đình của anh trở nên hạnh phúc. Còn cậu em, thì dầu đã đánh mất tất cả mọi điều được luân thường đạo lý cho là cao đẹp, nhưng may mắn đã khám phá ra được điều sẽ thực sự làm cho mối tương quan giữa anh với cha già từ đây trở nên sâu đậm, đó là nhận ra lòng nhân ái của cha. Đức Giê-su hình như muốn gói ghém trong câu chuyện này một điều gì quan trọng lắm mà Người gọi là Tin Mừng, là rượu mới. Nếu ông anh là hình ảnh của nhóm Do Thái Pharisêu trung thành thuộc Cựu Uớc thì chính cậu em mới là hiện thân của Kitô hữu Tân ước qua mọi thời.
Nhận ra điều này tôi mới thấy sững sờ. Hình như chính tôi và nhiều Kitô hữu đã dành quá nhiều thời giờ và sức lực để xây dựng cho mình, và cho những người mình được trao phó, hình ảnh một ông anh hơn là cậu em. Chúng ta đã chẳng dành quan tâm hàng đầu nhấn mạnh phải sống trung thành với luật Chúa, phải tuân phục cặn kẽ mọi qui tắc luân lý đạo đức… để vào Nước Thiên Chúa hay được lên thiên đàng… hơn là nhận biết và cảm tạ lòng nhân ái cứu độ của Cha trên trời hay sao? Chúng ta đã chẳng từng mong đợi được Chúa thưởng công cho sự công chính đạo đức của mình hơn là phó thác trọn vẹn cho lòng từ bi nhân ái của Người là gì? Thậm chí đôi lúc có người trong chúng ta còn cảm thấy ganh tị khi nghĩ rằng các ‘cậu em tội lỗi’ kia sẽ được Cha nhân ái đối xử ngang bằng với mình hay hơn cả mình trên thiên quốc. Một người đã trọn đời dâng hiến và phục vụ trong tư cách là linh mục, tu sĩ, hay giáo dân lành thánh – lẽ ra phải được Thiên Chúa ưu đãi thưởng công xứng đáng hơn trên thiên đàng mới phải chứ!
Thế đấy, chúng ta, vì chưa xác định được điều gì là độc đáo đặc trưng nhất của một Kitô hữu (và hơn nữa của linh mục, tu sĩ) nên có thể đã đặt cuộc sống mình sai trọng tâm chăng? Chính tôi vẫn thường nhắc nhở cho giáo dân: phải trung thành giữ các lề luật Chúa và Hội Thánh… và dựa vào tiêu chuẩn đó mà đánh giá giáo dân mình là tốt hay xấu. Vô hình chung tôi đang biến mình thành con người của Cựu Ước hơn là Tân Ước chăng, có khác chi chỉ là thay tên gọi Giavê thành Thiên Chúa? Câu chuyện dụ ngôn, và nhất là khi so sánh vai diễn của ông anh và cậu em, cho tôi thấy hiện rõ một chân lý mà từ lâu mình đã lãng quên: hãy sống triệt để Tin Mừng Tân Ước hơn qua việc đón nhận tình yêu tha thứ của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi thập giá Đức Kitô, hơn là chỉ chăm chú vun quén một đời sống tốt lành đạo đức theo kiểu Cựu Ước. Hãy thâm tín sâu hơn nữa câu khẳng định của Đức Giêsu: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Giữ luật là quan trọng, nhưng nhận biết và sống lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa còn quan trọng hơn rất nhiều. Tóm lại hãy trở thành cậu em hơn là chỉ cố sống như ông anh. Đừng dừng lại mãi trong Cựu Ước một hãy thẳng tiến ngày càng sâu hơn vào Tân Ước của Tin Mừng.
Lạy Chúa, xin cho mùa chay thánh này không chỉ hoán cải con trong một vài chi tiết tốt xấu luân lý của cuộc sống. Xin cho con được lột xác tận căn và chuyển bước dứt khoát từ Cựu Ước qua Tân Ước. Xin cho con, nếu đang được sống trong nhà như ông anh, thì cũng có được tâm tình và cảm nghiệm sâu xa của cậu em khi đi bụi trở về. Xin cho con biết ngước nhìn lên Thập giá Chúa Kitô để nhận ra Thiên Chúa không phải là người cha nghiêm nghị bắt phải tuân phục, nhưng trên hết là người cha đầy lòng nhân ái thứ tha. Xin cho con ơn trọng đại này để được sống hạnh phúc trong nhà Cha muôn đời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
————————————————–
Tin Lòng Cha Bao Dung
Ở đời, lòng bao dung, sự tha thứ luôn là một điều không thể thiếu trong tình yêu và cuộc sống. Bao dung cũng là mở cánh cửa tương lai cho chình mình. Vì ai trong đời mà không có những bước đi sai lầm, những việc làm lầm lỗi.
Thế nên, chúng ta cần phải tập sống lòng bao dung và tha thứ cho nhau. Bao dung khi ai đó vô tình va phải chúng ta ngoài đường phố, thay vì cáu gắt hãy nở nụ cười thật tươi để đáp lại. Bao dung là khi chúng ta bị người khác hiểu nhầm nhưng không tỏ ra tức giận, mà bình tĩnh giảng giải, để cả hai tìm được tiếng nói chung. Bao dung là khi người cha giang rộng vòng tay ôm lấy đứa con hoang đàng sau những chuỗi ngày lang thang, nay đã ân hận trở về.
Nhân vật Chí Phèo trong truyện của Nam Cao là sản phẩm của xã hội thiếu lòng bao dung. Chí Phèo là đứa con hoang, được mô tả là một người dị dạng, một tên lưu manh, nát rượu chuyên rạch mặt ăn vạ và sẵn sàng sinh sự với mọi người. Chí Phèo là kẻ trên không sợ Trời, dưới không sợ người. Người ta tránh Chí Phèo hơn tránh ôn dịch. Nhưng trong thâm tâm Chí Phèo luôn muốn hướng thiện. Tiếc rằng, xã hội không cho Chí Phèo con đường trở về làm người tự tế. Cuối cùng Chí Phèo chết trong tội lỗi và chỉ để lại câu nói: “Ai cho tao làm người lương thiện?”.
Lời Chúa qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu đã mặc khải cho chúng ta về lòng Thương Xót và bao dung của Thiên Chúa. Một người cha có hai con. Cha yêu thương cả hai. Nhưng cả hai xem ra đều phụ lòng cha. Người con cả chăm chỉ, cần cù nhưng lại tham quyền, tham lợi và ích kỷ. Anh đã từng thốt lên rằng: “Cha coi, đã bao năm nay con hầu hạ Cha, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con bê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con cha kia, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, cha lại cho con bê béo ăn mừng”.
Người con thứ thuộc loại “bán trời không văn tự”. Anh đã hoang phí cả gia sản lẫn cuộc đời đến bạc nhược tinh thần và thể xác. Cuộc sống thác loạn đã làm cho anh tan gia bại sản, thân xác tiều tụy, anh chỉ còn biết chăn heo để sống qua ngày.
Cha vẫn im lặng. Sự im lặng này không đồng nghĩa với việc đồng ý cách sống của hai con. Cha im lặng vì tôn trọng tự do của hai con. Cha không kết án ai. Cha không muốn mất đi bất kỳ người con nào. Khi người con thứ ra đi. Cha hằng ngày mong ngóng chờ con trở vể. Chỉ cần nó trở về là cha đã quên hết quá khứ tội lỗi của nó rồi. Khi người con cả bộc lộ bản tính thật của mình. Coi con bê béo hơn cả tình cảm cha con và tình nghĩa anh em. Cha vẫn từ tốn, dịu ngọt với anh. Cha muốn anh hãy vui với phận mình, và nhất là hãy vui vì luôn được sống trong tình thương của cha.
Hai người con trong phúc âm dường như vẫn lúc ẩn lúc hiện trong con ngừơi chúng ta. Chúa cho chúng ta được tự do thừa hưởng một gia sản rất qúy báu và phong phú đó chính là sự sống làm người. Thế nhưng, có những lúc chúng ta đã hoang phí cuộc đời trong những đam mê lầm lạc, trong những vui thú mau qua. Có những lúc chúng ta thường hay xét nét, ganh tỵ và đòi hỏi Chúa trả công cho chúng ta. Có những lúc chúng ta thất vọng chán chường vì yếu đuối lầm lỗi. Có những lúc chúng ta coi trọng đồng tiền mà bán rẻ lương tậm. Chúa vẫn không chấp nhất tội chúng ta. Chúa không kết án chúng ta. Chúa vẫn im lặng. Chúa mong chúng ta sớm nhận ra tình thương của Chúa để hồi tâm trở về cùng Chúa. Sự chờ đợi của Chúa là vô tận. Tình thương của Chúa là vô biên. Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi và rộng lòng tha thứ hết mọi lỗi lầm của chúng ta.
Mùa chay mời gọi chúng ta hãy chọn lựa lại cách sống sao phù hợp với đạo lý làm con cái của Chúa. Hãy tập sống trong sự quan phòng, xếp đặt của Chúa. Hãy tin tưởng phó thác cậy trông vào Chúa để chúng ta luôn vui với phận mình. Nhất là hãy biết noi gương Chúa để xót thương kẻ cơ hàn và lấy lòng nhân hậu mà đối xử tốt với nhau. Nguyện xin Chúa là Đấng giầu lòng thương xót và từ bi luôn gìn giữ chúng ta trong hồng ân của Chúa và giúp chúng ta luôn sống theo tinh thần của phúc âm: mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
——————————————-
Phục Hồi Phẩm Chất Cao Đẹp
Tội lỗi hủy hoại phẩm giá con người
Không gì từ bên ngoài có thể làm mất phẩm chất, mất giá trị con người, nhưng chỉ có tội lỗi mới có thể huỷ diệt phẩm giá cao đẹp của họ. Chúa Giêsu khẳng định điều nầy như sau: “Từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng… Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 21-23).
Câu chuyện người con thứ trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho thấy tội lỗi làm băng hoại phẩm giá con người đến mức nào.
Người con thứ đòi người cha chia gia tài của cải cho mình rồi ra đi phương xa, phung phí hết tài sản của mình với bọn đàng điếm. Sau đó, anh lâm vào cảnh đói khát cùng cực và phải đi chăn heo mướn để kiếm sống qua ngày. Đây là việc làm tồi tệ đối với người Do-thái vì luật đã chép: “Đáng rủa sả thay người chăn heo.”
Hình ảnh một con người đói rách thảm hại, ngày ngày sống giữa đàn heo bẩn thỉu và cầu mong được ăn bớt phần của heo nhưng chẳng ai cho… minh họa cho thấy tình trạng xuống cấp và suy đồi phẩm giá của người sa đọa vì tội lỗi.
Chính tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể làm cho giá trị con người suy sụp thảm hại như thế.
Nhưng cũng qua bài Tin Mừng nầy, Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một chân trời hy vọng: Những con người bị tội lỗi tàn phá nhân cách có thể được phục hồi phẩm giá cách tuyệt vời.
Phục hồi phẩm chất cao đẹp nhờ quay về với Chúa
Một người giàu có bị phá sản, phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể dựng lại cơ đồ.
Một người bị mất hết quyền lực và chức tước, ít có cơ may dành lại quyền cao, chức trọng như trước.
Nhưng thật vô cùng may mắn và hạnh phúc cho người tội lỗi, một khi sa ngã phạm tội, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình, thì chỉ cần kiên quyết hoán cải và quay về với Chúa là có thể phục hồi được phẩm chất của mình. Bài Tin Mừng hôm nay minh họa cho chúng ta thấy điều nầy như sau:
Khi người con thứ lâm vào tình trạng đói khát, tàn tạ… anh ta hồi tâm lại và quyết chí trở về nhà cha.
Người cha vừa thấy bóng dáng đứa con sa đọa thấp thoáng đàng xa thì vui mừng khôn xiết, chạy đến ôm choàng lấy cậu và hôn cậu hồi lâu; và không để cho đứa con hư nói hết lời hối lỗi, ông truyền cho tôi tớ mau mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn quý vào tay cậu, mang giày sang trọng vào chân cậu và hạ bò tơ béo ăn mừng…
Thế là từ một con người thân tàn ma dại, một thằng chăn heo hèn hạ đói khát… người con hoang đàng nghiễm nhiên trở thành chàng công tử thượng lưu với bao nhiêu tôi tớ hầu hạ. Thay vì áo quần rách rưới, cậu được mặc y phục quý phái; thay vì đi chân đất bần cùng, cậu được mang giày của giới thượng lưu, được đeo nhẫn ngọc vào tay như người quyền quý; thay vì thèm khát thực phẩm của heo, nay cậu được ăn thịt bê ngon lành, được ngồi chung bàn với cha, với họ hàng, với những bậc tai mắt trong làng xóm… Thật khác ngày hôm qua một trời một vực! Đây là một cuộc lột xác, đổi đời rất tuyệt vời!
Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu dạy chúng ta hiểu rằng: Nếu chúng ta sa vào tội lỗi, trở nên người hư đốn, tồi tệ, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình… thì vẫn có thể phục hồi lại phẩm giá bằng cách ăn năn hối cải, quyết tâm chừa tội và trở về với Chúa, giữ luật Ngài truyền. Bấy giờ, trước mặt Chúa, tâm hồn ta lại trở nên tốt lành như mới!
Lạy Chúa Giêsu. Đã bao lần chúng con sa vào tội lỗi, làm cho Chúa đau lòng như cha mất con. Xin cho chúng con thành tâm ăn năn hối lỗi trở về với Chúa như người con hoang trên đây, để phục hồi phẩm giá cao đẹp của mình cũng như làm cho Chúa được hoan hỉ mừng vui. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————
Tình Cha
CN IV MC-C – (Lc 15, 1-3; 11-32)
Khắc khoải Tình Cha bao vấn vương
Chiên hoang lạc bước kiếp tha phương
Ngày chờ trước ngõ hồn đau thắt
Đêm đợi bên thềm dạ nhớ thương
Giáo luật chu toàn mầm triển nở
Lòng nhân thể hiện hoa thơm hương
Tim nồng nhân ái ơn tha thứ
Thánh hóa đời con hết đoạn trường.
Hạt Nắng
———————————————
Suối Tình
CN IV MC-C – (Lc 15, 1-3; 11-32)
Phụ tình Cha, đường trần con dong duổi,
thú đam mê, thích theo đuổi phù vân.
Hồn thương đau nhuốm bi lụy bụi trần,
tim rướm máu mang xác thân tiều tụy.
Thế thái nhân tình dòng đời con ngã quỵ,
tủi nhục, tái tê mất dũng khí con người.
Ân hận muộn màng nguồn nước nào tẩy trôi,
tội bất hiếu phạm đến Trời cao thẳm.
Hồn tiếc nuối những tháng ngày êm thắm,
vòng tay Cha luôn nồng ấm chở che.
Dưỡng nuôi con nguồn thánh sủng tràn trề,
lòng thôi thúc quyết quay về tạ lỗi.
Nơi đầu ngõ hằng ngày Cha mong đợi,
mắt u buồn nhìn vời vợi phương xa.
Nhớ thương con chìm dưới ách gian tà,
lòng quặn thắt tình xót xa ngấn lệ.
Thấy bóng con từ đàng xa thất thểu,
Chẳng ngồi yên chẳng bất kể tuổi già.
Tim dạt dào tình bừng sáng đơm hoa,
con đã chết hôm nay đã sống lại.
Suối tình thương trào tuôn đầy quảng đại,
trái tim nồng lòng thương xót bao dung.
Chẳng xét tội còn mở tiệc tao phùng,
lòng nhân ái luôn tín trung bất diệt.
Trái Tim Cha nguồn suối trong thanh khiết,
đợi con về dự Tiệc Thánh Tình Yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————————–
Dạo Khúc Tình Cha
CN IV MC-C – (Lc 15, 1-3; 11-32)
Ôi! Suối linh thiêng dạt dào tình yêu Cha ngọt ngào,
phủ xuống trần gian,
phủ xuống đời con,
suối nguồn sự sống.
Cha, nước mát trong đầu nguồn,
mãi mãi tuôn tràn nhân ái bao la.
Lễ dâng giao hòa tiến dâng trước tòa,
tình yêu Chiên Con hiến tế.
Ôi! Trái tim Cha nhiệm mầu ủi an ai tủi sầu,
suối mát tình thương,
suối mát hồng ân,
chạnh lòng thương xót.
Con, kiếp chiên hoang lạc đàn,
phá tán gia tài ơn thánh Cha ban,
xác thân điêu tàn đắng cay ngập tràn,
quay về nương náu tình Cha.
Ôi! Tình Cha giàu lòng thương xót,
tình Cha chạnh lòng thứ tha.
Bên Cha hạnh phúc an hòa,
bên Cha tình yêu thăng hoa.
Ôi! Tình Cha, giàu lòng nhân ái,
ngàn năm bền vững không phai.
Tim Cha nồng ấm quảng đại.
đời con thôi hết u hoài.
Ôi! Trái tim Cha đợi chờ ngóng trông ai từng giờ,
từ giã phù vân
sám hối dừng chân,
tháng ngày tội lỗi.
Mau bước nhanh chân về nhà,
đổi mới tâm hồn vui sống bên Cha.
Ấm êm an hòa thánh ân tuôn tràn,
tiệc mừng dạo khúc tình Cha.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————-
Huyền Nhiệm Tình Cha
(CN IV MC-C – (Lc 15, 1-3; 11-32)
Con nói sao lên lời tình Cha quá cao vời,
thương con hồn chơi vơi giữa dòng đời tăm tối.
Ôi! Trái tim nhân từ tình Cha vẫn mong chờ,
luôn khắc khoải ngày đêm đường trần con lạc lối.
Bao tháng năm hoang đàng tình con quá phũ phàng,
vong ân phụ tình Cha, bước đường trần gục ngã.
Suối mát trong dịu hiền nguồn ơn thánh tinh tuyền
rửa con sạch tội khiên sống lại tình linh thiêng
Huyền nhiệm tình yêu – huyền nhiệm tình Cha,
bao la tình nồng ấm.
Cha đã khoan dung – không trách cứ lỗi lầm,
ban phát thiên ân – rửa sạch hết bụi trần,
áo đẹp, giày đẹp – tươi sáng lại đời con.
Huyền nhiệm tình yêu – huyền nhiệm tình Cha,
cho con nguồn sự sống.
Thập giá treo cao – CHIÊN dâng hiến máu đào,
Cha muốn lòng nhân làm của lễ chân thành,
nhẫn đẹp, Cha tặng trả lại xứng danh làm con..
Bê béo khao tương phùng tiệc vui tấu nhạc mừng,
ban muôn vàn hồng ân bước đường tình thập giá.
Vui rắc gieo TinMừng tình nhân chứng chan hòa,
con ca ngợi tình Cha nhân hậu đầy khoan dung.
Nắng Sài Gòn
———————————————
Tình Cha
CN IV MC-C – (Lc 15, 1-3; 11-32)
Thích tự do mây trời phiêu bạt,
kiếp giang hồ trôi dạt khắp nơi.
Chim trời thỏa chí ăn chơi,
nhân tình thế thái cuộc đời bể dâu.
Mất nhân phẩm niềm đau thẩm thấu,
cơn đói lòng cào cấu ruột gan.
Bất trung con đã lạc đàng,
nhớ ngày hạnh phúc yên hàn bên Cha.
Quyết chỗi dậy dù thân riệu rã,
mau quay về tạ tội van xin.
Đời con đáng bị rẻ khinh,
mong Cha thương xót dủ tình khoan dung.
Tội đến Trời đời con vô dụng,
tội đến Cha bất xứng làm con.
Tình Cha mắt lệ mỏi mòn,
vội vàng chạy lại ôm hôn ấm nồng.
Trái tim Cha ân tình mở rộng,
dù tội con chồng chất núi cao.
Suối tình tuôn chảy dạt dào,
hoa lòng bừng thắm ngạt ngào hương yêu.
Tình Cha nhân ái, cao siêu,
giúp con lột xác thấy điều linh thiêng.
Cha là suối mát diệu hiền …
AP. Mặc Trầm Cung