“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1 – 9)
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: ‘Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!’ Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Cái Nhìn Nội Tâm ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ai Là Tốt, Ai Là Xấu ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Hoa Trái Của Sự Sám Hối Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sám Hối Để Khỏi Bị Huỷ Diệt Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Hoa Trái Cuộc Đời Hạt Nắng Trg 9
Cây Vả Đời Con Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tiếng Gọi Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Âm Vang Mùa Chay Thánh Nắng Sài Gòn Trg 12
Sức Sống Hồi Sinh A.P. Mặc Trầm Cung Trg 13
———————–
Cái Nhìn Nội Tâm
Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối là đổi mới tâm hồn. Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người và cuộc đời, về bản thân và tha nhân. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta những cách nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người.
Thông thường, trước một biến cố, ta dê có cái nhìn chính trị. Hôm nay, người ta thuật lại việc Philatô giết những người Do Thái trong Đền Thờ. Thời ấy, đế quốc Rôma đang thống trị nước Do Thái. Philatô là viên tổng trấn của Rôma. Tường thuật biến cố đau thương này, người ta mong Chúa Giêsu có cái nhìn chính trị, dấn thân vào chính trị. Người ta mong Chúa Giêsu kết án Philatô. Không bàn chính trị, không làm chính trị, cho dù sau này Chúa Giêsu vẫn bị kết án vì một tội chính trị. Không kết án Philatô, dù sau này chính Người bị viên tổng trấn này kết án.
Trước mọi biến cố, Chúa Giêsu muốn ta có một cái nhìn tôn giáo, vượt lên trên lĩnh vực chính trị. Từ một câu hỏi thuộc bình diện chính trị, Chúa Giêsu đã đưa ra một giải đáp thuộc bình diện tôn giáo. Từ một biến cố gây xôn xao dư luận, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy ăn năn sám hối. Từ cái chết của thể xác, Chúa Giêsu hướng suy nghĩ ta tới cái chết của linh hồn: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó bị như vậy là vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.
Đối với người khác, ta dễ có cái nhìn kết án. Khi gặp một người mù từ thuở mới sinh, người ta hỏi Chúa Giêsu: “Đây là do tội nó hay tội của cha mẹ nó?”. Gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, người ta muốn kết án chị. Người ta có thói quen cho rằng thành công là một ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai hoạ là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi. Hôm nay, chứng kiến những nạn nhân bị thiệt mạng, những người tường thuật đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi, còn tôi vô sự, điều đó chứng tỏ tôi vô tội. Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo họ: Các ông cũng là kẻ tội lỗi. Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết thảm khốc hơn những nạn nhân kia nữa. Chúa Giêsu dạy ta có cái nhìn bao dung. Nếu có phải xét đoán, hãy xét mình trước khi xét người. Nếu có phải lên án, hãy lên án chính bản thân mình trước khi lên án người khác: “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”. “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.
Sau cùng, ta thường có cái nhìn ảo tưởng. Ta xây dựng những chương trình to lớn, những tham vọng đổi mới xã hội. Chúa Giêsu dạy ta hãy có cái nhìn thực tế: Đừng ảo tưởng với những chương trình to tát, lấp biển vá trời. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đừng có ảo tưởng đổi mới xã hội, cải tạo thế giới. Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản thân mình. Tục ngữ Trung quốc có câu: Nếu mỗi người trông hoa trước cửa nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Đổi mới chính mình đó là góp phần vào đổi mới thế giới.
Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng ánh mắt ta lên cao, vượt thoát lĩnh vực tự nhiên để vươn tới lĩnh vực siêu nhiên. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta xuyên qua những lớp bì phủ bên ngoài để soi chiếu vào chiều sâu nội tâm. Với những bài học ấy, Chúa Giêsu hướng cái nhìn của ta ra khỏi những ảo tưởng, đối diện với thực tế bản thân để trước mỗi biến cố ta tự xét và đổi mới chính mình.
Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Trong các biến cố, bạn có tìm thấy ý Chúa không?
2. Bạn có nghĩ rằng hễ ai gặp may thì đó là người đạo đức, ai gặp tai nạn thì đó là người tội lỗi không?
3. Muốn đổi mới gia đình, xã hội, phải đổi mới bản thân trước. Bạn nghĩ sao về điều này?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
————————————-
Ai Là Tốt, Ai Là Xấu?
Đoạn Tin Mừng đề cập tới hai ‘tai nạn’ rất thời sự nhưng chỉ mang tính tượng trưng: một hoàn toàn ngẫu nhiên là ngọn tháp đổ, và một vì chủ đích chính trị là cuộc tàn sát trong đền thờ; những biến cố tương tự như thế sẽ xảy ra hàng ngày như cơm bữa trong đời sống bất cứ ai. Thế nhưng nhiều người lại thích đặt điều: tại sao người này bị, kẻ khác lại không? Phải chăng vì người này tội lỗi còn kẻ kia tốt lành, người này xui xẻo còn kẻ kia may mắn…? âu đó cũng là thái độ rất thường tình của nhân tình thế thái qua mọi thời đại.
Thế còn thái độ của Kitô hữu sống theo tinh thần Tin Mừng thì sao; họ có lối suy nghĩ nào khác không nhỉ? Đức Giêsu cho thấy là các môn đệ Người phải nghĩ khác: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu”.
Người tốt / kẻ xấu, đó là phân biệt thường tình, nhưng liệt kê xếp loại người ta vào thứ hạng nào thì lại là điều cấm kị đối với Kitô hữu, nhất là khi chỉ dựa trên những sự kiện xảy ra được người đời coi là ‘quả báo’! Đức Giêsu đã chẳng thẳng thừng ngăn chận lối suy nghĩ này: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét” (Mt 7:1-5); tại sao thế?
Thường thì trong cuộc sống, ‘quả báo’ được coi là một định luật hiển nhiên: ác giả thì ác báo, ở hiền thì gặp lành. Và luật quả báo chứa đựng một sức mạnh vạn năng trong lãnh vực luân lý: nó buộc người ta phải làm lành lánh dữ. Khó có thể tưởng tượng nổi: nếu không có quả báo thì làm sao có thể duy trì được nền luân lý cao đẹp trên thế giới này, và bảo đảm được trật tự xã hội…? Và thế là người ta có khuynh hướng giải thích nguyên nhân mọi biến cố xảy ra chung quanh theo định luật quả báo. Cứ xem những gì xảy ra cho một người là biết được người đó tốt hay xấu: ‘nếu người không phạt thì đã có trời phạt…’! Câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước cho thấy: dứt ra khỏi lối suy nghĩ cố hữu này không phải là chuyện đơn giản.
Đức Giêsu cho biết một điều căn bản: nếu so sánh con người với nhau trước các lề luật, thì tất nhiên có người tốt kẻ xấu; nhưng đứng trước mặt Thiên Chúa tình yêu, thì mọi người không trừ một ai, đều cần tới ơn cứu độ và lòng xót thương. Các tai họa, rất thường xảy ra quanh ta hay trực tiếp liên quan đến ta, chính là dịp đưa ta đến gần với lòng trắc ẩn xót thương các nạn nhận, sẽ luôn là dịp để một tín hữu giáp mặt với Thiên Chúa, và rộng mở cõi lòng đón nhận lòng thương xót của Người. Việc sám hối mà Đức Giêsu kêu gọi, không chỉ mang tính luân lý là phải cải tà qui chính, mà trước hết là trở về với Thiên Chúa, với nguồn mạch của lòng thương xót và nhân ái. Chính vì thế mà mỗi tai họa lớn nhỏ xảy ra trong đời, đối với mọi tín hữu của Đức Kitô, đều phải trở thành một lời mời gọi để sám hối và trở về với lòng xót thương thần linh.
Về phía con người, sẽ không bao giờ có ai xứng đáng với lòng thương xót đó. Nó luôn luôn được trao ban cách nhưng không, qua một trung gian duy nhất là Đức Kitô Giêsu. Không có lòng thương xót đó, con người, dầu có lương thiện tốt lành tới mấy đi chăng nữa, thì cũng tựa như cây cối tốt tươi, cành lá xum xuê trồng trong vườn mà chủ vườn là Thiên Chúa không tìm thấy trái ăn. Người làm vườn (là Đức Kitô Giêsu) can thiệp để được tiếp tục tưới bón bằng sự tự hiến cứu chuộc của Người. Kitô hữu là những cây vả đã được Kitô Giêsu tưới bón bằng ơn cứu chuộc của Người, không phải chỉ để tiếp tục tốt tươi xum xuê với sự tốt lành thánh thiện của mình, nhưng là để có được trái ngon ngọt của nhận biết và sống tình Chúa yêu thương. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, và là Đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót, thì Ông Chủ này cũng chỉ mong tìm thấy nơi các Kitô hữu một nhìn nhận Người là như thế, chấp nhận Người, và tiếp thu lòng xót thương vô biên; đồng thời tìm cách biểu lộ lòng thương xót đó trong cuộc sống hàng ngày. Mùa chay chính là thời gian tưới bón, “vun xới và bón phân cho nó”, là thời gian hướng cặp mắt các tín hữu tới Thập Giá Đức Kitô Giêsu, biểu hiện vĩ đại nhất của một Thiên Chúa xót thương và cứu độ, để mong “sang năm nó có trái”. Như thế Mùa Chay mới quả thực là thời gian đâm bông kết trái cho đời sống đức tin của người tín hữu, là thời gian của hồng ân sự sống đích thực.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã lại cho con được hưởng một Mùa Chay thánh nữa, đã lại cho con được ‘vun xới và tưới bón’ bằng hồng ân cứu độ. Xin cho con mở rộng tâm hồn đón nhận tình Chúa xót thương qua việc chiêm ngắm cuộc khổ hình và cái chết Thập giá của Đức Kitô Giêsu, Cứu Chúa của con. Con ước mong rằng, qua Mùa Chay thánh năm nay (cũng rất có thể là mùa cuối cùng của đời con?), Chúa sẽ tìm thấy được nơi niềm tin của con, trái thơm ngon mà Chúa hằng mong đợi. Xin cho con nhận biết và được biến đổi trong tình thương xót hải hà của Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————-
Hoa Trái Của Sự Sám Hối
Nhận lỗi và xin lỗi – hành động tưởng chừng như rất đơn giản ấy nhưng lại đang rất xa xỉ nơi chúng ta, từ việc nhỏ đến việc lớn. Chính chúng ta hình như cũng rất nhiều lần hai chữ ấy mắc nghẹn nơi cuống họng, để rồi chỉ biết tự chất vấn bản thân, im lặng mà quay bước. Chúng ta có thể nói thật dài với cả ngàn ngôn từ làm đau lòng nhau nhưng khi phải nói hai từ “Xin lỗi” lại chẳng dễ nói chút nào!
Và trong thời gian qua, dù cộng đồng mạng xã hội có ra sức kêu gào, hò hét; dư luận xã hội có bức xúc yêu cầu một vị quan chức, một người có trách nhiệm nào đó phải đứng ra nhận lỗi về những chuyện không hay đã xảy ra trong đại dịch Covid thì mọi sự vẫn bị “bỏ ngoài tai”…
Hình như là bởi cái tôi quá lớn. Cái tôi tự cho phép mình được quyền làm người khác đau và cũng chính cái tôi ấy không muốn phải nhún nhường nhận lỗi. Cái tôi quá lớn nên chỉ nhận vinh quang của thành công và khi thất bại thì cái tôi ấy lại đổ lỗi, đổ thừa như câu vè xưa viết rằng: “Mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài nước ta”.
Thực ra, “ai nên khôn mà không dại một lần”. Lầm lỗi là của con người, nhưng nhận lỗi và sửa sai mới là của người quân tử và của thánh nhân. Khi con người ý thức lỗi phạm của mình thì mới mong sửa sai và khắc phục những thiệt hại mà mình đã gây nên. Không ý thức, không nhận lỗi thì cái sai còn đó và có khi hệ lụy lại chồng chất những khổ đau cho tha nhân.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối khi thời gian còn thuận tiện. Thiên Chúa không phạt người này hay phạt người kia khi họ găp sự dữ hay phải ra đi trong đau khổ. Nhưng qua những cái chết bất thình lình là dịp để chúng ta nhìn lại sự mỏng dòn của đời người. Đời tạm này sẽ qua đi. Đời sau mới là vĩnh hằng. Nhưng để được hạnh phúc trong cõi vĩnh hằng điều cần thiết là: “Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối”. Sự thống hối ăn năn phải bắt đầu sám hối từ trong gia đình. Vợ chồng biết nhìn lại trách nhiệm và bổn phận của mình, từ cách ăn ở, cư xử với nhau, những chỗ nào chưa tốt, cần khắc phục . Hãy sống hòa thuận với nhau mới có thể đi với nhau suốt dọc dài cuộc đời 100 năm vẹn nghĩa phu thê. Các bậc làm cha mẹ hãy dám nói lời xin lỗi đối với con cái khi mình làm sai. Con cái và anh em trong gia đình hãy sám hối và quyết tâm xây dựng bầu khí gia đình ấm cúng thuận hòa hơn, kính trên nhường dưới, tha thứ và thông cảm cho nhau, hãy quyết tâm để sống thảo hiếu kính trọng vâng lời cha mẹ, đó là những hoa trái của lòng sám hối. Khi biết sám hối thì mới biết chuộc lỗi bằng việc sống đẹp với nhau, nhất là sống có trách nhiệm chia sẻ, nâng đỡ nhau.
Mùa Chay mời gọi chúng ta nhận ra thân phận bui tro đầy yếu đuối của mình, đồng thời biết sinh hoa trái xứng với lòng sám hối qua đời sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Biết sống cho đi để được nhận lại. Biết chết đi những đam mê ích kỷ của mình để trở nên khí cụ mang tin yêu và hạnh phúc gieo vào nhân thế hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
———————————————-
Sám Hối Để Khỏi Bị Hủy Diệt
Khi bàn đến việc sám hối, một số người cho rằng: “Thôi! Sám hối làm chi cho mệt! Sám hối thì phải hy sinh, hãm mình để dứt bỏ tội lỗi, phiền lắm! Nếu có phạm tội thì đi xưng tội là xong, thật đơn giản, nhẹ nhàng! Xưng tội xong, nếu có phạm lại, thì xưng tiếp…”
Thế là cuộc sống của họ cứ đong đưa qua lại như người đu dây: phạm tội – rồi xưng tội, xưng tội – rồi phạm tội… Và lối sống đong đưa kiểu này cứ tiếp diễn mãi suốt cả cuộc đời, chẳng tạo nên công phúc gì.
Suy nghĩ như trên thật là sai lầm, tai hại và đi ngược lại giáo huấn của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu kêu gọi sám hối
Sám hối là giáo huấn quan trọng hàng đầu, được Chúa Giêsu nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần, từ lúc bắt đầu rao giảng cho đến khi lên trời.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu trực tiếp nói với nhân loại khi bắt đầu công cuộc rao giảng là lời kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Trước đó ít lâu, khi Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng, thì sứ điệp đầu tiên mà Gioan gửi đến mọi người cũng là lời kêu gọi sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 2).
Và lời cuối cùng Chúa Giêsu gửi gắm cho nhân loại trước khi lên trời cũng là sám hối. Ngài truyền cho các môn đệ “hãy đi giảng dạy cho muôn dân để họ sám hối và được ơn tha tội” (Lc 24,47).
Trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu thường kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối qua nhiều dụ ngôn khác nhau.
Không ăn năn hối cải sẽ bị huỷ diệt
Chúa Giêsu kịch liệt lên án những người cứng lòng không chịu sám hối.
Trước hết, Ngài nhắc họ rằng: Xưa kia dân thành Ninivê, một dân phạm nhiều tội lỗi, đáng bị án phạt nặng nề, nhưng nhờ nghe lời ngôn sứ Giôna rao giảng và thực lòng sám hối sửa mình nên được Thiên Chúa thứ tha. Còn hiện nay, Ngài là Thiên Chúa cao cả từ trời xuống thế, tận tình dạy dỗ, mà họ không nghe. Vì thế, Ngài lên án họ gắt gao:
“Đến ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa” (Lc 11,32).
Và đặc biệt, nhân sự kiện có một số người Galilê bị Philatô tàn sát cách man rợ, Chúa Giêsu cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 3).
Chúa Giêsu cũng nêu lên trường hợp mười tám người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết thình lình, để cảnh báo: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 5).
Chúa Giêsu còn cho biết số phận của người không sám hối, không cải thiện đời sống… chẳng khác gì số phận cây vả không sinh trái, chẳng được tích sự gì… Chủ vườn sẽ chặt nó đi, không để nó choán đất vô ích.
Chúa Giêsu cũng răn đe những người không ăn năn hối cải, không cải thiện cuộc đời bằng nhiều dụ ngôn khác.
– Như ngư phủ kéo lưới lên bờ, tuyển chọn cá tốt và vứt bỏ cá xấu, thì đến ngày tận thế, “các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu, (là người không sám hối), ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13, 47-50).
– Và người không sám hối bị xem như cỏ lùng mọc chung với lúa tốt, đến cuối mùa sẽ bị gom lại và đốt đi (xem Mt 13,30).
Như vậy, sám hối là chuyện sống còn: Phải sám hối để khỏi bị hủy diệt.
Lạy Chúa Giêsu. Hậu quả của việc không sám hối thật là khủng khiếp.
Xin giúp chúng con quyết tâm sám hối ngay từ hôm nay, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, hầu có thể tránh thoát hậu quả khủng khiếp sau nầy và được hưởng phúc thiên đàng với Chúa muôn đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
————————————–
Hoa Trái Cuộc Đời
CN III MC-C – (Lc 13, 1 – 9)
Họa-may phước-tội kiếp nhân sinh
Xét đoán nhãn tiền chuyện bất minh
Hạnh phúc thành công hằng xảy đến
Khổ đau thất bại lẽ thường tình
Bất công gieo rắc thêm thù hận
Ích kỷ u mê tự giết mình
Kiểm duyệt lương tâm lòng thống hối
Yêu thương bác ái nở an bình.
Hạt Nắng
—————————————–
Cây Vả Đời Con
CN III MC-C – (Lc 13, 1 – 9)
Xét đoán người, rồi phân minh tội –phúc,
chuyện giản đơn gây phức tạp sầu lo.
Lấy quả báo làm chuẩn mực thước đo,
giải thích nguyên nhân kiểu đoán mò thiển cận.
Chúa thấu hiểu từng nỗi lòng trắc ẩn,
cảnh báo ta phải cẩn thận xét mình.
Sám hối chân thành nhận ánh sáng tâm linh,
lấy cây đà ra khỏi mắt để đời mình được sáng.
Như cây vả khô cằn trong nắng hạn,
không sinh sôi Chủ ngao ngán buồn rầu.
Ba năm ròng trái ngọt chẳng thấy đâu,
chặt bỏ đi khỏi hại mầu mỡ đất.
Người Làm Vườn, trái tim đau quặn thắt,
đã nài van gia hạn khất thời gian.
Lao nhọc chăm sóc chẳng quản ngại gian nan,
huyết lệ thập giá tình nồng nàn vun xới.
Tình tự hiến máu hồng Ngài tưới gội,
cứu chuộc con khỏi tội lỗi u mê.
Can đảm đứng lên quyết quay gót trở về,
hồng ân linh thánh,
tưới cây đời con lại xum xuê hoa trái.
Tạ ơn Chúa dạt dào tình nhân ái,
chậm bất bình rất quảng đại bao dung.
Nhẫn nại chờ con bao lần đã bất trung,
ăn năn sám hối quay về cùng Thiên Chúa.
Cây vả đời con cám dỗ đời vây bủa,
Ngài chăm sóc vun trồng cắt tỉa hết đam mê.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————–
Tiếng Gọi Tình Yêu
CN 3MC – C (Lc 13, 1 – 9)
Con quay trở về,
Chúa ơi! Con quay trở về.
Trở về từ trong đêm tối,
giã từ kiếp sống u mê.
con quay trở về, Chúa ơi!
Đã bao lần con đếm lá vàng rơi,
đã bao lần con đếm mùa đông tới,
con ước mong mùa xuân sao xa vời vợi,
Mùa Chay về con nghe tiếng Chúa gọi mời.
Hãy về, hãy quay về, hãy dừng bước chân hoang,
hãy về, hãy quay về, cung lòng Cha nhân ái.
Cha vẫn thương, vẫn chờ con, đứa con khờ dại,
Lòng Thương Xót vô bờ, Cha vẫn dành cho con.
Tháng năm ngục tù,
Chúa ơi! Mây đen mịt mù.
Ngước nhìn tìm nơi ánh sáng,
giã từ một cõi âm u.
con quay trở về, Chúa ơi!
Đã bao ngày con sống xa tình Ngài,
nay quay về ăn năn lòng sám hối,
Chúa giang tay tình yêu bao la, diệu vợi,
sạch bụi đời sức sống đường tương lai.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————–
Âm Vang Mùa Chay Thánh
CN III MC-C – (Lc 13, 1 – 9)
Xin tri ân Người Làm Vườn đã thiết tha van nài,
xin tri ân Người Chủ Vườn nhân ái khoan dung.
Đời con bất trung như cây vả không sinh hoa trái,
xác thân hoang dại bởi miệt mài tìm kiếm hư danh.
Thân mong manh hồn mệt nhoài, nỗi đắng cay đêm dài,
trong yêu thương Người Làm Vườn vun xới đời con.
Ngài gội tưới con bằng suối nguồn nơi lòng thương xót,
bằng dòng máu hồng trên đường tình thập giá chông gai.
Không gian ngân vang Mùa Chay Thánh về,
hồng ân cứu độ, tuôn tràn cho nhân thế.
Máu hồng Can-vê nguồn suối mát trinh trong,
ánh quang ấm nồng soi sáng hồn u mê.
Con như chiên hoang nguyện quay trở về,
thành tâm xét duyệt bao lần con lầm lỗi.
Cúi đầu ăn năn nguyện xin Chúa dung tha,
thánh ân giao hòa đường thập giá đơm hoa.
Trong tin yêu Ngài gọi mời tiếp bước trong cuộc đời,
gieo yêu thương, diệt thù hằn, bác ái đơm hoa.
Phục vụ dấn thân tạo hòa bình cây đời sinh trái,
trái tim quảng đại nương tình Ngài vượt thắng chông gai.
Nắng Sài Gòn
—————————————
Sức Sống Hồi Sinh
CN III MC-C –(Lc 13, 1 – 9)
Lạy Chúa khoan nhân chậm bất bình,
xin Ngài nguôi giận án công minh.
Tội con lãnh đạm không màng đến,
nỗi khổ đau sầu kiếp nhân sinh.
Lời Chúa cho con sáng cõi lòng,
không sinh trái ngọt chẳng thong dong.
Hại mầu mỡ đất, loài vô dụng,
đốn bỏ cho rồi chẳng hoài mong.
Chấp tay con lạy Chúa khoan dung,
chầm chậm Ngài ơi! Chớ thẳng thừng.
Xin cho kỳ hạn mùa năm tới,
trái ngọt no tròn xin kính dâng.
Con đã hiểu rồi Chúa yêu ơi!
yêu thương nhân thế tiếng gọi mời.
Mến Chúa – Yêu người không tách biệt,
Tình Chúa – Tình người – Tình sánh đôi.
Nương nhờ công nghiệp Chúa hy sinh,
cứu chuộc thân con thoát tội tình.
Cây vả đời con không bị đốn,
vun trồng chăm bón trái lung linh.
Từ nay con quyết sống yêu thương,
chia sẻ áo cơm kẻ đoạn trường.
Kiếp thân cô lẻ nơi hè phố,
ấp ủ ân tình kẻ gió sương.
Từ nay con chẳng dám thờ ơ,
Lời Chúa in sâu chẳng phai mờ.
Sống kiếp nhân sinh tình liên đới,
trái tim rộng mở khúc tình thơ.
A.P Mặc Trầm Cung