Thưa quý vị và các bạn, chủ đề Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay là chủ đề nói về cuộc xuất thần của Chúa Giê-su . Ngày xưa thì gọi là Lễ Biến Hình, ngày nay gọi là Lễ Hiển Dung. Là Lễ Chúa Giê-su mặc khải, biểu lộ Thần Tính của Người, cho thế gian biết Người là Đấng Ki-tô.
Biến Hình là thay hình đổi dạng, Hiển Dung là tỏ bày dung nhan thật. Từ đó, biết được Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm Người, từ trời xuống thế, để mang ơn cứu độ cho nhân loại.
Nội dung Tin Mừng Đoạn Lc 9 , 28 – 36 hôm nay trình thuật chi tiết cuộc Hiển Dung xảy ra cho chúng ta thấy Chúa Giê-su đầy uy quyền toàn năng. Nhưng, mầu nhiệm Cứu Độ như một Thiên Cơ không thể tiết lộ cách phổ quát trước khi Ơn Cứu Độ được xảy ra.
Chi tiết Tin Mừng trình thuật khá rõ ràng. Sự việc xảy ra , nơi chốn , địa điểm cụ thể, nhân vật cụ thể, con người có danh tính. Tường trình sự kiện là thánh Luca, môn đệ của thánh Phê-rô, người môn đệ đã chứng kiến sự việc trong đại của Thầy mình.
Lều là nơi cư ngụ tạm thời giữa cảnh hoang vắng, lều tạm là nơi để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa. Thánh Phê-rô nghĩ rằng : Đây là nơi lý tưởng, để “cắm lều” tu dưỡng, vì là nơi thần bí.
Nhưng, hoàn toàn không phải. Thiên Chúa cắm lều ở giữa nhân loại là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Vì vậy, hành trình đi lên Giê-ru-sa-lem mới là hành trình “cắm lều” ở giữa nhân loại của Đấng Cứu Thế.
Nhưng, điều cốt lõi chính yếu đó là ”CẦU NGUYỆN”. Vâng, cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, cầu nguyện là xin vâng ý Chúa, là kín múc ân sủng, sức mạnh siêu nhiên thần linh từ Thiên Chúa. Vì, thế, cầu nguyện là động từ kép, được ghi hai lần trong câu đầu 28 – 29.
Cầu nguyện mới gặp gỡ, mới biến đổi nhân tâm, tỏ hiện sự nhân từ của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là sức mạnh nội tâm, là thuẫn đỡ, là khiên che, là hồng ân, là sự sống cho con người.
Cầu nguyện là xua đuổi satan không để nó cám dỗ, không để nó lộng quyền, dù lộng ngôn.
Cầu nguyện để có lương thực hằng ngày.
Cầu nguyện để xin ơn tha thứ và tha thứ cho tha nhân.
Cầu nguyện trước nhất là thờ phượng Thiên Chúa, mong cho Nước Trời được mau đến , hiển trị.
Cầu nguyện để được bình an đích thực.
Vì thế, cuộc Hiển Dung của Chúa Giê-su là tiên báo cuộc Tử Nạn của Người sắp xảy ra. Chúa Cha đã nghe Lời Người cầu nguyện để tăng sức mạnh thần linh cho Người.
Vì vậy, : Có tiếng Chúa Cha phán :” Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.”( Câu 35)
Như vậy, người Ki-tô hữu là người có Chúa Ki-tô, hoặc những ai chưa phải là Ki-tô hữu mà muốn bước theo Chúa Ki-tô, thì phải cầu nguyện. Cầu nguyện là phương pháp thực hành dễ nhất, nhưng cần thiết nhất. Vì, cầu nguyện thì không mê tín, cầu nguyện thì không thiệt thòi, thiệt hại, và cầu nguyện chính là muốn có Chúa ở cùng.
Cầu nguyện chính là bước theo Chúa Giê-su trên mọi nẻo đường.
Vì thế, linh mục là người hướng dẫn cầu nguyện, không phải chỉ đọc kinh trong nhà thờ, mà là khắp mọi nơi.
Chúng ta muốn có Chúa, có Đức Mẹ dễ lắm cứ cầu nguyện , muốn có Chúa thì cầu nguyện với Chúa, muốn có Đức Mẹ cứ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.
Vì, không có nơi nào trên trần thế mà là nơi bình an tuyệt đối, mái nhà của mình, hay bất cứ nơi đâu, không phải là bến bình an đích thực. Vì, không có nơi nào là quê hương, chỉ tạm gọi là quê hương, không có nơi nào là nhà, chỉ tạm gọi là nhà. Không nơi nào trên trái đất nầy mà gọi là bình an,vì, ngay trong chính lương tâm con người phàm nhân còn xung đột, một khi không có cầu nguyện là không có Chúa ở cùng. Mặc nhiên, xung đột xảy ra ngay trong lòng mình.
Chúa Giê-su dạy chúng ta yêu thương kẻ thù, điều ấy rất khó, có khi không thể thực hiện được, vì sao ? Thưa, vì chúng ta không có Chúa ở cùng. Khi , chúng ta có Chúa ở cùng thì Chúa sẽ giúp chúng ta, điều mà chúng ta gọi là ”phù hộ”. Chỉ có một Đấng yêu thương kẻ thù, đó là Người dạy chúng ta, đó là Chúa Giê-su. Tự sức chúng ta không thể yêu thương kẻ thù, nhưng Đấng dạy chúng ta điều ấy sẽ ở cùng chúng ta và sẽ thực thi được. Muốn vậy, chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, cầu nguyện để có Chúa ở cùng. Vì thế, cầu nguyện để có thể làm được mọi sự.
Mùa Chay chủ đề nổi bật là cầu nguyện, Hội Thánh dạy chúng ta cầu nguyện là như thế.
Ăn chay cũng chính là một hình thức cầu nguyện, nhưng cầu nguyện qua việc ăn chay sinh ra bố thí cho kẻ khó nghèo. Người ta ngại dùng từ ”BỐ THÍ”, thấy như có vẻ tự ti, hèn kém, hạ thấp nhân phẩm người khác. Nhưng, thật ra từ “bố thí”, có nghĩa là tự hạ mình, khiêm tốn nhìn nhận thân phận bụi tro của mình. Bố là ban, thí là cho, ban cho ai một cái gì đó. Người “ban cho” mới là người có phước, người nhận được cho là ”kém“ phước hơn. Đó là quy luật, vì người nhận được nhận “cái cho” vật được cho, đó là phước rồi. Vì vậy, người cho phải là người có phước hơn người nhận. Như vậy, bố thí là để tạo cho người có của có tài sản, vật chất tạo được phúc đức do chính công sức của mình. Không cần lớn lao, chỉ cần một ổ bánh mì cho người cần trong ngày đó.
Như vậy, Chúa Giê-su ăn chay là Người không ăn gì cả suốt 40 ngày. Sự ăn chay của Chúa Giê-su không để bố thí, mà là để thanh luyện phần Nhân Tính của Người để chiến thắng satan vì nhân loại, hầu treo gương cho chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su trong Mùa Chay, xin giúp chúng con nguyện cầu, để thanh luyện tâm hồn chúng con, hầu đủ sức chống lại mọi cơn cám dỗ của satan. Amen
CN II MC , C 2022
P.Trần Đình Phan Tiến