“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 4, 1 – 13)
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”. Chúa Giêsu đáp: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa”.
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá”. Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Cám Dỗ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tín Hữu Bị Cám Dỗ Cách Riêng Về Điều Gì ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Không Chỉ Nhờ Cơm Bánh Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Bền Gan Chiên Đấu Đến Cùng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tịnh Tâm Hạt Nắng Trg 10
Lắng Đọng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Âm Vang Sa Mạc M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Sa Mạc Thì Thầm Nắng Sài Gòn Trg 14
Khát Vọng Trung Trinh A.P. Mặc Trầm Cung Trg 15
Cám Dỗ
Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Từ khi có con người, đã có cám dỗ. Hẳn ta không thể quên chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỷ. Dân Do Thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do. Nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ quay trở lại Ai cập để được no ấm. Nhưng có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà ta thường gặp.
* Cơn cám dỗ thứ nhất: thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
* Cơn cám dỗ thứ hai: muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỷ biết Đức Giêsu muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỷ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ chịu chết. Chỉ cần quỳ xuống thờ lạy ma quỷ, vua quan dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo. Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh giành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
* Cơn cám dỗ thứ ba: tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Babel từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.
Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỷ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ. Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày nay, những cơn cám dỗ của ma quỷ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giêsu dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và luôn sống tâm tình của người con thảo đối với Chúa.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn đã gặp nhiều cơn cám dỗ, bạn đã chống trả những cơn cám dỗ như thế nào?
2. Có những việc lúc đầu bạn thấy là tốt. Mãi sau này bạn mới biết là xấu. Bạn có nghĩ đó là âm mưu của ma quỷ không?
3. Bạn có ý thức rằng ma quỷ vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới ngày nay không?
4. Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để phòng chống âm mưu ma quỷ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————————
Tín Hữu Bị Cám Dỗ Cách Riêng Về Điều Gì?
Đức Giêsu khởi đầu cuộc rao giảng Tin Mừng về tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa; rồi trong tư cách một người phàm, qua kinh nghiệm ‘cám dỗ’ nơi chính bản thân mình, Người cho thấy phải tiếp nhận Tin Mừng cứu độ đó như thế nào. Kinh nghiệm chiến đấu với cám đỗ này mang tính phổ quát, cách riêng có giá đối với Kitô mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh, không chỉ dưới khía cạnh luân lý nhưng nhất là trong thái độ tiếp nhận Tin Mừng. Càng là Kitô hữu, dầu là các linh mục – tu sĩ đã được tu luyện nhiều năm tháng, ai trong chúng ta cũng cần liên tục vượt thắng các cơn cám dỗ đánh trực tiếp vào niềm tin của mình.
Nói tới ‘cám dỗ’ thông thường ta nghĩ ngay tới điều gì đó cấm kỵ, thuộc lãnh vực luật lệ hay luân lý mà mọi người phải xa tránh; vì thế cho nên nhiều người cắt nghĩa trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ như sau: Người bị ma quỉ cám đỗ về mê ăn uống, về tính khoe khoang hay tự tôn tự đại; nhất là sự hiện diện của ‘con quỷ’ lại càng làm cho vấn đề thêm vẻ ‘luân lý’. Đã sống trên đời thì phàm ai cũng bị ‘cám dỗ’ như thế thôi, chẳng cứ gì Đức Giêsu hay Kitô hữu; và như thế thì bài học của Đức Giêsu về chống trả cám đỗ càng ít giá trị khi mà ta muốn giới thiệu Người như ông thầy dạy luân lý (moralist). Điều này chắc chắn không đánh trúng trọng tâm, vì trước Người, đã có rất nhiều bậc thánh hiền thuộc nhiều tôn giáo và triết thuyết khác đã từng dạy và phổ biến những nền luân lý và đạo đức còn cao đẹp và cặn kẽ hơn, cũng như đưa ra các phương thế chế ngự hữu hiệu hơn nhiều. Họ không những giải thích bản chất của cám dỗ (tham, xân, xi) mà còn dạy các phương pháp chế ngự vượt thắng (diệt dục, tự kỷ) rất căn cơ và bài bản.
Nếu thế thì Kitô hữu chúng ta rút ra được điều gì qua bài học ‘chiến thắng cám dỗ’ của Đức Giêsu, khi mà Người không chỉ bị cám dỗ ‘luân lý’ về mê ăn uống, khoe khoang hay thống trị, mà sâu sắc hơn, Người đang cho thấy một kinh nghiệm chống trả thách thức đối với đức tin trong tư cách Kitô hữu?
Tôi thiết nghĩ mọi ‘tín hữu’ – bất luận thuộc tôn giáo nào (miễn là không thuộc hạng vô đạo) vẫn cho rằng đời mình được xây dựng trên niềm tin vào một đấng vô hình; có một điều họ cần làm, nhưng lại rất ít khi thực hiện, đó là duyệt xét xem mình thực sự mong đợi điều gì nơi đấng đó. Họ coi như chuyện đương nhiên, ‘niềm tin’ là chờ đợi Chúa (hoặc Trời, hoặc Phật, hoặc Thần Thánh) chu cấp cho cuộc sống mình được đầy no, sung túc; cao hơn thế nữa, để đời mình được thăng hoa trong thành đạt và danh vọng, được danh thơm tiếng tốt… và cao thượng hơn nữa là được đắc đạo, là đạt tới nhân đức thánh thiện, trọn lành. Niềm tin ‘kỳ vọng’ này hình như rất phổ biến nơi người ‘có đạo’ thuộc mọi tôn giáo, trong đó có cả Kitô hữu chúng ta. Điều được coi như tất yếu, như lẽ thường tình này thì hôm nay lại bị Lời Chúa liệt vào loại ‘cám dỗ’, mà Đức Kitô trước nhất, rồi tới mọi Kitô hữu chúng ta, phải thắng vượt. Trong tư cách một con người đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu đã nêu gương chiến đấu và chiến thắng cơn cám dỗ tinh vi này như thế nào?
Thường tình ta sẽ nghĩ rằng, Thiên Chúa phải (truyền) biến những hòn đá thành lương thực để nuôi sống tôi… vì tôi đã tin vào Ngài, phải gìn giữ tôi “kẻo chân vấp phải đá”… vì tôi đã cậy trông nơi Ngài, phải ban cho tôi thành công, quyền lực, vinh quang, phúc lộc… vì tôi đã ”bái lạy, thờ phượng Ngài”.
Đối với Đức Giêsu, tin vào Thiên Chúa trước hết phải là lắng nghe, phó thác và qui về Thiên Chúa nhân ái cách trọn vẹn và vô điều kiện! Đặt bất cứ điều gì khác lên trên niềm tin phó thác tuyệt đối đó, cho dầu có là nhu cầu cuộc sống, là thăng tiến nhân bản, là trọn lành đạo đức…, thì đều bị coi là cám dỗ đối với đức tin. Trước lời cầu cứu khẩn thiết rất chính đáng của các môn đệ trong cơn bão táp: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi!” (Mc 4:38), hay của Phêrô trong lúc bị chìm xuống nước: “Thầy ơi, cứu con” (Mt 14:30) thì Đức Giêsu vẫn luôn quở trách các ông là đã ‘sa ngã’ vào cơn cám đỗ đức tin: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Vì thế, vào đầu mùa chay thánh, thời gian mà Hội Thánh mời gọi con cái mình duyệt xét và củng cố niềm tin vào một Thiên Chúa đã tự hiến, đã chết và phục sinh để cứu độ, bài tường thuật về các cám đỗ Đức Giêsu đã trải qua khi khởi sự cuộc rao giảng Tin Mừng về Chúa Cha nhân ái cứu độ thật có ý nghĩa và đánh rất trúng trọng tâm; trong số các điều cần chấn chỉnh trong Mùa Chay thánh này, các Kitô hữu chúng ta (ngay cả các linh mục, tu sĩ) cần phải đặt việc chấn chỉnh đức tin lên hàng đầu:
– Phải chăng tương quan giữa tôi với Thiên Chúa (của Đức Kitô) vẫn chủ yếu là cầu xin cho được no đủ, được che chở, được thăng tiến trong nhân đức, trong tông đồ…?
– Niềm tin và phó thác tuyệt đối vào một Thiên Chúa từ nhân và hay thương xót, đã cho Con Một Người xuống thế để sống và chết cho tôi, đang ở mức độ nào?
– Trong cuộc sống Tin Mừng của tôi, giữa cầu xin các ơn huệ và phó thác tin tưởng cho tình yêu nhân ái, điều nào nổi trội hơn?
Mùa chay là thời gian để tôi suy nghĩ và trả lời các vấn nạn trên, nếu tôi thật sự muốn chân thành hoán cải!
Lạy Chúa! Mùa Chay là thời gian hồng phúc, là thời gian thuận tiện để con tiến xa hơn trong niềm tin vào lòng Chúa yêu thương. Xin cho con hằng biết chiêm ngưỡng Đức Kitô Cứu Chúa tự hiến trên Thập Giá, để không bao giờ con rơi vào cám dỗ đặt tin tưởng vào tình Chúa yêu thương chỉ thông qua các ân huệ mình nhận được. Qua Mùa Chay thánh này, xin cho con có được niềm xác tín vững chắc như Phaolô: “không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của đức Giêsu Kitô, cho dầu là…” Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————–
Không Chỉ Nhờ Cơm Bánh
Cuộc đời con người ví như một cái ly. Khi ly đựng sữa, người ta sẽ gọi nó là ly sữa. Khi ly đựng nước người ta gọi nó là ly nước. Con người cũng được gọi là người nhân ái, người phúc hậu hay người tham lam, người quyền thế tùy thuộc vào những gì chúng ta đang tích góp trong cuộc sống. Chính những điều chúng ta đang chất chứa trong lòng sẽ làm cho cuộc sống có giá trị với đời hay chỉ gây phiền toái cho anh em.
Mùa chay là mùa gạn đục khơi trong để loại bỏ những điều xấu đang chất chứa trong con người chúng ta. Khi dám loại bỏ khỏi lòng mình những hoen ố bởi danh lợi thú, ta mới tìm lại được hình ảnh cao đẹp của phẩm giá con người là hình ảnh của Chúa. Là hình ảnh của Chúa nên phải thuộc về Chúa và không thể làm tôi cho ma quỷ khi vì danh lợi thú mà bán rẻ lương tâm, mà làm những chuyện suy đồi đạo đức.
Nhưng thân phận con người được dựng nên từ bụi tro nên cũng vương vấn bụi trần. Con người dễ chiều theo cám dỗ để tìm thỏa mãn cho cái tôi của mình mà lạc xa tình Chúa.
Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trong hoang địa. Ngài đã tách mình ra khỏi những ồn ào của thế gian để cầu nguyện và chay tịnh. Nhờ cầu nguyện Ngài thêm được sức mạnh từ Chúa Cha. Nhờ chay tịnh mà Ngài đã dẹp tan những khao khát mời mọc từ ma quỷ cám dỗ.
Có chay tịnh và cầu nguyện, ta mới có khả năng nhận ra các cơn cám dỗ quen thuộc. Ma quỷ hôm xưa đã từng cám dỗ Chúa Giêsu thế nào thì hôm nay nó vẫn tiếp tục níu kéo, mời gọi con người đi theo nó để được no nê cái ăn cái mặc, để được chức tước và bổng lộc. Ma quỷ vẫn đang cám dỗ chúng ta về chiếm đoạt và sở hữu. Cám dỗ thống trị bằng quyền lực và tri thức. Cám dỗ sống buông thả bất cần đời…
Quả thực, tiền bạc, của cải, sắc đẹp, khoái lạc, bằng cấp, quyền lực,..v..v.. tất cả những điều này đều trân quý. Đây là những cám dỗ khiến chúng ta từng bị cồn cào bởi những thèm thuồng có được nó, nhưng cái sai là ở chỗ, nhiều người đã tìm cách thỏa mãn những cơn đói này bằng mọi giá. Khi con người tìm cách thõa mãn bằng mọi giá là lúc con người đã biến mình thành nô bộc cho ma quỷ sa khiến. Ở đời, cái gì quá cũng đều không tốt. Tham quá sẽ liều, mê quá sẽ ngu như bài luận về chữ quá như sau:
Quá yêu sẽ dễ bị đau
Quá ghét đến lúc gặp nhau khó nhìn
Quá gian sẽ chẳng ai tin
Quá nhớ mọi chuyện cứ in trong đầu.
Quá cực thì bảo như trâu
Quá lời thì bảo người đâu lắm điều
Quá xinh sẽ khổ vì yêu
Quá xấu thì đến xế chiều vẫn lo.
Quá ngu thì bảo như bò
Quá khôn bị chửi chỉ lo thân mình
Quá vui thì bảo vô tình
Quá buồn thì bảo đày mình cực thân.
Quá thật thà bảo là đần
Quá mập bảo ăn hết phần, tham ô
Quá ốm thì bảo xương khô
Quá tiết kiệm bảo ki bo khổ đời.
Xem ra Quá thật muôn hình
Chẳng tìm Quá hợp với mình được đâu
Có bao cái Quá đau đầu
Khéo nhạt một chút biết đâu lại vừa!
Xin Chúa là Đấng đã chiến thắng cám dỗ giúp chúng ta học nơi Chúa để sống quy phục Thiên Chúa và nhờ ơn Chúa chúng ta vượt qua những cám dỗ của ma quỷ. Xin cho chúng ta vượt thắng được các cơn cám dỗ nhờ tỉnh thức và cầu nguyện, nhờ chay tịnh và sám hối ăn năn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————————
Bền Gan Chiến Đấu Đến Cùng
Vô vàn cám dỗ phát xuất từ tiền tài, danh vọng, địa vị chức quyền, lạc thú… vây bọc quanh ta và liên tục tấn công từ mọi phía.
Cám dỗ rất mạnh mẽ
Cám dỗ có thể từ bên ngoài thâm nhập vào con người qua các giác quan.
Cám dỗ cũng ẩn sâu trong cõi lòng và tác động từ bên trong như tham lam, kiêu căng, giận hờn, ghen ghét…
Cám dỗ xô đẩy con người xuống vực sâu tội lỗi bằng hai lực: lực kéo và lực đẩy, vừa lôi kéo từ bên ngoài vừa thúc đẩy từ bên trong; vì thế, con người khó lòng chống cự nổi.
Thế là con người phải luôn luôn đương đầu với vô vàn cám dỗ mạnh mẽ có sức hủy diệt nhân cách và phẩm chất của mình.
Cám dỗ rất đáng sợ
Cám dỗ có thể xui khiến con cái giết cha mẹ để chiếm đoạt tiền bạc, có thể khiến anh em một nhà chia rẽ xích mích vì tranh chấp đất đai tài sản, biến những công chức thanh liêm trở thành quan tham, thậm chí có thể biến những nhà tu hành thành người bất chính…
Cám dỗ có thể biến đổi người lương thiện trở thành những tên đạo tặc, cướp của giết người;
Cám dỗ có thể khiến nhiều tuổi thơ trong trắng sớm trở thành người hư hỏng sa đọa, biến người hiền lành trở nên độc ác…
Khủng khiếp nhất là cám dỗ có thể biến các lãnh tụ độc tài tham lam trở thành những tên xâm lược, sẵn sàng thí bỏ hàng triệu sinh mạng con người để củng cố quyền lực và xâm chiếm tài nguyên.
Cám dỗ không buông tha bất cứ ai
Cám dỗ không chừa bất cứ ai. Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị cám dỗ ngồi bên tả, bên hữu chiếc ngai vàng mà họ tưởng là Thầy Giêsu sắp chiếm lấy (Mc 10,37).
Ngay cả Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ trong cuộc đời. Mặc dầu Ngài thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên “cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Do-thái 4,15).
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến ba cơn cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong hoang địa.
– Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3).
– Cám dỗ thứ hai là làm vua toàn thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7). Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua (Gioan 6,15).
– Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền thờ Giêrusalem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11).
Dù bị cám dỗ về mọi mặt y như chúng ta, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ thua trận. Ngài chiến thắng tất cả mọi thứ cám dỗ cách vẻ vang.
Tỉnh thức và cầu nguyện cho khỏi cơn cám dỗ
– Vì cám dỗ có thể đến từ mọi phía nên chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị chúng bất thần xông tới hủy diệt chúng ta.
– Vì cám dỗ có tính cách trường kỳ, chỉ chấm dứt khi con người tắt thở nên chúng ta phải thường xuyên rèn luyện để có thể bền gan chiến đấu đến cùng.
– Vì cám dỗ có thể hủy diệt những phẩm chất cao đẹp của con người và biến người ta thành nô lệ cho dục vọng đen tối, cho bản năng hư hèn… nên chúng ta phải luôn cầu nguyện xin Chúa giúp sức, không để cho mình ngã gục.
Lạy Chúa Giêsu. Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Chúa đã vận dụng lời Kinh Thánh như một vũ khí lợi hại để chiến đấu và chiến thắng. Xin cho chúng con noi gương Chúa, siêng năng suy niệm Lời Chúa hằng ngày, để Lời Chúa trở nên vũ khí bảo vệ và che chở chúng con khi phải đối mặt với bao cám dỗ trong cuộc đời. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
—————————————-
Tịnh Tâm
CN I MC-C – (Lc 4, 1 – 13)
Sa mạc cuộc đời phút tịnh tâm
Lắng nghe tiếng Chúa những thăng trầm
Nhu cầu thể lý trò giăng bẫy
Bồi dưỡng tâm linh khỏi mắc lầm
Thể xác yếu hèn sa cám dỗ
Tinh thần mạnh mẽ thắng phù vân
Ăn chay cầu nguyện lòng tin tưởng
Phó thác nơi Tình Cha chí nhân.
Hạt Nắng
——————————————–
Lắng Đọng
CN I MC-C – (Lc 4, 1 – 13)
Chúa gọi con, đi vào nơi hoang vắng,
sa mạc tâm hồn lắng đọng thoát u mê.
Giọt lệ ăn năn bao tội lỗi ê chề,
lãng quên Tình Chúa hồn say mê trần thế.
Cơn lốc đảo điên trò đời dâu bể,
cơm áo gạo tiền quyền thế lẫn hư danh.
Con hối hả vô tâm quyết tranh giành,
mong thỏa mãn nhu cầu, mong công thành danh toại.
Say mê lạc thú làm hồn con băng hoại,
thỏa mãn bản năng những khoái lạc bản thân.
Nhân phẩm nhuốc nhơ bùn đen mãi lún dần,
vòng nô lệ đọa đày xác thân tàn tạ.
Ước vọng cuồng ngông thích những điều kỳ lạ,
thích trèo cao hiếu chiến tạo anh hùng.
Ngạo mạn kiêu kỳ thần tượng vái lung tung,
đức tin mờ nhạt chữ “trung” con đánh mất.
Vào sa mạc con nhận ra Sự Thật,
cạm bẫy tinh vi, lời đường mật quỷ ma.
Quyến rũ, lọc lừa cứ ngỡ được thăng hoa,
nhưng kỳ thực là con đã chối bỏ Tình Cha nhân ái.
Mùa Chay Thánh, Mùa Hồng Ân quảng đại,
gọi con về kiểm duyệt lại bản thân.
Sa mạc tình yêu giũ sạch những bụi trần,
Sống niềm tin,phó thác,
vào một Thiên Chúa từ nhân hay thương xót.
Gần gũi Chúa cho con tình dịu ngọt,
Lời Chúa soi lòng thiêu đốt hết bợn nhơ.
Cầu nguyện, ăn chay nối lại khúc tình thơ,
Sống đời tín thác chỉ tôn thờ Thiên Chúa.
Vào sa mạc tâm hồn con được tu sửa,
sống giữa cuộc đời trong Ánh Lửa Thần Linh.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————————
Âm Vang Sa Mạc
CN I MC-C – (Lc 4, 1 – 13)
Thân con như cây lau sậy,
ngả nghiêng trước sóng gió cuộc đời.
Đời con như cánh bèo dạt trôi,
dập dềnh giữa sóng đời lôi cuốn.
Thả trôi theo đam mê dục vọng,
say sưa lấp đầy tham vọng,
vinh hoa, chức quyền, bản năng thấp hèn,
nhu cầu thỏa mãn cuồng quay.
Xa xa âm vang sa mạc,
gọi con quay gót giũ bụi đường.
Hồi tâm duyệt xét mối sầu vương,
khát vọng lái thuyền tình về bến.
Nguyện xin Cha yêu thương khoan hồng,
bao dung thắp lên hy vọng,
tương giao nhiệm mầu ăn chay nguyện cầu,
đón nhận hồng ân Thánh Thần.
Ôi! Âm vang sa mạc, âm vang tình yêu,
phó thác tin yêu tâm hồn con bừng sáng.
Sức sống vươn cao cho con niềm khát vọng,
thoát vòng nô lệ đời con hết long đong.
Ôi! Âm vang sa mạc, âm vang thần linh,
ánh sáng tâm linh soi lòng tin cậy mến.
Vững chí trung kiên theo Tin Mừng Cứu Độ,
tin kính, tôn thờ một Thiên Chúa Tình Yêu.
Tin yêu nơi Cha quan phòng,
cậy trông giữa thách đố tình trường.
Của ăn Lời Chúa là thần lương,
tự do sống đời là con Chúa.
Niềm tin luôn trung kiên hết lòng,
dù cho sóng đời dao động,
ăn chay nguyện cầu, tương giao nhiệm mầu,
giữ trọn tình yêu thắm nồng.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————–
Sa Mạc Thì Thầm
CN I MC-C – (Lc 4, 1 13)
Con đã đánh mất chính mình,
và con cũng nhận ra chính mình.
Sau những ngày tháng phiêu du,
nô lệ vòng xoay lạc thú,
danh vọng, quyền thế như mây mù,
thỏa mãn nhu cầu thân xác kiếp sống nhân sinh.
Con đã tìm thấy chính mình,
và con đã nhận ra chính mình.
Nghe tiếng vọng giữa hoang vu,
sa mạc dừng chân lữ thứ,
hy vọng vượt thoát chốn ao tù,
sám hối tội tình thức tỉnh đời sống tâm linh.
Ôi! Sa mạc cuộc đời giữa chốn điêu linh,
sa mạc ân tình sáng soi điều công chính.
Tiếng vọng thì thầm duyệt xét lương tâm,
tình yêu thì thầm giao kết mối tình thâm.
Ôi! Sa mạc ân tình ngời sáng tâm linh,
ước vọng chân thành sống theo đường công chính.
Chay tịnh, nguyện cầu, phó thác, tin yêu,
tự do tâm hồn vâng phục Thiên Chúa uy linh.
Cám dỗ giăng bẫy trong đời,
khổ đau con tín thác nơi Người.
Niềm khát vọng sống trung kiên,
sa mạc bừng lên lửa mến,
tin nhận một Thiên Chúa uy quyền,
đức tin trung thành vượt thắng từng bước truân chuyên.
Nắng Sài Gòn
—————————————
Khát Vọng Trung Trinh
CN I MC.C – (Lc 4, 1 – 13)
Bao cám dỗ gọi mời lôi cuốn,
thỏa nhu cầu ham muốn bản thân.
Mon men lạc thú đến gần,
bao lần nếm thử bao lần ngã thua.
Mê sắc dục giỡn đùa thách thức,
ham bạc tiền quyền chức vinh hoa.
Âm mưu đen tối quỷ ma,
tham lam,ích kỷ xót xa nghĩa tình.
Mê ăn uống rẻ khinh nhân phẩm,
sống bản năng thỏa mãn thấp hèn.
Mưu cầu danh vọng bon chen,
say mê cuồng vọng, tối đen tâm hồn.
Mưu thâm hiểm dập dồn giăng bẫy,
quật ngã con trông cậy vào Cha.
Chối bỏ Tình Chúa bao la,
sa vòng nô lệ gian tà hiểm nguy.
Đầy quyến rũ tinh vi cám dỗ,
Chúa nêu gương bền đỗ trung trinh.
Ăn chay, cầu nguyện, hy sinh,
trung kiên chiến đấu vẹn tình sắt son.
Đường trần xuống biển lên non,
chông gai cạm bẫy mỏi mòn xác thân.
Nguyện xin Chúa đổ hồng ân…
A.P Mặc Trầm Cung