I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Thật là đang buồn khi rất nhiều người, kể cả người có đạo, xem việc làm chỉ có một mục đích duy nhất là kiềm tiền, kiếm càng nhiều tiến càng tốt. Thật ra mục đich chính của việc làm không phải là để kiếm tiền, mà là để phát huy tài năng của bản thân (mà Thiên Chúa đã ban) và làm cho danh Chúa được cả sáng và cộng đồng xã hội [quốc gia và nhân loại] được tiến bộ. Ngay từ những ngày đâu của lịch sử loài người Thiên Chúa đã xác định mục đích cao cả của việc làm khi Thiiên Chúa giao cho con người trách nhiệm quản lý công trình tạo dựng. Dĩ nhiên là khi con người bỏ công sức, mồ hôi trong khi làm việc thì con người được thưởng công, được đền bù (không chỉ bằng tiền). Chính vì thế mà Giáo Hội mới dành Ngày Mồng Ba Tết cho việc thánh hóa công ăn việc làm. Công ăn việc làm của chúng ta cần được thánh hóa để lao động ấy đạt đươc mục đích chính và tốt lành của nó.
Chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa và suy niệm về ý nghĩa của lao động và áp dụng trong cuộc sống ngay từ ngày Mồng Ba Tết Nhâm Dần này.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (St 2,4b-9.15): “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa” Trong ngày Thiên Chúa tạo dựng trời đất, thì chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng, không có một cây rau cỏ nào nảy mầm ngoài đồng ruộng, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa rơi xuống đất, và chưa có người để trồng trọt, nhưng lúc đó mạch nước từ đất vọt lên, tưới khắp mặt đất. Vậy Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết lành dữ. Vậy Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cv 20, 32-35): “Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp” Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 5,16-20): “Tức khắc người ấy được lành bệnh” Người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat. Nhưng Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy”. Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục”.
III. THAM KHẢO GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ LAO ĐỘNG
[Trích: CHƯƠNG SÁU / LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI / I. NHỮNG KHÍA CẠNH THÁNH KINH]
a. Bổn phận canh tác và chăm sóc trái đất
255. Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa như Đấng Tạo Hoá toàn năng (x. St 2,2; G 38-41; Tv 104; Tv 147), đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và kêu mời con người lao động trên đất đai (x. St 2,5-6), canh tác và chăm sóc vườn Êđen, mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó (x. St 2,15). Thiên Chúa giao cho cặp vợ chồng đầu tiên nhiệm vụ khuất phục trái đất và thống trị mọi sinh vật (x. St 1,28). Tuy nhiên, sự thống trị của con người trên các sinh vật khác không phải là sự thống trị độc đoán hay bừa bãi; ngược lại, con người phải “canh tác và chăm sóc” (St 2,15) của cải do Thiên Chúa tạo dựng. Những của cải này không do con người làm ra, nhưng con người đã lãnh nhận chúng như những tặng phẩm quý giá mà Tạo Hoá đã trao cho con người đảm trách. Canh tác đất đai là không bỏ mặc đất đai; thống trị mặt đất có nghĩa là chăm sóc nó, như một vị vua khôn ngoan chăm sóc thần dân của mình hay như một mục tử chăn dắt đàn chiên của mình.
Theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, các thực tại được tạo dựng, tự chúng vốn tốt, là để cho con người sử dụng. Ngạc nhiên trước mầu nhiệm về sự cao cả của con người, tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên: “Con người là gì mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải quan tâm? So với thần linh, Chúa chẳng để con người kém thua là mấy. Đem vinh dự, huy hoàng làm mũ triều thiên. Cho thống trị mọi công trình Chúa đã dựng nên; đặt muôn loài muôn sự dưới chân con người” (Tv 8,5-7).
256. Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội; bởi đó, lao động không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc vì tội của Ađam và Eva, khi họ phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (x. St 3,6-8). Lệnh cấm “ăn trái cây biết lành biết dữ” (St 2,17) nhắc con người nhớ rằng mọi sự con người có đều là ân huệ Chúa tự nguyện ban cho, thế nên con người vẫn chỉ là thụ tạo chứ không phải là Tạo Hoá. Ađam và Eva phạm tội chính là do cám dỗ này: “Ngươi sẽ trở thành Chúa” (St 3,5). Họ muốn thống trị tuyệt đối trên mọi sự mà không phải phục tùng ý muốn của Tạo Hoá. Kể từ lúc đó, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch một cách tệ hại (x. St 4,12); chỉ khi nào đổ mồ hôi trán, con người mới gặt hái được kết quả (x. St 3,17.19). Tuy nhiên, dù tổ tiên chúng ta có phạm tội đi nữa, kế hoạch của Tạo Hoá, ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật – vẫn không thay đổi.
257. Lao động có một vị trí danh dự, vì đó là nguồn đem lại của cải hay ít ra là nguồn đem lại những điều kiện để con người có được một cuộc sống tươm tất, và trên nguyên tắc, đó là một công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói (x. Cn 10,4). Tuy nhiên, con người không được sa vào cám dỗ biến lao động thành một ngẫu tượng, vì ý nghĩa tối cao và cuối cùng (và dứt khoát) của cuộc sống không nằm trong lao động. Lao động là cần thiết, nhưng chính Thiên Chúa – chứ không phải lao động – mới là nguồn gốc của sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người. Thật ra, nguyên tắc khôn ngoan ẩn đằng sau chân lý này là lòng kính sợ Chúa. Đòi hỏi của công lý – xuất phát từ lòng kính sợ Chúa – chính là yêu cầu phải được đặt trước việc quan tâm tới lợi nhuận: “Thà có ít mà kính sợ Chúa hơn là có gia tài kếch sù mà phải lo âu sợ hãi” (Cn 15,16). “Thà lời ít mà ngay thẳng hơn là lời nhiều mà bất công” (Cn 16,8).
258. Đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động là mệnh lệnh phải nghỉ ngơi ngày Sabat (Sabbath). Con người bị buộc phải lao động, nhưng sự nghỉ ngơi này mở ra cho con người niềm hy vọng được tự do đầy đủ hơn, tự do trong ngày Sabat vĩnh viễn (x. Dt 4,9-10). Nghỉ ngơi giúp con người nhớ lại và cảm nghiệm lại kỳ công của Thiên Chúa, từ Tạo dựng đến Cứu chuộc, đồng thời nhận ra chính mình cũng là công trình của Thiên Chúa (x. Ep 2,10) để cảm tạ Ngài – tác giả đã sinh ra mình – về cuộc sống và về sự tồn tại của mình.
Việc nhớ tới và (cảm) trải nghiệm (lại) ngày Sabat tạo nên một hàng rào giúp con người không trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như giúp con người chống lại (không bị) mọi hình thức bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai. Thật vậy, việc nghỉ ngơi ngày Sabat không những giúp con người có thể tham gia thờ phượng Chúa, mà còn để bênh vực người nghèo. Nó cũng có công dụng giải thoát con người để khỏi làm cho lao động xuống cấp, phản lại xã hội. Nghỉ ngơi ngày Sabat có thể kéo dài tới cả năm; làm như thế là để chúng ta bỏ lại hoa màu trái đất cho người nghèo hưởng dùng và đình lại quyền sở hữu của các chủ đất: “Trong sáu năm ngươi sẽ gieo trồng và thu hoạch; nhưng năm thứ bảy ngươi sẽ cho đất nghỉ ngơi để người nghèo có thể kiếm ăn, cũng như để thú rừng có cái mà ăn. Ngươi cũng sẽ làm như thế đối với vườn nho và vườn ôliu của ngươi” (Xh 23,10-11). Tập quán này đáp ứng một trực giác sâu xa là: của cải tập trung về tay một số người đôi khi có thể làm người khác bị tước đoạt của cải.
[Nguồn: COMPENDIUM OF THE SOCIAL DOCTRINEOF THE CHURCH
IV. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
4.1 “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người sống trên thế gian này ý thức được trách nhiệm cai quản công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.2 “Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy biết sống “hiến dâng” theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.3 “Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết trân trọng và phát huy những ơn huệ và tài năng mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi cá nhân và mỗi cộng đoàn giáo xứ.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.4 “Chúa Giêsu trả lời họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người được giao trách nhiệm quản lý xã hội và đất nước để họ biết quản lý theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Ngày 29 tháng 01 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.