I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu chúng ta suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa thâm sâu và phong phú của ba Ngày Tết cổ truyền theo văn hóa Việt hòa nhập với Phúc Âm Kitô giáo:
– Mồng Một Tết: chúng ta hướng mắt, hướng lòng lên Thiên Chúa để chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa về những ơn lành hồn xác mà chúng ta (cá nhân, cộng đoàn, xã hội, quốc gia và thế giới) đã nhận được trong suốt một năm qua (cũ) và khẩn nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn Bình An trong năm mới Nhâm Dần vừa bắt đầu. Thiên Chúa là Chúa của thời gian và là Chủ của mọi ơn lành nên chúng ta làm thề là hợp tình hợp lý.
– Mồng Hai Tết: chúng ta kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những bậc sinh thành và dưỡng dục chúng ta trong thế giới này, để tỏ lòng hiếu thảo của những người thụ ân.
– Mồng Ba Tết: chúng ta nhìn vào chính cuộc sống hiện tại của mình để xem ý nghĩa và giá trị của lao động mà Thiên Chúa giao phó, ủy thác cho chúng ta trong Năm Mới là như thế nào để chúng ta chu toàn cho đẹp lòng Thiên Chúa và hữu ích cho chính mình và tha nhân.
Đặc biệt trong những ngày đầu Năm Mới Nhâm Dần này thì chúng ta càng phải thể hiện đức tin, cậy, mến Kitô giáo, vì dịch bệnh corona virus vẫn còn hhoành hành khắp nơi, làm tê liệt mọi sinh hoạt của loài người và nhắc nhở mọi người nhớ đến tội lỗi của mình và của những người xung quanh mà ăn năn sám hối và xin Thiên Chúa thứ tha và dẹp tan dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Trong tâm tình ấy, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa mà cảm tạ Đấng Tạo Dựng và phó thác cuộc sống cho Đấng Quan Phòng mà vui hưởng những ngày tháng của Năm Mới Nhâm Dần mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (St 1,14-18): “Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng” Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp.
2.2 Trong bài đọc 2 (Pl 4, 4-8): “Chúa gần đến” Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 6, 25-34): “Các con chớ áy náy về ngày mai” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (St 1,14-18): là một phần trong tường thuật tạo dựng trong Sách Sáng Thế, liên quan tới việc mặt trời mặt trăng và ánh sáng được Thiên Chúa dựng nên cho vũ trụ và cho con người. Ánh sáng và mặt trời mặt trăng và các tinh tú đều là những sản phẩm tốt đẹp.
3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 4, 4-8): là một đoạn trong thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philípphê, trong đó Thánh Tông Đồ khuyến khích các Kitô hữu Philípphê sống trong niềm vui và yêu chuộng những điều thanh cao, thánh thiện.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mt 6, 25-34): là một trong những đoạn văn hay nhất của Sách Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu giảng dậy về sự Quan Phòng kỳ diệu của Thiên Chúa và khuyên các tín hữu tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Sự Công Chính và hoàn toàn cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
LÀ: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc”
VÌ: “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”
NÊN: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng vũ trụ vạn vật và loài người trong đỏ có mặt trời mặt trăng và ánh sáng. Công trình ấy tốt đẹp và kỳ diệu đáng chúng ta dâng lời chúc tụng ngợi khen. Thiên Chúa còn chăm lo, săn sóc mọi loài mọi vật và loài người qua sự Quan Phòng đầy quyền năng và tình thương, nên chúng ta có thể cậy trông phó thác trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi tự kiểm điểm xem mỗi ngày tôi có thường xuyên
– dâng lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa Tạo Dựng không?
– dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Quan Phòng và trông cậy phó thác cuộc đời tôi cho Người không?
V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 “Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho loài người hôm nay để ai nấy đều biết cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mặt trời mặt trăng, ánh sáng và muôn vật muôn loài.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo khắp năm châu, cách riêng cho Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám Mục, Linh Mục, Pho Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để mọi Kitô hữu được hưởng trọn Niềm Vui của những ngày Xuân Nhâm Dần và có được một Năm Mới tràn đầy Phúc Lộc của Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.3 “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu thuộc giáo xứ chúng ta, để ai nấy biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Đức Công Chính và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong Năm Mới vừa bắt đầu.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 “Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người nghèo khó, túng thiếu, vô gia cư, thất nghiệp, bị lây nhiễm Corona Virus để họ được Thiên Chúa chữa lành, ủi an và ban cho những thứ cần thiết.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Sàigòn ngày 29/01/2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.