SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 781, CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN – C, 30/01/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca(Lc 4, 21-30).

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”
Và Người nói với họ: “Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: ‘Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!’ Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'”. Người nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một nguời nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”.
Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.
Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Điều Kiện Để Dón Tiếp Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Tin Chúa Xót Thương Hay Mong Đợi Phép Lạ ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Xin Đừng ghét Ghen Nhau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Thuốc Đắng Dã Tật Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Đời Ngôn Sứ Hạt Nắng Trg 10
Đời Ngôn Sứ Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Không Thể Và Có Thể M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Hạt Bụi Tinh Khôi Nắng Sài Gòn Trg 14
Tình Lao Đao A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

————————————————–

 

Điều Kiện Để Đón Tiếp Chúa

Sau khi rao giảng một thời gian, Chúa Giêsu trở về làng cũ. Thoạt nghe Chúa rao giảng, họ khâm phục tán thành. Nhưng sau đó họ lại xua đuổi và muốn giết Chúa. Thật là đáng buồn. Đúng như lời thánh Gioan đã viết: “Người đã đến nhà nhưng người nhà không nhận biết Người”. Tại sao có cảnh trái ngang đau lòng như thế? Thưa vì tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng của họ.

Chúa đi tìm đức tin còn họ đi tìm lợi lộc. Khi đi rao giảng, Chúa muốn đem cho ta niềm tin. Niềm tin đã là khởi điểm của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin. Niềm tin đã là kết quả của nhiều phép lạ. Chúa chỉ làm phép lạ khi phép lạ dẫn đến niềm tin. Nhưng dân làng Nazareth không nhìn thấy điều đó. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Lời giảng của Người không đưa họ tới đức tin và Thiên Chúa, vào Nước Trời. Họ chỉ mong được có phép lạ. Vì họ chỉ mong được lợi lộc vật chất: được khỏi bệnh; được ăn no. Mong ước của họ không gặp được mong ước của Chúa.

Chúa sống trong khiêm nhường nhưng họ sống trong kiêu căng. Chúa không bao giờ làm phép lạ với mục đích biểu diễn. Chúa chỉ làm phép lạ đê giải nghĩa mầu nhiệm Nước Chúa. Chúa không làm phép lạ khi ma quỷ cám dỗ Chúa trong hoang địa. Chúa không xuống khỏi thập giá khi dân chúng thách thức Chúa trên Núi Sọ. Nên hôm nay Chúa cũng không làm phép lạ để thoả mãn tính hiếu kỳ và tính kiêu căng của dân làng Nazareth. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ được vinh dự có người đồng hương quyền phép. Họ mong Chúa làm phép lạ để làng họ cũng được nở mày nở mặt với Capharnaum. Suy nghĩ của họ rất khác với suy nghĩ của Chúa.

Chúa có tâm hồn mở rộng trong khi tâm hồn họ hẹp hòi. Họ mong ước Chúa là người làng Nazareth thì phải dành mọi ưu tiên cho dân làng từ việc rao giảng cho đến việc làm phép lạ. Tất cả phải bắt đầu và bó gọn trong làng. Nhưng Chúa Giêsu, khi trích dẫn chuyện tiên tri Elia ở nhà bà goá Sarepta trong thời hạn hán, làm cho bình dầu và hũ bột của gia đình bà không bao giờ vơi và chuyện tiên tri Elisa chữa tướng Naaman, người Syria khỏi bệnh phong, đã cho thấy Nước Chúa không chỉ bó hẹp lại trong phạm vi người thân thuộc nhưng phải mở rộng tới tất cả mọi người. Không chỉ những người trong đạo Do Thái mà cho cả những người ngoại đạo nữa. Hai nhãn quan khác hẳn nhau.

Tôi là người có đạo. Nhưng biết đâu tôi không đón nhận được Chúa vì tôi cũng giống như dân làng Nazareth, đến với Chúa chỉ mong được lợi lộc vật chất, đến với Chúa chỉ vì hư danh, đến với Chúa với tâm hồn hẹp hòi. Hôm nay tôi xin Chúa thanh tẩy tâm hồn tôi khỏi thói ham mê lợi lộc, thói phô trương bề ngoài và thói hẹp hòi khép kín, để tôi được đón nhận Chúa và để tôi trở nên tông đồ của Chúa.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Giữ đạo tốt để được may mắn. Bạn có ý nghĩ như thế không?
2. Bạn khó chịu khi người ngoại đạo được may mắn. Thái độ này có đúng không?
3. Thường thường, bạn đi tìm Chúa, tha thiết cầu nguyện để đạt được điều gì? Để được may mắn, khỏi tai hoạ, hay để được hiểu biết, yêu mến Chúa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

————————————————–

 

Tin Chúa Xót Thương Hay Mong Đợi Phép Lạ?

Giữa khảng định của Đức Giêsu và mong đợi của cử tọa tại hội đường Nazareth quả có một khoảng cách quá lớn. Trong khi Người mời gọi các cử tọa đặt niềm tin nơi Người, hiện thân của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa (đối với người Do Thái thần khí = sức mạnh Đức Chúa) đang loan báo một Tin Mừng tha thứ, trả tự do, sáng mắt và hồng ân, thì các đồng hương chỉ mong chờ Người cho họ chứng kiến một trong số các sự lạ mà họ đã nghe Ngài từng thi thố tại các nơi khác. Họ tự cho mình cái quyền đòi buộc Người điều đó, đơn giản vì họ là đồng hương, vì họ quá quen biết Người…, để rồi cảm thấy bị súc phạm ghê gớm khi Người từ chối đáp ứng nguyện vọng họ, nhưng chỉ đơn thuần mời gọi họ dãy đặt trọn niềm tin nơi Người: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quí vị vừa nghe”.

Đặt trọn niềm tin nơi ‘Thiên Chúa yêu thương’ chính là tâm điểm của Tin Mừng. Tin có nghĩa là dầu chưa thấy, không thấy, nhưng đã dám đặt cược trọn cuộc sống mình vào đó. Dấu chứng duy nhất, bảo chứng vững chắc nhất cho niềm tin này chính là Đức Giêsu Kitô. “Phúc thay những ai không thấy mà tin!” (Ga 20,27). Nơi con người Đức Giêsu, Gioan hay Phaolô và mỗi Kitô hữu chúng ta, nhờ đức tin, ‘đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến’ tình yêu Thiên Chúa. Nơi Người ‘Thiên Chúa yêu thương’ đã rõ mồn một, đã hoàn toàn ứng nghiệm và là một hiện thực không thể chối cãi. Thế thì cần gì phải có một bằng chứng nào khác, nhất là khi bằng chứng đó không dựa trên con người Giêsu, mà chỉ trên một phép lạ, một dấu lạ hay một ân huệ nào đó mà Người ban cho. Phaolô đã không đưa ra bất cứ một sự kiện cụ thể nào để chứng minh rằng Thiên Chúa yêu thương mình cho dầu những sự kiện lạ xảy ra trong đời ông không phải là hiếm. Gioan cũng vậy, ông cảm thấy Đức Giêsu yêu thương mình mà không nêu rõ một ân huệ đặc biệt nào nhận được. Niềm tin cầm chắc như đinh đóng cột rằng ‘Thiên Chúa yêu thương’ và không gì có thể chuyển lay: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu Kitô,… đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi”.

Vậy mà các đồng hương Nazareth đòi được tận mắt chứng kiến một dấu lạ hay một phép lạ. Sau này các người Do Thái cũng sẽ đặt điều kiện tương tự để tin Đức Giêsu. Nhiều Kitô hữu chúng ta cũng thường đòi hỏi như thế. Phải nắm bắt được bằng chứng cụ thể, phải chứng kiến được một phép lạ, phải xảy ra một vụ việc nào đó ngoại thường… để thuyết phục mình tin rằng, Thiên Chúa quả thật yêu thương mình. Không cầu được ước thấy điều mình cầu khẩn, thế là đâm ra hoài nghi về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.

Một lần tôi tới thăm đền thờ Consolata, một địa điểm hành hương danh tiếng ở Tôrinô, Italia. Trên vách tường ngôi đền, theo thói quen bên đó, người ta trưng bày các bức vẽ do chính các thụ nhân phác họa lại các phép lạ mà họ đã nhận được. Thôi thì đủ thứ: chiến tranh, tai nạn đủ loại, bệnh tật, thiên tai… Có một ai đó thì thầm sau lưng tôi: “Mình có được gì đâu!” Tôi ngoái lại hỏi chuyện và được biết đứa con gái rượu của ông mới thiệt mạng sau một tai nạn. Trong thời gian nó nằm bệnh viện, ông đã cầu nguyện và xin khấn… nhưng nó vẫn chết. Thế là ông chán nản. Tại sao người khác được mà mình lại không…? Tôi thương cảm với ông ta. Điều đó quá thường tình. Cái thiếu ở đây là một niềm tin vào khảng định chắc nịch “hôm nay đã ứng nghiệm”.

Không chỉ ông ta, nhiều Kitô hữu (trong số đó chắc chắn có cả tôi nữa) đôi khi cũng từng hành xử như thế. Nhận được một phép lạ vẫn hấp dẫn hơn cả được rước Thánh Thể; được ơn Chúa soi sáng còn quan trọng hơn cả nhận được chính Người. Đối với những người như thế ‘hôm nay vẫn chưa ứng nghiệm’, và họ nghĩ rằng mình còn phải chờ đợi dài dài hơn nữa. Họ được nói cho biết là Thiên Chúa yêu thương, nhưng còn mong chờ một dấu lạ, một ân huệ cụ thể để xác định điều đó thực sự ứng nghiệm cho mình. Phúc Âm đã viết quá nhiều về các phép lạ Chúa làm… nhưng có thể chính điều đó lại làm cho một số Kitô hữu bị lung lạc trong niềm tin chăng? Họ vẫn chờ đợi một phép lạ nào đó hơn là tín thác vào ơn cứu độ đã được thông ban cách trọn vẹn và nhưng không.

Lạy Chúa, xin cho con được ơn huệ vĩ đại nhất là không bao giờ mất niềm tin vào “Thiên Chúa xót thương”. Xin cho con không bao giờ tách mình ra khỏi Đức Kitô Giêsu, bảo chứng vững chắc nhất bảo đảm ‘Lời đó đã được ứng nghiệm’ cho riêng con. Ngay cả khi con không được chứng kiến dấu lạ, hay liên tục gặp phải các thử thách gian truân tư bề, xin Chúa vẫn duy trì nơi con niềm xác tín không hề lay chuyển: ‘Thiên Chúa hằng yêu thương tôi’. Nhất là trong giờ phút được coi là bất hạnh nhất của cuộc đời: giờ chết, xin cho con vẫn đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa của con. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

————————————————

 

Xin Đừng Ghét Ghen Nhau

Ở đời người ta thường nói: Ghen thường đi liền với ghét. Ghen là do ganh tỵ với thành công hay hạnh phúc của người khác. Ghen là không chấp nhận người khác xinh đẹp hơn, giỏi giang hơn, tài ba hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn, được người khác quý mến hơn,… Điều đáng buồn là họ không tìm cách tự vươn lên mà chỉ tìm cách “hạ bệ” người khác, sẵn sàng dùng thủ đoạn để kéo người khác xuống, lòng họ chứa đầy những ý đồ đen tối, có dịp là họ buông lời gièm pha, không ngần ngại “đổ vạ cáo gian”.

Câu chuyện Cain và Abel là một trường hợp điển hình. Một ngày kia hai anh em dâng lễ vật cho Chúa. Kinh Thánh không nói rõ về lễ vật của Cain, nhưng lễ vật của Aben thì được xác định rõ “dâng những con đầu lòng của bầy chiên.” Ngụ ý này cho thấy lòng thành của Aben dành cho Đức Chúa rất rõ ràng. Điều đó cũng ám chỉ lễ vật của Cain rất mù mờ, và ý hướng dâng lễ của ông cũng không phải là từ lòng thành tâm. Ðức Chúa Trời nhậm lễ vật của Abel mà không nhậm của Cain, vì thế Cain rất giận gằm mặt xuống. Vì không kiểm soát được sự ghen ghét nên Cain đã giết em mình.

Trong Tân Ước, Các nhà thông thái và phe Pharisiêu cũng ghen ghét khó chịu khi thấy quần chúng khắp nơi ùn ùn theo Chúa Giêsu, nghe Chúa giảng, tôn Chúa là tiên tri rồi tin Chúa là Ðấng Cứu Thế. Giới lãnh đạo Do Thái không thể chịu nổi khi thấy ảnh hưởng của họ bị giảm dần trong khi danh tiếng Chúa Giêsu ngày càng dâng cao. Chính lòng ganh tị đã khiến họ không còn nghĩ đến liêm sỉ hay niềm kiêu hãnh quốc gia khi mượn tay một tổng trấn ngoại bang của một đế quốc đang thống trị dân tộc giết Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm chi nên tội mà họ phải giết Chúa?

Trong đời sống cộng đoàn đôi khi khi cũng đầy sự chê bai, nói xấu nhau làm cho nạn nhân bất an, đau khổ vì những lời chê bai, vu khống bâng quơ, đầy ác ý.

Thật khó tin, nhưng vẫn có những người Kitô hữu bách hại anh em mình: Họ luôn làm mất bình an trong tâm hồn và thanh danh của người lối xóm bằng những mẩu chuyện ngồi lê đôi mách, họ khinh dể những người khác địa vị xã hội và kinh tế, họ dửng dưng với những mảnh đời bất hạnh, kẻ thiếu thốn ngay bên cạnh mình. Họ sống như thể chưa bao giờ nghe Chúa nói: “hãy yêu mến người thân cận”, như thể họ chưa bao giờ nghe thánh Phaolô tông đồ khuyên: Tình yêu thì nhân hậu, khoan dung, không đố kỵ, ghen tương và luôn lấy mối dây thân ái để sống liên đới với tha nhân. Trái lại họ sống quá tàn nhẫn với người lân cận. Họ dùng thủ đoạn để lừa dối anh em, để kết án, hạ bệ và xô đẩy anh em. Năm xưa Chúa Giêsu đã bị người đồng hương xem thường và vu khống đủ chuyện, phải chăng hôm nay vẫn còn đó những người Kitô hữu bị những người đồng đạo hãm hại, nhục mạ và đẩy vào đường cùng của lầm than?

Vâng, vẫn còn đó sự khinh dể, xa lánh của người đồng đạo với những người nghèo khổ, bệnh tật và lầm than. ..
Vẫn còn đó sự kết án vô căn cứ bằng lời ra tiếng vào, thêm mắm thêm muối để hại người vô tội.
Vẫn còn đó sự toa rập với nhau để loại trừ kẻ yếu, kẻ thân cô thế cô …
Và vẫn còn đó những giọt nước mặt bị hàm oan, bỏ rơi ngay giữa anh chị em mình.

Thế nhưng, chúng ta vẫn cảm tạ Chúa, vì nhân loại hôm nay vẫn còn có những con người đang cố gắng thực hành giới luật yêu thương với những người thân cận mình. Họ vẫn sống bao dung, độ lượng. Họ vẫn miệt mài xây dựng tình hiệp nhất cho cộng đoàn mình.

Xin cho cộng đoàn chúng ta luôn sống trao ban bình an cho nhau bằng đời sống khiêm nhường và ôn hòa với mọi người. Xin loại trừ những đố kỵ ghen ghét, những so sánh vô lý để sống kính trọng lẫn nhau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

———————————————–

 

Thuốc Đắng Dã Tật

Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường Nazareth, đọc sách ngôn sứ Isaia và giải thích vắn tắt cho những người hiện diện. Ban đầu, mọi người cảm phục những lời Ngài nói. Sau đó, khi Chúa Giêsu chuyển sang đề tài khác, họ thay đổi thái độ, xôn xao phản đối, rồi đồng loạt đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giêsu, lôi ra khỏi hội đường, lại còn xô đẩy Ngài ra khỏi thành…

Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn lôi kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, cho Ngài nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Ngài khỏi cuộc sống! Đúng là một cơn giận điên cuồng!

Vì đâu mà dân thành Nazareth lại đối xử với Chúa Giêsu hung hăng và thô bạo như thế?
Vì Chúa Giêsu đề cập đến hai sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Vào thời ngôn sứ Êlia, Israel bị hạn hán suốt ba năm sáu tháng, toàn dân lâm cảnh đói kém trầm trọng. Thế mà ngôn sứ Êlia không được Thiên Chúa sai đến cứu giúp các bà góa Israel mà lại giúp cho một bà góa ở Xarépta miền Xiđôn là vùng ngoại bang.

Thứ hai: Vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi trong nước Israel, nhưng không người nào được chữa lành, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri là vùng dân ngoại được vị ngôn sứ chữa lành (Lc 25-27).

Chúa Giêsu nêu lên hai sự thật đáng buồn nầy nhằm răn đe họ đừng xử tệ với các ngôn sứ như cha ông họ đã làm xưa kia. Thế nhưng, vừa nghe xong, cơn giận của những người trong hội đường bốc lên ngùn ngụt và họ đã xử sự với Chúa Giêsu cách hung bạo như thế.

Thuốc đắng dã tật
Người xưa thường nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” để giúp ta hiểu rằng những lời góp ý sửa lỗi chân thật của người khác dành cho ta cũng giống như liều thuốc đắng, tuy khó uống nhưng rất cần thiết vì mang lại sự chữa lành.

Chúa Giêsu nêu lên hai sự thật trên đây như một liều thuốc đắng cần thiết để chữa trị dân Ngài, nhưng họ thà mang bệnh mãn đời chứ không chấp nhận thuốc đắng. Vì thế, họ quay lại tấn công Chúa Giêsu là Người chữa trị cho mình.

Trong thực tế đời thường, chúng ta có sẵn sàng “uống thuốc đắng” do người khác kê toa, tức là đón nhận những lời góp ý sửa sai của người khác dành cho mình, để cải thiện cuộc sống, hay không?

Nếu không đủ khiêm tốn, người ta sẽ căm hờn, giận dỗi… người nào góp ý sửa sai cho mình.

Tại sao?
Tính kiêu căng, tự cao tự đại là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Thế là không ai dám góp ý sửa sai cho những người như thế và như vậy, họ sẽ đeo bám lầm lỗi cho đến lúc xuống mồ.

Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.

Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta quay ra căm giận, hành hung người báo cháy thì thật là điên rồ, dại dột.

Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm thầm đốt cháy đời ta. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có “lửa” đang bén vào “căn-nhà-cuộc-đời”, thì đừng phẫn nộ với người đó nhưng phải biết ơn và cấp tốc cứu đời mình khỏi “cháy”.

Lạy Chúa Giêsu. Trên đời nầy chẳng có ai vô tội và thấy được tội mình là điều rất khó. Vì thế, xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe người khác chỉ lỗi cho mình và thực tâm hoán cải để cải thiện cuộc đời nên tốt đẹp hơn. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

—————————————–

 

Đời Ngôn Sứ
CN IV TN-C – (Lc 4, 21 – 30)

Tin Mừng gieo rắc đến muôn phương

Ngôn Sứ ra đi chốn dặm trường

Không ngại dấn thân trong khốn khó

Sẵn sàng đón nhận dẫu tai ương

Gông cùm bắt bớ không chùn bước

Xiềng xích khảo tra chẳng cản đường

Thân quyến đồng hương không trọng dụng

Băng qua thẳng tiến chí kiên cường.

Hạt Nắng

————————————–

 

Đời Ngôn Sứ
CN IV – TN-C (Lc 4, 21 – 30)

Đời Ngôn Sứ bước phong trần dong duổi,
vẫn nặng lòng nhớ dòng suối quê hương.
Tuổi thơ êm đềm, bao kỷ niệm thân thương,
vòng tay cha mẹ, những đêm trường sưởi ấm.

Tình quê hương trái tim hằng in đậm,
mái ấm gia đình, tình thân cận xóm thôn.
Tối lửa tắt đèn, tình bầu bạn sớm hôm,
chuyện nắng, chuyện mưa, chuyện vui buồn chia sẻ.

Người Ngôn Sứ giữa dòng đời nhân thế,
tình đồng hương mối quan hệ thâm sâu.
Nhưng sóng đời tạo bao cảnh bể dâu,
bụt nhà không thiêng, đòi phép mầu minh chứng.

Bởi chính Chúa cũng đã từng chịu đựng,
lấy tình thân đòi linh ứng đặc quyền.
Không thỏa lòng nhân nghĩa chẳng nể kiêng,
loại trừ, tiêu diệt, đảo điên nhân tình thế thái.

Ngài bước đi dù tâm hồn tê tái,
bởi Tin Mừng quảng đại cho muôn dân.
Không đặc quyền, đặc lợi cho người thân,
chương trình Cứu Độ hồng ân cho toàn nhân loại.

Chuyện ngày xưa, ngày nay còn họa lại,
cùng cộng đoàn lại bách hại anh em.
Thủ đoạn, dối lừa, đố kỵ, ghét ghen,
sợ sự thật, nhận chìm nhau xuống bùn đen tủi nhục.

Vẫn còn đó giọt lệ sầu oan ức,
bị bỏ rơi chịu bất lực minh oan.
Lạc lõng, cô thân, danh dự bị lụi tàn,
bởi người đồng đạo thích tranh giành địa vị.

Đời Ngôn Sứ luôn sống theo Thần Khí,
trước bất công ý chí vẫn vươn cao.
Ngọn lửa đức tin rực sáng chí anh hào,
trung thành sứ mạng tự hào đời nhân chứng.

Đời Ngôn Sứ không màng lời ca tụng,
đức khiêm nhường làm bảo chứng niềm tin.
Được Chúa yêu thương là hạnh phúc đời mình,
thi hành sứ vụ trọn con tim nồng cháy.

Trái tim Chúa suối hồng ân tuôn chảy,
Người Ngôn Sứ đắm mình, ẵm lấy, sống trung kiên.

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————

 

Không Thể Và Có Thể
CN IV TN-C – (Lc 4, 21 – 30)

Làm sao con có thể,
bơi ngược dòng đời lướt sóng ra khơi?
Trần gian đường danh lợi,
phù vân hằng mọc mời hồn con mãi chơi vơi.
Làm sao con có thể,
sắt son lời thề trước tình đời nhân thế?
Làm sao con có thể,
hát khúc lâm hành nhịp bước sơn khê?

Vì yêu Chúa giáng trần,
thân phận làm người loan báo thiên ân.
Lời xưa giờ linh nghiệm,
đồng hương đòi đặc quyền lòng ham muốn hư danh.
Ngài băng qua bước đi,
nỗi đau tình trường giữa ngàn trùng bão tố.
Tình yêu thương cứu độ,
Chúa đem Tin Mừng đến với muôn dân.

Chúa ơi! Con không thể,
làm Ngôn Sứ giữa đời,
nếu không có Ngài cùng bước chung đôi.
Tình yêu con đáp lời,
nếu không có Ngài ban cho nguồn sức sống.
Lời Chúa chiếu sáng tâm linh
lửa thiêng ơn Chúa Thánh Linh,
tiếp sức hành trình đốt cháy tâm tình,
để cuộc đời con,
biến điều không thể thành có thể, Chúa ơi!

Ngài ơi! Con có thể,
bơi ngược dòng đời bằng trái tim yêu.
Ngả nghiêng đường thập tự,
Ngài mời con tham dự cùng dâng lễ huyền siêu.
Ngài ơi! Con có thể,
chứng nhân trung thành giữa dòng đời nhân thế.
Ngài ơi! Con có thể,
rắc gieo Tin Mừng, thắp sáng tin yêu.

M. Madalena Hoa Ngâu

—————————————-

 

Hạt Bụi Tinh Khôi
CN IV TN-C – (Lc 4, 21 – 30)

Hạnh phúc đời tôi được làm con Chúa Trời,
từ hạt bụi nào Chúa đã dựng nên tôi.
Khi tôi chào đời Ngài đã thánh hóa,
nước trong thanh tẩy hạt bụi sáng tinh khôi.

Rực cháy niềm tin nhận lửa thiêng Thánh Thần,
hạt bụi lặng thầm sức sống tràn thiên ân.
Yêu thương vào đời niềm vui thánh hiến,
sân khấu cuộc đời làm Ngôn Sứ cho chư dân

Hạt bụi tinh khôi, Ngôn Sứ giữa đời thường,
ngọn lửa tin yêu thắp sáng người chán chường.
Hạt bụi can trường, vượt qua bao sóng gió,
bước chân giang hồ, đời phủ kín phong sương.

Hạt bụi yêu thương, dâng hiến trót đời mình,
dòng đời điêu linh, phó thác hồn thắm tình.
Hạt bụi quên mình, dù đời gieo cay đắng,
sứ mạng trung thành, đời Ngôn Sứ trung trinh.

Thiên Chúa tình thương gọi hồn con lên đường,
hạt bụi dặm trường quyến luyến tình quê hương.
Đi gieo Tin Mừng tình yêu nhân chứng,
giông tố cuộc đời thuyền lướt sóng đi muôn phương.

Nắng Sài Gòn

———————————————-

 

Tình Lao Đao
CN IV TN-C – (Lc 4,21-30)

Đời Ngôn Sứ gặp nhiều cay đắng,
chịu gian truân mưa nắng tình người.
Lúc thương tươi nở nụ cười,
lúc ghét khinh miệt nặng lời đuổi xua.

Tình đồng đạo hơn thua ghen ghét,
nghĩa đồng hương dò xét coi thường.
Loại trừ chẳng chút xót thương,
lời Chúa rao giảng quê hương chối từ.

Tìm ảo vọng, hư danh sĩ diện,
tìm hào quang chứng kiến quyền năng.
Thách thức, xúc phạm, kiêu căng,
ham mê lợi lộc, nhập nhằng phô trương.

Đời Ngôn Sứ bỏ thương vương tội,
kiếp Tiên Tri lạc lối quê nhà.
Cũng đành rẽ lối đường xa,
hướng về xứ lạ thiết tha lâm hành.

Gần chùa gọi Bụt bằng anh,
chê thánh không ứng, chê thần không thiêng.
Chòng chành hồn nhỏ chao nghiêng…

A.P Mặc Trầm Cung