SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 780, CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C, 23/01/2022

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21)

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nazareth, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.
Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Ứng Nghiệm Lời Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Điều Gì Đã Được Ứng Nghiệm ? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tin Vui Cho Người Nghèo Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
ChúaThánhThần ThamGia SứMạng Của ChúaGiêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Năm Thánh Hồng Ân Hạt Nắng Trg 10
Năm Hồng Ân Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Ngợi Ca Hồng Ân Thiên Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Chứng Nhân Bên Vệ Đường Nắng Sài Gòn Trg 14
Bừng Sáng Tâm Linh A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

———————————————–

 

Ứng Nghiệm Lời Chúa

Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nazareth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tin Mừng hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều.
– Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình.
– Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần.
Thật vậy:
– Chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn.
– Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.
– Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ.

Như một phản hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.

GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?
2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?
3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa đang nói với bạn không?
4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

————————————————

 

Điều Gì Đã Được Ứng Nghiệm?

Đức Giêsu đã đọc trong hội đường Nazareth bản văn của ngôn sứ Isaia câu 61,1-2; vị ngôn sứ nói cho người Do Thái lưu đầy biết mình được thần khí (tức sức mạnh) của Đức Chúa tác động để công bố thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm và giải thoát họ: “cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha”; tác giả Luca nhấn mạnh thêm tư tưởng này, khi ghép thêm câu “trả lại tự do cho người bị áp bức” từ một đoạn văn khác (Is 58, 6). Đức Giêsu trịnh trọng tuyên bố cho nhóm cử tọa cũng là đồng hương của Người rằng: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Trong khi những người Do Thái thời ngôn sứ Isaia hiểu: “được tha, trả tự do” có ý nghĩa gì trong bối cảnh chính trị, xã hội và quân sự thời bấy giờ, thì các thính giả đồng hương Đức Giêsu lại có vẻ khá mù mờ. Họ chỉ mong được chứng kiến hay được hưởng lợi từ những điều kỳ lạ mà họ nghe đồn đại, Người đã làm tại Caphacnaum.

Còn đối với chúng ta, những con người của thời đại này, thì sao? Các Kitô hữu chúng ta ngày nay sẽ nghiệm ra điều gì trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống hàng ngày? Hơn nữa, “Đã ứng nghiệm” có nghĩa lý gì đối với bản thân mỗi người chúng ta?

Tôi thử tưởng tượng xem sao nhé! Nếu mình được sống trong một đất nước dân chủ và phát triển cao, nếu là một người tài đức, thông thái và có địa vị cao trong xã hội, nếu mình là một người thành đạt… thì sẽ phải hiểu lời công bố này sao đây? Thản hoặc, nếu là một hiền triết, một nhà tu hành đắc đạo và thuần thục của một tôn giáo cao quí nào đó… chẳng lẽ tôi sẽ lắc đầu nhún vai coi lời này chẳng có liên quan gì tới mình; tôi có bị ai áp bức đâu! tôi có cần được ai tha hay trả tự do cho đâu! Nếu quả ‘Tin Mừng’ Đức Giêsu loan báo trong Thần Khí ứng nghiệm cho hết thảy mọi người, mọi thời và mọi hoàn cảnh, thì ‘được tha, trả tự do’ này phải mang một nội dung rất phổ quát, có thể ứng dụng cho hết thảy mọi hạng người, bất luận kiếp sống làm người của họ có là thế nào đi nữa. Vậy thì: ‘ứng nghiệm’ trong thực tế hệ tại ở điều gì, đó chính là vấn nạn tôi cần tìm lời giải đáp.

Vào thời Isaia, cốt lõi của sứ điệp mà vị ngôn sứ muốn chuyển tải là ‘Đức Chúa trung thành’ với giao ước mà Ngài đã ký kết với dân riêng, bất chấp các thăng trầm thời cuộc. Còn Đức Giêsu, Người tới để công bố một sứ điệp khác là: ‘Thiên Chúa yêu thương’ bất chấp tất cả mọi giới hạn và bất toàn mà phàm nhân nào cũng có. Chính Người là hiện thân sống động của sứ điệp mang tính cách mạng đó; vì toàn bộ cuộc sống của Người, kể từ lúc sinh ra cho tới giây phút chết trên thập giá là để minh chứng điều đó; vì lẽ đó chỉ duy nhất mình Người có quyền công bố “hôm nay đã ứng nghiệm”.

‘Thiên Chúa yêu thương’ quả là một sứ điệp có sức ‘trả tự do’ cho hết thảy mọi người, không trừ một ai, sống trong bất kỳ hoàn cảnh hay địa vị nào; và hết thảy mọi người đều cần thứ Tin Mừng này. Có nhiều khi ‘bị áp bức’ lồ lộ và quái ác, nhưng cũng có những lúc nó âm ỉ và day dứt… Tựu chung, ta không ngừng ‘bị áp bức’ bởi nỗi lo sợ không còn được ai yêu thương mình, vì những bất toàn hay lỗi lầm mình đã phạm; mỗi người chúng ta đều có quá nhiều kinh nghiệm về điều này, trải đài trong suốt cuộc sống. Lo sợ tới từ những người lẽ ra tôi phải cảm nhận được cảm thông và tha thứ nhiều nhất, từ cha mẹ, người thân, chồng vợ hay bạn bè… các tu sĩ cùng dòng, các linh mục đồng liêu v.v… Do đó nỗi lo sợ cứ chồng chất và dai dẳng đeo bám không nguôi.

Thời Isaia, cứ mỗi 50 năm thì người Do Thái có một năm toàn xá: nợ nần được tha, chênh lệch xã hội được xóa bỏ, tội nhân tù đày được giảm án hay phóng thích; vì vậy mà, trong thần khí Chúa (tức là sức mạnh của Đức Chúa), vị ngôn sứ “công bố một năm hồng ân”. Còn Đức Giêsu, khi lên tiếng công bố cùng một lời loan báo đó, đã hàm ý ‘năm hồng ân’ chính là bản thân Người: ‘năm’ đây không có niên hạn nhất định, nhưng là bao lâu Người – Chú Rể còn sống, còn hiện hữu trên trần thế và trong nơi vĩnh hằng. Các Kitô hữu luôn miệng tuyên xưng Người đã sống lại và hằng sống, có nghĩa là ‘năm hồng ân’ này sẽ là bất tận… vì ‘Thiên Chúa yêu thương’ sẽ mãi mãi xóa bỏ mọi nợ nần và tù tội trong ơn cứu chuộc của Đức Kitô Giêsu.

Còn một điều này nữa; Luca ghi nhận phản ứng của các đồng hương Nazareth “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”; nhưng thử hỏi sự tán thành này có ý nghĩa gì, khi chỉ ít phút sau đó ‘mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ’, rồi rắp tâm tiêu diệt Người? Kitô hữu cũng giáp mặt cùng một nguy cơ đó, họ biết về ‘Thiên Chúa yêu thương và nhân ái’ và rất thường nói tới, nhưng rồi đầu óc lô-gích lại dễ dàng ép họ quay trở về với mối hãi sợ bị Thiên Chúa công thẳng luận phạt. Họ quên rằng: làm lu mờ niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương tha thứ chính là phản bội hay tiêu diệt Đức Kitô đã hiến mình trên Thập Giá. Làm như thế, họ cũng chẳng khác gì các đồng hương Nazareth của Đức Giêsu là mấy, họ cũng rắp tâm chối bỏ việc để cho ‘Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm’, ít là nơi bản thân mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhảy mừng vì lời Chúa công bố ‘hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh’. Như Mẹ Maria, con xin tin vững vàng và nhảy mừng luôn mãi ‘vì Người đã đoái thương phận hèn’ của con. Xin cho con luôn mãi xác tín rằng: “Chúa yêu thương và tha thứ” vì đó chính là bản tính vĩnh cửu của Người. Xin cho đời sống con, và cả nhân loại nữa, không ngừng trở nên ‘năm hồng ân’ bất tận của lòng Chúa xót thương. Cũng xin cho phép con được san sẻ niềm vui cứu rỗi này cho nhiều người khác, những người còn chưa nhận biết lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

——————————————-

 

Tin Vui Cho Người Nghèo

Năm 2021 phải nói là một năm khắc nghiệt vì đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã cướp đi biết bao sinh mạng và còn phơi bày những góc khuấn của xã hội, đặc biệt là lòng tham vô nhân đạo của một số thành phần đã trục lợi trên chính đau khổ của đồng bào mình. Xem ra câu thơ của cụ Nguyễn Du ngày xưa nói vẫn đúng cho hôm nay.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Nguyễn Du đã trông thấy những gì? Thưa đó là cả một bức tranh chân thực về xã hội đầythị phi thời phong kiến với cảnh quan to quan nhỏ là cường hào ác bá áp bức dân nghèo và cảnh nghèo khổ bị ức hiệp của người dân đen.

Đây chính là cuộc bể dâu mà nhà thơ đã trải qua. Nhân vị của một con người cũng được ngã giá bằng đồng tiền. Khi gia đình Kiều mắc oan thì:
“Có ba trăm lạng việc này mới xong”
Có tiền là có thể giải quyết được tất cả. Kiều phải bán thân mình như một món hàng, mà kẻ mua:
“Đắn đo cân sắc, cân tà!
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Thế có đau xót, nhục nhã không? Con người, nhân cách và phẩm giá đánh giá bằng tiền bạc. Bốn trăm lượng để đổi lấy cả đời con gái sắc tài bậc nhất! Còn gì là đạo lí xã hội?

Đúng cuộc đời là bể dâu vì cái gì cũng có thể xảy ra. Dù là biển xanh to lớn sâu thẳm kia còn biến thành ruộng dâu, thì con người chỉ là hạt bụi nhỏ tí xíu chẳng đáng kể gì. Nên cụ Nguyễn Du lại thấy buồn cho kiếp người thật tang thương.

Lời Chúa hôm nay có thể nói là tin vui cho những người nghèo khổ, những người bất hạnh và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã chọn người nghèo để dấn thân, để phục vụ. Ngài đến để giúp cho những con người nhỏ bé được nâng cao, được tôn trọng như những con người giầu có, quyền quý. Chính Ngài đã chọn sinh ra trong thân phận một người nghèo. Chính Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó. Nghèo khó đến nối “không có nơi gối đầu”. Mỗi bước chân của Ngài đều hướng đến những người khổ đau. Mỗi ánh mắt của Ngài đều hướng về những con người bất hạnh. Mỗi cái nhìn của Ngài đều chạnh lòng thương những ai đang đau khổ bơ vơ vì bị bỏ rơi, vì thiếu thốn tư bề. Ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ vụ của Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm trong con người Đức Giêsu miền Nazareth.

Phúc âm đã kể rất nhiều trường hợp đau bệnh được ơn chữa lành. Có người đàn bà bị bệnh băng huyết cả 18 năm nay nhờ gặp Chúa được chữa lành. Có người bị bại liệt suốt mấy chục năm nhờ Chúa mà tự mình đứng dậy không cần ai nâng đỡ. Có người hấp hối nơi giường bệnh được phục hồi. Có người Chúa cho từ cõi chết sống lại như cậu con trai bà góa thành Naim và Lazarô bạn Ngài.

Thế nên, hãy trao vào tay Chúa những gánh nặng của cuộc đời. Hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa. Hãy để Chúa xoa dịu nỗi đau tâm hồn và thể xác mỗi khi chúng ta gặp nguy nan. Chắc chắn tình thương Chúa sẽ không để chúng ta thất vọng khi chạy đến cùng Ngài.

Cuộc sống có rất nhiều khổ đau. Khổ đau tâm hồn và khổ đau thể xác. Nỗi đau nào cũng có thể dẫn đến tuyệt vọng. Vì khi gặp khổ đau mà chẳng còn biết bám vào đâu. Trước những nan giải của cuộc sống, họ chỉ trông chờ một phép màu từ Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa chẳng còn ai có thể giúp họ. Nơi Ngài chính là niềm hy vọng duy nhất cho con người khi gặp khổ đau.

Và giờ đây, khi mùa xuân đã chạm vào cánh cửa thời gian và phủ muôn sắc màu của muôn loài hoa thì Tết cũng về dưới hiên nhà. Ta hãy gác lại những lo toan bộn bề cuộc sống, những lo lắng của dịch bệnh đang hoành hành để trở về với những truyền thống dân tộc, cùng đón một cái Tết cổ truyền ý nghĩa bên những người thân yêu, cùng chào đón một năm mới với những hy vọng mới.

Và với niềm tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa xin mời mọi người cùng sống niềm tin như thánh Phêrô đã dạy: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Chúa vì Người chăm sóc anh em”.Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

—————————————-

 

Chúa Thánh Thần Tham Gia
Sứ Mạng Của Chúa Giêsu

Trong ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta thường được chiêm ngắm Chúa Giêsu qua hình ảnh, tranh tượng về Ngài cũng như được nghe những lời Ngài giảng dạy, xem việc Ngài làm qua các sách Tin Mừng.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hình dung Thiên Chúa Cha qua hình ảnh một Người Cha giàu lòng yêu thương con cái. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chúng ta ít được nghe nói đến Chúa Thánh Thần nên cảm thấy xa lạ với Ngài, ít cầu nguyện với Ngài và không để Ngài soi đường dẫn lối cho chúng ta. Đây là một thiếu sót hết sức tai hại.

Lược qua Tin Mừng Luca, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng trong cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, như sau:
Trước hết, khởi đầu công cuộc nhập thể của Ngôi Hai, Chúa Thánh Thần đã dùng quyền năng của Ngài cho Đức Maria thụ thai, cưu mang và sinh Chúa Giêsu ra đời cứu độ thế gian (Lc 1,35).

Đến khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Giođan, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu (Lc 3, 21-22).

Rồi Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu vào hoang địa, ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày, trước khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ muôn dân (Lc 4, 1-2).
Sau đó, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilê, bắt đầu sứ mạng rao giảng và cứu độ (Lc 4, 14-15).

Đặc biệt qua bài Tin Mừng hôm nay, khi trở về Nazareth, Chúa Giêsu vào hội đường ngày sabát. Người ta trao cho Ngài sách ngôn sứ Isaia. Ngài mở ra trúng đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng.”

Sau khi đọc xong, Chúa Giêsu nói cho mọi người biết đoạn sách ngôn sứ Isaia vừa đọc đã được ứng nghiệm nơi Ngài. Thế là qua đó, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Chúa Thánh Thần có vai trò quan trọng trong sứ mạng của Ngài.

Như vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện với Chúa Giêsu, cùng hoạt động với Chúa Giêsu, gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu như hình với bóng, như xác với hồn.

Rồi khi Chúa Giêsu chết, Thiên Chúa Cha đã dùng Thánh Thần cho Ngài sống lại. Khi Chúa Giêsu đã lên trời, đang các môn đệ co cụm trong nhà tiệc ly vì sợ người Do-thái, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các ngài, hiện diện trong các ngài, biến các ngài từ những con người nhát đảm khiếp nhược trở nên những chiến sĩ can trường loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô (Ga 20, 19-20).

Như thế, Chúa Thánh Thần có một vai trò lớn lao trong cuộc đời Chúa Giêsu, trong sứ mạng của các tông đồ và trong hoạt động của Hội thánh.

Khi đề cập đến vai trò tối quan trọng của Chúa Thánh Thần, Thượng phụ Athênagoras nhận định như sau: “Nếu Giáo hội vắng bóng Thánh Linh thì Thiên Chúa sẽ trở nên nghìn trùng xa cách; Chúa Giêsu chỉ còn là huyền thoại, Tin mừng của Ngài chỉ còn là một mớ chữ không hồn.”

Lạy Chúa Giêsu. Nhờ đón nhận Thánh Thần do Chúa thông ban trong ngày lễ Ngũ tuần, các Tông đồ mới đủ can đảm và sức mạnh để rao giảng Tin mừng và xây dựng Hội thánh. Nhờ ánh sáng Chúa Thánh Thần soi sáng, muôn dân được nhận biết, yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin giúp chúng con mở rộng tâm hồn đón nhận Thánh Thần Chúa và luôn bước đi theo ánh sáng Ngài soi dẫn để được thêm lòng tin, cậy, yêu mến và sống đẹp lòng Chúa suốt đời. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

————————————-

 

Năm Thánh Hồng Ân
CN III TN-C – (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Thập Giá Chiên Con gánh tội đời

Tình Yêu Thiên Chúa vượt trùng khơi

Giam cầm, áp bức đời tăm tối

Giải thoát, tự do sống rạng ngời

Sứ điệp Tin Mừng loan khắp chốn

Rao truyền Lời Chúa tỏa muôn nơi

Thánh Kinh ứng nghiệm ngày hồng phúc

Năm Thánh Hồng Ân phủ đất trời.

Hạt Nắng

———————————————

 

Năm Hồng Ân
CN III TN-C – (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Yêu nhân thế ban Chương Tình Cứu Rỗi,
Năm Hồng Ân Chúa mở lối soi đường.
Đem Tin Mừng sứ điệp của tình thương,
nối lại Giao Ước bao năm trường chia cắt.

Mặc xác phàm Đấng Thiên Sai hiển hách,
giải thoát giam cầm ban nguồn mạch tâm linh.
Áp bức được tự do được tha thứ tội tình,
bằng tình yêu nồng cháy hiến mình trên thập giá.

Đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh diễn tả,
lúc con người phải chịu vạ tuyệt thông.
Năm Hồng Ân nhân loại hằng đợi trông,
thời Thiên Chúa tuôn đổ Lòng Thương Xót.

Năm Hồng Ân suối tình yêu dịu ngọt,
chảy đến muôn người đến khắp muôn phương.
Người nghèo, bất hạnh đón nhận được tình thương,
người thấp bé bị bỏ rơi bước trên đường sự sống.

Nâng cao phẩm giá kẻ u hoài, thất vọng,
kẻ cùng đinh được tôn trọng công tâm.
Đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống thăng trầm,
chính Con Thiên Chúa đã giáng trần trong nghèo khó.

Dấn thân phục vụ đến với người cùng khổ,
dầu dãi phong sương “không có chỗ gối đầu”.
Ngài chạnh lòng thấy dân chúng khổ đau,
bơ vơ, lạc lõng biết tìm đâu đường Chân Lý.

Chạnh lòng thương Chúa nên người tri kỷ,
chia sẻ bánh cơm lời cao quý ủi an.
Trái tim nồng ôm ấp kẻ lầm than,
loan tin vui Năm Hồng Ân Thiên Chúa.

Nguyện xin Thần Khí đốt lên trong con ngọn lửa,
lửa tin yêu quyết tu sửa tâm hồn.
Lửa mến nồng nàn soi sáng mở trí khôn,
suy niệm tìm Thánh ý lòng kính tôn Kinh Thánh. .

Sống Lời Chúa là kim chỉ nam hướng dẫn,
mục đích của cuộc đời thi hành Thánh ý Cha.

Bâng Khuâng Chiều Tím

——————————————–

 

Ngợi Ca Hồng Ân Thiên Chúa
CN III TN-C – (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Hồng ân Chúa cao vời,
đến với con giữa dòng đời nổi trôi.
Khi hồn con chơi vơi,
bị giam cầm trong lạc thú trần gian.
Nỗi đắng cay ngập tràn,
trong cuộc đua tranh danh lợi trần thế.
Trái tim con não nề,
chịu bao áp bức Chúa giải thoát dẹp tan.

Hồng ân Chúa tuôn tràn,
dẫn đưa con đến bến bờ tự do.
Xua tan bao âu lo,
tình yêu Ngài phủ lấp hết khổ đau.
Hết đắng cay tủi sầu,
Chúa chạnh lòng thương ban nguồn sống mới.
Tiếng tin yêu gọi mời,
hồng ân giải thoát tắm suối nguồn bình an.

Xin tôn vinh, tán tụng hồng ân Chúa Trời,
Con Thiên Chúa làm người,
hiến thân cứu đời, Tin Mừng giải thoát.
Cửa tù – mở ra,
nợ nần – bỏ qua,
tội lỗi – thứ tha,
Lễ dâng giao hòa,
nhân loại giao kết nối lại tình Cha.

Nghe tiếng Chúa, đáp lời,
quyết dấn thân theo tiếng gọi tình yêu.
Con buông neo ra khơi,
đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi.
Sống sẻ chia tình người,
sứ mạng thủy chung gieo mầm Chân Lý.
Có Thánh Linh phù trì,
thành tâm vững chí giữa sóng đời hiểm nguy.
M. Madalena Hoa Ngâu
Chứng Nhân Bên Vệ Đường
CN III TN-C – (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

Bao đêm dài cô đơn đắng cay trong ngục tù,
bao đêm dài hiu quạnh trong bóng tối phù du.
Mang xiềng xích vinh hoa trái tim con mù lòa,
giam cầm trong sa đọa áp bức hồn âm u.

Mong nắng hồng thiên ân chiếu soi trên đường trần,
Chúa gieo niềm hy vọng ban ánh sáng huyền siêu.
Tim nồng ngát hương yêu Chúa mong con từng chiều,
quay về bên lòng Chúa tắm nguồn suối hồng ân.

Năm hồng ân! Thiên Chúa yêu thương xóa bỏ nợ nần,
phá tan cùm gông, ngục tù xích xiềng tội lỗi.
Hồng ân cứu rỗi ứng nghiệm lời Thánh Kinh,
thánh ân giao hòa tình yêu mở đường công chính.

Ôi! Tình yêu! Thiên Chúa khoan dung thứ tha tội tình,
sáng soi nhân sinh nẻo đường đến nguồn cứu rỗi.
Tình yêu dâng hiến sáng ngọn đèn đức tin,
thế nhân đắm mình ân phúc suối nguồn trường sinh.

Đi gieo mầm tin yêu chứng nhân bên vệ đường,
khát khao niềm hy vọng chia sớt bánh tình thương.
Vào đời, đến muôn phương Thánh Linh soi dặm trường,
trung thành gieo Lời Chúa suối tình mãi phong nhiêu.

Nắng Sài Gòn

——————————————

 

Bừng Sáng Tâm Linh
CN III TN-C (Lc 1,1-4; 4,14-21)

Năm hồng ân tin vui giải thoát,
kẻ giam cầm khao khát tự do.
Người nghèo thoát cảnh âu lo,
người mù thoát cảnh lần mò bóng đêm.

Lời kinh thánh dịu êm loan báo,
tai con nghe rạo rực yêu thương.
Mà sao con vẫn lạc đường,
ham mê quyền lực vấn vương dục tình.

Đời nô lệ tâm linh mù tối,
say trần gian dẫn lối ngục tù.
Tâm hồn nặng trĩu âm u,
mở mắt chỉ thấy mây mù bao quanh.

Xin giúp con thực hành Lời Chúa,
bằng con tim rực lửa say mê.
Thần Khí soi sáng nẻo về,
sáng trong đôi mắt thỏa thê linh hồn.

Đường Chân Lý mồ chôn tội lỗi,
Đường Yêu Thương mở lối tâm linh.
Công Lý, Sự Thật anh minh,
Hồng Ân Năm Thánh ấm tình tha nhân.

Ngắm nhìn Mai nở đầu xuân,
kiếm tìm Thánh Ý chuyên cần thực thi.
Lời Chúa soi sáng đường đi…

A.P Mặc Trầm Cung