HIỆP SỐNG TIN MỪNG, CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG C (Xp 3,14-18a ; Pl 4,4-7 ; Lc 3,10-18) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 3,10-18
(10) Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (11) Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép Rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” (13) Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. (14) Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”.(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gio-an: Biết đâu ông chẳng là Đấng Mê-si-a! (16) Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước. Nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và Lửa. (17) Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào Lửa không hề tắt mà đốt đi”. (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin mừng cho họ.
2. Ý CHÍNH: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
Bài Tin mừng hôm nay gồm 3 câu trả lời cho ba hạng người về những việc họ phải làm để tỏ lòng sám hối hầu đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến: dân chúng phải sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho người nghèo; Người thu thuế phải hành xử công bình và binh lính phải biết tôn trọng tha nhân. Gio-an cũng cho biết phép rửa bằng nước do ông thực hiện chỉ là phương thế giúp dân chúng lãnh phép rửa mới trong Thánh Thần và Lửa, do Đấng Thiên Sai sắp đến thực hiện, mà ông không đáng làm nô lệ của Người. Người sẽ ban thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ trong ngày tận thế.
3. CHÚ THÍCH:
– C 10-11: + “Ai có hai áo thì chia cho người không có”…: Chia sẻ cơm áo vật chất là việc tối thiểu mà dân chúng phải làm để biểu lộ lòng sám hối.
– C 12-14: + Những người thu thế: Bọn người này thường bị dân chúng khinh dể, vì đã thu thuế cho người Rô-ma. Hơn nữa, khi làm việc thu thuế này, họ còn sách nhiễu dân chúng, nên bị dân chúng liệt vào loại người tội lỗi công khai (x. Lc 5,30). Gio-an khuyên họ phải tránh bóc lột kẻ khác cách bất công và tránh thu quá mức số thuế quy định. + Binh lính: Đây chắc không phải là binh lính Rôma vốn chỉ ở trong đồn binh, chứ không trà trộn với đám đông dân chúng. Đây cũng không phải lính Do thái, vì ngừơi Rôma cấm nước đang bị chiếm đóng tổ chức quân đội. Có lẽ đây là dân quân tự vệ thường đi theo bảo vệ người thu thuế. Họ là những người vừa có sức mạnh lại vừa có khí giới, nên thường hay hiếp đáp kẻ yếu, nên họ bị dân chúng căm ghét giống như bọn thu thuế. Khi gọi bọn người này là binh lính, có lẽ Lu-ca muốn nói lên tính phổ quát của lời rao giảng của Gio-an Tiền Sứ. Tuy không buộc họ phải đổi nghề, nhưng ông khuyên họ phải giữ công bình, tránh cáo gian cho người vô tội và bằng lòng với đồng lương của mình.
– C 15-16: + Đấng Mê-si-a: Chữ Hy lạp Chris-tos có nghĩa là “Người được xức dầu”, tương đương với chữ Mê-si-a trong tiếng Do thái (nghĩa là Đấng Thiên Sai). Ở đây tác giả Tin mừng dùng từ Mê-si-a vì ông viết Tin Mừng cho người Do thái theo đạo Công giáo. Tuy nhiên dân Do thái khi ấy lại hiểu từ Mê-si-a theo nghĩa ái quốc cực đoan. Họ mong chờ Đấng Thiên Sai đến lãnh đạo dân chống lại ách thống trị của ngoại bang (x Lc 23,2). + Cởi quai dép: Đây là hành vi phục vụ dành riêmg cho nô lệ ngoại quốc. Người Do thái không đòi người giúp việc Do thái làm điều này, vì họ là“dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham”, và thuộc dân được Chúa chọn (x. Ga 8,33).
– C 17-18: + Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: Gio-an mô tả Đấng Mê-si-a như một vị Thẩm Phán của ngày tận thế: Đấng Thẩm Phán sẽ đến tách biệt người lành ra khỏi kẻ dữ, giống như người nông dân tách lúa thóc khỏi rơm rạ. + Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm…: Sau khi đập lúa trước gió, hạt thóc nặng hơn sẽ rơi xuống thúng và được cất vào kho, còn rơm rạ nhẹ hơn sẽ bay ra ngòai thúng và bị thiêu đốt trong lửa (x Gr 15,7). Cũng vậy, trong ngày thẩm phán, kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa, còn kẻ ác tay sai của ma quỷ sẽ bị phạt trong lửa không hề tắt là hỏa ngục muôn đời (x. Is 66,24; Mc 9,43.48).
4. CÂU HỎI: 1) Tại sao người thu thuế và binh lính lại bị dân chúng khinh khi thù ghét? 2) Dân Do thái thời Đức Giê-su trông mong Đấng Mê-si-a đến để làm gì? 3) Gio-an đã khuyên đám đông dân chúng, những người thu thuế và binh lính phải sám hối cụ thể thế nào để chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a sắp đến? 4) Gio-an cho biết sứ mệnh của Đấng Mê-si-a ra sao?
II SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐƯỢC ĐỔI ĐỜI NHỜ TIN THEO ĐỨC GIÊ-SU:
– Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao ?
– Vâng, nói đúng hơn là tôi đã đi theo làm môn đệ Ðức Giê-su.
– Vậy xin hỏi anh, ông Giê-su sinh ra ở đâu ?
– Rất tiếc là tôi đã quên mất điều đó.
– Thế ông ta sống ở trần gian được bao nhiêu năm ?
– Tôi cũng không nhớ rõ nên không dám trả lời.
– Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài ?
– Thú thật với anh là tôi cũng không biết !
– Quả thật, anh đã quá hồ đồ khi vội quyết định đi theo làm môn đệ ông Giê-su!
– Anh nói đúng một phần. Tôi rất hỗ thẹn vì mình đã hiểu biết quá ít về Ðức Giê-su. Thế nhưng, điều tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước, tôi là một người nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ nần chồng chất khiến gia đình có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc. Mỗi tối, khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận buồn tủi khi tôi không mang tiền về nuôi gia đình. Nhưng từ ngày tôi gặp được một linh mục tốt bụng. Ngài đã hướng dẫn tôi theo học khóa giáo lý kinh thánh và không ngừng động viên tôi phải quyết tâm chừa bỏ các thói hư, như là điều kiện để được chịu phép rửa tội và trở nên môn đệ Đức Giê-su. Từ đó đến nay tôi đã được ơn Chúa ăn năn sám hối: Đã bỏ được rượu chè và trả hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc như xưa. Các con tôi đều vui vẻ chờ tôi về nhà sau khi tan sở… Những điều này tôi nhận được là do Đức Giê-su đã ban cho tôi và gia đình. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Người.
Trong Tin Mừng hôm nay, dân chúng đã hỏi Gio-an: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10). Trong những ngày này, chúng ta cũng hãy năng cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” và xin vâng ý Chúa như Mẹ Ma-ri-a đã thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
2) YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ CHÚA QUA NGƯỜI NGHÈO :
MÁC-TANH thành Tua (Matin de Tours) là một viên sĩ quan trong quân đội nước Pháp. Một hôm, sau chuyến đi thị sát trở về doanh trại, ông gặp một người ăn xin ở cổng thành. Hôm đó trời lạnh giá, nhìn thấy người ăn xin đang run rẩy vì lạnh và chìa tay xin bố thí, Mác-tanh không có sẵn tiền trong túi, ông liền nhảy xuống khỏi lưng ngựa, lấy kiếm đeo bên hông cắt áo choàng đang mặc làm đôi và trao cho người ăn mày một nửa. Đêm hôm đó, trong giấc ngủ, Mác-tanh mơ thấy Chúa Giê-su mặc nửa chiếc áo choàng mà ông vừa cho người ăn mày. Một thiên thần hỏi Chúa Giê-su lý do mặc nửa chiếc áo choàng như vậy, thì được Người trả lời : Tối qua Người đã thử lòng Mác-tanh, nên cải trang thành người ăn xin ngồi bên vệ đường và
Người đã được Mác-tanh quảng đại chia cho phân nửa chiếc áo choàng đang mặc cho đỡ lạnh. Người xác nhận Mác-tanh chính là tôi tớ trung thành, đã sống đúng tinh thần bác ái cụ thể là nhường cơm xẻ áo cho người nghèo khó giữa đời thường.
3) HÃY QUAN TÂM GIÚP ĐỠ NGƯỜI BẤT HẠNH Ở GẦN NGAY BÊN:
Một hôm có một thương gia vào một quán ăn bên đường để dùng bữa trưa. Khi ngồi xuống chiếc bàn còn trống thì phát hiện một bé gái khoảng 12 tuổi, áo quần cũ rách đang đứng ngoài cửa sổ nhìn vào bàn ăn và ngửa tay xin bố thí. Thấy mặt cô bé tái xanh và tay chân run rẩy vì đói, ông thương gia động lòng thương. Ông tiến lại gần bên cầm lấy tay cô bé, rồi mời cô cùng vào ngồi ăn chung bàn với mình. Nhưng thật bất ngờ: cô bé cương quyết từ chối. Gặng hỏi mãi em mới nói lí nhí như sau: “Thưa ông, cháu cám ơn ông đã cho cháu được ngồi ăn chung bàn với ông. Nhưng làm sao cháu có thể ăn được đang khi thằng em của cháu cũng đang đói đứng ngoài kia!” Nhìn theo tay em chỉ, ông thương gia thấy một bé trai thân hình gầy gò ốm yếu, quần áo lôi thôi nhơ bẩn, đang đứng bên cửa sổ đối diện và cặp mắt đang thèm thuồng nhìn vào bàn đầy thức ăn ngon lành trong quán. Chung quanh bàn ăn là năm thanh niên nam nữ đang ngồi ăn uống thoải mái nói cười vui vẻ, không ai thèm để ý đến cậu bé đói khát đang đứng gần ngay bên.
“Làm sao cháu có thể ngồi ăn chung với ông được, đang khi còn thằng em của cháu cũng đang bị đói và đang đứng đàng kia!”, câu nói của cô bé nghèo trong câu chuyện trên là lời nhắc nhở mỗi tín hữu chúng ta suy nghĩ và thành tâm sám hối để biết quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo trong mùa Giáng Sinh săp đến.
4) ÔNG GIÀ NO-EN CÓ THẬT KHÔNG ?
Tháng 9 năm 1987, một bé gái tên là VƠ-GI-NI-Ơ (Virginia) đã viết cho một tờ báo Công giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già No-en như sau: “Ông già No-en có thật không?”
Vài ngày sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau:
“Vơ-gi-ni-ơ yêu dấu của bác. Điều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già No-en. Các bạn của cháu đã bị tiêm nhiễm trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng sẽ không có những gì trí khôn không hiểu được.
Vơ-gi-ni-ơ ạ ! Ông già No-en có thực đấy. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại, nhờ đó cuộc sống của cháu sẽ vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già No-en thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào?…”.
Được biết ông già No-en là một nhân vật lịch sử có thật. Người Anh gọi ngài là Thánh Ni-cô-la (Santa Claus). Thánh Giám mục Ni-cô-la nầy được mừng lễ ngày 6 tháng 12 hằng năm trước lễ Giáng Sinh. Còn người Pháp lại gọi ngài cách thân mật là Cha No-en, vì ngài có liên hệ nhiều với lễ No-en, nhất là với các trẻ em. Các em được kể rằng nếu chúng ngoan, ông già No-en sẽ đến thăm chúng, chui vào ngôi nhà qua lò sưởi, vào trong phòng ngủ của chúng, bỏ bánh kẹo vào những chiếc giày của chúng bên lò sưởi hay bỏ vào những chiếc vớ treo ở chân giường…
Ông già No-en sẽ tiếp tục công việc làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc trong Mùa Giáng Sinh. Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay cũng mời gọi chúng ta “Hãy vui lên”. Không phải vui vì được quà tặng, vì nhận được những thiệp chúc mừng, vì ánh đèn ngôi sao lấp lánh, vì máng cỏ với Chúa Hài đồng xinh xinh… Nhưng niềm vui ấy sẽ qua mau sau ngày đại lễ, còn niềm vui đích thực trong tâm hồn sẽ còn mãi, ngay cả những lúc ta cảm thấy lo âu chán chường hay những khi gặp thất bại rủi ro. Niềm vui Giáng Sinh sẽ bén rễ sâu trong lòng chúng ta nhờ trung thành đọc Lời Chúa và cầu nguyện với Lời Chúa trong giờ kinh tối mỗi ngày.
3. THẢO LUẬN: 1) Hãy cho biết trong hai nhân đức công bình và bác ái thì nhân đức nào quan trọng hơn và phải được ưu tiên thực hiện? 2) Để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp đến, trong những ngày mùa Vọng này, mỗi người chúng ta sẽ thể hiện lòng thương xót thế nào đối với cha mẹ, thày dạy, anh chị em, bạn bè hay người nghèo khó chung quanh chúng ta?
4. SUY NIỆM:
1) HÃY VUI LUÔN TRONG CHÚA VÀ CHIA SẺ NIỀM VUI CHO THA NHÂN:
– Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật Gau-de-te – “Hãy vui lên”. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui và thể hiện qua phẩm phục chủ tế mặc trong thánh lễ hôm nay là mầu hồng thay vì mầu tím. Hai ngàn năm trước, Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để công bố cho nhân loại tin mừng là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin mừng này khởi đầu từ máng cỏ Be-lem qua lời thiên thần báo tin cho các mục đồng (Lc 2,10-11). Tin mừng ấy sẽ đạt đến đỉnh điểm khi Đức Giê-su chịu chết trên thập giá và được Thiên Chúa siêu tôn khi cho Người sống lại và đặt Người làm Chúa Tể muôn loài (x.Pl 2,8-11).
– Niềm vui này phải chứa đầy trong tâm hồn mỗi chúng ta và phải được biểu lộ không những bằng các việc đạo đức ở nhà thờ mà còn qua thái độ ứng xử vui tươi và chia sẻ niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho mọi người.
2) SỨ VỤ DỌN ĐƯỜNG CỦA GIO-AN TẨY GIẢ:
– Bài Tin mừng ghi lại việc Gio-an Tẩy Giả loan báo tin vui về Đấng Cứu thế sắp xuất hiện (x. Lc 3, 15-18). Dân chúng nghĩ Gio-an chính là Đấng Thiên Sai, nhưng ông lại khẳng định mình không phải là Đấng Thiên Sai, mà chỉ là kẻ đi trước dọn đường cho Người. Ông tiên báo về Đấng sẽ đến sau ông, nhưng có trước ông và ông không đáng làm đầy tớ cởi quai dép cho Người. Đấng ấy sẽ làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa. Người sẽ xét xử để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ, giống như người nông dân sàng sảy sân lúa sau mùa gặt: Lúa tốt thì chất vào kho, còn trấu rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt (x Mt 3,11-12).
– Khi Đức Giê-su xuất hiện, Gio-an đã làm phép rửa cho Người và nhận ra Người chính là Đấng Thiên Sai trong cuộc thần hiện. Từ đó ông đã giới thiệu Người với các đồ đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy, nên xin chứng nhận rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,29.34). Ông luôn ý thức vai trò phụ thuộc làm tiền hô cho Người, nên đã nói với các môn đệ: “Người cần phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
3) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐÓN ĐẤNG THIÊN SAI ?:
Trong Mùa vọng này, Hội Thánh mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Thiên Sai Giê-su đến bằng việc sám hối cụ thể, không những bằng việc tham dự các buổi tĩnh tâm sám hối chung tại nhà thờ, mà còn bằng sự quyết tâm thay đổi lối sống bằng việc thực thi công bình và bác ái như sau:
+ “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” : Áo mặc và của ăn ở đây là thăm viếng chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo đói, săn sóc những bệnh nhân đau liệt, lắng nghe để đồng cảm và ủi an những người bị thua lỗ thất bại trong cuộc sống.
+ “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình” : Đức bác ái cần đi đôi với đức công bình. Chẳng hạn: Không dối trá lường gạt người khác, không làm hàng gian hàng giả, nhưng buôn ngay bán thật. Tránh nói thêm nói bớt nhưng luôn trung thực trong lời nói khi giao tiếp và làm ăn buôn bán với tha nhân.
+ “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình” : Cần tránh thái độ “lấy thịt đè người” hay “Cả vú lấp miệng em”, như thái độ quan liêu hách dịch, hà hiếp bóc lột những người “thân yếu thế cô”. Cần sử dụng chức vụ quyền bính để phục vụ thay vì lo cho bản thân. Người có quyền giải quyết công việc cần tránh hẹn tới hẹn lui, hoặc bắt người xin phải chờ đợi hàng giờ, đang khi công việc chỉ cần giải quyết ngắn gọn trong năm mười phút.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh bằng việc quảng đại chia sẻ cơm áo vật chất, cảm thông với những người đau khổ bất hạnh như lời Gio-an Tẩy Giả rao giảng hôm nay: “Ai có hai áo, hãy nhường cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.
Xin cho chúng con luôn giữ đức công bình trong khi giao tiếp, như Gio-an đã khuyên những người thu thuế: “Các người đừng đòi gì quá mức đã ấn định”.
Cho chúng con biết tôn trọng tha nhân qua cách ứng xử lễ độ, như lời Gio-an đã khuyên binh lính: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai và hãy bằng lòng với số lương của mình”. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ nhận được hồng ân cứu độ của Chúa trong mùa Giáng Sinh sắp đến.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM