SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B (21/11/2021) CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

“Tôi là Vua.
Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý.
Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Năm Phụng Vụ của Hội Thánh Công Giáo kết thúc với Chúa Nhật XXXIV Thường Niên kính mừng trọng thể Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ. Mừng kính Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ là nhìn nhận và tuyên xưng Vương Quyền tối cao và tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn và đời sống của mỗi người, mỗi cộng đoàn và trên toàn thế giới. Những người phải công nhận và tuyên xưng Vương Quyền tối cao và tuyệt đối của Chúa Giêsu Kitô là các Kitô hữu chúng ta vì chúng ta là những người đã thuộc về Chúa Giêsu Kitô, đã nhận Chúa Giêsu Kitô làm Thầy và làm Chúa, đã chọn đi theo Chúa Giêsu Kitô trên mọi nẻo đường Người đã đi khi Người sống ở trần thế này, đã quyết tâm thực thi các chỉ thị và giới răn, nhất là giới răn yêu thương- của Chúa Giêsu Kitô.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 18,33b-37: Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.

III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 18,33b-37:
3.1 Bối cảnh lịch sử của câu chuyện Chúa Giêsu tuyên bố (hay xác nhận) mình là Vua: Đó là khung cảnh của phiên tòa xét xử Chúa Giêsu mà tổng trấn Philatô là chánh án và những người Do-thái – đặc biệt là các thượng tế và kỳ mục trong dân- là những người tố cáo Chúa Giêsu và yêu cầu giết chết Người. Họ tố cáo Chúa Giêsu nhiều điều nhưng không có kết quả (vì là những điểu bịa đặt). Để kéo và ép Philatô làm theo ý mình, họ tố cáo Chúa Giêsu đã xưng mình là vua. Thế có nghĩa là Chúa Giêsu là kẻ thù của đế quốc Roma (mà Philatô là đại diên). Philatô muốn biết lời tố cáo của những người Do thái kia có phải là sự thật hay không nên ông đã tra hỏi Chúa Giêsu. Cuộc tra hỏi và đáp lại giữa quan tòa và bị cáo đã diễn ra như Gioan đã tường thuật:
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?”
Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Kết cục là Philatô đã kết án tử hình Chúa Giêsu Nadarét dù ông ta biết Người vô tội. Trên thập giá của Người, Philatô đã cho treo tấm bảng với 4 chữ cái I.N.R.I. (Giêsu Nadarét Vua người Do-thái)
3.2 Ý nghĩa thần học của việc Chúa Giêsu là Vua vũ trụ: Thật ra Chúa Giêsu Nadarét không chỉ là Vua dân Do-thái mà là Vua tất cả các dân tộc. Chúa Giêsu Nadarét là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc mọi người, mọi dân nước. Cuộc Thương Khó và cái chết thập giá của Chúa Giêsu Nadarét là gía đền tội cho loài người. Cuộc Thương Khó và cái chết thập giá mà Chúa Giêsu Nadarét đã chịu thể hiện sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha Vì thế Chúa Cha đã tôn vinh Người và đặt Người trên ngai tòa Thiên Chúa, thống trị muôn vật muôn loài:
6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”. (Pl 2,6-11).

IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 18,33b-37:
4.1 Các Kitô hữu nhìn nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua: Đó là việc mà các Kitô hữu phải thực hiện trước tiên. Nhìn nhân và tuyên xưng chẳng những bằng lời nói mà còn bằng việc làm và bằng cách sống của chúng ta.
4.2 Các Kitô hữu mở rộng Vương Quyền của Chúa Giêsu Kitô Vua trong mọi môi trường: Đó là việc thứ hai mà các Kitô hữu chúng ta phải thực hiện. Muôn mở rộng VƯơng Quyền của Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn mình và trong mọi môi trường chúng ta sống chúng ta phải dẹp tan tội lỗi và thực thi giới răn của Chúa, xây dựng tình yêu thương giữa người với người.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 18,33b-37::
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã chết vì chúng con. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không? Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa tất cả mọi người có được sự hiểu biết cá nhân về Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùn g cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn nhiệt thành phục vụ Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã xây dựng trong trần gian này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- « Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?” Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu nhìn nhận và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua trên các vua và là Chúa trên các chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con. Người là Vua của chúng con và của mọi người, của toàn thể vũ trụ.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần để chúng con nhìn nhận và tuyên xưng Vương Quyền mà Cha đã ban cho Người trong đời sống riêng của chúng con và trong mọi môi trường mà chúng con sống. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 19 tháng 11 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội