I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Cốt lõi của Ki-tô giáo là 4 chữ vàng “MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI”. Bốn chữ ấy tóm gọn 10 điều/giới răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân riêng Israel qua ông Môsê: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”
Sau này chính Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã khẳng định lại tầm quan trọng và sự liên kết của 2 điều răn ấy và lấy giới răn yêu người làm “giới răn riêng” của mình: “Người ta cứ dấu này mà nhận ra chúng con là môn đệ của Thầy là chúng con yêu thương nhau.”
Đề đời sống Đức Tin của các Kitô hữu được phong phú và đầy ý nghĩa, chúng ta hãy thực thi Lời Chúa nói chung và giới răn “mến Chúa yêu người” nói riêng, trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Đnl 6,2-6): “Hỡi Israel hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi” Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.
2.2 Bài đọc 2 (Dt 7,23-28): “Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu” Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Đức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
2.3 Bài Tin Mừng (Mc 12,28b-34): “Đó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất” Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Đnl 6,2-6): là những lời truyền dậy của ông Môsê dành cho con cái Israel là những người vừa mới được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và đang trong hành trình vào Đất Hứa là Canaan. Dân Chúa không có cách nào để diễn tả hết tấm lòng và mối tương quan của mình với Thiên Chúa Tạo Dựng và Cứu Độ cho bằng lòng kính sợ và sự thờ phượng Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn.
3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 7,23-28): là những lời của Thánh Phaolô trong thư Do-thái, nói về vai trò thượng tế của Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa hằng sống nên tước vị thượng tế của Người tồn tại muôn đời. Và vì Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người cảm thông với con người phải vất vả khổ đau nên Người đáng chúng ta yêu mến, tin tưởng và cậy dựa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 12,28b-34): là trích đoạn Tin Mừng Máccô trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của một kinh sư: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Thật ra người Do-thái đã đặt ra quá nhiều điều luật khiến người bình dân phải bối rối, không biết đâu là chính, đâu là phụ nữa. Nhưng tự bản chất và ngay từ lúc đầu, luật của Thiên Chúa rất vắn gọn và dễ hiểu: kính sợ & yêu mến Thiên Chúa bằng/với tất cả sức lực của mình và yêu thương người khác như chính bản thân mình.
– Kính sợ và yêu mến bằng/với tất cả sức lực vì Người là Thiên Chúa duy nhất và vì đó là bổn phận của con người đối với Đấng tạo dựng nên mình. Và đó cũng chính là con đường đạt được hạnh phúc.
– Yêu thương đồng loại như chính bản thân mình vì mọi người đều là tạo vật, là hình ảnh của Thiên Chúa, là thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, là anh em chị em của nhau.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp mà ba bài Sách Thánh dành cho chúng ta hôm nay là sống/thực thi giới răn Tình Yêu là “mến Chúa yêu người” của Thiên Chúa. Mến Chúa là kính sợ, yêu mến, thờ phượng và sống theo mệnh lệnh của Người. Yêu người là làm cho những người sống xung quanh được hạnh phúc và nhận biết Thiên Chúa là Cha.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian để mọi người được sống nhờ tin vào Con của Cha. Thiên Chúa cũng là Đấng muốn mọi người thực thi giới luật yêu thương “mến Chúa yêu người” để được bình an và hạnh phúc.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Ðể thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy dành cho Thiên Chúa những tâm tình kính sợ, yêu mến và làm những việc tốt lành, ích lợi cho tha nhân, nhất là cho những người cần đến tình thương và sự quan tâm chăm sóc của chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời» Chúng ta hiệp dâng lời cầu nguyện cho hết mọi người và mọi dân tộc trong thế giới này để họ biết kính sợ Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mọi người và muốn cứu vớt mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác:… Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ!» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các Linh Mục và Phó Tế để các vị ấy luôn noi gương bắt chước Chúa Giêsu Kitô là Vị Thượng Tế hoàn hảo, là Đấng Trung Gian tuyệt diệu giữa Thiên Chúa và loài người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Điều răn đứng đầu là: … Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, để mọi người thực thi giới răn “mến Chúa yêu Người” trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí và những người mộ đạo, để họ nhận ra giá trị cao quý của việc kính sợ Đấng Tối Cao và yêu thương con người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 27/10/2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.