“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 8, 27 – 35)
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Đấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tưởng Lầm ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
TưTưởngCủaThiênChúa vs TưTưởngCủaLoài Người Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Vẫn Cô Đơn Trên Đường Thập Giá Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đối Với Tôi, Chúa Giêsu Là Ai? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Đường Tinh Hạt Nắng Trg 10
Chúa Ơi! Biết Trả Lời Sao? Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Thầy Là Ai? M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Ngài Là Ai? Nắng Sài Gòn Trg 14
Con Đường Chúa Đã Đi Qua A.P Mặc Trầm Cung Trg 15
—————————————-
Tưởng Lầm
Trong đời sống có rất nhiều điều hiểu lầm. Chẳng hạn xưa kia khi thấy mặt trời cứ sáng mọc tối lặn, người ta tưởng rằng trái đất đứng yên và mặt trời di chuyển chung quanh trái đất. Nhưng khoa học tiến bộ đã minh chứng mặt trời đứng yên, chính trái đất mới xoay chung quanh mình và chung quanh mặt trời. Trong đời sống đạo cũng đã có những hiểu lầm như thế. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế sẽ uy nghi từ trên mây trời hiện đến. Không ngờ Người lại do một thôn nữ dưới đất sinh. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải ngự trong lâu đài sang trọng của vua chúa. Nhưng không ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải uy quyền lẫm liệt. Nhưng không ngờ Người lại quá hiền lành khiêm nhường. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế phải đánh đông dẹp bắc, đập tan quân thù, đưa nước Do Thái lên địa vị bá chủ. Nhưng không ngờ Người chịu thua hết mọi người, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, chịu chết như một kẻ tội lỗi. Người ta cứ tưởng Đấng cứu thế là một ông vua có kẻ hầu người hạ. Nhưng không ngờ chính Người lại quỳ xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ.
Có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, người ta cũng sai lầm về người môn đệ. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì sẽ được chức cao quyền trọng trong Nước Chúa. Nên bà Giêbêđê mới xin Chúa cho hai người con là Gioan và Giacôbê được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong Nước Chúa. Nhưng không ngờ Chúa không hứa cho chức quyền mà chỉ hứa cho uống chén Người sẽ uống, nghĩa là phải chết. Người ta cứ tưởng người làm lớn trong Nước Chúa sẽ được trọng vọng, được phục dịch. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai trong anh em muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em”. Người ta cứ tưởng theo Chúa thì Chúa sẽ cho mọi sự may mắn ở đời, được thành công. Được giàu sang. Nhưng không ngờ Chúa lại bảo: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo”.
Hôm nay, sau khi nghe các môn đệ báo cáo về dư luận quần chúng, Đức Giêsu thấy họ quá sai lầm về Người, về vai trò Cứu thế của Người, về con đường cứu chuộc. Nên Người đã dậy rõ ràng cho các môn đệ biết Đấng Cứu thế thực là Con Thiên Chúa. Nhưng con đường Người đi là con đường thập giá. Người phải chịu đau khổ, chịu hành hạ, chịu sỉ nhục, và phải chịu chết.
Người cũng cho các môn đệ biết ai muốn theo Người cũng sẽ phải đi vào con đường của Người. Phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Người.
Phải chăng Thiên Chúa muốn hành hạ con người, muốn con người tàn lụi chứ không muốn con người phát triển, muốn con người phải chịu đau khổ chứ không muốn con người được hạnh phúc? Tại sao trên trần gian, người ta thường hứa hẹn cho những người theo mình hạnh phúc sung sướng mà Chúa thì làm ngược lại, chỉ hứa cho những người theo mình thánh giá và đau khổ? Thưa, chắc chắn Chúa muốn cho con người được hạnh phúc. Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người. Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng và mau qua. Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa. Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn. Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình. Những vất vả đau đớn không phải là vì Chúa độc ác muốn hành hạ con người. Những đau đớn từ bỏ mình không phải là vì Chúa muốn con người đi vào tàn lụi diệt vong. Nhưng đó là qui luật, là điều kiện để được sự sống, được hạnh phúc đích thật.
Chính Đức Giêsu cũng phải đi qua con đường thập giá khổ nhục mới đến hạnh phúc. Chính Người phải kinh qua cái chết đau đớn mới tới ngày phục sinh vinh quang. Nên Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Thành ra, đau khổ Chúa hứa không phải để hành hạ con người, nhưng là con đường dẫn con người đến hạnh phúc đích thực. Thập giá và cái chết không phải để đưa con người vào tàn lụi, nhưng chính là điều kiện để con người được tái sinh và triển nở trong đời sống mới, đời sống vĩnh cửu với hạnh phúc không bao giờ tàn.
Những lời Chúa nói hôm nay, tuy khó nghe và khó chấp nhận. Nhưng đó là sự thật và là con đường đưa ta đến hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu. Chúa đã không lừa mị ta, không hứa hẹn cho ta những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ cho ta đường ngay nẻo chính. Chúa mời gọi ta phải dũng mạnh, can đảm và quyết liệt trong cuộc chạy đua dành lấy hạnh phúc nước trời.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước theo Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đâu là những hiểu sai lầm về Chúa?
2. Đâu là những hiểu sai lầm về người môn đệ của Chúa?
3. Có phải Chúa muốn ta khổ sở khi bảo ta phải từ bỏ mình không?
4. Tại sao Chúa phải chịu đau khổ?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
——————————————
Tư Tưởng Của Thiên Chúa vs Tư Tưởng Của Loài Người
“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa,
mà là tư tưởng của người đời.”
Đoạn Tin Mừng Máccô của Chúa Nhật XXIV này đầy mâu thuẫn, hay có vẻ như tư tưởng của Đức Giêsu tự mâu thuẫn với chính mình. Đầu tiên Người muốn nghe các môn đệ báo cáo cho biết người ngoài ca tụng Người thế nào, sau đó các ông lại phải nói lên mình nhìn nhận Người ra sao. “Thầy là Đấng K-tô”, môn đệ Phêrô tuyên xưng. Đoạn tương ứng trong Phúc âm Mátthêu (16:15-20) cho thấy Đức Giêsu có vẻ như rất hài lòng với câu trả lời này. Người từng công khai đề cao Phêrô trước các môn đệ khác, tới độ muốn đặt ông làm nền tảng và thủ lãnh của Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập. Tuy nhiên ở đoạn văn này phản ứng của Đức Giêsu lại ngược hẳn. Vẫn cùng công thức tuyên xứng đó, thật là long trọng và chính xác trong ngôn từ, nhưng Đức Giêsu cho thấy: suy nghĩ của Người và trong đầu Phêrô lại rất khác nhau, cách xa như trời với đất, đối nghịch như giữa Thiên Chúa và Xatan. Có thể như thế được chăng, cùng một công thức nhưng lại được hiểu rất khác nhau như vậy?
Tư tưởng của loài người: Đối với Phêrô, cũng như phần đa các người Do Thái đương thời, danh xưng Kitô hay Messia rất gần với nội dung uy quyền và thống trị… trong công lý và hòa bình. Đấng được Xức Dầu đến trần gian để biểu lộ quyền lực tuyệt đối của Đức Chúa Giavê. Trong toàn bộ Cựu Ước, Giavê luôn được biết đến như Đấng dũng lực oai hùng. “Chúa thật là cao cả… khả tôn khả úy hơn chư thần… Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ, trong thánh điện đầy dũng lực huy hoàng… Hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang” (Tv 95). Nếu ‘Đấng Kitô’ phản ánh một Thiên Chúa quyền lực như thế, thì đương nhiên không thể chấp nhận Người ‘chịu đau khổ… bị loại bỏ… bị giết chết’. Phêrô hoàn toàn đúng khi ‘kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người’. Và cũng sẽ hoàn toàn vô lý đòi những kẻ theo Người phải ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo… liều mất mạng sống mình’. Dân riêng trung thành với Đức Chúa để được thành công, được Ngài che chở và mạng sống mình được bảo vệ.
Tư tưởng của Thiên Chúa: Đức Giêsu ‘nói rõ điều đó, không úp mở’ là ‘Đấng Kitô’ có bổn phận phải mạc khải về một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Do đó, nếu Người có phải chịu đau khổ, bị loại bỏ và giết chết thì cũng là lẽ đương nhiên. Giêsu Nazareth sẽ luôn mãi là một Kitô tự hiến trên thập giá. Ai tin và theo Đấng Kitô đó sẽ không làm gì khác hơn là ‘từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.’ Vì là Đấng Kitô biểu lộ một Thiên Chúa đầy lòng xót thương, nên môn đệ tin nơi Người sẽ không tìm cách tự cứu lấy mạng sống mình trong an toàn thủ thế, một sẽ hoàn toàn tín thác vào lòng từ ái xót thương bao la. Mạng sống mà họ ‘sẽ cứu được’, một khi đã tự nguyện ‘liều mất’, sẽ không là gì khác hơn là một tình yêu nhân ái bao la, cả trong tương quan với Thiên Chúa lẫn với tha nhân.
Đồng ý với Đức Giêsu, Phaolô cho rằng tư tưởng này của Thiên Chúa đối chọi hoàn toàn với tư tưởng của loài người; “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là sự điên rồ đối với… sự khôn ngoan của thế gian… nhưng lại là sức mạnh đối với chúng ta là những người được cứu” (1 Cr 1:18-21). Điều làm tôi lo lắng là, bản thân tôi, chưa khi nào tôi cho rằng hai tư tưởng này lại sung khắc nhau đến thế. Thậm chí tôi vẫn thấy nhấn mạnh trên uy quyền của Thiên Chúa, hay đề cao một ‘Đấng Kitô’ thống trị đâu có gì là đối kháng với Thiên Chúa cứu độ, hay một Đức Kitô chịu đóng đinh. Đức Giêsu đã ‘cấm ngặt các ông không được nói với ai về người’ như thế, và còn tỏ ra hết sức giận dữ khi Phêrô muốn dùng tư của loài người để lấn át tư tưởng của Thiên Chúa, tới độ mắng ông: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy!” Còn tôi, trong mục vụ, khi diễn giảng về Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai, biết bao lần tôi đã không ngần ngại nhấn mạnh trên uy quyền và sự công thẳng của Thiên Chúa, hơn là trên lòng nhân ái yêu thương của Người. Chỉ vì làm như thế tôi đinh ninh rằng, việc mục vụ của mình sẽ hữu hiệu hơn, các giáo dân của tôi sẽ làm lành lánh dữ tích cực hơn. Thế nhưng liệu tôi có đáng bị quở trách như Người đã từng lên tiếng trách mắng Phêrô không?
Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ! Chúa uy quyền và thánh thiện nhưng cũng đầy thương xót và từ tâm. Kinh Thánh dạy con cả hai điều, nhưng mạc khải của Đức Kitô lại nhấn mạnh trên điều sau này nhiều hơn. Chớ gì Chúa sẽ không bao giờ phải quở trách con là Xatan chỉ vì ngăn cản không cho người khác biết về lòng từ ái vô biên Chúa, được biểu lộ qua nhục hình và cái chết của Chúa trên thập giá. Xin cho con không ngừng tôn vinh và rao giảng về Thánh Giá cứu độ. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————————–
Chúa Vẫn Cô Đơn Trên Đường Thập Giá
Dân gian có một câu định nghĩa về 2 chữ “tình bạn” rất hay rằng: “Bạn là người vẫn ở với ta khi mọi người đã bỏ ta đi”. Và cũng nhờ có những gian nan ấy, ta mới biết ai là bạn chân thành của chúng ta.
Đại dịch Corona đã phơi bầy rất nhiều về tình bạn, về tình người giả dối. Họ nói rất hay về tình yêu, về hy sinh, về phục vụ nhưng những gì chúng ta nhìn thấy là một sự bỏ rơi anh chị em mình. Rất nhiều người nhiễm bệnh hay bị những bệnh khác vào thời điểm này kêu cứu người trợ giúp thật là khó khăn. Có nhiều người tuyệt vọng bảo rằng: những người, những nơi con tưởng rằng sẽ được hỏi thăm, được nâng đỡ, được chia sẻ nhưng dường như thất vọng nhiều hơn! Có rất nhiều người cũng rơi vào tuyệt vọng vì tìm kiếm một tình bạn chân thành để giúp nhau chén gạo vượt qua, và có khi chỉ mong có người giúp vài trăm ngàn để mua hũ hài cốt để an táng người thân …
Các môn đệ năm xưa đi theo Chúa. Chắc chắn các ngài đã được Chúa yêu thương đùm bọc. Và Chúa Giêsu còn coi các môn đệ là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ. Chúa đã coi họ là bạn nên cho họ chia sẻ niềm vui hạnh phúc với Chúa trong những lúc thành công trên đường truyền giáo.
tung hô khi hóa bánh ra nhiều, hay khi cỡi lừa tiến vào thành Giêrusalem. Chúa đòi các môn đệ thể hiện tình bạn trên chặng đường thập giá để tới Núi Sọ. Chúa bảo rằng: “Ai muốn theo Thầy, thì phải vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy”. Khi dám theo Chúa trên con đường thập giá thì Chúa sẽ ban phần thưởng sự sống đời đời cho họ. “Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống”.
Hôm nay, Chúa đòi các ông thể hiện tình bạn với Chúa không phải chỉ là lúc Chúa được.
Nhưng xem ra tình bạn chân thành với Chúa chẳng mấy ai! Khi Chúa đi vào vườn Cây Dầu đã chịu cảnh cô đơn một mình. Các bạn bè Chúa vẫn ngủ mê. Khi Chúa bị bắt trói dẫn đi từ vườn Cây Dầu thì các môn đệ mạnh ai nấy chạy. Khi Chúa bị dẫn vào dinh Caipha thì Phêrô trối Chúa 3 lần. Khi Chúa vác thập giá lên Núi Sọ chỉ còn một mình Gioan bước theo xa xa. ..
Xem ra tình người dễ đổi thay. Vui cùng thì dễ nhưng đau khổ cùng thì không dễ. Khi cụng ly sum tụ thì đông nhưng khi rơi lệ liền bị bỏ rơi.
Nếu chúng ta có cái nhìn tha nhân là hình ảnh của Chúa thì xem ra Chúa Giêsu vẫn cô đơn trong dòng đời hôm nay. Ngài rất cần một người bạn tri kỷ như Gioan để đứng bên Chúa khi khó khăn. Ngài vẫn cần sự đồng cảm như Madalena để đi theo Chúa trên đường thập giá.
Đại dịch Corona đã khiến bao người đang cô đơn khi bị cách ly, khi bị giãn cách. Đại dịch đã đẩy biết bao người vào cảnh thiếu thốn, đói khát. Đại dịch đã khiến bao con người mất tiền, mất việc với một tương lai bấp bênh. Và có lẽ trong rất nhiều những con người ấy đã và đang cô đơn vì chưa tìm được sự ủi an, nâng đỡ từ người thân và bạn bè.
Đại dịch cũng làm cho nhiều người mất rất nhiều niềm tin nơi bề trên, nơi bạn bè và cả người thân! Nhưng, niềm tin cho ta một niềm hy vọng là có một Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đấng ấy đã sẵn lòng chịu chết vì chúng ta, và hôm nay từ trên Thánh Giá vẫn hướng mắt về nhân loại khổ đau và sẵn lòng dang đôi tay ôm ấp, vỗ về chúng ta. Hãy tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Hãy ở lại bên Chúa dầu cuộc sống còn nhiều những khó khăn, nhưng quyền năng Chúa cuối cùng cũng sẽ chiến thắng sự dữ.
Điều quan trọng là hôm nay và ngay bây giờ hãy sống liên đới với khổ đau của anh em. Hãy sống đúng ơn gọi của người Kitô hữu là yêu thương phục vụ. Hãy phục vụ ngay những người trong cộng đoàn của mình, trong khu xóm, trong xứ đạo của mình đang đau khổ vì nhiễm bệnh hay đói nghèo vì hậu quả của dịch bệnh kéo dài.
Xin Chúa giúp cho chúng ta dám can đảm vác thập giá theo chân Chúa khi biết dấn thân phục vụ anh em trong đại dịch hôm nay.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
————————————————
Đối Với Tôi, Chúa Giêsu Là Ai ?
Chúa Giêsu rảo qua nhiều vùng đất Do-thái để rao giảng Tin Mừng, chữa bệnh, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ… suốt 3 năm trường, nhưng không mấy ai biết đích xác Ngài là ai. Họ tưởng Ngài là Gioan Tẩy giả bị Hêrôđê trảm quyết nay sống lại; có kẻ thì tưởng lầm Ngài là ngôn sứ Êlia; kẻ khác thì cho rằng Ngài là một ngôn sứ nào đó.
Thế rồi, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 29).
Như vậy, ngoài Phêrô, dường như chẳng ai biết được chân tướng của Chúa Giêsu. Phêrô quả có phúc lớn vì được biết căn tính của Thầy mình.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt lại câu hỏi nầy với mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta bày tỏ nhận định của ta về Ngài: “Phần con, con nghĩ Thầy là ai?”
Thầy là Thẩm phán khắt khe
Đối với một số tín hữu, Chúa Giêsu là một vị thẩm phán khắt khe, trừng phạt đích đáng những kẻ có tội… nên họ tham dự Thánh lễ Chúa nhật hằng tuần hay làm những việc đạo đức khác chỉ vì sợ phạm tội, sợ bị Chúa phạt… chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Thầy là một vị thần Tài
Một số người khác xem Chúa Giêsu như một ông thần Tài; họ thờ phượng Chúa để mưu tìm lợi lộc vật chất, được ăn nên làm ra, buôn may bán đắt… Nếu được Chúa cho như ý thì siêng năng đến với Chúa. Nếu không được toại ý, thì họ lơ là, nguội lạnh, xa cách Chúa. Họ thờ Chúa không phải vì yêu mến Chúa mà chỉ vì mình.
Thầy là tấm phao cứu hộ
Đối với nhiều người khác, Chúa Giêsu như vị Thần hộ mạng, như tấm phao cứu hộ. Khi được bình an, sức khỏe, khi còn trẻ trung… họ không quan tâm đến Chúa. Đến khi già yếu, khi lâm bệnh nguy kịch hoặc gặp gian nan khốn khó trong cuộc đời… họ sẽ tìm đến với Chúa, thiết tha cầu khẩn Ngài cứu giúp. Họ xem Ngài như một tấm phao cứu hộ; khi trời yên biển lặng thì bất cần phao, nhưng khi sóng to bão lớn thì cố giằng lấy phao cho bằng được.
Thiên Chúa đau buồn biết bao khi đoàn con yêu dấu của Ngài đối xử với Ngài như thế, khi họ tìm đến với Ngài để mưu cầu lợi ích cho mình chứ không vì lòng yêu mến.
Ước gì, đừng có ai trong chúng ta xem Chúa là Thẩm phán khắt khe để rồi đến với Chúa vì sợ bị phạt chứ không vì lòng yêu mến; đừng thờ Chúa như thần Tài để xin ân huệ và lợi lộc cho mình hoặc xem Chúa như tấm phao và chỉ tìm đến Chúa khi gặp gian nan nguy khốn.
Khi thấy dân chúng chẳng hiểu căn tính của mình, ngay cả các môn đệ cũng chẳng biết Đấng Kitô là ai, Chúa Giêsu liền bày tỏ cho họ biết Ngài chính là Đức Kitô, nhưng không phải là một Đức Kitô vinh thắng chinh phục các lân bang và báo thù cho dân riêng của Chúa như người Do-thái mong đợi, nhưng là một Đức Kitô nhẫn nhục, hiến mạng sống mình chết thay cho muôn dân. Ngài nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Đấng đã nộp mình chịu chết để đền tội cho chúng con, cho chúng con được sống muôn đời. Chúa yêu thương chúng con hết lòng hết sức trên hết mọi sự.
Vì thế, chúng con xin chọn Chúa làm thần tượng của mình và dành chỗ nhất cho Chúa trong trái tim chúng con. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
——————————————-
Đường Tình
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)
Đường tình thập giá Chúa xin vâng
Mời gọi môn sinh thông dự phần
Từ bỏ chính mình xa ảo ảnh
Trung thành sứ mạng thoát phù vân
Kinh qua đau đớn vinh quang đến
Vượt thắng khổ sầu hạnh phúc dâng
Mạng sống hiến trao vui tìm thấy
Tình Yêu Viên Mãn hưởng thiên ân.
Hạt Nắng
———————————————
Chúa Ơi! Biết Trả Lời Sao?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)
Đường thập giá dẫn đưa về nguồn sống,
đường phục sinh thoát ảo mộng trần gian.
Đường khổ hình dẫn đưa tới vinh quang,
đường mạc khải về suối nguồn hạnh phúc.
Chúa kinh qua chịu đớn đau, khổ nhục,
lễ tế hy sinh tuôn hồng phúc cho dời.
Hiến thân mình đồi cao máu lệ rơi,
lòng thương xót khối tình thương cứu độ.
Đấng Thiên Sai trước bão bùng, giông tố,
vác thập hình tỏ lộ trái tim yêu.
Chịu nhục nhã chịu thân xác tiêu điều,
vâng Thánh ý cho trần gian ơn giải thoát.
***
Giữa dòng đời tâm hồn con phiêu bạt,
đường công danh làm lung lạc niềm tin.
Mờ lương tri, ham địa vị cầu vinh,
ngại từ bỏ, ngại hy sinh khổ chế.
Ngại cửa hẹp sợ người đời khinh dễ,
sợ kém thua luồn lách để hơn người.
Giữ đạo hợt hời giới răn thả buông trôi,
sợ phiền toái chuyện kinh doanh lời lãi.
Nay Chúa hỏi con giật mình ngây dại,
Ngài là ai? Con biết trả lời sao?
Nói tin Ngài mà dạ cứ xôn xao,
vinh hoa thế tục chạy theo đường bất chính.
***
Hạnh phúc thật Chúa công khai minh định,
muốn theo Ngài đừng toan tính lợi danh.
Từ bỏ mình chuyện trần thế đua tranh,
vác thập giá mình đồng hành theo chân Chúa.
Hồn thanh luyện như vàng trong lò lửa,
dạ thanh cao trước của cải trần gian.
Phó thác, tin yêu trước giông tố đại ngàn,
tự do đoạn tuyệt tiền tài, danh lợi thú.
Con bừng tỉnh sau tháng ngày mê ngủ,
Ngài là ai ? Con đã có câu trả lời.
Là Tình Yêu lòng thương xót khôn nguôi,
là Tin Mừng Cứu Độ, là lời ban Sự Sống.
Là Đấng Kitô một tình yêu sống động,
lòng thương xót vô bờ hằng khát vọng tình yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
————————————————–
Thầy Là Ai?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)
Thầy là ai? Nhân thế mong chờ!
Thầy là ai? Giữa cuộc đời các con!
Bước đường chông gai tình yêu dâng hiến,
con tim tự nguyện gánh vác thập hình,
trung trinh chu toàn thánh ý.
Đường Thầy đi bão tố giăng đầy,
tình nồng say dẫu gập ghềnh, đắng cay.
Lưỡi đòng đâm thâu, vòng gai nhuốm máu,
thương đau nhục hình gánh lấy tội tình,
khát vọng cứu chuộc nhân sinh.
Đường Thầy đi anh em muốn theo?
Đầy hiểm nguy, vất vả, cheo leo,
chẳng được giầu sang, chẳng chức quyền, danh vọng,
sống tình hiệp thông trái tim nồng dâng hiến.
Đường Thầy đi anh em muốn theo?
Bỏ mình đi thập giá trên vai,
tin tưởng ngày mai hạnh phúc trong tình Ngài,
Nước Trời huyền siêu, viên mãn tình thương yêu.
Thầy là ai? Con Chúa giáng trần,
đường Thầy đi cứu chuộc cho thế nhân.
Suối nguồn bao la ơn thiêng thập giá,
tha nhân an hòa kín múc ân tình,
ước vọng sống lại trường sinh.
M. Madalena Hoa Ngâu
————————————————
Ngài Là Ai?
CN XXIV TN-B – (Mc 8, 27 – 35)
Đường tình ngày đó Chúa đã đi qua,
nồng nàn hiến dâng tình yêu thập giá.
Con đường vâng phục ý Cha,
khổ hình, nhục nhã kinh qua,
sức sống Phục Sinh chan hòa bừng sáng.
Gập ghềnh, gợn sóng giữa những bon chen,
lời Ngài vang lên nồng say lửa mến.
Tâm hồn như hạt muối men,
theo Ngài thập giá trung kiên,
đốt cháy tình riêng nên duyên cùng Ngài.
Ngài là ai? Là Đấng Thiên Sai huyền siêu.
Ngài là ai? Là Đấng Kitô tình yêu.
Xác thân tiêu điều bước trong nắng chiều,
bao la khối tình nhân ái.
Ngài là ai ? Chuộc lấy con trong tội nhơ.
Ngài là ai ? Tìm kiếm chiên hoang bơ vơ.
Tiếng yêu vô bờ dẫu ai hững hờ,
trao ban tình nồng mến thương.
Đường trần ngời sáng đốt cháy đam mê,
giã từ u mê, phù vân, lạc thú.
Khước từ danh vọng viễn du,
tình Ngài thương xót thiên thu,
tiếp sức cho con tín trung cùng Ngài.
Nắng Sài Gòn
—————————————————
Con Đường Chúa Đã Đi Qua
CN XXIV TN–B – (Mc 8, 27 – 35)
Chúa dạy con lộ trình hạnh phúc,
hưởng vinh quang ân đức mai sau.
Là đường chấp nhận khổ sầu,
khiêm nhu đón nhận đớn đau thập hình.
Đường từ bỏ chính mình, tự hạ,
dẫu chông gai vất vả gian nan.
Quyền cao chức trọng chẳng màng,
chén đắng uống cạn dẫu ngàn hiểm nguy.
Đường phục vụ thực thi bác ái,
quyết dấn thân chẳng ngại hy sinh.
Trung kiên vác thập giá mình,
chấp nhận đau khổ nhục hình bước theo.
Vui đón nhận khó nghèo khổ lụy,
không tranh giành địa vị cao sang.
Tâm hồn thư thái bình an,
bước qua đau khổ vinh quang đón chờ.
Ngài là thần tượng ước mơ,
là Đấng Cứu Độ mong chờ bấy lâu.
Tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu…
AP. Mặc Trầm Cung