SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 759, CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – B, 05/09/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 7, 31 – 37)

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Đoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Hãy Mở Ra ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nghe Và Nói Được Rõ Ràng Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Đừng Giả Điếc Làm Ngơ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Giêsu Cho Người Điếc Được Nghe Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8

THƠ TIN MỪNG

Ép-Pha-Tha Hạt Nắng Trg 10
Tình Hiệp Thông Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Xin Chúa Lành Con M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Xin Chúa Lành Con Nắng Sài Gòn Trg 14
Xin Chúa Lành Con A.P Mặc Trầm Cung Trg 15

————————————-

Hãy Mở Ra

Khi ở nước ngoài, có dịp gặp những người Việt sinh sống xa quê hương xứ sở, tôi hỏi họ: “Sống ở nước ngoài, điều gì khiến ông bà buồn khổ nhất”. Họ trả lời: “Khổ nhất là chúng con sống như những người điếc và ngọng. Không biết tiếng nên ngọng nghiụ, nói chẳng nên lời, thành ra không làm cho người ta hiểu được mình. Người ta nói gì mình cũng chẳng hiểu, thật y như người điếc”.

Nghe và nói là hai cánh cửa. Nói là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. Nghe là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng không hiểu mình. Sống bên nhau mà không hiểu nhau thì thật đáng buồn và đáng sợ.
Nếu điếc và ngọng thể lý đã đáng buồn và đáng sợ, thì điếc và ngọng tâm lý còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội.

Có nhiều thứ điếc.
– Có thứ điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nghe mà không hiểu. Hoặc nghe tưởng là hiểu hoá ra lại hiểu sai. Trường hợp này còn tệ hại hơn là không nghe thấy gì.
– Có thứ điếc vì định kiến. Đã có sẵn định kiến với ai, ta không muốn nghe người ấy nói nữa. Người ấy có nói hay đến đâu, ta cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến đâu, ta cũng cho là xấu. Những ý kiến của người ấy không thể lọt vào tai ta. Nếu có vào thì chỉ vào những phần xấu.
– Có thứ điếc vì bịt tai không muốn nghe. Đây là trường hợp của người tự làm cho mình trở thành điếc. Mất tin tưởng vào anh em. Tuyệt vọng vì cuộc sống. Tự đóng kín trong vỏ ốc của bản thân. Đoạn tuyệt với mọi người.
– Sau cùng, có thứ điếc thiêng liêng không nghe được Lời Chúa. Không nghe được Lời Chúa vì thiếu học hỏi. Nhưng nhất là không nghe được Lời Chúa vì cứng lòng. Vì để nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, cần phải mở lòng nữa. Bao lâu tâm hồn đóng kín, không nhậy cảm trước những lời mời gọi ăn năn sám hối, không tỉnh thức tiếp thu những lời hướng dẫn về đường lành, thì tai người ta sẽ chẳng nghe được Lời hằng sống. Bao lâu tâm hồn còn đuổi theo dục vọng, còn toan tính những điều gian dối, bấy lâu người ta vẫn còn điếc đặc trước những Lời của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, có nhiều thứ ngọng.
– Có thứ ngọng do khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Ta không hiểu người mà cũng chẳng thể làm cho người hiểu ta.
– Có thứ ngọng do ích kỷ. Ta chỉ nói về những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của ta, mà chẳng xét đến những quan tâm, những nhu cầu, những ước vọng của anh em. Nên lời ta nói chẳng lọt vào tai anh em. Lời ta nói trở nên ngọng nghịu, anh em nghe mà không hiểu.
– Có thứ ngọng do sợ sệt. Vì sợ sệt, ta không dám nói lên sự thật. Những nỗi sợ mất quyền lợi, sợ mất danh dự, sợ mất lòng người khiến ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.
– Có thứ ngọng do lười biếng. Vì lười biếng, ta không nói được những lời tốt đẹp khích lệ anh em. Vì lười biếng, ta không nói được những lời an ủi người đang buồn sầu. Vì lười biếng, ta không nói được những lời chia vui với người anh em gặp may mắn. Nhất là vì lười biếng, ta không nói lên được những lời ca tụng Thiên chúa.
Những đam mê, những dục vọng, những toan tính, những ích kỷ, những lười biếng trở thành những sợi dây trói buộc lưỡi ta, làm ta trở thành câm nín, ngọng nghịu.

Có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai ta điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm cho lưỡi ta ngọng. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đến nói với ta: “Ephata”. Hãy mở ra.
– Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường tâm hồn cứng cỏi để mở rộng tâm hồn đón nhận anh em và đón nhận Lời Chúa.
– Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể ra những thứ ngọng và nói lý do của những thứ ngọng đó.
2) Hãy kể ra những thứ điếc và nói lý do của những thứ điếc đó.
3) Khi gặp người khác bạn thích nói hay thích nghe. Hoặc bạn không muốn nói cũng chẳng muốn nghe?
4) Lắng nghe có dễ không? Bạn có để ý lắng nghe Chúa và nghe nhau không?
5) Nói những điều tốt đẹp rất có ích lợi. Bạn đã có kinh nghiệm gì về điều này chưa?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

———————————————–

Nghe Và Nói Được Rõ Ràng

Thực ra, trong số các phép lạ Đức Giêsu thực hiện, thì phép lạ chữa cho người vừa điếc vừa ngọng để có thể nghe và nói được rõ ràng không mấy nói lên quyền phép của Đấng Thiên Sai, cho dầu dân chúng vẫn cứ cất lời ca ngợi: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được”. Hơn ai hết, Đức Giêsu có lẽ là người hiểu rất rõ, phép lạ này thực ra có một ý nghĩa vừa tế nhị vừa sâu sắc hơn, do đó ‘Người truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả’. Hơn nữa cử chỉ và thái độ khi Người thực hiện phép lạ này hình như cũng biểu lộ một tâm trạng gì đó khác thường; ‘Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… đặt ngón tay vào lỗ tai anh… nhỏ nước miếng và bôi vào lưỡi anh… Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-phê-tha”, nghĩa là ‘hãy mở ra!’

Tại sao việc nghe – nói, đối với Đức Giêsu lại có tầm quan trọng đến thế?
Nếu đối với Cựu Ước khả năng giữ trọn lề luật là tối quan trọng bao nhiêu, vì nó nói lên sự trung thành tuyệt đối với giao ước đã được ký kết sòng phẳng giữa Đức Chúa Ađonai và dân riêng Ngài, thì trong Tân Ước, khi Lời Thiên Chúa (Verbum Dei) mặc lấy hình hài con người, thì việc nghe – nói càng có một tầm quan trọng hơn bấy nhiêu.

Lắng nghe Lời sẽ đồng nghĩa với việc ký kết giao ước mới, tức là đặt niềm tin trọn vẹn nơi Đức Kitô Giêsu – Lời. Khả năng nghe chính là khả năng (hay ân huệ) tin vào Đức Kitô Giêsu để đón nhận tình Thiên Chúa yêu thương nhân trần. Người môn đệ của Giêsu – Lời phải là những người có khả năng nghe, tức là nhận biết tình yêu Thiên Chúa. Ân huệ này mang tính riêng tư cá nhân, ‘Người kéo anh ta ra khỏi đám đông’; là tác động trực tiếp của Thần Khí Thiên Chúa trên từng người, ‘Người đặt ngón tay vào lỗ tai anh…’; là ân huệ không được ban cho hết mọi người, vì ‘nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính muốn… nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe’ (Mt 13:17). Thế đấy, ước vọng lớn nhất của Ngôi Lời Nhập Thể là làm sao cho Lời tình yêu này được nhiều người nghe thấu. Và người môn đệ đích thực phải là người có khả năng nghe – nhận biết: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người” (Mc 9:7).

Khả năng ‘nói’ cũng tương tự như thế. Thời Đức Giêsu, nếu các kinh sư và biệt phái là những người có bổn phận nói cho dân về các lề luật phải tuân giữ để trung thành với Đức Chúa, thì Người cũng đòi hỏi nơi các môn đệ Người khả năng công bố cho mọi người nghe biết về Lời Tình Yêu đã giáng trần và chịu chết. “…Điều anh em rỉ tai trong buồng kín, phải được công bố trên mái nhà” (Lc 12:3). Người sai các ông lên đường cũng là để làm điều này, và đó chính là mệnh lệnh tối hậu – hay đúng hơn – là di chúc Người trăn trối trước khi về trời; “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo!” (Mc 16:25). Kitô hữu phải là người có khả năng nói rõ ràng chứ không ngọng nghịu về Lời Tình Yêu này. Đó là tất cả lý do hiện hữu cũng như sứ mệnh của họ trên trần gian, như Phaolô quả quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9:16).

Thế đấy, đối với Kitô hữu, nghe và nói thật quan trọng biết bao, đó chính là lắng nghe Lời Tình Yêu và công bố Tin Mừng Tình yêu! Thật không may, số các Kitô hữu làm được điều này lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quan trọng hơn, số người ý thức điều này để chuyên tâm trau dồi và cầu xin ơn trên trợ giúp thì lại càng hiếm hoi hơn. Nhiều khi chính tôi cũng nhìn vào Phaolô và coi ông chỉ là một trường hợp cá biệt. Cùng với nhiều người tôi vẫn coi việc truyền giáo (= công bố Tin Mừng tình yêu) là ơn gọi đặc biệt chỉ được dành cho một số ít. Ngay trong Giáo Hội, người ta thích nghiên cứu sâu rộng sự công thẳng của Thiên Chúa hơn là thấu hiểu Lời tình yêu, nhiệt tình giảng dạy về án luận phạt Chúa giáng xuống trên kẻ tội lỗi hơn là ơn tha thứ vô biên Người rộng rãi trao ban cho hết mọi người. Chẳng trách được, trước khi cất tiếng ‘Ép-phê-tha!’ Đức Giêsu đã phải ‘ngước mắt lên trời, rên một tiếng’!

Tôi cần xem lại khả năng nghe và nói của chính mình, trong tư cách một linh mục của Đức Kitô.

Lạy Lời của tình yêu của Thiên Chúa hằng sống, cùng với thánh Âu-tinh, sau nhiều năm tháng từng xưng mình là Kitô hữu – hơn nữa là linh mục, có lẽ con cũng phải thốt lên: con đã nghe Lời quá trễ và đã ngọng quá lâu khi cất tiếng nói về Lời nhân ái. Xin hãy đặt ngón tay hiền dịu Chúa vào tai con và hãy dõng dạc thốt lên câu ‘Ep-phê-tha’. Xin hãy nhỏ nước miếng của Lời và bôi vào lưỡi con, để con dùng chuỗi ngày còn lại cao rao to tiếng và rõ ràng cho mọi người biết lòng thương xót Chúa là vô bờ bến. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

———————————————–

 

Đừng Giả Điếc Làm Ngơ

Có câu chuyện vui kể rằng: Thưa bác sĩ, xin ông cứu chồng tôi ngay. Anh ấy bị điếc.
– Lâu chưa?
– Mới hôm nay thôi ạ.
– Sao bà biết đích xác thế?
– Hôm nay, khi tôi nói về tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền ship hàng với xấp hóa đơn tiền, đáng lẽ mặt chồng tôi phải tái đi khiếp hãi, thế mà anh ấy vẫn tủm tỉm cười ngớ ngẩn trông tội tội là. Không nói gì, người như mất trí luôn rồi …

Ở đời, đôi khi có những người giỏi giả điếc để có thể trốn tránh giải quyết vấn đề, hay có thể là trốn tránh sự thật. Điều ấy ta có thể thấy trong những vùng phong tỏa, hay cách ly vì đại dịch rất nhiều lời kêu cứu vì đói, vì người thân đau bệnh, nhưng đầy tuyệt vọng. Họ kêu cầu giảm tiền điện, giảm tiền nước , giảm các loại cước phí phục vụ nhu cầu đời sống nhưng dường như cho tới nay nhưng tiếng kêu than ấy chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người nghèo khó, hay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và chắc chắn, còn rất nhiều những tiếng kêu vô vọng của những người bất hạnh nhưng chỉ nhận được sự phớt lờ giả điếc của tha nhân.

Xem ra người điếc thì đáng tội nghiệp, còn người giả điếc thì đáng khinh. Cái điếc nào cũng cần chữa trị. Điếc thể lý cần chữa trị để họ có thể hiểu tha nhân và hòa nhập với cộng đồng. Điếc tâm hồn lại càng cần được chữa trị bóc trần lớp băng đá của ích kỷ để giúp tâm hồn họ biết cảm thông và chạnh lòng thương xót anh em. Đây là loại giả điếc làm ngơ để mặc kệ những lời kêu cứu của người khổ đau đang kêu cầu họ.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về một người câm điếc từ thuở mới sinh. Cuộc đời câm điếc đã giới hạn mọi giao tế của anh. Anh không thể nghe người khác tâm sự, và anh cũng không thể thổ lộ hết nỗi lòng của mình cho tha nhân. Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên. Có lẽ anh đã sống trong đau khổ thầm lặng và cả những người thân của anh cũng khổ đau như anh.

Thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người bị câm điếc do bẩm sinh, do môi trường tác động. Nhưng cái điếc đáng sợ vẫn là loại điếc tâm hồn biểu lộ ra cách sống giả điếc làm ngơ. Câm điếc tâm hồn khiến họ mất tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ không còn nghe được tiếng Chúa và tiếng của tha nhân. Họ không nghe được sự thật và không nói được sự thật. Họ không nghe được tiếng nói của lương tri và không nói được tiếng nói của con tim. Họ là những người cần được khôi phục khả năng để hiểu, để cảm thông và để sống tình liên đới với Chúa và mọi người.

Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả anh chị em đang gặp khó khăn về giao tiếp của thể lý hay tâm hồn. Xin Chúa hãy chữa lành cho tất cả mọi người. Xin Chúa Giêsu hôm nay, cũng nói với từng người: “Ephata”. Hãy mở ra.

Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường ích kỷ để chia sẻ giúp đỡ những anh em đang gặp hoạn nạn,bất hạnh vì đại dịch.

Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

——————————————–

 

Chúa Giêsu Cho Người Điếc Được Nghe

Thánh Augustinô sinh năm 354 tại Algeria, Bắc Phi, được ơn trở về với Chúa và lãnh bí tích Thánh Tẩy năm 33 tuổi; sau nầy ngài được cử làm giám mục và được tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh.
Mặc dù thánh Augustinô là người sáng tai, nghe rõ mọi chuyện trong đời; thế nhưng, trong cuốn “Tự thú”, thánh Augustinô thú nhận rằng đôi tai của ngài bị điếc trước những lời khôn ngoan của Chúa trong thời gian dài. Ngài viết: “Con yêu Chúa quá muộn! Nầy Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con…”
Cho đến gần 33 tuổi, chứng điếc tâm linh của thánh Augustinô mới được khai mở để đón nghe Lời dạy của Chúa và từ đó, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời.

Thứ điếc đáng sợ nhất
Điếc tai không đáng sợ vì người điếc có thể học hỏi, tiếp nhận thông tin bằng mắt qua việc đọc sách báo, xem phim ảnh hoặc qua ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc… và nhờ đó, họ có thể thông biết nhiều điều, nắm bắt nhiều lời dạy hữu ích, quán triệt được những điều khôn ngoan…

Có một thứ điếc đáng sợ và tai hại hơn nhiều, đó là “điếc-điều-khôn-ngoan”, đây là thứ điếc có chọn lọc: điếc trước điều hay lẽ phải và sáng trước những điều xấu xa. Thứ điếc nầy thường xô đẩy người ta vào tội lỗi.

Cụ thể là:
– Có nhiều học sinh điếc đặc trước những lời giáo huấn của thầy cô nhưng rất sáng tai trước những quyến rũ của bạn bè hư hỏng.
– Có người chồng rất sáng tai trước những lời rủ rê của bạn bè đàng điếm mà điếc đặc trước những lời can gián của vợ con.
– Có người điếc lác đối với những Lời ban Sự Sống của Thiên Chúa mà sáng tai trước những lời đưa đến hư vong do Satan mời gọi…

Thứ điếc nầy vô cùng tai hại vì làm cho con người suy thoái về đạo đức, đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình và dễ sa vào con đường tội lỗi.

Điếc tai là chứng rất khó chữa trị, và chứng “điếc-điều-khôn-ngoan” cũng rất khó chữa lành.

Tất cả những người điếc tai đều khát khao mãnh liệt được chữa lành để có thể giao tiếp với mọi người chung quanh cách thoải mái và họ không ngại tốn kém cho việc chữa trị.

Tiếc thay, có nhiều người mắc chứng “điếc-điều-khôn-ngoan,” vì không nhận ra nguy hại của chứng bệnh đang mang, nên không cần điều trị, không muốn chữa lành và thế là họ phải bị điếc lâu dài và phải gánh chịu những hậu quả của nó.

Tìm đâu ra vị lương y có thể cứu người ta khỏi thứ điếc tai hại nầy?

Chúa Giêsu cho người điếc được nghe
Hôm ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu để xin Ngài cứu chữa… Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông… Ngài ngước mắt lên trời, kêu một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mc 7, 31-35).

Và khi Gioan Tẩy Giả sai các môn đệ đến gặp Chúa Giêsu để tìm hiểu sứ mạng của Ngài thì Chúa Giêsu cho biết Ngài là Đấng được sai đến để làm cho “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe…” (Mt 11, 5).

Như thế, Chúa Giêsu là Đấng mở tai cho muôn người khỏi điếc. Hãy đến với Ngài để được chữa lành.

Lạy Chúa Giêsu. Từ lúc Augustinô được Chúa mở tai để nghe lời Chúa, cuộc đời của ngài được cải thiện tuyệt vời, được làm con Chúa trong gia đình Giáo hội, sau đó trở thành linh mục, giám mục và tiến sĩ Hội thánh.
Xin cho chúng con cũng khao khát được sáng tai trước lời Chúa dạy như thánh Augustinô, nhờ đó, lời Chúa sẽ thấm nhập vào tâm hồn chúng con và giúp chúng con cải thiện cuộc sống như ngài. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

——————————————-

 

Ép-Pha-Tha
CN XXIII TN-B – (Mc 7, 31 – 37)

Phong phú cuộc đời mối hiệp thông

Tương quan mật thiết thắm tình nồng

Lắng nghe thương cảm đời đau khổ

Lên tiếng ủi an cảnh bất công

Ngôn ngữ an hòa tan định kiến

Âm thanh đồng điệu tạo hòa đồng

Tương giao hạnh phúc nguồn ân huệ

Chúa giữa cộng đồng thỏa khát mong.

Hạt Nắng

———————————————–

 

Tình Hiệp Thông
CN XXIII TN-B – (Mc 7, 31 – 37)

Tình hiệp thông dựng xây đời phong phú,
tạo tương quan với hoàn vũ, nhân sinh.
Bởi định kiến con cứ mãi vô tình,
bịt tai, im tiếng, ẩn mình lo thủ phận.

Chẳng quan tâm đến tha nhân, thân cận,
ngại tương giao, ngại vương vấn lụy phiền.
Sợ bận lòng ảnh hưởng mối lợi riêng,
giả câm, giả điếc, cứ an nhiên tự tại.

Tim cằn cỗi bao tháng ngày hoang dại,
chợt thấy mình bị câm điếc tâm linh.
Những đam mê dây trói buộc vô hình,
ngôn ngữ hiệp thông con vô tình hủy diệt.
***
Đánh mất lương tri con trở thành câm điếc,
tiếng tình yêu Chúa tha thiết gọi mời.
Họa ân tình hình ảnh Chúa Ba Ngôi,
chia sẻ, hiệp thông, yêu thương và hiệp nhất.

Lắng nghe tiếng Đấng Ngôi Lời – Sự Thật,
đem Tin Mừng chiếu tỏa khắp trần gian.
Mối tương quan bác ái trao bình an,
lời di chúc nồng nàn Ngài để lại.

Dong duổi bước trần ai lòng quảng đại,
Chúa chữa lành người câm điếc khổ đau.
Bài học cho con nhận ra ý nhiệm mầu,
lòng thương xót của Chúa vô biên nguồn cứu độ.
***
Thanh tẩy hồn con, Chúa ơi! đầy ham hố,
tính biếng lười, tính cố chấp kiêu căng.
Mở tai con nghe Lời Chúa khuyên răn,
Dẹp tan ích kỷ, hòa mình trong cuộc sống.

Mở miệng con hiệp thông niềm khát vọng,
liên kết cộng đồng lời sự thật tuyên dương.
Công lý, tình thương một ý chí kiên cường,
nhường chỗ cho lữ khách,
đắp chăn người khốn đốn,
viếng thăm kẻ cơ bần,
ân cần người đau ốm,
tay ôm người bất hạnh,
cơm bánh kẻ đói nghèo,
tay chèo người áp bức,
nâng vực kẻ đấu tranh.
Tạ ơn Chúa, đã chữa lành con không còn câm điếc.

Sống Tin Mừng dẫu chịu nhiều thua thiệt,
con quyết trung thành,
bởi tin Chúa là Đường, là Sự Thật là Sự Sống đời con.

Bâng Khuâng Chiều Tím

—————————————–

 

Xin Chữa Lành Con
CN XXIII TN-B – (Mc 7, 31 – 37)

Chúa dựng nên con theo hình ảnh của Ngài,
tình yêu diệu vợi phản ánh tình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiệp nhất yêu thương,hiệp thông với mọi người,
liên đới cộng đồng những thăng trầm sóng gió trần ai.

Hưởng thụ an thân con khép kín tâm hồn,
bịt tai đoạn tình sống tật nguyền câm điếc tâm linh.
Mờ tối lương tri lặng câm, sống bạc tình,
định kiến sai lầm kiếp ngục tù lạc lõng, vô ngôn.

Chữa lành tai con, Chúa ơi!
Chữa lành miệng con, Chúa ơi!
Để con biết lắng nghe,
Tiếng Tình Yêu – Lời Hằng Sống.
Để con biết hiệp thông,
sống tương giao cộng đồng.
Biết được nỗi đau, của người cùng khổ.
Sẻ chia nâng đỡ, lữ khách đoạn trường.
Ngôn ngữ tình thương, ủi an, đến ai lầm than.

Kiến tạo tình thương, theo hình ảnh Ngôi Lời,
lắng nghe lời Ngài đem Tin Mừng gieo rắc muôn nơi.
Bừng cháy trong tim ngợi ca Chúa uy quyền,
Danh Chúa rạng ngời giữa cuộc đời, yêu mến khôn nguôi.

M. Madalena Hoa Ngâu

——————————————–

 

Xin Chữa Lành Con
CN XXIII TN-B – (Mc 7, 31 – 37)

Chúa đưa con vào đời sống giữa cộng đồng nhân sinh,
mối tương giao thân tình hiệp thông xây dựng hạnh phúc.
Một con tim thao thức lắng nghe lời cảm thông,
một tình yêu cháy bỏng cho nhau lời yêu thương.

Chốn phong sương tình trường lạc giữa thói đời u mê,
xác thân nên nặng nề, bịt tai, câm miệng, khép kín.
Chạy theo điều bất chính sống im lặng cầu an,
mặc đời gieo ai oán, điếc câm, mờ lương tâm.

Chữa lành con, Chúa ơi! Xin chữa lành con,
con tim héo hon phủ kín đầy sương mù.
Sống trong ngục tù bóng đêm bịt đường, ngăn lối,
ích kỷ, biếng lười, trói buộc, u uất tương lai.

Nắng hồng ân chiếu soi ánh bình minh,
Danh Chúa uy linh tỏa sáng ơn chữa lành.
Thoát gông tật nguyền lắng nghe Tin Mừng soi lối,
chia sẻ kiếp người lời tình yêu thắm trên môi.

Đức tin soi đường đời khai trí sống tình yêu thương,
tiếng lương tâm kiên cường cảm thông bất hạnh nhân thế.
Một con tim hiến tế giữa ngàn vạn bất công,
lửa tình yêu nung nóng cháy lên tình hiệp thông.

Nắng Sài Gòn

——————————————–

 

Xin Chữa Lành Con
CN XXIII TN-B – (Mc 7, 31 – 37)

Xin chữa lành, Chúa ơi! Thương xót,
tâm hồn con đắng đót, mong manh.
Tai con điếc đặc lời lành,
lưỡi con ngọng nghịu tranh giành phù vân.

Tính ích kỷ đong cân danh lợi,
thói biếng lười buộc trói tình thương.
Định kiến gieo rắc nhiễu nhương,
nhát đảm, sợ sệt lạc đường hiệp thông.

Bởi điếc đặc cõi lòng đóng kín,
hồn u mê toan tính dối gian.
Chẳng nghe Lời Chúa bảo ban,
Tin Mừng cứu độ dẫn đàng quang minh.

Bởi ngọng nghịu biết mình an phận,
không quan tâm số phận anh em.
Sự thật che dấu lem nhem,
xưng mình ngôn sứ dầu đèn cạn khô.

Xin tha thứ mưu đồ đen tối,
xin chữa lành tội lỗi u minh.
Mở tai nghe tiếng Thánh Linh,
mở miệng ca ngợi công trình Tình Thương.

Tạ ơn Thiên Chúa khôn lường,
cho con lẽ sống về đường hiệp thông.
Ân huệ sống giữa cộng đồng …

AP. Mặc Trầm Cung