“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6, 41-51)
Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: “Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống”. Họ nói: “Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: ‘Ta bởi trời mà xuống'”.
Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: “Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: ‘Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo’. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.
“Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Bánh Bởi Trời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Không Phải Là Đã Có Ai Thấy Chúa Cha Đâu Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Hãy Trở Về Với Lòng Thương Xót Chúa Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Bánh Tình Thương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Quà Tặng Tình Yêu Hạt Nắng Trg 10
Bánh Bởi Trời Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tấm Bánh Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Quà Tặng Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 13
Sức Sống Thần Linh A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
——————————-
Bánh Bởi Trời
Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường. Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu. Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa. Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa. Người đã chiến thắng. Nhưng chính vì chiến thắng. Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc. Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần. Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc. Người mất hết sức phấn đấu. Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa. Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người. Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.
Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa. Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy. Đường đi rất xa và rất khó khăn. Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời. Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi. Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người. Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.
Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện. Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành. Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy”. Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri. Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại. Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim. Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu. Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria. Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống. Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống. Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn. Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai. Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”.
Ban Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể. Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết. Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh. Lương thực thần linh ban sự sống thần linh. Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta. Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm. Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.
Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu. Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa. Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi. Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống. Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi. Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.
Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng. Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa. Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời. Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn. Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.
Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
———————————–
Không Phải Là Đã Có Ai Thấy Chúa Cha Đâu
Câu chuyện bánh ăn vẫn chưa tới hồi kết nhưng lại ngày càng trở nên gay cấn hơn. Các người Do Thái bắt đầu cảm thấy bực bội khó chịu; họ xầm xì – phản đối (Xh 15:24; 16:12; 17:3), nhưng lần này không còn xoay quanh vấn đề bánh đó là thức ăn gì, hay người nào cho ăn, mà tập trung vào vấn nạn, người cho ăn bánh đó từ đâu mà đến; “tại sao bây giờ ông ta lại nói: “tôi từ trời xuống?’ Qua cuộc tranh luận về ăn bánh này, Đức Giêsu đã đưa nhóm thính giả Do Thái, vốn có rất ít thiện cảm với Người, đi tới một kết luận hết sức bất ngờ: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời”.
Câu khẳng định gây ngạc nhiên trên cho các thính giả Do Thái khi cho biết một điều chưa từng được nghe ai nói tới bao giờ, đó là bất cứ ai thấy được Chúa Cha thì người đó sẽ có sự sống đời đời. Điều này trước hết hoàn toàn trái ngược với quan niệm phổ thông của người Do Thái đương thời; họ cho rằng, Đức Chúa, Chúa các đạo binh là đấng quyền uy cao cả vô song tới nỗi không ai có thể nhìn thẳng mặt Ngài được, nếu không muốn chết (Xh 19:21). Ngay cả các thiên thần, trong quan điểm của họ, cũng phải hãi sợ lấy cánh che mặt mỗi lần ra trước Thánh Nhan (xem Is 6:1-3). Đến cả Môsê từ đỉnh núi Sinai đi xuống, sau khi đã nhận lãnh các bia đá giới luật, mặt ông còn phản chiếu vinh quang Đức Chúa chói lọi tới độ dân chúng không dám nhìn trực diện, buộc ông phải lấy mảnh vải thưa che mặt mình lại (Xh 34:29-34). Thế đấy, làm sao một Đức Chúa đáng khiếp sợ như thế lại có thể trở thành nguồn cứu rỗi, và nhân vật đã nhìn thấy Đức Chúa, rồi từ Ngài mà đến, lại có thể ban sự sống chứ không phải là cái chết cho con người? Chính vì suy nghĩ như thế mà sau này, khi Philípphê đại diện cho các tông đồ và những kẻ tin khao khát được nhìn thấy Cha và lên tiếng: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện!” (Ga 14:8) thì đó đã là cả một lời tuyên xưng đức tin rất can trường và hiếm có. Nếu đối với các người môn đệ – những kẻ tin đã là như thế, thì đối với những ai không tin, đương nhiên việc ao ước được nhìn thấy Đức Chúa uy hùng để rồi phải chết là điều không thể. Do đó câu khảng định tiếp theo của Đức Giêsu lại càng chói tai, càng khó chấp nhận hơn đối với nhóm cử tọa đa nghi: “Tôi là bánh trường sinh, bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.”
Khi đồng hóa việc ‘nhìn thấy Cha’ – là điều không ai dám làm, với việc ăn bánh và tin vào Người Con, Đức Giêsu đã làm một mời gọi vô cùng táo bạo, vượt quá hết mọi giới hạn chấp nhận của người đương thời. Nó đòi dân chúng nói chung, đặc biệt đám thính giả Do Thái nói riêng, phải có khả năng chuyển dịch từ quan niệm về một Thiên Chúa quyền uy cao cả, xa cách và đáng khiếp sợ, để chấp nhận diện mạo đối nghịch về một Thiên Chúa gần gũi, thấp hèn và từ nhân. Điều này cũng giống như đòi các tín đồ Do Thái nhiệt thành phải bỏ hẳn lối hiểu biết về (hay niềm tin vào) Đức Chúa oai hùng của Môsê và các tổ phụ, để đặt trọn niềm tin vào một Thiên Chúa Nhập Thể biểu hiện nơi con người ông Giêsu quá tầm thường này, “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông chúng ta đều biết cả” (câu 42). Đơn giản họ không bao giờ có thể chấp nhận nổi điều này!
Đối với Kitô hữu chúng ta ngày nay, chính vì Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể đã dần trở thành một ‘công thức’ quen thuộc, cho nên việc chấp nhận lời mời gọi ‘ăn bánh trường sinh’ cũng không còn là điều gì quá chói tai. Tuy nhiên cũng như mãi mãi Thiên Chúa Nhập Thể vẫn là một mầu nhiệm khó nuốt trôi, thì việc ‘ăn bánh hằng sống’ với tất cả niềm tin sâu sắc cũng chẳng dễ dàng gì. Bao lâu ta còn đặt nặng việc tôn thờ một Thiên Chúa quyền uy cao cả, bấy lâu ta còn chưa thể khai thác được tất cả sự phong phú của Mầu Nhiệm Nhập Thể; bao lâu ta chưa thể thuyết phục được mình, rằng yếu tính quan trọng nhất của Thiên Chúa chính là sự từ bi nhân ái và hay xót thương, bao lâu ta còn chưa chịu chấp nhận “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9) khi ngước nhìn lên Thập Giá, bấy lâu ta vẫn chưa thể bị thuyết phục rằng: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Thế đó, Thánh Thể luôn là biểu hiện của một niềm tin sâu sắc nhất (mầu nhiệm đức tin) chính là ở điểm này!
Niềm tin của tôi vào Thánh Thể hệ tại ở điều gì?
Lạy Chúa, bao lâu con còn chu chu chắm chắm tôn thờ sự hiện diện uy nghi cao cả của Chúa sau mỗi lần rước lễ, bấy lâu con chưa thể chân nhận Chúa chính là ‘bánh bởi trời’ nuôi sống con. Con phải tôn thờ Chúa, nhưng là tôn thờ một Thiên Chúa thật gần gũi, khiêm hạ và tự hiến, sẵn sàng hiến thân mình làm của ăn nuôi con. Xin cho con biết chuyển dịch cách hữu hiệu niềm tin của con từ việc quá quan tâm tới sự toàn năng cao cả của Chúa qua việc nhấn mạnh trên lòng nhân từ xót thương của Người, đặc biệt trong những lần con được diễm phúc tiến lên rước Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
——————————————-
Hãy Trở Về Với Lòng Thương Xót Chúa
TP HCM đang dịch bệnh bùng phát, sự dữ lan tràn, nhưng ta lại nghe kể nhiều về những nghĩa cử cao đẹp, về tình cảm tốt, thái độ tử tế, và tấm lòng rộng rãi của người này người kia đối với người, với nơi bị phong tỏa, chúng ta gọi đó là lòng tốt của sự thương cảm giữa người với người dành cho nhau.
Ở lúc khó khăn này người ta mới thấy cần đến tình người để bao bọc, để chia sẻ, để nương tựa nhau là cần thiết. Khi Covid chưa đến thì con người xa cách nhau, và luôn cảm thấy đồng tiền và quyền lực sẽ bảo vệ mình, và sẽ cho mình một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Rồi bỗng nhiên một buổi sáng ngôi nhà bị phong toả, con hẻm bị giăng dây, và có khi cả khu phố bị rào chắn, tự dưng mình lại trở thành như những tù nhân thiếu thốn mọi sự, hoang mang đủ điều . . . Lúc này, con người mới thấy cần lắm tình người dành cho nhau, giầu nghèo lúc này đều như nhau. Có tiền cũng không mua được tiện nghi cho mình. Có quyền lực cũng không cho mình sự bình an. Con người thực sự cần đến bình an.
Nhưng có thật là khi con người quây quần bên sẽ mang lại bình an cho nhau không?
Thưa không, vì những sự quan tâm chia sẻ cho nhau chỉ làm giảm bớt lo lắng và phần nào yên tâm về thể lý, hoặc tâm lý. Nó không mang lại bình an thực sự. Sự bình an thực sự chỉ có ở nơi Đấng có thể chiến thắng sự dữ mới giúp cho con người an toàn khi nương nhờ nơi Ngài.
Đó chính là lòng xót thương của Thiên Chúa. Con người lúc này cần Thiên Chúa xót thương và giải cứu. Cần Thiên Chúa cúi xuống để che chở. Cần Thiên Chúa cúi xuống để băng bó vết thương cho con người. Đây là điều mà Chúa Giê-su đã mặc khải cho thánh nữ Maria Faustina về sự bình an cho thế gian chỉ có khi nào con người quay trở về nương ẩn nơi Lòng Thương Xót Chúa . Trong NK LTX số 699 viết:
“Các linh hồn đừng sợ đến gần Cha, ngay cả khi tội lỗi nó đỏ tươi như máu. Lòng thương xót Cha rộng rãi vô biên đến nỗi trí khôn của con người hoặc của thiên thần cũng không có thể đo lường được. Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi chúng quay về Suối Nguồn Tình Thương của Cha”.
Nhìn vào cuộc Cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài đến để mang bình an cho nhân thế. Ngài đến để giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương. Ngài đi gieo vãi yêu thương. Ngài đi nối kết tình người. Ngài đi xoa dịu đau thương. Ngài sống một cuộc đời thanh thoát không lệ thuộc của cải danh vọng trần gian. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài không kết án ai. Đỉnh cao của dấu hiệu yêu thương ấy là chết cho người mình thương.
Cuộc đời Ngài ví tựa tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Tấm bánh mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Tấm bánh làm vui lòng trẻ thơ cũng như người già. Tấm bánh hòa tan cho muôn người. Kẻ thấp hèn cũng như người giầu sang. Tấm bánh thêm sức mạnh cho mọi người. Kẻ no đầy cũng như người khát. Tấm bánh nối kết tình mọi người. Vì “bánh ngọt bẻ đôi” sẽ là nhịp cầu thân ái cho người với người gần nhau hơn. Tấm bánh đời Ngài ban cho thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ”. Đó là tấm bánh phục sinh. Bánh cải từ hoàn sinh. Bánh trao ban sự sống đời này và cả đời sau.
Phải chăng Ngài cũng mời gọi chúng ta đón nhận tấm bánh đời Ngài để sức sống, ân sủng, tình thương của Ngài thẩm thấu trong cuộc đời chúng ta, để chính chúng ta cũng trở thành tấm bánh trao ban bình an và hạnh phúc cho tha nhân?
Ước gì nhân loại hôm nay tin nhận vào quyền năng của Thiên Chúa và quay trở về nương ẩn nơi Lòng Thương Xót Chúa để được cứu chữa. Ước gì khi chúng ta nhận ra Lòng Thương Xót Chúa dành cho mình, thì mỗi người hãy biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, đồng thời biết noi gương Chúa sống yêu thương anh em đồng loại của mình.Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
—————————————-
Bánh Tình Thương
Một thế giới đói khát tình thương
Chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu tình huynh đệ, đói tình thương, khao khát hòa bình. Nguyên nhân chính đưa đến thảm trạng nầy là con người có những nhận định sai lầm về người khác.
Có một số nhận định sai lầm về người khác đưa đến hậu quả tai hại như sau:
Thứ nhất: Tha nhân là người xa lạ.
Nhiều người cho rằng tha nhân là người xa lạ, chẳng liên quan gì đến mình. Hậu quả là họ theo chủ nghĩa “mackeno” (mặc kệ nó), sống chết mặc bây, mạnh ai nấy sống, không hề quan tâm giúp đỡ nhau.
Thứ hai: Tha nhân là nguồn lợi béo bở cần khai thác triệt để.
Trong chế độ nô lệ, người chủ khai thác sức lao động của nô lệ, bắt họ làm việc quần quật ngày đêm như trâu cày, ngựa kéo… để hầu hạ, phục dịch mình.
Trong thời buôn bán nô lệ ngày xưa, có nhiều người khốn khổ bị buôn đi bán lại như súc vật và cho đến hôm nay, nạn buôn người, buôn bán nội tạng con người…vẫn còn đang tiếp diễn.
Ngoài ra, trên phạm vi toàn cầu, một số nước lớn tìm cách thống trị những nước yếu hơn, chiếm đoạt lãnh thổ, vơ vét tài nguyên phong phú của họ về cho mình.
Thứ ba: Tha nhân là kẻ thù cần tiêu diệt.
Dựa theo quan điểm nầy, một số quốc gia theo đuổi chiến tranh, chạy đua vũ trang, đua nhau chế tạo những thứ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, chế tạo nhiều tên lửa liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử có sức công phá dữ dội, có sức hủy diệt kinh hoàng…
Đau lòng thay, đây là một chọn lựa mà nhiều quốc gia trên thế giới xem là khôn ngoan và được đa số người dân đồng thuận.
Chính những nhận định, những chủ trương sai lầm và tai hại như thế là nguyên nhân gây ra vô vàn đau thương cho nhân loại, là động cơ xô đẩy nhân loại đến bên bờ hủy diệt.
Như thế, đe dọa lớn nhất, nguy cơ lớn nhất đối với nhân loại hôm nay không phải là thiếu đói cơm bánh vật chất, nhưng là thiếu tình huynh đệ, đói khát tình thương.
Chính vì thế, khát vọng mãnh liệt nhất của nhân loại qua bao thời là được sống trong hòa bình, trong hiệp thông huynh đệ, trong tình yêu thương.
Tiếc thay, không ai trong loài người có thể đáp lại khát vọng sâu xa mãnh liệt nầy.
Mong đợi “Bánh bởi trời”
Khi con người không thể tự cứu mình, khi bánh từ lòng đất không thể cứu loài người khỏi cơn đói khát tình thương… thì Thiên Chúa đã ban cho nhân loại “Bánh bởi trời” để giải thoát họ khỏi cơn đói nầy. Bánh đó là Chúa Giêsu, như lời Chúa phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
Chính Chúa Giêsu là “Bánh” Chúa Cha ban xuống để cứu con người khỏi cảnh đói khát tình thương, khỏi cảnh nồi da xáo thịt, khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, khỏi hận thù chiến tranh, đồng thời mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc đời nầy và đời sau.
Chúa Giêsu là “Bánh bởi trời” cứu loài người khỏi “đói” tình huynh đệ bằng cách vén mở cho họ biết rằng mỗi người trên dương thế thật sự là con yêu quý của Thiên Chúa Cha, do đó, mọi người đều là anh chị em con cùng một Cha trên trời, vì thế, phải yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà.
Chúa Giêsu là “Bánh bởi trời” cứu loài người khỏi đói khát tình thương khi bày tỏ cho họ biết mỗi người là một chi thể của Ngài, mỗi người là hiện thân của Ngài, vì thế, những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa, yêu người là yêu Chúa nên sẽ được ban thưởng đời sau; ghét người là ghét Chúa nên phải mang án phạt đời đời… Khi nhận ra sự thật nầy, người ta sẽ không còn oán ghét hay làm hại nhau, trái lại sẽ tận tình yêu thương phục vụ lẫn nhau. Bấy giờ, thế giới nầy sẽ là trời mới đất mới nơi hòa bình và công lý ngự trị; trái đất nầy sẽ trở thành một đại gia đình huynh đệ ấm áp tình người.
Và đặc biệt hơn hết, Chúa Giêsu là “Bánh bởi trời” khi Ngài trao ban Thân mình Ngài cho nhân loại, để những ai đón nhận “Bánh nầy” sẽ được kết hợp nên một với Ngài và được sống muôn đời với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Thế giới chỉ thực sự được hòa bình, nhân loại chỉ thực sự được hạnh phúc, khi muôn dân muôn nước đón nhận và được nuôi dưỡng bằng “Lời hằng sống” là thứ “Bánh bởi trời” do Chúa tặng ban.
Xin ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại để Ngài soi sáng tâm hồn mọi người biết quý trọng và đón nhận bánh vô cùng cao quý này. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
———————————–
Quà Tặng Tình Yêu
CN XIX TN-B – (Ga 6, 41 – 51)
Quà tặng bởi trời thương tặng ban
Tăng sức tâm hồn vượt nguy nan
Khó khăn cạm bẫy luôn bền chí
Thử thách chông gai chẳng thở than
Thánh Thể dưỡng nuôi nguồn sức mạnh
Thánh Kinh soi sáng lối bình an
Niềm tin vào Đấng Cha sai đến
Hạnh phúc vĩnh hằng hưởng Thánh Nhan.
Hạt Nắng
————————————–
Bánh Bởi Trời
CN XIX TN-B – (Ga 6, 41 – 51)
Về Nhà Cha hành trình đầy gian khổ,
nhiều chông gai lắm cạm bẫy bủa giăng.
Sóng gió cuộc đời kiếp trôi nổi trầm thăng,
gian nan thử thách sức mỏi mòn chiến đấu.
“Bánh bởi trời” tình yêu còn in dấu,
quà tặng Cha ban hằng nâng đỡ ủi an.
Tình yêu thương tình thắm thiết nồng nàn,
nguồn sự sống tăng niềm tin sức mạnh.
“Bánh bởi trời” chính người Con Chí Thánh,
bỏ vinh quang mang thân phận kiếp người.
Đem Tin Mừng chiếu nắng ấm xuân tươi,
tình sưởi ấm sáng soi điều chân lý.
“Bánh bởi trời”, giữa dòng đời khổ lụy,
nên thần lươnghiến Thịt – Máu chính mình.
Chịu khổ hình, nên của lễ hy sinh,
tình tự hiến cho đời ơn cứu rỗi.
***
“Bánh bởi trời” vẫn hằng ngày mong đợi,
đợi chiên hoang thiết đãi tiệc ân tình.
Thánh lễ gọi mời ban sự sống trường sinh,
hồn tươi trẻ cuộc đời thêm phong phú.
“Bánh bởi trời” một tình yêu bất hủ,
tan biến trong con từng thớ thịt, máu hồng.
Thịt – Máu Người tình mật thiết hiệp thông,
tình tiến hóa thần linh nguồn hạnh phúc.
***
“Bánh bởi trời” cho con nguồn dũng lực,
noi gương Cha nên tấm bánh cuộc đời.
Trao nụ cười an ủi kiếp đơn côi,
sống yêu thương xóa bức tường ngăn cách.
Chia áo cơm cho người đang đói rách,
nên men nồng ấp ủ mối tình thân.
Đem niềm tin kẻ bước lạc bước phong trần,
sống bác ái xóa tan niềm thù oán.
Đem bình an cho tâm hồn bấn loạn,
biết tìm về nguồn mạch suối trường sinh.
Nhận ra Cha lòng thương xót cao minh,
luôn chăm sóc dưỡng nuôi đàn con dại.
“Bánh bởi trời” – Giêsu – Lòng nhân ái,
con nguyện bước theo Ngài nên tấm bánh tình yêu.
Bâng Khuâng Chiều Tím
——————————
Tấm Bánh Tình Yêu
CN XIX TN-B – (Ga 6, 41 – 51)
Tấm bánh bởi trời, Cha ban xuống trần gian,
nguồn gốc thần linh, Chiên Con gánh tội tình.
Hiến Máu – Thịt mình nên nguồn sức sống,
sự sống trường sinh nguồn hạnh phúc bình an.
Giông tố ngập tràn nguy nan chốn trần gian,
cạm bẫy phù vân chông gai bước đại ngàn.
Có Chúa đồng hành đương đầu thử thách,
giữ vững niềm tin an vui bước hành trình.
Con tôn thờ, con tuyên xưng,
nhiệm tích tình yêu.
Con kính tin “tấm Bánh Tình Yêu”,
nhiệm tích huyền siêu.
Tình yêu thương của Cha vô bờ,
ban “Bánh bởi trời” tặng cho thế nhân.
Tấm bánh cuộc đời Cha ban xuống đời con,
nồng thắm tình son nên nhân chứng Nước Trời.
Bác ái, quên mình công bằng, liêm chính,
sức sống thần linh chia vui bánh đời mình.
M. Madalena Hoa Ngâu
———————————-
Quà Tặng Tình Yêu
CN XIX TN-B – (Ga 6, 41 – 51)
Ôi! Tấm Bánh bởi trời!
Ôi! Lời Thiêng tuyệt vời!
Quà tặng thần linh Cha ban cho thế nhân,
đáp đền Tình Cha làm sao cho xứng cân.
Đường về Nhà Cha chông gai bão bùng,
khó khăn chập chùng nắng gắt mưa sa.
Nương nhờ Tình Cha thần lương tiếp sức,
cho con dũng lực lên núi Tình Yêu.
Đường trần hoang liêu giá băng tình người,
nghĩa nhân suy đồi ray rứt tim côi.
Tin Mừng Lời Cha cho con ánh sáng,
bão giông đại ngàn gian khó vượt qua.
Nồng nàn yêu thương dấn thân giữa đời,
bánh thơm cho người gieo rắc tin yêu.
Thánh Thể huyền siêu trường sinh sức sống,
tương giao thắm nồng ấm áp Tình Cha.
Nắng Sài Gòn
————————————-
Sức Sống Thần Linh
CN XIX TN-B – (Ga 6, 41 – 51)
–
Thật hạnh phúc làm con cái Chúa,
được dưỡng nuôi mật sữa tình yêu.
Thương con vất vả cô liêu,
trần gian cạm bẫy tiêu điều an sinh.
Yêu thương con nặng tình tri kỷ,
Lời Chúa là Chân Lý sáng soi.
Khi con mệt mỏi rã rời,
Lời ban sự sống cho đời an vui.
Sống trong con ngọt bùi chia sẻ,
giúp hồn con mạnh khỏe kiên cường.
Dặm trường thử thách tai ương,
lương thực bổ dưỡng thần lương nhiệm mầu.
Bánh Hằng Sống tình sâu khao khát,
Nước Trường Sinh tưới mát tâm linh.
Vì yêu Chúa hiến thân mình,
cho con cuộc sống thần linh rạng ngời.
Thuyền con đang giữa biển khơi,
nhấp nhô ngọn sóng chơi vơi chòng chành.
Tình Yêu Chúa bước đồng hành…
AP. Mặc Trầm Cung