“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 7-13).
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo.
Người lại bảo: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ”. Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Hành Trang Người Môn Đệ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Người Sai Các Ông Đi Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Rao Giảng Về Sự Thống Hối Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Loan Báo Tin Mừng Với Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Lên Đường Hạt Nắng Trg 9
Tiếp Nối Hành Trình Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Cùng Chúa Vào Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tình Ca Lên Đường Nắng Sài Gòn Trg 13
Tình Ca Nhân Chứng A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Hành Trang Người Môn Đệ
Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.
Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.
Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.
Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.
Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.
Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?
3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?
4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Người Sai Các Ông Đi
Đọc sách Tin Mừng Marcô, người ta dễ dàng thắc mắc tại sao Đức Giêsu lại sai các môn đệ lên đường đi rao giảng sớm quá như vậy, với một chuẩn bị quá sơ sài như thế; và quan trọng hơn nữa, các ông môn đệ này lên đường rao giảng cái gì đây, họ đâu đã được dạy dỗ căn kẽ gì cho cam?
Quả vậy, chỉ tới chương 3 của sách Tin Mừng, tác giả Marcô mới cho biết Đức Giêsu ‘lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn… Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng’ (Mc 3:13-14); sau đó trong chương 4 tác giả ghi lại một vài nét giáo huấn của Người qua một số dụ ngôn, rồi chương 5 tường thuật thêm một vài phép lạ… và thế là chương 6 Người đã sai các ông đi rao giảng. Trước hết khó có thể xác quyết là các môn đệ đã nắm bắt và thấu hiểu tường tận sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu muốn mạc khải (Gioan chương 16). Chính vì thế mà ta có thể kết luận rằng, mục đích của chuyến sai đi lần này cùng lắm là để các môn đệ nếm được cái cảm nghiệm sơ khởi, ‘được cùng Thầy chia sẻ một sứ mạng’.
Sứ mạng Đức Giêsu được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn một là công bố: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần… anh em hãy sám hối” (Mc 1:15). Trong giai đoạn này việc tỏ lộ quyền năng Thiên Chúa qua các dấu lạ là rất cần thiết, nhất là đối với đám dân chúng bình dị. Đức Giêsu đã thực hiện một số phép lạ để quả quyết rằng: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:20). Vì thế, không lạ gì, khi sai môn đệ lên đường lần này, Đức Giêsu chỉ trang bị cho các ông duy một điều, ‘Người ban cho các ông quyền trừ quỷ’. Tiếng là rao giảng, nhưng hình như các môn đệ giảng dạy rất ít, ngoài việc ‘kêu gọi người ta ăn năm sám hối’; các ông hành động nhiều hơn, ‘Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh’. Hành động như thế các ông đề cao quyền năng Thiên Chúa hơn là sức mạnh của mình. Đó là lý do, hay để làm nổi bật điều đó, ‘các ông không được mang gì đi đường… không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng… không được mặc hai áo’. Tóm lại giai đoạn này cần hành động, nhưng là hành động làm lộ rõ quyền năng Thiên Chúa.
Giai đoạn hai, đồng thời cũng là tâm điểm của sứ mạng Đức Giêsu, là mạc khải Tin Mừng cứu rỗi qua cuộc tử nạn thập giá. Giai đoạn này không cần tới nhiều phép lạ cho bằng làm sao để mọi người nhận biết lòng nhân ái vô biên của một Thiên Chúa xót thương và cứu độ. Ngay cả Đức Giêsu trong giờ phút đó cũng giữ thái độ thinh lặng thay vì làm dấu lạ như vua Hêrôđê yêu cầu (xem Lc 23:8-11). Chương 16 sách Tin Mừng Marcô sẽ đề cập tới việc sai đi lần thứ hai này; “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16:15). Việc loan báo này hình như cũng không cần nhiều lời giảng dạy cho bằng nhiều chứng nhân, ‘anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari, và cho đến tân cùng trái đất’ (Cv 1:8). Các môn đệ nói chung, và Tông Đồ Gioan nói riêng, chắc chắn đã hiểu được giá trị của việc làm chứng này; “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Hơn thế nữa, chứng từ này sẽ không phải là thuyết minh dài dòng, chưng dẫn các lý lẽ và bằng chứng thuyết phục, nhưng chủ yếu dựa vào Thần Khí Chúa, một dạng quyền năng tuyệt vời của Thiên Chúa Cứu Độ. Sai đi lần hai này là như thế, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em! Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. (Ga 20:21-22).
Như vậy ta nhận ra một điều, trong cả hai giai đoạn này vai trò của con người xem ra khá giới hạn! Suy tư trên giúp tôi nắm bắt rõ hơn tiến trình ‘truyền giáo’ và hoạt động tông đồ của Hội Thánh nói chung qua các thời đại, cách riêng các hoạt động của chính cá nhân tôi; đó là rao giảng Tin Mừng phải bằng hành động trong quyền năng Thiên Chúa, và công bố Hồng Ân Cứu Độ qua chứng tá đức tin dưới tác động mãnh liệt của Thần Khí Chúa…, đồng thời cũng cần xác định rõ, vai trò của mình trong công cuộc vĩ đại đó thật là nhỏ bé. Một rao giảng như thế cũng không đòi tôi nhất thiết phải là một bậc thánh hiền, một gương mẫu về đạo đức, một trí tuệ siêu phàm hay thông minh tài trí, nhưng ngay trong sự yếu đuối của mình, tôi có thể chứng tỏ được Thiên Chúa Cứu Độ đang hoạt động mãnh liệt và hữu hiệu nơi tôi.
Trong thời gian dưỡng bệnh tại Hàn Quốc sau cuộc tham gia trực tiếp truyền giáo ngắn ngủi tại Mông Cổ, tôi đã dành thời giờ chiêm ngắm thánh Phanxicô Xaviê và nghiệm ra các điều trên, rao giảng bằng chứng tá cuộc sống.
Lạy Chúa! Qua các thời đại, Chúa đã sai nhiều tông đồ khác nhau đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân; người này Chúa sai thực hiện giai đoạn một, người khác thể hiện giai đoạn hai, kẻ khác nữa cả hai giai đoạn cùng một lúc. Có lẽ con thuộc thành phần thứ ba chăng? Xin cho con luôn biết xác tín rằng, để trở nên môn đệ và tông đồ đích thực, con cần làm lộ rõ sức mạnh quyền năng Chúa trong hành động và hiện diện sinh động của Thần Khí Chúa trong tâm hồn con. Xin dạy con giảm bớt tin tưởng đặt nơi ‘bao bị, tiền đồng, cơm áo, v.v…’ thậm chí ngay cả trí tuệ, nhân đức hoặc thánh thiện của mình. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Rao Giảng Về Sự Thống Hối
Có người nói rằng: “Người Công giáo ủy mị quá”. Ủy mị nên luôn cho mình yếu đuối cần sám hối. Ủy mị là nhận mình hèn yếu để cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa.
Quả thực, nghi lễ Công Giáo luôn khởi sự bằng hành vi sám hối. Sám hối để cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa ngõ hầu xứng đáng đón nhận ơn lành từ bí tích của Thiên Chúa. Sám hối không phải là hành vi ủy mị mà là dám nhìn nhận con người thực sự của mình. Nhận ra sai trái để sửa đổi. Nhận ra lỗi lầm để hoán cái. Nhận ra con người thật của mình thật hèn yếu bất toàn để nhờ ơn Chúa kiện toàn con người của mình hoàn hảo hơn.
Sám hối và nhận ra lỗi lầm là cần thiết để làm gương mẫu cho con người hôm nay. Con người hôm nay thường đổ lỗi cho hoàn cảnh và có khi còn đổ lỗi cho Trời cao đã không giúp nên mình mới khổ sở như vậy? Khi con người đánh mất ý thức về lỗi lầm của mình thì sẽ không sửa đổi và có khi vì tội lỗi của mình mà gây nên đau khổ cho tha nhân.
Tôi đã thấy một người đàn ông, ngày đêm mài miệt trong cuộc đen đỏ, không còn thiết gì đến chuyện làm ăn. Về nhà còn đầy đọa vợ con. Ai khuyên cũng chẳng được. Vẫn lún sâu trong kiếp đỏ đen.
Thế rồi, một lúc kia “ruộng nương bán hết, xỏ chân vào cùm”. Hết khổ cùm, đến khổ đói. Bao nhiêu bạn bè đều lảng hết, anh ta lang thang “tìm việc”. Nhưng tìm đâu ra?
Anh ta mới quay than thở, kêu trách, oán thán, nói phạm thượng v.v…
Nhưng đâu phải Chúa muốn làm anh ta đau khổ. Mọi đau khổ đến với anh và gia đình đều do lỗi lầm của anh. Thế nên, chính anh phải biết nhận ra cái sai của mình để có thể thưa lên với Chúa và gia đình rằng: “lỗi tại tôi mọi đàng”.
Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu vẫn là hãy sám hối và hoán cải đời sống. Ngài luôn cho con người thấy sự hoàn thiện của Thiên Chúa để con người biết nhìn vào Thiên Chúa mà thay đổi đời sống cho phù hớp với họa ảnh của Thiên Chúa. Và khi sai các Tông ra đi rao giảng Tin Mừng thì Chúa Giêsu vẫn căn dặn các tông đồ phải rao giảng về sám hối. Không có sám hối thì không có canh tân. Không có sám hối thì tin mừng không mang lại bình an cho con người. Khi con người được lời Chúa biến đổi thì họ phải thống hối để nhờ đó mà thay đổi đời sống của mình cho phù hợp với Tin Mừng.
Lời mời gọi thống hối ấy trước tiên dành cho chính những người đi rao giảng. Họ phải là người sống thanh thoát với danh lợi thú chứ không phải là người đi tìm kiếm những tiện nghị, những lợi lộc trần thế. Người tông đồ phải hướng lòng mình khỏi những ràng buộc của vật chất. Đây chính là lối sống của chứng nhân Tin Mừng. Bởi vì ai mà chẳng có lòng tham. Tham tiền, tham quyền, tham tình . .. Có những lúc yếu đuối chúng ta đã để lòng tham ấy chiếm đoạt tâm trí khiến chúng ta bị ràng buộc bởi những danh lợi thú. Và đây chính là lý do mà Chúa luôn đòi hỏi các tông đồ và mọi người cần thống hối ăn năn từng ngày, từng giờ và nhờ ơn Chúa chúng ta sẽ kiện toàn con người của mình nên hoàn thiện hơn.
Tất cả cuộc thay đổi của các tông đồ và các thánh nhân đều được khởi sự nhờ lòng tin. Lòng tin giúp chúng ta dễ dàng từ bỏ đường tội lỗi để trở về với Chúa.Lòng tin sẽ giúp con người biết kiện toàn mình hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện. Xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta có thể bước đi trong thánh ý Thiên Chúa. Xin thêm đức tin để mỗi người biết thống hối và canh tân cho phù hợp với người môn đệ kiên trung của Chúa. Amen
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
Loan Báo Tin Mừng Với Chúa Giêsu
Như người cha trong gia đình không muốn tự mình làm hết mọi việc, để con cái ngồi chơi xơi nước, nhưng muốn đoàn con cùng tham gia làm việc với mình để chúng trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta là con cái Ngài tham gia làm việc với Ngài như thế.
Chính vì thế, khi muốn có đông người sinh sống trên mặt đất, Thiên Chúa không tự mình nắn lên từng người một, nhưng Ngài đã dựng nên nguyên tổ loài người là Ađam và Eva rồi trao cho hai ông bà và con cháu qua các thế hệ, cộng tác với Ngài sinh thêm những người con khác, nhờ đó, nhân loại được sinh sôi phát triển khắp địa cầu.
Trong công cuộc cứu chuộc loài người cũng thế, Chúa Giêsu không tự mình đảm đương mọi việc, nhưng Ngài đã trao cho các Tông đồ, các môn đệ cùng hợp tác chặt chẽ với Ngài trong sứ mạng hệ trọng nầy.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy việc ra đi rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ, kêu gọi người ta ăn năn sám hối … vốn là việc của Chúa Giêsu, thế mà Ngài lại trao cho 12 môn đệ lên đường làm công việc đó.
Sau nầy, Ngài còn sai Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ lên đường tiếp nối sứ mạng cao cả nầy .
Và trước khi về trời, Chúa Giêsu trao cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta sứ mạng rao giảng Tin Mừng khắp nơi.
Từ ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy (Rửa tội), chúng ta được trở nên chi thể, trở nên bàn tay của Chúa Giêsu như Hội Thánh dạy: “Bí tích Thánh Tẩy làm cho ta trở thành chi thể Chúa Giêsu.”
Vì được trở nên chi thể Chúa Giêsu, chúng ta được thông dự vào vai trò ngôn sứ, tức là vai trò rao giảng của Chúa Giêsu cũng như vai trò tư tế và phục vụ của Ngài.
Là ngôn sứ của Chúa Giêsu, nghĩa là người rao giảng lời Chúa, chúng ta phải tích cực tham gia vào sứ mạng này mà không được thoái thác với bất cứ lý do gì.
Giúp cho bao người chung quanh hiểu biết và yêu mến Chúa là nhiệm vụ chính yếu của chúng ta. Chúng ta không thể trông chờ Chúa Giêsu xuống thế làm người lần thứ hai để loan Tin Mừng cho họ, điều đó không cần thiết vì đã có chúng ta là môi miệng của Chúa rồi, chúng ta phải mở miệng ra mà loan báo.
Sáng hôm kia thức dậy, ông Năm kinh hoàng tột độ khi phát hiện ra rằng mình bị cấm khẩu, không nói được lời nào. Dù cố gắng nói đôi lời với vợ con, nhưng ông cứ ú a, ú ớ… mãi mà không thốt nên lời. Ông vô cùng bực bội, rất đỗi buồn phiền và đau khổ vô cùng vì không ngờ mình trở nên câm đặc.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng truyền lệnh cho chúng ta là miệng lưỡi của Ngài hãy mở ra để loan Tin Mừng, để giới thiệu cho bao người nhận biết và yêu mến Chúa… nhưng chúng ta vẫn im hơi lặng tiếng. Ngài thúc giục hoài, Ngài khuyến dụ đủ cách… nhưng chúng ta là môi miệng của ngài vẫn câm nín, vẫn lặng im. Vì thế, Ngài bực bội biết dường nào, buồn phiền, đau khổ biết bao !
Lạy Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Tẩy đã biến chúng con thành chi thể của Chúa, làm cho chúng con trở thành miệng lưỡi của Chúa và điều Chúa mong muốn nhất là chúng con phải mở lời giới thiệu Chúa cho mọi người không trừ ai.
Xin cho chúng con đừng thoái thác trách nhiệm của mình để khỏi làm cho Chúa đau lòng vì không nói được điều Chúa muốn nói với những người chung quanh chúng con. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Lên Đường
CN XV TN-B – (Mc 6, 7 – 13)
Ra đi gieo rắc hạt tình thương
Tiếng Chúa gọi con bước dặm trường
Phó thác đơn sơ trong khốn khó
Cậy trông khiêm tốn chốn thê lương
Tình Ngài mật thiết lòng yêu mến
Nhân thế hợp đoàn dạ cảm thương
Vật chất tiện nghi không vướng bận
Chương trình của Chúa chí kiên cường
Hạt Nắng
——————————————
Tiếp Nối Hành Trình
CN XV TN-B – (Mc 6, 7 – 13)
Tiếng Chúa gọi con đi vào cuộc sống,
loan báo Tin Mừng giữa xã hội hôm nay.
Nhưng Chúa ơi!
Bao cám dỗ giăng đầy,
phương tiện vật chất,
xô thuyền đời con nghiêng ngả.
Phút chạnh lòng kiểu ơn đền oán trả,
con ngại mở lòng quảng đại với tha nhân.
Ngại sẻ chia,
vì con đang thiếu đang cần,
ngại thăm viếng,
vì con còn tất bật chuyện nhu cầu cơm áo.
Ngại dấn thân, sợ đắm chìm trong giông bão,
sợ lụy thân ngại lên tiếng Sự Thật – Công Bình.
Không dám hòa mình,
với những người khốn khổ, điêu linh.
Sợ rồi ngại,
ấy thế mà con vẫn tự hào là Nhân Chứng.
Bộ mặt giả hình con chơi trò tung hứng,
giữa những khổ đau cùng cực của anh em.
Giả điếc làm ngơ,
tiếng kêu van của kẻ thấp hèn,
đang giơ cánh tay cầu cứu,
trước bạo lực bất công áp bức.
Lời Chúa hôm nay xoáy hồn con tỉnh thức,
bởi kém lòng tin thiếu mật thiết với Ngài.
Thiếu lòng cậy trông phó thác,
khi gặp bước chông gai,
thiếu tâm hồn đơn sơ khiêm nhượng,
khi thực hiện Chương Trình của Chúa.
Thiếu tình liên đới với anh em,
làm hồn con hoen úa,
chẳng biết cảm thông với chiên lạc bị lãng quên.
Nhắm mắt khoanh tay,
sợ gặp rắc rối gây phiền.
Sợ mất chức quyền mất địa vị,
sợ sóng gió đẩy xô.
Chứng nhân tông đồ,
con mang nhãn hiệu “MACKENO”,
hồn con lạc lõng giữa Cánh đồng Truyền giáo.
***
Tình Chúa khoan dung thứ tha,
vẫn gọi con giữa đất trời giông bão,
hãy quay về hòa nhịp sống với anh em.
Can đảm dấn thân giữa nghịch cảnh đan xen,
con tim tự hiến giữa dòng đời vạn biến.
Ân sủng Chúa giúp hồn con hướng thiện,
tiếp nối hành trình,
đem Tin Mừng gieo rắc khắp muôn phương.
Bâng Khuâng Chiều Tím
———————————————
Cùng Chúa Vào Đời
CN XV TN-B – (Mc 6, 7 – 13)
Con bước vào đời đầy dẫy những chông gai,
phú quí vinh hoa lạc thú tiền tài.
Phương tiện cuộc đời mây đen giăng lối,
tiếng Chúa thì thầm trong nắng ấm ban mai.
Hãy bước theo Thầy nhân chứng giữa phong ba,
từ khước lợi danh bất chính gian tà.
Phương tiện cuộc đời tin yêu phó thác,
đôi chân nhẹ nhàng hồn thanh thoát hoan ca.
Vào đời con cùng Chúa vào đời,
băng đồi vượt thác đến vùng đất mới.
Không bạc tiền không bao bị bánh cơm,
một trái tim yêu trong tâm hồn phơi phới.
Tin Mừng – Tin Mừng đến mọi người,
khó nghèo đơn sơ sống đời nhân chứng.
Không muộn phiền con tim đầy mến thương,
đến với tha nhân chia sẻ nỗi đoạn trường.
Nhân chứng Tin Mừng liên đới với anh em,
thiếu thốn tiện nghi vật chất thấp hèn.
Khiêm hạ quên mình trung trinh tiến bước,
tinh thần khó nghèo không tranh chấp bon chen.
M. Madalena Hoa Ngâu
——————————————
Tình Ca Lên Đường
CN XV TN-B – (Mc 6, 7 – 13)
Chúa gọi con vào đời,
loan báo tin vui đến với mọi người.
Bước đi thảnh thơi,
nhẹ nhàng an vui tâm hồn phơi phới.
Hành trang lên đường
không tiền giắt lưng không bận lòng cơm áo.
Tình yêu dâng trào mật thiết, ngọt ngào,
là tình Chúa trong tim.
Khúc tình ca lên đường,
kiên nhẫn hy sinh trên bước dặm trường.
Rắc gieo tình thương,
khiêm nhường đơn sơ tâm hồn phó thác.
Niềm vui hoan lạc,
cho dù bão giông hay tình đời đen trắng.
Niềm tin vĩnh hằng chân lý công bằng,
chương trình của Chúa chung tay.
Ra đi, hân hoan ra đi,
gian khó khổ đau con chẳng lo sợ gì.
Có Chúa cùng đi,
dẫu ngàn hiểm nguy không hề nao núng.
Kiên trung tin yêu kiên trung,
thi thố tình thương tiếp Bài Ca Nghìn Trùng.
Bẩy nổi ba chìm,
tin Chúa quan phòng dâng tình yêu tín trung.
Nối vòng tay ân tình,
liên kết anh em trên bước hành trình.
Sức mạnh Thần Linh,
sóng đời điêu linh giữ lòng liêm chính.
Cậy trông hướng thiện,
khước từ hư danh trái tim hồng bất biến.
Niềm vui khó nghèo băng thác vượt đèo
Cánh đồng Truyền giáo, lúa reo.
Nắng Sài Gòn
———————————————-
Tình Ca Nhân Chứng
CN XV TN-B – (Mc 6, 7 – 13)
Chúa gọi con đi làm nhân chứng,
loan Tin Mừng giữa những gian nan.
Niềm tin phó thác lên đàng,
chẳng mang tiền bạc chẳng màng bánh cơm.
Dựa vào Chúa hoa đơm kết trái,
dẫu bấp bênh chẳng ngại ra đi.
Hành trang ơn Chúa phù trì,
mật thiết cầu nguyện sợ gì khó khăn.
Nhờ ơn Chúa chúc lành ban phước,
sống khó nghèo, khiêm nhượng, đơn sơ.
Sóng con lướt nhẹ vào bờ,
đời con tín thác nương nhờ Chúa thôi.
Đời nhân chứng bồi hồi cảm xúc,
cảnh đói nghèo, tủi nhục tha nhân.
Đón người chẳng chốn nương thân,
cảm thông chia sẻ nghĩa nhân với đời.
Nêu gương sáng rạng ngời cuộc sống,
làm chứng nhân sống động trung kiên.
Anh em liên đới mọi miền,
sáng danh Thiên Chúa diệu huyền lời ca.
Hân hoan vui bước đường xa…
AP. Mặc Trầm Cung