I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Mc 6,7-13.
(7) Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. (8) Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; (9) được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. (10) Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. (11) Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”. (12) Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. (13) Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
2. Ý CHÍNH : Đức Giê-su sai 12 Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Người chỉ thị cho các ông phải rao giảng Tin mừng: Phải liên kết từng hai ngừơi thành một nhóm, sống siêu thoát khó nghèo và đầy lòng cậy trông phó thác. Các ông đã vâng lời ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa bằng việc kêu gọi sám hối, xua trừ ma quỷ và xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
3. CHÚ THÍCH :
-C 7 : + Người gọi nhóm Mười Hai lại : Trước đây Đức Giê-su đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai, để các ông “ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (x. Mc 3, 13-14). + Sai đi từng hai người một : Tông đồ (Apostolus) nghĩa là “người được sai đi”. Đức Giê-su sai Nhóm Mười Hai đi từng hai người để nâng đỡ nhau và biểu lộ sự hiệp nhất yêu thương là dấu hiệu môn đệ đích thực của Người (x. Ga 13,35).+ Ban cho các ông quyền trừ quỷ : Quỷ (diabolos – nghĩa là kẻ vu khống), hoặc Xa-tan (nghĩa là địch thủ), thường được dùng để chỉ về một nhân vật vô hình, chuyên nói dối và xúi giục loài người phạm tội chống lại Thiên Chúa. Sứ mệnh của Đức Giê-su là “tiêu diệt ma quỷ” (x. Dt 2,14), xua trừ chúng ra khỏi người bị nhập (x. Mc 5,8.13). Hôm nay Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ ( c 13) và sau khi trở về các ông đã báo cáo với Người như Tin mừng Lu-ca ghi lại như sau: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy thì cả ma quỷ cũng phải chịu khuất phục chúng con” (x. Lc 10,17).
-C 8-9 : + Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đuờng: Nghĩa là các ông phải có phong cách đơn giản khi đi truyền giáo. + Chỉ trừ cây gậy : Được mang gậy là biểu tượng quyền mục tử và là vật hộ thân khi đi đường. + Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng: Không mang theo lương thực, bao bị, tiền bạc vật chất để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa quan phòng sẽ lo mọi sự cho mình. + Được đi dép : Tin mừng Mác-cô cho đi dép (x Mc 6,9) đang khi Tin Mừng Mát-thêu lại cấm đi giày hay cầm gậy theo (x. Mt 10,10). Sở dĩ có sự khác nhau về một vài chi tiết phụ này là tùy theo tác giả đứng trên quan điểm văn hóa Hy Lạp hay Do Thái khi viết Tin Mừng. + Không được mặc hai áo: Người Do Thái khi đi đường thường mặc hai áo : Áo trong và áo choàng ngoài. Áo choàng là áo mặc ngoài để che nắng nóng ban ngày và làm mền đắp ấm ban đêm. Đức Giê-su không cho các Tông đồ mặc hai áo vì là cuộc hành trình truyền giáo ngắn hạn nên việc mang hai áo không thực sự cần thiết.
-C 10-11 : + Đã vào nhà nào thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi : Theo phong tục Đông Phương, dân chúng rất hiếu khách. Do đó khi các Tông đồ đã đến ở trọ nhà nào, thì phải ở đó cho đến lúc ra đi. Nếu tự ý đổi chỗ ở sẽ làm cho chủ nhà buồn lòng và các ông sẽ bị đánh giá là người “trọng phú khinh bần”. + Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ : Giũ bụi chân là một cử chỉ người Do Thái thường làm khi đi từ miền đất của dân ngoại trở về miền đất của Do thái. Cử chỉ giũ bụi chân biểu lộ sự tuyệt giao vì dân Do Thái bị cấm tiếp xúc với dân ngoại. Ở đây giũ bụi chân làm bằng chứng họ đã từ chối Tin Mừng được loan báo.
-C 12-13 : + Đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối : Sám hối là việc phải làm trước tiên để dọn tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Khi đi thực tập truyền giáo, các Tông đồ mới chỉ được Đức Giê-su trao nhiệm vụ kêu gọi người ta ăn năn sám hối, giống như Gio-an Tẩy Giả đã làm (x Mt 3,2). + Các ông trừ được nhiều quỷ : Các Tông đồ đã trừ được nhiều quỷ nhân danh Đức Giê-su và nhờ quyền năng của Người. Tuy nhiên có lần các ông không trừ được quỷ vì các ông không mạnh bằng lòai quỷ dữ đó (x. Mc 9,17-18). Các ông chỉ trừ được chúng do quyền năng của Đức Giê-su ban cho nhờ cầu nguyện và ăn chay (x. Mt 17,21). + Xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh : Xức dầu là cách chữa bệnh phổ biến thời Đức Giê-su. Có những loại dầu trị bá chứng được dùng để chữa mọi thứ bệnh thông thường. Dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu cho thấy ông ta cũng dùng dầu và rượu để chữa vết thương cho người gặp nạn (x. Lc 10,34). Ở đây, việc xức dầu còn mang tính bí tích nữa như thánh Gia-cô-bê dạy : “Ai trong anh em ốm yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến. Họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh. Người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu đã phạm tôi, thì sẽ được Chúa thứ tha” (x. Gc 5,14-15).
4. CÂU HỎI : 1) Đức Giê-su tuyển chọn Nhóm Mười Hai nhằm mục đích gì ? 2) Tại sao Đức Giê-su lại sai từng hai người đi truyền giáo ? 3) Quỷ hay Xa-tan ám chỉ ai ? Đức Giê-su có sứ vụ gì đối với ma quỷ ? 4) Đức Giê-su đã ra lệnh cho các Tông đồ phải làm gì và các ông đã thi hành thế nào ? 5) Đức Giê-su chỉ thị cho các Tông đồ được mang và không được mang theo những gì khi đi truyền giáo ? Tại sao ? 6) Lý do có sự khác biệt trong các chỉ thị của Đức Giê-su giữa Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu ? 7) Tại sao các ông chỉ nên ở trọ trong một nhà và không được dời từ nhà này sang nhà khác ? 8) Việc giũ bụi chân lại khi gặp thành không tiếp nhận lời các ông giảng dạy có ý nghĩa thế nào ? 9) Tại sao trước hết các ông phải kêu gọi ngừơi ta ăn năn sám hối ? 10) Do đâu mà các Tông đồ khử trừ được nhiều quỷ ? 11) Tại sao có lần các ông không trừ được một quỷ câm ? Theo Đức Giê-su thì muốn trừ được lọai quỷ này cần phải có điều kiện nào ? 12) Tại sao Đức Giê-su truyền cho các Tông đồ xức dầu để chữa bệnh ? Thánh Gia-cô-bê dạy gì về bí tích Xức Dầu bệnh nhân ?
II. SỐNG LỜI CHÚA :
1. LỜI CHÚA : Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh (Mc 6,13).
2.3. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM :
1) THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG:
Một hôm thánh Phanxicô gọi một tu sĩ trong dòng cùng đi với mình đi rao giảng Tin Mừng. Hai thầy trò rảo qua các đường phố tại Assie cách thật nghiêm trang, vừa đi vừa suy gẫm về Chúa. Về tới nhà, tu sĩ lấy làm ngạc nhiên thắc mắc khi không thấy thánh nhân dừng lại ở chỗ nào để giảng dạy. Bấy giờ thánh nhân mới mỉm cười và trả lời rằng: “Chúng ta đã giảng bằng chính gương sáng, bằng lòng sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn”.
** SUY NIỆM:
-Trước khi về trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ và trao sứ mệnh truyền giáo cho các ông như sau: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,8).
-Qua bí tích rửa tội, đặc biệt là bí tích thêm sức, người Kitô hữu cũng được sai đi đến với tha nhân, được sai đi với tinh thần siêu thoát và với sức mạnh của Thánh Thần.
-Đối tượng mà chúng ta cần rao giảng không ở đâu xa mà chính là những người đồng hương, bạn đồng nghiệp và những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc… Thánh Phao-lô đã khẳng định về nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của người tín hữu như sau: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1Cr 9, 16) .
-Trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes) Công Đồng Va-ti-ca-nô II cũng khẳng định như sau: “Giáo Hội nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cũng tiến bước trên con đường mà Chúa Giê-su đã đi, là nghèo khó, vâng phục, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết”.
2) TẠI SAO PHẢI SỐNG SIÊU THOÁT KHI ĐI TRUYỀN GIÁO?
Người ta kể rằng: có một thanh niên muốn từ bỏ mọi sự thế gian để sống cuộc đời tu trì. Anh quyết định vào trong một khu rừng vắng để sống ẩn tu trong một chiếc lều tạm. Hành trang duy nhất anh mang theo là chiếc áo vải thô để mặc khi đi khất thực hằng ngày như các tu sĩ thời đó.
Một ngày kia, anh rất buồn khi thấy chiếc áo thô anh phơi ở bờ sông đã bị lũ chuột cắn nát. Anh đành phải vào trong làng xin một chiếc áo thô khác. Nhưng rồi chiếc áo thứ hai này cũng cùng chung số phận bị chuột cắn. Anh liền nghĩ ra cách phải nuôi mèo để bảo vệ chiếc áo. Nhưng rồi, khi có mèo mỗi ngày anh lại phải lo thêm phần ăn cho mèo để nó đuổi chuột.
Ngày ngày đeo bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng cho dân làng. Nghĩ thế, anh đã cố gắng tiết kiệm để dành tiền mua một con bò để hằng ngày khỏi phải đi xin ăn. Nhưng khi có bò rồi, hằng ngày thay vì đi khất thực anh lại phải đi kiếm cỏ cho bò ăn. Việc chăn nuôi bò ngày càng phát triển khiến anh không còn thời giờ để cầu nguyện tối sớm như trước. Rồi anh phải thuê thêm người đi cắt cỏ để nuôi đàn bò. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ dần biến thành một trang trại rộng lớn. Do đàn bò ngày một sinh sôi nảy nở nên anh phải thuê thêm nhân công cho trang trại. Con người ban đầu muốn từ bỏ mọi sự để thành một tu sĩ, nay lại trở nên một ông chủ trang trại nuôi bò sữa to lớn.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có thêm người bạn đời để sớm hôm chia sẻ gánh nặng công việc. Anh đã lấy vợ sinh con và trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình như bao người khác. Thế là anh đã đánh mất lý tưởng tu trì chỉ vì muốn bảo vệ một chiếc áo vải thô.
** SUY NIỆM:
-Câu chuyện trên cho thấy một người ban đầu có thiện chí muốn đi theo lý tưởng tu trì cao đẹp, nhưng khi bắt đầu bận tâm lo làm ăn kinh tế, anh đã không còn hứng thú với việc cầu nguyện và suy niệm là hai yếu tố giúp anh trung thành với lý tưởng tu trì.
-Rồi xác thịt có đặc điểm “được đằng chân, lân đằng đầu”: Một khi thân xác đã được hưởng thụ các tiện nghi vật chất, thì nhu cầu muốn được thỏa mãn thêm các tiện nghi khác sẽ ngày một gia tăng.
-Như vậy lòng tham lam tiền bạc chính là nguyên nhân làm cho người ta ham hưởng thụ các tiện nghi và dần dần đánh mất đi lý tưởng cao đẹp. Vì thế Đức Giê-su đã chỉ thị cho các tông đồ phải sống siêu thoát để dễ dàng chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.
3) THIÊN CHÚA THƯỜNG HÀNH ĐỘNG NHỜ TAY LOÀI NGƯỜI:
Vào một buổi sáng mùa đông, một người đàn ông đi ngang qua một ông lão ngồi ăn xin trên vỉa hè tuyết rơi lất phất. Ông lão run lên từng cơn vì trời lạnh và bụng đói. Nhìn thấy lão ăn xin, người đàn ông cảm thấy thương hại liền thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa lại không làm gì để giúp đỡ cho lão ăn mày đáng thương này?” Và ông đã nghe Thiên Chúa trả lời: “Ta đã làm rồi”.
Ông ta lại thưa với Chúa: “Phải chăng việc Chúa làm có vẻ như không làm ?”.
“Đúng thế”, Chúa đáp.
Ông ta lại hỏi: “Nhưng Chúa giúp lão ăn mày này bằng cách nào?”
Chúa đáp: “Ta đã tạo dựng nên con và Ta muốn con hãy thay Ta mà giúp đỡ cho người anh em nghèo khó này đó”.
** SUY NIỆM:
– Chúa Giê-su đã chọn lựa các môn đệ, huấn luyện họ trong một thời gian và sai họ đi thực tập truyền giáo noi gương Người.
– Trên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đòi các môn đệ phải có nếp sống siêu thoát: “Không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy”. Gậy là biểu tượng vai trò mục tử và là vật hộ thân khi đi đường; “Không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng” để biểu lộ lòng tín thác vào Chúa quan phòng; “Được đi dép” là nhu cầu tối thiểu, “nhưng không được mặc hai áo” do không cần thiết, vì việc truyền giáo chỉ vài ba ngày.
– Người muốn các ông thể hiện dấu chỉ của người môn đệ đích thực là yêu thương hiệp nhất khi sai các ông đi từng nhóm hai người một (x. Mc 6,7) và phải đi đến với mọi người không phân biệt Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, giàu có hay nghèo khó…
– Các ông đã đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối (x. Mc 6,12) và đã làm chứng cho Chúa bằng việc: xua trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa bệnh cho nhiều người đau ốm (x. Mc 6,13).
– Mối tín hữu chúng ta hôm nay cũng được Chúa chọn, để được huấn luyện và được sai đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng với ơn trợ lực của Thánh Thần. Vậy chúng ta sẽ làm gì để chu toàn sứ vụ của mình ?
4) CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA:
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng, có một ngôi nhà thờ Công giáo. Bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su. Tuy nhiên, sau cuộc chiến thì bức tượng đã bị bom đạn phá hủy thành nhiều mảnh vung vãi trên mặt đất. Còn bàn tay bức tượng thì đã bị biến mất.
Một nhóm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn của bức tượng và cẩn thận lắp ráp lại thành pho tượng như cũ. Riêng hai bàn tay bức tượng bị biến mất thì họ đề nghị nhờ thợ điêu khắc đến làm lại hai bàn tay khác. Nhưng vị linh mục lại từ chối và nói: “Chúng ta hãy cứ để pho tượng không có bàn tay, và dưới chân đế của bức tượng sẽ để hàng chữ như sau: Chính bạn là đôi tay của Chúa”.
** SUY NIỆM :
Quả thật, nhiều khách đến viếng thăm ngôi nhà thờ đổ và bức tượng không bàn tay đã hiểu được ý nghĩa của câu nói trên như sau:
-Giờ đây tuy bức tượng Đức Giê-su không có bàn tay nhưng Người muốn mỗi tín hữu chúng ta hãy cho Người mượn đôi tay để nâng đỡ những anh em tội lỗi được đứng dậy, băng bó những vết thương đau, chia sẻ cơm áo vật chất cho người nghèo đói;
-Người muốn dùng bàn chân của chúng ta để đi tìm những con chiên lạc mang về đoàn chiên Hội Thánh;
-Người muốn chúng ta dùng đôi tai để lắng nghe và cảm thông với những người bất hạnh;
-Người muốn chúng ta dùng miệng lưỡi để động viên những kẻ khốn cùng, giúp họ tín thác vào sự quan phòng yêu thương của Chúa.
5) SỐNG BÁC ÁI LÀ PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU ĐỂ CHU TOÀN SỨ VỤ:
Cô SO-PHI BÉC-ĐĂNG-CA (Sophie Berdanska) là một tín hữu Công giáo vừa có tài giáo dục trẻ thơ lại vừa có đức tin mạnh mẽ. Một hôm cô được nhận vào làm gia sư trong gia đình Méc-tơn (Merston) giàu có nhưng lại theo Do thái giáo. Công việc chính của cô là dạy kèm cho năm đứa con mới bị mồ côi mẹ. Ngày đầu tiên, khi biết So-phi là người Công giáo, ông Méc-tơn đã cấm cô giảng đạo cho mấy đứa con của ông và cô đành miễn cưỡng chấp nhận. Buổi tối hôm ấy, trong căn phòng riêng dưới tầng hầm, sau khi đọc kinh tối xong, So-phi đã viết lời cầu vào một mảnh giấy nhỏ, xếp gọn rồi nhét vào trong cái hộp nhỏ xíu gắn phía sau chiếc huy chương hình thánh giá. Đây là kỷ vật mà người cha thân yêu đã tặng cô trước khi ông chết, với lời trăn trối cô phải chu toàn sứ vụ làm chứng cho Chúa mọi lúc mọi nơi. Từ ngày cha chết, So-phi luôn đeo chiếc huy chương để nhắc cô về sứ vụ truyền giáo phải thực hiện dù trong hòan cảnh không thuận lợi.
Từ ngày được cô giáo So-phi chăm sóc dạy dỗ, lũ trẻ nhà Méc-tơn ngày càng trở nên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành khác hẳn lúc trước. Chúng quí mến và coi cô như bà mẹ thứ hai. Rồi một ngày kia, tai nạn lần lượt đổ xuống nhà Méc-tơn: Trước tiên là cô bé út Na-ta-cha bị sốt cao khiến ông Méc-tơn rất lo lắng. Ông vội mang con đến bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian này, cô So-phi đã luôn túc trực bên giường bệnh để chăm sóc đứa bé. Rồi đến lượt hai đứa khác cũng bị lây bệnh và cũng được cô giáo tận tình chăm lo cho đến khi cả ba anh em hoàn toàn bình phục. Sau cùng chính cô So-phi lại bị ngã bệnh ! Đây là hậu quả của những ngày vất vả chăm sóc bệnh nhân. Sau hai tuần lễ liệt giường, các bác sĩ đành bó tay không thể chữa cô khỏi bệnh. So-phi đã từ giã cuộc đời trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình Méc-tơn. Trước khi lìa đời, Sophi đã tặng chiếc huy chương hình thánh giá cho Na-ta-cha là cô học trò bé nhỏ của cô.
Thấm thoát đã đến ngày giỗ đầy năm của So-phi. Hôm ấy cả gia đình Méc-tơn dậy sớm và cùng đi nhà thờ dự lễ cầu nguyện cho cô. Tại sao có sự kiện lạ lùng này? Số là sau khi So-phi chết được một tuần, ông Méc-tơn đến thăm các con lúc đó vẫn đang ưu sầu thương nhớ cô gia sư mới chết. Tình cờ ông thấy chiếc huy chương trong tủ kính. Tò mò cầm lên xem, ông mở hộp nhỏ phía sau chiếc huy chương, lấy ra một mẩu giấy và đọc thấy hàng chữ như sau: “Lạy Chúa, trong nhà Méc-tơn này, con đã bị cấm nói về Chúa với lũ trẻ. Vậy xin Chúa giúp con nói với chúng bằng hành động khiêm nhường yêu thương và phục vụ. Con hy vọng gia đình này có ngày sẽ tin vào Chúa và cũng được hưởng ơn cứu độ giống như con”. Ông Méc-tơn rất xúc động khi đọc những hàng chữ này. Ông trao cho các con cùng đọc và chúng cũng xúc động như ông. Rồi cả gia đình Méc-tơn đã đến xin học giáo lý tại một nhà thờ công giáo gần nhà và đã được nhận phép Rửa Tội gia nhập đạo công giáo vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh năm đó.
** SUY NIỆM:
-Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy cũng là những chứng nhân”. Chỉ có các hành động yêu thương kèm theo lời giảng mới có sức thuyết phục con người thời nay tin theo Đức Giê-su.
-Mỗi tín hữu hôm nay cần gắn bó với Chúa Giê-su như cành nho tháp nhập vào thân cây nho. Vì nếu không có ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ không thể chu tòan sứ vụ làm chứng cho Chúa được (x Ga 15,5).
-Hãy học tập lối sống của các tín hữu thời Hội Thánh Sơ Khai, đã được sách Công Vụ ghi lại như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42).
-Trong cuộc sống xã hội, mỗi người chúng ta hãy biết nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và quảng đại tha thứ các xúc phạm của họ, luôn nghĩ đến người khác và khiêm tốn phục vụ họ, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để được mối lợi là thêm nhiều người tin yêu Chúa và cùng chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng ta.
4. THẢO LUẬN : 1) Bạn có kinh nghiệm nào nơi bản thân hay nơi tha nhân về hiệu quả của việc truyền giáo bằng lối sống chứng nhân bác ái không ? 2) Trong những ngày này, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để giới thiệu Chúa là Tình Thương cho bạn bè và người thân chưa biết Chúa ?
5. LỜI CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa, cho chúng con luôn chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa bằng lối sống quên mình vị tha, dấn thân hy sinh và khiêm nhường phục vụ tha nhân cách chân thành. Nhờ đó, người ngòai sẽ nhận biết tôn thờ và tin theo Chúa để cùng được hưởng ơn cứu độ đời đời với chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM