Bản Tin Mục Vụ Giáo Xứ Sao Mai, Số 168, Tháng 07/2021

NỘI DUNG
BẢN TIN SAO MAI SỐ 168.- THÁNG 07/2021

I.LÁ THƯ LM CXỨ TH 07/2021: SỐNG ĐỨC TIN TRONG MÙA ĐẠI DỊCH.
II.HỌC SỐNG NHÂN BẢN TH 07/2021: TIẾN TRÌNH HỌC LÀM NGƯỜI CỦA CÁC TÍN HỮU
III.MỤC VỤ HNGĐ TH 07/2021: ĐỂ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH ĐƯỢC VỮNG BỀN..
IV.HSTM TH 07/2021: CN 14 TN B.- CN 15 TN B.- CN 16 TN B. CN 17 TN B.
V.TRANG MVỤ TH 07/2021: MV GIỚI TRẺ.- MV GIA ĐÌNH.- MV CA-RI-TAS.
VI.THÔNG TIN GIÁO XỨ TH 07/2021.

SINH HOẠT GIÁO XỨ

I. LÁ THƯ LM

I. LÁ THƯ LM CHÍNH XỨ THÁNG 07/2021

Chúng ta đang sống trong cơn đại dịch Covid-19, mỗi ngày vi-rút lây lan đến rất nhiều người trên thế giới và gây tử vong cho hằng triệu người. Việt nam chúng ta, đặc biệt TP Hồ chí Minh trong thời điểm này cũng đang trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Chúng ta cần thi hành triệt để các biện pháp như 5 K như khử trùng phòng ốc, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang…và tiêm vác-xim theo chỉ thị chung của chính quyền thành phố.
– Cách riêng với bà con giáo xú Sao Mai, ngoài việc tuân theo các chỉ thị của chính quyền, chúng ta còn cần theo hướng dẫn để sống đức tin của Toà Tổng Giám Mục Saigon như sau:
– Tạm ngưng các sinh hoạt mục vụ và các buổi cử hành phụng vụ chung của cộng đoàn cho đến khi có thông báo mới.
– Chúng ta nhận ra rằng rốt cuộc con người chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Vi-rút co-ro-na dạy con người khiêm tốn hơn, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới Thiên Chúa và vĩnh cửu.
– Chúng ta khâm phục và cám ơn sự quảng đại và can đảm của các bác sĩ, nhân viên y tế, những thiện nguyện viên, những người hy sinh sự an toàn của bản thân và gia đình để dám liều mạng cứu giúp bệnh nhân.
– Người Kitô hữu tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, và đây là điều chúng ta phải cống hiến cho thế giới. Vào thời điểm này, nhân loại vẫn hoàn toàn bất lực. Có cảm nhận về sự bất lực của mình, chúng ta mới nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, và ý thức hơn rằng cầu nguyện chính là sứ mệnh cao cả của Hội Thánh.
Chúng ta hãy phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin Chúa ban ơn cho các nhà khoa học sớm tìm ra phương thuốc chữa trị và phòng ngừa. Nguyện xin Đức Mẹ là Mẹ từ ái của toàn thể nhân loại thương chữa lành thế giới. Xin thánh Giu-se là Đấng bảo vệ Hội Thánh gìn giữ Dân Chúa được bình an.
– Chúng ta tin rằng: Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện, khao khát mong mỏi, vì cần có thời gian để chúng ta có thể thấm thía các bài học Chúa muốn dạy. Vi-rút nhỏ bé dường như vô hình lại có sức thay đổi lối sống con người. Nếu chúng ta biết mở mắt và lắng nghe, mùa tai họa này lại sẽ trở thành mùa ân phúc.

LM Dom ĐINH-VĂN-VÃNG
(ĐAN VINH)

II. HỌC SỐNG NHÂN BẢN THÁNG 07/2021
TIẾN TRÌNH HỌC LÀM NGƯỜI CỦA CÁC TÍN HỮU

1. LỜI CHÚA: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5,48).
2. CÂU CHUYỆN: TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC HỌC LÀM NGƯỜI
Ðại sư Tinh Vân có một đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học anh ta liền học lên Thạc sĩ, rồi lại học lên Tiến sĩ. Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, người đệ tử đó đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm anh về quê nhà vinh qui bái tổ, đến gặp thầy cũ Tinh Vân và thưa thầy: “Bạch sư phụ, nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, vậy con có còn phải học thêm gì khác nữa không?” Ngài Tinh Vân bảo: “Học làm người”. Học làm người là điều quan trọng nhất, và mọi người đều phải học suốt đời.
3. SUY NIỆM:
Học làm người rất bao la, nên cần học một số điều trọng yếu để trở thành người tốt và hữu ích cho xã hội, cụ thể như sau:
1. Học Khiêm Nhu: Răng cứng, lưỡi mềm, nhưng thường đến cuối đời, răng sẽ dần rụng hết nhưng lưỡi vẫn còn nguyên. Đó là bài học về giá trị của sự mềm mỏng, khiêm nhu. Người khiêm nhu thì tâm ổn định. Tâm mình có an thì xã hội mình đang sống mới được hòa.
2. Học Nhận Lỗi: Con người thường không muốn nhận phần lỗi về mình, mà thường hay đổ lỗi cho người khác do không biết mình và tự ái cao. Trong các lỗi lầm thì “Không biết mình” là lỗi lầm lớn nhất. Khi nhận ra lỗi mình, chúng ta sẽ thể hiện được đức tính khiêm tốn độ lượng và sẽ được nhiều người yêu mến. Người biết nhận lỗi là người trưởng thành về nhân cách và hy vọng sẽ đạt được thành công trong mọi việc như binh pháp Tôn Tử dạy: “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng; Không biết người mà chỉ biết mình, một trận thắng một trận thua; Không biết người, không biết mình, mọi trận đều bại”,
3. Học Nhẫn Nhịn: Nhẫn là biết cách ứng xử, biết cách hóa giải, biết dùng trí tuệ và năng lực để biến chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa ra không. Có thể nói: nhẫn nhịn là thứ “bùa hộ mệnh” mang lại hiệu quả đặc biệt. Trong giao tiếp nếu biết nhẫn thì sẽ làm cho “sóng yên biển lặng”. Nhẫn nhịn không phải là thái độ hèn nhát nhục nhã, nhưng là thái độ của người có chí khí anh hùng như câu chuyện “Hàn Tín lòn trôn” cho thấy.
4. Học Thấu Hiểu: Không hiểu nhau sẽ nảy sinh thị phi, tranh chấp, hiểu lầm, thù hận… Nên thấu hiểu sẽ giúp ta dễ dàng cảm thông và sống hoà hợp với tha nhân. Thiếu sự cảm thông thì sẽ không có tha thứ và khó lòng chung sống hòa bình với mọi người.
5. Học Khước Từ: Cuộc đời như một chiếc va-li, lúc cần dùng thì xách nó lên, không cần thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống mà ta không đặt xuống, cũng giống như một người đi du lịch với túi hành lý cồng kềnh mang theo vậy. Biết buông bỏ khước từ mới giúp sinh tồn.
6. Học Xúc Ðộng: Nhận ra ưu điểm của người khác thì ta nên khen ngợi; Chứng kiến điều không may của người khác thì ta nên cảm thông như lời Thánh Kinh: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết động lòng trắc ẩn là điều thiện hảo mỗi người cần có.
7. Học Sinh Tồn: Ðể sinh tồn, chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe, cả về tinh thần lẫn thể xác như người xưa dạy: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Tinh thần thoải mái thì thân thể khỏe mạnh, và ngược lại. Thân thể khỏe mạnh không chỉ mang lại ích lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè được an vui.
4. CHÂM NGÔN: “Gieo suy nghĩ gặt hành vi ; Gieo hành vi, gặt thói quen; Gieo thói quen gặt tính cách; Gieo tích cách gặt số phận”.
5. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp các tín hữu chúng con tin và đi theo con đường của Chúa. Xin đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con ngày nên hoàn thiện noi gương Thiên Chúa. Cho chúng con từng bước học sống thành người trưởng thành về nhân cách, thành một tín hữu đạo hạnh, một môn đệ thực sự của Chúa luôn sống yêu thương. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa như lệnh Chúa truyền cho môn đệ trước khi về trời (x. Cv 1,8). – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

III. MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH THÁNG 07/2021
ĐỂ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH ĐƯỢC VỮNG BỀN

1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy các tín hữu Cô-rinh-thô như sau: “Tình yêu thì kiên nhẫn; tình yêu phục vụ; tình yêu không ghen tương, tình yêu không tự đắc; tình yêu không vênh vang, tình yêu không làm điều bất chính; không tìm tư lợi; không nóng giận; không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tình yêu chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả; hy vọng tất cả; tin tưởng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
2. SUY NIỆM:
Trong Tông huấn “Amoris laetitia” (Niềm Vui Yêu thương), Đức Phanxicô đã dựa vào thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rinh-thô để dạy các tín hữu, đặc biệt các đôi vợ chồng phải cư xử với nhau như thế nào để cuộc sống chung được hạnh phúc bền lâu.
1) Tình yêu đòi kiên nhẫn
Theo Đức Phanxicô: “Có kiên nhẫn không phải là để cho mình luôn bị đối xử xấu, cũng không chấp nhận để bị ức hiếp thể xác, cũng không để người kia xem mình như đồ vật. Tình yêu luôn mang một ý nghĩa trắc ẩn sâu đậm, chấp nhận người kia như một phần của thế giới này, dù khi họ phản ứng một cách ngoài ý muốn của mình. Vấn đề xảy ra khi chúng ta đòi hỏi các quan hệ phải lý tưởng, hoặc người kia phải hoàn hảo, hoặc chúng ta đặt mình là trung tâm vũ trụ, muốn ý của mình phải được tuân theo. Khi đó chúng ta không còn kiên nhẫn, chúng ta hung hăng phản ứng lại.”
2) Tình yêu gắn liền với phục vụ
Đức Phanxicô nhấn mạnh lời thánh Phaolô viết: “Muốn nói đến tình yêu không phải chỉ là cảm nhận tình cảm, nhưng phải hiểu động từ ‘yêu’ theo nghĩa của tiếng Hê-brơ là ‘làm điều tốt’”.
“Thánh I-Nhã đã nói: ‘tình yêu phải ở trong hành động nhiều hơn là trong lời nói’.
Như thế tình yêu cho thấy tất cả sự phong phú của nó và cho chúng ta trải nghiệm được hạnh phúc là khi biết cho đi. Cao thượng là cho đi nhưng không, trọn vẹn, không cân đo, để có được niềm vui tinh tuyền khi cho và khi phục vụ tha nhân.”
3) Tình yêu không ganh ghét
Đức Phanxicô nói với chúng ta: “Trong tình yêu, không thể nào nghĩ mình khổ khi thấy người khác được tốt (x. Cv 7: 9; 17: 5). Ham muốn là nỗi buồn vì người khác được tốt, chứng tỏ mình không quan tâm đến hạnh phúc của người khác, vì mình chỉ nghĩ đến lợi ích của mình.”
“Tình yêu đích thực là mừng với thành công của người khác, không cảm thấy như mình bị đe dọa, tình yêu giải thoát khỏi sự cay đắng vì ham muốn. Tình yêu chấp nhận mỗi người có ơn khác nhau và con đường khác nhau trong cuộc sống.”
4) Tình yêu không vênh vang, không kiêu ngạo
Đức Phanxicô lưu ý: “Ai yêu thì không những tránh nói về mình, nhưng tập trung nói về người khác, họ biết đặt mình đúng chỗ không tự cho mình là trung tâm. Có một số người cho mình cao trọng hơn người khác vì họ nghĩ mình có học hơn, họ đòi hỏi và kiểm soát người kia; nhưng thật ra, cái làm chúng ta nên cao trọng là thái độ thông cảm, che chở, bảo bọc người yếu thế và chính đó mới là những điều làm chúng ta nên cao trọng.”
5) Tình yêu không làm điều bất chính
Đức Phanxicô giải thích: “Yêu nhưng cũng là người đáng yêu, có nghĩa là tình yêu không thô bạo, không phản ứng một cách bất lịch sự, không gay gắt trong các quan hệ. Lời nói, cử chỉ, phong cách phải dễ chịu chứ không thô tháp cứng ngắt. Tình yêu là không muốn làm cho người khác bị đau khổ.”
6. Tình yêu không tìm tư lợi
Đức Phanxicô nhắc lại: “Ngược với lối suy nghĩ bình thường: yêu người khác thì trước hết phải yêu chính mình. Còn bài ca đức mến của Thánh Phaolô thì khẳng định: Tình yêu là không tìm tư lợi, không ích kỷ, không đặt ưu tiên phải yêu chính mình, nhưng cao thượng hơn là hiến mình cho người khác.”
7) Tình yêu không giận dữ
Trong Tông huấn Niềm Vui Yêu thương, Đức Phanxicô cảnh báo để chống lại thái độ: “Bực mình được che đậy, làm cho mình khi nào cũng ở trong thế phòng vệ trước người khác, xem họ là kẻ thù khó chịu cần phải tránh.” Ngài nói: “Phúc Âm nhắc chúng ta hãy nhìn cái đà đang trong mắt mình (Mt 7: 5). Nếu chúng ta cần phải chiến đấu chống lại sự dữ thì chúng ta cứ chiến đấu, nhưng phải luôn nói “không” với bạo lực ngay trong lòng mình.”
8) Tình yêu không hận thù
Đức Phanxicô khuyên: “Đừng để những tình cảm xấu thâm nhập vào trong lòng mình, nhưng phải trau dồi đức tính tha thứ, tha thứ xây dựng một thái độ tích cực, tìm cách hiểu sự yếu đuối của người khác, tìm lý do để biện minh cho người khác. Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới cứu giúp và hoàn thiện sự giao tiếp trong gia đình. Nó đòi hỏi một tấm lòng rộng lượng và nhanh chóng thấu hiểu, bao dung, tha thứ, giải hòa.”
9) Tình yêu là “vui với cái vui của người khác”
Đức Phanxicô nói: “Khi một người yêu, họ có thể làm điều tốt cho người khác, họ vui với cái vui của người khác, đó là cách để làm vinh danh Chúa, vì “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). “Gia đình phải là nơi mà khi có thành viên làm được một điều tốt, họ biết gia đình của cũng sẽ chia vui với họ.”
10) Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Tình yêu là chận lại sự phê phán, là kiềm chế để không nói ra lời lên án người khác cách gay gắt: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án’ (Lc 6: 37)”. Các cặp vợ chồng thương nhau, thường nói tốt cho nhau. Họ nói đến khía cạnh tốt của người kia hơn là các yếu đuối và lỗi lầm. Dù sao họ giữ thinh lặng để không làm xấu đi hình ảnh của người kia. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là các hành động hình thức bên ngoài nhưng nó phải phát xuất từ nội tâm bên trong.
11) Tình yêu tin tưởng tất cả
Đức Phanxicô giải thích: “Đây không phải chỉ là không nghi ngờ người kia nói dối hay lừa gạt mình. Không cần thiết phải kiểm soát, theo sát người kia từng bước để khỏi lọt được mắt mình. Tình yêu là tin tưởng để người kia tự do, không kiểm soát, không kiềm chế, không thống trị.”
12) Tình yêu là hy vọng tất cả
Đức Phanxicô viết: “Đó là hy vọng của người biết người kia có thể thay đổi. Điều này không có nghĩa là tất cả sẽ thay đổi ngay trong đời sống hiện tại. Đó là chấp nhận có một vài chuyện sẽ không như mình muốn, nhưng có thể Chúa viết thẳng với các đường cong và Chúa sẽ rút tỉa ra điều tốt từ cái xấu mà chúng ta không thể khắc phục được ngay trong cuộc sống hiện tại.”
13) Tình yêu chịu đựng tất cả
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sự chịu đựng này không phải là chỉ khoan dung với một số việc trái ý, nhưng là một sự gì cao rộng hơn: một chịu đựng năng động và thường xuyên, cố gắng vượt qua các thử thách.” “Tình yêu không để hận thù, khinh ghét, muốn làm điều xấu, muốn trả thù chế ngự. Lý tưởng trong tinh thần kitô và đặc biệt trong gia đình, tình yêu bất chấp tất cả.”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch).
3. LỜI CẦU:
Lạy Chúa, xin cho mỗi gia đình tín hữu chúng con năm nay biết thánh hóa đời sống hôn nhân gia đình, bằng việc thực hành theo Lời Chúa dạy trong Thư Cô-rinh-thô, để gia đình chúng con có được niềm vui và được hạnh phúc mãi mãi. – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

IV. HIỆP SỐNG TIN MỪNG THÁNG 07/2021
CN XIV TN B
Tuần lễ từ 04/07 đến 10/07/2021.- Mc 6,1-6
TRÁNH THÁI ĐỘ THÀNH KIẾN BẤT CÔNG

-LỜI CHÚA: Bấy giờ dân làng nói : “Nào ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao ? (Mc 6,3).
-Sau khi nghe giải thích Kinh Thánh tại hội đường vào ngày Sabát, dân làng Nadarét tuy có thán phục Đức Giêsu về sự khôn ngoan và tài hùng biện, nhưng họ không tin vào sứ mệnh Thiên Sai của Người do thành kiến về gia thế của Người như lời họ nói : “Nào ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao ? (Mc 6,3). Ngày nay các tín hữu có thể cũng bị người đời đối xử cách bất công khi chúng ta dám lên tiếng chống lại việc phá thai, ly dị và các bất công xã hội khác, nhất là dám tin vào Chúa Giêsu. Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cần tín thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Đấng không bao giờ để chúng ta phải chịu đựng quá sức chúng ta.
-LẠY CHÚA GIÊSU. Xin cho chúng con biết luôn tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại. Mỗi khi bị người đời chống đối, xin cho chúng con biết ứng xử bình tĩnh khôn ngoan và luôn kiên vững đức tin, vì biết rằng chính Chúa xưa cũng từng bị đồng hương chống đối bách hại – AMEN.

CN XV TN B
Tuần lễ từ 11/07 đến 17/07/2021.- Mc 6,7-13
CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

-LỜI CHÚA: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốn và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13).
-Trong thời gian giảng đạo công khai, Đức Giêsu luôn kết hợp giữa việc rao giảng Tin mừng Nước Trời với việc làm các phép lạ cứu nhân độ thế để cho thấy Nước Trời được hình thành đúng như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm : “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng…” (Mt 11,5). Đức Giêsu cũng sai Nhóm Mười Hai môn đệ đi từng hai người một và ban cho các ông quyền trừ quỷ, đồng thời chỉ thị cho các ông phải thực hành tinh thần nghèo khó trên bước đường rao giảng Tin Mừng. Các ông đã đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
-LẠY CHÚA GIÊSU. Hôm nay Chúa cũng sai mỗi người chúng con đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, cụ thể cho đồng bào Việt Nam thân yêu. Xin cho chúng con chu tòan sứ mệnh làm chứng cho Chúa, bằng cách trở thành khí cụ bình an của Chúa để tích cực góp phần làm cho Nước Trời ngày một lan rộng ngay trong môi trường sống và làm việc của chúng con.- AMEN.

CN XVI TN B
Tuần lễ từ 18/07 đến 24/07/2021.- Mc 6,30-34
CHẠNH LÒNG XÓT THƯƠNG

-LỜI CHÚA: Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều (Mc 6,34).
-Tin mừng Máccô cho thấy Đức Giêsu chính là Mục tử tốt lành khi Người quan tâm đến sự vất vả cực nhọc của các môn đệ và bảo các ông hãy tìm đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi cho lại sức. Tuy nhiên khi thuyền cập bến thì đã thấy một đám rất đông dân chúng chờ đón để được nghe giảng Tin Mừng và được chữa lành các bệnh họan tật nguyền, thế là Đức Giêsu lại “chạnh lòng xót thương” và tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng cho họ. Chúng ta hãy xin Chúa ban thêm nhiều vị mục tử khôn ngoan nhân hậu, biết noi gương Mục Tử Nhân Lành Giêsu, để “chạnh lòng xót thương” đàn chiên được trao phó, nhất là chăm sóc những con chiên bệnh tật, bơ vơ đang cần được nâng đỡ trợ giúp.
-LẠY CHÚA GIÊSU. Xin hãy mở con mắt đức tin của chúng con để chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi những người đói khát bệnh tật và mau mắn đáp ứng nhu cầu của họ hầu chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho họ.- AMEN.

CN XVII TN B
Tuần lễ từ 25/07 đến 31/07/2021.- Ga 6,1-15.
ĐỨC TIN HÀNH ĐỘNG

-LỜI CHÚA: Người hỏi Philipphê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (Ga 6,5).
-Ngày nay phần đông dân chúng vẫn bị đói khát cơm ăn áo mặc thuốc men chữa bệnh phần xác… và đói cả lương thực thiêng liêng phần hồn là Lời Chúa và Thánh Thể. Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để giúp đỡ họ cụ thể như thánh Giacôbê dạy: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì ? Cũng vậy, đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2,14-17).
-LẠY CHÚA GIÊSU. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để góp phần giải quyết các nỗi khó khăn bất hạnh của tha nhân. Tuy không làm được những việc lớn lao cho tha nhân, nhưng chúng con quyết tâm sẽ thực hiện mỗi ngày một việc tốt cho tha nhân.- AMEN.
ủa Chúa như ông trưởng hội đường và người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay. -AMEN.

V. MỤC VỤ GIÁO XỨ SAO MAI THÁNG 7/2021

1. MỤC VỤ GIỚI TRẺ:
Hướng đến công tác bác ái và san sẻ yêu thương trong mùa dịch, vào ngày 18/6 vừa qua, Mục vụ Giới trẻ giáo xứ đã phát 100 phần cơm trưa cho các gia đình Hẻm 123 Nghĩa Phát, P.6 bị cách ly. Bên cạnh đó, Mục vụ Giới trẻ cũng truyền thông tới các cá nhân bạn trẻ trong giáo xứ có những hành động thiết thực để hỗ trợ các gia đình nghèo trong mùa dịch. Xin cộng đoàn thêm lời cầu nguyện để công tác bác ái Mục vụ Giới trẻ ngày càng tốt đẹp hơn.
Đại diện ban MVGT: Chị Ánh Tuyết – SĐT: 091 643 0702, Anh Đức Vĩnh – SĐT: 093 114 2637
2. MỤC VỤ GIA ĐÌNH:
Trong tháng 7, Ban Mục Vụ Gia Đình (MVGĐ) sẽ tiến hành các hoạt động sau:
– Do tình hình dịch bệnh covid-19, hàng tuần họp mặt trực tuyến để cùng cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa với nhau. Đồng thời, học sống nhân bản và chia sẻ thông tin đến các gia đình.
– Tặng thiệp chúc mừng các gia đình có kỷ niệm hôn phối trong tháng 7/2021.
– Cộng tác cùng Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ trong việc phục vụ Giáo xứ.
– Đại diện ban ĐIỀU HÀNH MVGĐ là Anh Giuse PHẠM PHÚ CƯỜNG (SĐT: 0908 841 328). Phó ban: Chị Têrêsa PHẠM THỊ THÚY LIỄU (SĐT: 0937 760 448) và Anh Tađêo LÊ VĂN VŨ LINH (SĐT: 0775 751 335)
3. MỤC VỤ CA-RI-TAS:
Mục vụ Ca-ri-tas Tháng 7/2021
-Tháng qua Caritas đã gửi đến mái ấm được 50kg gạo
• Đồng hành với doanh nhân Công Giáo:
Tặng 2 500 kg cho người nghèo trong gx
• Trợ Cấp thường xuyên :
Tặng cho 3 người nghèo, già neo đơn :
Bà Hồ , Bà Tư, Bà Hồng : mỗi bà 200 000 đ , 1k đường , 2 hộp sữa.
Tặng cho 5 bệnh nhân nghèo đang khó khăn mỗi người 500 000 đ
• Trợ cấp trong thời gian dịch covid :
Tặng cho 20 người không có việc làm vì dịch : mỗi người 5kg gạo
Tặng 150 thùng mì và 150 kg đường cho khu phong tỏa hẻm 123 Nghĩa Phát Ph 6 bị phong tỏa.
2) Đại Diện Ban Mục Vụ Ca-ri-tas GX Sao Mai: Trưởng : chị MA-RI-A Hoàng t NHIỄU- DĐ: 0983 043 997; Phó I: Chị MA-RI-A Trần t HOÀNG CHÂU- DĐ: 0908 244 905 ; Phó II: Chị RO-SA Đinh t LÀNH- DĐ: 0903 196 367. Thư ký : Chị MARIA Nguyễn T Thúy– DĐ : 0365 364 243.

 

VI. THÔNG TIN GIÁO XỨ THÁNG 7/2021:

1. Vì đang trong thời gian hạn chế tập trung đông người để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, Giáo xứ tiếp tục tạm ngưng Thánh lễ cộng đoàn mỗi ngày và các sinh hoạt mục vụ. Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện, tích cực cộng tác với cộng đồng xã hội trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, … cho các khu vực cách lý hay những vùng có dịch bệnh.
2. Lễ kính Thánh Tô-ma Tông đồ (03/07/2021) ; Thánh nữ Ma-ri-a Mag-đa-lê-na (22/07/2021); Thánh Gia-cô-bê tông đồ (25/07/2021) ; Thánh Gioa-kim và An-na, song thân Đức Ma-ri-a (26/07/2021)
3. TIN BUỒN: Giáo họ Thánh Phêrô có bà ANNA Bùi Thị Kim Vân – Thành viên ban truyền thông giáo xứ Sao Mai (sinh năm 1958) – mới qua đời hồi 11g45 ngày 17/06/2021. Do tình hình dịch cúm không thể cử hành thánh lễ an táng và không tập trung đông người, LM chính xứ Sao Mai chỉ cử hành nghi thức tiễn biệt tại sân nhà thờ SM hồi 5g00 ngày 19/06/2021.
Cộng đoàn Giáo xứ SM xin chia buồn cùng tang quyến. Xin mọi người cầu nguyện cho linh hồn Anna sớm được hưởng tôn nhan Thánh Chúa.

TRUYỀN THÔNG SAO MAI

TẢI Bản Tin Mục Vụ Giáo Xứ Sao Mai, Số 168, Tháng 07/2021. TẠI DƯỚI.

BẢN-IN-BTSM-SO-168-TH-07-2021