SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 747, CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN – B, 13/06/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 4, 26-34)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Sức Mạnh Phục Vụ Của Tình Yêu Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 2
Gieo Hôm Nay Gặt Ngày Mai Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 4
Chúa Sẽ Cho Mọc Lên Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 6

THƠ TIN MỪNG

Hạt Giống Tình Yêu Hạt Nắng Trg 8
Hạt Giống Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Hạt Giống Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Hạt Giống Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 11
Hạt Giống Tình Yêu A.P Mặc Trầm Cung Trg 12

Sức Mạnh Phục Vụ Của Tình Yêu

Nước Thiên Chúa (Basileia tou Theou) là một khái niệm rất căn bản đối với mọi tôn giáo phát xuất từ truyền thống Abraham: Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo. Tuy nhiên nội dung của nó lại không đồng nhất trong tất cả các truyền thống tôn giáo này, thâm chí ngay trong nền thần học Kitô giáo cũng tồn tại nhiều lối suy diễn rất khác nhau (xin dọc chương 3 Jesus von Nazareth của nhà thần học Joseph Ratzinger – ĐTC Bê-nê-di-tô XVI). Chỉ đơn giản việc dịch chữ Basileia ra tiếng Anh hay tiếng Việt cũng đã là cả một vấn đề gây nhiều tranh cãi (kingdom, empire, realm, domain, rule, dominion, kingship… nước, vương quốc, vương quyền, uy quyền, thống trị…). Tuy nhiên cho dầu từ ngữ này trong dịch thuật hay quan niệm có là gì đi nữa thì gần đây các học giả đều thống nhất khi coi khái niệm ‘Nước Thiên Chúa – Nước Trời’ chính là tâm điểm của sứ điệp Đức Giêsu, cũng như quan niệm ‘Vương quốc Tình yêu’ là nội dung nổi bật hơn cả (xin đọc Richard Chilson, C.S.P.)

Sử dụng khái niệm ‘Nước Thiên Chúa’, Đức Giêsu chỉ muốn đề cập tới một thực tại thật sống động, một thực tại mà, bằng chính sự hiện diện của Người nơi trần thế, Người mới thiết lập được. Thực tại này tuy vô hình nhưng lại rất sinh động và gần gũi, vì thế nên việc Người đã sử dụng nhiều hình ảnh đời thường để miêu tả nó là điều dễ hiểu. Các hình ảnh khác nhau được Người sử dụng không nhằm giải thích một quan niệm trìu tượng khó hiểu cho bằng để mô tả các đặc tính hay các khía cạnh sống động của cái thực tại vô cùng phong phú này. Quả vậy, Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu là cả một nguồn sống, một niềm hy vọng lớn lao, trong đó không được phép pha trộn các quan niệm thống trị, đẳng cập của con người. Và nếu hiểu được cái thực tại phong phú đó chính là tình yêu, một tình yêu bao chùm đầy sinh động, vì Thiên Chúa chính là tình yêu, thì ta sẽ nghiệm ra hình ảnh ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ quả thực chứa đựng cả một nội dung an ủi và hy vọng lớn lao.

Thực tại Thiên Chúa yêu thương đã được âm thầm gieo vãi xuống nền đất của lịch sử nhân loại, Ngay cả sự chuẩn bị cho việc gieo vãi cũng chẳng có gì là hoành tráng nếu so với bao biến cố bi hùng khác trong suốt chiều dài lịch sử. Rồi chính việc gieo vãi lại càng âm thầm lắm, căn cứ vào cuộc đời đơn độc lẻ loi của Giêsu Nazareth, cũng như cái chết thập giá tất tưởi vô vọng của Người. Nhưng sức mạnh của thực tại này thật là vô địch, không gì cưỡng lại được: sức mạnh của tình yêu luôn là thuyết phục và có sức chinh phục, cho dầu sự hiện diện có âm thầm đi nữa. Nếu là một vương quốc của quyền lực thời người ta sẽ phải cất công thiết lập, phải cưỡng chế điều hành, và phải nghiêm túc kiểm tra bảo vệ nó. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về điều này trong mọi thực tại quyền lực của xã hội loài người. Đức Giêsu, nếu có đôi chút thái quá trong việc mô tả sự bất can thiệp của người gieo vãi, thì âu cũng là để làm nổi bật cái yếu tố tất thắng của tình yêu; ‘Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn cứ nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết’. Điều này đúng, trước hết với chính người gieo giống là Thiên Chúa, cụ thể hơn nữa, với chính Đức Giêsu gieo giống. Nó cũng có thể áp dụng được cho bất cứ ai tham gia vào công việc gieo vãi này, các tông đồ trước hết, rồi mọi Kitô hữu, đặc biệt các phẩm trật trong Hội Thánh. Do đó vui mừng và hy vọng luôn phải là thái độ thâm sâu của Hội Thánh Chúa Kitô trong mọi tình huống, dựa trên niềm tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu.

Và nếu thực tại tình yêu này có thể chỉ là quá nhỏ bé và yếu ớt thì điều đó cũng đâu có làm cho Kitô hữu chúng ta phài lo lắng gì nhiều. Theo Đức Giêsu, hạt cải có thể sẽ không bao giờ lớn mạnh thành một cổ thụ cây cao bóng cả che rợp cả một vùng thiên hạ, nhưng chắc chắn nó sẽ ‘mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ núp bóng’. Hình ảnh này gợi ý, sự lớn mạnh của thực tại tình yêu Thiên Chúa sẽ không bao giờ lấn át bất cứ một thực tại nào của con người, nhưng sẽ luôn khiêm tốn và âm thầm cống hiến sự sống và phục vụ. Ôi đẹp thay một vương quốc như thế, Nước Thiên Chúa mà Đức Kitô thiết lập phải là như thế, và Hội Thánh của Người cũng phải là như thế, nếu muốn được coi là Nước Thiên Chúa – Basileia tou Theou hữu hình cho nhân loại.

Nếu quan niệm ‘Nước Thiên Chúa’ cần phải được thanh lọc và chỉnh sửa cho đúng trong toàn Giáo Hội, thì riêng đối với các ‘chức quyền’ của cái Vương Quốc đó, sự chỉnh sửa càng cần thiết và cấp bách biết là dường nào! Tôi có ý thức điều đó không?

Lạy Chúa Kitô – Đấng đã đến để thiết lập Nước Thiên Chúa nơi trần gian, con cầu xin cho Hội Thánh Chúa luôn là dấu chỉ của Vương Quốc tình yêu này. Xin cho mọi phần tử Hội Thánh luôn biết sống trong tin yêu và hy vọng, cũng như biết âm thầm cống hiến và phục vụ không chút mạc cảm yếm thế giữa bao khó khăn và hạn chế. Xin đừng để ngay cả nhiệt tình tông đồ xáo trộn được con, nhưng hằng gìn giữ con trong tin tưởng phó thác, đặc điểm độc đáo nhất của Vương Quốc Tình Yêu này. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Gieo Hôm Nay Gặt Ngày Mai

Có người nói rằng:
Nếu đám cưới ai cũng chọn ngày tốt thì đâu có ngày CHIA TAY
Nếu xây nhà ai cũng chọn ngày tốt thì đâu có ai BÁN NHÀ
Nếu kinh doanh ai cũng chọn ngày tốt thì đâu có ai PHÁ SẢN
Nếu sinh con ai cũng chọn năm tốt thì đâu có CON HƯ
Nếu xem bói, Hầu Đồng có thể tránh được điều xấu thì đâu có ai bị TAI HỌA
Vậy mới biết các thầy bói hay pháp sư chỉ nói về quá khứ chứ không ai biết được tương lai.

Nhưng có một điều chắc chắn là HÀNH ĐỘNG của mỗi chúng ta hôm nay:
“Hôm nay gieo gì – ngày mai sẽ gặt đó”
Những gì mà hôm nay chúng ta đang có đều là kết quả của những việc làm của quá khứ. Và như vậy, những gì chúng ta làm hôm nay, ta đều sẽ nhận lại tương ứng ở tương lai.

Khi ta sẻ chia, giúp đỡ hay cho đi những điều tốt đẹp dành tặng mọi người xung quanh, ta sẽ nhận được tình yêu thương, lòng biết ơn chan chứa từ người đón nhận. Và nơi khuôn mặt ta cũng tỏa ra ánh hào quang nhân ái từ ánh mắt trìu mến và nụ cười đáng yêu.

Khi ta gieo rắc những điều xấu xa, hãm hại hay cản trở người khác, đó cũng là lúc tâm ta bất an và luôn thấp thỏm lo âu , sợ bị phát hiện, trả thù nên gương mặt sẽ luôn ủ rủ, vì không bao giờ có bình an tâm hồn.

Câu chuyện ngụ về người gieo hạt giống hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy gieo Lời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta. Hãy gieo hạt giống của Tin Mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc vào trong nhân thế. Sự diệu kỳ của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Người Kitô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Ở trong gia đình con cái rất cần cha mẹ gieo những hạt giống lời Chúa và lời đầy yêu thương để tâm hồn các em nẩy lộc đơm hoa niềm vui, lạc quan tự tin trong cuộc sống.

Ngày hôm nay con cái rất cần những lời khích lệ, quan tâm nhưng rất nhiều cha mẹ lại gieo vào các em sự sợ hãi bởi chửi mắng, đánh đòn, nhẹ hơn là những lời mỉa mai xem thường.

Trong một lá thư gửi nhân ngày của cha, có em thiếu nhi viết:
Bố à, “Thay vì hỏi “Điểm số thế nào?”, liệu bố mẹ có thể hỏi con “Sức khỏe con thế nào?” là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ. Nhưng lại không phải như thế. Ngày nào con cũng phải nghe nhắc nhở là con cả thì phải làm gương, phải thế này, thế kia. Trong mắt bố mẹ, con lười biếng, không biết giúp đỡ bố mẹ.

Một lá thư khác với nét chữ bị nhòe, như thể được thấm đẫm nước mắt: “Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn, thay vì chỉ nói “Thế đã là cái gì?”… Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con: “Khi nào được 9.0 thì hãy khoe”.
Bố có biết con buồn lắm không, con đã khóc rất nhiều vì không hiểu sao bố lại nói như vậy. Khóc vì con không thể đạt được 9.0 cho bố vui. Con chỉ cần bố nói: “Ừ, tốt lắm”, thôi mà”.

Nếu mỗi người chúng ta thay vì chỉ đòi hỏi nơi người khác phải thế này hay thế kia thì hãy nói những lời khen tặng động viên nhau từ trong gia đình ra đến xóm ngõ chung quanh chắc chắn sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đặc biệt là người Kitô hữu khi ta gieo những giá trị Tin Mừng như tính chân thật, công bằng, liêm khiết nhất là lòng bác ái yêu thương sẽ thay đổi được rất nhiều người và biến trần gian thành một thế giới ngập tràn yêu thương.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn nở hoa và toả hương thơm của yêu thương và bác ái dấn thân phục vụ quên mình vì tha nhân. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Chúa Sẽ Cho Mọc Lên

Hiện nay, khi nhìn thấy những sự việc đáng buồn xảy ra trong Hội Thánh Công giáo như các vụ bê bối lạm dụng tính dục của một số giáo sĩ, phong trào đòi Giáo hội thừa nhận và chúc lành cho hôn nhân đồng giới, đòi cho các linh mục lập gia đình hoặc truyền chức linh mục cho phụ nữ và số lượng linh mục và giáo dân sụt giảm ở một số quốc gia … khiến nhiều người đâm ra bi quan về tương lai của Hội Thánh.

Tuy nhiên, dụ ngôn về hạt cải được thuật lại trong Tin mừng Marcô hôm nay củng cố lòng tin của chúng ta vào tương lai của Hội Thánh. Chúa Giêsu nói: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4, 31-32).

Khác với các giống rau cải tại Việt Nam, ở Israel, có giống cải mọc cao gần 3 mét, cành lá xum xuê, chim chóc rất thích ăn những hạt nhỏ bé của nó nên chúng thường tập trung thành đàn dưới những tàn lá của cây cải để tìm thức ăn.

Hình ảnh hạt cải nhỏ bé, một khi được gieo trồng xuống đất có thể phát triển thành cây cao cho chim trời núp bóng, gợi lên một tương lai sáng lạn của Hội Thánh Chúa trên hoàn cầu.

Theo Tin Mừng Matthêu, kể từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời tại Galilê với lời kêu gọi: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” cho đến hôm nay đã được 2.000 năm.

So với đời người ngắn ngủi thì 2.000 năm quả là một thời gian dài, nhưng so với lịch sử nhân loại trải dài hàng triệu năm, thì 2.000 năm là một khoảng thời gian tương đối ngắn.

Vậy mà qua khoảng thời gian nầy, hiện nay đã có chừng 2 tỷ 300 triệu Kitô hữu, là những người tin vào Đức Giêsu Kitô , sống khắp nơi trên thế giới, chiếm gần 1 phần 3 dân số thế giới!

Hiện nay, tuy có một số nước tại châu Mỹ và châu Âu có số lượng Kitô hữu tụt giảm, nhưng bù lại, có một số nơi khác trên thế giới, số lượng tín hữu tăng lên rất nhanh, đặc biệt là tại Hàn quốc và các nước Á châu.

Tương lai Hội thánh nằm trong tay Chúa
Cũng qua trích đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống âm thầm mọc lên để dạy ta biết chính Thiên Chúa định đoạt sự tăng trưởng của Hội Thánh mà không tùy thuộc vào sự can thiệp của con người.

Ngài nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Dù đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa ” (Mc 4, 27-29).

Việc làm cho hạt giống nẩy mầm, mọc lên, nở bụi, làm đòng, trổ bông, kết hạt… như thế nào là việc của Chúa chứ không phải là việc của người gieo hạt. Tương tự như thế, Hội thánh Chúa phát triển và tăng trưởng trải qua thăng trầm của lịch sử là việc Chúa lo. Bổn phận của người tín hữu là làm cho tròn trách nhiệm của mình trong hoàn cảnh hiện tại, không bận tâm đến tương lai.

Lạy Chúa Giêsu. “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho lúa lớn lên.” Xin cho chúng con hôm nay nỗ lực làm tròn sứ mạng Chúa trao là gieo vãi Lời Chúa vào tâm hồn những người chúng con gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày bằng tất cả thiện chí và khả năng, với niềm tin mạnh mẽ rằng: chính Chúa sẽ làm cho những hạt lúa Tin Mừng triển nở, đơm bông kết hạt, hứa hẹn một mùa lúa dồi dào trên quê hương chúng con.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Hạt Giống Tình Yêu
CN XI TN-B – (Mc 4, 26 – 34)

Hạt giống Ngôi Lời xuống thế gian

Hy sinh hiến tế cảnh điêu tàn

Chôn vùi hạt cải thân mục nát

Ẩn náu chim trời phận phúc an

Lặng lẽ đâm chồi bừng sức sống

Âm thầm triển nở ánh vinh quang

Nước Trời hiện diện vui mùa gặt

Hạnh phúc chan hòa trước Thánh Nhan.

Hạt Nắng

 

Hạt Giống Tình Yêu
CN XI TN-B – (Mc 4, 26 – 34)

Như hạt giống chôn vùi trong lòng đất,
chịu nát tan mới nảy mộng đâm chồi.
Sức bật vươn mình đón ánh nắng tinh khôi,
sương ân sủng cho lá cành tươi tốt.

Đem bóng mát cho hoa thơm trái ngọt,
phục vụ đời trong lặng lẽ khiêm nhu.
Hạt nhỏ bé mong manh giữa mây mù,
vẫn tăng trưởng trong tình thương Tạo Hóa.

Thương trần gian kiếp lầm than sa đọa,
Hạt giống Ngôi Lời chấp nhận kiếp nhân sinh.
Chấp nhận khổ đau chịu tan nát thân mình,
hy lễ đền tội máu hồng tuôn sự sống.

Tình lặng thầm trên đồi cao sống động,
Ánh Sáng Tình Yêu bao phủ khắp gian trần.
Tin Mừng Sự Sống loan báo đến muôn dân,
Nước Thiên Chúa vãi gieo mầm cứu rỗi.

Mầu nhiệm Nước Trời hồi sinh người tội lỗi,
Sức mạnh tình yêu vươn tới đỉnh yêu thương.
Ánh sáng Phục Sinh chân lý soi đường,
Vương Quốc Tình Yêu hiển dung cùng ngự trị.
***
Hạt giống chứng nhân trên dặm trường thiên lý,
cuộc sống lữ hành giữa nghịch cảnh, phong ba.
Trọn niềm tin yêu con tín thác nơi Cha,
chờ Mùa Gặt,
lòng tín trung,
hát khúc Tình Ca Người Gieo Giống.

Bâng Khuâng Chiều Tím

Hạt Giống Tình Yêu
CN XI TN-B – (Mc 4, 26 – 34)

Chúa đã đến trần gian – Hạt Giống Nước Trời,
để cứu rỗi con người, chịu nhiều cay đắng.
Bị chối từ – lệ tuôn rơi,
bị đóng đinh – giữa lòng người giá băng,
hạt giống vùi sâu – Phục sinh huy hoàng vinh thắng.

Chúa gieo giữa hồn con – Hạt Giống Lời Ngài,
giữa giông tố cuộc đời – gieo mầm nhân ái.
Bị dập vùi – hồn trung trinh,
rị rẻ khinh – giữa giòng đời điêu linh,
hạt giống quên mình – thủy chung son sắt chẳng phai.

Nước Trời hiện diện trong lịch sử loài người,
hiện diện nơi Giêsu,
hiến mình – gương hy sinh,
Hạt Giống Tình Yêu – ánh Tin Mừng tỏa chiếu.

Nước Trời hiện diện trong thập giá cuộc đời,
thầm lặng trong tin yêu,
chung tình trong cô liêu,
Hạt Giống Chứng Nhân – như làn gió mát mùa xuân.

Ôi! Vương Quốc Tình Yêu – trầm lắng, oai hùng,
mang ánh sáng nhiệm mầu, cho người hạnh phúc.
Niềm hy vọng – nguồn yêu thương,
niềm ủi an – giữa giòng đời gian nan,
Hạt Giống Nước Trời – Vinh Danh Thiên Chúa ngàn đời.

M. Madalena Hoa Ngâu

 

Hạt Giống Tình Yêu
CN XI TN-B – (Mc 4, 26 – 34)

Chúa đã vun trồng hạt giống tình yêu,
trên đồi Can-vê nắng vàng lịm tắt.
Gió chiều hiu hắt tan biến hư không,
hiến dâng máu hồng trổ sinh ngàn hạt mới.

Ánh sáng Nước Trời rọi chiếu trần gian,
tình nồng trao ban âm thầm dâng hiến.
Giòng đời vạn biến kiên vững niềm tin,
chứng nhân chung tình hạt giống quên thân mình.

Chúa chính là Hạt Giống Tình Yêu,
gieo vào trần gian mời gọi con chăm tưới.
Giữa lòng đời chia sẻ phận người,
gieo yêu thương niềm hạnh phúc Nước Trời.

Thánh lễ hằng ngày Chúa vẫn tặng ban,
Máu –Thịt hòa tan Tin Mừng tiếp nối.
Chờ mùa gặt mới vang khúc hân hoan,
vũ trụ sang trang viên mãn Quê Thiên Đàng.

Nắng Sài Gòn

 

Hạt Giống Tình Yêu
CN XI Thường Niên – B – (Mc 4, 26 – 34)

Hạt Ngôi Lời từ trời gieo xuống,
trong lặng thầm thửa ruộng trần gian.
Chịu mưa nắng chịu nát tan,
đem nguồn hạnh phúc vinh quang cho đời.

Đem ánh sáng Nước Trời chiếu rọi,
dùng tình yêu mở lối tâm linh.
Con đường sự sống phân minh,
hiến mình cứu chuộc phục sinh huy hoàng.

Như hạt cải nát tan trong đất,
mộng đâm chồi sức bật vươn cao.
Hồng ân nắng ấm, mưa rào,
cây to bóng mát chim vào trú thân.

Chúa đích thân ân cần gieo vãi,
Tiệc Lời Ngài thiết đãi toàn dân.
Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần,
âm thầm hoạt động chứng nhân Tin Mừng.

Nước Thiên Chúa từng ngày phát triển,
dẫu phong ba kiên nhẫn đợi chờ.
Chờ Mùa Gặt trọn ước mơ,
niềm vui vĩnh cửu bến bờ yêu thương.

Lời Chúa hạt giống khiêm nhường,
là nguồn ánh sáng soi đường con đi.
Nước Thiên Chúa – lệnh hồi quy …

AP. Mặc Trầm Cung